Bài số: 487-1024-vb4030304
Tác giả Nguyễn Lê cư trú tại Philadelphia, PA. Một số bài viết về nước Mỹ của ông đề cập tới nhiều đề tài khác nhau đã được phổ biến. Bài viết gần đây của ông kể về kinh nghiệm mở nhà hàng ăn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài mới lần này nói về thú đi ăn nhà hàng.
*
Các cụ ngày xưa để lại nhiều túi khôn cho con cháu, trong đó có những túi khôn về ăn uống, một trong tứ khoái trên đời.
Ông già tôi thực hành triệt để triết lý đầu tiên là ăn uống. Ông mướn một đầu bếp chuyên môn lo cho ông ăn một ngày 2 bữa thật ngon.
Cách đây đúng 54 năm ông bán căn nhà và để toàn bộ số tiền vào nhà băng. Để báo hiếu ông đưa ông nội tôi đi ăn nhà hàng đều đặn mỗi chiều khoảng 6 giờ tối. Ngày nào cũng vậy đúng 6 giờ tối, 7 ngày một tuần, liên tiếp năm này qua năm nọ, ông già tôi và ông nội lững thững bách bộ ra nhà hàng Lữ Gia, tọa lạc tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội thưởng thức cơm tây.
Đặc biệt chỉ có ông già và ông nội tôi thích cơm tây. Ông nói với con cháu để cho ông đi ăn, còn con cháu còn trẻ còn nhiều thời gian để ăn.
Trước năm 1954 ở Hà Nội tôi thường được dẫn đi ăn ở nhà hàng Tây (Pháp) tại khách sạn Metropole và ăn cơm Tàu thì vào tiệm Đông Hưng Viên, phố Hàng Buồm, bên cạnh phố Hàng Ngang thuộc Hà Nội 36 phố phường.
Di cư vào Nam năm 1975 tại Saigon đi ăn cơm Tây tôi hay tới tiệm Continental ở đường Tự Do, tiệm cơm Tây Chí Tài, chủ nhân người Hoa tại chợ Cũ đường Hàm Nghi. Đây nghe đâu là tiệm "cơm Tây thuộc địa" như tên gọi do các bà vợ VN lấy người Pháp đứng ra mở tiệm. Biết được các tiệm này là do các người sành ăn truyền miệng giới thiệu nằm rải rác đó đây trong thành phố Saigon.
Đi ăn nhà hàng trong các tiệc đám cưới thường được tổ chức tại các nhà hàng Đồng Khánh, Chợ Lớn, nhà hàng Are en Ciel, nhà hàng Bát Đạt.
Qua Mỹ vào nhà hàng ăn trở nên một tập quán bắt buộc phải có. Đi cày 5 ngày một tuần lễ chỉ chờ ngày cuối tuần là đi ăn nhà hàng. Phải nói đi ăn nhà hàng là một cái thú không thể thiếu được. Các bà vợ Mỹ yêu cầu ông chồng đưa đi ăn nhà hàng một tháng 2 lần. Không nhớ đưa các bà đi ăn nhà hàng đều đặn là có chuyện liền, không khí gia đình không vui ngay.
Bạn bè ở xa tới mời đi ăn nhà hàng là tiện nhất. Bà xã phải bận bịu chợ búa, sửa soạn nấu nướng, hầu khách tiếp khách cuối cùng là dọn dẹp, rửa chén bát đĩa nồi niêu soong chảo. Trăm thứ việc ngổn ngang chờ đợi trong khi khách khứa chia tay ra về.
Cuối tuần thường thường những người quen biết nhiều được mời tham dự đám cưới liên tục. Có tuần 2, 3 đám cưới cùng rơi trùng vào ngày thứ bảy. Nhiều người sợ không dám đi ăn đám cưới. Trong tiệc cưới phần lớn các món ăn từa tựa giống nhau: 4 món ăn chơi, càng cua bọc tôm, súp gà quay, lobster xào gừng hành, cá hấp, bồ câu quay, cơm chiên vv
trái cây tráng miệng.
Một số khách được mời rất sợ đám cưới. Giờ mời ăn là 6 giờ thì 9 giờ mới bắt đầu ăn. Ăn được 3, 4 món có những khách mới lò dò bò tới. Lý do đủ thứ: kẹt xe, lạc đường, bận đóng cửa tiệm vv
.
Tôi thích tham dự nhà hàng và đến đúng giờ mời. Chủ ý chuyện trò, thăm hỏi, trao đổi nên tôi không quan tâm nhiều đến thì giờ bắt đầu ăn. Có khách chỉ ăn vài 3 món rồi bỏ về không rõ lý do. Một số khách ăn xong đứng dậy đi về liền không chuyện trò, thăm hỏi.
Có ông đang ăn thì lấy thuốc lá ra hút phì phèo không cần biết đến khách ngồi cùng bàn đang thưởng thức món ăn. Một số người dị ứng khói thuốc, chảy nước mắt dàn giụa. Số khách khác thản nhiên lấy tăm xỉa răng trước mặt mọi thực khách đang ăn.
Vào ăn tại nhà hàng Tàu, có 2 điều làm ta phải chú ý tới trước tiên. Màu sắc trình bày trong nhà hàng màu đỏ, màu vàng đối chọi nhau rất chói mắt, nhiều nhà phê bình gọi là màu sắc chửi nhau. Rồng Phụng nhảy múa khắp nơi xung quanh tường chỗ nào cũng có rồng bay, phượng múa. Trong nhà hàng 4, 5 bàn mỗi bàn 5 người là tiếng nói chuyện to tiếng, ồn ào như cãi lộn. Quý vị thực khách như đi vào chỗ không người, cười nói thoải mái không cần lưu ý tới khách ngồi các bàn kế cận.
Tiệc cưới của một người bạn thân tổ chức tại một nhà hàng Tàu làm tôi nhớ mãi. Ông đặt 50 bàn ăn toàn cao lương mỹ vị. Đơn đặt hàng mỗi bàn trị giá 1200 đôla chưa kể tiền rượu, nước ngọt và tiền tip thù lao nhân viên. Vào tiệc là phần ăn chơi như heo sữa quay, scallops tươi còn nguyên con trong vỏ hấp gừng tỏi, súp vây cá (vi cá) cả con trong tô (shark fin soup) bào ngư xào nấm đông cô hấp cải bẹ xanh cũng gần cả một con bào ngư, lobster sà lách, cá black bass hấp vv
Tôi đã có dịp ăn thử tại một nhà hàng Nhật. Tại Mỹ tên gọi là nhà hàng Nhật như Benihama nhưng phần nhiều do người Việt Nam điều khiển. Bước vào nhà hàng trang trí kiểu Nhật nhưng tại nghe nhạc Tango như bản Paloma, La Cumparsita do các ông bà chiêu đãi viên người Việt mở trong lúc phục vụ khách hàng. Ngộ nhất là khi khách hàng nói hôm nay là sinh nhật của một người trong nhóm thì gần chót bữa ăn có một màn "Happy Birthday" do các nhân viên nhà hàng tự động ca hát và chiêu đãi bánh sinh nhật.
Hễ nói đến nhà hàng Nhật là ta liên tưởng đến cá sống, món sushi. Nhiều người nghe nói đến cá sống đều lè lưỡi, e ngại. Phải thử ta mới biết được cái vị ngon của món cá sống. Nhai miếng cá không một chút mùi tanh, mùi cá nào có vị riêng mùi thơm của loại cá đó. Miếng thịt cá ngọt mùi thịt cá tan trong miệng, thịt cá không kẹt trong kẽ răng, trôi xuống tận cuống họng. Cá sống nhiều loại như Tuna, Slamon, striped bass, trout vv
được thái từng miếng không xương to bằng 2 ngón tay chụm lại bày trên một chiếc thuyền bằng gỗ kèm theo củ cải bào và đồ chấm của người Nhật. Theo lời kể của người mở nhà hàng Nhật, cá bán ra cho khách ăn phải tươi, vừa bắt lên là lần lượt giao đến cho các nhà hàng. Vì phẩm chất tươi nên đặc biệt không ngửi thấy mùi tanh của cá nên giá cả khá mắc. Ăn một bữa sushi khi đứng dậy phải trả từ 50 đôla trở lên cho một người ăn chưa kể tiền rượu sa kê, nước ngọt đồ ăn tráng miệng, tiền thù lao cho chiêu đãi viên.
Ngày lễ Valentine vừa qua bà xã và tôi được mời đi ăn tại một nhà hàng Mỹ nổi tiếng Ritz Carlton. Sau phần xe được người lái đậu xe vào chỗ dành riêng cho nhà hàng là tới phần được hướng dẫn vào nhà hàng. Tòa nhà kiến trúc toàn bằng đá cẩm thạch (marble). Trang trí trong nhà hàng bằng gỗ màu cherry. Trên tường treo tranh ảnh và màn rũ như ta bước vào đền đài, cung điện La Mã. Aùnh sáng vừa đủ không sáng quá hoặc tối quá làm khung cảnh thêm sang trọng, ấm áp. Vì là ngày lễ nên toàn trai thanh, gái lịch từng cặp trò chuyện rất thơ mộng tình tứ. Khách trung niên thì trang phục lịch sự, quý phái. Cả mấy trăm thực khách mà không khí vẫn trang nghiêm, tiếng nói chuyện nhỏ nhẹ. Người đi qua lại thong thả, tay cầm ly rượu khai vị trong lúc chờ đợi tới lượt dẫn vào bàn ăn.
Một dãy dài bên trái của nhà hàng là khu chuẩn bị đồ ăn cho các đầu bếp mặc áo trắng, đội mũ trắng bận bịu chuẩn bị nấu nướng phục vụ khách hàng. Bên mặt nhà hàng phía trong là một dãy bàn có nệm dựa cho thực khách 2 hoặc 4 bốn. Phía giữa phòng là bàn tròn, phủ khăn bàn trắng toát, thẳng băng trên mặt bàn bày ly uống rượu trong suốt ly uống nước màu xanh da trời, đĩa ăn và muỗng nĩa màu bạc cùng một ngọn nến màu xanh đậm, ngọn đèn lung linh cháy bên trong ly thủy tinh.
Khách được đưa vào bàn và được người hướng dẫn trãi khăn ăn trên đùi khách. Một người hầu bàn tới chào hỏi và đưa thực đơn đồng thời mời rượu hoặc nước giải khát.
Sau khi đọc thực đơn và uống rượu thì người hầu bàn đã tới ghi nhận các món ăn do thực khách yêu cầu. Khách ngồi các bàn bên cạnh thì ăn uống trò chuyện thong thả như trút hết mọi ưu phiền của một ngày và tập trung vào câu chuyện hoặc thưởng thức món ăn, thức uống một cách thoải mái thư dãn.
Trong lúc chờ đợi món ăn, thực khách có bánh mì nóng và bơ lạnh lót dạ. Trò chuyện một lát thì món súp tiếp theo là món sà lách được đem ra trình làng. Món ăn trình bày rất đẹp mắt, nghệ thuật. Số lượng đồ ăn vừa đủ đựng trong đĩa hoặc tô thật đồ sộ.
Khoảng 40 phút sau món chính của bữa ăn được đem ra tôi lựa món "rach of Lamb" (khúc thịt trừu) còn bà xã lựa món cá striped bass. Cuối cùng là món tráng miệng như cremè bruleé, bánh ngọt Pháp , cà rem hay và phê.
Từ khi ngồi vào bàn ăn tới khi đứng dậy phải mất khoảng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ. Đi ăn tại nhà hàng Pháp-Mỹ phần chính là thoải mái thư dãn trò chuyện, tâm tình hay bàn tính công việc một cách rất khoan thai, thong thả. Trái lại khách vào nhà hàng Tàu, Việt từ lúc vào ăn tới lúc đứng dậy ra về chỉ mất chừng một tiếng đồng hồ. Thực khách tới nhà hàng chỉ lo thỏa mãn bao tử cho đầy bụng, ăn cho nhanh cho mau rồi vội vã ra về.
Trong các thành phố lớn hiện nay một số nhà hàng mở cửa đón khách tới 2, 3 giờ sáng. Có nơi mở 24/24 khách đi chơi đêm như coi hát, coi shows, khiêu vũ có nơi tụ tập, ăn uống về tới nhà cũng gần sáng.
Ngày nay đi du lịch bằng tàu biển (cruise ship) tàu vừa lênh đênh trên biển cả, vừa cặp bến tại các thành phố du lịch vừa cặp bến các đảo có danh lam thắng cảnh. Trên các tàu này đi ăn nhà hàng cũng dư một phần quan trọng trong lịch trình du lịch. Du khách ăn trưa có thể ghi tên tham dự xuất 11 giờ 30 hoặc 1 giờ. Buổi chiều xuất 6 giờ hoặc 8 giờ khách được đưa vào bàn 2 chỗ hoặc 4 chỗ hoặc 8 chỗ. Khi được ngồi ghép chung vào một bàn, khách được hỏi ý kiến trước khi vào. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận ngồi chung và khi được ngồi ghép chúng tôi được biết thêm nhiều bạn mới từ khắp nơi trên thế giới như Canada, England, France, Germany, Australia hoặc từ rất nhiều tiểu bang trên nước Mỹ.
Trong chuyến du lịch bằng tàu trên vùng đông bắc Mỹ trãi dài từ Nova Scotia, Canada qua Boston Massachusetts, đảo Martha's Vineyard, New York City, Philadelphia, Norfolk Virginia, Charleston, S. Carolina chúng tôi làm quen được với một cặp vợ chồng người Việt trong một bữa ăn trưa tình cờ được ghép với ông bà người Việt cư ngụ tại Colorado Springs. Từ thời gian đó 2 gia đình trở nên chỗ thâm giao.
Trên các tàu du lịch ta không muốn ngồi bàn được tiếp đãi long trọng như trong các nhà hàng nổi tiếng 4, 5 sao ta có thể tự do đi ăn theo lối ăn thỏa thích (All you can eat). Muốn ăn món gì, ta cứ việc ra quầy bày đồ ăn lựa đủ thứ đồ biển (seafood) thịt nướng, hấp, bỏ lò rau, đậu, trái cây, bánh mì, bánh ngọt, nước giải khát, trà, cà phê, cà rem vv
'
Đồ ăn tràn ngập từ sáng sớm tới nữa đêm, lúc nào muốn ăn là có sẵn. Một ngày gồm 5, 6 bữa từ điểm tâm tới ăn trưa, tới giờ uống trà ăn bánh ngọt, ăn tối và ăn khuya nữa đêm.
Ăn uống là một cái thú thần tiên như vậy. Để ý ta thấy các ông sư, ni cô, thượng tọa thường vắng bóng trong các buổi tiệc tùng. Lý thuyết nhà Phật đã cất đi một phần cái thú trên cõi đời ô trọc này!
Nguyễn Lê
+++
LỚP B1 NGUYỄN TRÃI HỘI NGỘ
Người viết: MAI QUANG THUẬN
Bài số: 488-1025-vb5040304
ØTác giả Mai-Quang-Thuận, cho biết ông sinh năm 1950 tại Phú-Nhai Nam-Định, di cư vào nam năm 54, theo học Nguyễn-Trãi từ 63-70, nhập khóa 6/72 trừ bị Thủ-Đức, tù cải tạo 5 năm 6 tháng, Qua Mỹ ngày 31/3/94 theo diện HO 22. Hiện đang ở tại Woodbridge Pl Hemet Ca. Trước làm nghề trồng rau, nay phụ với vợ trông coi tiệm nail nhỏ. Bài tường thuật sau đây được ông ghi lại về dịp gặp gỡ bạn học cùng lớp ngày xưa ở San Jose trong ba ngày 13, 14, và 15/2/04. Đây là một sinh hoạt thường thấy trong đời sống của người Việt tại Mỹ.
*
Chuyến xe đò Hoàng rời chợ ABC Westminster sáng thứ sáu 13 đã đưa tôi đến thung lũng Silicon San Jose lúc 4giờ 10 phút tại khu tiệm Lee Sandwiches trên đưòng King, trời về chiều của thành phố với nắng đã nhạt và cái lạnh của những tháng cuối đông làm cho lòng mình chùng xuống; đây là lần thứ hai tôi xuống chốn này, nhưng thật ra coi như là lần đầu vì khi trưóc có việc lên trả tiền một ngưòi thân đã giúp đỡ gia đình tôi mở một tiệm nail nho nhỏ để làm phương tiện sinh sống hàng ngày, tôi đã đến nơi đây, nhưng là vào lúc nửa đêm của tháng 6 năm ngoái và lại trở vềvào sáng sớm hôm sau, nên không có dịp tham quan thành phố nổi tiếng của cả nước Mỹ.
Đi xe đò lần này, tôi cảm thấy thoải mái hơn bởi cách tiếp đón của nhân viên hãng xe, nào là sẵn sàng cất giữ xe riêng của khách, rời bến đúng giờ giấc, phục vụ ân cần, ngoài bánh mì, chè, nước còn tổ chức xổ số, người may mắn được đi xe miễn phí hoặc được bớt 10 đồng, hay là an ủi một vé super lotto, được thưởng lãm chương trình ca nhạc trên màn ảnh nhỏ, chính cách phục vụ đó làm hành khách quên đi chặng đường dài trong cuộc hành trình.
Thực ra lúc đầu, tôi cũng chưa có ý định đi vì ngại đường xá xa xôi, công việc tại tiệm nail thật bận rộn trong những ngày gần kề Valentine, nhưng do lòng mong muốn gặp lại những người bạn đồng lớp B1 của những năm (63-64....69-70), và do nhiệt tình của Long trưởng lớp gọi phôn liên tục, tôi đã quyết định lên đường.
Khi hướng dẫn viên chuyến xe báo còn 10 phút nữa là tới bến, những hành khách trên xe có cell phone đã gọi cho người nhà chuẩn bị đón, những ai không có phôn tay thì ghi sẵn số và anh hướng dẫn đến từng hàng ghế gọi dùm.
Người ra đón tôi là bạn Đỗ Quân Thụy, cùng đi có trưởng lớp Huỳnh Phi Long và Hoàng Mạnh Trung. Nhìn dáng cao gầy của Long, tôi nhận ra ngay nhưng biết chúng tôi đều đã khác xưa nhiều lắm. Sau màn tay bắt mặt mừng tôi chúng tôi về nhà anh Thụy. Nhìn Thụy đã rời xa đất nước đến xứ Cờ Hoa này từ những năm 70, anh đã tốt nghiệp âm nhạc nhưng nghành này không giúp anh thăng tiến trong cuộc sống nên anh đã chuyển đổi qua nghành khác và nay anh đang phục vụ cho một hãng điện tử nào đó. Gặp cha mẹ anh tại nhà, ông bà đã niềm nở đón tiếp chúng tôi, nhất là mẹ anh, đã làm những món ăn ngon và đãi chúng tôi trong một bữa cơm gia đình. Bà xã của Thụy với dáng vẻ hiền lành, tươi trẻ đã làm cho buổi hội ngộ đầu tiên giữa chúng tôi thật ấm cúng, những câu chuyện về trường cũ bạn xưa được ôn lại rộn ràng.
Mai-Quang-Thuận
+++