Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_970x250_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Niềm Vui Tuổi Hạc

20/04/201900:00:00(Xem: 12772)
Tác giả: Lê Nguyễn Hằng

Bài số  5666-20-31472-vb7042019

 
Tác giả  là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 
***
 

Mỗi buổi sáng khi tung mền ra khỏi giường, nhiệt độ thay đổi thình lình là ông Lê hắt hơi liên tiếp một tràng năm sáu cái “chào buổi sáng” làm bà Diệu thức dậy nhưng bà vẫn nằm yên, lắng nghe những tiếng động thân quen trong nhà.

Tiếng máy sưởi chạy xào xạc, tiếng dép của ông Lê di chuyển trên sàn, tiếng ho khan, tiếng tằng hắng, tiếng mở cửa phòng tắm, tiếng vòi nước chẩy và tiếng chân nhè nhẹ đi ra ngoài.

Khi bà Diệu dậy lo xong phần mình thì nghe thấy tiếng reo của ấm nước đang sôi, bà đi ra ngoài bếp thì ông Lê vừa ngồi xuống ghế nơi bàn ăn, ông với tay lấy hũ coffee cream và mấy viên đường, rồi tiếng muỗng lách cách khuấy trong ly và mùi cà phê tỏa ra ngào ngạt đánh thức khứu giác vào buổi đầu ngày.

Ông Lê nói:

- Cà phê của em có rồi đó.

Bà Diệu gật đầu:

- Ừ, thơm quá, bây giờ em làm thức ăn sáng.

Bà mở tủ lạnh lấy 2 khúc bánh mì và 3 quả trứng. Bà bỏ bánh mì vào lò nướng rồi làm trứng ốp la, hai quả cho ông và một cho bà.

Khi bà vừa ngồi xuống thì ông bắt đầu kể lể:

- Ông Trời này quá quắt thật, ổng cộng trừ nhân chia chi li từng tí với người già. Đêm hôm trước anh ngủ được sáu tiếng, dôi ra một giờ đồng hồ là sáng nay ông ấy đòi lại và bắt mình thức dậy ngay sau bốn tiếng, không sai một li nào cả.

Bà Diệu đáp:

- Tuổi này ngủ năm, sáu tiếng một đêm là đủ rồi, thôi đừng kêu ca gì nữa.

Ông Lê hỏi:

- Chiều nay chủ nhật, mấy đứa nhỏ về như thường lệ chứ hả?

- Ừ. Anh lo ăn sáng kẻo nguội.

Ông Lê chợt chỉ tay ra ngoài hàng hiên:

- Mấy cây lan của em bị đổ xuống rồi kìa.

Cả ba tháng nay mưa gió liên miên, tốc mấy cây hoa rơi xuống sàn gỗ, đất văng tung tóe. Bà Diệu nhìn ra mà lòng xót xa.

Ăn xong, ông Lê bưng ly chén xuống bếp rồi vào phòng computer đọc và trả lời thư từ trên mạng. Bà Diệu dọn dẹp và rửa bát vội vàng, nóng lòng ra sửa sang lại những chậu hoa.

Bước ra sân, thấy chung quanh cây cỏ như bừng lên sức sống, thức dậy sau mùa đông giá lạnh và những trận mưa đầu xuân. Những cây ăn trái bắt đầu nhú lá non tươi mơn mởn. Cây quân tử lan màu cam đỏ đẹp rực rỡ bên cạnh chậu tú cầu màu xanh dương trang nhã. Thoang thoảng mùi đất ẩm nhưng vẫn không lảm giảm được hương thơm nhẹ nhàng của hoa lan tím và nồng nàn của bụi lan trắng. Bà Diệu vực mấy chậu cây đứng lên, hốt đất và gỗ vụn đổ lại vào chậu rồi vun cho đều. Bà tự an ủi, may quá chỉ gẫy có hai cành hoa.

Ông Lê và bà Diệu lấy nhau hơn năm chục năm, bây giờ đã lớn tuổi, mà hai ông bà vẫn còn xưng anh em chứ không đổi thành ông, bà và tôi như nhiều cặp vợ chồng khác. Thỉnh thoảng các bạn chọc ghẹo bảo rằng, “Hai người còn tình dữ há”, bà nói, “Quen rồi, thay đổi sao khó quá, nhà tôi ông ấy thường bảo cái gì đang yên lành thì chớ sửa đổi, Mỹ cũng có câu ‘Don’t fix what is not broken’ đấy thôi.”

Vừa đẩy mấy chậu hoa vào chỗ khuất gió và quét dọn sàn gỗ cho sạch sẽ, bà vừa nghĩ đến câu chuyện giữa bà và thằng cháu ngoại. Cách đây ba năm, lúc Nicholas mới tám tuổi, khi bà Diệu hỏi nó: Lớn lên cháu muốn làm nghề gì.

Thay vì nói sẽ làm cảnh sát hay lính chữa lửa như những anh Mỹ con khác thì cậu bé tóc vàng này nói rằng: Cháu sẽ mua hãng Google.

Bà Diệu ngạc nhiên hỏi: “Thật hả? Sao cháu lại chọn hãng đó?”

Nicholas trả lời tự nhiên không chút ngập ngừng:

Tại vì Google biết tất cả mọi điều, cần gì cứ hỏi Google là có ngay, cháu vẫn bảo Má cháu như vậy.

Bà Diệu hỏi tiếp: “Thế tiền đâu mà cháu mua hãng Google, hãng đó lớn lắm cháu biết không?”

Nicholas ngây thơ đáp: “Cháu sẽ để dành, thằng Aron và Bryan bạn cháu cũng đòi chung, thiếu bao nhiêu thì cháu mượn ba má cháu và ông bà ngoại.” Bà Diệu lại hỏi: “Làm sao cháu có thể cai quản một hãng khổng lồ như vậy được?

Nicholas đáp: “Cháu sẽ học thật chăm, đọc thật nhiều sách. Cái gì không biết cháu sẽ hỏi ba cháu và ông bà ngoại. Bà lo giữ tiền (phần tài chánh) còn Cậu Út lo an ninh cho cháu là được rồi.”

Bà Diệu nghĩ thầm, khi mình bằng tuổi nó chỉ biết chơi chuyền, rải ranh, ô quan, nhảy lò cò với các bạn cùng trang lứa, đời nào dám nghĩ đến chuyện sau này sẽ mua một tiệm tạp hóa nho nhỏ để buôn bán chứ đừng nói đến một cửa hàng, thế mà thằng bé này mới ngần ấy tuổi đã biết nó muốn gì và phải làm gì cho tương lai, bà xoa đầu nó và thì thầm “Bà phục cháu quá. Đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”

Ba nó sau khi tốt nghiệp đại học, đã rủ bốn người bạn cùng lớp lập ra một hãng nhỏ trong nhà chứa xe, chế tạo ra chất liệu để làm những món hàng dùng cho Bộ Quốc Phòng, hãng phát triển rất nhanh và thành công. Bây giờ nó cũng định theo chân ba nó làm kinh doanh. Cũng chẳng biết chừng, con nít nói rồi lớn lên có khi làm thật.

Xong việc ngoài vườn, bà Diệu trở vào bếp nấu miếng xôi trong nồi cơm điện để ăn với lạp xưởng cho bữa trưa. Cậu con Út rất thích món này nên bà làm dư ra để cho nó đem về nhà tối nay.

Ăn xong, như thường lệ, ông Lê nằm trên chiếc ghế dựa ở phòng gia đình coi truyền hình và thiu thiu ngủ, còn bà Diệu vào trong ngả lưng một tí trước khi bận rộn nấu bữa chiều cho con cháu.

Bà chợt nhớ đến mới mấy tháng trước đây, khi ông Lê xem trận Super Bowl giữa hai đội Los Angeles Rams và New England Patriots trên đài truyền hình, quen lệ bà Diệu mang thức ăn để lên chiếc bàn nhỏ và rang bắp trong lò vi sóng.

Ông Lê rất mê foot ball nhưng xem một mình thì buồn nên đã chỉ vẽ cho bà để hai vợ chồng cùng coi cho có người bàn cãi và hoan hô. Với lại ngày xưa lúc còn đi làm, bà Diệu hay đi ăn trưa với bạn bè và khách hàng, nên cũng phải biết để góp chuyện với họ, bà không muốn mình cứ ngồi đơ ra như vịt nghe sấm khi họ bàn tán về thể thao, thế rồi từ chiều chồng bà cũng mê xem lúc nào không biết.

Hai người vừa coi trận đấu rất hồi hộp vừa nhai ròn rã, bỗng ông Lê “á” lên một tiếng, nhăn mặt rồi đem tô bắp để lên bàn và nói:

- Mấy cái răng của anh nó kiếm chuyện rồi. Chắc từ nay không ăn đồ cứng được nữa đâu.

Bà Diệu nói:

- Thôi anh ăn pizza vậy.

Bà liếc qua nhìn ông Lê, thấy mái tóc của chồng bây giờ thưa thớt, muối nhiều hơn tiêu trên khuôn mặt gầy gò, điểm đồi mồi cùng những nếp nhăn hằn trên trán và hai đuôi mắt, khiến lòng bà chùng xuống, ngậm ngùi thương cảm cho người bạn đời. Tuổi thanh xuân của hai người đã vội vã trôi đi theo dòng đời xuôi ngược, nhưng bà vẫn thầm cám ơn trời là hai vợ chồng đã nhờ tình yêu thương chung thủy, cùng nhau vượt qua bao nhọc nhằn, khổ đau, mất mát và còn có nhau yên bình trong buổi hoàng hôn của cuộc đời.

Mới ngày nào…trung tâm nơi bà Diệu làm việc đang sửa sang nên mượn tạm hai phòng trên tầng lầu dư chưa dùng tới của ty ông Lê trong Tòa Hành Chánh Tỉnh, tiếng guốc Đa Kao của bà ở trên lầu gõ lộp cộp làm ông nhức đầu và định lên “khẻ chân cái cô mang guốc cao gót”, nhưng khi gặp Diệu, một cô em bắc kỳ nho nhỏ, tha thướt trong chiếc áo dài lụa Hà Đông và nói năng dịu dàng thì ông đổi ý, không còn muốn khẻ chân cô ấy mà lại thăm hỏi vồn vã rồi mời đi ăn trưa để chào đón “người hàng xóm” mới.

Sau đó hai người đã trở thành đôi bạn luôn quấn quít bên nhau và ông Lê thường thân mật gọi bà Diệu là “kẹo chanh” vì tóc bà thơm mùi nước bồ kết nấu với lá hương nhu và nước cốt chanh. Kết quả là hai người nên duyên vợ chồng và có ba đứa con cùng bốn đứa cháu ngoại.

Bây giờ sau mấy chục năm lên thác xuống ghềnh, ở tuổi này tình nghĩa vẫn gắn bó keo sơn. Ngoài tình yêu cho chồng, bà Diệu luôn tôn trọng tư cách của ông Lê.

Ông là con út, thua người chị lớn cả hai chục tuổi nên rất được cưng chiều và không phải làm việc gì trong nhà nhất là chuyện bếp núc. Khi còn đi làm, mỗi lần trước khi đi công tác xa, bà Diệu đều phải nấu mấy món ăn để trong tủ lạnh cho cha con ông vì cách đây gần bốn chục năm, người Việt ở California chưa bán “cơm chỉ”.

Ngày mới đến Hoa Kỳ năm 1975, khi gia đình ông bà tá túc trong nhà người bảo trợ ở Virginia, chỉ hai ngày sau, vợ chồng họ đã dẫn hai ông bà đến một hãng quen gần nhà để làm việc nhét thư vào phong bì, rồi dán tem, hôm đó vợ chồng kiếm được 32 đô la đầu tiên trên đất Mỹ.

Mấy ngày sau, qua một “cơ quan tìm việc tạm thời”, ông Lê làm phụ việc di chuyển văn phòng cho một công ty. Đầu bên kia là một anh Mỹ da mầu vạm vỡ, mỗi lần anh ta quăng qua ông cái thùng giấy không biết chứa gì ở trong, là một lần ông Lê chúi nhủi ráng gồng lên cho khỏi ngã, nhất là khi phải dời những cái bàn hay tủ sắt, bên kia anh Mễ lực lưỡng nâng lên cao, còn bên này phía ông Lê thì kéo lết sát đất.

Vài hôm sau, ông xin được việc làm cho tiệm thuốc tây Dart Drug. Hằng tuần vào ngày thứ tư, chuyến xe vận tải vừa rộng vừa dài không biết mấy chục bánh xe chở hàng đến, ông Lê cùng với một anh sinh viên làm bán thời gian, hai người phải chuyển những thùng hàng ra khỏi xe tải để hôm sau chất lên kệ, tối về những lóng xương của ông muốn rớt ra từng khúc, bà Diệu phải mở sẵn nước ấm trong bồn tắm để ông Lê nằm ngâm mình cho đỡ đau nhức. Cứ tối thứ ba, là ông nghĩ đến công việc của ngày mai mà rùng mình ớn lạnh.

Ít tháng sau, ông kiếm được việc làm trong tiệm giặt ủi và sửa quần áo cho đỡ nặng nhọc nhưng lại phải đối phó với khách hàng, có người rất khó tính, vạch vòi từng li từng tí, mà tiếng Anh của ông vừa nói bằng miệng vừa múa bằng tay làm sao mà hai bên hiểu nhau được.

Rồi người bảo trợ tìm được cho ông chân rửa chén lúc buổi tối cho một tiệm ăn Hy Lạp sang trọng. Cái ngân phiếu lương đầu tiên của ông bị trừ mấy chục đồng vì ông đã đổ hết đống vỏ ốc của món “escargot” đáng lẽ phải rửa đi để dùng lại.

Làm việc ở tiệm ăn này, tuy rửa chén bằng máy, nhưng phải tráng bao nhiêu ly, đĩa bằng nước nóng trước khi bỏ vào máy, mà tiệm ăn càng sang thì họ dùng chén đĩa càng nặng để giữ thức ăn được nóng lâu. Thỉnh thoảng, đang ở chỗ rửa chén nước nóng hổi, người đầu bếp sai ông vào tủ đá lấy thịt, cá ra cho họ nấu. Tủ đá này là một “căn phòng nhỏ chứa đồ đông lạnh”, thế là sự thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh rồi lại thật nóng khi ông trở về phần rửa chén, cơ thể ông Lê không kịp điều chỉnh nên hắt hơi một tua cả chục cái, từ đó bệnh hắt hơi đeo đẳng ông. Có một đêm ông thất thểu đi bộ từ tiệm ăn về đến nhà lúc 3 giờ sáng vì chiếc xe đạp, phương tiện để đi làm của ông đã bị mất cắp mặc dù ông đã cẩn thận xích nó vào gốc cây phía sau tiệm.

Ông Lê sẵn sàng làm những công việc lao động dù nặng nhọc thế nào, để kiếm tiền nuôi gia đình, mà không hề buồn bực hay than vãn, ông vẫn thường bảo, “Bao nhiêu thằng bạn còn bị tù đày không biết ngày về, cái đau trong lòng mới đáng kể chứ cái khổ thể xác thì có xá gì.”

Phần bà Diệu, sau mấy cuộc phỏng vấn khó khăn, gay go, bà bảo trợ đã giúp bà kiếm được việc làm cho National Council on Alcoholism, công việc văn phòng hợp với khả năng và ý thích của bà nên cũng tạm ổn.

Còn ông Lê thì quá vất vả và cực nhọc, nhất là giờ giấc việc làm tréo cẳng ngỗng của hai vợ chồng khiến không có cơ hội gặp nhau.

Buổi sáng khi bà Diệu thức dậy đi làm thì ông Lê đang ngủ vùi vì ông mới chạy xe đạp lóc cóc lên đồi xuống dốc từ tiệm ăn về đến nhà lúc 2 giờ sáng. Khi bà Diệu về nhà lúc 7 giờ chiều sau hai chuyến xe buýt thì ông Lê đã đi làm để phục vụ bữa tối cho tiệm ăn.

Thấy thế, vài tháng sau vợ chồng nhà bảo trợ đã đề nghị ông Lê thôi việc để đi học lại, một mình bà Diệu đi làm tần tiện vén khéo cũng đủ sống, khi ông Lê học xong có việc làm rồi thì đến lượt bà trở lại trường. Vậy là bà Diệu một mình kiếm cơm còn mọi người trong gia đình, từ ông Lê đến hai đứa em bà và ba đứa con nhỏ đều đi học.

Qua bao nhọc nhằn gian khổ của buổi ban đầu, ba năm sau hai vợ chồng quyết định dời Virginia, nơi khí hậu quá khắt khe, dọn qua San Jose, tiểu bang California lúc kỹ nghệ điện tử ở thung lũng hoa vàng đang bùng phát, dễ kiếm việc làm và khí hậu hợp với người Á Châu hơn. Nơi đây hai ông bà may mắn kiếm được việc làm tương đối vững chắc nên cùng nhau gắng sức xây dựng một gia đình êm ấm với tâm nguyện rằng, không cần con cháu làm nên vương nên tướng gì, miễn chúng ăn học chăm chỉ đàng hoàng, sống đúng đắn và lương thiện là mãn nguyện rồi.

Bây giờ tuổi già, ông Lê thích sự yên tĩnh nhàn hạ nên chỉ quanh quẩn trong nhà, đọc sách, lên mạng đọc thư rồi trả lời cho bạn bè, chơi game, xem truyền hình những phim ngày xưa, những chương trình thể thao, nhất là phim thú vật.

Thỉnh thoảng ông đi ăn trưa với những người bạn làm cùng sở trước đây ở San Jose để nói chuyện trên trời dưới đất, hay dự những buổi họp mặt xuân thu nhị kỳ với bạn thời trung học, đại học để nhắc lại thời tuổi trẻ với ước mơ đội đá vá trời. Cuối tuần chơi giỡn với mấy đứa cháu.

Ông Lê không hề tập thể dục hay hoạt động tay chân, lại còn hút thuốc, ăn thịt mỡ, ăn mặn và kẹo bánh suốt ngày, thế mà người lúc nào cũng mảnh khảnh và trời thương cho ông một sức khỏe tốt, đã trên 80 mà ông không bị thứ gì trong bốn bệnh ba cao, một thấp của người già. Ông vẫn thường bảo là những người bạn ông kiêng cữ đủ thứ mà người nào cũng vài ba thứ bệnh, hoặc đang nằm nhà thương, ở viện dưỡng lão hay đã ra đi.

Bà Diệu lần nào cũng nói:

- Anh nên cám ơn trời đã cho anh may mắn như vậy chứ đừng tưởng anh hay mà làm quá.

Không giống như chồng, bà Diệu rất hoạt động. Ngoài giờ làm vườn, nấu ăn và lo cho con cháu, bà thường cùng với bốn người bạn thân đến chùa lễ và làm công quả, đi tập thể dục ở trung tâm cao niên, đi dự những buổi văn nghệ của cộng đồng, đi thăm thắng cảnh, gặp bạn cũ trường xưa, thỉnh thoảng viết dăm ba truyện ngắn, lúc nào bà cũng bận rộn.

Cách đây hơn một năm, hai ông bà đi dự đại hội trường đại học cũ của ông, có gần năm trăm người tham dự và kết thúc với chuyến đi du thuyền năm ngày cùng 99 bạn đồng môn. Những giây phút êm đềm bên nhau kể lại chuyện xưa tích cũ, gọi nhau bằng những “biệt danh” thân thương của từng người như Chung “hói”, Long “cận”, Hậu “vổ”, Thiện “mét”…

Cảnh trùng dương bao la tuyệt mỹ bên những người bạn cùng trường cùng cảnh ngộ, đã từng chia sẻ vui buồn suốt thời gian trên ghế trường đại học rồi được bổ nhiệm làm việc rải rác khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam, đã giúp mọi người quên những trầm luân và gập ghềnh của cuộc sống mấy chục năm qua. Trước khi chia tay, các bạn cười đùa rằng đây có thể là chuyến đi chơi xa cuối cùng vì người trẻ nhất cũng ở tuổi bẩy mươi rồi, nghe thật cảm động và thấm thía. Bà Diệu thoáng thấy có vài chị quay đi cố ngăn giọt nước mắt xót xa, thương cảm.

Tiếng lao xao ở phòng ngoài cắt đứt những suy nghĩ lan man của bà Diệu. Vừa ra tới phòng gia đình là nghe con gái nói, “Bốn đứa nhỏ ở đây với ông bà, cậu Út bận đi làm sáu giờ mới về ăn cơm nên tụi con chạy ra chợ Việt Nam một tí về ngay nghe má".  Nhìn ra thấy thằng Ben khệ nệ bưng thùng gì trên tay vừa hổn hển:

- Ông Ngoại ơi, cháu mới được món quà sinh nhật này, ông giúp cháu ráp mấy cái máy bay này nhá.

Tiếng ông Lê:

- Đương nhiên rồi.

Thế là ông cùng hai thằng cháu ngoại Nicholas và Ben, mở tung thùng quà đổ ra bàn nơi phòng khách.

Trong khi đó, con cháu ngoại Sophie hỏi:

- Tuần trước bà ngoại nói cần làm thêm dưa món để gửi xuống quận Cam cho bạn, bà có mua rau củ chưa, hôm nay Lily và cháu sẽ cắt cho bà.

Bà Diệu hớn hở:

- Mừng quá, biết cuối tuần tụi cháu lên nên bà mua sẵn để trong tủ lạnh rồi, dạo này mấy ngón tay hay bị nhức nên bà không cắt nhiều được. Nếu hai đứa làm hộ cho bà thì hai bàn tay của bà cám ơn các cháu nhiều lắm.

Bà giao mấy bịch rau củ cho hai đứa cháu gái, rồi vào bếp lo bữa cơm chiều cho đại gia đình. Trong lúc nấu nướng bà nghĩ thầm, mới ngày nào bồng bế chúng nó trên tay ru khản cả tiếng, rồi đọc hết truyện cổ tích này đến truyện khác thế mà bây giờ lũ cháu đã suy nghĩ nói năng như người lớn và trở thành nguồn sống của ông bà. Cuối tuần nào mà chúng nó bận việc không về được là hai ông bà ra ngẩn vào ngơ. Tiếng cười của bốn đứa cháu đem lại niềm hạnh phúc khiến ông bà quên hết những thăng trầm của cuộc đời, nhọc nhằn nuôi con, trông cháu mà không cần báo đáp.

Trong bếp hai cháu gái đang thi nhau cắt củ cải, dưa leo vừa hát một bài dân ca. Nhìn ra phòng khách thấy ông Lê và hai thằng cháu đang chụm đầu vào nhau, ba mái tóc một bạc, một vàng và một đen, chỉ chỉ chỏ chỏ, lắp lắp ráp ráp, bà Diệu mỉm cười, cảm nhận được niềm vui thật đơn sơ mà hạnh phúc đã tràn ngập trái tim tuổi hạc.

Tháng 4 năm 2019

Lê Nguyễn Hằng

Ý kiến bạn đọc
22/04/201922:16:27
Khách
Xin chân thành cám ơn Sao Nam Trần Ngọc Bình và Ngọc Anh, hai độc giả thân thương luôn đọc và cho tác giả những lời khích lệ chân tình.
LNH sẽ tiếp tục viết thêm để tri ân những lời vàng ngọc của hai bạn.
Hằng
22/04/201922:07:13
Khách
Cám ơn bạn Long Nguyễn đã đọc bài của tôi và cho ý kiến.
Món escargot là một món ăn đắt tiền của người Pháp. Có khi băm nhỏ. có khi để nguyên con nấu với tỏi, ngò tây và bơ rồi bỏ lại vào trong vỏ ốc. Tôi đoán rằng tiệm ăn này để dành vỏ để sau này dùng cho những con ốc vỏ bị nát hay không lành lặn, đẹp mắt, không thể dọn lên cho khách sành điệu được.
Còn phần Nicholas, tôi sẽ nói với cháu lời nhắn gửi của ông Long Nguyễn. Nhưng tôi nghĩ khi cháu có khả năng mua được hãng Google thì chắc ông Long cũng đã hoặc sắp sửa về hưu hưởng nhàn, chứ đâu còn muốn thế giới lao xao ngoài kia làm phiền mình nữa.
Chúc Long Nguyễn luôn vui mạnh.
22/04/201920:42:06
Khách
Cảm ơn tác giả thật nhiều, một bài viết phản ánh thật trung thực về cuộc sống của những người đã về hưu ở nước ngoài. Quả thật không có gì an ủi và hạnh phúc hơn khi được ở gần với con cháu và nhất là con cháu có hieu, quan tâm đến cha mẹ lúc tuổi già. Tác giả thật là hạnh phúc để có được một GĐ như vậy khi về hưu, và đặc biệt hơn nữa là hạnh phúc bên người bạn đời của mình, tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng có được như vậy. Có một chi tiết trong bài viết mà mình không hiểu là "tại sao nhà hàng họ phải dùng lại cái vỏ "escargot"? Thưa tác giả? Đứa cháu ngoại Nicolas còn nhỏ như vậy mà đã có ý tưởng hoạch định cho tương lai sau này của mình như vậy thật khâm phục cậu bé. Một hình ảnh về cuộc sống đời thường sau khi về hưu mà tác giả mô tả thật sống động, đó cũng là hy vọng chung của đa số chúng ta sau khi về hưu sẽ được hạnh phúc đơn giản như vậy. Cảm ơn tác giả thật nhiều, chúc tác giả và GĐ luôn hạnh phúc. Khi nào Nicolas mua Google, nhờ tác giả hoi nó có hire thêm người thì mình sẽ ghi danh ngay.
21/04/201911:11:35
Khách
Theo nhau từ tuổi thơ ngây ấy
Tuổi hạc tròn vo vẫn đá vàng
Tặng tác giả 2 câu thơ. Đọc bài của chị giọng văn trong sáng rõ ràng, ý tứ mạch lạc, như nền văn học VN thời Cộng Hòa vẫn còn đây. Mến chúc chị viết nhiều và viết khỏe,vui tuổi hạc vàng.
21/04/201908:05:56
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào tác giả Lê Nguyễn Hằng
Tác giả đã dùng cây viết để “vẽ lại” những chi tiết dù nhỏ nhặt trong đời sống gia đình khi hồi hưu.
Người đọc được thưởng thức một bức tranh thật sinh động.
Cám ơn tác giả.
Chúc tác giả thân tâm thường an lạc và tiếp tục cho người đọc những bức tranh đẹp và đẹp hơn nữa.
Trân trọng
21/04/201903:23:26
Khách
Xin trân trọng cám ơn:
Tammy,
Hoàng Chi Uyên,
Hồng Điệp và
P.Hoa
đã luôn cho tác giả những lời khuyến khích thân thương để tác giả vững tâm viết tiếp.
Chúc quý vị luôn vui mạnh và nhiều hạnh phúc.
21/04/201901:32:42
Khách
Bài viết thật dễ thương...hạnh phúc êm đềm của tuổi về chiều từ cặp tuổi hạc. Không phải bận rộn tính toan, không phải lo âu vì ông nói ông nghe bà nói bà hiểu vì bịnh già kéo đến. Chúc "cạp hac già" này an huongr hạnh phúc đơn giản mà bền vững đến ngày ...hăng rết :) :)
Cám ơn chi Hằng luôn cho đọc những bài viết êm đềm, mượt mà như nhung... Mong chờ bài kế tiếp.
P.Hoa
21/04/201900:43:25
Khách
Hạnh phúc thật êm đềm
Lời văn giản dị nhưng không kém phần dí dỏm.
Cảm ơn tác giả đã cho độc giả đồng hành với hạnh phúc của tuổi hạc .
20/04/201921:30:06
Khách
Câu chuyện gia đình ông Lê- bà Diệu có lẽ là tâm sự trong đời thật, đồng thời cũng là ước mơ của tất cả mọi người: hai vợ chồng còn có nhau, cùng làm thức ăn sáng, pha cà phê, chăm sóc lẫn cho nhau; lại thêm tiếng cười rộn rã của đàn con cháu... hạnh phúc trên thiên đường cần tìm đâu xa xôi! Quả thật Ông Trời đã ban thưởng hạnh phúc cho hai ông bà trong lúc tuổi hạc, đền bù lại cho những năm tháng vất vả của ngày xa xưa...
20/04/201918:07:21
Khách
Đọc chuyện của chị mà như đang coi một cuốn phim có hình ảnh thật của một gia đình bình yên. Như đang nhìn thấy chị gọn gàng nấu ăn cho chồng,con như thấy ông Lê nhàn hạ ngồi hút thuốc, đọc sách trong patio trồng đầy lan.
Được an vui tuổi hạc thế này còn mong ước nào hơn.
Chúc chị vui và khoẻ để sáng tác và đi thăm bạn bè nhiều hơn .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,200,122
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của Đoàn Thị cho tháng Tư năm nay là một chuyện tình. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Bài viết thứ tư của bà kể về nỗ đau của “những ngày tháng Tư xưa ào ạt dày vò.”
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County.
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County. Xin mời đọc bài viết đặc biệt của Sapy Nguyễn Văn Hưởng.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô cho mùa Phục Sinh và Tháng Tư 2019.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ với những bài viết cho thấy tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.