Hôm nay,  

Hai Người Thầy

27/09/201800:00:00(Xem: 10078)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số 5508-20-31315-vb5092718

 
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018.  Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và  thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:

 
Thương kính tặng má và mẹ.

 
***
 

1. Má Tôi

 
Má tôi người Phan Thiết. Khi có chồng, có một thời gian bà theo ba tôi vào sống ở Bãi Xàu, Sóc Trăng, rồi sau đó ra Nha Trang. Má tôi sinh tôi ra không phải ở Nha Trang mà ở Sài Gòn. Bà rất yêu Nha Trang, nhưng lúc nào cũng nghĩ rằng Sài Gòn là nơi có những nhà bảo sanh đầy đủ tiện nghi để bà yên tâm cho những đứa con yêu quý của bà ra chào đời. Vì vậy, cứ mỗi lần có bầu sắp trở dạ, má tôi lại đáp một chuyến bay của Hàng Không Việt Nam vào thủ đô hoa lệ của miền Nam để vượt cạn. Đó là lý do tôi thường cho rằng mình có đến hai quê hương là Hòn Ngọc Viễn Đông và miền Thuỳ Dương Cát Trắng.

Cũng như bao bà mẹ khác, má tôi nuôi nấng, dạy dỗ chị em chúng tôi với trọn trái tim ngọt ngào của bà mẹ Việt Nam. Đối với riêng tôi, má tôi không những chỉ là người cho tôi sự sống, nuôi dưỡng tôi nên người, mà còn là người thầy đầu tiên dạy cho tôi tiếng Việt, cũng như luân lý và văn hoá Việt Nam. Trước khi tôi cắp sách đến trường, má tôi chính là người đã gieo vào trí óc còn trắng tinh như một tờ giấy của tôi những âm thanh và chữ nghĩa đầu tiên của tiếng mẹ đẻ tuyệt vời của chúng ta. Giọng nói của má tôi pha trộn âm hưởng của miền Trung lẫn miền Nam nên nghe khá đặc biệt, hay đúng hơn là “không giống ai”. Tôi nói tiếng Việt theo giọng của má nên ở Nha Trang, bạn bè nghe tôi nói và thường nhận xét: “Giọng của mày không phải giọng Nha Trang!” Vào Sài Gòn chơi, tôi lại bị mấy người em họ sống ở đó chê: “Giọng của anh nghe biết không phải là dân Xè-Goòng liền!”

  Thuở đó, vào thời Pháp thuộc, ông ngoại tôi là thầy giáo, nhưng xem ra cũng còn phong kiến lắm, chỉ cho con cái học vừa đủ để biết mặt chữ rồi bắt ở nhà giúp cha mẹ. Chỉ qua lúc giao thời sau này, hai người dì nhỏ nhất của tôi mới được ông ngoại cho học lên cao đẳng và đại học. Má tôi chỉ học hết bậc tiểu học và có bằng Sơ Học Yếu Lược (tiếng tây gọi là primaire élémentaire). Hồi đó mà phụ nữ có được tấm bằng này kể cũng là oai lắm rồi. May mắn cho má tôi, ông bà ngoại tôi có một tiệm bán sách ở Phan Thiết mang cái tên khá hay ho là Trường Xuân. Má tôi, là chị cả trong nhà, được giao nhiệm vụ hằng ngày đứng bán sách. Cũng nhờ đó mà bà tiếp tục mở mang kiến thức về tiếng Việt cũng như văn chương Việt Nam qua những cuốn sách bày bán trong tiệm.

Một trong những câu chuyện má tôi ưa kể đi kể lại cho chúng tôi nghe là câu chuyện nhỏ như sau. Má kể trước cửa tiệm sách ông ngoại dựng một tấm bảng ghi tựa đề của những cuốn sách mới về để giới thiệu với khách hàng. Một hôm có một tập thơ và một tập truyện ngắn tiền chiến mới phát hành. Má dùng phấn trắng ghi lên bảng mấy dòng chữ: “Hôm nay có sách mới về: Thơ Thơ, Xuân Diệu; Đợi Chờ, Khái Hưng”. Má giảng giải cho tôi: “Con có biết tại sao hai câu này nghe ngộ nghĩnh hay không? Viết xong, má đọc lại mới thấy hai câu này tình cờ nghe như hai câu thơ lục bát vậy!” Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến thể thơ lục bát nên tò mò hỏi má tôi về loại thơ này. Má tôi vui vẻ giải thích cách làm thơ lục bát, cách chọn âm thanh và cách gieo vần. Sau này, mỗi lần làm một bài thơ lục bát, tôi lại bâng khuâng nhớ đến âm điệu nhẹ nhàng của hai câu quảng cáo sách của má mà đã vô tình trở thành hai câu thơ thú vị.

Má tôi nói giọng nửa Trung nửa Nam, và vốn liếng chữ nghĩa của bà cũng đậm nét địa phương của những vùng mà bà cùng ba tôi đã sống qua, kể cả cách phát âm cũng rất đặc biệt, lắm khi không đi cùng với chính tả. Chẳng hạn như những lúc bà la rầy tôi vì tôi không nghe lời bà, má tôi hay nói: “Con đừng thấy má không đánh con mà con “dữ ngư” nghe chưa. Con mà lì quá má cũng đánh con được vậy.” Khi nghe má la rầy như thế, trong trí óc non nớt của một thằng bé mới đi học và bắt đầu làm quen với chính tả tiếng Việt, tôi thầm đánh vần hai chữ mới lạ đó như sau: “dê ư dư ngã dữ, anh giê ư ngư, dữ ngư!” Sau này lớn hơn một chút, đọc sách báo, tôi mới biết rằng hai chữ đó phải viết (và đọc) là “dễ ngươi” mới đúng. Tuy vậy, tôi để ý thấy nơi tôi lớn lên, hầu như người lớn nào cũng nói “dữ ngư” như má tôi vậy.

Có nhiều chữ khác má tôi cũng đọc theo giọng miền Nam hay dùng theo nghĩa riêng của bà, như một thứ ngôn ngữ gia đình. Hồi đó, rất nhiều khi má tôi bảo tôi tìm món đồ gì mà tôi tìm hoài không thấy, má lại tìm ra món đó một cách dễ dàng. Má hay cằn nhằn: “Cái này nó nằm ‘chần dần’ ở đây từ hồi nào tới giờ mà con không thấy cũng lạ thiệt!” (Ý má tôi muốn nói “nằm sờ sờ ngay trước mắt”). Không biết quý độc giả có thường dùng hay nghe chữ này không chứ má tôi thích dùng nó lắm, và trong nhiều trường hợp khác nhau nữa. Thí dụ thay vì nói “người nào đứng lù lù trước cửa”, má lại nói người đó “đứng chần dần trước cửa”, hay thay vì tả một gương mặt “chành bành” (một chữ ưa dùng khác của má), má tôi cũng nói là “cái mặt chần dần”. Về sau tôi thử tìm chữ này trong từ điển thì thấy có cuốn không có chữ này, còn có vài cuốn thì viết là “chần vần” với nghĩa là to lớn, chỉ về gương mặt, chứ không có những “nghĩa rộng” mà má tôi thêm vào. Tóm lại, ngôn ngữ của má tôi dùng rất đỗi bình dân, chân chất, mà cũng đậm đà ý nghĩa, y như con người suốt đời sống bình dị của má.

Ngoài việc học ngữ vựng, tôi còn học ở má tôi nhiều câu ca dao tục ngữ có tính cách răn dạy hay nói về chuyện đời. Má tôi quan niệm rằng sự khôn khéo của con người không tuỳ thuộc vào tuổi tác mà hầu như là do ông trời sinh ra. Bà thường đọc cho tôi nghe câu tục ngữ này mỗi khi thích hợp với hoàn cảnh: “Khôn thì khôn thuở lên ba; dại thì già đầu cũng dại”. Thấy ai tỏ ra mình là quan trọng, má lại nhắc đến câu: “Có mợ chợ cũng đông; không có mợ chợ chẳng bỏ không buổi nào”. Khi tôi khôn lớn hơn, đến tuổi bắt đầu biết chuyện tình yêu, trai gái, những câu ca dao tục ngữ của má đọc cho tôi nghe cũng bắt đầu trở nên “táo bạo” hơn. Thấy có cô gái nào tỏ ra quay quắt vì không được một chàng trai để mắt tới, má ngâm nga: “Muốn người ta, người ta không muốn; xách cái dù đi xuống đi lên”. Gặp trường hợp có người đàn bà khó xử vì có đến hơn một người đàn ông tỏ ý muốn mình, má nhắc đến câu sau đây một các hóm hỉnh: “Hồi thì không có ai; hồi thì vừa trai vừa chồng”.

Tuy ưa đọc những câu nói có tính cách “dữ dội” như vậy, thật ra má tôi là một người rất đạo đức và đoan trang. Hằng ngày, thuở còn là thiếu nữ, trong lúc má bán sách cho khách hàng, chẳng thiếu gì những chàng trai trẻ thấy má tôi dung nhan cũng dễ nhìn, thường buông lời cợt nhã, bông đùa. Với ai má cũng làm mặt nghiêm, không hề đáp lại những lời chọc ghẹo thiếu lịch sự đó. Má thường đọc vanh vách nhưng câu ca dao hay tục ngữ nói về chuyện trai gái, vợ chồng như thể bà có nhiều kinh nghiệm lắm vậy. Kỳ thực, cả đời má tôi chưa biết yêu là gì. Theo lời má kể, tiêu chuẩn kiếm chồng của má hết sức giản dị: Yêu thương không thành vấn đề, má chỉ để mắt tới những anh chàng nào mồ côi cha mẹ (để sau này khỏi làm dâu!). Ngày đó, ba tôi lọt vào mắt xanh của má, một phần cũng vì ba khá đẹp trai, nhưng phần lớn là vì ba đã đáp ứng được tiêu chuẩn “mồ côi” của má!

Về chuyện trai gái, má tôi rất nghiêm khắc. Má thường bảo chúng tôi: “Đối với má, trai cũng vậy mà gái cũng vậy, khi quen nhau người này phải giữ gìn cho người kia. Khi nào cưới nhau rồi thì mới hay. Má giữ con gái của má, nhưng má cũng dặn dò con trai của má  phải giữ con gái người ta, biết xử sự đàng hoàng và tôn trọng bạn gái của mình”. Khi tôi có người bạn gái đầu tiên, lần nào trước khi tôi đi chơi với cô ta, má cũng dặn dò tôi bằng một thứ ngôn ngữ đầy tính “biểu tượng”: “Con đi chơi với bạn gái của con, làm gì thì làm nhưng nhất định không được “vượt bức tường âm thanh” đó nghen!” Cô bạn gái ngày xưa của tôi, mối tình đầu của tôi, rất tiếc về sau đã không trở thành vợ tôi. Nhưng cũng nhờ lời dặn dò kỹ lưỡng của má tôi mà “bức tường âm thanh” của cô chưa bao giờ bị máy bay của tôi vượt qua!

