Hôm nay,  

Hương Xuân Man Mác Đó Đây

21/01/201900:00:00(Xem: 11597)
Tác giả: Chu Kim Long

Bài số 5600-20-31406-vb2012119


Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là  Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.

 
***
 

“Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết

Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân”

Chu Kim Long

 
Tiếng bà xã tôi gọi từ chiếc xe gỗ được đóng để làm khung cho cái bếp ga lưu động trong khu vườn sau nhà, trong lúc tôi đang bận rộn tìm cách che những chậu bông kiểng cho qua những đêm Đông buốt giá, chờ đón Xuân sang.

- Điện thoại trong nhà reo kìa, anh vô coi xem ai gọi. Em đang bận chiên mấy con cá, anh coi, có phải ông bà ngọai gọi không?

- Ờ, để anh che xong chậu bông này đã – tôi nói.

- Anh vô ngay đi, ai đó đã gọi đi gọi lại hai ba lần rồi – cô nàng thúc dục tôi.

- Chắc lại quảng cáo chứ gì – nói vậy, nhưng tôi cũng bỏ ngang công việc vườn tược, rảo bước chân đi vào nhà.

Mấy năm nay, ông thân sinh nhà tôi ngày một yếu dần bởi chứng bịnh tiểu đường. Ở tuổi gần chín mươi, căn bịnh lại không chỉ quan yếu đến Thận mà còn liên hệ và tác hại đến mắt, phổi, tim, gan. Những năm gần đây, cơ thể ông không sản sinh chất Insulin để điều hòa đường lượng được nữa, nên ông cụ phải đo đường lượng và chích Insulin năm lần một ngày. Căn cứ vào mức đường lượng khi đo mà chích Insulin theo bản hướng dẫn của bác sĩ.

Có lẽ trước đây là y tá trong ngành Quân y, qúa quen thuộc với kim chích, nên ông chích “rất chuyên nghiệp”. Tôi là người nhát chích, nên mỗi khi sang thăm, thấy ông một tay véo da gần cái rốn lên, một tay lụi cái kim tự chích lấy, tôi phải ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhưng ông cụ cứ tỉnh bơ, còn cười hà hà nói: Đời chỉ có thế mà thôi.

Hình như đức tin tôn giáo và tuổi đời làm ông không cảm thấy sợ cái chết nữa, tôi chưa bao giờ nghe thấy ông than thở về cái bịnh tật ông đang mắc phải. Đã mấy lần ông bị sỉu, phải gọi 911 cấp cứu vì đường lượng xuống bất thường dưới 70. Các con cái thì ở các thành phố hơi xa, chỉ có chúng tôi là tương đối ở gần khu chung cư – khoảng mười phút lái xe. Do đó, nhà tôi thường lo lắng mỗi khi nghe tiếng chuông điện thọai reo.

Tôi cũng thường nói cho vui với bà mẹ vợ rằng: Bây giờ bà ngọai là nữ điều dưỡng viên đó, ngoài việc theo dõi đường lượng, chích và uống thuốc, ông ngọai còn cần những thức ăn thích hợp mà bác sĩ đã hướng dẫn. Cố giảm bớt tối đa mắm muối, mỡ và đường nghe bà ngọai. Khi cần cấp cứu khẩn cấp, bấm 911 ngay, rồi hãy gọi cho con cháu sau.

- Ừ, mẹ cũng biết như vậy, từ sáng đến tối, đêm ngủ cũng không an tâm, lâu lâu lại thức giấc nghe ngóng xem bố còn thở bình thường không, lo cho bố còn bận và mệt hơn trông coi con nít. Nhưng Chúa ban cho mẹ còn sức khoẻ, mẹ còn lo được. Hơn nữa bà con lối xóm Việt Nam đây thương yêu bố mẹ lắm, mẹ chỉ ới một tiếng là các ông bà chạy đến giúp ngay, ai cũng có lòng – bà mẹ vợ tôi nói.

Tình yêu thương là lẽ thường tình phải có giữa con người và con người, huống chi là con cháu  ruột thịt. Tôi hiểu được sự lo lắng của nhà tôi, nhất là khi có tiếng điện thoại reo nhiều lần và mùa Xuân lại sắp về, Tết Nguyên đán đang cận kề – ai mà không ước muốn gia đình an vui, trong những ngày tháng chuẩn bị đón mừng năm mới.

Bước đến bàn máy điện toán, hai cái điện thọai: một để bàn, một cái là điện thoại cầm tay, cả hai đều có một hai cái “Missed Call”. Nhưng không phải của bên ông bà ngoại mà là của người bạn cựu tù Trương Kỉnh Thành năm xưa của tôi.

Tôi bước ra sân sau nói cho nhà tôi hay để cô nàng an tâm.

- Cám ơn ông xã. Tết nhất đến nơi rồi, chắc các ông cựu tù lại muốn anh đến họp mặt chứ gì. Anh gọi lại cho bạn  đi, vậy là họ đã gọi cho anh mấy lần rồi đó.

- Ờ, che xong mấy chậu kiểng rồi anh sẽ gọi ngay – tôi trả lời nàng.

Tôi trở vào nhà sau khi làm xong mấy việc lặt vặt trong khu vườn sau nhà, tôi gọi lại và hỏi thăm Thành – người bạn tù năm xưa.

- Thành hả? Có gì lạ không? Còn đi làm hay nghỉ rồi? Gia đình an vui cả chứ?

- Không có gì lạ, tôi vẫn đi làm dù đã qúa tuổi hưu, còn khoẻ mạnh, nhà trường lại cần, con cái cũng lớn hết rồi nên tôi vẫn đi làm cho khuây khỏa, hơn nữa công việc cũng nhàn hạ. Ông đi đâu mà tôi gọi hoài không gặp.

- Ờ, thì cũng loanh quanh với nhà cửa vườn tược thôi. Không gặp, cứ để lại lời nhắn, tôi sẽ gọi lại ngay – tôi trả lời Thành.

- Vậy trước tết Nguyên đán hay sau tết ông có bận rộn hay có trở ngại gì không? Đã lâu rồi, mấy “ thằng tù lười “ mình không gặp nhau. Nên mấy anh em nói tôi gọi ông, xem nên họp mặt trước hay sau tết. Bọn mình tết nhất phải gặp nhau, chúc tuổi nhau rồi ôn lại chuyện cũ chuyện mới chứ. Dưới Nam Cali những “thằng tù lười “ Cổ Tấn Anh Dũng, Vũ Đình Thọ, Trần Chương Lương, Phạm Huyên... đông hơn bọn mình, năm nào cũng họp mặt đón Xuân và còn gặp gỡ hàn huyên bất kỳ khi nào có những “ thằng tù lười “ từ các nơi khác về thăm Little Saigòn. Bọn mình ít người hơn nhưng cũng phải gặp nhau chứ. Khi nào có dịp, bọn mình xuống Nam Cali thăm mấy ông lười đó nhé - Thành nói.

- Ừ, tôi sao cũng được, họp mặt Tết ở nhà ông đi, trước hay sau tết tùy ông và anh em, đồ ăn nước uống như thế nào hay cần cái gì cứ gọi cho tôi – tôi trả lời Thành.

- Vậy là xong, có gì tôi sẽ gọi lại báo cho ông. Bây giờ tôi phải đi công chuyện. Thành nói bye, rồi gác máy.

Thành là một bạn cựu tù trong đoàn “500 thằng tù lười” – cái tên mà gã thủ trưởng trại tù Cây Cày A -  Năm Quân gọi để miệt thị anh em chúng tôi. Nhưng chúng tôi lại hãnh diện sống và lao động đúng như cái tên hắn gọi.

Thời cùng sống khổ sai trong trại tù cộng sản đã là những sợi dây vô hình nối kết anh em cựu tù, dù kẻ ở nơi này, đứa ở nơi kia dù nhiều anh cựu tù nay đã có cháu nội cháu ngoại.

Tại miền Bắc Cali, Thành là người nhiệt tình trong các sinh họat, từ các sinh hoạt Cộng đồng đến các chương trình đấu tranh cho dân chủ tại quê nhà, hoặc các chương trình yểm trợ Thương phế binh Việt nam Cộng Hòa....

Nhìn vóc dáng Thành, ai cũng nghĩ Thành còn ở tuổi trung niên. Thành bộc trực, nhưng rất yêu đời với những tiếng cười dòn và sảng khoái. Tóc ngắn, quân phục, giầy bốt đúng quân phong quân kỷ, tiếng hô dõng dạc, những bước chân và cách đánh tay còn đúng chóc cơ bản thao diễn, khi Thành điều khiển toán quốc quân kỳ của Lực lượng cựu sinh viên sĩ quan Thủ Đức miền Bắc Cali trong các sinh hoạt Cộng đồng, làm nhiều người khen ngợi.

Những cú điện thoại mời gọi anh em cựu tù họp mặt đón Xuân của người bạn tù Trương Kỉnh Thành, cũng như tin tức các sinh họạt sửa soạn mừng Xuân đó đây của các hội đoàn, của các cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại, làm tôi nhớ lại đêm giao thừa đón Xuân tại trại tù Bàu Cỏ, Tây Ninh, miền biên giới Việt Campuchia năm 1979 cùng Thành và những “thằng tù lười.”

*

Chiều tối ba mươi tết năm ấy, không khí trại tù Bàu Cỏ thê lương, ảm đạm.

Từ cả tuần trước tết, anh em tù đồn đoán thủ trưởng Mười Nhàn đã khăn gói cùng với những bộ đồ mộc bằng gỗ Cẩm lai, gỗ gõ.... mỹ thuật, do các tổ mộc, tổ tiện làm lâu nay, về Bắc ăn tết.

Chín giờ tối  thủ phó Tư Lùn bất ngờ vào trại kêu các đội trưởng tập họp anh em. Sau đôi ba lời chúc tết theo bài bản thuộc lòng từ ban Tuyên giáo đảng, như Vẹt, người thủ phó gốc miền Nam mà anh em tù vẫn gọi là chú Tư vì đã lớn tuổi, lại trở về đúng với bản chất và cung cách xuề xòa kiểu ông già nông dân miền Nam.

- Tết nhứt sao buồn “góa” vậy, ca lên cho dzui  tụi bây – tiếng người thủ phó, giọng khàn đục, vang lên trong sân đêm ba mươi tết.

- Nhạc “ giàng “ được hông chú Tư? Một anh tù bắt chước giọng miền Nam hỏi.

- Giàng bạc gì cũng được ráo trọi, ca lên cho dzui. Tết nhứt mà sao tụi bây buồn góa dzậy? Ngồi hay đứng vòng tròn đi, có đàn trống gì hông? Cho tui mượn cái ghế ngồi đi, đứng lâu hổng chịu nổi, già rồi! – người thủ phó tương đối hiền hơn Mười Nhàn nói và cười mỉm.

Bầu không khí chợt như vỡ oà, tiếng chân bước nhanh của vài anh về lán lấy cây Guitar tự chế, tiếng anh khác nói để tôi về lấy cây Sáo. Tiếng nhắc nhau ai có trà không để tôi đi nấu nước... Rồi đêm văn nghệ có một không hai trong đời tù vang vọng lên trong đêm giao thừa, khiến nhiều viên công an thường được gọi là anh đội khi đi canh gác tù, vào trại đứng nghe.

Những bản nhạc Xuân nổi tiếng trước năm 1975 lần lượt được các anh em tù cùng với tiếng đàn, tiếng sáo thay nhau ca hát say sưa, làm vơi đi sự buồn phiền của cái tết trong tù, và viên thủ phó cũng như công an quên mất họ là cai tù đang nghe những bản nhạc vàng mừng Xuân do người tù ca hát. Bản nhạc Ly rượu mừng được mọi người hợp ca, rồi tiếp nối với những ca khúc: Xuân này con không về, Đồn vắng chiều Xuân, Phiên gác đêm Xuân, Xuân và tuổi trẻ, Đón Xuân này nhớ Xuân xưa, Xuân miền Nam, Điệp khúc mùa Xuân, Cô gái Xuân....vv....

Người thủ phó gốc miền Nam gật gù, nhấc ly trà uống, nói thản nhiên sau mỗi bài ca tiếng đàn: Nhạc hay góa, nghe mà mê luôn... tụi bây ca hay gúa, đâu thua gì ai... Cứ vậy mà đêm ca hát đã qua giờ giao thừa từ lâu. Trước khi kết thúc, viên thủ phó còn nói như dặn dò: Thôi khuya rồi, đi ngủ tụi bây, mơi khỏi lao động.

Tôi và các bạn tù đi về lán ngủ mà cảm thấy vui, khi thấy viên thủ phó và cả những viên công an một phần nào đã nhận thấy những cái hay, cái tinh túy của những mùa Xuân Miền Nam trước năm 1975.

 
*

Nhiều năm sau này, dù đã thành cựu tù Hát Ô tại Mỹ, với chúng tôi, buổi hát nhạc vàng đón giao thừa trong trại tù cộng sản năm ấy đã thành một kỷ niệm khó quên.

An cư tại miền Bắc Cali lâu nay, tôi thường có thói quen dong chơi các khu chợ tết cuối năm, dù không có dự tính nhất định mua sắm thứ gì. Cuối năm vừa qua, tôi đang rảo bước trong chợ hoa, khu Lion Shopping, đường Tully, San Jose, chợt có người bước tới đối diện với tôi, đứng lại, hỏi:

- Xin lỗi có phải ông là ông Hoàng, trước đây ở Tổng Thanh Tra không?

- Phải, nhưng sao ông biết tên tôi – tôi hỏi lại.

- Tôi là Bán, tài xế đại đội quân xa hạng nhẹ biệt phái cho Tổng Thanh Tra trước 1975 đây. Ông không nhận ra tôi sao? Thấy ông chỉ trắng hơn thôi, chứ thấy không có gì thay đổi khác lạ, nên tôi nhận ra ông ngay. Sau khi tan hàng, tôi về lục tỉnh sống với mẹ già nhưng cực khổ qúa, lại bị rình rập đêm ngày, dù mình chỉ là anh hạ sĩ quèn thôi. Chịu không nổi, nhân có ghe lưới bạn của người em, nên ba mẹ con dắt díu nhau trốn đi. May mà thóat nạn. Hiện nay tôi đang làm ở chợ 99 Milpitas.

Anh nói một hơi thật dài kèm theo nụ cười tươi. Tôi mời anh vào quán uống cà phê và ăn trưa, hàn huyên tâm sự. Từ đó, đôi khi anh điện thọai hoặc đến thăm tôi để cho vơi “nỗi buồn viễn xứ “ – anh nói. Tôi cảm động khi nghĩ đến những chân tình của anh. Cách đây mấy tuần anh điện thoại nói chợ thiếu người nên phải làm bù đầu, năm nay có lẽ không có giờ đi chợ tết và ghé mời tôi đi uống cà phê.

Năm nay, mấy tuần lễ cận kề ngày tết, nhiều hội đồng hương và các đoàn thể ái hữu tổ chức tất niên với số người tham dự thật đông vui. Ngoài chương trình văn nghệ xen kẽ với tiệc mừng thì những chuyện bên lề về các sinh hoạt Hội Xuân, Hội Tết của các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, tại địa phương này hay nơi khác được bàn luận thật hào hứng.

Trong không khí tất niên mà tôi vừa được tham dự, nhiều người ngỏ ý thán phục tinh thần bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, cũng như thiện chí và tài năng của các anh chị thuộc Tổng hội sinh viên Việt Nam miền Nam California. Sự hy sinh trong tinh thần đoàn kết, với những học hỏi và sưu tầm sâu sa về nền văn hóa Việt Nam, cộng với óc sáng tạo tuyệt vời của các anh chị sinh viên, qua các tiết mục mang đậm nét đặc thù của nền văn hóa Việt, về nội dung cũng như trang phục và tổ chức. Mỗi năm mỗi sáng tạo mới lạ, và hay hơn, như : Ông táo về trời, Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình, Hội chùa Hương, Đánh cờ người, Vinh qui bái to, Đám cưới đầu Xuân... mỗi năm mang một chủ đề và ý nghĩa khác nhau.

Người bạn trung niên ngồi cạnh tôi nhắc nhớ đến chủ đề những năm vừa qua: Xuân Thanh Bình, Xuân Thịnh vương và năm nay Hướng về cội nguồn... Anh và các bạn kể lại cũng như khen ngợi nhiều chương trình công phu, cảnh trí và trình diễn điêu luyện, nên năm nào cũng thu hút hàng ngàn khách du Xuân, vừa thích thú vừa cảm phục, trong đó có nhiều người thuộc các sắc dân khác và các cấp lãnh đạo trong guồng máy công quyền.

Tôi nghe thấy nhiều người mong ước ở mỗi địa phương có cộng đồng Việt Nam, nên khuyến khích và cổ võ cho những sinh họat tương tự như của các anh chị sinh viên Việt Nam miền Nam Cali, tạo cho giới trẻ có địa bàn sinh hoạt để những người trẻ có thiện chí, tài năng và bản lãnh được tôi luyện về lãnh đạo, tương lai họ sẽ tham gia vào các hoạt động chính trường liên bang, tiểu bang, địa phương cũng như lãnh đạo Cộng đồng. Từ đó trợ lực, tiếp sức cho anh em bên quê nhà viết lên trang sử mới cho con dân nước Việt, cũng như giúp cho Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại ngày một thăng tiến.

Coi trên màn hình, đọc trên các nhật báo và trang mạng những bài viết, hình ảnh người Việt hải ngoại, rồi cảnh chợ Tết khắp nơi, rồi cầm trên tay những tờ báo xuân mừng năm mới của báo chí Việt ngữ hải ngoại, chắc hẳn trong tâm tư mỗi người Việt cũng như  tôi đều cảm thấy bồi hồi, tin tưởng hơn, vui hơn với mùa xuân đang tới.

Ý kiến bạn đọc
22/01/201917:32:07
Khách
Giới trẻ người Việt ở Hoa kỳ hiện nay:

Các dân biểu và thượng nghị sĩ gốc Việt tiểu bang và liên bang

California: Tyler Diệp Cộng Hòa Dân biểu

Florida: Đặng thị Ngọc Dung Dân Chủ Dân biểu liên bang ( Stephanie Murphy )

Georgia : Bee Nguyễn Dân Chủ Dân biểu

Massachusetts: Dean Trần Cộng Hòa Thượng nghị sĩ

Trâm Nguyễn Dân Chủ Dân biểu

Nevada: Rochelle Nguyễn Dân Chủ Dân biểu

Texas: Hubert Võ Dân Chủ Dân biểu

Washington state: Joe Nguyễn Dân Chủ Thượng nghị sĩ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,175,395
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới là truyện kể cuối năm dễ làm mềm lòng người.
Tác giả lần đầu đến với Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, bài và hình ảnh do thân hữu chuyển đến bằng eMail. Mong Huyen Lam sẽ bổ túc địa chỉ liên lạc và tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài đăng 2 kỳ
Đêm Giáng Sinh, mời đọc bài kể về thùng quà đặc biệt nhận từ bưu điện Mỹ. Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Giáng Sinh.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Bài và hình ảnh mới nhất là chuyện tác giả đi làm tình nguyện viên tại Trung Tâm Cứu Trợ nạn nhân của đám cháy Thomas vừa được thành lập tại Los Angeles.
Tác giả là một cựu du học sinh Nhựt Bổn, từng nhập Nhựt tịch, và có tên Nhựt là Yasushi Takasaki. Trước 30 Tháng Tư 1975, ông là chuyên viên Văn phòng Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, hiện cùng gia đình tái định cư tại Vancouver, Canada, từng làm Telemarketer của 2 hãng điện thoại Mỹ. Năm 2012, ông góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên, Thiên Đàng Còn Xa. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết như ng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến