Hôm nay,  

Nhân Duyên

19/02/201900:00:00(Xem: 13122)
Tác Giả: Thanh Mai

Bài số  5620-20-31426-vb3021919

 
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Ba truyện kể về “Nhân Duyên” sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo năm Kỷ Hợi 2015.

 
***

 
Tổng diện tích toàn bộ các châu lục trên trái đất xấp xỉ 150 triệu km². Dân số thế giới khoảng 7 tỉ 7 người. Quá rộng và quá đông! Con người đến với nhau, gặp nhau, làm anh em bạn bè cũng phải rất có duyên với nhau trong con số 7 tỉ 7 người đó. Hết duyên thì mỗi người đi mỗi ngả. Nhưng trái đất tròn thành ra đi ngược hướng cũng có khi gặp lại nhau. Như vậy mới có chuyện để nói!

Ngoài nhân duyên với người “Tình thơ - 40 năm có người còn ấm ức” đăng trong Việt Báo 01/08/2015, tôi còn mấy chuyện gặp lại người xưa cũng khá ngộ nghĩnh xin kể cho quý vị nghe chơi.

 

1. CHỊ HỘC BÀN

Nhớ lại thuở ấy cũng hơn 45 năm rồi, lớp 8/5 chúng tôi học buổi sáng và buổi chiều là lớp 9/5. Tôi và nhỏ bạn ngồi cạnh bên thắc mắc không biết chỗ mình ngồi buổi sáng thì buổi chiều ai ngồi đó nhỉ, tại sao không làm quen với các chị ấy? Thế là hai đứa tôi thay vì tan trường về nhà thì lén ở lại rình xem hai chị ấy mặt mũi thế nào, có dễ thương không? Có nên làm quen không?

Thụt thò lén lút như ăn trộm, tụi tôi cũng rình thấy mặt được người ta. Chao ui là dễ thương! Chị ngồi chỗ tôi có hai mắt đen láy, miệng cười có duyên và cũng ốm nhom ốm nhách như tôi. Còn chị ngồi bên cạnh thì da bánh mật cũng xinh không kém. Vậy là kết mo-đen chịu đèn ngay lập tức.

  Hai đứa tôi mỗi đứa về nhà tự nắn nót viết thư tình, í quên thơ làm quen với chị ngồi chỗ của mình rồi hôm sau trước khi ra về bỏ vào hộc bàn cho người ta. Về nhà hồi hộp quá chừng cứ mong mai sáng tới lớp xem chị ấy có trả lời cho mình không. Chắc cũng hồi hộp tương đương với mấy anh viết thơ tỏ tình với người đẹp vậy đó.

Hôm sau hai đứa tôi hẹn nhau đi học thật sớm, chạy vào lớp và nhìn vào hộc bàn của mình ngay. A ha! Thích quá, trong hộc bàn chỗ 2 đứa tôi mỗi đứa có một cái thơ được gấp lại đè dưới trái ổi xá lị thật to và xanh tươi. Hai chị của chúng tôi hết xảy thật, chưa chi đã có quà cho các sư muội.

Tình tỉ muội thật là vui, thơ qua thơ lại toàn là cứ nhét trong hộc bàn chứ chẳng bao giờ nói chuyện với nhau mặt đối mặt. Tôi là chị cả trong gia đình nên nay có được một chị hộc bàn rất thương và quí, nhất là thỉnh thoảng chị cứ kèm theo thơ hoặc viên kẹo hoặc trái ổi…

 Làm chị em hộc bàn được 1 năm thì beng, chúng tôi không còn ngồi chung chỗ với nhau người sáng người chiều nữa. Rồi vật đổi sao dời, mỗi người một phương chẳng biết gì về nhau mấy chục năm nay.  Nhưng cũng nhờ thời đại bây giờ phong trào chơi Facebook lên cao, tôi tình cờ thấy trên trang Facebook của Nữ Trung Học Nha Trang, hình bà chị hộc bàn ngày nào. Dù dáng hình khác xưa nhưng vẫn còn nét duyên dáng xinh đẹp không thể nhầm lẫn với ai được, và tên là HTH nữa chứ. Chắc chắn là bà chị hộc bàn của tôi thuở học cấp 2 rồi!

 Tôi mừng vô cùng và gởi lời nhắn xin kết bạn với chị ấy trên Face book và chị chấp nhận ngay. Rồi thay vì gõ text mỏi tay quá, xin số phone tán dóc cho khoẻ, hai chúng tôi đã nấu cháo điện thoại đến mấy tiếng đồng hồ đã đời. Vui ghê!

Một số bạn bè trên Facebook của trường thấy chị em hộc bàn chúng tôi tìm ra nhau nên nhớ lại những chị em hộc bàn thuở học sinh của mình và nhắn tin í ới tìm nhau nhộn nhịp vui lắm.

 Không biết bên trường toàn nam sinh có cái màn anh em hộc bàn như nữ sinh không nhỉ? Nhưng nếu trường có học sinh nam nữ học chung thì chắc có. Cô bạn Diệu Hiền của tôi kể hồi đó đi học thêm Anh văn thầy Tấn dạy ở trường Bồ Đề. Nó cũng có một ông anh hộc bàn thơ qua thơ lại rôm rả vui lắm. Anh hộc bàn của nó rất tếu và viết thơ rất hay. Một hôm Diệu Hiền lén vào trường xem mặt ông anh hộc bàn của mình mới hỡi ôi vì ông anh có cái đầu trọc lóc và mặc áo nâu sòng. Con nhỏ là người rất sùng đạo Phật nên tình hộc bàn chấm dứt từ đó!

 

2. CON CHIM XANH

Anh Trợ và tôi quen nhau trong trại tù A30 cách nay 40 năm. Anh là trung úy của miền Nam Cộng Hoà bị đi học tập cải tạo. Tôi là tù vượt biển. Chẳng nhớ trong một dịp nào đó mà chúng tôi làm việc gần nhau. Hỏi thăm mới biết anh ở Phan Rang và quen biết với gia đình các anh chị họ của tôi ở đấy. Thế là anh em tôi coi nhau như bà con luôn.

Anh làm việc trong đội cấp dưỡng lo việc ăn uống của toàn trại tù nên thỉnh thoảng gặp tôi anh giúi cho tôi... miếng cơm cháy, khi thì chiếc nhẫn nho nhỏ mà anh khắc bằng bình ắc quy rất xinh.

Một hôm anh giúi cho tôi một lá thơ gấp nhỏ rồi nói: “Em chuyển cho chị Phỉ giùm nhé” rồi vội vàng đi ngay. Chị Phỉ ở cùng đội văn nghệ với tôi. Chị cũng là tù vượt biển nhưng gốc người miền Tây, có giọng hát ngọt như mía lùi nhiều người mê lắm.

Trong tù không cho nam nữ liên lạc với nhau, nhất là chuyển thơ từ họ bắt được là cùm như chơi. Vì tình nghĩa... mấy miếng cơm cháy nên tôi đành mạo hiểm làm con chim xanh chuyển thơ qua lại cho hai anh chị. Hình như được 1 hay 2 lần gì đó thì tôi được tha về bất ngờ không có cơ hội từ giã mà lấy địa chỉ để sau này còn liên lạc. Và từ đó tôi không còn được gặp hoặc biết tin tức gì của cả hai.

Thỉnh thoảng ngồi ôn lại kỷ niệm cũ, nghĩ đến những người quen biết từ thuở xa xưa, tôi cũng thắc mắc anh Trợ và chị Phỉ ra tù có nên duyên được không? Có đi Mỹ được không? Hỏi han bạn bè chẳng ai biết tin tức về hai người, cứ như cặp này trốn vào tuyệt tình cốc rồi vậy!

Nhưng thật bất ngờ, chị họ của tôi là Mai X Phương từ Úc qua Minnesota chơi với tôi ít hôm. Nói là chị họ chứ chị em tôi thân tình như chị em ruột vì chị ra Nha Trang ở với chúng tôi để đi học một thời gian rất lâu. Chị Phương nhờ tôi gọi Phone tìm một người bạn cùng lớp sư phạm Nha Trang, nghe nói cũng qua định cư ở Minnesota. Chị Liễu là người Phan Rang trọ học ở trước nhà tôi và cũng thân tình với gia đình tôi lắm. Nay không ngờ gia đình chị cũng đang ở Minnesota nhưng cách nhà tôi khoảng 4 tiếng lái xe. Giọng chị reo vui qua điện thoại:


- Thanh ơi! Ông xã chị có biết em đó. Anh Trợ nói với chị là hồi ở A30 có biết một con nhỏ tên Thanh đánh cờ tướng hay lắm. Chị nói với ảnh vậy là con Thanh con chú Thời rồi! Phải em không?

Lạ nghe! Nếu đúng là anh Trợ đó thì quả đất thật tròn! Mà vợ anh là chị Liễu chứ không phải chị Phỉ tức mối tình ngày xưa không thành rồi. Nếu gặp đúng người sẽ hỏi sự tình cho biết và biết đâu anh Trợ cũng biết chút ít về tin tức chị Phỉ.

Ngày chúng tôi chạy đến thăm vợ chồng chị Liễu thì đúng là anh Trợ A30 ngày xưa dù bây giờ anh có già đi và mập ra. Khi không có mặt chị Liễu tôi hỏi riêng anh:

- Chị Phỉ giờ thế nào anh có tin tức của chỉ không?

Mặt anh Trợ ngố ra:

- Chị Phỉ nào anh không biết?

- Anh này ngộ ghê! Chị Phỉ đội văn nghệ mà anh nhờ Thanh chuyển thơ tình giùm đó. Người yêu một thời mà lại đành đoạn quên là sao!

Anh Trợ phá ra cười:

- Trời! Anh chuyển giùm thằng Trung đó. Anh cũng thắc mắc không biết sau này hai đứa nó có lấy nhau không!

Hoá ra có đến hai con chim xanh! Hi hi!

 

*

CHÀO ĐỜI CÙNG LÚC

CÙNG NƠI!
 

Hai đứa không phải là chị em sinh đôi nhưng lại trùng hợp ra đời cùng một lúc và cùng một nơi mới kỳ lạ và có duyên với nhau. Lớn lên cùng học chung lớp cho đến sau biến cố 75 miền Nam Việt Nam Cộng Hòa bị lọt vào tay cộng sản thì hết duyên, mỗi đứa một đường đời cách nhau đến nửa vòng trái đất.

Một đứa theo gia đình xuất ngoại còn một đứa kẹt lại trong địa ngục trần gian. Bôn ba không qua thời vận, đứa kẹt lại vượt biển để mong thoát khỏi địa ngục nhưng không ngờ lại bị bắt và nhốt trong tầng địa ngục khác.

Trong trại tù lại gặp một chuyện rất hy hữu! Số là trong đội tù nữ của nó có một cô cũng là tù vượt biển nhưng gốc người Sài Gòn. Cô này tên Hoa, mắt đen láy, da ngâm bánh mật và cười tươi như hoa nhưng đặc biệt là hai răng cửa không khít nhau mà hở chừng một milimet.

Đội tù nữ thường phải “lao động” mỗi ngày chỉ trừ ngày chủ nhật. Một hôm vì trời mưa nên đội nữ được phân công lột bắp trong nhà kho cùng một số đội nam. Hoa được sắp xếp ngồi gần một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị học tập cải tạo tên Ban. Mọi người ngồi trước mặt mới khám phá chú Ban và Hoa rất giống nhau nhất là hai cái răng cửa bị hở. Ai cũng chọc có lẽ Hoa là con rơi của chú Ban không chừng. Chú Ban cho biết hai cái răng cửa bị hở là đặc tính di truyền trong giòng họ của chú. Hỏi thêm mới biết Hoa chào đời cùng ngày với con gái chú Ban mới ngộ nữa chứ. Mấy tháng sau khi dò hỏi và xác nhận giữa gia đình hai bên mới biết ra hai gia đình đã sinh con cùng một nhà thương và hai đứa bé sơ sinh đã bị nhầm lẫn tráo lộn. Hai bên đã nuôi lộn hai đứa con của nhau. Mà nghĩ cũng ngộ giống như có sự sắp đặt của ông trời để cho hai cha con ruột thịt nhận lại nhau vậy. Đúng là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” phải không!

Nó thấy chuyện của chú Ban và Hoa bỗng dưng nghĩ đến con bạn sinh cùng lúc cùng nơi với mình. Có khi nào nó và con bạn bị tráo lộn cho nhau không? Nếu vậy thì lý ra nó là cái đứa đang ở bên trời Tây và cái đứa đang ở trong tù là nhỏ bạn nó? Nếu đúng vậy thì quá xui xẻo! Mà nghĩ đi nghĩ lại nó nghi lắm vì thấy mình chẳng giống ai trong nhà cả. Phải thắc mắc và chờ đến ngày Mẹ vào thăm nuôi nó mới kể lại câu chuyện hai cha con chú Ban nhận lại nhau và hỏi:

- Con và nhỏ Mai sinh cùng lúc cùng nhà thương có khi nào bị tráo lộn không hở Mẹ? Sao con thấy mình không giống ai trong nhà hết vậy?

Mẹ nó cười và nói chắc như đinh đóng cột:

- Làm sao mà lộn được hở con. Hồi đó bố mẹ cũng sợ bị tráo lộn nên mỗi lần đi sinh đều chuẩn bị sẵn một cái lắc nhỏ có khắc tên để đeo vào chân mỗi đứa con giờ còn cất trong tủ kìa. Con không giống bố mẹ nhưng con giống bà nội y hệch đó.

Thì ra không có chuyện hai đứa nó bị tráo lộn để khỏi thắc mắc. Nói đúng ra nó cũng không thích bị tráo lộn như nhỏ Hoa vì nó yêu thương gia đình cha mẹ anh chị em của nó lắm. Khi không mà biết họ không phải ruột thịt của mình sẽ khó xử lắm đây!

Lụi hụi rồi nó cũng được ra tù! Nhà của nó sau đó bị chính quyền cộng sản tịch thu phải chuyển nơi ở khác và mười mấy năm sau nó cùng chồng con được qua Mỹ định cư theo diện đoàn tụ.

Cuộc sống mới tất bật hơn chục năm đầu cho đến khi nhà cửa, công việc ổn định và con cái trưởng thành nó mới có thời gian tìm và liên lạc với bạn bè xưa. Nhờ vậy mới biết được con bạn Mai sinh cùng lúc cùng nơi  chỉ ở cách nó có 6 tiếng đồng hồ lái xe.

Ngày gặp lại, dĩ nhiên quá vui mừng. Nhỏ Mai nói:

- Mai có viết thơ về nhà Thanh nhưng không thấy hồi âm. Sau nghe nói nhà Thanh bị Việt cộng tịch thu. Tưởng là không bao giờ gặp lại nhau chứ!

- Làm sao không gặp được! Tụi mình đã có duyên với nhau từ hồi mới ra đời thì dù đi đến cùng trời cuối đất đến cuối đời cũng sẽ gặp nhau thôi.

Mấy bạn khác khi nghe nói hai đứa ra đời cùng lúc cùng nơi bèn bắt... đóng phim. Hai “bà già” bị bắt quấn hai cái khăn như hai cái tả và nằm khóc oa oa đòi sữa như hai đứa bé. Một đứa được cho bình nước để tu thay bình sữa và đứa kia được cho bú sữa mẹ.... Cả bọn nghịch cứ như thời học sinh vô tư xa xưa cười đùa không dứt.


Trải qua một cuộc bể dâu

Bạn bè gặp lại già đầu hết trơn.

Ngỡ mình như thuở còn non

Nhân duyên tan hợp vui còn hơn xưa!

 
Nhưng mà cũng có những nhân duyên mà nhiều người khi gặp lại đã thất vọng ê chề vì hình bóng người xưa. . .
 

Ngày xưa mái tóc buông lơi,

Bây giờ sợi rụng sợi rơi đầy nhà.

Ngày xưa da trắng nõn nà,

Bây giờ da đã trổ hoa ... đồi mồi.

Ngày xưa miệng cười thật tươi,

Bây giờ móm xọm rụng mười cái răng.

Ngày xưa mặt sáng như trăng,

Bây giờ xám xịt như vầng mây đen.

Ngày xưa yểu điệu như tiên

Bây giờ lẹt đẹt như con vịt bầu....

 

Bạn bè thì không sao chứ người yêu cũ mà gặp mình như thế nhân duyên thành tận duyên là cái chắc !

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
21/02/201919:52:55
Khách
“Ngẫm thay muôn sự tại Trời...” (Kiều)

Lạ thiệt heng! Có người viết hay, vui quá thể vậy mà không chịu múa... (Nghê) thường xíu nữa🤔🎶🎶❗️

Chú Sao Nam ơi! Lời nhắn của chú là món quà thật đặc biệt cháu có được trong ngày hôm nay🌹❤️‼️
Cháu xin được mượn ý của lebinh.
Thật dễ thương quá! Nhờ lời nhắn của chú mà “Hạnh Phúc, Yêu Thương” của đời sống được “Nhân” lên🤓🥳
19/02/201922:01:55
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào tác giả Thanh Mai
Chào Cô
Đọc truyện cháu viết chú tưởng như cháu đang nói chuyện với chú.
Văn tài của cháu hấp dẫn,linh động,lôi cuốn người đọc như một cơn lốc xoáy dịu dàng.
Chú viết vào mục góp ý này cũng để nhắn tin cho một bạn đọc là Từ Huy biết chú còn sống và sống khỏe và vẫn luôn luôn nhớ tới Từ Huy.
Thăm cháu thân tâm thường an lạc.Mến
19/02/201913:57:46
Khách
Trái đất quả là tròn! Buổi sáng thức dậy, đọc bài viết thật vui. Cũng là nhân duyên cả, chị quen Thanh qua những mẫu chuyện trong truyện ngắn Thanh Mai trên fb, bèn rán xin kết bạn làm quen, ít lâu sau, cũng qua cái bà Mai T. Xuân Phương,, hoá ra Thanh lại là cháu của anh rễ chị, và cũng có được vài lần tao ngộ!
Thân ái chúc Thanh, luôn vui vẻ yêu đời, tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần thật vui, thật dí dỏm nha!
19/02/201910:07:48
Khách
Dễ thương quá khi cái "Duyên" được "Nhân" lên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Iris Đinh là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông"
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Nhạc sĩ Cung Tiến