Hôm nay,  

Dọn Nhà

07/03/201900:00:00(Xem: 12316)
Tác giả: Ngọc Hạnh

Bài số  5634-20-31440-vb5030719

 
 Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình  tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ hai.

 
***
 

Vào một buổi đẹp trời cuối mùa hè, ánh nắng nhẹ nhàng, không còn nóng hừng hực như những tuần trước đó, Vân dọn vào nhà mới. Đây là lần thứ ba Vân đổi nhà trong gần 40 năm đến Hoa Kỳ.

Nhớ lại khi mới đến xứ Cờ Hoa gia đinh Vân 5 người ở nhờ nhà vợ chồng em gái cũng là người bảo trợ. Gia đình Vân ở nguyên tầng dưới 3 phòng, có phòng khách, lối đi và bếp riêng biệt, vùng MC LEAN, Hoa Thịnh Đốn. Gia đình em gái Vân gồm 7 người, 2 vợ chồng, 4 con và Cụ bà mẹ chồng. Đứa con lớn nhất 11 tuổi, đứa bé nhất hơn 3 tuổi. Cụ bà rất vui khi thấy gia đình đến Bà vì có người trò chuyện tiếng Việt với Cụ khi rảnh rỗi. Các cháu nội Cụ đi học thì thôi, về nhà lại líu lo tiếng Mỹ. Cháu bé nhất biết tiếng Việt nhiều hơn anh chị do Bà dạy nhưng khi đi học cháu lại quên bớt. Con trai và con dâu đi làm cả ngày, lúc về nhà phải lo cơm nước, dạy con học...

Ở nhà buồn, Cụ nghe tiếng Việt qua TV. Radio, hết thời sư tin tức đến các tuồng cải lương, phim chưởng. Cụ rất yêu các cháu nhưng không trò chuyện được. Có khi bực mình cụ mắng yêu “Bố chúng mày, ở nhà phải nói tiếng Việt, nghe chưa!” Các cháu học tiếng Việt mỗi tuần 1 lần vào ngày chủ nhật. Tuy không nói được nhưng các cháu hiểu chút ít. Nay các cô cậu không những nói mà còn viết  thư ngắn ngắn bằng tiếng Việt. Riêng Cụ nhờ mỗi ngày liên lạc với các cụ  bạn khác qua điện thoại  và cuối tuần con đưa  đi nhà  thờ hay đến nhà các bà bạn đánh tổ tôm nên  Cụ cũng vui  nơi quê người. Những  ngày  ấy  Cụ măc đẹp, bôi tí son môi, đánh phấn nhẹ trông xinh lắm.

Năm 1975 lúc mới đến Hoa Kỳ con và dâu có đưa cụ đến nhà thờ học tiếng Mỹ miễn phí, tuần lễ 2 lần, mỗi lần 2 giờ. Hết giờ học có người nhà thờ đưa cụ về nhà.  Cụ nói bà giáo khi thì bắt Cụ uốn lưỡi, lúc lại  thè lưỡi ra một chút lúc phát âm, chán quá học được vài tháng Cụ kiếm cớ bỏ học. Cô giáo lái  xe đến tận nhà dạy.  Khi Cụ  có thể nói chuyện chút ít,  mua lặt vặt trong siêu thị là Cụ cho cô giáo nghỉ dạy luôn. Nghĩ lại ở  Viêt Nam muốn học tiếng Anh  phải trả  thù lao.  Ở Hoa kỳ cô giáo đến tận nhà dạy không công mà học trò còn không chịu học.  Nói như đùa mà có thật quý vị ạ. Tuy không rành tiếng Anh nhưng  Cụ  không nhầm lẫn khi gọi điên thoại hay trả tiền khi đi chợ.   Họ nói bao nhiêu Cu trả đúng ngần ấy, không cần xem hóa đơn.

Hôm nào  Vân nghỉ nhà là Cụ tỉ tê tâm sự chuyện xưa như  lúc  gặp Cụ Ông, cụ bị nhà chồng phản đổi vì  Cụ đã  qua một lần đò mà cụ Ông là trai mới lớn … nhưng tình yêu vượt qua tất cả.

Gia đình Vân đến Hoa kỳ  1979 nhằm mùa Đông. Phi trường  tuyết đã cào gọn thành đống to ù nằm bên vệ đường chưa  tan. Tuyết rơi  trước đó vài ngày. Trời  lạnh lắm, thở ra khói. Người  đón gia đinh  từ phi trường  về nhà là bạn em rể. Gia đinh em gái đi du lịch vắng  nhưng đã chuẩn bị thức ăn, chỗ ở cho gia đình.  Khoảng 5 ngày  sau  em về nhà.

Lúc đầu  ông Xã  chưa có bằng lái, và  cũng chưa biết  đường đi siêu thị, chợ Việt Nam... Phu nhân người bạn gíup đưa  Vân đi chợ mua các thứ lặt vặt, trái cây…. Mọi thứ lạ hoắc với Vân. Trái cây mua bằng lbs chứ không tinh giá từ chục 12 trái như Saigon, trái mận (prune) to bằng cổ tay phụ nữ ... Cây kiểng, trái cây bày bên ngoài siêu thị, cả ngày đêm. Nếu ở Viêt Nam để khơi khơi như vậy chắc  bị người ta ăn cắp mất, không còn đâu.

Về nhà là vợ chồng em  gái  nhanh chóng lo các thủ tục  khám sức khỏe, ghi danh cho các con và Vân  đi học. Con trai Út của Vân  học lớp sáu, con gái  lớp 10. Con trai lớn 18 tuổi đã học Y khoa năm đầu VN giờ phải lo ôn lại cả chuyên môn lẫn Anh Ngữ để thi vào trường thuốc. Cuối tuần  cháu lớn đi bỏ báo, 5 giờ sáng thưc dậy lấy báo, trời rét căm căm. Anh  thức, em Út thức theo.  Ông xã xót ruột nhưng em rể bảo ở Hoa kỳ con nhà giàu vẫn đi cắt cỏ, bỏ báo, sơn nhà vào ngày nghỉ. Cực như thế cho chúng biết giá trị đồng tìền. Con gái Vân đi học được 3 tháng xin được chân thu ngân viên (cashier) cửa hàng gần nhà ngày cuối tuần. Tiền kiếm được các  cháu đưa hết cho  Mẹ và  Vân phát tiền hằng tuần như trước.

Ông Xã Vân không gặp trở ngại Anh Ngữ xin được việc trong hảng buôn sau khi học kế toán ít lâu. Còn Vân,  hởi ơi, phải học  Anh Ngữ  trước khi học nghề. Thi viết điểm khá nhưng đàm thoại thì thầy nói trò hiểu chút ít, trò nói phần lớn thầy chịu thua.

Tội nghiêp ông thầy tận tâm hôm sau tìm cho cái băng về đàm thoại dăn trò về nhà  nghe  cho quen. Khi đi học  Vân gặp cô bạn cũ  là sinh viên Luật ở VN. Học chưa xong đi lấy chồng.Đến Hoa kỳ thấy một đầu lương  sống chật vật nên cô  ôn lại Anh Ngữ để hoc kỹ sư điện. Cô rủ Vân cùng học. Nghe nói mà rầu. Vân đang thiếu nợ mong có việc sớm để trả nợ và  có đủ tiền cho con đi học. Vân vượt biên bán chính thức do người Hoa tổ chức không đủ tiền nên phải mượn người bà con. Ngoài ra môn Toán, Vân dở tệ. Đi học Vân  quá giang vợ chông em gái lượt đi, lúc về phải chuyển  hai chuyến xe bus mới đến nhà, cực ơi là cực nhất là vào mùa Đông. Ngày nào  tuyết  rơi dày độ 2 tấc,  hay bão tuyết còn tệ hơn .  Đường  từ nhà ra bến xe đầy tuyết, rút chân này ra được, chân khác lại lún vào tuyết. Thay vì  5, 7 phút  thì đi cả  20 phút. Đường lớn  luôn có xe ủi tuyết sạch sẽ.

Anh Xã cũng cực, đi sớm về muộn vì phải đưa đón các con. Thời kỳ này Vân dọn ra ở riêng vì anh Xã đã đi làm. Nhà nghèo nhưng các cháu vẫn học trường tốt nhà giàu như cũ. Em rể tìm thuê cho  cái town house nho nhỏ cách nhà cô em chừng 20 phút. Hành lý  mỗi người cái túi sách. Nhớ năm ấy Tết  tuyết rơi ngập đường nhưng ngày mùng một vợ chồng em gái cũng dẫn con ăn mặc trang trọng đến chúc Tết như tập tục cổ truyền. Em rể bảo hôm sau phải đi làm sợ về muộn không đến được. Thấy các cháu lội tuyết, thương ơi là thương.


