Hôm nay,  

Bà Chị Xóm Hủ Tíu Cây Dừa!

23/08/201800:00:00(Xem: 13383)
Tác giả: Dong Trinh

Bài số 5474-20-31281-vb5082318

 
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016.  Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017.  Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...

Dong Trinh_Gs NgV Sam
Tác giả nhận giải Vinh Danh từ Giáo sư Nguyễn Văn Sâm.

 
***

 
Tôi đã đến thành phố này vài lần và lần nào cũng cảm nhận sự ấm áp chân tình của bạn bè quanh đây, đúng như người ta thường nói về California "đất ấm tình nồng".  Lần này, khi trở lại Calif.  tôi gặp một đôi vợ chồng mới quen trên  FaceBook vài tháng trước, cũng qua cầu nối của văn chương chữ nghĩa.

Dù chỉ mới gặp nhau lần đầu nhưng chúng tôi dễ dàng bắt chuyện như thân quen từ hồi nào. Anh chị bạn mới đến tận nơi đón tôi đi ăn sáng vui ve.û Trong cuộc hội ngộ đầy duyên này, cô vợ chu đáo gói cho tôi món quà là cái áo dài trắng vẽ bông đơn giản mà vừa y với size của tôi. Phải nói là tôi thích lắm. Lẽ nào người Cali thân thiện dữ vậy sao? Tôi ôm từ giã đôi vợ chồng dễ thương này mà thấy lòng ấm áp lạ kỳ!

Về đến nhà chuẩn bị đi chùa với Yến để dự lễ cầu siêu hằng tuần cho anh Dần - ông xã của Yến - mất khoảng bảy tháng nay rồi. Trong lúc chờ tới giờ, tôi sực nhớ đến anh chị Hiếu, người cùng cư ngụ ở xóm Hủ Tíu Cây Dừa với gia đình tôi ngày xưa. Anh chị hiện đang ở Santa Ana trong khu mobile home. Tôi bèn mở điện thoại ra để gọi. Đầu dây bên kia có tiếng reng. Một hồi, hai hồi, ba hồi... đã tám hồi chuông mà không ai trả lời rồi answering machine lên tiếng. Tôi thất vọng vì chỉ còn ở đây vài tiếng đồng hồ nữa thôi. Nhắn vội vô máy, cho biết tôi đang ở tại  Cali muốn đến thăm anh chị. Một giờ sau, tôi gọi lại. Ba hồi chuông thì bên kia đầu dây có tiếng đàn bà:

 - Alô!

Tôi mừng quá, lật đật nói:

- Thưa chị, cho em hỏi phải chị là chị Hiếu không?

Giọng nói bên kia hơi dè dặt:

- Cô là ai?

- Dạ em là con của Bác Năm Tiểng ở Thủ, em anh Lộc nè chị.

- Em là đứa nào?

- Dạ em là con Gái nè chị.

- Ủa vậy hả? Em đang ở đâu vậy?

- Dạ em đang ở Cali, muốn gọi để tới thăm anh chị. Thưa chị, anh chị khỏe hết hả. Nghe tiếng chị em mừng quá. Đã ba chục năm rồi, lúc đó anh chị còn ở Riverside, má với tụi em có ghé thăm anh chị đó, chị còn nhớ không?

- Nhớ chứ!

- Em tới thăm anh chị bây giờ nha. Anh Hiếu cũng đang ở đó hả chị? Mà quên nữa, anh Lộc em mất ba tuần rồi chị ơi!

Tiếng chị thảng thốt:

- Trời đất! Sao vậy? Hèn gì hai năm nay chị với anh Hiếu kêu hoài hỏng được, anh chị tức quá, không biết làm sao hỏi thăm. Anh Hiếu cũng mới mất bảy tháng rồi em ơi!

Tới lượt tôi hốt hoảng:

- Trời ơi, sao vậy chị? Vậy mà tụi em hỏng hay biết gì hết.

Chị kể tôi nghe anh đau thận từ lâu, mới ra đi hời tháng Giêng vừa qua. Tôi hỏi địa chỉ để đến thăm. Chị đọc cho Yến nghe, thiệt là bất ngờ! Chị ở cùng khu nhà với Yến, cách có hai dãy!  Yến lập tức dẫn tôi tới đó. Đứng trước cửa, vừa bấm chuông là chị đã xuất hiện ngay.

