Hôm nay,  

Lời Trần Tình Tháng Tư

13/04/201900:00:00(Xem: 68544)
Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài số 5662-20-31468-vb7041319

 
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô cho mùa Phục Sinh và Tháng Tư 2019.


***
 

Em và Tháng Tư cùng thương tích

xoa mãi cho nhau những vết bầm

(Trần Mộng Tú

Trích bài Đêm Tháng Tư)
 

Đã 44 năm trôi qua kể từ ngày mặt mũi của tôi luôn bị tô màu đen, hoặc đỏ tùy theo  vị trí của phía Bắc hay phía Nam.

Không phải tự nhiên mà tôi bị như thế. Lẽ ra màu sắc của tôi phải là màu xanh mơn mởn của hoa lá mùa Xuân, phải là màu sắc xanh , hồng, vàng, trắng...  của những quả trứng mùa phục sinh, như truyền thống lễ Easter ở Mỹ.

Em có biết tại sao không? Em sinh sau chiến tranh, dù ở bên này hay bên kia vĩ tuyến 17, chắc là chưa ai giải thích cho em một cách tương đối khách quan tại sao tôi chỉ được tô đen, hoặc đỏ, mà không có được màu sắc của tháng thứ tư trong năm, lúc mùa Xuân đang ở độ đương thì, người ta đã có thể diện những cái váy mùa hè thay cho những chiếc áo khoác, khăn quàng cổ chống cái lạnh buốt giá của mùa Đông.

Ngày đó khi em chưa ra đời, tôi mới bước vào ngày thứ 2 trong chu kỳ 30 ngày hiện diện hàng năm thì thành phố Nha Trang cát trắng hiền hòa bị đổi chủ. Chủ cũ phải bỏ đi trong tức tưởi, nghẹn ngào. Người Nha Trang cũng ùn ùn tháo chạy, bỏ hết nhà cửa, cơ ngơi, và bỏ cả biển xanh còn nguyên vẻ đẹp thiên nhiên để chạy vào Saigon. Rồi không biết phải làm gì nữa, chỉ biết là làn sóng đỏ đang tràn về thì chạy. Người ta nhớ chuyện di cư tháng 7 năm 1954 của gần hai triệu người miền Bắc, họ cuống cuồng, gồng gánh chạy vào Nam, bỏ lại mồ mả, nhà cửa, ruộng vườn; vào miền đất mới, họ sống bình an đã 21 năm, đôi lúc cũng có hoài vọng cố hương, nhưng sống bình an, tự do, thành công ở miền Nam,  chưa có ai ân hận về quyết định di cư của mình.

Cả 30 ngày của tôi hiện diện năm đó (1975) không có màu sắc của mùa Xuân, chỉ có sự hoảng loạn, và nước mắt. Và cả hai bên vĩ tuyến 17 đều tưởng mình đang trong một cơn mơ dài. Phía Bắc có mộng lành, phía Nam có ác mộng.

Quân đội miền Nam với những người lính luôn mang trên vai những từ "tổ quốc, danh dự, trách nhiệm" như truyền thống kỷ luật của quân đội, vừa rút quân, vừa không hiểu tại sao mình phải làm như vậy? Súng thì còn, nhưng đạn không có! Không lẽ phải đánh nhau bằng cờ lau như thời vua Đinh Tiên Hoàng còn là em bé mục đồng Đinh Bộ Lĩnh?

Quân đội miền Bắc ngơ ngơ ngáo ngáo, cứ tưởng mình nằm mơ, ra khỏi Trường Sơn cứ một mực thẳng tiến trên quốc lộ 1, không còn phải sợ "sinh Bắc tử Nam". Họ ngước mắt nhìn những cao ốc bỏ trống của miền Nam, trong nỗi mừng tưởng chỉ có trong những cơn mơ, chợt nhận ra mình đã "giải phóng" đồng bào miền Nam không cơ cực, không bị bóc lột chút nào!

Dân thì càng không hiểu tại sao, cứ thấy quân đội miền Nam rút, là gồng gánh chạy theo.

Cứ như thế khi "ông Tổng thống hai ngày" đọc lệnh đầu hàng thì tôi đang sắp bàn giao phận sự đếm tháng ngày cho tháng Năm. Phải chi quân đội miền Bắc vào Saigon chậm hơn một ngày, thì không phải tôi mà tháng Năm mới là tháng bị tô đen .

Khác với 11 tháng còn lại, từ dạo đó,  tôi phải cùng hơn 20 triệu đồng bào miền Nam gánh chịu oan khiên cùng vận nước.

 
*

Người Lưu Vong Lúc Còn Trong Bụng Mẹ
 

Những em bé Việt Nam chào đời trong trại tỵ nạn, hay trên xứ người thấy mình được đến trường học bằng ngôn ngữ không giống ngôn ngữ cha mẹ nói ở nhà. Cha mẹ thì lúc nào cũng buồn lo, nhớ những người thân còn ở một xứ sở xa tít bên kia bờ đại dương, được gọi là quê nhà.


Một vài em không may, chào đời trong một bệnh viện tiện nghi của Mỹ, mà không có cha. Lớn lên chỉ nghe mẹ kể là cha vẫn còn bị tù trong "trại cải tạo ở bên nhà" như câu hát "ngày con ra đời, núi rừng cha sống lưu đày".

Phải gần 20 năm sau, khi em lớn lên, mới gặp được cha gầy gò, khắc khổ, đen sạm, qua Mỹ theo chương trình định cư nhân đạo, dành cho những cựu tù nhân chính trị, những người vô tội bị lao động khổ sai trong tù mà  không hề có án. Em sinh ra ở Mỹ, nên chỉ hiểu tiếng mẹ đẻ loáng thoáng, nhưng nhờ liên hệ huyết thống nên cha con rồi cũng hiểu nhau.

Em nhận ra là cứ hàng năm đến tháng 4, khi nước Mỹ rộn ràng đón lễ Phục sinh đầy màu sắc, cha chỉ mặc đồ màu đen và trắng. Dù tháng tư với những mầm sống của mùa Xuân vươn lên, những đồi hoa dại màu vàng nở rộ khắp nơi, những thảm hoa poppy màu cam ở California  rực rỡ vẫn không át được màu đen trên áo quần của cha, những áng mây buồn trong mắt của mẹ .

Cả nhà không ai nói với ai cả ngày cuối tháng tư, chỉ có âm thanh trầm buồn từ TV của những cuốn phim tài liệu đen trắng nhạt nhòa về ngày 30 tháng tư năm 1975 khi em đang nằm trong bụng Mẹ. Không biết nỗi "hồ hởi, phấn khởi" của "bên thắng cuộc" có còn nguyên vẹn sau hơn 40 năm?  Nhưng đau buồn của "bên thua cuộc" từ đời cha qua đời con vẫn còn đó, buốt nhói lên mỗi độ tháng tư.

 

*

Tháng Tư cũng là mùa lễ Phục sinh ở Mỹ. Lúc còn nhỏ, em được cô giáo dẫn đi tìm trứng (eggs hunt)  ở công viên gần trường. Người ta làm hình quả trứng bằng nhựa đủ màu:

- Màu vàng là màu nắng ấm áp của mùa Xuân, biểu tượng niềm vui, và hạnh phúc.

- Màu xanh lá cây là màu của cỏ, và lá non, biểu tượng cho hy vọng, sức sống đang lên.

- Màu cam nhạt biểu tượng bình minh, và khởi đầu.

- Màu xanh dương là màu của bầu trời, màu của nước, biểu tượng của hòa bình và sự hòa hợp. Trời trong xanh sau một cơn mưa là nguồn nuôi mầm sống mới.

- Màu tím nhạt biểu tượng cho một điều gì đó rất đặc biệt .

Thời nhỏ dại, không có khái niệm về những biểu tượng của màu sắc, tụi con trai thích vỏ trứng nhựa màu xanh dương, tụi con gái thích vỏ trứng màu hồng, dù bên trong là cùng một loại kẹo hình hạt đậu (jelly bean) đủ màu. Nhưng cứ tìm được quả trứng nào là mừng như tìm được vàng, mặc dù không phải là màu mình thích .

Lớn hơn một chút, vào trường Trung học thì cả con trai, lẫn con gái đều thích tìm những quả trứng nhựa màu tím  nhạt để tặng cho "ai đó rất đặc biệt", crush đầu đời của mình.

Màu sắc tươi sáng của những quả trứng mùa phục sinh theo em đến lúc trưởng thành . Rồi em lập gia đình, dẫn con đi tìm trứng (eggs hunt) hàng năm, lòng ngậm ngùi hơn khi thấy cha mẹ mình càng lúc càng cao tuổi, sức khỏe hao mòn, nhưng nỗi buồn tháng tư vẫn còn nguyên vẹn. Em tò mò tìm đọc tài liệu về chiến tranh Việt Nam, tìm hiểu về lịch sử cận đại. Càng đọc, càng hiểu, càng thương cha mẹ, và cũng bần thần, không cười trọn nụ mỗi tháng tư.

Mùa Phục sinh năm nay, em phải luộc một quả trứng gà, tô đen vỏ trứng sau khi luộc, và đem chôn ở một góc khuất của vườn nhà. Sẽ không có ai đi tìm trứng ở đó. Rồi quả trứng vỏ đen sẽ phân hủy cùng đất. Cầu mong mọi nguyên nhân làm đất nước Việt Nam thụt lùi, thiếu đạo đức, suy đồi sẽ phân hủy như quả trứng đen trong lòng đất. Hy vọng màu đen trong ký ức của thế hệ ông bà, cha mẹ sẽ biến mất.  Cầu mong quê cha đất tổ của em ở bên kia bờ đại dương rồi sẽ có tự do dân chủ, có đủ màu sắc của vỏ trứng nhựa mùa phục sinh.

Phải có một ngày quê cha đất tổ của em phục sinh. Và tháng tư sẽ không bị tô đen trên lịch, trong lòng của cả triệu người Việt Nam phải sống đời lưu lạc.

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

Easter April 2019

Ý kiến bạn đọc
14/04/201914:00:56
Khách
Lời trần tình ngày nay của những người trước kia thuộc Bên Thắng Cuộc :

Cựu đai tá cộng sản Bùi Tín - từng khoe là sĩ quan cao cấp vào được dinh Độc Lập ngày 30 tháng Tư năm 75- về sau phát biểu :Tôi bỏ hết danh vọng hão, chức tước phù du, huân chương mai mỉa, tự hổ thẹn từng cao ngạo vô duyên về chuyện vào dinh Độc lập sớm, xế trưa ngày 30-4, vớ vẩn lạc điệu cả, cá nhân lầm lạc. Để làm gì cơ chứ? Để đất nước ra nông nỗi này ư ? Độc lập, không! Tự do, không ! Chủ quyền, không ! Về mặt nào cũng đứng dưới 100 các nước khác!”.

Nhà văn Dương Thu Hương - Có 6 tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức . Từng theo đoàn quân CS Bắc Việt vào Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975 : “ Chế đô Việt Nam Cộng Hòa là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua một chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt nam phạm phải”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ( ở Việt nam):“Chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa có nhiều điểm ưu việt hơn chế độ chính trị của miền Bắc. Khi giải phóng vào thì tôi thấy là nền giáo dục của họ rất tốt, họ giáo dục cho trẻ em cái Lễ, chứ không phải là đấu tranh giai cấp. Con người ở miền Nam họ sống với nhau cũng có nghĩa hơn, chứ không phải như những con người giả dối, trong hội trường thì tung hô một nẻo, về nhà thì nói một nẻo. Rồi còn có báo chí, nhân quyền được tôn trọng hơn, có tự do ngôn luận hơn chứ không như ở miền Bắc là bưng bít, phải nói theo đảng làm theo đảng, không được phê bình đảng, không nói được nguyện vọng của nhân dân, của quần chúng”.

Bác sĩ Dương quỳnh Hoa(Trước năm 75, ăn cơm miền Nam, thờ ma miền Bắc ) : Tôi ðã là người cộng sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa cộng sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế, lý tưởng của tôi ðã không còn.

v...v...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Nhạc sĩ Cung Tiến