Thời gian qua nhanh, Vân thi vào trường Y tá và tốt nghiệp  cao. Vân chọn nghề này vì counselor trường cho biết nghề Y tá dể tìm việc và lương cũng không tệ. Lúc vào học 34 người ra trường 22 người. Một số bỏ ngang,  một số thi rớt.

Vân học không giống ai, phải xin phép các ông bà giáo cho ghi âm để về nhà nghe lại, chỗ nào không hiểu thì anh Xã giảng cho.  Khi gần đến ngày ra trường  các cơ quan Y tế đến thuê người, làm hơp đồng. Đậu rớt gì cũng thuê nhưng giá lương khác nhau. Người có bằng lương gần gấp đôi người thi rớt.

Vân làm cho viện Dưỡng Lão (Assisted Living) gần nhà, lương cũng tốt. Nếu làm thêm giờ phụ trội được trả gấp rưởi, cuối tuần hay ngày lễ thì gấp đôi. The Virginian rộng rãi xinh đẹp, có phòng đọc sách, đánh đàn, phòng tập thể dục, phòng làm đẹp cho các cụ bà. Có khu vườn nho nhỏ cho các cụ thích trồng hoa tưới cỏ và bãi đậu  xe mênh mông dành riêng cho các cụ còn khả năng lái xe. Phòng các Cụ ở như phòng các khach sạn sang và phòng  ăn  như các nhà hàng. Từ trên lầu xuống phòng ăn chừng 5, 10 phút  nhưng các cụ bà trang điểm kỹ lắm. Phấn son, nữ trang… y phục ngày thay 3 lần như đi ăn tiêc. Các cụ ông thì cavạt , đồ lớn trang trọng.  Các cụ trong  nhà dưỡng lão The Virginian phần là các sĩ quan hay công chức cao cấp hoặc nhà giàu về hưu không muốn phiền con cháu  vào  nhà dưỡng lão  vẫn giữ được lối sống phong lưu cũ.

Các  Cụ có thể mang xe vào The Virginian, lái xe đi đâu tùy ý  nhưng phải ghé phòng tiêp tân  cho biết giờ ra, vào. Khi quý  cụ đau sơ sơ , nhức đầu sổ mũi  thì gọi  phòng y tế mang thuốc đến, nặng hơn họ sẽ gọi Bác sĩ  cho  toa hay đưa đi bệnh viện. Vân  là môt trong các y tá khu y tế. Nơi đây có khoảng 100 giường bệnh, có Skill Care, chăm nom người bệnh mới ra nhà thương cần theo dõi  sức khỏe và Long term care, chăm sóc cho những bệnh nhân cần nằm viện lâu như người  bị Parkinson nặng, tay run run không thể tự săn sóc, cần giúp trong các việc ăn uống, tắm rửa… Lúc ấy chỉ có Vân là Y tá người Việt nhưng nhà bếp có 2 cậu Việt Nam học  trường Công Đồng, rửa chén, đẩy xe thức ăn. Làm 1 buổi, học 1 buổi. Có  lần đi ăn  cưới Vân gặp người trung niên lạ hoắc đến chào. Hóa ra em là người đẩy xe thức ăn cho The Virginian ngày xưa. Nay em là Kỹ sư làm viêc cho county. Người Việt Nam chúng ta như thế đấy, cần cù, chịu khó.

Sau 3 năm đinh cư Hoa Kỳ, Vân và anh Xã  trả hết nợ, mua nhà tường gạch, chung  quanh có đất trồng hoa xinh đẹp thuộc khu  trung lưu . Con  trai lớn Vân học trường thuốc Đại học UVA, cách nhà 3 tiếng, con  gái thứ nhì được học bổng học kỹ sư điện Đai học  Catholic University, DC . Con trai Ut sắp  xongTrung học .  Anh Xã vẫn đi làm hảng buôn và cuối tuần làm kế toán thêm ở khách sạn Four Seasons . Thỉnh thoảng anh Xã mới lấy 1 ngày nghỉ vào mùa Xuân đưa vợ  xem hoa anh đào ở bờ hồ thủ đô, gần sở anh làm. Vợ chồng cô em kỳ kèo lắm anh mới chịu nghỉ 1 tuần  đi Florida xem Disney Land hay tắm  biển Myrtle Beach. Nơi xa nhất là CA , thăm vườn Sequoa, Lake Tahoe, cầu Golden Gate… Đời sống tương đối ổn đinh, anh ước ao  dư dả để giúp bà con bạn bè còn khó khăn quê nhà  mà anh gọi là “lá rách đùm lá nát”nên  vẫn  làm viêc lu bù  trong lúc bạn anh  có người  học lại lấy  bằng tiến sĩ.

Còn Vân mới thật là quê. Khi con gái tỏ ý muốn học 4 năm tiền Y Khoa để học thuốc giống như anh, Vân bàn ra. Vân nói  với con gái  “học môn nào nhanh nhanh để đi làm, học thuốc  tới 8 năm, không lẻ để Ba  đi làm tuần lễ 7 ngày mãi hay sao” Vân nghe nói  học phí trường y rất cao. Vân không biết nếu học giỏi, sinh viên y khoa cũng được học bổng  toàn phần hay bán phần.

 Thời gian qua nhanh như chớp, Vân thành bà lão. Hai con trai phát báo mùa đông là Bác sĩ, con gái cao học, chàng rể là nha sĩ. Cháu nội Vân đã vào  Đại học. Người xưa nói “có công mài sắt có ngày nên kim” và điều này chẳng mới lạ gì trong cộng đồng Việt Nam. Phần lớn thế hệ trẻ Việt Nam trong vùng Hoa thịnh Đốn đều thành đạt tuy lúc đầu cũng gặp khó khăn. Anh Xã mất sau 8 năm định cư Hoa kỳ.  Lúc ấy còn nợ nhà, các con học chưa xong. Vân làm việc như điên, thu nhập hàng năm còn nhiều hơn lương kỹ sư con gái lúc mới ra trường. Lúc đó thì:“Mặc ai phú quý giàu sang, Cháu con khỏe mạnh , gia đình bình an” là mừng lắm rồi.

 Em gái nhắc, “Chị ơi, con gái làm việc 40 giờ/ tuần, chị thì 60, 70 giờ/ tuần, chị bớt đi!“  Khi các con tốt nghiệp, Vân làm việc bán thời gian và  nghỉ hưu sau đó it lâu.

Lần này Vân lại dọn nhà, có lẽ lần chót, sau 30 năm ở nhà cũ. Những lần dọn nhà trước kia đầy lo âu vất vả, thiếu thứ này hụt món kia, còn lần này thì dọn nhà trong hạnh phúc. Lần này đồ đạc, sách vở tích lũy nhiều quá. Bỏ đi thì tiếc, mang theo nặng. Nhà này của vợ chồng con gái cất, có phòng ngủ tầng dưới cho Mẹ khỏi leo lầu, đất rộng một mẫu. Tiếc thương biết bao anh Xã không còn trên cõi đời để thấy kết quả học hành và cùng tận hưởng sự hiếu thảo của các con.

Mỗi khi nhớ đến chuyện này, Vân rất cám ơn bà con thân hữu đã giúp gia đình Vân buổi đầu khi mới định cưcònnhiều khó khăn và cám ơn xứ Cờ Hoa nhân đạo tạo cơ hội cho mọi người đến trường, giúp họ có công việc làm ăn, ổn định đời sống nơi xứ lạ.

Bên ngoài tuyết đang rơi, trời lạnh 14 độ, nhưng trong nhà vẫn ấm áp nhờ chăn êm nệm ấm và máy sưởi.  Chợt thấy lòng buồn nhớ đến quê nhà, Vân có mấy câu thơ con cóc:

 Mùa Đông lạnh lẽo chốn tha phương,

Tuyết trắng rơi rơi phủ ngập đường.

Xa cách quê hương hàng vạn dặm,

Dân nghèo nghĩ đến lại thêm thương.

 
*
 

Mái tranh vách đất dân miền cao

Cơn gió mùa Đông rét biết bao.

Áo ấm chăn bông xa mộng ước,

Đêm về thấy cả trăng và sao...

 
VA ngày 31/1/19

Ngọc Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến