Hôm nay,  

Nhớ Về Người Cha

12/06/201900:00:00(Xem: 9169)

Nhớ Về Người Cha
Tác giả: Minh Nguyệt Graves
Bài số 5712-20-31519-vb4061219

Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi:
https://vvnm.vietbao.com/a246788/cong-chua-trieu-nguyen

***

Hồi mới qua Mỹ, tôi đi học English lớp ESL, cô giáo ra bài luận văn, “Who do you admire the most?” (Ai là người mà bạn kính phục nhất?)
Bạn có biết tôi đã viết về ai không? Thưa, tôi viết về ba tôi. Đại ý, tôi nói, vì ba tôi từng đi bộ từ Truồi lên Huế để học, dù mưa hay nắng, điều đó làm tôi khâm phục vô cùng.
Bài viết ngắn thôi, chỉ khoảng một trang giấy, tôi còn chèn thêm hình của ông lúc còn trẻ. Lúc in bài viết ra giấy để nộp cho cô, tôi in thêm mấy tờ để giữ làm tài liêu, và có ý định gởi cho ba tôi coi, (Ông ở Cali, còn tôi ở Texas,) nhưng rồi bận bịu tôi quên mất.
Rồi mấy năm sau đó, vô tình tôi tìm thấy bài viết của mình trong đống giấy tờ cũ, nên mới đem qua khoe với ba tôi. Lúc này ba mạ tôi đã dọn qua Austin, sống trong căn nhà do ông anh mua, rất tiện đường, nên ngày nào trước lúc tới chỗ làm, tôi cũng ghé ngang nhà chuyện trò với ông bà vài ba câu. Sáng hôm đó, đưa bài viết cho ba, tôi nói “Ba đọc bài ni coi có được không nè.”
Ba tôi đọc xong mới “phán” một câu xanh rờn, “Ai viết bài ni? Thằng Carl, chồng của con viết hả? Sức con mà làm răng viết được tiếng Anh như ri?”
Tôi cười, “Rứa là ba coi thường con quá! Con đi học, tự viết bài, dĩ nhiên là có sự giúp đỡ của cô giáo sửa lỗi chính tả, nhưng ý chính là của con chơ!”
Ba tôi cũng cười giả lả, “Ui chà, rứa thì có O con gái giỏi quá mà không biết chi trơn. Nhưng mà ba đi bộ khoảng 10 cây số thôi, không tới 20 cây như con viết mô! Đi chi nổi! Lúc đó không phải ở Truồi, mà ở dưới Thuỷ Dương.”
Có khoảng hai năm (2014-2016,) ba tôi sống với vợ chồng tôi ở Austin, nhờ đó mà tôi có cơ hội để nói chuyện nhiều về quá khứ của ông, cũng như biết thêm nhiều điều về cuộc đời ông.
Ba tôi sinh ngày 14 tháng 6 năm 1928, theo âm lịch là năm Thìn. Làm sao tôi nhớ được điều này? Tôi chẳng tài giỏi gì đâu, chỉ vì mạ tôi hay đùa, “Ba mi là Mậu Thìn, hèn chi cả đời nghèo, không có chi trơn! Mậu xìn là Không tiền.)
Chính xác ba tôi sinh ra ở đâu thì tôi không dám chắc, nhưng tôi biết quê nội ở Truồi, Phú sơn, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Hồi còn ở Việt nam, hàng năm tôi cũng tháp tùng bà con về quê làm đám giỗ.
Ông bà Nội tôi có 6 người con, ba tôi thứ 3, bà nội tôi mất sớm do bệnh. Ba tôi kể, "Thời ba lớn lên, đàn ông không bao giờ bước chân vào bếp.”
Tôi thắc mắc, “Vậy lỡ đói lấy chi ăn?”
Ông cười, “Khi nào cũng có người đàn bà trong nhà lo việc đó! Có lần ba về nhà nghỉ hè, buồn chân bước vào bếp định giúp bà nội nấu nướng thì bà Cố thấy được, đuổi lên nhà trên như đuổi tà!"
“Lạ rứa?” Tôi hỏi lại.
“Vì đàn ông phải lo việc đại sự, quốc gia, còn chuyện bếp núc là của đàn bà con gái. Bà cố nói, đàn ông mà lo mấy việc nhỏ nhặt đó thì “mụ” người đi!”
Ba tôi là người thích làm việc đầu óc hơn tay chân. Suốt ngày, ở nhà một mình, ông loay hoay với cái computer, nên không than buồn bao giờ. Cuối tuần, chỉ có ngày Chủ nhật tôi và các anh chị em trong nhà nghỉ làm, thì mới tranh thủ ghé thăm ông. Hai vợ chồng cậu em trai út, có con muộn, cũng bồng cháu sang thăm ông. Tôi nghe ông vừa chơi với cháu vừa nói, “Thời ông lớn lên, đàn ông không bao giờ chăm con. Ông có 9 người con, nhưng chưa bao giờ ông biết thay tã, tắm rửa, pha bình sữa cho con cả.”
Tôi nghe mà không tin vào tai mình, “Thiệt hả ba? Vậy ai giúp mạ khi có em bé, và nhất là khi đẻ năm một! Dính một chùm luôn đó chơ!” Tôi nói thật đó, Ngọ xong tới Mùi, hay Hợi, Tí, Sửu, Dần luôn một mạch!
Ông nói, “Đó là chuyện đàn bà, khi sinh con nhiều, nếu cần thì nuôi thêm Vú để phụ cho bé bú, chơ đàn ông không làm những việc vụn vặt nớ!”
Ba tôi là người rất dễ ăn, và không hề đòi hỏi con cái phải nấu nướng cầu kỳ, ông thường tự hào khoe với tôi rằng, “Mạ con cả một đời không hề phải vất vả lo cho ba chuyện ăn uống, vì khi ba lớn lên, ông bà nội gởi đi học xa, nên ăn uống đạm bạc quen rồi. Ăn thì vẫn biết món nào ngon, món nào dở, lúc còn làm việc, phải tiếp đãi phái đoàn này, phái đoàn nọ, mình cũng may mắn được đi nhiều nơi và thử nhiều món lạ, ngon, nhưng ba luôn quan niệm, ăn chỉ để mà sống, chơ không phải sống để mà ăn.”
Ba tôi kể lúc nhỏ, ông học hành rất sáng dạ, học đâu nhớ đó, chỉ có điều ốm yếu, đau hoài, nên cứ bị nghỉ học ở nhà, lúc học lớp 4, đau thương hàn cả 3 tháng, thành ra học trễ hơn chúng bạn.
Một dịp tôi vừa cắt tóc cho ba tôi, vừa nói chuyện, “Một trong những bài văn tiếng Việt mà con thích là bài Ngày khai trường của Thanh Tịnh,” thì ba tôi nói, Ông ta cũng là thầy của ba hồi học ở Quốc học đó. Rồi ba tôi đọc vanh vách, “Hàng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bac…”
Trong trường, người ta dạy bằng tiếng Pháp nên ba tôi nói, đọc và viết tiếng Pháp rất rành rõi, và sau này, ông tự học tiếng Anh, nhưng rất nhiều từ ông đọc theo tiếng Pháp. Ba tôi cũng tự học thêm tiếng Hán nữa khi ông nghiên cứu về đạo Phật. Hiện tại ở nhà tôi vẫn còn mấy tủ sách toàn tự điển, sách nghiên cứu về đạo Phật của ba tôi để lại, nhớ mạ tôi hay đùa, “Ba mi, tiền bạc thì không có chơ sách vở là đầy nhà!”
Như phần lớn đàn ông trên thế giới này, (tôi tin như vậy!) ba tôi quan tâm đến chính trị và là một người rất yêu nước Việt nam.
Ông kể, năm 1945, nghe lời theo lời kêu gọi của cách mạng, ông nghỉ học đi theo kháng chiến, ra tận ngoài Quảng Bình.
Tôi hỏi, “Rứa ba làm chi khi đi kháng chiến? Mới mười mấy tuổi chơ mấy? Bắn nhau hả?”


Ông cười, “Không phải bắn nhau, cả đời ba chưa cầm cây súng. Vì ba có đi học nên ngừơi ta giao ba làm việc giấy tờ, vẽ bản đồ, hành chánh mà. Nhưng được mấy tháng, ba bỏ về. Vì ba thất vọng quá. Người ta giết người, ác độc, ba không đồng tình. Đó không phải là thứ cách mạng mà ba muốn đi theo.”
Tôi lại hỏi, “Về rồi ba làm chi?”
"Ba đi học tiếp, ngành thông tin, ra trường làm cho đài phát thanh Quảng Trị, và nhờ đó mà cưới vợ Quảng trị luôn!
Tôi hỏi, “Ba thích đọc sách, thích xem phim, nghe đài, làm nghề đó là hợp quá. Rứa ba có kỷ niệm chi vui thời đó không?”
Ông bảo, “Có. Một hôm, trong một buổi lễ kỷ niệm ngày quốc khánh, có sự hiện diện của ông thị trưởng, ông giám đốc đài truyền thanh, cùng nhiều quan chức ban ngành khác của thị xã và chương trình có bài phát biểu của ông An, một người lính chiêu hồi, mục đích là để ca tụng cuộc sống mới ổn định, không bị trù dập. Ai dè, tới khi phát biểu, ông An lại nói ngược, tuy không chê miền Nam, nhưng ông cứ khen đáo khen để miền bắc! Trong khi ba đang “chết đứng" về bài phát biểu của ông An, vì thấy ông thị trưởng mặt đỏ bừng vì giận, còn ông giám đốc đài thì mặt nhăn nhó, lúng túng ra hiệu cho ba, “Phải làm sao giờ anh Bạch?”
Đang suy nghĩ trong đầu, thì ba lanh trí, lợi dụng khi ông An ngưng lời để lấy hơi, là ba giành lấy micro, rồi ba nói nửa đùa nửa thật. Cuộc sống miền Bắc tốt đẹp như vậy, mà ông phải bỏ để vào miền Nam, là đủ thấy sức hấp dẫn của xã hội tự do mạnh mẽ đến nhường nào! Và tiếp theo là phần văn nghệ. Nhạc được phát lên, ai cũng thở phào nhẹ nhõm, không ai bị mất mặt, cũng không ai bị bắt lỗi cả, còn ba thì được ông giám đốc khen như rứa thì thôi, ông nói, anh Bạch xứng đáng làm ngành truyền thông, một câu nói đúng lúc, đúng chỗ, làm ai cũng vui lòng!
Nhưng cũng vì chuyện đó, mà ba tôi lại gặp rắc rối trong chuyện tình cảm.
Ông kể là lúc đó, ông đã yêu mạ tôi, muốn lấy làm vợ. Nhưng ông giám đốc thương ba tôi quá, nên cứ gán ghép cho con gái của ổng. Sau khi ba tôi thật thà khai báo là đã có ngừơi yêu thì ổng giận, còn cô con gái ổng thì đi nói xấu ba tôi, còn tới nhà ông bà ngoại tôi để đặt điều vu khống, xém chút nữa là chuyện tình duyên của ba mạ tôi không thành! Nếu ra cơ sự đó, thì tôi cũng chẳng có để ngồi đây mà viết chuyện ngày xưa của ba tôi!
Ba tôi là một người lịch lãm và rất lịch sự với phái đẹp. Mỗi lần ông đi đón ai ở phi trường, thì cho dù đó là con cháu gái trong nhà, ông cũng luôn mua hoa, nếu có cháu nhỏ thì phải có cả bong bóng nữa. Còn như mới gặp phụ nữ lần đầu, thế nào ông cũng hôn tay họ, (nhưng ông không ôm họ như người Mỹ) tôi đoán là vì ông chịu ảnh hưởng văn hoá người Pháp chăng?
Nhớ có lần cô nhân viên sở xã hội tới kiểm tra tình hình sức khoẻ của ông để cho thêm người tới phụ với gia đình chăm sóc, tôi dặn lui dặn tới, ba đừng có cố gắng đứng dậy hay đi lui đi tới nhiều, rồi họ tưởng ba khoẻ họ không cho mô đó. Vậy mà, y như tôi dự đoán, lúc cô y tá chào ra về, ông đang nằm vậy mà nhất quyết ngồi dậy để hôn tay cô chào tạm biệt!
Ba tôi có thể xem là người may mắn, nhiều lần ông bị tai biến, vậy mà không bị biến chứng, đó cũng là phước đức lắm. Cách đây đúng 3 năm, buổi chiều ăn cơm xong, ông ra sân phụ với chồng tôi dọn vườn để đón cô em của ông từ Hawaii qua nhân dịp sinh nhật và lễ Father’s Day. Ông chồng tôi lúi húi ở trong garage, ông ngoại đang quét sân trước, thì cảm thấy rất mệt, biết có chuyện chẳng lành, ông tìm cách ngồi xuống cái ghế băng gần đó, rồi ông mê luôn…
Tôi đang ăn cơm tối với hai đứa con gái, thì nghe chuông cửa reng, bé Sa ra mở cửa thì cô hàng xóm, đang chạy thể dục, vừa thở hổn hển vừa chỉ ra cái ghế băng, “Có một ông già người châu Á nằm bất thường ngoài kia, gia đình ra kiểm tra nhé.” Chúng tôi hối hả gọi 911, chỉ chưa đầy 5 phút, xe cứu hoả, cứu thương tới, và trong khi chờ đợi, cô nhân viên cảnh sát hướng dẫn cho chúng tôi cách thức sơ cứu.
Mấy phút sau thì ba tôi tỉnh lại, ông cười tươi như không hề có chuyện gì xảy ra. Trong khi kiểm tra, họ để ông nằm trên xe cứu thương, và nói chuyện. Ông hỏi, “Cô y tá à, tôi có một yêu cầu.” Cô y tá nhoẻn miệng cười rất dễ thương, “Ông cứ nói.” Ba tôi bảo, “Tôi có thể hôn tay cô để cám ơn cô đã chăm sóc cho tôi không? Và tôi có thể ở nhà chứ?” Cô ấy cười, “Ông có thể hôn tay tôi, nhưng ông vẫn phải đi bệnh viện!”
Như những ngừơi cùng thời, sau năm 1975, ba tôi bị đưa đi cải tạo ở Tiên Lãnh, Tiên Phước 8 năm trời. Sau khi được thả về, ông dành toàn bộ thời gian giúp mạ tôi làm bánh và học Phật pháp. Ông có học cách tụng niệm với thầy ở chùa Diệu Đế, và với thầy trên chùa Thiên Minh. Ông đọc và viết suốt ngày, rồi ông bắt ba chị em tôi (ba đứa nhỏ nhất nhà, hồi đó khoảng 22, 20 và 18 tuổi) sáng nào cũng ngồi nghe ông dạy Phật pháp cỡ 2 tiếng đồng hồ.
Cũng nhờ đó mà cho tới bây giờ, tôi vẫn thuộc nằm lòng bài Chú Đại Bi, “Nam mô hắt ra đát na đá ra dạ da, nam mô a lị da bà đô kiết đế, thất phật ra lăng đà bà…” Và cả bài Kinh Bát nhã nữa, “Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã, ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách. Xá lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, thọ tưởng hành thức diệt phục như thị…”
Chuyện về ba tôi thì còn nhiều lắm, cả cuộc đời thăng trầm của một con người hơn 90 năm, thì làm sao trong một bài văn có thể kể hết được?
Tôi chỉ biết khấn cầu ơn trên phù hộ cho ba tôi được sức khoẻ, còn tiếp tục yêu người yêu đời, lạc quan để sống.
…"Đêm đêm thắp ngọn đèn trời / Cầu cho cha mẹ sống đời với con!"
Nhưng rồi một ngày kia, ông bác sĩ bảo rằng ba tôi bị bệnh nặng, chỉ sống cỡ vài tháng nữa thôi...
Và sau gần mười ngày phải vào bệnh viện cấp cứu, xế chiều một ngày giữa tháng 10, khi ngoài trời gió mây vần vũ, xám xịt u ám, những hạt mưa buồn hiu hắt đã khóc tiễn ba tôi ra đi, ông về mạ tôi!
Thế là từ nay, tôi bị mồ côi! Đau xót quá!
“Có cha có mẹ thì hơn! / Không cha không mẹ, như đờn đứt dây!”
Năm nay là năm đầu tiên lễ Father’s Day tôi không có ba!

Austin, Texas 2019
Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
14/06/201906:56:56
Khách
Chuyện thật bài giờ cũng dễ gây xúc cảm cho người đọc. Tôi cũng có dịp gặp Bác V. Bạch mấy lần. Già nhưng minh mẫn, dễ thương chi lạ. Đọc chuyện này trong khi trên đường đi Denver thăm một người thân quen bệnh nặng nên dễ “thấm” với cách diễn tả của tác giả. Cám ơn.
14/06/201901:02:12
Khách
Xin cám ơn chị Kimdung, anh Vĩnh Chánh. ❤️❤️❤️
12/06/201922:17:30
Khách
Chi Minh Nguyet viet bai nay cam dong qua !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,321,068
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Ngày 14 Tháng Sáu sắp tới sẽ là Father’s Day 2019, mời đọc bài viết của tác giả Phước An Thy. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2919. Ông cho biết có cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979. Qua Mỹ năm 1998, ông hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết thứ hai của ông có lời ghi “Viết cho sinh nhật đầu tiên của cháu ngoại. Tựa đề được đặt lại theo nội dung: “bật mí” là âm nói lái của “bí mật.”
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.