Hôm nay,  

Thuở Ấy Bình Yên

06/09/201800:00:00(Xem: 11059)
Tác giả: Thảo Lan

Bài số 5488-20-31295-vb5090618

 
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.

 
***
 

Thuở ấy tôi mới đặt chân lên đất Mỹ. Công việc đầu tiên tôi làm là rửa bát cho một nhà hàng steakhouse của Mỹ ở Belmont, một thị trấn nhỏ ở ngoại ô Charlotte tiểu bang North Carolina.

Người bạn Mỹ đầu tiên của tôi là một anh chàng Mỹ đen to như hộ pháp nhưng có nụ cười rất hiền lành dễ thuơng làm cùng trong nhà hàng này. Tôi vẫn còn nhớ mãi nụ cười này khi anh ta làm một ly kem to tổ bố đưa ra mời tôi ăn trong giờ nghỉ trưa. Làm ở đây được hai tuần thì tôi chuyển lên Virginia sống.

Lúc này khu apartment mà ba mẹ tôi đặt cọc vẫn chưa có căn trống nên chúng tôi ở tạm trong căn apartment nhỏ của vợ chồng một người anh ở thành phố Newport News. Căn apartment có hai phòng ngủ. Một phòng dành cho vợ chồng anh và cháu bé khi đó được gần hai tuổi. Căn phòng kia dành cho ba mẹ và chị tôi. Còn giang sơn của tôi buổi tối là cái sleeping bag trải ở phòng family room. Ở đây được cỡ hơn hai tuần thì chúng tôi dọn về căn apartment ba phòng ở khu downtown của thành phố Hampton.

Việc đầu tiên của tôi khi dọn lên Virginia, ngay từ khi còn ở tạm với gia đình người anh, là bốc phone gọi cho các trường đại học ở những khu lân cận xin họ gửi catalog để tìm hiểu đường đi nước bước cho tương lai. Khi ấy tôi đã phân vân giữa hai lựa chọn là học làm thợ máy, machinist, hoặc theo đuổi chương trình đại học. Học thợ máy chỉ cần mất khoảng sáu tháng là cao mà tôi đã từng làm thợ tiện từ khi còn ở Việt Nam nên việc học ra trường kiếm việc làm vững chắc cũng không phải khó.

Dạo đó ba tôi đang làm cho một hãng cơ khí nhỏ mà phần lớn công nhân là người Việt Nam. Ba tôi đã nhờ một anh Việt Nam làm chung ghé chở tôi đến trường community college ở cùng thành phố để lấy đơn xin nhập học. Trước đây ba tôi có kể cho những người làm chung là tôi đã làm thợ tiện nhiều năm ở Việt Nam nên nếu được tôi có thể vào làm chung trong hãng cơ khí đó. Tôi không nhớ rõ ngày hôm đó mình đã làm hay nói những gì khi theo anh ta đến trường chỉ nhớ rằng chiều tối hôm đó khi đi làm về ba tôi có kể là anh ta quay trở vào hãng nói với ba tôi là tôi không muốn làm thợ mà muốn học engineering. Quả thật thời gian đó đi học mà tôi cũng không dám chắc là mình có thể ra trường và kiếm được việc vì đã được biết đến bao nhiêu trường hợp của nhiều người đi trước học lấy được mảnh bằng nhưng rồi cuối cùng lại rớt job interview nên rồi lại phải giấu mảnh bằng đi để quay về làm thợ chân tay ăn lương giờ.

Việc thứ nhì tôi làm khi đã an cư ở Virginia tất nhiên là phải kiếm việc làm. Mới chân ướt chân ráo đến Mỹ chừng hơn một tháng làm gì đã có xe và biết lái xe, muốn tìm việc thì chỉ có nước cuốc bộ thôi. Tất nhiên đã không có xe thì chắc ăn nhất là kiếm việc trong phạm vi có thể đi bộ được. Cứ thế sáng dậy nấu một gói mì ăn cho chắc bụng rồi đi lang thang khắp phố ghé vào bất cứ nơi nào để xin việc.

Cứ thế đến ngày thứ ba thứ tư thì bắt đầu nản. May quá có một chị Việt Nam quen với anh tôi ghé chơi và kể có biết một hãng làm thịt cua có rất nhiều người Việt Nam làm không xa khu apartment của chúng tôi lắm. Chị đã chở tôi đến đó xin việc. Thế là công việc kiếm tiền thứ hai của tôi ở Mỹ là bẻ càng cua xếp vô dây chuyền để đưa vô máy lột mai, cắt chân để những người công nhân nhặt sạch gạch trước khi đưa vô lò hấp rồi xếp vô máy rung để tách thịt cua. Đây là một hãng nhỏ nằm ngay bờ sông nơi các ghe đánh bắt cua bỏ lồng từ đêm đến sáng sớm thu lên và đưa đến đây bán. Từ apartment của tôi đi bộ đến đó chỉ mất chừng hơn 10 phút nhưng khi ấy tôi dùng chiếc xe đạp để đi làm hàng ngày.

Tôi tiếp tục làm ở đó cho đến khi nhập học. Khóa học đầu tiên lấy những lớp thật sớm để còn kịp quay về tiếp tục bẻ càng cua. Chủ cho phép tôi được đến làm bất cứ lúc nào cho đến hết cua thì ở lại dọn dẹp kiếm thêm giờ. Cứ thế thời gian trôi qua vùn vụt chả mấy chốc đến gần cuối semester đầu tiên ở Mỹ. Trời bắt đầu trở lạnh đồng nghĩa với cua bắt đầu ít đi. Cua không đủ để chạy máy chỉ còn dành cho những người công nhân lóc thịt cua bằng tay bỏ vô hộp, loại cua cao cấp hơn loại thịt cua tách bằng máy. Thế là tôi lại bắt đầu công việc tìm kiếm việc làm sau giờ học. Lần này thì tôi đã có kinh nghiệm đi xe bus nên tôi bắt đầu có thể đi xa hơn.

Sau giờ học ghé về nhà ăn qua loa rồi lại cuốc bộ ra trạm đón xe bus đi đến những khu thuơng mại lớn rồi xuống xe để lang thang ghé vào bất cứ tiệm nào để hỏi xin việc. Cũng như lần cuốc bộ kiếm việc trước đây, tôi không thể kiếm được việc theo kiểu này. Tình cờ một hôm người chủ tịch cộng đồng người Việt ở địa phương ghé thăm gia đình tôi để làm quen, biết được chuyện tôi đang đi học và muốn kiếm việc, ông ta đã chở tôi đến một nhà hàng fast food bán thức ăn Tàu do một người Việt Nam làm chủ. Không hiểu có phải do nể vị chủ tịch cộng đồng hay không mà người chủ nhà hàng nói rất quý những thanh niên có chí cầu tiến như tôi nên ông ta chấp nhận cho tôi vào làm sau giờ học cho đến khi nhà hàng đóng cửa với mức lương tuần, nếu tính theo giờ thì rất cao so với mức lương tối thiểu khi ấy.


Làm ở đây chưa được một tháng thì tôi phải tự ý xin nghỉ vì chịu không nổi cách đối xử của người chủ. Lúc đó tôi đã đặt ra nhiều giả thuyết về cách xử sự của người chủ với tôi kể cả việc có thể ông ta nghi ngờ mình có ý đồ gì với cô con gái rượu của ông. Nói có trời đất làm chứng khi ấy tôi không hề có ý nghĩ tán tỉnh gì cô ta cả.

Đầu đuôi chỉ vì hàng ngày đều có những lúc vãn khách mà khi ấy ông ta thuờng hay gọi tất cả nhân viên kéo ra sau nhà hàng ngồi tán dóc nghỉ giải lao để mình cô con gái ở lại đằng trước trông nhà hàng. Thời gian đầu tôi cũng theo mọi người ra ngoài nhưng sau thấy mất công quá, không mặc áo khoác thì ông chủ la (vì sợ mình bịnh), còn mặc áo khoác thì lại phải rửa tay cho sạch sẽ trước khi đụng vô cái áo khoác mà ra ngoài có chừng 10 phút là cùng chứ có lâu la gì rồi lại kéo nhau trở vô trong. Đã thế ra ngoài thì phải tha hồ hít khói thuốc của mấy anh đầu bếp nhả ra. Được vài lần như vậy thì tôi từ chối không đi ra theo nữa mà vẫn ở lại bên trong nhà hàng dọn dẹp nốt chỗ chén bát nồi niêu bên trong. Ông ta có vẻ không vui.

Nhưng sau này suy nghĩ kỹ hơn thì tôi đoán lý do ông ta đối xử đặc biệt với tôi để muốn tôi chịu không nổi phải nghỉ chỉ vì đã lỡ miệng nói trước mặt ông chủ tịch cộng đồng mức lương tuần cho tôi cao quá mà không lường trước được thời gian tôi làm sau giờ học không nhiều như ông ta nghĩ. Có thể ban đầu ông ta chỉ nghĩ tôi học buổi sáng đến trưa thì vào làm được. Thực tế thì tôi học có những lớp 2 giờ chiều mới về. Đi xe bus thì nửa tiếng mới có một chuyến mà giờ thì đâu có trùng với giờ học của mình nên nhiều khi 3 giờ mới có xe đưa mình về. Xe chạy lòng vòng từ trường đến trạm xe gần nhà mất cũng gần 1 tiếng. Về nhà ăn qua loa rồi lại đón xe bus đến nhà hàng. Từ nhà đến đó phải đổi xe bus ở một trạm khác nên có khi hơn 5 giờ chiều tôi mới có mặt ở nhà hàng để làm việc.

Thật sự tôi cũng không tiếc khi phải nghỉ làm ở đây vì nếu kéo dài sợ mình cũng không kham nổi. Ngày nào cũng dậy từ tờ mờ 5 giờ, 5 rưỡi để đón xe bus đến lớp học đầu. Tối hơn 11 giờ khuya mới về đến nhà. Sau khi tắm rửa là lôi bài vở ra học. Mặc dù đã có tranh thủ làm trước bài tập khi ngồi trên xe bus lúc đi học về nhưng hầu như ít có hôm nào tôi ngủ được trước 1, 2 giờ sáng. Tôi vẫn nhớ mãi lời mẹ tôi nói khi tôi kể về thái độ của ông chủ khi quyết định nghỉ việc, “trời chẳng bao giờ bắt nhà mình chết đói đâu mà lo”.

Khóa học sau tôi đã bắt đầu có chiếc xe cũ do anh tôi cho để lái đi học. Tôi cũng bắt đầu xin được việc làm work study trong phòng lab của trường sau giờ học nên không cần phải về sớm để đi bẻ càng cua nữa. Công việc bẻ càng cua tôi vẫn làm vào mùa hè nhưng sau này hãng đã đóng cửa phòng máy thịt cua mà chỉ còn giữ phòng máy xay thịt càng cua. Lúc này công việc của tôi là đổ các thùng càng cua vô máy. Một ngày như thế tôi nâng đổ trung bình cỡ trên 80 thùng càng. Nhờ thế thời gian đó mặc dù không cần tập tạ nhưng bắp thịt vẫn ê ẩm sau mỗi buổi làm.

Có một mùa hè ba xin cho tôi làm thêm buổi tối ở hãng may ba tôi làm. Công việc là đứng ủi quần áo trẻ em để cho phẳng phiu trước khi gửi hàng đi khắp nơi. Thế là mỗi ngày sau khi đổ hàng chục thùng cua xong là tôi đạp xe thật nhanh về nhà để tắm rửa sạch sẽ cho trôi hết mùi cua rồi ăn mặc chỉnh tề lái xe hơi đi làm ca tối. Ca tối đặc biệt đó ngoài bà supervisor Mỹ trắng chỉ có 5 người đều là Việt Nam mà tôi là thằng đực rựa duy nhất. Làm được khoảng 2, 3 tuần thì ba tôi lại xin cho tôi làm full time ban ngày. Từ đó tôi bỏ công việc đổ cua, bỏ công việc đứng ủi quần áo buổi tối để làm việc chuyển quần áo từ kho lên xe tải ban ngày. Làm được đúng ba hay bốn ngày gì đó tôi bỏ cuộc. Không phải vì công việc nặng nhọc, vì dù sao cũng đâu nặng bằng đổ thùng cua, nhưng vì mũi tôi dị ứng với bụi vải chịu không nổi nên đành phải rút lui. Thế là đang từ có hai jobs tự nhiên trở nên trắng tay. May quá lúc đó tôi kiếm được một job rửa bát ở nhà hàng Tàu ngày weekend nên còn góp nhặt được một ít bạc cắc.

Công việc rửa bát này cũng là công việc tôi làm cho đến khi ra trường và kiếm được công việc làm yên ổn cho đến tận ngày hôm nay. Giờ nghĩ lại quãng thời gian đó mới thấy cuộc sống hiện tại của mình quá an nhàn. Nhưng không hiểu sao mỗi khi nghĩ về nó tôi vẫn thấy đó là quãng thời gian thật bình yên êm đềm bởi sau những giờ phút làm việc vất vả kiếm cơm bên ngoài thì khi quay về căn apartment, chúng tôi lại được quây quần bên ba mẹ, anh chị em của mình.

Thời đó ba mẹ tôi còn khỏe mạnh và tất cả các anh chị em chúng tôi đều còn trẻ trung đầy sức sống. Ai có thể chế ra chiếc máy thời gian để cho tôi quay về cái thuở yên bình ấy?

 Thảo Lan

Ý kiến bạn đọc
25/10/201819:08:28
Khách
Doc xong bai viet, toi vo cung nguong mộ chi' lập thân cua tac gia. Phai co y chi cuong quyet nhu vay, moi co su thanh cong ngay hom nay. Phai khong?

Than chuc tac gia suc khoe va tiep tuc thanh cong trong cuoc song!
06/09/201818:38:45
Khách
Không ít người , trong những năm đầu khi mới định cư ở Mỹ , gặp khó khăn trong vần đề tìm việc làm là vì Anh ngữ kém, khiến các chủ nhân e dè tuyển dụng.
06/09/201814:54:53
Khách
Lê Như Đức nói đúng. Cuộc sống như dòng chảy không thể quay ngược được và nhất là nếu bây giờ bắt mình phải quay về đứng dưới bếp ướt át nóng nực hơn 8 tiếng để rửa chén thì chắc khổ sở lắm. Tuy nhiên giống như Linhcu nhận xét, có nhiều khi mình muốn sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để có thể tìm lại được một ít giây phút êm đềm của ngày xưa. Thành thật cám ơn độc giả đã bỏ chút thì giờ để đọc bài viết của TL.
06/09/201813:50:36
Khách
Tac gia quy cai thoi xua duoc quay quan ben mai am gia dinh du phai di lam part time cho nha hang hay xuong. Ngay xua thay Tu Lo lam quan, nhung ong van nho den thuo han vi luc than mau con song va uoc mong tro lai thoi xua doi gao di ban de nuoi me.
06/09/201812:29:08
Khách
Khi mới qua Mỹ tôi cũng làm đủ nghề khuân vác. Nếu quay ngược thời gian để đi rửa chén bát trong nhà hàng chắc chắn không những tôi mà mọi người đều...em chả dám đâu. Sinh lão bệnh tử là cái không ai tránh được. Muốn thoát khỏi vòng luân hồi thì phải đi tu thành Phật.
Tu là cõi phúc
Tình là dây oan.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,738,098
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Nhạc sĩ Cung Tiến