Chị vẫn đẹp như xưa cho dù đã có tuổi, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh. Chị ôm tôi thật chặt, cả hai chị em không nói nên lời!

Bước vô phòng khách, cái bàn máy may và chiếc áo đang may dở dang. Tôi ngạc nhiên:

- Chị vẫn còn may đồ sao?

- Ừ, chị may áo dài để vài bữa mặc đi đám cưới!

Trời! Tôi không thể nào tin được! Năm nay chị đã tám mươi sáu tuổi, ở tuổi này của chị, nhiều người đã chống gậy, bước lom khom lụm cụm, nói năng chậm chạp...vậy mà! Trước mắt tôi, chị rất khỏe , đi đứng vững vàng, tiếng nói sang sảng, cặp mắt vẫn tinh anh. Chị nói:

- Khi em cho hay thằng Lộc mất, chị tới đứng trước hình anh Hiếu, vừa khóc vừa nói với ảnh là - Anh ơi, thằng Lộc nó mới mất mấy tuần rồi, vậy mà hai năm nay mình kêu hoài hỏng được, cứ tức quá, không biết làm sao để kiếm nó. Bây giờ thì nó với anh chắc đã gặp nhau rồi phải hôn? Thôi anh em vui rồi, tha hồ mà hàn huyên tâm sự nhen!

 Chị kể tôi nghe với nét mặt thật bình thản, không lộ vẻ gì xúc động. Tôi có hơi ngạc nhiên vì chị nói khi chị báo tin cho anh Hiếu hay anh Ba tôi mất thì chị đã khóc, tuy nhiên, tôi không dám thắc mắc.

Dường như hiểu ý tôi, chị nói:

 - Mày- tao quen kêu tụi bây vậy rồi, cho tự nhiên nha- dòm trong nhà tao coi. Tao không có làm bàn thờ gì hết, trên vách là hình ảnh vợ chồng con cái treo đầy từ hồi đó tới giờ. Mấy người quen tới chơi hỏi tao bàn thờ đâu để họ thắp nhang cho ảnh, tao để tay lên chổ trái tim tao và nói đây nè, ảnh ở chỗ này của tui sáu mươi bảy năm nay và sẽ ở hoài chứ không có chỗ nào khác hết.

Rồi chị kể tiếp:

- Ảnh bị đau thận, phải lọc máu mấy năm nay, tự nhiên bữa nọ ảnh từ trong phòng kêu tao vô nói- Bà ơi, sao mình mẫy  tui mồ hôi ra như tắm vậy nè? Tao bước tới bên ảnh, rờ nghe ướt nhẹp, mặt mày ảnh xanh lét, tao lật đật lấy điện thoại kêu 911 chở vô nhà thương, đúng ba ngày sau thì ảnh đi, thiệt êm, thiệt lẹ. Trước khi chết, ảnh còn tỉnh táo lắm, ảnh dặn tao là không được làm đám tang vì ảnh đã già, ốm, không còn đẹp trai như hồi trẻ nữa, anh hỏng muốn mấy bà tới thăm rồi chê ảnh xấu trai. Đó, mày thấy hôn? Gần chết rồi mà ổng cũng còn giữ thể diện lắm chứ bộ.

Sau khi ổng chết, tao nói con gái tao kêu cho nhà quàn tới đem xác ảnh đi thiêu như lời ảnh dặn. Sau đó, tao kêu hết dâu, rễ con cháu bốn chục đứa, tới đứng  chật nứt cái phòng để nhìn mặt ảnh lần cuối bởi vì một tiếng nữa người ta đem đi là hết được thấy mặt nữa rồi.

 Chị kể tiếp cho tôi nghe về anh. Sau khi anh mất , bạn bè đến nhà hỏi thăm và xin địa chỉ nhà quàn để đi phúng điếu, chị nói:

 - Nhà quàn ở đây nè!

 Mấy người bạn chưng hửng, thắc mắc, ngạc nhiên. Họ tưởng chị đang bối rối rước sự ra đi của anh nên nói năng không tỉnh táo. Chị giải thích cho các người bạn hiểu đó là ý nguyện của anh lúc sanh tiền.

  Chị không làm tang lễ. Sau khi nhà quàn mang xác anh đi thì mười ngày sau họ giao cho chị hũû tro cốt của anh. Chị đặt tro anh lên bàn nhỏ nơi phòng khách như đặt một cái chén, một bình nước. Đúng hai mươi mốt ngày, chị gọi tất cả bốn mươi con cái, dâu rễ, cháu đến đông đủ, đọc kinh cầu siêu cho anh và không rước thầy đến tụng. Chị dặn các con phải đọc cho lớn, cho rõ. Sau hồi kinh, cả nhà mang hũ tro ra biển rải xuống! Vậy là xong một đời người! Anh đã theo những ngọn sóng Thái Bình, trôi ngược về bên kia đại dương, với quê hương, với ông bà, cha mẹ!

 Chị cho biết các con muốn chị về ở chung với một trong tám người con, đứa nào cũng được tuỳ chị chọn nhưng chị không muốn. Chị nói:

- Tới nhà tụi nó, mình già rồi, lãng tai, mở TV lớn, nó không nói nhưng cũng bực mình. Nấu đồ ăn nghe mùi, nó khó chịu nhưng nể nang mà trong lòng sẽ không vui. Vậy thì tại sao mình không tránh những chuyện đó? Chị có nhà, căn  nhà đầy ắp yêu thương của anh chị. Nhà bếp, phòng ngủ, phòng tắm...đâu đâu chị cũng cảm nhận như hơi thở anh còn phảng phất, cái mùi thương yêu nồng ấm mấy chục năm nay. Đâu đâu chị cũng nghe được tiếng nói giọng cười của ảnh... bây giờ tới nhà con cái, ảnh cũng đi theo chị nhưng mà ảnh cũng đâu muốn nói cười tự nhiên như ở nhà mình!

 Tôi hỏi :

 - Rồi chị tính sao?

Chị buồn buồn nói:

- Tao còn đang suy nghĩ. Ở đây thì tụi nó không yên lòng, tối nào cũng một đứa thay phiên tới đây ngủ, ban ngày thì cũng chạy tới chạy lui ngó chừng tao.

Rồi chị chỉ tay ra ngoài sân. Con trai chị đang ngồi trên một cái ghế nhỏ uống cà phê:

- Đó, thằng thứ tư của tao đó, nó ở đây sáng giờ để canh tao coi có bị té không đặng nó đỡ đó mầy!

Chị vừa nói vừa cười lớn làm tôi cũng bắt cười theo.

Chuyện vãn hồi lâu, chị bước tới tủ lạnh, lấy ra bốn cái bánh chưng và một hủ củ cải đưa tôi, chị nói mới gói hôm qua, còn củ cải thì làm mấy tuần nay, biểu tôi đem về Arkansas ăn. Xong chị dắt tôi ra sau nhà, bước xuống mấy bực tam cấp thật vững vàng, không cần vịn, chị tới giàn khổ qua, cắt đâu năm trái đưa tôi và cũng biểu tôi đem về . Chị nói mỗi chiều ra tưới bông, cây trái cũng là một niềm vui lớn của chị. Ngắm từng cánh hoa đủ màu đủ loại, nhìn từng trái bầu, thanh long, bưởi...lớn dần mỗi ngày, lòng chị nghe rộn rã vui mừng, như nhìn những đứa con đang từ từ trưởng thành.

Trở vô nhà, chị bắt đầu soạn hột giống, nào xà lách, khổ qua, cải làm dưa, hột bầu... mỗi thứ một nhúm chị biểu tôi bỏ vô bịch ziplock rồi lấy marker viết tên mỗi loại lên cho nhớ. Tới mấy hột bầu, chị nói:

- Đây là hột bầu sao dài. Người ta đặt tên như vậy vì trái nó dài hơn một thước, da có những đốm trắng nhỏ như sao trên trời đẹp lắm. Ghi vô đi, hột bầu sao dài. Nhớ ghi cho trúng à nhen!

 Tôi viết ‘bầu dài’ vừa viết xong, chị đã nhìn thấy, la lên:

- Đâu phải, bầu sao dài chứ mày viết thiếu chữ sao rồi mai mốt đem dìa nhà mầy tưởng bầu thường làm sao? Thêm vô chử ‘sao’ đi!

 Trời ơi, tôi không ngờ mắt chị còn tỏ quá chừng luôn. Tôi cười lớn:

- Ha ha... em tính viết cho gọn ai dè chị thấy được!

 - Tao xỏ kim cái một trong khi mấy đứa con tao nó phải hí con mắt lại, xỏ tới xỏ lui cả chục bận mới được. Chị làm điệu bộ như đang cầm cây kim sợi chỉ để xỏ, mắt nhướng mắt nheo, làm tôi mắc cười gần chết luôn!

Rồi chị đi lấy một tờ giấy, bắt tôi viết theo chị đọc cách làm củ cải. Chị chỉ dẫn tường tận, tỉ mỉ, phân lượng rõ ràng...

Xong rồi chị đưa album hình cho tôi coi, tôi vừa coi hình, chị vừa kể chuyện tiếu lâm của anh chị cho tôi nghe, cười muốn bể bụng! Những câu chuyện đó đã cho tôi thấy được tình yêu vĩnh cữu của anh chị, thật nồng nàn, thật hạnh phúc.

Giờ đây, anh đã đi xa, thật xa, bỏ chị một mình trong căn nhà rộng thênh thang, trống vắng nhưng chị lại không cô đơn. Chị nói, ngoài giờ ngủ, mỗi ngày chị tập thể dục, chăm sóc cây trái, may áo quần, cơm nước, coi TV, đọc sách... và trong tim chị, anh vẫn tồn tại để thỉnh thoảng anh chị thủ thỉ nhau những lời yêu thương!

Đã tới giờ tôi phải về lại nhà Yến. Lúc nãy Yến đưa tôi đến đây rồi lo đi chùa. Chị đòi chị dắt tôi về, tôi nói tôi đi một mình được. Chị nói:

- Hồi nãy bạn mày dắt lợi đây, bây giờ mày dìa một mình rủi lạc rồi nó bắt đền tao làm sao? Đừng có lo, chiều nào tao cũng đi bộ trong khu này, tao rành lắm. À, mà tao kể mày nghe chuyện này tức cười lắm. Mỗi ngày tao đi bộ, mà mình già rồi, đâu cần chưng diện gì, tao mặc áo đầm này (chị đang mặc chiếc áo dài tới đầu gối bằng mousseline bông... hơi hơi mỏng một chút...

Tôi nhìn cái áo chị đang mang,  cũng do chính tay chị may lấy, rất khéo, nhưng đúng là hi hi... có hơi mỏng. Chị kể tiếp:

 - Vậy đó mà khi tao đi ngang nhà thằng cha Việt Nam dãy bên kia, thằng chả nói lớn lên: Bà coi chừng tui kiu 911 à nha! Tao hỏi chả tại sao, chả nói - Bà ăn mặc như vậy đi qua đi lại ai chịu nổi! Tao nói tỉnh bơ: Chịu hỏng nổi thì vô nhà với vợ, đừng nói xàm. Vậy là thằng chả im ru.,.

Trời ơi là trời.., tui bái bà chị tám mươi sáu tuổi của tui luôn! Ở tuổi này, nhiều ông bà thường tỏ ra đạo mạo, nói năng e dè, bà chị của tui thiệt là tếu hết chỗ nói! Mà có lẽ vì vậy mà chị rất khỏe, từ tinh thần đến thể xác. Chị nói mỗi lần đi check up, bác sĩ cười tươi khen chị là mấy con bệnh nó không dám tới gần chị đâu....

Ra tới cửa, tôi nhất định không để chị đưa, chẳng lẽ một bà tám sáu dẫn con em sáu tám về nhà giùm vì sợ đi lạc? Thôi ê mặt chết. Tôi vừa bước xuống khỏi mấy bậc tam cấp, chị kêu lại:

 - Gái, lợi đây chị biểu em!

 Không hiểu chị cần nói gì, tôi vội bước lên, đứng bên cạnh chị. Chị ôm tôi lại thật chặt, hôn cùng khắp trên mặt tôi, giọng nghẹn ngào:

  - Nếu em có dịp đi Cali thì nhớ ghé thăm chị. Hể em gọi điện thoại mà nghe tiếng chị thì biết là chị còn sống mà không nghe trả lời thì một là mấy đứa con nó bỏ chị vô nursing home, hai là chị đã đi theo anh Hiếu rồi nha em...

Đứng yên trong tay chị, nước mắt tôi chảy dài, không nói gì được. Rồi chị lỏng tay ôm, tôi bước vội...

 - Chị ơi, nhứt định mình sẽ còn gặp lại mà!

Sau lưng tôi, chị còn cố nói vói theo:

- Nhớ nha em, nhớ nói với mấy đứa bên nhà là anh Hiếu mất ngày bảy tháng giêng nha em....

Chị ơi, em nhớ. Em nhớ hết những gì chị nói... Em nhớ chị, nhớ hoài cuộc tao ngộ này của chị em mình.

Fort Smith, 07-18-2018

Dong Trinh


Ý kiến bạn đọc
14/06/202118:42:36
Khách
tadalafil citrate <a href="https://elitadalafill.com/">buy cialis online</a> tadalafil cost
13/06/202105:25:30
Khách
evolution peptides tadalafil <a href="https://elitadalafill.com/">cialis generic</a> tadalafil generic
30/03/202100:41:32
Khách
alternative to alprostadil https://alprostadildrugs.com/ alprostadil ingredients
30/08/201805:48:16
Khách
Đúng roiif em. Quán hủ tíu cây dừa nằm ngay góc đường Võ Tánh - Lê Văn Duyệt. Nhà em ở gần trường Nghĩa Phương sao? Chị không biết nhiều ở đó. Hồi nhỏ chị học Nghĩa Phương và sau 1975 chị cũng dạy học trường đó luôn. Cảm ơn em đã đọc chuyện của chị nha.
25/08/201821:32:28
Khách
Tôi cũng đồng ý với nhận xét của khách Hoàng Văn. Khi đọc các thành viên của họ kẻ tung người hứng, khiến tôi cứ liên tưởng tới sự kỳ thị chia bè nhóm hoặc phe phái gì đó, mặc dù tôi chỉ là độc giả, nhưng cũng cảm thấy khó chịu dùm cho những tác giả mới.
24/08/201818:27:05
Khách
Tác giả Đông Trinh ơi, chị lấy thông tin về sự đóng góp của các tác giả nhận giải từ đâu vậy? Tôi cho là không chính xác.
Có lẽ chị nên yêu cầu Việt Báo cập nhật danh sách đóng góp của các tác giả trúng giải từ trước đến nay thì chị sẽ thấy đâu là sự thật.
24/08/201805:42:04
Khách
Xin cám ơn lời góp ý của độc giả Hoàng Văn.
Hai bài được chọn đăng vừa qua, tôi đã có lời chúc mừng những tác giả sẽ được giải thưởng lớn hơn. Thật ra chỉ là những lời khuyến khích vô tư như những bài viết trước đây thôi, song vì tôn trọng sự góp ý tốt của độc giả HVăn, tôi sẽ không chúc như vậy nữa.
Tuy nhiên tôi cũng xin thưa rằng, theo thiển ý của cá nhân tôi, ban giám khảo rất công bằng và chẳng hề thiên vị ai đâu. Bằng chứng là năm nay có nhiều người mới được giải thưởng, chứ chẳng phải chỉ có người cũ được giải thưởng. Những bài được giải thưởng be bé lẫn những bài được chọn vào chung kết, cho thấy đều là những bài viết hay, bài có thông điệp giá trị, mà trong tất cả tác giả và độc giả khi thưởng thức nó, chắc hẳn đã có phần nào hâm mộ và tự chấm điểm trong lòng rồi phải không ạ?
Chào độc giả Hoàng Văn nhé.
Ptkd
24/08/201803:08:55
Khách
Bạn Hoàng Văn đưa ý kiến rất chính xác. Tuy nhiên tôi đã lỡ tặng vương miện cho hai tác giả trong hai ngày qua. Bút sa gà chết. Khó mà lấy lại quá vì áp đặt ý tưởng đã chạy bén vào sâu trong đầu của các giám khảo của chúng ta rồi.
Để cho công bằng và không chút thiên vị, tôi sẽ tặng không vương miện bằng vàng y cho mọi tác giả trong các ngày tới. Khi mà mọi tác giả đều đeo vương miện sẽ làm thị giác của các giám khảo anh minh bị lộn xộn không biết đường nào mà chấm giải. Và kể từ đó sẽ không làm nhụt chí anh hào của các tác giả đầy hứa hẹn khác trong một tương lai tươi sáng của một bình minh tất tật yên vui.
Thật hối tiếc những lầm lỡ vô tình.
Rất trân trọng,
Nay kính.
PS. Tôi không phải là thành viên của nhóm Việt Bút.
24/08/201803:05:04
Khách
Lại là người đọc cô đơn đây.
Tôi đồng ý với Hoàng Văn và Khách.
Mặc dù tôi nghe nói rằng nhóm Việt Bút chỉ là các tác giả họp lại với nhau để dễ liên lạc nhưng lên diễn đàn VVNM tíu tít đoán và phong chức cho nhau vậy cũng là không tế nhị.
Là bạn bè, muốn khen ngợi nhau thì có thiếu gì phương tiện khác.
24/08/201802:46:15
Khách
Thân mến gởi đến Anh Mười Ca na da, Lê Như Đức, Kim Dung, Tố Nguyễn, Tài Nguyễn, Thanh Mai, Huỳnh Bảy, Phan, Hoàng Văn...
Thật cảm ơn ý kiến đóng góp cho bài viết của Đ. Mỗi lần bài được đăng lên, Đ rất mong đợi các comments từ khắp nơi và luôn trân trọng tất cả những lời bình luận này.
Hôm nay, đọc xong các lời của anh chị em, Đ vô cùng xúc động vì vẫn được các anh chị em quý mến , khuyến khích Đ rất nhiều để tiếp tục viết. Thật ra, Đ rất hiểu, lời đề nghị năm tới trúng giải đó chỉ là các anh chị em viết cho Đ rán hơn nữa chứ việc tuyển chọn là do bạn giám khảo, các vị đó dựa vào nhiều yếu tố trong các bài viết, cho điểm, bàn luận rồi mới đi đến quyết định chứ đâu thể nào vì lời nói của các anh chị mà bị ảnh hưởng.
Năm rồi, cô Minh Nguyệt, một cây viết mới, đã viết rất nhiều, các bài viết của cô rất hay, chuyện buồn, chuyện vui trong gia đình, bên lề xã hội...đã chiếm được rất nhiều cảm tình của độc giả.
Đến Tố Nguyễn, cây bút trẻ, lần đầu viên tham dự VVNM. Bài của em gởi đến trong những ngày cuối cúng của chu kỳ năm 2017-2018. Vậy mà đã gây tiếng vang qua lối viết chân tình pha nét dí dỏm, thật dễ thương. Em đã được bạn chấm giải chọn trong danh sách năm 2018.

Nhiều, nhiều bạn mới viết đã được trúng giải. Chứng tỏ bạn giám khảo rất công bình, không hề thiên vị cũ, mới.
Đ rất vui được tiếp tục đón nhận ý kiến của độc giả. Dĩ nhiên, trong bài có rất nhiều sai sót vì Đ cũng mới tập viết gần hai năm nay. Mong được các bạn cứ thẳng thắn cho Đ biết những khuyết điểm để sửa chửa.
Mục đích của chương trình VVNM là để bảo tồn văn hoá nước Việt của người Việt trên xứ người. Đ rất khâm phục Steven Brown, một cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng thăm chiến ở VN, anh đã viết rất nhiều bài viết bằng tiếng Việt, rất xuất sắc cả ý lẫn văn.
Chúng ta, những người tham gia chương trình này không phải vì những giá trị vật chất của giải thưởng mà chỉ vì muốn đóng góp những công sức nhỏ mọn trong việc gìn giữ tiếng Việt, gìn giữ phong tục, tập quán của dân tộc.
Những năm trước Đ không được rõ nhưng năm vừa qua, Iris Dinh đã được giải nhất. Sau khi nhận phần thưởng, cô đã trao tặng lại toàn bộ số hiện kim được lãnh cho Việt Báo để chuyển đến các cơ quan từ thiện một phần và phần còn lại cho Việt Báo để duy trì chương trình VVNM trong những năm sau.
Năm nay, 2018, Phan, một cây viết rất mạnh, chiếm số độc giả lên đến hàng triệu người qua những bài viết thật giá trị. Phan đã nhận giải nhất và ngay sau đó, anh trân trọng trao tặng lại tất cả số tiền trúng giải cho toà soạn để dùng vào việc công ích.
Chị Phương Hoa, nhận giải Trùng Quang cũng trao lại hết toàn bộ hiện kim cho Việt Báo để làm quà tặng lại cho các bạn sau này.
Như vậy, chúng tôi chỉ muốn nói với tất cả độc giả gần xa. Chúng tôi vô cùng cảm kích quý vị luôn ủng hộ tinh thần chúng tôi qua các bài viết, qua những đóng góp ý kiến thật bổ ích.
Chúng tôi cũng rất hân hoan được đón nhận tác phẩm của các bạn chưa bao giờ tham gia vào chương trình VVNM, nhằm mục đích duy trì, bảo vệ và phát triển văn hoá nước Việt cho các thế hệ sau này.
Xin thân ái chào các bạn.
Dong Trinh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,204,867
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến