Hôm nay,  

Thanksgiving Và Vụ Cướp Trên Tàu Điện

23/11/201800:00:00(Xem: 11545)
Tác giả: Pha Lê

Bài số 5554-20-31360-vb5112218

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên,  học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!

Tựa đề bài viết được đặt lại theo nội dung.

 
***
 

Lễ Tạ Ơn, thời hạn cuối sắp tới. Mà cái đích công việc vẫn chưa thể đạt được. Tiếng chuông điện thoai réo vang từ chiếc cell phone khiến Anthony giật mình, khẽ liếc nhìn số máy, chàng lầm bầm: “Sao phải gọi, nhắn text không được sao?”

Và chàng lại cắm cúi miệt mài gõ phím. Quanh chàng, trên mặt bàn ngổn ngang giấy tờ, hai ba ly cà phê đã cạn. Chàng là lập trình viên chính của công ty và đang rất bận rộn với dự án quan trọng. Đây là một company chuyên sản suất những con “chip”, hay những nhu liệu chính cho nhiều hãng computer. Tháng trước trong buổi họp bất thường, ông giám đốc đã tuyên bố:

- Như chúng ta biết, để cơ động hóa và tăng năng suất cho công việc, nhiều công ty đã bất đầu xử dụng robot, người máy. Trong các nhà kho của Amazon đã có những người máy lo việc kiểm kê, xuất nhập kho hàng hóa, và hình như hiệu năng của công việc rất cao.

Ngừng một  giây, ông cao giọng nói tiếp:

- Có  thể trong tương lai rất gần, Walmart, Target và có lẽ sẽ có nhiều công ty khác chắc chắn cũng có những dự án xử dụng người máy trong những khâu sản xuất của họ như vậy.

Bằng một giọng như ra lệnh, tiếng nói ông quyết liệt hơn:

- Cho nên công ty chúng ta cần cấp thời sáng chế những con  "chip , hay đúng ra là những người máy thông minh với chỉ số  IQ phải cao và phải biết thích ứng với mọi hoàn cảnh, nếu chúng ta thành công, đây sẽ là bước ngoặt rất lớn cho company. Tôi đã chỉ định cậu Anthony là người trực tiếp  hoạch định  cho dự án này.

 Vì đã được thông báo trước, nên Anthony chỉ mỉm cười cùng mọi người trong phòng, nụ cười khá dễ mến trên khuôn mặt thoáng chút kiêu ngạo của chàng.

 Cũng dễ hiểu thôi, Anthony có thể coi là một trong vài kỹ sư chính của công ty dù tuổi chàng chưa quá 30. Ra trường từ đại học Princeton với 2 bằng cử nhân, chỉ vài năm sau chàng đã hoàn tất 2 học vị tiến sĩ. Vào làm trong công ty được một năm, chàng đã nắm một vị trí khá quan trọng, kỹ sư trưởng của toàn khối những kỹ sư trẻ khác. Cung cách làm việc của Anthony rất nghiêm khắc, ở chàng chỉ  có "perfect or not perfect, toàn hảo hay không toàn hảo". Chính vì vậy, dù rất thành công, nhưng hình như chàng chỉ nhận được sự kính sợ, nhưng không kính mến của những nhân viên dưới quyền chàng.

 Anthony là một chàng trai mang hai giòng máu trong người, cha chàng là người Mỹ gốc Anh, và mẹ chàng là người Mỹ gốc Việt. Cha mẹ chàng là những người rất may mắn và  thành đạt  trên đất nước này. Họ gặp nhau trong đại học,  một năm sau khi ra trường, họ kết hôn. Cha chàng là một luật sư nổi tiếng nhưng ngược lại, mẹ chàng lại chấp nhận một công việc thật khiêm tốn so với công sức và thành quả bà gặt hái được trong đại học. Bà chỉ là một giáo sư toán của một trường trung học trong thành phố.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình với một nền tảng giáo dục “không công danh thà nát với cỏ cây”,  ngay từ bé Anthony đã là một học sinh xuất sắc và gương mẫu, nhưng do ảnh hưởng của cha cậu là một người British, cậu rất trầm tính và khá độc đoán. Cũng may cậu có một người mẹ VN rất dịu dàng, khoan dung đã rèn luyện hun đúc cho cậu đươc một đức tính  nhẫn nại.

Chính những cá tính này đã khiến Anthony trở thành nhân vật khá đặc biệt trong công ty. “Đặc biệt” vì bất cứ dự án nào mà chàng nhúng tay vào thì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đều hoàn tất mỹ mãn. Nhưng có lẽ lần này thì chàng khó thành công nổài. Dự án tạo ra một người máy robot như sự đòi hỏi  của Tổng giám đốc đã khiến chàng làm việc cật lực ngày đêm, và đã gần 2 tháng trôi qua mà chàng chỉ mới  xong được một phần nhỏ của dự án.

Theo như dự tính, công ty chàng sẽ tung ra thị trường sản phẩm người máy trong ngày Black Friday, mà hôm nay chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến lễ Thanksgiving. Anthony thở dài  và chàng cảm thấy thật mệt mỏi.

 Chiếc cell phone ở góc bàn vang lên từng chập, Anthony bước tới và cầm lên, tiếng Tiffany, cô bạn gái thân yêu của chàng ríu rít vang lên:

- Em không gặp anh cuối tuần này đâu nha, em có buổi họp quan trọng bên Seattle sáng mai, em sẽ bay ngay tối nay, không muốn text anh, em gọi để được nghe giọng anh nói. Ok, em bye nha !.

 Anthony khẽ lắc đầu, muốn nghe giọng chàng mà chàng chưa kịp nói gì  thì cô nàng đã cúp máy mất rồi, nhưng thôi như thế càng tốt cho chàng, nguyên cuối tuần này chàng sẽ cố tập trung hoàn tất những lập trình cho buổi thuyết trình sáng thứ hai.

 Khẽ quấn chặt chiếc khăn quàng cổ, cài lại hàng nút của chiếc áo ấm thật dầy, Anthony liếc nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ đêm, chàng mệt nhọc bước về phía thang máy, ngang qua những căn phòng vẫn còn đèn đuốc sáng trưng, Anthony biết những người bạn đồng nghiệp của chàng cũng đang gò lưng trên máy computer để hoàn tất một công trình, một dự án nào đó.

Bước ra ngoài đường, Anthony ngán ngẩm nhìn chiếc xe của chàng bị bao phủ một lớp tuyết dầy, một cơn gió lạnh buốt thổi những hạt bông tuyết rơi lả tả trên áo, trên tóc khiến khuôn mặt chàng tê cóng.Thôi đành gọi taxi vậy, Anthony thầm nghĩ và bước trở vào văn phòng.

 Bây giờ Anthony đang ngồi trong chiếc taxi của hệ thống Ubers, người tài xế nói với chàng bằng một giọng mang đầy âm hưởng của người Nam Mỹ:

- Rất tiếc khi ông gọi,  chúng tôi chưa biết một vài con đường đã bị đóng do cơn bão tuyết sáng nay. Để trở về nhà ông trên đường Webster và đường số 9, ông chỉ còn cách duy nhất là sử dụng đường xe điện ngầm. Bây giờ chúng tôi sẽ chở ông tới nhà ga xe điện.

 Anthony cảm thấy thật tức giận, chàng gằn giọng:

- Các ông làm việc thật vô lý hết sức...

 Vẫn với một giọng khá lễ độ, người tài xế Uber trả lời:

- Chúng tôi đã xin lỗi ông rồi mà, đóng đường và bão tuyết thì ai mà đoán trước được, tùy ông thôi, nhưng dĩ nhiên ông vẫn phải trả lệ phí như giao ước lúc ban đầu.

 - Thôi được, ông chở tôi tới nhà ga đi, Anthony vừa thở hắt ra  vừa nói.

Rồi chàng  tựa đầu vào thành ghế  và khẽ nhắm mắt lại. Anh chàng tài xế bắt đầu lái xe, anh ta huýt gió một bản nhạc Mễ Tây Cơ nổi tiếng mà Anthony cũng đã nghe qua nhiều lần. Hé mắt lặng lẽ quan sát ngưới tài xế, khuôn mặt anh ta tươi vui, tiếng nói rộn rã, ở anh ta toát lên hình ảnh một người được no đầy hạnh phúc, không dằn được, Anthony tò mò hỏi:

- Anh qua Mỹ bao lâu rồi, và đã có gia đình chưa?

- Dạ tôi ở Mỹ hơn 10 năm rồi. Tôi có gia đình chứ ông, một vợ, 5 con !

Trời đất, chàng kêu thầm. Bẩy miệng ăn trong gia đình, nếu là chàng, chắc chắn chàng không thể nào cười nổi, chứ nói chi đến ca hát. Tiếng anh chàng tài xế vẫn vang vang:

- Ở đất nước này có bao giờ sợ đói đâu ông, còn khổ cực thì bên quê nhà chúng tôi còn cực khổ gấp trăm lần. Đất nước này là “Land of the Opportunities”  mà ông.

 Nói xong anh ta phá lên cười, tiếng cười thật hồn nhiên và sảng khoái.  Anthony chỉ khẽ kín đáo lắc đầu và tự hỏi tại sao anh ta lại có thể dễ dàng an vui với một hạnh phúc giản dị và bình thường như vậy.

 Sau  lời chúc về nhà bình an của anh chàng tài xế Uber, Anthony  hối hả bước vội vào trong nhà ga. Đúng như chàng dự đoán, bên trong nhà ga thật vắng lặng và thưa thớt hành khách. Đặt chân vào toa thứ nhất, không một bóng người, Anthony vội bước sang toa thứ hai, cũng vậy, cho mãi tới khi chàng bước chân vào toa xe thứ tư, Anthony thở phào nhẹ nhõm vì trong toa này có khoảng 6, 7 hành khách.

Đặt chiêc cặp da xuống chân, chàng uể oải ngồi xuống băng ghế trống ngay sát cửa. Đối diện chàng là một cặp vợ chồng người Mỹ già, sát bên góc trái là hai cậu thanh niên và một cô gái đang cười đùa vui vẻ, họ chắc chắn  là sinh viên của trường đại học trong thành phố. Chợt Anthony khựng lại vì cuối băng ghế sát cạnh cửa sổ là một phụ nữ trung niên Á Đông, khuôn mặt bà khuất sau tờ báo bà đang đọc, nhìn thoáng tên tờ báo, Anthony biết chắc bà là người VN.

Khi chuyến xe điện vừa bắt đầu chuyển bánh, bất ngờ cánh cửa bật mở và một bóng người nhẩy vụt vào. Một mùi ẩm mốc của những bộ quần áo lâu ngày không giặt, cộng thêm mùi chua loét của một thân thể không được thường xuyên tắm rửa khiến mọi người choáng váng.

Anthony mở choàng mắt, trước mặt chàng là một gã đàn ông lôi thôi lem luốc, chàng tự nhủ, lại  là  một tên vô gia cư, vô nghề nghiệp, mà hình ảnh những người  sống ngoài vỉa hè này đâu có gì xa lạ với mọi người, Anthony  lại nhắm mắt nhưng một cảm giác bất an chợt thoáng qua trong trí óc chàng. Tiếng la hốt hoảng của hai vợ chồng người Mỹ già khiến Anthony vụt choàng dậy. Phải mất vài giây chàng mới  định thần và nhận định được những gì đang xảy ra. Đứng giữa phòng, với khẩu súng lăm lăm trên tay, gã vô gia cư nghiến răng ra lệnh:

- Tôi sẽ không làm tổn thương ai hết nếu mọi người hợp tác với tôi, đừng làm điều gì ngu xuẩn. Nào, bây giờ tất cả  cell phone quý vị liệng xuống đất và đá về phía tôi, nhắc lại lần nữa, đừng  ngu dại "be hero,” làm anh hùng !

Mọi người răm rắp làm theo, Anthony cảm thấy ruột gan chàng thắt lại. Với một người không gia đình,  không tiền tài, sự nghiệp, thì chuyện gì mà gã không dám làm!

 Khá hài lòng khi nhìn mọi người làm theo ý mình, gã nói tiếp:

- Tốt lắm, bây giờ ví, đồng hồ, nhẫn, tất cả những đồ quý giá trên người của quý vị, tháo ra hết, tôi muốn những thứ đó. Nhắc lại lần nữa, đừng làm gì ngu xuẩn!

 Gã ngừng nói, rút trong lưng quần chiếc túi vải, chĩa mũi súng về phía hai vợ chồng người Mỹ già vẫn đang ngồi run rẩy, hắn ra lệnh tiếp:

- Bà cầm chiếc túi này, đi vòng ra trước mặt mọi người cho họ bỏ ví và những đồ vật quý giá vào, rồi mang lại đây cho tôi. Xin nhắc lại lần nữa, đừng làm gì ngu xuẩn!

 Người đàn bà Mỹ già run run lẩy bẩy cầm chiếc túi lập cập bước về phía mọi người.

 Anthony tháo chiếc đồng hồ đắt tiền khỏi cổ tay, chàng thoáng nhói lòng, không phải vì tiếc của mà vì một tia lấp lánh từ cái nhẫn trên ngón tay. Không. Không thể để mất nó,  chàng tự nhủ.

Bỗng gã vô gia cư cao giọng nói:

- Sinh mạng của quý vị lớn hơn rất nhiều so với những gì quý vị bỏ trong chiếc bao kia. Đừng vọng động, những gì tôi cướp của quý vị hôm nay chẳng thấm tháp gì so với những gì quý vị đang có.


 Cầm chiếc túi với những thứ mình muốn, lùi sát về phía cửa, gã vô gia cư trầm giọng nói tiếp:

- Khoảng 10 phút nữa xe điện sẽ ngừng tai trạm chuyển tiếp, tôi đã nói rồi, tôi không muốn hại ai hết, cho nên quý vị nên hợp  tác với tôi. tất cả cell phone của mọi người tôi vẫn cất giữ, khi xe ngừng, ai ở đâu xin cứ ngồi yên đấy, sau khi tôi xuống xe, và khi xe lửa chạy khoảng 5 phút, quý vị có thể gọi 911. Nhắc lại lần nữa, quý vị có  một mái gia đình ,có công ăn việc làm  ổn định,  đừng dại dột làm người hùng .

 Rồi bỗng gã hạ thấp giọng, âm thanh như một lời tâm sự:

- Từ hôm qua tới giờ tôi chưa có một cái gì bỏ vào bụng hết, chắc chắn quý vị ở đây chưa từng bao giờ bị đói và bị lạnh phải không?

 Gã ngừng nói nhưng trên môi thoáng một cái nhếch mép mỉa mai. Anthony nhìn sững gã, đúng vậy, bản thân chàng chưa bao giờ phải  trải qua một cơn đói nào hết, nhưng chàng hiểu, hiểu rất rõ cái đói qua những câu chuyện thật buồn của mẹ chàng. Bà thường kể suốt năm tháng dài khi bà vừa mới lớn, những bữa ăn chỉ là những củ khoai mì sùng sượng, hoặc những hột bo bo nhai hoài, nhai mãi vẫn không mềm để nuốt. Chàng càng hiểu thấm thía cái đói hơn nữa khi nhìn những giọt lệ lăn dài trên khuôn mặt già nua nhăn nheo của bà ngoại mỗi khi bà cầm trên tay một bát cơm trắng, hoặc khi ngoại đau đớn,  xót xa  nhắc tới cái chết của hai người con trai của bà chỉ vì đói và lạnh. Ngoại còn kể cho chàng nghe trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu 45, Người ta đói quá đến độ phải  nhai cả những đám cỏ dại bên đường. Chắc  chắn anh chàng vô gia cư này chưa bao giờ phải trải qua một cơn đói khủng khiếp như vậy, Anthony thầm nghĩ và chàng khẽ mỉm cười. Bắt gặp nụ cười đó, gã vô gia cư chăm chú nhìn chàng và gã nhận ra chàng vẫn còn chiếc nhẫn trên ngón tay, gã hất mặt nói:

- Cởi chiếc nhẫn trên tay ông ra!

- Không bao giờ, Anthony  cảm thấy tim chàng như thót lại, chàng nói tiếp:

- Đây là chiếc nhẫn kỷ niệm ra trường của tôi, để lấy được chiếc nhẫn này khỏi ngón tay tôi, ông phải lấy sinh mạng của tôi trước!

 Quá ngạc nhiên vì câu nói của Anthony, gã vô gia cư  chồm tới  và dí sát họng súng vào mặt chàng, gã nghiến răng gằn giọng:

- Đừng chọc cho tôi giận, tốt hơn là ông nên tháo chiếc nhẫn và đưa cho tôi. Kỷ niệm cái quái gì, những người có cuộc sống no đủ và sung túc như quý vị thường quan trọng hóa những kỷ niệm ấm ớ đó .

 Giọng gã trở nên cay cú và tàn độc hơn, chưa bao giờ Anthony cảm thấy tức giận đến như vậy, bất chấp sự nguy hiểm cận kề, chàng toan co tay tung cú đấm vào mặt gã, tới đâu thì tới, chàng thầm nghĩ, nhưng chợt chàng bắt gặp ánh mắt cầu khẩn, van lơn của người phụ nữ Á Đông nơi cuối phòng, lòng chàng thật xốn xang.  Cố lấy lại bình tĩnh bằng một nụ cười, Anthony từ tốn nói:

- Nếu đây chỉ là chiếc nhẫn ra trường bình thường thì tội chi mà tôi dám hy sinh tính mạng của tôi  để giữ lấy, nhưng nó là một kỷ niệm rất quan trọng trong đời tôi. Trên mặt nhẫn có cẩn 2 viên ngọc, một viên là ký hiệu của trường đại học, còn viên kia thật cũ kỹ và trầy trụa, đó chính là viên ngọc lấy từ chiếc nhẫn của bà ngoại tôi, bà đã đeo nó suốt gần 70 năm. Bà tôi mất một tuần trước khi tôi ra trường. Tôi đã ôm bà trong tay, tôi đã xin bà chiếc nhẫn đó và hứa sẽ không bao giờ rời xa nó. măt sau của chiếc nhẫn có khắc tên và ngày bà mất. Cho nên...

 Anthony vụt ngừng ngang vì cơn xúc động đang dâng trào trong lòng chàng. Không gian trong phòng như cô đọng lại sau khi nghe chàng nói. Cô bé sinh viên phải cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Gã vô gia cư hình như cũng bàng hoàng vì những lời Anthony vừa kể, gã mím môi, bước lùi về phía sau.

 Bất chợt trên  khung cửa sổ nối hai toa tầu xuất hiện khuôn mặt của một nhân viên soát vé, dù không vào được vì gã vô gia cư đã khóa chốt bên trên, nhưng ông đã nhìn được cảnh tượng bên trong, chỉ một thoáng tíc tắc, ông đã hiểu chuyện gì đang xảy ra, ông vội quay gót và phóng vụt trở ra.

 Thế là hết, Anthony cảm thấy ruột gan chàng như co thắt lại. Đúng như chàng nghĩ, gã vô gia cư bật đứng dậy, gã giận dữ nói:

- Thật xui cho tôi và cho cả quý vị nữa, tôi áng chừng 15 hay 20 phút nữa thôi, cảnh sát sẽ tới bao vây toa xe điện này, tôi phải tính cách khác để thoát hiểm thôi.

 Trước khi mọi người hiểu được ý định của gã, hắn đã nhào tới túm tóc cô bé sinh viên và kéo ngược về phía mình. Cô bé rú lên vùng vẫy khóc, gã chĩa súng về phía mọi người, nghiến răng đe dọa:

- Cô bé này sẽ là con tin giúp tôi thoát hiểm. Đừng làm anh hùng, tính mạng cô bé tôi đang nắm trong tay.

- Xin hãy để cô bé đó lại.

 Một giọng nói phụ nữ từ cuối phòng vang lên,.Anthony bàng hoàng quay lại, đó là tiếng nói của người phụ nữ VN vẫn ngồi im lìm từ lúc đầu tới giờ, với một giọng cả quyết nhưng dịu dàng, bà thuyết phục.

- Xin ông hãy để tôi đi cùng với ông, thế cho cô bé. Tôi  lớn tuổi, tôi có tiền, có thẻ tín dụng, tôi có thể mướn xe giúp ông vượt thoát dễ dàng, cô bé đó chỉ là một sinh viên, có thể vẫn sống nhờ cha mẹ, cô bé sẽ là một gánh nặng cho ông.

 Với ánh mắt không mấy tin tưởng, gã hoài nghi hỏi:

- Tại sao? Đây chắc không phải là môt cái bẫy chứ?

- Tôi xin hứa với ông, vả lại chính ông đã nói ông không muốn làm tổn thương ai phải không, sau khi ông đã thoát hiểm, tôi nghĩ ông sẽ cho tôi về nhà,  mọi việc rồi sẽ ổn thỏa thôi.

 Gã vô gia cư vẫn thắc mắc:

- Tôi không có nhiều thời giờ, phải có một lý do nào khiến bà làm điều này, bà không nói, tôi sẽ không làm theo lời bà đâu.

Im lặng vài phút, bà rưng rưng kể:

-Trong chuyến vượt biển rời VN, cô con gái lớn nhất của tôi, chắc cũng chỉ thua cô bé này vài tuổi, bị bắt cóc, và một tuần sau đó, chùng tôi tìm thấy xác con gái yêu dấu của tôi trôi dạt vào một bờ biển gần đó .

 Bà ngừng nói vì cơn xúc động khiến bà nghẹn lời, giọng bà ngập sũng nước mắt:

- Tôi không biết những đau đơn tủi nhục mà con gái tôi phải trải qua trước khi cháu mất, nhưng tôi hiểu  rõ, rất rõ  nỗi đau thương cùng cực của một người mẹ từng ngày chờ đợi tin tức của đứa con thương yêu. Tôi không muốn điều đó xảy ra cho bất cứ người mẹ nào.

Anthony và mọi người gần như bất động vì câu chuyện bà kể. Bỗng từ xa tiếng còi xe cảnh sát bắt đầu hú vang. Gã vô gia cư chợt nhớ tới tình trang khẩn trương của mình, gã đẩy cô bé ngã chúi vào góc phòng, quay lưng lại, gã đã thấy người phụ nữ Á Đông đang đứng sát cạnh, bà đưa hai tay cho gã nắm. Bên ngoài đã bắt đầu tràn ngập bóng dáng cảnh sát. Bây giờ gã vô gia cư mới cảm thấy hoảng sợ, nhìn cặp mắt hoảng loạn, bối rối của gã, người phụ nữ bỗng nói, giọng bà thật dịu  dàng:

- Nếu ông buông súng bây giờ, tội của ông chỉ là cướp có vũ khí, nhưng nếu ông bắt cóc tôi, người ta sẽ rượt đuổi, tìm bắt ông. Ông sẽ bị coi như một tội phạm nguy hiểm. Bây giờ chưa phải là muộn, xin ông hãy tin và nghe lời tôi.

 Anthony thầm cảm phục sự bình tĩnh của người phụ nữ, chàng vội nói tiếp:

- Cha tôi là luật sư của thành phố, tôi hứa tôi sẽ nhờ ông can thiệp cho anh.

 Chàng vừa dứt lời thì cũng là lúc cảnh sát phá cửa ập vào, sau những phút hò hét, hoang mang  hỗn loạn, cảnh sát đã bắt và dẫn gã  ra ngoài xe. Anthony ngó quanh quất, người phụ nữ đã bỏ đi từ lúc nào, chàng thật hối tiếc đã không hỏi tên của bà.

Thay vì hối hả ra khỏi khu nhà ga như mọi người, Anthony thong thả ngồi xuống một băng ghế trống trong nhà ga. Mới ồn ào căng thẳng đó,  sao chàng thấy quanh mình và ngay trong lòng chàng bỗng lặng lẽ khác thường.

*

Hai tuần sau đó, một buổi sáng trước ngày Lễ Tạ Ơn, theo truyền thống, thành phố thường tổ chức những bữa ăn tình thương cho những người vô gia cư. Đưa tay đón nhận hộp thức ăn từ bàn tay của một tình nguyện viên, người phụ nữ da màu vô gia cư buột miệng khen:

- Cậu có chiếc nhẫn đẹp quá, chắc đó là chiếc nhẫn ra trường đại học của cậu phải không?

 Người thanh niên chỉ khẽ mỉm cười.

Phải, đó chính là Anthony! Sau cái đêm định mệnh đó, chàng bắt đầu quan tâm đến mọi người hơn, tham gia những chương trình từ thiện cho những người vô gia cư, và chàng luôn có mặt trong những bữa ăn tình thương, những buổi phát quà cho người nghèo.

 Sáng thứ hai chàng vào sở thật sớm với tất cả hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến dự án robots. Đứng trước mặt  ông Gary, vị giám đốc của công ty, Anthony mạch lạc trình bầy, và kết luận:

- Để tạo ra được một robot có chỉ số thông minh IQ cao, dĩ nhiên không phải chuyện dễ dàng. Như những bước thiết kế mà tôi vừa trình bày, chúng ta có thể từng bước hoàn chỉnh con “chip” cho người máy của công ty, nhưng nếu muốn người máy đó có  cả sự đồng cảm trong mọi tình huống thì không phải là chuyện dễ. Chúng ta phải cài đặt vào người máy này một bộ phận với chức năng rất phức tạp. “Bộ phận” này phải biết xót xa trước những đau thương của con người; biết phẫn nộ trước những bất công của cuộc đời; và nhất là phải biết chia xẻ, dám hy sinh, và sẵn sàng bù đắp cho những mất mát trong cuộc sống.

 Ngừng lại vài phút để ông Gary có thể “thấm” câu nói  của mình, Anthony nói tiếp:

- Tôi nghĩ chúng ta có thể gọi bộ phận đó là một “trái tim”, mà hình như chỉ có Thượng Đế mới  có thể tạo ra được bộ phận  này mà thôi!  Anthony ngừng nói và khẽ mỉm cười.

Là một người có niềm tin tôn giáo rất mạnh mẽ, ông Gary  hiểu rất rõ những điều Anthony vừa nói, ông nhìn chàng vừa thông cảm, vừa thương mến. Anthony đã kể cho ông nghe câu chuyện về vụ cướp trên tầu điện, về  người phụ nữ Việt Nam quả cảm, dám hy sinh sự sống còn của mình để đổi lấy sự an toàn cho người khác, những người không chút liên hệ cốt nhục tình thâm. Ông cũng đã nghe Anthony nói là chàng đã tìm hết mọi cách mà vẫn không thể liên lạc được với bà mẹ Việt Nam ấy.

Phần phúc trình về công việc đã xong, sau khi bắt tay vị Tổng Giám Đốc dễ mến, Anthony quay lưng toan bước đi, bỗng ông Gary hỏi chàng:

- Chuyện gì sẽ xảy ra đêm hôm ấy nếu người phụ nữ đó là một robot do chúng ta sáng chế?

 Vẫn với nụ cười, Anthony trả lời bằng một giọng khá hài hước:

- Thì bà robot của chúng ta sẽ rút súng, và sẽ có một màn đấu súng giống như những phim cao bồi miền viễn tây!

Trở lại phòng làm việc của mình, Anthony còn như nghe thấy tiếng cười của ông boss dễ mến. Chàng nhớ lại tiếng cười, tiếng hát vui vẻ của anh chàng lái xe Uber đêm hôm nào.  Chính là từ tiếng cười của anh ta và vụ cướp trên tầu điện đã khiến chàng bừng tỉnh và từ mùa lễ Tạ Ơn năm nay, Anthony bắt đầu một cuộc sống an hòa, khi thấy được rằng hạnh phúc là “an hưởng”  những gì mình có, chứ không phải chỉ là quay quắt với những gì mình muốn.

Pha Lê

Ý kiến bạn đọc
24/11/201817:03:13
Khách
Thật tuyệt vời! Rất lôi cuốn. Cảm ơn tác giả cho tôi đọc một câu truyện hay đến rơi lệ. ❤️
24/11/201803:00:07
Khách
Câu chuyện tuyệt vời. Cám ơn tác giả.
23/11/201813:46:18
Khách
Câu chuyện hay quá rất gay cấn và đầy tính nhân văn. Cám ơn tác giả Pha Lê. Cô có biết bút hiệu cúa cô còn có ý nghĩa khác khi nói lái ko vậy? Hi hi!
23/11/201809:38:39
Khách
Câu chuyện quá tuyệt vời. Do bận rộn, khá lâu tôi không vào đọc chuyện VVNM dù nhớ nó quay quắt. Hôm nay, giữa đêm khuya sau một ngày Thanksgiving, được đọc câu chuyện rất đặc biệt thấm đẫm tình người này...lòng tôi tràn ngập sự biết ơn tác giả và Việt Báo Online. Không hiểu sao, tôi tin đây là câu chuyện thật 100%.
23/11/201809:13:53
Khách
Cô Pha Lê viết truyện hay quá, đọc nghe ấm người
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa. Bài viết mới của ông có lời ghi “Xin cám ơn Ba vì câu chuyện đã kể, là nội dung chính cho bài viết này!”
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả từng nhận các giải bán kết từ năm đầu tiên 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975, ông là một hạm trưởng hải quân VNCH,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu là Fathers Day 2017. Mời đọc bài viết cho ngày này của Đoàn Thị. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010.
Chủ nhật 18 tháng 6 là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Năng Khiếu: đứa con được sinh ra tại khu kinh tế mới Sông Ray, tỉnh Long Khánh, trở thành một nữ dược sĩ tại Mỹ kể về người cha H.O.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu sẽ là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Trương Ngọc Bảo Xuân. Tác giả hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC)
Tác giả đa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù
Chủ Nhật 18-6 tới đây là Fathers Day 2017. Xin mời đọc bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Cũng “Ngày Lễ Cha” hai năm trước đây, tác giả đã có bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên kể về Ba.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Nhạc sĩ Cung Tiến