Khi cộng sản chiếm miền Nam, ước mơ của má tôi, cũng như bao người khác ở phía nam vĩ tuyến 17, là vượt thoát chế độ độc tài để đến miền đất hứa của tự do là nước Mỹ. Ngày đêm má cầu trời khấn phật cho con cái má đi vượt biên trót lọt, còn ba má thì sẽ chờ được bảo lãnh qua Mỹ sau. Lúc còn mồ ma chế độ Việt Nam Cộng Hoà, ba tôi phục vụ trong quân đội nên được cấp một căn nhà trong cư xá sĩ quan ở Nha Trang. Khi miền Nam sắp thất thủ, cả nhà tôi khăn gói chạy vào Sài Gòn. Một tháng sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản, gia đình tôi lại dắt díu nhau về lại Nha Trang, để thấy căn nhà trong cư xá sĩ quan đã bị người khác vào ở. Thế là cả nhà tôi phải lên tá túc ở nhà ông ngoại, ở tạm dưới một dãy nhà ngày trước dùng làm kho bán thuốc tây. Vì thế chúng tôi phải dùng chung nhà vệ sinh của nhà trên với ông bà ngoại và không có bếp để nấu ăn. Giữa nhà tôi ở và căn nhà phía trước (của ba má tôi, vì cho Mỹ mướn nên bị cộng sản tịch thu, cho người vào ở ngay trước mũi chúng tôi) có một đường hẽm nhỏ. Ba tôi lấy vài tấm tôn che tạm nắng mưa cho má tôi dùng con hẽm đó làm nhà bếp. Ngày ngày, trong cái bếp dã chiến chật hẹp đó, má tôi đã nấu những bữa cơm đạm bạc cho cả gia đình ăn trong bao nhiêu năm trời. Nhìn má đứng bỏ từng thanh củi vào lò để nấu nướng, mồ hôi lăn dài từng hột trên trán, trên má, tôi tưởng chừng như có ai lấy dao cứa vào từng thớ thịt của chính mình.


Tuy sống lam lũ dưới thời cộng sản, má tôi không hề từ bỏ ước mơ. Tối tối, khi cơm nước xong xuôi, gặp đêm có trăng, má thường ngồi với chị em chúng tôi trước nhà, trong khu vườn thoang thoảng mùi hoa lài, tha hồ vẽ vời mộng ước. Má nói: “Má mê nhất là căn bếp trong một ngôi nhà ở Mỹ. Má coi ké những tấm hình mấy người quen có con ở bên đó gởi về mà thích quá. Bếp gì mà rộng thênh thang, sạch sẽ, gọn gàng, ngó thiệt là bắt mắt. Nấu ăn trong một cái bếp như vậy thì phải biết! Cầu xin cho tụi con đứa nào vượt biên được, qua đó làm giấy tờ bảo lãnh ba má qua. Lúc đó tụi con cứ việc ban ngày đi làm, ở nhà má lo cơm nước, tối về mặc sức mà ăn”.

Rồi trời dường như cũng chìu lòng người. Chị em tôi lần lượt đứa thì đi bảo lãnh theo chồng, đứa thì vượt biên trót lọt, cuối cùng đã đoàn tụ ở Mỹ, trừ thằng út còn ở lại với ba má tôi. Chị tôi lo giấy tờ bảo lãnh cho ba má và em tôi. Tiếc thay, má tôi đã qua đời trước ngày lên máy bay đi đoàn tụ. Tôi buồn hết chỗ nói, nhưng lúc nào cũng tự an ủi mình. Tôi cho rằng má tôi thật sự không bao giờ mất đi cả, vì bà vẫn mãi mãi nằm trong tim của tôi, hiển hiện trong từng hơi thở của tôi. Hơn nữa, ngôn ngữ của bà cũng là ngôn ngữ của tôi, những suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống, những giá trị đạo đức của bà truyền lại cho tôi lúc nào cũng sống động trong tôi.

Má tôi không bao giờ đặt chân tới nước Mỹ, được đứng nấu ăn trong căn bếp bà từng mơ ước, nhưng trong một ý nghĩa nào đó, bà vẫn thấy được nước Mỹ qua tôi, đứa con trai của bà mà cũng là đứa học trò đã học tiếng Việt với bà thuở đầu đời.

 
2. Mẹ Tôi

 
Mẹ tôi là mẹ vợ của tôi. Trong thâm tâm, tôi luôn luôn coi bà là mẹ của tôi chứ không hề có sự phân biệt giữa mẹ ruột và mẹ vợ. Nếu má tôi là người cho tôi hình hài tôi có được ngày nay, thì mẹ tôi đã cho tôi cuộc sống ở Mỹ như bây giờ.

Ngày trước, mẹ tôi quen với ba má tôi qua một người quen khác (lúc ấy, tôi còn gọi bà bằng cô vì bà nhỏ tuổi hơn ba má tôi cả hơn một con giáp). Chính bà đã đứng ra lo cho tôi và con gái của bà đi vượt biên. Suốt mười mấy năm trời khi tôi còn kẹt lại ở Việt Nam, cũng như rất nhiều người khác, tôi thấy rằng mình còn sống mà cũng chẳng khác chi đã chết. Vì vậy, khi được người ngày nay là mẹ tôi đem lại cho tôi cơ hội như chết đi sống lại khi qua được đến Mỹ, tôi thấy như mình được sống thêm một cuộc đời nữa. Thành thử giữa bà và tôi có một mối liên hệ cũng sâu đậm không thua gì giữa má tôi và tôi.

Mẹ tôi có nhiều điểm tương phản với má tôi. Má tôi là người Nam, còn mẹ tôi là người Bắc di cư. Má tôi ít xã giao rộng, còn mẹ tôi bặt thiệp hơn nhiều. Má tôi có tính cần kiệm, chắt bóp, còn mẹ tôi tiêu xài rất rộng rãi, nếu không muốn nói là hoang phí.

Ngoài ra, mẹ tôi là mẫu người điển hình của phụ nữ miền Bắc với quan niệm “dâu là con, rể là khách”. Bà rất quý hai chàng rể trong nhà, trong đó có tôi. Lắm khi bà còn về phe tôi để bênh chàng rể và “chống” lại con gái bà lúc cần phân xử chuyện gì giữa vợ chồng tôi.

Trong lúc dạy tiếng Tây Ban Nha, tôi đã học được rất nhiều câu tục ngữ của họ, trong đó có một câu nghe rất buồn cười như thế này: “Viva mi suegra, pero que viva lejos!” (Mong mẹ vợ (hay chồng) của tôi sống mãi, nhưng cũng mong mong bà sống ở xa xa!). Câu này có thể áp dụng với ai tôi không biết, nhưng chắc chắn là không thể áp dụng với mẹ tôi. Bà thương con, thương cháu một cách đặc biệt. Chính bà đã lo ẵm bồng cháu gái đầu lòng của chúng tôi để lúc đó vợ tôi vẫn tiếp tục đi làm và tôi lo cho xong việc đèn sách của mình. Con gái tôi vừa cứng cáp, mẹ tôi đã bảo vợ chồng tôi: “Vợ chồng con liệu mà đẻ một đứa nữa đi, mẹ trông cho. Bây giờ mẹ còn khoẻ mẹ còn lo cho các con được”.

Vào làm rể nhà người Bắc, tôi có thêm một người thầy dạy tiếng Việt và văn hoá Việt nữa. Mẹ tôi đã giới thiệu với tôi một thế giới ngôn ngữ mới, đầy màu sắc dân gian của nơi bà sinh trưởng là miền Bắc Việt Nam. Bà sang Mỹ sống với gia đình qua diện bảo lãnh, và mang theo cả một kho tàng ngôn ngữ và văn hoá vô cùng phong phú. Tôi được học thêm rất nhiều từ ngữ “đặc Bắc” của Bà. Hễ thấy tôi đang ngồi bận bịu với sách vở mà cô em út của vợ tôi cứ lân la đến hỏi chuyện này, chuyện nọ, mẹ tôi lại gắt lên: “Hoà, mày để cho anh Trí làm việc với chứ, cứ “ám quẻ” anh ấy như thế thì ai mà chịu được!”

Mẹ tôi và cô em vợ út hình như khắc tinh với nhau lắm, nên suốt ngày hai mẹ con cứ “ủng oẳng” với nhau, hết vì chuyện này lại qua đến chuyện khác. Tỉ dụ như nếu cô em nói với mẹ tôi là đã quét nhà xong mà bà thấy nền nhà vẫn còn bụi hay sót lại một hai cọng rác, bà lại chì chiết: “Nhà cửa thế này mà mày bảo đã quét rồi. Nói điêu thì cũng nói điêu vừa vừa thôi chứ!”. Hồi trước tới giờ tôi chỉ đọc thấy hai chữ “nói điêu” trong những cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, nhưng lần đầu tiên tôi nghe mẹ tôi nói, tôi mới cảm thấy hết cái sức mạnh của chữ nghĩa. Theo tôi, hai chữ “nói láo” của miền Trung hay miền Nam nghe vẫn còn phiến diện lắm. “Nói láo” dường như chỉ cốt che dấu một sự thật, còn nghe hai chữ “nói điêu”, tôi tưởng như người đó còn thêm thắt, thêu dệt thực tế một cách tài tình nữa!  

Vốn liếng ca dao tục ngữ miền Bắc của mẹ tôi cũng thật độc đáo, bổ sung cho vốn liếng miền Nam mà tôi đã học được từ má tôi. Những câu ca dao tục ngữ của mẹ tôi cũng nói lên triết lý sống của bà, thật tương phản với triết lý sống của má tôi. Ngày còn sinh thời, má tôi luôn luôn dặn dò chị em tôi phải sống chung với nhau qua những lá thư bà gởi qua Mỹ (để dễ đùm bọc nhau hơn, má tôi lý luận như vậy). Trái lại, mẹ tôi lúc nào cũng nhắc nhở chúng tôi: “Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ”. Những lúc khác, khi ai trong chúng tôi phàn nàn về việc phải làm một việc gì cực khổ, mẹ tôi lại cười bảo: “Con thấy chưa, có ăn nhạt mới biết thương đến mèo”. Ngoài ra, tuy rất thương dâu rể, bà không hề trông mong gì ở vợ chồng của con cái mình, qua câu ca dao mà có dịp là bà lại nhắc đến: “Con bà có thương bà đâu, mà mong chàng rể nàng dâu thương cùng”.

Về văn hoá, nhất là mặt ẩm thực, mẹ tôi cũng đưa tôi vào thế giới ăn uống thật đặc trưng của miền Bắc. Lúc còn sống với má tôi ở Việt Nam, tôi đã được bà cho thưởng thức những món ăn miền Trung như bánh căn hay bún tươi ăn với cá ngừ kho, gỏi cá mai, chả cá hấp Nha Trang. Còn khi về làm rể nhà người Bắc, tôi lại được mẹ tôi cho ăn những món điển hình của vùng quê xứ Bắc như giả cầy, thịt đông, bún riêu ốc, bún thang, bún mọc. Đặc biệt hơn hết là mẹ tôi có một món hết sức độc đáo gọi là “cuốn ngỏ” mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác. Mỗi cái “cuốn ngỏ” gồm có vài con tôm luộc chín cắt dọc ra làm hai, vài miếng thịt ba chỉ luộc, vài miếng giò lụa thái mỏng (tôi nói kiểu miền Bắc cho đúng điệu. Nói theo giọng Nam là “chả lụa xắt mỏng”), vài miếng trứng chiên cũng thái mỏng cùng ít cọng ngò tươi; tất cả những nguyên liệu đó mẹ tôi cuốn trong một lá xà-lách to và buộc (hay cột!) lại bằng một sợi hành lá dài luộc sẵn. Chưa hết, mỗi cái cuốn ngỏ nhìn như một tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc đó sẽ được chấm vào một loại tương đặc biệt do mẹ tôi pha chế. Tương này bà làm với tương đen pha với dấm bỗng (xôi để cho lên men). Tôi mê món ăn vừa tinh tế, vừa bổ dưỡng này đã đành, nhưng còn thắc mắc với cái tên lạ lẫm của nó nữa. Mãi về sau tôi mới tự vỡ lẽ ra tại sao nó lại có tên như vậy. Trời đất, có gì đâu! Thì cũng như “lá thư ngỏ” là lá thư mở sẵn (ai đọc cũng được), “cuốn ngỏ” là loại cuốn “mở”, chỉ dùng xà-lách cuốn lại nên vẫn thấy lấp ló những món nằm bên trong. Thấm ý, tôi vẫn tủm tỉm cười một mình mỗi lần sắp được mẹ tôi cho ăn cuốn ngỏ.

Trong lớp tiếng Việt của tôi, hay trong những cuốn giáo khoa tiếng Việt tôi soạn, có thể nghe hay thấy đâu đó những từ ngữ, những câu ca dao tục ngữ mà mẹ tôi đã dạy. Nhiều lúc giảng bài mà cần hiểu thêm về tiếng miền Bắc, tôi lại phải chờ đến cuối tuần mới chạy sang hỏi bà để nghe bà giảng giải. Mẹ tôi và tôi thường nói chuyện với nhau khá tương đắc. Bà đem lại cho tôi tình thương vô điều kiện của một người mẹ nên có bà, lúc nào tôi cũng cảm thấy như chưa bao giờ mình là một kẻ “mồ côi” cả.

 
Hai người Mẹ

- Hai Người Thầy

Người Mỹ có câu “Count your blessings”, tôi rất thấm thía câu nói này nên lúc nào cũng nhớ đến những điều mình được may mắn hưởng. Tôi tự thấy mình có diễm phúc có má tôi và có mẹ tôi trong cuộc đời của mình. Mỗi bà mẹ, ngoài việc cho tôi một tình thương sâu đậm, lại còn truyền cho tôi bao nhiêu là vốn liếng về ngôn ngữ, đạo lý sống và văn hoá dân tộc. “Hai người thầy” của tôi, tuy có con trai và con gái gả cho nhau, chưa bao giờ chính thức là sui gia với nhau cả. Ngày xưa ở Việt Nam, má tôi và mẹ tôi có gặp nhau vài lần (vì người ở Nha Trang, người ở Sài Gòn). Đến khi tôi lấy vợ ở thì má tôi đã qua đời ba năm trước đó. Bây giờ, ở Mỹ, mẹ tôi cho tôi một tình thương thật ấm áp, như thể bù đắp cho tình thương của má tôi. Má tôi không còn nữa, nhưng tôi vẫn may mắn còn có mẹ tôi. Dù thế nào đi nữa, lúc nào tôi cũng thấy hai người mẹ, hai người thầy hiển hiện trong tôi trong từng suy nghĩ, trong từng câu nói, và cả trong từng cách xử thế hằng ngày của mình. Điều hạnh phúc đó, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ mất đi cả.

 
Trần C. Trí

Ý kiến bạn đọc
19/10/201821:43:58
Khách
Thể lệ tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ khởi đầu, năm 2000, có ghi rõ: "Mục tiêu của giải thưởng là cổ võ việc ghi lại những kinh nghiệm hội nhập của người Việt vào dòng sống nước Mỹ, càng nhiều chi tiết sống thực càng hay. Bài tham dự có thể là truyện ký, truyện ngắn, tạp bút... Người viết có thể gửi nhiều bài tham dự, hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn là liên quan tới nước Mỹ."

Đây là cái link: https://vvnm.vietbao.com/a239020/hop-mat-viet-ve-nuoc-my-16-thang-8-2015-20-tac-gia-se-nhan-giai-nam-thu-xvi
04/10/201823:03:57
Khách
Cam on tac gia ve bai viet that la hay, va co gia tri đao đức cao!
Toi lam viec voi nguoi My, o chung voi nguoi My, nen it duoc noi tieng Viet hang ngay. Vi vay, nhieu khi khong tim đuoc từ minh muon diển tả. Vay ma bay gio lai đang giup cho mot nguoi muon hoc tieng Viet nua! Xin tam dung bai viet cua tac gia đe lam tai lieu nhe. đong thoi, xin chuc mung tac gia co mot mai am that hanh phuc!
29/09/201817:00:46
Khách
Tác giả thật may mắn và hạnh phúc có hai người thầy đáng yêu! Tác giả làm cho hai người mẹ thật hãnh diện. Xin chúc mừng. 🙂
29/09/201800:01:05
Khách
Mẹ tôi thì hay nói "sống mỗi người một nhà, già mỗi người một mồ", "đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào". HÌnh như bà mẹ VN nào cũng là một kho tàng văn chương bình dân bất tận.
27/09/201816:35:32
Khách
Bài viết về Mẹ luôn làm mắt hoen lệ . Tác giả ý tứ , tình cảm tha thiết ghê. Có vậy mới yêu má , mẹ tha thiết và hiểu hai bà sâu đậm . Cảm ơn tác giả vừa gợi lại hình ảnh mẹ vừa mất trong tôi .
27/09/201812:49:37
Khách
Gia cảnh của tôi hoàn toàn ngược với của anh. Nhà tôi Bắc Kỳ 54, nhà vợ tôi Trung Kỳ vùng Quy Nhơn. Tuy ngược nhưng đọc bài của anh tôi thấy đâu đây hình ảnh và cuộc đời của tôi.
Về ngôn ngữ gia đình Bắc kỳ của bạn tôi lẫn của tôi thường dùng những từ như “chần dần, ám quẻ, nói điêu”. Tôi chưa từng nghe bên nhà vợ tôi hay bạn Trung kỳ của tôi dùng từ “chần dần”.
Về ẩm thực thì “cuốn ngỏ” đúng là Bắc Kỳ chính hiệu. Chỉ có khác là bên nhà tôi cuốn bằng một con tôm luộc thái dọc đôi, một miếng thịt ba chỉ, một miếng giò lụa, nửa lá xà lách và tí bún gói bằng sợi hành lá luộc chín. Sở dĩ mọi thứ chỉ có một và nhỏ chứ không vài và lá xà lách to vì để cho cuốn ngỏ vừa một miếng ăn. Nếu người ăn phải cắn thành hai hay ba lần thì sợi hành sẽ đứt ra vài mọi thứ không còn gỏi trọn trong một cuốn nữa. Giả cầy và thịt đông ăn với dưa chua hăng hăng hơi sống là tuyệt chiêu dùng trong mùa Đông khi trời đổ lạnh.
Về cách sống: “mỗi một nhà, mỗi một mồ” rất đúng như anh nhận xét. Người Trung thích con cháu sống chung, hùm hạp chung làm ăn ngay cả sau khi lập gia đình. Lúc sinh thời, cậu tôi thường dặn các con: đồng tiền không những sẽ làm mất anh em mà nhiều khi đánh giết nhau nữa.
PS. Tôi gọi mẹ ruột tôi là mợ và mẹ vợ tôi là má
27/09/201808:55:50
Khách
Bài viết thật cảm động. Đọc mà cứ nghe gờn gợn những cảm xúc thương yêu!
Anh Trí thật là người hạnh phúc, vừa có má lại được mẹ.
“Sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi.” Tui tin rằng má anh vẫn lo lắng, chăm sóc anh bao năm qua.
Tui dân Sài Gòn nhưng vẫn xài chữ “chần dần” theo nghĩa rộng của má anh xưa giờ🤓👍❗️
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,728,206
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến