Hôm nay,  

Những Người Lính Chưa Hề Giải Ngũ

12/04/201800:00:00(Xem: 14476)
Tác giả: Orchid Thanh Le

Bài số 5358-19-31199-vb4041218

 
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Bài mới, viết cho Tháng Tư Đen năm nay kể lại cuộc chuyện trò giữa tác giả Orchid Thanh Lê và hai nhà hoạt động cộng đồng tích cực tại hải ngoại: Nhà văn Chu Tất Tiến và Nhạc sĩ Lê Xuân Điềm.

 
***
 

Lần mới nhất tôi gặp lại ông là tại Đại Nhạc Hội yểm trợ nạn nhân bão lụt Harvey, Irma, và Puerto Rico. Tôi cất tiếng chào:

- Chu Tiên Sinh khỏe không?

Ông đáp lại với giọng khàn khụa nhưng vẫn tươi cười:

- Hôm nay tôi trở thành ‘Tru Tắc Tiếng” rồi đây.

Tôi biết ông đã làm việc quá sức mình. Nguyên tháng 9 đến giữa tháng 10, ông lao đao cho việc tổ chức gây quỹ nói trên. Đối với sự kiện bất chợt như vậy thì nhiều thứ phải thực hiện cho kịp thời gian tính nhưng vẫn không được bỏ qua phần chuẩn bị chu đáo. Tờ mờ sáng lúc trời còn sương, ông đã phải ra đứng ngoài sân khấu phối hợp với các anh em treo mắc dàn âm thanh nên bị trúng gió. Rồi đứng liên tục mấy tiếng đồng hồ dưới nắng đểđiều hành chương trình văn nghệ, đâm thêm cảm nắng!

Hôm đó, ngoài MC... “Tru Tắc Tiếng”, còn có 11 MC nổi tiếng phụ giúp nên Đại Nhạc Hội diễn ra liên tục, không có khoảng “thời gian chết” nào cả. 32 ca sĩ ghi danh hát mà không có ai phàn nàn vì phải chơ đợi. Ban Nhạc Moon Flower phục vụ miễn phí. Người lụi hụi treo mắc sáu tấm màn nhung khổng lồ chỉ nhận có 120 Mỹ kim thù lao “đứng sáu tiếng đồng hồ bảo vệ những tấm màn sân khấu”. Người sở hữu dàn âm thanh đáng giá cả chục nghìn Mỹ kim chỉ nhận tiền trả cho nhân viên lắp ráp và bảo trì trong thời gian chơi nhạc. Người mang máy phát điện cho mượn cũng lấy vừa đúng số tiền mua dầu chạy máy còn thì không chịu nhận thêm khoản nào khác.

Buổi gây quỹ thu được 96.000 Mỹ kim! Phái đoàn được cử đi trao tiền đến Hội Cứu Trợ đều tự túc chi phíđi lại bằng tiền túi của mỗi người. Tất cảđều vui vẻ phục vụ trên tinh thần thiện nguyện, dấn thân vì cộng đồng. Điều đáng nói ởđây, mọi người quí trọng vàủng hộ việc làm của ông họ Chu nên đóng góp hết mình.

Ông mê võ thuật, học nhiều môn: Aikido, Karate, Jujitsu, Kiếm Đạo, vân vân, nhưng sau cùng trụ lại Đệ Tứ Đẳng Huyền Đai Nhu Đạo và cộng tác tại Võ Đường Judo Quận Cam. Nhìn qua lịch làm việc dầy đặc của ông, tôi không khỏi kinh ngạc khi thấy ông vẫn dành ra hai ngày trong tuần để hướng dẫn luyện Khí Công miễn phí cho các cụ. Từ chỗ thấy đồng bào hay bị bệnh 3 cao, 1 thấp (Cao Mỡ, Cao Máu, Cao Đường, Thấp Khớp) và nhất là hay mắc bệnh tim, ông mở lớp luyện Khí Công mà không nhận thù lao còn đồng bào chỉ góp tiền thuê chỗ tập luyện. Rồi vì có nhiều kết quả tốt, ông cứ tiếp tục hướng dẫn hết lớp này đến lớp khác, tính đếnlúc này là hơn 15 năm.

Nếu xem võ là nghề thì văn phải là nghiệp, ông tâm sự. Từ thưở bé thơ, văn ý ông tuôn trào khi thiên nhiên hiện ra trước mắt như tranh vẽ từ những chuyến chu du bằng thuyền đinh với mẹ khắp các tỉnh Bắc Việt. Khởi sự viết văn, thơ từ năm 11 tuổi, thậm chí lúc đi tù cộng sản ông còn viết được nhật ký và mang trót lọt sang đến Mỹ. Ông thường xuyên viết bài chia sẻ đến cộng đồng từ những kinh nghiệm về hội nhập nước Mỹ: dưỡng sinh, thiền để rèn luyện sức khỏe, vân vân, cho đến những ưu tư về hiện tình đất nước hoặc những điều “trái tai, gai mắt” cần phải dẹp bỏ.

Nhân Quyền là đề tài mà ông đặc biệt quan tâm và dành nhiều công sức lẫn thời gian đi vận động cho một nước Việt Nam dân chủ. Ông được mời phát biểu ba phút về Nhân Quyền tại Phòng Khánh Tiết Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông đã sang Úc Châu gặp Thủ Tướng, vào Quốc Hội Liên Bang Úc Châu tại Canberra, Quốc Hội Tiếu Bang Victoria tại Melbourne, Quốc Hội Tiếu Bang News South Wales tại Sydney để gặp gỡ các vị Bộ Trưởng, Nghị Sĩ, Dân Biểu để trình bày vấn đề Nhân Quyền tại Việt Nam đang bị chà đạp. Những chuyến đi gặp các chính khách quốc tế của ông còn kết hợp những buổi nói chuyện với cộng đồng về đề tài đáng báo động: “Sự Hủy Hoại Môi Trường, Thực Phẩm, và Văn Hóa tại Việt Nam”.

Trong một lần trò chuyện khác, tôi hỏi ông về một cuộc thi nghệ thuật diễn ra trong cộng đồng Việt hải ngoại do Thượng Viện California tổ chức, ông đáp lại hết sức khiêm tốn. Năm đó, ai muốn tham gia thì gửi tác phẩm của mình đến Ban Bình Chọn. Ông gửi bức điêu khắc trong tù do chính ông sáng tác kèm theo lời chú thích về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Ông tự biết có rất nhiều tác phẩm sáng giá khác đưa ra tranh tài, nhưng kết quả làbức tranh của ông được chọn làm giải thưởng tác phẩm điêu khắc xuất sắc nhất mà ông cho rằng có lẽ Ban Bình Chọn đánh giá cao về mặt lịch sử vàý nghĩa của nó.

Sau tháng Tư nghiệt ngã 1975, chàng sĩ quan trẻ tuổi Chu Tất Tiến đi tù cộng sản. Bức điêu khắc nói trênđược anh chế tác từ một miếng nhôm nhặt nhạnh ở trong rừng và gọt giũa cho vuông góc thẳng thớm, sau đó chà xuống nền xi-măng để mài nhẵn mịn màng nhằm che đi các vết rỗ. Kích cỡ nhắm chừng cuốn tập học trò: 20x30cm. Bức tranh được hoàn tất công phu không phải vì kỹ xảo điêu luyện mà được tính bằng máu và mồ hôi của người sáng tạo.

Dụng cụ để khắc miếng nhôm là chiếc đinh kẽm gai lén gỡ từ bờ rào của trại tù. Anh đã phải lấy áo rách hoặc giẻ quấn bàn tay trước khi nhón hai ngón tay giữ chặt chiếc đinh kẽm gai để sủi trên mặt nhôm bằng tất cả sức lực và tâm trí. Thực hiện việc điêu khắc trên bề mặt nhôm không đơn giản như trên bề mặt gỗ vì vậy anh chỉ có thể nhích chiếc đinh kẽm gai từng nửa mi-li-mét một để sủi. Suốt mấy tháng trời, bàn tay phải của anh rướm máu liên tục khi phải rà trên những vết sủi thô ráp.

Sang đến công đoạn mài nhẵn cũng không kém phần gian nan. Hôm thì tay sứt sẹo chỗ này và hôm sau tay lại tươm máu ở phần khác. Trong tu thì làm gì mà có băng gạc hay thuốc sát trùng cho vết thương, có nước muối rửa là may rồi.

Bức tranh mang tên “Người phụ nữ trong cơn bão 1975”: không có miệng để nói, không có mũi để thở, mà chỉ có đôi mắt mở to để nhìn. Mặt nàng ngửng lên đón nhận trận bão đánh tơi bời khiến lá rơi nghiêng ngả và dưới chân thì sóng biển dâng mênh mông gây mưa gió dập vùi. Tác giả của bức tranh chỉ muốn gửi một thông điệp cho thế giới bên ngoài biết rằng người dân đang sống trong cảnh lầm than khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản.

Có lần bất chợt nhìn thoáng qua bức điêu khắc anh đang cặm cụi làm, tên quản giáo đã sáng ý hiểu ra. Hắn giật phắt bức điêu khắc trên tay anh rồi quát:

- A, tay này phản động. Anh khắc bức tranh ý nói người này bị bịt mồm, bịt mũi nên không nói, không thởđược phải không?

Anh nhanh trí đáp lại:

- Tại tôi chưa làm tới thôi. Theo thông tục Trung Hoa thì họ luôn điểm nhãn trước rồi mới vẽ mũi và miệng sau.

Hắn im lặng. Anh nói thêm:

- Tôi khắc đây là hình bà xã tôi mà!

Nói mãi cũng khiến tên quản giáo nghe xuôi tai mà trả lại anh bức điêu khắc và bỏ đi.

Mấy hôm sau anh tìm được một bao cát, giặt sạch, rút chỉ từ bao cát, dùng cọng kẽm dập thẳng làm kim khâu thành cái túi bọc bức điêu khắc tâm huyết này. Đợi dịp vợ lên thăm nuôi, anh lén tuồn chiếc túi khâu trọn bức tranh đưa chị đem về.

Bức tranh “Người phụ nữ trong cơn bão 1975” điêu khắc trong tù bởi tác giả Chu Tất Tiến

Trong lúc tôi lặng ngắm vật chứng nhà tù cộng sản, ông bộc bạch:

- Lúc đó, tôi luôn nghĩ là mình sẽ chết rũ trong tù cộng sản mà không có hy vọng về lại gia đình. Thời Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã từng làm Trung úy Trưởng Ban Chiến Tranh Chính Trị (Ban 5), kiêm Trưởng Ban An Ninh (Ban 2) Trường Sĩ Quan ThủĐức, kiêm Quản Lý Hội Quán Sinh Viên, và sau đó lại còn “biệt phái” Trường Quốc Gia Hành Chánh (mà theo cộng sản thì biệt phái là đi làm gián điệp); và trước đó, tôi lại là Lính Tình Nguyện được sang Mỹ học Trường Sinh Ngữ Quân Đội, rồi kếđến Trường Sĩ Quan Lục Quân Hoa Kỳ.

Và ông tiếp nối với giọng nói đầy hào khí:

- Dù trong cảnh tù đày, tôi luôn cố giư khí tiết của một Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa: mỗi khi tiếp xúc với bọn cai tù, dù là cấp chính ủy Trung Đoàn, Tổng Quản Giáo, tôi không bao giờ cúi đầu trước chúng, không “thưa anh”, “thưa cán bộ” với chúng.

Ông kể thêm tôi nghe ông đã từng làm chúng khiếp đảm!

- Dạo ấy, tôi tình nguyện hớt tóc cho anh em bạn thân. Một lần tên quản giáo đứng xem tôi hớt tóc, thấy gọn và đẹp, dù trong tay chỉ có một cái kéo nhỏ xíu bằng ngón tay (kéo lớn bị cấm!). Hôm sau hắn xuống gặp tôi sau giờ lao động, bảo tôi lên hớt tóc cho cán bộ đi phép! Tôi giận quá, nhưng trước mắt vẫn phải làm theo. Ở trên đó, bọn chúng có dao cạo hẳn hoi. Hớt tóc cho hết tên này đến tên kia mà lòng tôi phẫn nộ muốn điên lên. Được vài ngày là tôi nhịn hết nổi vì đó là giờ tôi cần nghỉ ngơi sau khi lao động khổ sai; thêm nữa là tôi ghét chúng còn hơn ghét rắn rết, nên tôi làm bộ trượt tay cho lưỡi dao cạo xoẹt vào cổ của một tên, rồi xin lỗi. Tên này bắt đầu run; được một lúc, tôi lại trượt tay thêm một nhát nữa ngay gáy hắn... máu rịn ra đỏ lòe. Tên này hoảng quá, đứng bật dậy, đuổi tôi về trại.

Cười khoái chí, ông kết thúc câu chuyện:

- Thế là tôi thong dong nghỉ ngơi, ăn cơm tù rồi hát tù ca cho anh em nghe.

 

Nhắc đến tù ca, ông đưa tôi xem một tập nhạc gồm vài mươi bài hát ông viết từ trong tù. Bìa tập nhạc có vẽ bông hoa cùng muông thú bé xinh với hàng chữ “Tặng cháu Mộng Thu để tập đàn” mà kỳ thực bên trong là những bài tù ca không lời. Đem được tập nhạc sang Mỹ, ông mới điền lời tù ca vào tập nhạc.

- Nhưng nếu nói tù ca được phổ biến rộng rãi và được cộng đồng nhiệt liệt hoan nghênh thì phải nhắc đến anh bạn đồng môn Chiến Tranh Chính Trị của tôi là nhạc sĩ Lê Xuân Điềm đây.

Vừa nói ông vừa đưa tay vẫy chào người đàn ông vai đeo chiếc đàn Banjo với dáng dấp nghệ sĩ, đang mỉm cười thân thiện rảo bước về phía chúng tôi. Người nhạc sĩ vừa ngồi xuống đã chào khách với tiếng đàn gảy réo rắt bản nhạc “Tiếng Nói Động Viên” do chính ông sáng tác. Bài hát gợi nhớ một thời thanh niên miền Nam Việt Nam nức lòng tham gia quân ngũ theo tiếng gọi giục giã: “Anh đi, tôi đi, chúng ta cùng đi… Mau lên anh em, sức trai nề chi…”

 

Thấy tôi ngắm nghía chiếc nhạc cụ độc đáo và như đoán được những điều thắc mắc tôi sẽ hỏi ông, nhạc sĩ Xuân Điềm chậm rãi hồi tưởng lại lúc ông còn là Trung úy Chiến Tranh Chính Trị Tổng Nha Nhân Lực Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi miền Nam Việt Nam thất thủ và ông phải vào tù cộng sản.

Ở tù, âm thanh thường lệ là tiếng quát thét của các tay quản giáo hoặc tiếng kẻng đánh thức tù nhân đi lao động khổ sai. Trong khi ra ngoài lao động nghe được tiếng trẻ em chơi đùa, các anh em tù, nhất là những ai đã có gia đình, ngập tràn nỗi nhớ da diết kèm theo nỗi tuyệt vọng với bản án không thời hạn. Chiều về chập choạng chính là lúc tù nhân bị lùa vào lán trại, những con người xương xẩu như những bóng ma rì rầm với nhau bởi họ nào được nói năng tự do. Anh buồn rầu thương cảm anh em bạn tù như thương thân mình: nếu cất lời ca thể hiện tâm trạng thì bị ghép tội hát nhạc đồi trụy. Anh thiết nghĩ: may ra điệu nhạc không lời có thể làm mọi người khuây khỏa đôi lúc, nhưng anh vẫn chưa hình dung làm thế nào để chế được một nhạc cụ; loại nào cũng được vì anh có thể chơi nhiều nhạc cụ khác nhau, không nhất thiết phải là chiếc vĩ cầm mà anh từng được bố dạy từ thưở lên tám.

Trại tù cộng sản đầu tiên anh ở là Thành Ông Năm, Hóc Môn. Đó làbản doanh của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo Việt Nam Cộng Hòa, nơi từng chứa quân xa, quân trang, quân dụng nên anh lục lọi kiếm được cái mặt chắn bằng sắt của bộ phận lọc gió xe Jeep trông từa tựa cái soong. Anh đem nó về nong theo bộ dạng chiếc bầu đàn Banjo.

Câu thành ngữ “Cái khó bó cái khôn” chuyển thành “Cái khó ló cái khôn” phù hợp với tình huống của anh bấy giờ. Thời đó cộng sản vô “tiếp thu” khu công binh chẳng hiểu cái bàn bi-da dùng để làm gì, lệnh cho anh em tù đốn làm củi nấu bếp. Anh lục lọi trong đống củi nhà ăn và may mắn tìm được cái chân bàn bi-da bằng gỗ quí còn sót lại. Cái chân bàn được đẽo, gọt bởi các dụng cụ tự chế, rồi đem mài giũa nơi thành bể nước xi măng từ ngày này sang tháng khác, riết rồi cũng trở nên nhẵn nhụi, láng o để tạo thành cái cần đàn theo ý tưởng của người nhạc sĩ.

Đáy đàn là chiếc khay cơm tù cho tốp sáu người ăn; còn chiếc đĩa nhôm với đường kính khoảng hơn gang tay thường dùng đểđựng đồăn được chia cho mỗi tốp tù nhân thìđược úp xuống làm mặt đàn. Đàn Banjo có bốn cặp dây MI, LA, RE, SOL như vĩ cầm. Dây đàn được chế biến từ dây điện thoại nhà binh: một dây mảnh là dây MI, hai dây mảnh quấn lại để tạo dây LA, còn nếu vỏ ngoài được quấn thêm cho dây LA sẽ có được dây RE, mà cũng loại dây RE đó nếu quấn thêm một lớp nữa là trở thành dây SOL. Dây càng lớn càng trầm, dây càng nhỏ càng thanh. Riêng các phím đàn được làm từ gờ cà-mèn tháo ra rồi chặt nhỏ lại. Chưa hết độc đáo, chốt móc dây được chế từ cái chốt bom còn móng đàn là cái kíp nổ. Anh tẩn mẩn tìm lượm mẩu gỗ vụn, chuốt sao cho nhẵn mịn làm ngựa đàn rồi so dây gảy thử, nghe thấy vang.

Vậy là cây đàn sơ khởi được chế tạo, chỉ còn căng dây để thẩm âm mà thôi. Vì chiếc đàn được chế với ý tưởng là loại Banjo với đáy nhôm nên mặt đàn đúng cách đáng lẽ ra phải được bọc bằng một lớp màng nhựa mỏng hoặc da để tăng phần cộng hưởng âm thanh. Tuy nhiên, do chiếc đĩa nhôm được chế làm mặt đàn khiến tiếng đàn hơi sắc, nghe giống tiếng đàn Mandoline (thường được làm bằng gỗ) với âm thanh trong trẻo và réo rắt hơn thay vì tiếng đàn nguyên thủy của Banjo thích hợp với dòng nhạc đồng quê hay nhạc dân ca.

Đêm trung thu đầu tiên trong trại tù, các anh em ngồi buồn bã trong lán tù tranh tối tranh sáng. Ôm cây đàn tự chế vừa hoàn tất, anh gảy bản nhạc “Nghìn Trùng Xa Cách” của nhạc sĩ Phạm Duy. Những bóng đen lặng lẽ lướt đến gần. Tất cả yên lặng. Không tiếng vỗ tay. Chỉ có sự cảm nhận đồng điệu giữa tâm trạng bàng hoàng thổn thức của những người tù.

Bỗng từ xa cóánh đèn pin loang loáng thì biết ngay là có cán bộ coi tùđến, anh em tù vội báo động. Bọn quản giáo thấy tụ họp đông, sợ anh em biểu tình hoặc tổ chức vượt trại thành thử ra xuất hiện ngay. Nhưng rồi chúng cũng khựng lại nghe mê mẩn tiếng đàn rồi hỏi người nhạc sĩđó là loại nhạc gì. Câu trả lời là bản nhạc Liên Xô hoặc Hungaria không lời. Khi anh chuyển qua bản nhạc khác như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” thì chúng lấy làm tiếc rẻ tại sao anh lại đổi loại nhạc chơi.

Ngày hăm ba Tết, đầu năm dương lịch 1976, anh và vài trăm bạn tù nữa có lệnh chuyển trại. Chúng đưa đoàn các anh ra đảo Phú Quốc. Hơi nước biển ởđảo nhanh chóng làm hoen rỉ phần bầu đàn bằng sắt của anh khiến tiếng đàn trở nên đục. Khi chuyển trại trở vềđất liền, anh đành bỏ lại phần bầu đàn rỉ sét và chỉ mang theo cần đàn, đáy đàn và mặt đàn mà thôi.

Đến trại tù ở Trảng Lớn, Tây Ninh, một địa danh sát với đường mòn Hồ Chí Minh, vùng oanh tạc tự do ngày trước, anh nhìn thấy chiếc gàu múc nước do anh em tù chế từ vỏ đầu bom dạng phễu. Liên tưởng ngay đến cái bầu đàn mình đang muốn chế, anh tìm cách đổi chác với anh em để có được thứ mong muốn. Thành thử ra bất cứ thứ gì kiếm được từ phương tiện chiến tranh và phương tiện nuôi tù mà thấy thích hợp thì đều được anh tận dụng để ráp lại thành tác phẩm nghệ thuật cho mình.

Cây đàn tự tạo mỗi lúc một hoàn thiện. Trong lần chuyển trại khác, anh được dịp quen người bạn tù mới là kiến trúc sư Nguyễn Thanh Thu, người đãđiêu khắc bức tượng “Thương Tiếc” đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Thời đónghệ nhân này trông rầu rĩ và tuyệt vọng, nhưng khi nghe nhạc sĩ kể về chiếc đàn tự tạo, ông Thu như tìm lại nguồn cảm hứng, dùng bút chì phác nét bức tượng “Thương Tiếc” lên mặt đàn và viết tên mình bên dưới.

Chàng nhạc sĩ bèn chế ra cây đinh đóng ngược vào miếng gỗ rồi dùng cả bàn tay nắm miếng gỗmà chà miết những nét tỉ mỉ theo hình chữ chi lên nét phác họa tiết bức tượng “Thương Tiếc”. Đáy đàn ngoài phần hoa văn còn khắc tên từng trại tù anh đã trải qua: Hóc Môn, Phú Quốc, Trảng Lớn, Đồng Ban, Bù Gia Phúc. Sang đến Trại ThủĐức ở Hàm Tân, trại tù cuối anh ở, thìđáy đàn chỉ còn đủ chỗ cho anh khắc chữ Z-30D mà thôi.

Số lượng đàn các anh em tù khác làm ra để giải khuây cũng đáng kể nhưng nếu không biết cách giữ thì bị tịch thu. Riêng cây đàn của anh được chế tác bằng dùi lỗ và tán đinh theo đúng nghĩa tháo ráp: lúc nào anh cũng phải sẵn sàng trong tư thế chuyển trại. Một khi có lệnh phải đi, anh tháo rời cây đàn: cần đàn được quấn trong lớp quần áo tù nhét vào ba-lô; đáy đàn, bầu đàn và mặt đàn được bỏ chung trong mớ soong nồi lỉnh kỉnh nên lọt qua sự kiểm soát của cai tù; còn các phụ kiện khác của đàn được dồn trong cái túi đựng các thứ vặt vãnh không đáng để mắt.

Giữ gìn cây đàn trong tù gần một thập niên với bao gian khó còn được nữa là. Rời quê hương, người nhạc sĩ cố gắng bằng mọi giá đem kỷ vật gắn bó với mình sang đến Mỹ. Chiếc đàn được gắn thêm sợi dây đeo có nền vàng ba sọc đỏ in nổi ba điều tâm niệm của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa: Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Đến lúc này, chiếc đàn tự chế gần như nguyên vẹn, chỉ duy có ngựa đàn bằng gỗ tạp thường gây trượt dây đàn cần phải thay còn thì các phần khác không suy suyển.

Người nhạc sĩ trải qua thời trai trẻ với gần chín năm tù đày. Dù định cư xứ người lúc đã đứng tuổi nhưng trái tim ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến. Ông bắt đầu thành lập Ban Tù Ca. Lúc đầu Ban Tù Ca chỉ gồm sáu người: ông bà Xuân Điềm-Thanh Liễu và bốn người nữa. Sau do hoàn cảnh, một số thành viên phải rời bỏ, ông bà tiếp tục gầy dựng lại.

Nhắc đến Thanh Liễu, người bạn đời của mình, ông cám ơn Thượng Đế đã ban cho hai người có chung một hướng nhìn, một lý tưởng để phục vụ xuyên suốt 25 năm qua trong Ban Tù Ca. Kỷ niệm cứ lần lượt hiện về để ông trải lòng:

- Thời chưa gia nhập quân đội, tôi là một nhạc sĩ sáng tác trong các hãng băng đĩa nhạc Continental, Sơn Ca do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm giám đốc. Một hôm tôi có bản nhạc mới sáng tác nên đến nhà ca sĩ Phương Dung để tập cho cô ấy trước khi thu đĩa. Bước ra khỏi nhà Phương Dung thìphát hiện xe bị hỏng, đành phải dắt xe sang nhà hàng xóm của cô ấy để sửa, mà đó lại là nhà của Thanh Liễu nên mới có dịp làm quen.

Nhớ hoài buổi đầu gặp gỡ, đúng là trời xui đất khiến hôm đó Thanh Liễu không đi dạy học nên mới có dịp gặp người nhạc sĩ mà cô vẫn thường nghe các bài hát của ông trên đài nhưng chưa hề biết mặt.

- Nhưng phải ba năm sau tôi mới nhận được một cái gật đầu ưng thuận từ Thanh Liễu vì có nhiều người sắp hàng trước tôi trong khi tôi chỉ là quân nhân cấp bậc nhỏ và lại xa nhà luôn. Vậy có phải là tôi may mắn không?

Ông mỉm cười rạng rỡ khi kể chuyện. Không may mắn sao được khi ông đi tù cộng sản thì người vợ hiền phải bôn ba vất vả với ba con thơ cùng lo thăm nuôi chồng và từ bao lâu nay luôn sát cánh bên ông để duy trì Ban Tù Ca. Hiện tại nhóm của ôngcó trên dưới 30 thành viên và nhân sựđôi khi thay đổi: người cu hoặc già yếu hoặc mất đi, người mới gia nhập, vân vân. Tất cả thành viên đến với nhau là do xuất phát từ tấm lòng mong đất Việt sớm có được tự do, dân chủ, dân quyền. Họ có mặt trong các sinh hoạt cộng đồng để hỗ trợ kịp thời cho các phong trào. Thoạt tiên chỉ tù ca được phổ biến nhưng sau Ban Tù Ca kết hợp thêm thể loại đấu tranh ca và phong trào ca để phù hợp với những biến chuyển thời sự, tôn giáo, học đường, vân vân, diễn ra từ trong nước đến hải ngoại.

- Tại sao còn giữ cái tên “Ban Tù Ca” dù bây giờ các vị đã được tự do rồi?

- Đúng, chúng tôi được tự do nhưng đồng bào trong nước còn đang bị tù. Chúng tôi phải hát như một lời đòi hỏi tự do cho họ. Chúng tôi gắng giữ vững Ban Tù Ca đến khi không người dân Việt nào còn bị cầm tù vì những lý do không chính đáng mới thôi.

Năm 1995, trong Project 20 do nhạc sĩ Lê Văn Khoa khởi xướng nhằm đánh dấu 20 năm chiến tranh Việt Nam, cây đàn độc đáo của nhạc sĩ Lê Xuân Điềm được ra mắt công chúng Mỹ tại trường Đại Học Fullerton, California. Mới đây tại Hý Viện Kennedy ngay thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhân dịp nước Mỹ vinh danh các chiến sĩ Mỹ-Việt Nam Cộng Hòa bỏ mình vì chính nghĩa tự do, chủ nhân cây đàn được vinh dự mời biểu diễn bản nhạc “Tưởng Niệm Chiến Sĩ Tự Do” do chính ông sáng tác. Sau buổi diễn, nhiều khán giả hiếu kỳ xúm lại chiêm ngưỡng cây đàn lịch sử và xin chụp hình kỷ niệm.

Thời trai trẻ, chiến sĩ Chu Tất Tiến và chiến sĩ Lê Xuân Điềm gia nhập quân ngũ Việt Nam Cộng Hòa, rồi đi tù cộng sản theo vận rủi của miền Nam Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu định cư tại Mỹ theo diện HO1 vào năm 1990, hai ông đóng góp không nề hà công sức và thì giờ vào công cuộc chung. Chính những bàn tay cầm súng thuở nào, những bàn tay sáng tạo nghệ thuật trong cảnh tù đày thì nay là những bàn tay cầm bút, cầm đàn trong mặt trận tâm lý chiến. Những vũ khí này lợi hại nào có thua gì súng, lưỡi lê ngoài chiến trường.

Từng là Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị, mỗi ông có một phương thức góp tay xây dựng cộng đồng hải ngoại vững mạnh và gióng lên tiếng nói, tiếng hát đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng nơi quê nhà. Hiển nhiên, dù ở bất cứ đâu, hai ông luôn tâm niệm mình là những người lính Việt Nam Cộng Hòa đấu tranh vì chính nghĩa.

Quý thay những người lính Việt Nam Cộng Hòa bất kể tuổi tác luôn cống hiến lòng nhiệt thành cho lý tưởng. Trân trọng vinh danh những người lính chưa hề giải ngũ.

 
Orchid Thanh Le

Ý kiến bạn đọc
23/07/201801:25:57
Khách
As suggested by its name, vmate App is a youtube video downloader computer software. in any case, very low considerable way of measuring parts making it different then other clients. the job has quite a few size to pick up difficulties succesfully done perhaps surprisingly. these vmate resume really is a solitary solution for several of your own tasks. you will have a great time beyond Bollywood, hollywood in media, motion pictures in addition to songs.

by working with vmate to work with android mobile phone, You will have <a href=http://www.vmate.in/>vmate</a> lots of music and as a consequence video clips. will also, it is possible to with no purchase downloads available at a choice of from the internet graphics buffering sites. Authoritatively, <a href=http://www.vmate.in/>vmate</a> vmate Downloader not really convenient on the search engines perform maintain. nonetheless, target audience with operating system telephones alongside rendition 2.2 or maybe more could certainly presently acquire the device. additionally, you can lay aside the latest music and therefore high def recordings utilizing the vmate software. besides, You can engage in survive for television for computer on the operating system cell phones. in this vmate downloader offers you lots of functionalities. across such lines, You will become more no stranger to the capacities of it impressive component and after that thusly utilize them to save the utilization of your internet specifics case. a terrific point behind vmate meant for android os handsets is by using this games, you will definitely get the never-ending gaining access.

now this utilization of helps you to Watch and moreover pay attention all newest high definition films, Songs also as you equally now download the criminals to your appliance. a great portion of the approval is regarded as download any number of online who has a great deal more 200 live life tv stations totally free. vmate is ordinarily, genuinely, a application. more than 50,000+ convenient potential consumers release and found this utilization of and show unusual contribution in this vmate.

it cluster along with 1000+ extraordinary recordings, movie, combined with songs. Cricket friends would probably now manage to watch currently the cricket with a larger quality and reliability with this finance application. within the without chance you just couldn't get to your main the large majority of cared for tv shows finally not a chance powerful intent get inquisitive precisely what you had during selection, set their vmate credit card application watching just about every shower gel whenever you want and against someplace.

benefits

1. It allows you to lock individual pictures.

2. Comes with a substitute for enable/disable transport concerning mobile program.

3. built web browser

4. used search for and consequently the history

5. great outdoors particular type of trending music suggests

6. flawless use search for, tradition

7. Completely offered file/folder team boss for quick music administrative

8. surface cell phone browser stop-gap.
03/05/201800:44:50
Khách
Cảm ơn tác giả Orchid Thanh Lê đã cống hiến thêm cho bạn đọc 1 bài viết thật hay và có giá trị lịch sử. Chúc chị luôn tâm thân an lạc.
24/04/201818:41:18
Khách
Một bài viết thật hay và ý nghĩa trong những ngày cuối tháng tư.

Có những người lính luôn luôn sống hết mình với quê hương đất nước cho dù ở trong chiến tranh, bị tù đày, hay ra hải ngoại.
Có những tinh thần, những tấm lòng lúc nào cũng đau đáu với vận mệnh quê hương và sẵn sàng góp một bàn tay cho những điều ích nước lợi nhà.

Xin ngả mũ trân trọng vinh danh những người lính chưa hề giải ngũ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà.
Xin chân thành cảm ơn tác giả đã viết về những góc khuất thi vị và cảm động để người đọc có dịp cảm nhận và tri ân những tấm lòng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,997,962
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến