Hôm nay,  

Rồi Có Một Ngày

11/10/201800:00:00(Xem: 13061)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số 5519-20-31326-vb5101118

 
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018.  Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và  thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

 
***
 

Vợ chồng tôi có một gái và một trai. Nói theo kiểu các cụ ngày xưa là có nếp có tẻ. Thằng bé út cách chị nó đến những mười tuổi. Con chị vừa học xong cao học, còn thằng em thì mới tập tễnh vào trung học.

Tôi thường nói đùa với bạn bè và người thân là “Mười năm không đẻ tưởng tình đã cũ!” Sự thân thiết trong nhà tôi cũng có tính cách hài hoà. Thằng nhỏ đeo mẹ nó như sam, suốt ngày cứ bá cổ mẹ, ngửi tóc mẹ và rên lên “Con thương mẹ! Con thương mẹ!” Chị nó thì thường đi chợ hay mua sắm đồ đạc trong nhà với mẹ, nhưng lại thích đi ăn vặt hay uống cà-phê với bố, nói chuyện học hành, làm việc với tôi, xem ra tâm đầu ý hợp lắm.

Tính tôi ưa nghĩ ngợi lôi thôi. Nhìn gần mà lại nghĩ đến xa. Những lúc trong gia đình sum họp, ăn uống hay xem ti-vi với nhau, tôi thường tự nhủ mình hãy tận hưởng những giây phút đẹp đẽ như thế này. Mai kia mốt nọ con cái sẽ lớn lên cả, lúc ấy tha hồ mà thấy trống vắng. Tôi lập gia đình tương đối muộn. Một số bạn bè tôi người thì đã có dâu, có rể, kẻ còn có cả cháu nội, cháu ngoại.

Có những người bạn tuy con cái chưa có gia đình, chúng cũng đã ra riêng. Những người bạn như vậy, mỗi lần gặp chúng tôi thường lắc đầu bảo “Tụi này giờ đã là ‘empty nesters’ cả rồi”. Tôi thấy hai chữ tiếng Anh này cũng hay hay. Tiếng Việt mình hình như không có khái niệm này, có lẽ nhà nào cũng không người này cũng có người kia sống chung với nhau trong nhà. Nếu rán dịch hai chữ đó ra tiếng Việt thành “những người trong tổ trống” thì nghe cũng buồn cười ra phết.

Một tối nọ, sẵn phải đem một món đồ qua đưa cho bà chị, tôi cao hứng rủ con gái cùng đi, bảo là sẽ ghé tiệm mua cà-phê, vừa mang sang cho bà ngoại, vừa mua cho hai bố con uống một thể. Vốn thường thích đi với bố để tâm sự tỉ tê, con bé vui vẻ đi với tôi ngay. Trên đường về, hai bố con nói hết chuyện này sang chuyện khác. Con bé bảo sao mà thấy bố mẹ mua nhà hay quá, tới phiên nó chắc khó lòng mà mua nổi. Nó bảo lương bổng tăng lên theo thời giá thì ít, trong khi  giá cả địa ốc còn tăng lên gấp bao nhiêu lần. Đoạn nó “dụ dỗ” tôi:

- Hay là bố mẹ cho con vay tiền down nhà. Khi có con sẽ trả lại. Con sẽ cho share mấy phòng, còn một phòng để ở. Như vậy sẽ có người trả tiền nhà cho mình, mà lại dư ra chút đỉnh để dành trả nợ cho bố mẹ.

Tôi trầm ngâm hỏi nó:

- Như vậy là con đang tính ra ở riêng phải không? Theo bố mẹ, con nên ở với bố mẹ cho đến khi nào có chồng rồi mới ra riêng.

Con gái tôi kêu lên:

- Kỳ lắm bố ơi! Ở xứ Mỹ này hai mươi mấy tuổi mà còn ở với bố mẹ thì người ta cười ê mặt lắm bố ạ.

Tôi cáu kỉnh bảo:

- Kỳ với cục cái gì! Ai cười thì hở mười cái răng. Người ta bảo xa mặt cách lòng. Con mà ở riêng rồi, mình sẽ ít sinh hoạt với nhau hơn.Lâu ngày bố mẹ, con cái,  chị em đâm ra lạt lẽo hồi nào không hay.

Cuộc nói chuyện với con gái đêm hôm ấy làm tôi giật mình. Cũng như hầu hết mọi người chung quanh, tôi cứ sống ngày này qua tháng nọ, xem những chuyện thường ngày như chuyện đã đành. Coi những người sống quanh mình cũng là chuyện đã đành.

Trong nhà tôi, từ hơn một tháng nay có cô em vợ ở tiểu bang khác đang ở với chúng tôi. Cô đang bị một chứng bệnh mà bác sĩ ở Cali có thể chữa trị hữu hiệu hơn. Vợ tôi xuống nhà dưới ngủ chung với cô em gái để lo cho cô. Còn một mình tôi đêm đêm nằm trong phòng, thấy sao chiếc giường bỗng rộng mênh mông. Chúng ta thường chỉ cảm nhận thiếu vắng một người nào khi điều đó thực sự xảy ra.

Một đêm nọ, tôi thấy khó ngủ nên với tay lấy cái remote control bật ti-vi lên tìm một cuốn phim nào đó xem cho buồn ngủ. Tìm một hồi lâu trên Netflix, cuối cùng tôi chọn một cuốn phim mà tựa đề nghe thật nhạt nhẽo: “The Land of Steady Habits” (dịch thử ra tiếng Việt lại càng thấy nhạt nhẽo hơn: “Vùng đất của những thói quen cố hữu”!).

Có cái đề nhạt nhẽo như thế, song cuốn phim lại chứa một nội dung khá sâu lắng. Phim do nam tài tử người Úc Ben Mendelsohn thủ vai chính. Ông đóng vai một người đàn ông trung niên có một sự nghiệp tương đối vững chắc trong ngành tài chánh, kiếm được nhiều tiền, nhưng đột ngột quyết định về hưu non. Triệt để hơn nữa, ông cũng quyết định chia tay với người vợ mà ông vẫn còn yêu thương để thử sống một cuộc đời mới, không ràng buộc với công việc và gia đình.Hai vợ chồng có với nhau một người con trai đã học xong đại học nhưng vẫn còn lông bông, không có nghề nghiệp gì ổn định.

Cuốn phim vẽ ra một cuộc sống của người đàn ông vừa trở lại tình trạng độc thân, sống một mình trong một căn nhà mới, rộng lớn và hoang vắng. Ông gặp vài người phụ nữ trong những lúc tình cờ ở những nơi công cộng, trải qua những mảnh tình vụng trộm, vội vàng với họ, rồi chia tay. Cuốn phim còn có nhiều tình tiết liên quan đến nhân vật chính với người vợ cũvà một gia đình khác, nhưng đó không phải là lý do để tôi tiếp tục theo dõi(tôi thường bỏ dở một phim nếu thấy chán để đi tìm phim khác).

Tôi xem đến hết cuốn phim vì nó lồng trong câu chuyện những phân cảnh giữa người cha sống một mình và người con trai đã đến tuổi thành niên. Người con trai, sau khi cha mẹ ly dị, vẫn ở chung nhà với mẹ. Tuy nhiên, một hôm anh bị bà đuổi ra khỏi nhà vì tội trộm tiền của một người khác để đi đánh bài. Anh kiếm được một chân đi giao hàng cho một tiệm rượu nhưng không có chỗ nào tá túc.

Một đêm nọ, anh bấm chuông nhà của người cha để xin ngủ lại qua đêm. Người cha tặng con một cái áo khoác đắt tiền, nhưng nhất quyết không cho con ngủ lại. Ông bảo đã đến lúc người con phải có trách nhiệm với bản thân, phải có một công việc đàng hoàng và một nơi ở riêng tư. Người con trai giận dữ, bỏ chạy ra khỏi nhà, để lại món quà mà cha mình vừa tặng.

Xem tới đó, tôi thấy trong lòng bồi hồi khôn tả. Tôi mường tượng nếu đó là tình cảnh giữa tôi với con trai tôi thì không biết tôi sẽ xử trí thế nào. Nhiều phần chắc là tôi sẽ để cho con mình ngủ lại! Tôi thấy người Âu Mỹ sống nguyên tắc quá. Con cái lớn lên là cha mẹ “kick out” chúng ra khỏi nhà. Họ sẵn sàng làm như vậy với con cái của mình, vì những người đó cũng đã từng bị cha mẹ của chính họ đối xử với họ như vậy rồi. Người Việt mình thì khác. Con cái lớn bao nhiêu, dưới mắt cha mẹ vẫn là những đứa con còn nhỏ dại. Cho những đứa con đã khôn lớn vẫn sống chung với mình đã đành, các bậc cha mẹ người Việt thậm chí còn cho vợ chồng, con cái của chúng sống nữa khi chúng đã thành gia thất. (Sau này tôi cũng biết được là trong văn hoá của các nước châu Mỹ La Tinh, chuyện con cái sống chung với cha mẹ, dù độc thân hay đã có vợ có chồng, cũng là chuyện bình thường như người Việt mình vậy).

Người đàn ông vai chính trong phim, cuối cùng cùng có một mối tình kéo dài tương đối lâu hơn những mối tình thoáng qua trước đó. Ông gặp người đàn bà này trong một bar rượu. Hai người mới đầu cũng trải qua một sốva chạm đáng tiếc, tưởng đưa đến chỗ phải xa nhau.Tuy nhiên, càng ngày hai người càng thấy gắn bó với nhau hơn.

Trong khi đó, người con trai cũng tìm được một công việc khá hơn việc cũ, có tiền đủ để mướn một căn chung cư ở riêng và quyết định học tiếp lên cao học. Một trong những cảnh cuối của cuốn phim là cảnh người cha đến thăm con và nơi ở mới của con mình. Ông đem một ít đồ trang trí mới mua cho nhà của mình đến cho con trai để làm quà mừng “nhà mới” của con. Người con mời cha ở lại ăn tối với mình, nhưng người đàn ông bảo đã có hẹn ăn tối với người bạn gái nên từ chối. Hai cha con ôm nhau trong khoảnh khắc, rồi người cha từ giã con ra về.


Cuốn phim kết thúc bằng cảnh người đàn ông và cô bạn dùng cơm tối với nhau. Rồi camera quay thẳng vào mặt người đàn ông, close-up. Hết phim. Tôi thẫn thờ tắt ti-vi. Thẫn thờ không phải vì cảnh hai kẻ tình nhân đang ăn uống với nhau, mà thẫn thờ vì bị ám ảnh cảnh hai cha con ôm nhau, rồi người cha lững thững rời khỏi nhà của đứa con, ngồi vào xe lái đi mất. Thốt nhiên, tôi bàng hoàng nghĩ rằng ngày đó rồi cũng sẽ đến với mình. Tim tôi như thắt lại.

Đêm đã khuya lắm rồi. Dưới lầu, trên lầu, mọi người trong nhà dường như đã ngủ say. Trong phòng riêng của mình, hai đứa con của tôi chắc cũng đang có nhiều mộng đẹp. Bây giờ chúng hãy còn ở với vợ chồng tôi. Rồi mai đây chúng cũng sẽ ra riêng như anh chàng trẻ tuổi trong cuốn phim tôi vừa coi, như bao nhiêu nam thanh nữ tú trong xã hội Huê Kỳ này. Vợ chồng tôi rồi cũng sẽ trở thành “những người trong tổ trống” như nhiều bậc cha mẹ khác.

Tôi còn để cho trí tưởng tượng của mình đi xa hơn. Tôi hình dung ra một cảnh y như trong xi-nê, trong đó tôi chính là người đàn ông trong cuốn phim. Tôi lái xe đến dự một bữa tiệc đêm trước Giáng Sinh ở nhà con gái tôi. Căn nhà bề thế, xinh xắn và sáng rực ánh đèn từ ngoài vào trong.

Tôi bước vào một vùng tràn ngập âm thanh, ánh sáng, và cả mùi thơm của thức ăn thoang thoảng trong căn nhà rộng lớn, với trần nhà cao vút. Vợ chồng con gái tôi, vợ chồng con trai tôi, những đứa cháu của tôi vui vẻ đến chào bố, chào ông nội, ông ngoại. Chúng tôi ôm nhau theo kiểu Mỹ. Hai con tôi tíu tít hỏi thăm tôi. Tôi vừa trả lời các con, vừa quay sang nựng nịu các cháu. Sau đó, tôi mang các món quà Giáng Sinh của mình cho các cháu đến đặt dưới cây thông trang hoàng rực rỡ, với một núi quà đã nằm sẵn dưới gốc cây. Rồi sau những món ăn ngon miệng, những ly rượu nồng nàn, đã đến lúc chia tay và nói lời chúc mừng Giáng Sinh. Lại ôm nhau, lại nói những câu sáo rỗng, rồi cuối cùng tôi cũng lững thững ra xe y hệt như nhân vật chính trong cuốn phim. Tôi lái xe vút đi trong đêm, dưới bầu trời lác đác vài vì sao lạc lõng. Trong lòng ráo hoảnh, không biết nên buồn hay nên vui.

Tôi cố tình tưởng tượng ra cảnh này không có vợ tôi bên cạnh cho nó “thảm” hơn một chút. Nếu có cảnh hai vợ chồng già cùng gậm nhấm nỗi lòng này với nhau thì “cuốn phim” sẽ không đủ làm cho khán giả xúc động. Thế rồi, sau những giây phút tưởng tượng, trái tim tôi cứ nặng nề mãi, càng thấy khó ngủ hơn lúc trước. Tôi không can đảm đứng dậy tắt cái đèn để trên table de nuit, sợ phải nằm thao thức trong bóng tối với nỗi niềm mới mẻ này. Chắc để đèn sáng mà cố thiếp đi dễ hơn chăng? Quả thật, chỉ một lúc sau tôi đã nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ trong ánh đèn vẫn còn để sáng trong phòng.

Tuy nhiên, sau đó tôi lại giật mình choàng dậy vì có tiếng động trong phòng tắm. Hoá ra vợ tôi từ dưới lầu lên, chắc là để xem chồng con ngủ nghỉ ra sao trên lầu. Hẳn cô tưởng tôi quên tắt đèn trước khi ngủ nên đã tắt giùm tôi. Tiện thể, cô vào phòng vệ sinh, bật đèn sáng trong buồng tắm, không biết đã vô tình làm tôi thức dậy. Tôi nhắm mắt lại, cố dỗ giấc ngủ mà cuối cùng rồi cũng đến.

Sáng hôm sau tôi không phải đi làm sớm. Buổi chiều tôi mới có lớp. Trong các trường tôi dạy, có trường đã khai giảng, có trường còn nghỉ hè, nên tôi vẫn còn khá thong thả. Tôi thức dậy với trái tim không đến nỗi nặng nề như đêm qua, nhưng trong lòng vẫn còn bàng bạc nỗi buồn do cuốn phim mang lại. Tôi muốn sáng hôm đó mình phải làm một điều gì khác hơn mọi ngày để mong tìm lại được một chút thăng bằng trong tâm trí. Tôi quyết định trở dậy, tắm rửa, thay quần áo để lái xe đến thư viện gần nhà. Sáng hôm ấy thời tiết thật đẹp.

Tôi đến thư viện Huntington Beach, mặc dù thường không có thói quen này. Thư viện nằm trong một khu vực khoáng đãng, cây cối sum sê. Vừa bước ra khỏi xe, tôi đã thấy được một chút bình an trong lòng. Bên trong thư viện càng làm tôi thấy sảng khoái hơn nữa. Bao bọc chung quanh thư viện là những bức tường bằng kính, khiến cho người tả có cảm tưởng là thế giới sách vở và thiên nhiên bên ngoài chừng như quyện vào nhau. Trong thư viện cũng có cả những cái cây xoè nhiều tán lá xanh mướt. Từ tầng thấp có thể nhìn phóng tầm mắt lên tầng cao, do cách xếp đặt các cầu thang theo lối mở. Bầu không khí yên lặng chung quanh càng làm tôi thấy nhẹ nhõm trong lòng.

Tôi ngồi xuống trước một cái computer, bắt đầu tìm tên một vài cuốn sách trong thư mục. Từ lâu nay tôi vẫn muốn kiếm tập thơ của Kahlil Gibran, nhà văn, nhà thơ Mỹ gốc Liban. Tôi thích tác giả này qua những câu ông nói có tính cách triết lý sâu xa mà cũng gần gũi với cuộc sống. Tìm được mã số của một tập thơ của ông, tôi đến dãy kệ gần đó để lấy sách. Ngồi ngó ra khoảng sân rộng xuyên qua bức tường kính to lớn, tôi lật từng trang trong tập thơ, đọc lướt qua những bài thơ bằng tiếng Anh của Gibran. Đến một trang, ánh mắt tôi chợt dừng lại ở những câu dưới đây mà tôi xin mạo muội dịch thoát qua tiếng Việt:

“Con cái của chúng ta không phải thật là con của chúng ta.

Chúng là con của Cuộc Sống, của ước vọng được chính là Cuộc Sống.

Chúng đến qua chúng ta chứ không phải là từ chúng ta.

Và tuy chúng ở cùng chúng ta, chúng lại không thuộc về chúng ta.

Chúng ta có thể cho chúng tình thương, nhưng không thể cho chúng tư tưởng của mình.

Vì chúng đã có tư tưởng riêng của chúng.

Chúng ta có thể chứa thân thể của chúng trong nhà, nhưng linh hồn của chúng thì không thể.

Vì những linh hồn đó chỉ trú ngụ trong căn nhà của ngày mai, nơi chúng ta không thể đến thăm, ngay cả trong giấc mơ.

Chúng ta có thể cố gắng để giống chúng, nhưng đừng tìm cách làm chúng giống chúng ta...”

(Trích  bài thơ “Your Children”, Kahlil Gibran, 1883-1931)

Bài thơ còn dài, nhưng tôi không đọc tiếp nữa. Tôi gấp sách lại, nhắm mắt, cố gắng không suy nghĩ gì. Tôi cảm thấy mình như tan biến đi trong cái yên ả của không gian bao la trong thư viện, trong cái mùi ngai ngái quen thuộc của sách vở. Một lúc sau, tôi đem tập thơ trả về vị trí của nó trên kệ. Tôi trở lại cái bàn có dãy computer, ngồi xuống trước một cái. Tôi thử tìm trên internet về đề tài con cái, nhất là của các tôn giáo, xem có gặp thêm được những lời nào hay ho về chuyện này hay không. Tìm kiếm hồi lâu, tôi thấy được câu dưới đây trong một website của đạo Tin Lành (xin dịch thoát):

“Các bậc cha mẹ chúng ta sống bình thản như thể con cái của mình là thuộc về mình— nhưng không, chúng thuộc về Thượng Đế.”

Và một lời dạy khác của Đức Phật:

“Trên bình diện tâm linh, cha mẹ không sở hữu con cái, thậm chí cũng không phải là những người sáng tạo ra con cái. Họ chỉ là những phương tiện cho những linh hồn của những đứa con mượn chỗ đầu thai trên thế gian.”

ÀØ ra thế. Hoá ra Phật, Chúa hay nhà thơ gì cũng nói một điều giống nhau. Thật là đơn giản và rõ ràng: Con cái không thuộc về cha mẹ. Chúng ta lúc nào cũng muốn kiểm soát con cái, muốn chúng sống cuộc đời chúng ta vẽ ra cho chúng sống. Chúng ta muốn con cái lúc nào cũng quây quần bên mình mà quên đi rằng đó chẳng khác nào làm cho chúng phải sống cảnh cá chậu chim lồng, thay vì phải đem lại cho chúng cái quyền làm cá nước chim trời.

Tôi rời thư viện, bước ra bên ngoài. Nắng đã lên cao, không khí mát dịu, thoang thoảng nhiều mùi hương pha trộn của những loài hoa lá nào đó. Bầu trời xanh ngắt, chỉ có vài đám mây trắng nhỏ. Một vài con chim nhỏ từ đâu bỗng bay vội lên cao, rồi lại sà xuống thấp. Tôi tưởng tượng rằng những chú chim đó là các con của tôi, các con của những bậc cha mẹ khác. Những con chim ra ràng, vui vẻ, háo hức bay vào không gian rộng lớn để tận hưởng tự do của trời đất bao la, cùng những điều thú vị bất ngờ mà cuộc sống đang chờ đợi để mang lại cho chúng.

Trần C. Trí

Ý kiến bạn đọc
02/02/202103:35:45
Khách
“Có một ngày”, một câu chuyện rất riêng tư mà vẫn rất chung, rất cụ thể mà vẫn bao quát về kiếp nhân sinh. Nhiệm vụ nhà văn là gợi ra một điều gì đó nung nấu, tiềm ẩn ở sâu trong tâm hồn ta bằng những hình ảnh cụ thể. Theo cách đó, bài viết đã chạm đến những con tim hay “nghĩ ngợi lôi thôi, nhìn gần mà lại nghĩ đến xa”.
Nhưng vẫn không bao giờ có điều gì quá rành mạch. Lúc trẻ, con cái vẫn ước mơ về những chân trời cao rộng, như khi về già, họ muốn trở về căn nhà xưa, dâng một chén trà thơm cho cha mẹ…
Cái kết bất ngờ, nhẹ bỗng, xanh mướt như chính cuộc sống!
Khi viết "buồn cười ra phết", tôi ngờ tác giả à dẫn Bắc Kì!
19/05/201917:12:47
Khách
Tận nhân tình, quy thiên mệnh. Mỗi con người vào đời đều mang theo nghiệp của nhiều kiếp trước- Nhìn con mình cũng nên nhìn thấy cái "kiết sanh thức" (để nối 2 kiếp sống vào nhau) của nó khi bắt đầu cuộc sống trong bụng mẹ cũng bình đẳng như của mình, không kỳ vọng, không đòi hỏi, không thể áp chế nó được, Chỉ có thể cố gắng giúp nó vào đời thuận theo cá tánh nó, và luôn luôn chuẩn bị buông thả dần, và buông bỏ khi đến lúc....
Thật cũng khó lắm...
12/10/201806:26:44
Khách
Trong lúc bình an, tìm thấy mối sầu, tư lự và tự giải...thoát nổi sầu...mong bạn thoát ra vòng luẩn khuẫn...chử tài và chử tai...tổ cha buồng chử.....
11/10/201822:07:26
Khách
TRong đạo Phật, Ái dục là nguyên nhân của đau khổ, của luân hồi sanh tử.THương yêu con cái quá đáng, đau khổ buồn nhớ vì ở xa chúng... hay vì chúng ra riêng là bị Ái dục sai khiến. Sinh con ra mà cứ lúc giận, lúc thương, lúc nhớ, lưc buồn, lúc mừng...là do Vọng tâm, cứ cho nó là của ta tạo ra nên cú bấu víu, bảo vệ,ôm ấp, thương yêu.. Yêu thì có ghen, có hờn,có vui....vậy thì cái nào là cái Tâm chân thật của ta?Vậy nên đối đãi tất cả mọi chúng sinh bình đẳng , sông với Chơn Tâm phơi phới, ung dung tự tại , thì khi chết khỏi vướng mắc giải thoát khỏi phải luân hồi trở lại.
11/10/201819:20:09
Khách
tác giả đã nhìn về con cái như cha-me, Phật, Chúa hay nhà thơ.
còn có ai nhìn về cha mẹ giống như ca nhạc sĩ người filipino, Freddie Aguilar trong bản nhạc '"Anak" không ?
11/10/201818:20:02
Khách
Nỗi suy tư của tác giả về con cái là đại diện cho hàng ngàn gia đình Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Mỗi nước có một phong tục tập quán riêng. Cái hay mình học và cái dỡ mình tránh. Theo quan niệm của Như Ý, mình không nên “kick out” con cái khi mới vừa học xong trung học mà mình nên lo cho các cháu thêm bốn năm đại học. Lúc đó các cháu nên tự lập thì mới có thể trưởng thành được.

Mỗi lứa tuổi có cái vui và cực của nó. Về già chúng ta không cần nhiều người bên cạnh mà có được một người bạn đời là đủ rồi. Ngoài ra chúng ta có thể tham gia vào những hội cao niên, tập yoga, đi du lịch v.v.
11/10/201810:27:05
Khách
nhà thơ Kahlil Gibran nói đúng:"Chúng ta có thể cố gắng để giống chúng,..." mình làm sao để con cái tới tuổi nào đó coi như bạn thì chúng mới theo ta lâu dài, dù có sớm xây tổ riêng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,037,011
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến