Hôm nay,  

Ngày Hội Ngộ Bên Động Hoa Vàng

30/08/201800:00:00(Xem: 10222)
Tác giả: Đặng Hà Nội

Bài số 5480-20-31287-vb5083018

 
Tác giả tên thật  Đặng Thống Nhất,  là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt  Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụtại Brooklyn Park, Minnesota. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và  nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.

viet ve nuoc My
Hình lưu niệm cuộc hội ngộ.

 
***
 

Nhà thần học người Mỹ Tryon Edwards đã ví von: "Mỗi lần xa nhau là một lần chết cũng như mỗi lần hội ngộ là một lần lên thiên đàng". Tôi chưa có đủ điều kiện để lên chỗ linh thiêng đó nhưng mới đây tôi đã nếm chút ít giờ phút tuyệt diệu đáng ghi nhớ bên mé thiên đàng. Sau 43 năm dài chúng tôi là đồng môn tại trường Đại Học Sư Phạm Saigon, ban Anh Văn 3 đã có một cuộc hội ngộ cùng với thầy cô tại Thung Lũng Hoa Vàng thành phố San José vào tháng 7 vừa qua.

Cái ngày nghiệt ngã 30-4-1975 đã làm  lớp chúng tôi phải xa cách nhau mỗi đứa một ngả, đứa thì âm thầm biệt xứ không một lời từ giã trong những giờ phút thành phố đang hấp hối thở hơi cuối cùng, đứa thì ê chề cắn răng chấp nhận số mệnh chịu bao nhiêu tủi nhục ở lại để tiếp tục học vì chúng tôi chỉ còn hai tháng là tốt nghiệp. Nhưng cũng có đứa chộp lấy thời cơ nắm lá cờ máu chạy theo thời cuộc vênh vang thao túng trong trường.  

Tôi được may mắn là nhóm thứ nhất và được định cư tại Mỹ và có cơ hội tiếp tục học để trở thành giáo sư sau bao nhiêu ngày tháng miệt mài học các lớp đêm tại Đại Học Minnesota. Tôi là một trong những người tiền phong trong chương trình song ngữ tại trường công lập Minneapolis dù chức vụ chỉ là phụ giáo có mức lương thấp 2,75 $ một giờ. May nhờ có tài trợ của liên bang khuyến khích nhân viên trường trở thành giáo sư song ngữ nên tôi đi học miễn học phí.

Trước khi tôi có ý định bay về định cư với gia đình tại Minnesota thì ai cũng ngao ngán nói nơi này là một trong những tiểu bang có mùa đông lạnh nhất nước Mỹ.  Nhưng nói thì muộn quá rồi. Phi cơ đáp xuống Minneapolis vào ngày cuối thu năm 1977 và tuyết trắng đã phất phơ bay trước gió.  Khi mùa đông tới tôi biến thành người Eskimo trấn thủ đầy đủ với áo parka dầy cộm, mũ nỉ, giầy bốt, găng tay, khăn quàng cuốn cổ và mặt chỉ còn hé đôi mắt nhìn đường và còn đèo thêm chiếc quần lót dàĩ gọi là long johns. Khi đi làm phải đi hai lần xe buýt mới tới trường và sau giờ học cũng phải co ro cúm rúm làm hai chuyến mới tới trường đại học để học thêm. Ban đêm về nước mắt, nước mũi tôi chảy nhoe nhoét, miệng thở ra mây khói làm nhạt nhòa mắt kính khi đứng chờ chuyến xe buýt muộn về nhà trong khi gió đông rên xiết như xoáy con tim. Hơn 10 giờ đêm mới lò dò về phòng và chỉ còn giờ lên giường ngủ êm ấm và sáng dậy tiếp tục một ngày như mọi ngày.

Tôi đã được học thêm các danh từ mới dành cho mùa đông như windchill factor (lạnh cộng thêm gió), frost bite (lạnh cắt da), black ice (băng đá trở thành mầu đen do khói xe) chỉ có dân xứ lạnh mới thông hiểu được.

Nhưng rồi thời gian cũng qua nhanh với sự dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh mới, công việc vững chắc cùng với dân tình Minnesota dễ thương và thiện cảm giúp tôi tốt nghiệp làm thầy giáo, lấy vợ, có con, chăn hai con chó và hòa nhập với xã hội và xây dựng giấc mộng dài như của người Mỹ.

Trong khi đó các bạn tôi mỗi người theo định mệnh run rủi định cư khắp bốn phương trời. Đứa chạy sang Pháp, Đức, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Anh Quốc và Hoa Kỳ mà  phần đông là miền California nắng ấm bằng nhiều cách khác nhau như vượt biên bằng thuyền hay đoàn ṭụ gia đình. Cũng có đứa ở lại nhận Việt nam là quê hương dẫu cho khó thương và cố gắng tiếp tục gây dựng cuộc sống dưới chế độ có độc lập, tự do, hạnh phúc trong ảo tưởng. Lâu lâu chúng tôi có những cuộc hội ngộ nhỏ tại Oregon và  Nam California hay những dịp chúng tôi trở về Saigon tìm gặp lại bạn cũ.

Vào đầu thập niên 1990 tôi muốn thử thời vận và đã dọn nhà sang California dạy học. Muốn dạy bên đó tôi phải đậu kỳ thi CBEST (California Basic Educational Skills Test) hay gọi là Kỳ Thi Kỹ Năng Giáo Dục Căn Bản Của California. Tuy là bài thi căn bản mà cũng có bao nhiêu thí sinh chới với nhất là các người di dân có mộng làm thầy cô. Trong bài thi luận văn có đề tài: "Nếu bạn tham dự ngày hội ngộ (reunion) của trường bạn muốn gặp ai, tả người đó và viết lý do".  Sau khi suy nghĩ tôi chọn giáo sư người Mỹ, tiến sĩ Casey, là người tôi muốn mong gặp thay vì đa số ai cũng chọn người bạn thân nhất của mình.  May mắn tôi đậu kỳ thi này và có dịp dạy tại California hai năm.

Hai mươi tám năm sau đó bài luận văn này trở thành sự thật. Tôi thực sự gặp lại tiến sĩ Casey tại buổi hội ngộ này. Cô là người phụ nữ độc thân trung niên có thân hình phốt phát sang dậy tại Đại Học Sư Phạm Saigon qua chương trình Fulbright. Cô rất cởi mở hòa nhã và thường hay tiếp đón chúng tôi tại các buổi tiệc nhỏ ngay tại apartment của cô. Ngoài môn lịch sử Hoa Kỳ cô còn dậy chúng tôi tập nói trước công chúng, một kỹ năng cần có của giáo sư Anh văn và giới thiệu đời sống và văn hóa Hoa Kỳ.

Ngày cuối cùng cô dạy chúng tôi là ngày  9/4/1975 chỉ sau một ngày phi công nội phản Nguyễn Thành Trung oanh tạc Dinh Độc Lập. Tôi còn nhớ sau giờ học cô với cặp mắt đẫm lệ đứng bắt tay chúng tôi chào từ giã tại hành lang. Ai biết đâu rằng chẳng bao lâu Saigon sẽ không còn là Saigon nữa! Sau đó cô được cử đi dạy tại các quốc gia khác nhưng cô vẫn nói với chúng tôi  rằng cô có nhiều tình cảm nhất với lớp tôi và đã lấy lớp tôi là lớp kiểu mẫu để dạy các lớp về sau.

Sau biến cố bi đát 30/4 chúng tôi vẫn thường liên lạc với cô và cô luôn luôn làm cố vấn tinh thần cho chúng tôi trong khi chúng tôi chân ướt chân ráo mới đến nước Mỹ.

Buổi hội ngộ tại San José này được coi là rầm rộ, đông đảo nhất và có mặt cả các thầy cô để chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm êm đềm dưới mái trường đại học. Anh trưởng lớp Thủy là người đứng lên điều hành ngày hội ngộ này. Sau bao nhiêu năm anh vẫn là người đúng với chức lãnh đạo lớp ăn nói dõng dạc, có óc tổ chức, chân thành và hòa đồng với mọi người. Phần đông ai cũng hoan hỉ nhận lời khi anh viết thư kêu gọi chúng tôi tham gia cuộc hội ngộ hiếm có này.

Bữa họp mặt bắt đầu tại nhà anh với  các món Việt và Mỹ chào đón mọi người. Sau bao nhiêu năm xa cách thầy trò mừng mừng tủi tủi gặp nhau ồn ào như ngôi chợ nhỏ. Các bạn và thầy cô đến từ xa như Đức,Úc, Gia Nã Đại và Việt Nam còn dân cư Mỹ đến từ Florida, Texas, Minnesota, Oregon và  Nam Cali. Lớp tôi nhỏ chỉ có 43 sinh viên nhưng gần nửa số đã có mặt tại San José.

Thời gian đã làm cho chúng tôi khác đi với mái tóc điểm sương thưa thớt, với các nếp nhăn lăn tăn trên mặt và thân hình không còn như ngày cắp sách đến trường nhưng tiếng cười rộn ràng, khóe mắt thân thiện vẫn như xưa. Mỗi người có bao nhiêu chuyện về̉ tình duyên, gia đạo, nghề nghiệp chia xẻ với nhau. Ngày đi học hình như các bạn Sư Phạm của tôi hãy còn sống trong mẫu mực, thận trọng, dè dặt và có tinh thần ganh đua nhưng bây giờ chúng tôi đã thoát ra khỏi mái trường nên thoải mái và cởi mở hơn.

Nhóm ba bà "les trois mousquetaires" vẫn còn quấn quýt, chít chát và nhí nhảnh với nhau dường như họ chưa xa cách nhau ngày nào. Mấy anh con trai thuộc nhóm nhà lá mà được coi là "thợ lặn" chuyên nghiệp vẫn lè phè, khuấy động đùa dỡn làm ngày họp mặt vui nhộn hẳn lên.

Sau bữa ăn chúng tôi tụ lại sau vườn để thưởng thức slideshow có chủ đề  "Tình Cũ Trường Xưa" với các hình ảnh của cô Casey, các bạn và của tôi thâu góp. Trước khi bắt đầu chúng tôi dành một phút tưởng niệm các người thân, giáo sư và bạn trong lớp đã ra đi. Chúng tôi có dịp nhìn lại các hình ảnh Saigon, cười vui thấy các hình chụp chung trong lớp, ảnh các buổi họp mặt và bùi ngùi nhìn hình thầy Lê Văn, khoa trưởng ĐHSP, và năm người bạn đã xa lià cõi trần quá sớm. Nhạc đệm trong slideshow êm đềm réo rắt với bài "Tình Hoài Hương", "Ngày Xưa Hoàng Thị" và "Hello, Vietnam" làm tăng ý nghĩa của ngày hội ngộ. Slideshow tuy ngắn ngủi nhưng đã làm chúng tôi ôn lại các giây phút vàng son dưới mái trường thân yêu, nhìn lại các nụ cười và ánh mắt đầy tự tin, sống lại k̉ỷ niệm đẹp xưa cũ và bây giờ chúng tôi như đàn chim từ bốn phương trời dương cánh bay tìm lại gần với nhau, vỗ về cho nhau làm tình bạn thêm thắm thiết và bền lâu.

Sau đó là thời gian thầy cô và các bạn chia xẻ các cảm nghĩ, các tâm sự cùng với nhau. Cô Casey là người đầu tiên đứng lên góp mặt. Tuổi của cô cũng phải hơn 80 nên đi đứng có vẻ khó khăn nhưng trí óc minh mẫn, phong cách của giáo sư đại học vẫn như thuở nào. Cô còn mang theo một hộp giầy chúng tôi không biết đựng cái gì. Cô nhắc lại những kỷ niệm xưa khi cô dạy chúng tôi và sau đó cô đưa cho chúng tôi các tấm giấy nhỏ đựng trong hộp giầy. Đó là bài chúng tôi viết tự giới thiệu khi cô mới đến lớp khoảng 42 năm về trước! Trong đó chúng tôi đề tên, địa chỉ, khả năng Anh văn, môn lịch sử Mỹ̉đã học và tựa cuốn sách sử Mỹ vừa mới đọc. Chưa bao giờ tôi có vị giáo sư nào thu thập bài nộp của học trò và giữ kỷ niệm dài lâu như vậy. Cô còn cho phép chúng tôi giữ những tấm giấy quí giá này!

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cô còn nhớ các đề tài mà chúng tôi đứng lên nói trong lớp. Cô nhắc đến đề tài tôi nói về các súc vật nuôi trong nhà tại Mỹ. Ngoài ra cô còn đọc các bài luận văn của vài bạn trong lớp mà cô ưa thích. Tuy cô đã 88 xuân xanh nhưng cô vẫn còn hăng say dạy học on-line tại tiểu bang Indiana. Không có giáo sư nào so sánh được với cô.

Sau đó giáo sư Đàm Trung Pháp với bao nhiêu năm kinh nghiệm dạy về ngôn ngữ học và phương pháp giảng dậy Anh Văn Sinh Ngữ Hai (ESL) tại Saigon và Texas đã khen ngợi tình nghĩa thầy trò hiếm có như lớp của chúng tôi. Thầy cho chúng tôi biết một trang mạng tên là viethocjournal.com do thầy cai quản qui tụ các bài viết quí giá về văn hóa và ngôn ngữ của các giáo sư danh tiếng và của chính thầy. Nếu ai muốn biết thêm về cơ cấu Việt Ngữ, cách dùng i ngắn y dài, lượng giá truyện Kiều, tục ngữ Việt nam, phương pháp học tiếng Anh hiệu nghiệm... nên mở trang mạng đọc rất hữu ích. Còn tôi là cựu giáo sư ESL nên thích các bài về cú pháp Việt-Anh đối chiếu và thi ca Việt dịch sang Anh ngữ.

Sau đó cô Huệ Khanh dạy môn Lịch Sử Anh cũng lên nói vài lời nhắn nhủ chúng tôi. Trước khi cô day tại ĐHSP Saigon cô cũng là giáo sư Anh văn tại Trường Nữ Trung Học Gia Long. Hiện giờ cô đã về hưu và vẫn hăng say hoạt động cho cộng đồng Việt nam tại Quận Cam, California. Cô nhấn mạnh đến việc giúp các học sinh nghèo hiện đang sống tại Việt nam.

Phu nhân của cố giáo sư Lê Văn là giáo sư Lê Bảo Xuyến có lời chào mừng ngày hội ngộ. Tuy cô không dạy chúng tôi nhưng cũng được anh Thủy trưởng lớp mời đếṇ. Cô nói rằng đêm nay linh hồn của thầy Lê Văn chắc cũng phảng phất nơi đây chung vui với chúng tôi.

Ngoài chức Khoa Trưởng thầy Lê Văn còn dạy chúng tôi môn Lịch Sử Ngôn Ngữ Anh.  Tôi đã gặp thầy tại Trại Không Quân Hoa Kỳ Clark ở Phi Luật Tân trong ngày vội vã di tản nhưng sau đó thầy trò bị phân tán cho đến khi tôi gặp lại thầy tại Anaheim và Chicago trong các buổi hội nghị của Hiệp Hội Văn Hóa Giáo Dục Đông Nam Á vì thầy là Thẩm Vấn Viên trong chương trình giáo dục dành cho học sinh tị nạn và di dân của Bộ Giáo Dục Tiểu Bang California trong khi tôi là giáo sư soạn tài liệu song ngữ cho Trường Công Lập Minneapolis. Thầy cũng là người viết bản chứng minh các môn học chúng tôi đã học qua tại ĐHSP Saigon -như là transcript- để giúp chúng tôi thu ngắn chương trình học của ngành sư phạm tại Hoa Kỳ. Chúng em luôn luôn đội ơn thầy đã tận tụy dậy học và giúp đỡ chúng em trên con đường trở thành giáo sư tại Hoa Kỳ.

Sau đó là chúng tôi lần lượt cùng nhau lên phát biểu cảm tưởng, chia xẻ chuyện công việc mình làm và ghi ơn các giáo sư đã giảng dạy khuyên bảo chúng tôi nhất là khi chúng tôi mới đến nước Mỹ hãy còn bỡ ngỡ như cô Casey hay thầy Lê Văn đã nâng đỡ chúng tôi một cách tận tình. Phần nhiều chúng tôi đã dùng tiếng Anh để diễn đạt vì sự có mặt của cô Casey.  Nói không ngoa trường Đại Học Sư Phạm Saigon đã có những giáo sư nổi tiếng đầy kinh nghiệm và đã đào tạo bao nhiêu giáo sư đàn em có đầy đủ khả năng giúp cho nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa thăng tiến. Tuy rằng chỉ có ít chúng tôi tiếp tục theo nghề giáo tại Hoa Kỳ nhưng cách ăn nói, suy nghĩ và hành động của chúng tôi không ít thì nhiều vẫn còn mang chất lượng và phong cách của cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Saigon.

Cuộc hội ngộ tiếp tục ngày hôm sau với cuộc đi du thuyền Hornblower dạo quanh Vịnh San Francisco để ngắm cầu Golden Gate, cầu Oakland và đảo Alcatraz. Trời xanh mây trắng cộng với nắng vàng rực rỡ trong khi chiếc tàu phom phom lướt sóng như chiều lòng khách viễn phương. Trong bữa ăn trưa trên tầu chúng tôi đã nâng ly rượu mimosa mừng ngày hội ngộ và chụp hình kỷ niệm ngày vui hiếm có.

Tiếp đó là bữa cơm tối với món canh chua cá kho tộ đặc biệt của Việt nam tại nhà hàng ở San Jose là mục cuối cùng trước khi chúng tôi chia tay.  Không còn chữ gì để tả nổi cảm xúc buổi hội ngộ đáng ghi nhớ và đẹp đẽ như thế này. Đúng đây là cuộc hội ngộ để đời như "thợ lặn" Kim Quang đã từng viết.

Xin cám ơn tất cả thầy cô, bạn cùng lớp, các người thân đã không ngại đường xá xa xôi đến tham dự ngày hội ngộ mang bao nhiêu niềm vui và chia xẻ tâm tư trong cuộc sống đời thường hiện tại.

Thầy cô nhắn nhủ chúng tôi lần cuối và chúng tôi bịn rịn nói lời tạm biệt và hứa với nhau sẽ gặp nhau lần nữa có thể tại Hawaii. Mong lắm thay vì đó được coi là thiên đường hạ giới như Tryon Edwards đã từng ví von!

Đặng Hà Nội

Ý kiến bạn đọc
30/08/201815:52:04
Khách
Thưa anh,

Cái tên Đặng Thống Nhất nghe rất quen. Anh có phải là cựu hướng đạo sinh đạo Tân Bình ở Việt Nam ngày xưa và là em của bác sĩ Đặng Đức Nghie^m ở California không?

Nếu đúng xin anh liên lạc với tôi ở địa chỉ email [email protected]

Cảm ơn anh
30/08/201815:28:05
Khách
Đây là cách đặt tựa làm cho người đọc mê hút ngày từ đầu và đoán ra nghĩa bóng của tựa bài.
30/08/201813:14:16
Khách
Không hiểu tác giả nghĩ gì khi chọn tựa bài viết gặp lại những vị thầy kính mến, những bạn bè thân thương trong Động Hoa Vàng? Tác giả muốn bỏ tu đi tìm vui trong động hoa rơi lá vàng?
30/08/201808:13:21
Khách
“Cô nhắc lại những kỷ niệm xưa khi cô dạy chúng tôi và sau đó cô đưa cho chúng tôi các tấm giấy nhỏ đựng trong hộp giầy. Đó là bài chúng tôi viết tự giới thiệu khi cô mới đến lớp khoảng 42 năm về trước! “

Động Hoa Vàng có phải là đây
Hồn xưa nhập lại một rừng tương tư...!
...
“Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thau hương hiện kính Bồ-đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi...”
(Phạm Thiên Thư)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,186,430
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến