Hôm nay,  

Đem Theo Quê Hương

25/04/201900:00:00(Xem: 11458)
Tác giả: Hồ Nguyễn
Bài số  5671-20-31477-vb5042519

Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.  Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, dựng ngiệp rồi giữ nghiệp trên đất Mỹ. Sau đây, thêm bài viết mới nhất.

cay roi
Cây mận (roi) đơm trái.

Ho Nguyen & trai mit
Và trái mít 50 pound.

***

Không biết ông nhà văn di cư nào đã viết một câu xúc động “Chúng ta đi, đem theo quê hương.” Với gia đình chúng tôi, quê hương gần gụi nhất là là vườn cây, ao cá... là tình làng nghiã xóm của cô bác thân thương.

Những hình ảnh và ký ức ấy vẫn bám theo tôi suốt mấy chục năm bôn ba đó đây. Dù bươi trải kiếm sống trên quê mới, vẫn hàng mơ có ngày tìm được một nơi dựng lại vườn quê cũ.

Cho đến năm hai ngàn không trăm... hồi đó, tôi đang sống và mở nhà hàng ở Buffalo, NY., nhân một chuyến nghỉ hè đưa gia đình đi Florida chơi, thấy khung cảnh và khí hậu ở đây sao giống Việt Nam quê hương mình quá. Với bản tính nông dân, cứ thấy chỗ nào có nước, có cá, có đất làm vườn là tôi mê tít.

Thế là tôi quyết định tìm đường dọn về đây. Chuyện di dời nhà hàng, tìm kiếm chỗ nương náu khá tốn phí, nhưng rồi cũng xong. Tiệm “Phở K5” khai trương ở vùng Orlando được bà con đồng hương chiếu cố, giấc mộng làm vườn cũng từng bước thành hình.

Căn nhà đầu tiên có vườn, có hồ khá lớn mà có rất nhiều cá sau nhà, nhưng mảnh vườn hơi nhỏ. Sau gần 5 năm gầy dựng, trồng tỉa, vườn cây trái tuy ít nhưng cũng xum xuê. Xoài ổi đã có trái được vài năm, mía thì năm nào cũng có. Cây saboche rất nhiều trái, cây vải năm rồi hái được chừng 50 pound.

Riêng cây mít năm đầu lạnh quá nó chết mất tiêu, rồi năm sau từ gốc cũ nó chồi lên mầm mới, sau đó mỗi năm đến mùa đông tôi phải trùm chăn cho nó. Đến năm rồi mới bói được một quả, lúc hái cân được 50 pound.

Được cái mùa đông vùng Orlando này chỉ kéo dài chừng vài tháng, mà hầu hết nhiệt độ cũng lòng vòng ở khoảng trên dưới 40 F nên dù cây nhiệt đới cũng có thể cầm cự được. Thỉnh thoảng bị vài ngày xuống đến 30 độ F thì các cây nhiệt đới mới lâm nguy. Vì vậy các giống không chịu được lạnh như: mận chuông, măng cầu, vú sữa... thì phải trồng trong chậu lớn, đến mùa đông thì đem vô garage cho chắc ăn.

Chưa thoả chí trồng trọt nên tôi tìm mua thêm được một căn nhà khác có đất rộng hơn. Hôm bà con anh em ở nhiều tiểu bang đến dự đám cưới con Lily nhà tôi, có người than thở: "Sao chú Hồ lại tìm đến chỗ khỉ ho, cò gáy này? Nhà thì ở bìa rừng, hồ thì chả thấy nước, toàn bèo với cỏ lác đan kín..." Nghe thanh, tôi nghĩ trong đầu việc di dân lập ấp của cụ Dinh Điền Sứ thủa nào và câu thơ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ.

May mà có  ông anh cũng hào hứng góp ý "Nhà ngươi phải làm như vầy...như vầy...." Nghe lời anh nên tôi sắp đặt một kế hoạch lâu dài.

Ở ngay bià rừng là chuồng gà.  Muốn cho an toàn không bị thú rừng như: chồn, chó sói, chuột chù hay cá sấu tấn công, chuồng phải làm chắc chắn, bao phủ bằng lưới thép B40 và cao hơn đầu người, phải đủ rộng để vài chục chú gà tung tăng ban ngày; bên trong có một chuồng nhỏ hơn để phòng khi mưa nắng, giông bão và phải có hai tầng để có chỗ cho gà mái đẻ.

Sau khi làm xong thì trồng vài gốc dưa tây, chỉ mấy tháng là dây leo tươi tốt, lá bao phủ hầu hết phần mái, rồi hoa trái sẽ xum xuê. Tôi rất thích loại dưa này. Mỗi lần về thăm quê thế nào các cháu cũng kiếm cho vài quả ăn lấy thảo. Cái vị chua chua ngọt ngọt mà thơm lừng cuả dưa tây chín,  nạo ra dằm với chút đường và nước đá bào là hết ý.

- Bờ hồ thì phải làm cỏ cho sạch rồi thả rau muống. Rau muống xanh thì xào tỏi, luộc chấm nước chanh ớt, đôi khi có thèm thì làm một cái lẩu canh chua cá, rồi tả pí lù với các loại rau thì cũng đỡ nhớ quê nhà.

Còn có loại rau muống đỏ ngày xưa mọc tràn đồng ở miền Tây, cọng rất to nên chẻ ra để ăn sống với bún riêu- bún bò.

Sau này khi rau muống mọc và lan ra rất nhanh, chả làm gì cho xuể, đành cắt rồi thái nhỏ cho gà ăn.

Cạnh lối đi bộ quanh vườn thì trồng mấy bụi bạc hà, để thỉnh thoảng nấu nồi canh chua còn có rau tươi mà dùng. Loại bạc hà mình trồng ở vườn nhà sao mà nó dòn và ngọt ngào, không giống như mua ngoài chợ, nhiều khi dai nhách mà ăn cứ ngưa ngứa ở cổ họng.

Đồ ăn cho gà là: rau, bún, cơm, phở... thừa từ nhà hàng đem về, trộn với rau muống nhà thì chuồng gà lúc nào cũng phải có dăm chục con ăn mới hết. Bởi vậy phải có hai chuồng, một bên là gà đẻ, một bên gà thịt.

Phân gà cào ra đem ủ với cỏ và lá cây độ vài tháng thì nó biến thành đất phân, loại này mà đem bón cho dưa gang, dưa hấu và cây ăn trái thì tốt hơn phân hoá học, lại được coi là organic.

Trên bờ thì trước hết là trồng một hàng đu đủ. Trái xanh hầm gà, chín hường hường gọi là mỏ vịt thì làm gỏi khô bò, chín thì xẻ ra làm món tráng miệng.

Phần quan trọng nhất là lá, hái xuống thái nhỏ, phơi khô rồi gửi xuống cho bà Lang, bà ấy sẽ bán  ̣hoặc tặng cho người đang mắc bịnh ung thư. Nghe nói vị thuốc này  trị bịnh ung thư rất...hiệu nghiệm.

Kế bên chuồng gà tôi trồng ít bụi riềng, dăm bụi sả để có gia vị mà làm món rựa mận thịt dê. Đặc biệt là lá mơ, đinh lăng và lá nghệ để ăn gỏi cá.

Florida là một bán đảo, xung quanh có quá nhiều bờ biển, các loại cá to nhỏ sống bên bờ biển rất nhiều. Đêm đêm bạn bè rủ nhau chạy ra bờ biển câu thì chả thiếu gì cá tươi, bắt được cá măng thì đem về làm chả, ăn cũng gần giống như chả cá thác lác bên nhà. Câu được cá lù đù thì ướp xả ớt chiên hay xẻ ra trụng nước muối rồi phơi một nắng. Ôi! Còn gì ngon bằng.


Cái hồ sau nhà tôi thì quá nhiều cá nước ngọt: lóc, rô, phi, lươn ...thứ nào cũng có  y như vùng U Minh thời xưa.

Tuổi già mà sáng sáng xách cần câu đi nhắp cá vừa vui vừa vận động cho có sức khỏe... Nhất là chèo thuyền ra giữa hồ mà câu ba-ba còn thích thú hơn nữa, chỉ chừng một tiếng đồng hồ là bắt được mấy chú, từ vài, ba pound đến mấy chục pound. Loại này mà nấu cái lẩu cari, chuối xanh thì lai rai cũng được vài-ba xị.

Củ nghệ là vị thuốc chữa lành các vết bỏng vì dầu ăn, nước sôi...mà người làm bếp như chúng tôi vẫn thường gặp. Bây giờ thì củ nghệ lan ra rất nhiều, nay mai phải quảng cáo "Hay liên lạc với Cô Vân Thuốc Nghệ" để may ra kiếm được chút tiền để đi làm phúc.

Bên trên vườn rau muống là dàn bầu và mướp, mỗi bên một gốc. Lúc đầu tôi vẫn đinh ninh và ngâm nga câu: "Bầu ơi thương lấy mướp cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Nào ngờ dây mướp mọc nhanh lại sống lâu nên chen lấn bao phủ cả giàn. Không hiểu tại đất hay tại khí hậu phù hợp mà giống mướp ở đây rất tốt và nhiều quả. Mỗi ngày hái vài chục quả thì ăn làm sao cho hết. Có mấy người thân quen đem cho riết rồi họ cũng chán không thèm lấy nữa. Ngược lại bầu chỉ sống chừng ba tháng rồi héo úa dần.

Nói về chuối sứ, Mỹ gọi là chuối Thái, nhưng ở quê tôi họ gọi là chuối Tây.

Như đã nói ở trên, hồi chúng tôi mới về Orlando anh bạn ở Cali gửi cho 3 gốc để mừng nhà mới. Thật qúi hóa nhưng nhìn gốc chuối héo hon, lăn lóc sau khi vận chuyển từ Cali đến Orlando mà tội nghiệp. Tôi đem trồng cả tháng mà chả thấy nhúc nhích thay đổi gì, phần trên cứ càng ngày càng thối đi. Không ngờ sau này phần củ mọc mầm rồi lớn dần. Bây giờ sau 8 năm nó lây lan ra mấy chục cây mẹ và hàng trăm cây con. Cây con thì bứng lên trồng vào chậu để bán cây giống.

Chuối sứ dùng được từ lá, hoa đến quả: lá bán cho người ta gói bánh chưng, bánh tét; hoa chuối đem ra tiệm thái mỏng trộn với rau sống để bán bún bò, bún riêu; quả thì chiên, luộc, nấu chè, gói bánh... món nào cũng là đặc sản.

Anh bạn còn khuyến khích nhớ nuôi bầy vịt để lâu lâu bạn bè ở xa về thì làm cái lẩu vịt nấu chao - rau muống, hoặc anh nào bạo miệng thì làm dĩa tiết canh mà  đãi. Nuôi vịt thì chỉ cần làm chuồng sát bờ hồ, chúng sẽ lội xuống hồ tìm nghêu sò, ốc hến, cá con... mà xơi.

Nói đến tiết canh vịt thì cần gừng, hành, rau răm, húng cây, tía tô, ngò om... tóm lại tất cả các loại rau thơm tôi cũng đã chuẩn bị mỗi thứ vài chậu để phòng khi... Nhưng một hôm ra cầu ao thì thấy chú cá sấu gác mỏ mà ngó trừng trừng, sau này mới biết có 4-5 chú thay nhau mỗi sáng ghé đến thăm hỏi, chào đón khi mẹ các cháu đem rửa khay đồ ăn gà. Kể ra vì chúng còn nhỏ, chỉ từ 3-4 feet nên còn vô hại đối với con người, nhưng chắc chúng không tha đàn vịt, nên giấc mộng nuôi vịt đành gác lại.

Riêng mía thì trồng được 3 luống, hiện nay đã cao chừng thước rưỡi. Mấy năm trước đã mua một cái máy ép, đã sắm sửa được dao róc vỏ.

Đã thấy mấy bụi khóm đơm trái ở góc vườn.

Bây giờ mà có khách thì có ngay ly nước mía nguyên chất thơm mùi khóm, trái quất (trái tắc).

Họ nhà cam như: Chanh, quít, bưởi, quất, cam chua ...rất dễ trồng và mau có trái. Mấy cây quất vừa làm cảnh trông vui mắt mà vắt lấy nước cũng thơm ngon. Nhất là ép chung với nước miá thì chả khác gi nước mía Viễn Đông ở Saigon hay Bolsa.

Người bạn còn dặn: Phải buôn tận gốc, bán tận ngọn.

Gần một năm nay tôi đã cố làm theo lời anh: Nuôi gà lấy thịt bán Phở, trứng thì chiên lên bán cơm.

Đồ ăn thừa ngoài tiệm thì đem về nuôi gà. Gà lớn lên, đẻ trứng ấp nở ra gà con như truyện cô Bennett bán sữa của La Fontaine... thì cứ thế mà kiếm tiền, chả mấy chốc sẽ giàu quật lên.

Nhưng rồi  mình tính là một chuyện, còn làm được hay không là việc khác.

Gần đây bà lão nhà tôi có hơi vất vả hơn hồi trước, nên nay kêu nhức vai, mai kêu mỏi cổ.  Tối đi làm về nay kêu đấm chỗ này, mai bắt bóp chỗ kia...Mệt bở hơi tai.

Còn có mỗi một đứa con gái theo đuổi nghề "Phở" của cha, cũng than thở với mẹ nó: "Má ơi! Con học xong đại học rồi mà không đi làm được, mai mốt không chừng phải học lại.

Tôi tâm sự việc này với người bạn làm nghề địa ốc, tính bán tiệm. Rồi vừa buồn ngủ thì gặp chiếu manh: Có ông kia cũng đang làm chủ một cái nhà hàng, đến ngỏ ý muốn mở mang thêm vài cái nữa.

Và việc phải đến đã đến.

Chúng tôi đã dự tính "Âm thầm đóng cửa", nên gần đến ngày giao tiệm mới thông báo và có lời cám ơn khách hàng trên facebook. //www.facebook.com/phok5orlando/

Vậy mà hai ngày cuối cùng khách hàng  kéo đến thật đông đảo. Hầu hết ai cũng nói lời chia tay và chúc may mắn. Cũng có một số người rơi nước mắt sau khi ăn bữa tiệc ly thật cảm động. Thế là:

Phở K. 5 đóng thật rồi

Không còn đâu nữa để mời bà con

Từ nay muốn có phở ngon

Muốn tô tái béo vè dòn... tìm đâu?

Cũng từ nay: vườn rau quế, lá lốt, rau răm, tía tô...không còn chỗ xài, đặc biệt đàn gà chắc là bị ế. Hai con khỉ già chúng tôi thì bắt đầu thất nghiệp. Cứ quanh quẩn trong nhà không chừng lại chạo nhau suốt ngày.

Nhưng có một điều an ủi. Quê hương thì đã ngàn dặm xa xôi, muốn về thăm mồ mả tổ tiên, thăm làng xưa lối cũ, thăm cô bác xóm giềng... phải mất hai ngày đường, chuyển đổi ba chuyến bay. Nhất là vừa mới đến phi trường đã gặp những bộ mặt khó dễ của bọn cán bộ hải quan muốn ăn hối lộ; rồi mỗi ngày phải chứng kiến những bất công của nhà cầm quyền đối với dân lành... thì lại thấy nản chí.

Thôi thì đành đem theo hương vị quê nhà bằng cách làm vườn, trồng cây, câu cá, nấu các món ăn một thời,  để tìm lại chút hạnh phúc ngày xưa.

Hồ Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
26/04/201903:52:09
Khách
Năm xưa tôi cũng qua Florida tậu nhà trồng cây tính về hưu luôn bên đó. Cái vườn sau to nửa mẫu cũng có đường mương chảy chung quanh để tưới cây nuôi cá. Nào ngờ mộng không thành phải về lại Oklahoma vì công việc.
Giờ thấy vườn cây ăn trái của tác giả mê quá. Không biết mai sau về già có được cái ao rau muống như của tác giả hay không?
Chúc mừng cho tác giả và gia đình.
25/04/201911:45:49
Khách
Thấy Chú tả mảnh vườn đã quá, muốn được chiêm ngưỡng ghê. Nếu được Chú cho hầu rượu nữa thì còn gì tuyệt bằng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,764,574
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Nhạc sĩ Cung Tiến