Hôm nay,  

Nó và Tôi

09/04/201800:00:00(Xem: 18640)
Tác giả: Mai Hồng Thu

Bài số 5356-19-31197-vb8040918

 
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

 ***

Nó là tiếng Việt. Tôi là con nhỏ ghiền chữ Việt.

Ngày nhỏ, ngày nào tôi cũng vừa ăn cơm vừa đọc sách. Nhiều lần bị khỏ đầu hoài nhưng cái tật khó chừa. Người nào vừa đi cầu vừa đọc sách, làm ơn đừng dành cầu tiêu với tôi. Có lần ghiền đọc truyện, cả nhà đã ngủ tôi bèn chui vào phía sau rèm cửa nhà tắm mở đèn đọc tiếp. Bà ngoại chợt thức giấc bèn hỏi tôi làm gì chưa chịu đi ngủ. Tôi trả lời rằng “con còn đang học bài chưa xong”.

Trong những năm tiểu học, môn toán, văn và vẽ, tôi luôn thích và đạt điểm cao. Cuối năm học nào tôi cũng đứng chung nhóm năm hạng cao nhất của lớp. Tương lai của tôi tươi sáng biết bao. Tôi biết mình giỏi chữ và cũng sẽ viết được truyện hay, vì bài tập văn luôn được điểm mười. Từ nhỏ tôi đã biết kèm bạn học làm bài để được thưởng công.

Tôi đã ước và tôi đã mơ. Vì thế tôi cứ miên man ngốn chữ.

Đọc sách thiếu nhi chưa đủ, tôi đọc cả tiểu thuyết và truyện chưởng. Cuốn sách dày cộm đối với tôi chỉ là một trò chơi. Khi vô tình nghe được hai dì của tôi bàn về tình tiết trong truyện tình cảm nào đó, tôi cũng tò mò muốn đọc để xem ai yêu ai ra sao, đúng là con nít quỷ.

Khi vừa bước vào lứa tuổi dậy, tôi đã thích đọc truyện của Quỳnh Dao dù tâm tính vẫn hồn nhiên nghịch ngợm như con trai. Tuy nhiên, tâm hồn tôi luôn luôn yếu đuối, ủy mị và đa sầu đa cảm, trái với cách ăn nói, đi đứng ngang tàng bướng bỉnh bề ngoài. Nếu là người khô khan thô lỗ, chắc không thể trong vòng chưa đầy ba mươi phút lại chế ra một bài nhạc có âm điệu, vần nhịp, lời nhạc đều vô cùng ăn khớp. Tôi thường làm lé mắt bạn bè cùng trang lứa trong xóm bằng những đoạn văn ngắn vần điệu trôi chảy, ý nghĩa mạch lạc nhưng toàn ghép tên của bài hát hoặc tựa các cuốn phim.

Nhiều người nói tôi có khiếu văn chương... xuất khẩu thì nên khâu miệng lại tại không khéo, ủa không phải: Xuất khẩu thành văn, có vần... họ thích.

Khổ nỗi, tôi chỉ biết viết văn ca ngợi cảnh đẹp, người vui, tả cảnh hoặc tả con gà con vịt gì đó thôi, chứ không biết viết lời nịnh nọt, giả tạo.

Sau 1975, khi thầy giáo ép học trò làm văn ca ngợi cách mạng hoặc lão hồ, tôi thấy làm bài luận văn là một cực hình và từ từ cảm thấy rất nản.

Gia cảnh bắt đầu sa sút, sức khỏe và tinh thần tôi cũng xuống dốc theo. Tôi thường có cớ nghỉ học vì suốt ngày ho sù sụ muốn văng cả linh hồn ra. Ngoại tôi nhiều lúc thương cháu mà nước mắt chảy dài. Tôi hay lang thang hết khu phố này qua khu phố khác chờ hết giờ tan học rồi mới về nhà để bà đừng sốt ruột lo lắng. Bạn học bảo nhau rằng con nhỏ vượt biên hụt nên trở lại học vài hôm rồi lại biến mất. Có hôm trưởng lớp đến nhà kiếm, muốn chứng thực có phải tôi đang tìm đường vượt biên không.

Thuở ấy tôi lầm lì ít nói, ai nói gì cũng ậm ừ cho qua chuyện nên họ không thắc mắc nữa.

Tôi không hề nuối tiếc và nhớ nhung trường lớp có những thầy cô giáo Bắc Kỳ mới vô hung dữ, thô kệch, khó chịu. Tôi nhớ mãi cô dạy môn Văn với gương mặt nhố nhăng thiếu văn hóa, đứng trên bục giảng đay nghiến Thúy Kiều là gái lầu xanh thật thụ ,“ngứa nghề” cám dỗ Thúc Sinh. Tôi thấy gương mặt bà giống Hoạn Thư hơn là những cô giáo Văn dễ thương của tôi ngày trước.

Nhà trường với tôi, là một địa ngục không lối thoát, một bản án không cần xử.

Chữ nghĩa khó nuốt lại không đổi được cơm áo.

Tôi muốn nghỉ học về quê sinh sống và không ngại vất vả. Mọi người khuyên tôi tiếp tục học, chờ cơ hội đổi đời theo nguyên tắc xưa: học vấn là sức mạnh cho tương lai.

Không có biến cố năm 1975, chúng tôi nhất định học lên cao vì học giỏi và siêng.

Nhưng rồi tôi lâm bệnh nặng, thường xuyên ho ra máu nhiều lần. Tôi đến nhà thương Hồng Bàng thử nghiệm, và biết mình bị nám phổi. Tôi phải uống thuốc hàng ngày và khám định kỳ suốt hai năm liền để ngừa lao. Nhờ đó tôi được quyền nghỉ học!

Không cần đến trường, tôi vẫn ghiền đọc bất cứ sách báo phi chính trị.

Là nạn nhân của tin đồn, thành kiến và sự thiếu hiểu biết về bệnh lao, tôi bị nhiều người kỳ thị vô lý. Sống ở Sài Gòn một mình giữ hộ khẩu, nên sách truyện là người bạn duy nhất giúp tôi bận rộn và xa lánh những kẻ thất học,vô tâm.

Rồi tôi tìm cách kiếm tiền phụ gia đình, bán lẻ hay đi buôn chuyến đủ mọi món hàng. Nhiều món rất bình thường như đậu đen, cà phê, thuốc lá, bỗng nhiên thành hàng lậu, và tôi là dân buôn lậu bất đắc dĩ. Vì ít vốn, nhát gan, nhìn giống học sinh và luôn đọc sách trên xe, những chuyến đi buôn từ Sài Gòn về Bình Long, và ngược lại, tôi đều qua trót lọt. Tôi thường dấu tiền ở giữa những trang sách nên tránh được nạn móc túi nhiều lần.

Rồi dành dụm được ít vốn, tôi sang lại một gian hàng tạp hóa đủ loại. Tôi thường đọc sách lúc vắng khách, tránh thói ngồi lê đôi mách buôn chuyện.

Người quen thường trêu tôi bày đặt khoe chữ, lúc nào cũng cầm cuốn sách lòe thiên hạ. Thật ra, tôi vẫn chưa cai được tật ghiền đọc sách. Tôi đọc tất cả sách mượn được, truyện trinh thám, truyện tình cảm, sách dạy làm người,và sách tự học đủ loại. Nhờ đó, tôi có chút kiến thức căn bản về mọi mặt.

Hơn một năm sau, cải cách kinh tế khiến chuyện kiếm tiền bắt đầu khó khăn. Chương trình di dân Mỹ có trật tự bắt đầu rầm rộ, gia đình tôi âm thầm nộp đơn và được thông qua. Tôi chỉ được báo trước ba ngày khi có vé máy bay rời Việt Nam. Tôi không có đủ thời gian suy nghĩ và không đành lòng ra đi vì bà ngoại đang bệnh ung thư thời kỳ cuối. Tôi bất mãn vì đáng lẽ ngoại mới là người đáng được đi cùng. Tôi muốn ở lại chăm sóc ngoại những ngày cuối đời.

Bạn tôi ở Mỹ thường kể về cái khổ lúc khí hậu lạnh buốt và nỗi buồn không được nói, nghe và đọc tiếng Việt, sống tự do nhưng lẻ loi giữa những người khác màu da, tiếng nói và văn hóa. Tôi biết mình sẽ vất vả hơn khi phải sinh tồn nơi xứ người. Tôi đi Mỹ để khỏi sống dưới chế độ kềm kẹp vô lý, tìm cơ hội giúp ngoại trị bệnh tốt hơn, nhưng chưa đủ tỉnh để vui vì được may mắn hơn nhiều người.

Tiếng Việt và tôi, lại bắt đầu một cuộc tình gian nan và có rất nhiều cái... nản.

Tôi, mẹ nuôi và em trai, sang trại Phi Luật Tân, học Anh Văn và văn hóa nước Mỹ trước khi đi Mỹ.

Một tháng sau, thơ báo tin bà ngoại qua đời. Sự bất mãn càng tăng và mọi dự định tương lai mất hết ý nghĩa. Mẹ nuôi, vì không quen sống chung với người lầm lì như tôi, thường cáu gắt la mắng hung tợn, gây sự vô cớ suốt ngày, khiến tôi càng chán đời. Trong lớp Anh Văn, tôi được bạn học đủ mọi lứa tuổi yêu mến, vì thường nhiệt tình giúp đỡ họ làm bài tập. Ngoài ra, cuộc sống của tôi khép kín với mặc cảm thua kém mọi người về gia cảnh và tiền bạc. Lòng tôi tràn đầy bế tắc, căm phẫn về những bất công vây quanh khi luôn bị hạ nhục vô lý. Tôi bảo vệ bản thân bằng cách tự học hỏi, gom kiến thức từ sách vở. Dạo đó, tiếng Anh của tôi chưa khá, nên tôi ngấu nghiến sách Việt mỗi khi có dịp.

Đọc và viết tiếng Việt là một thế giới có thể cho tôi ẩn náu dễ dàng, bình an và an toàn nhất.

Chúng tôi đến Mỹ vào những ngày cuối năm, tuyết trắng phủ ngập đầy thành phố Indianapolis, Indiana. Người Việt rất ít nhưng chuyện lớn nhỏ gì ai cũng biết. Em trai may mắn được tiếp tục đến trường. Tôi vẫn bơ vơ và lầm lì. Mẹ nuôi vẫn đay nghiến hàng ngày vì tôi cứng đầu không dễ bị sai khiến.

Tôi không thấy thoải mái khi chung đụng với những người đồng hương khi họ tin vào những thông tin không đúng về tôi, nhưng tôi không màng giải thích. Một người đàn ông Việt đã có vợ được nhà thờ gởi giúp chúng tôi lo mọi thủ tục cần thiết. Hắn kiếm cớ đưa tôi đi riêng và đã ôm hôn tôi sàm sỡ trong thang máy, còn chế giễu tôi khờ và ngây thơ. Tôi muốn phản kháng và tố cáo hắn nhưng vì cô thế nên đành nhẫn nhục cho qua, nhưng quyết không để có lần sau.

Cái lạnh cắt da của miền đông nước Mỹ, không lạnh bằng sự cô độc giữa xứ người. Tôi không được đến trường, không tay nghề, không tiền, không biết đường đi nước bước, chờ ngày lấy chồng theo ý mẹ nuôi, ngồi cho người ta coi mắt hoài....tôi không cam lòng.

Càng lạc lõng, tôi càng sống khép kín và ân nhân duy nhất vẫn là một vài cuốn sách Việt tôi đã mang từ bên trại sang. Tôi nhớ Sài Gòn, Việt Nam, nhớ người thân và thèm có thêm những cuốn sách Việt lắm.

Em trai biết chuyện tôi bị sàm sỡ nên khuyên tôi liên lạc bạn bên trại tìm sự giúp đỡ. Tâm đã từng theo đuổi tôi, bằng lòng giúp tôi tạo cuộc sống mới ở Long Island, New York nơi anh đang ở. Sau ba tháng sống gò bó, ngộp thở, thiếu thốn vật chất lẫn tình thương với nhiều bế tắc, tôi quyết định dọn đi.

Qua đó, tôi ở trọ chung phòng với Ngân, hơn tôi 3 tuổi, trong một gia đình Công Giáo nghiêm khắc. Tiền trọ $150, không có chìa khóa vào nhà, không có sự riêng tư vì Ngân cũng khó tánh và so đo tính toán đủ điều. Nhiều lần tôi thấy Ngân nói dối và tỏ vẻ kiêu căng phách lối quá mức, khiến tôi khó gần gũi thân thiện. Người Việt trong vùng biết có người mới đến, thường gọi làm quen tôi, nhưng chủ nhà và kể cả anh Tâm, đều tìm cách ngăn chặn. Tôi lại bị lâm vào cảnh lạc loài, chỉ quen được vài người tử tế sống nơi anh Tâm ở trọ. Không khí trong nhà ngột ngạt lắm, nhưng tôi phải về nhà trước tám giờ tối, nếu không sẽ không được ai mở cửa cho vào.

Ngoài giờ học thêm Anh Văn, và cuối tuần sang nhà anh Tâm chơi, tôi bắt buộc phải bớt nói để tránh thêm phiền phức. Lúc ở trong phòng một mình tôi mới thấy thoải mái. Lúc Ngân sắp về, tôi luôn ôm cuốn sách Việt trong tay để phòng thân, chăm chú hoặc giả vờ đọc để tránh khỏi phải giao du với cô ngoài mức cần thiết. Nụ cười giả dối và cử chỉ kênh kiệu, kiểu nói tiếng Anh khoe khoang lố bịch của Ngân khiến tôi thấy sự giao tiếp với cô là một cực hình. Ông bà chủ nhà cũng khắc khe, bắt bẻ từng chút một, nhưng họ vẫn tỏ vẻ bằng lòng vì tôi luôn nhiệt tình giúp dọn dẹp nhà bếp ngăn nắp gọn gàng. Cuối tuần sơ Lan, rất thân với chủ nhà, ghé đến sau giờ Lễ, thường hỏi thăm rồi nhăn nhó răn đe tôi đủ điều. Nhìn gương mặt khắc khổ và lạnh lùng của sơ, tôi tự hỏi mình là người ở trọ hay làm dâu ở đây.

Thế là tôi với vài cuốn sách Việt trong tay, say sưa đọc hoài, để tỏ vẻ ngoan hiền và bận rộn, tránh bớt cơ hội bị rầy oan. Đọc và viết tiếng Việt là cứu cánh duy nhất và cuối cùng.

Sau đó, Sơ Lan giúp tôi tìm việc trông trẻ những lúc không cần học Anh Văn. Công việc nhẹ nhàng, được đưa rước đến trông bé gái một tuổi. Khi bé ngủ, tôi tự do đọc sách hoặc xem phim.

Tiếng Anh chưa giỏi, tôi lại đọc sách Việt mỗi khi có dịp để tạo niềm giải thoát nhẹ nhàng.

Sáu tháng sau, anh Tâm ngỏ lời mong cùng tôi tạo gia đình mới và dọn sang Danbury, Connecticut dưới sự giúp đỡ của anh Tuyên, đồng hương Hải Phòng. Anh hứa sẽ lo cho tôi đầy đủ hơn. Anh không thích gia đình tôi đang trọ vì họ chê anh thiếu học và nghèo. Tôi vẫn không thích hợp với cuộc sống gò bó khắc khe ở trọ, và đặc biệt là sự chung đụng với Ngân, nên nhận lời.

Những ngày đầu chúng tôi sống chung, mọi việc tạm ổn định. Tuy nhiên, nhiều người đồng hương Hải Phòng, vẫn mang nhiều thành kiến với người Sài Gòn, không khéo ăn nói như tôi, khiến tôi vẫn phải thu mình vào một góc nhỏ riêng, làm bạn với tiếng Việt, những lúc chồng đi làm hoặc giao du với họ.

Một năm sau tôi sanh con gái đầu lòng. Trong thời gian chăm con, tôi vô tình tìm ra được đơn xin học,

trong xấp quảng cáo gởi kèm trong hộp thư, học lấy bằng high school tại nhà với giá năm trăm đô. Tôi tự lấy giấy học bạ tiếng Việt dịch sang tiếng Anh và gởi đơn đi cùng với học phí để học nốt hai năm cuối trung học. Họ gởi cho tôi một số sách để đọc và làm bài. Lúc rãnh rỗi tôi đọc, làm bài, gởi đi, và nhận được bằng tốt nghiệp trung học. Mười tám tháng sau tôi sanh thêm con trai thứ. Rồi chúng tôi mua căn nhà đầu tiên ở đất Mỹ vì chồng siêng làm, tôi giỏi kiếm thêm và biết dành dụm.

Tôi bận rộn học, chăm con và trẻ khác, và săn sóc căn nhà riêng, lơ là tiếng Việt một thời gian rất lâu.

Một năm sau, tôi nhận công việc đầu tiên, làm thâu ngân một mình trông nom căn tin một hãng tiện ca chiều. Khu này nhiều tường kính trong suốt nhìn ra sườn đồi với cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp và thơ mộng. Nhờ làm việc giỏi, tôi dư nhiều thời gian lại thấy thanh nhàn nên lại đọc và viết Tiếng Việt.

Trong những giờ giải lao, tôi viết được gần một trăm trang thơ tiếng Việt.

Đó là thời gian tôi lại nhớ nhà, nhớ quê hương và thèm nói, nghe, đọc, và viết tiếng Việt lắm.

Vài năm sau, kinh tế suy trầm, tôi bị thất nghiệp nên ôn lại vốn tiếng Anh thi vào đại học. Vài tháng sau, tôi nhận việc làm khác, giờ giấc uyển chuyển nên tôi vẫn tiếp tục vừa học, vừa làm, vừa chăm con. Đời sống tất bật vất vả và tôi chỉ sử dụng tiếng Anh, giao tiếp với người Mỹ.


Tôi tạm thời không còn dịp sử dụng tiếng Việt mấy năm dài.

 

Khi tôi sắp hoàn thành chương trình tốt nghiệp kế toán kinh doanh, thì phát giác chồng tôi đam mê cờ bạc lâu rồi. Làm cương, tính nhu không kết quả, buồn tình tôi dẫn hai con đi nghỉ mát ở San Francisco hai tuần. Tôi thích khí hậu ấm, thử xin việc, được nhận và ở lại không quay về Danbury nữa. Chồng tôi dọn theo năn nỉ nhưng không bỏ cờ bạc. Sau một thời gian níu kéo vật vã đau khổ, tôi ly dị và một mình nuôi con, không được tiền cấp dưỡng từ một con nghiện.

Tinh thần tôi xuống dốc trầm trọng vì bao dự định tương lai tan thành mây khói.

Học vấn là những thách thức tàn nhẫn, tôi xoay qua chăm chú làm ăn và say mê kiếm tiền. Tôi học đủ cách, mọi mánh lới làm kinh danh và giao du, học hỏi với nhiều người trong hầu hết mọi lãnh vực khác nhau. Lăn lộn giữa danh lợi và tham vọng, tôi nhận ra mình càng lạc lõng hơn giữa sự giả dối  ở thế giới bon chen, kim tiền bạc bẽo đó.

Sức khỏe và tinh thần thêm sa sút, tôi ghiền thuốc ngủ, và những cơn buốt đầu kinh niên xuất hiện thường xuyên và nặng hơn. Sách vở và tiếng Việt không cứu nổi tôi ra khỏi cơn đau này. Gia đình, sự nghiệp, bằng cấp, học vấn, danh vọng hoặc hoài bão, lý tưởng chỉ là những đam mê vô nghĩa kéo lê tôi qua bao tháng ngày.

Tôi quá chán nản, muốn buông nhưng không tìm ra lối thoát. Tôi gồng mình nhẫn nhịn sống vì hai con.

Lạc lối một thời gian dài, khi hai con học xong trung học và có vẻ nổi loạn, tôi thấy mình cần phải thay đổi. Tôi lấy nhiều lớp tâm lý học, và tìm cách tham gia sinh hoạt từ thiện, cộng đồng mỗi khi có dịp. Tôi bắt bạn mới dễ dàng vì luôn nhiệt tình, thân thiện và sẵn sàng chịu nhường nhịn nếu thấy đáng.

Làm thiện nguyện viên với các tổ chức người Mỹ, luật lệ và giờ giấc khó khăn gò bó quá, sức khỏe lại không ổn định nên tôi chú tâm vào sinh hoạt với các tổ chức người Việt nhiều hơn. Tôi theo bạn hoạt động trong ban điều hành của hội United Vietnamese American Association, đã có dịp kết nối và tham gia nhiều chương trình gây quỹ của nhiều hội đoàn Việt Nam trong vùng Bay Area. Nhờ đó, tôi quen thêm nhiều người Việt, bắt đầu gần gũi, nghe, nói, viết và đọc tiếng Việt nhiều hơn.

Tuy nhiên, tôi vẫn quen sử dụng tiếng Việt chêm tiếng Anh như một phản xạ tự nhiên.

Cuộc cách mạng Internet ngày càng mạnh mẽ, phim bộ chuyển âm tiếng Việt bắt đầu được tải miễn phí xem trên mạng. Khi tôi vào diễn đàn hỏi cách tải phim về máy, tôi có thêm nhiều bạn Việt. Họ chỉ tôi cách bỏ dấu tiếng Việt trên mạng. Họ thích và chờ đọc tôi viết kể những câu chuyện ngắn chia sẻ kinh nghiệm sống. Họ thích xem hình tôi tham gia sinh hoạt cộng đồng. Họ yêu cầu tôi chăm viết và chụp hình nhiều hơn. Tôi có được một số đông độc giả luôn chờ tôi bàn luận và kể chuyện. Họ là nguồn cảm hứng giúp tôi siêng viết chữ Việt và hòa đồng với người Việt mỗi khi có dịp. Tôi bắt đầu ôn lại tiếng Việt theo cách viết trên mạng, kiểu viết không chuyên, lủng củng và có nhiều tiếng lóng. Tôi thích chia sẻ kinh nghiệm sống lượm lặt đó đây và đăng ở nhiều nơi, luôn được nhiều người ủng hộ và thích thú đọc. Tôi tiếp tục tìm tòi và biết đến chương trình Viết Về Nước Mỹ, làm quen một số tác giả.

Tôi bỏ thêm thời gian học hỏi nhiều điều từ các tác giả khác để viết tốt hơn. Họ giúp tôi sửa lỗi chính tả, gợi ý giúp tôi tìm đề tài viết. Tôi viết thêm được nhiều truyện ngắn và nhiều bài thơ được bạn bè trên mạng yêu thích. Tiếng Việt bỗng trở thành người bạn thân thiết gần gũi với tôi hàng ngày. Tôi viết để xoa dịu những nỗi niềm riêng và chia sẻ kinh nghiệm từ những người quanh mình. Tôi viết để nối rộng vòng tay với xã hội bên ngoài. Tôi viết để xua tan những bất mãn trong lòng và củng cố niềm tin vào nhân sinh quan tôi đang kiên trì giữ gìn. Nhờ có sự ủng hộ và đồng cảm của nhiều bạn đọc, tôi viết về bất cứ điều gì mình có thể nghĩ tới, nhìn thấy và cảm nhận với vạn vật quanh mình. Tôi viết miên man như muốn trút hết bao nhiêu mâu thuẫn đã dồn ép xưa nay.

Tôi say viết mà không biết mình đang nhả chữ như nhả đạn liên thanh mà không có mục tiêu nhất định.

Tôi cố gắng thay đổi nhưng không tìm ra phương pháp hữu hiệu, và tôi lại bắt đầu... nản.

Trong một lần tôi giúp phỏng dịch bài thơ tiếng Anh theo yêu cầu, nhiều người giỏi chữ đều thích bài tiếng Việt của tôi. Tôi cảm thấy mình có khiếu phỏng dịch Anh Việt hơn. Tôi bắt đầu tập trung học, đọc và viết tiếng Anh nhiều hơn. Nhờ sự giới thiệu của tác giả Nguyễn Thơ Sinh của chương trình Viết Về Nước Mỹ, tôi dành thời gian ôn tiếng Việt bằng cách phỏng dịch truyện ngụ ngôn của tác giả Thornton W. Burgess, sẵn dịp giới thiệu những bài học nhân bản đến lớp trẻ Việt Nam trong nước. Tôi dịch và xuất bản ba cuốn truyện, tình yêu dành cho tiếng Việt trở nên đằm thắm và rõ rệt hơn lúc dịch thuật.

Tiền thuê nhà tăng cao, nhiều người khuyến khích và cho mượn tiền, tôi mua được căn nhà cũ. Tôi phải làm thêm hai, ba công việc để trả nợ đúng thời hạn. Tôi bỏ bớt dần nhiều mối quan hệ xã hội, tập trung chăm nom và sửa nhà. Thỉnh thoảng tôi vẫn tham gia sinh hoạt cộng đồng. Sẵn dịp cần rèn trí nhớ đã có vấn đề vì lạm dụng thuốc ngủ, tôi tiếp tục lấy các lớp tâm lý học dù rất mệt.

Tôi lại vô tình bỏ quên tiếng Việt vào một xó mà không hay.

Càng học hỏi nhiều về tâm lý học, tôi tìm cách xây dựng lại những mối quan hệ xã hội tốt. Có nhiều bạn luôn khuyến khích tôi tập trung và phát triển năng khiếu viết tiếng Việt. Tôi học sử dụng Facebook để tập làm thơ và ôn lại những bài viết cũ. Nhờ sự ủng hộ, khuyến khích của nhiều người giỏi chữ và yêu thơ, tôi gắng sức làm thơ mỗi ngày để giữ lửa. Tôi bắt đầu nhận ra những lỗi lầm tôi đã mắc phải khi tự học viết và làm thơ xưa nay. Tôi mê, tập chép và học thuộc lòng thơ Đinh Hùng nhiều hơn những thơ truyện khác. Tôi thích thơ năm chữ, bảy chữ nhiều hơn những thể thơ xưa và nay. Tôi cố gắng nắn nót và nhớ từng dòng chữ để rèn sự nhẫn nại và kiên trì trong lúc viết, đọc. Tôi luyện cách “uốn lưỡi” trước khi viết. Tôi học cách lắng nghe trong lúc đọc. Tôi học cách viết tập trung vào những chủ đề ý nghĩa hơn. Tôi tự chữa bệnh thiếu tập trung và trí nhớ kém trong lúc đọc và viết tiếng Việt.

Tôi muốn lập ra một hệ thống tự học viết có hiệu quả hơn xưa. Xưa nay tôi viết để tuôn ra hết những suy tư mâu thuẫn đang nhảy múa vô trật tự trong đầu. Xưa nay, tôi chỉ viết để nhẹ lòng không quan tâm mình viết gì, chỉ cần viết xong đầu óc nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, níu kéo niềm tin hy vọng để sống vui. Tôi viết về những suy tư giúp tôi gom hành trang đạp lên chông gai trước mặt, tiếp tục ngẩng đầu đi tới. Vì thế, nếu bắt tôi phải nắn nót ý và chữ trong những khuôn khổ gò bó nhất định thì sự viết không còn hấp dẫn với tôi nữa. Tôi không biết cách uốn nén và gượng ép chữ nghĩa theo quan niệm sống của người khác. Tôi càng không biết cách đọc và chỉnh sửa lại những bài viết nháp. Ngày xưa, tôi thường viết một mạch không chỉnh sửa kỷ lưỡng nên đã cho ra đời những đứa con tinh thần sanh non, chưa đủ dinh dưỡng và ngày tháng. Tôi chưa giỏi căn bản về kỹ thuật để viết tiếng Việt như đã học viết tiếng Anh trong đại học. Tôi vẫn thường viết lạc đề, thường nản và bỏ ngang là thế.

Trong quá trình sửa sai về kỷ thuật và thay đổi suy nghĩ, mục đích khi viết, tôi khám phá ra rất nhiều điều hay. Tôi nhận thấy mình đã ôn tiếng Việt lại giống như ngôn ngữ thứ hai. Đấy là thói quen xấu bắt đầu từ lúc tôi học suy nghĩ theo tiếng Anh trong lớp E.S. L, tập trung học tiếng Mỹ, không có dịp sử dụng tiếng Việt nhiều, và sau đó ôn lại tiếng Việt qua các mạng lưới xã hội. Tôi thấy mình chọn lọc từ ngữ không được kỹlưỡng và khéo léo, chưa đủ tâm tình và quá vội vã, vốn từ vựng hơi nghèo nàn.

Tôi thấy mình thiếu chữ và thời gian để học nên cảm giác chán nản, thiếu đam mê lại trở về.

Bạn bè vẫn tiếp tục khuyến khích và chờ đợi tôi viết tiếp. Rồi tôi tập bỏ dần cách sử dụng hai ngôn ngữ cùng lúc khi nói và viết. Tôi tập trung đọc nhiều để làm giàu thêm số vốn ngữ vựng Việt. Tôi luôn luôn gắng sức tránh những chữ tiếng Việt tối nghĩa đang lan tràn khắp nơi trên các mạng lưới xã hội. Tôi bắt đầu phân biệt được khá hơn và hiểu ra nhiều người vì muốn nhanh, tiện nên vô tình rơi vào cái bẫy cách mạng văn hóa của bọn tư bản đỏ Việt Nam.

Bây giờ, tôi không còn muốn viết để tự mình đọc nữa. Tôi muốn viết để chia sẻ, vẫn để tự chữa những vết thương quá khứ, nhưng cũng để gởi những thông điệp ý nghĩa đến những người có nhiều tâm sự không tìm ra cách giải tỏa như tôi khi xưa. Tôi viết như một thú vui truyền bá kinh nghiệm sống đến với độc giả. Tôi học bỏ nhiều tâm tư vào từng chữ, từng lời, từng câu khi viết. Tôi tập bỏ dần lối suy nghĩ lan man và cách viết tràng giang đại hải không bến đậu, không tập trung. Tôi cần viết đúng cách và tập trung vào những thông điệp rõ ràng, và cũng để góp phần giữ gìn, truyền bá văn hóa Việt.

Tôi bỏ thêm tâm tư tập trung tìm đủ mọi cách để học viết tốt hơn dù vẫn còn nhiều trở ngại về trí nhớ, sức khỏe và thời gian. Vì kén bạn, không có cơ hội sử dụng tiếng Việt mỗi ngày, tôi phải tìm tòi thêm cơ hội đọc, tự nói, tự trò chuyện, thâu lại, nghe và kiểm chứng. Tôi tập đọc truyện và thơ, kể cả hát.

Càng tìm tòi đọc và tự học cách nói, nghe một mình, tôi nhận ra rằng xưa nay mình đọc ít quá.

Đúng là tiếng Mỹ chưa thông mà tiếng Việt đã lết lết.

Mà thôi, còn lết là còn chữa được, tôi thấy rõ tư tưởng của bản thân cũng thuộc loại khá, càng khẳng định hơn mỗi khi học thêm được nhiều điều mới. Tôi tập tánh kiên nhẫn ôn lại tiếng Việt song song với việc rèn luyện trí nhớ. Tôi chép thơ Đinh Hùng thường xuyên hơn. Đọc một câu thơ trong đầu, khi chép tay tôi thường chép sai một vài chữ trong một bài thơ, dù vẫn giữ nguyên ý thơ.

Tôi cần phải tập trung hơn khi đọc và viết, đọc đâu quên đấy, lại đọc lại, vất vả như đứa trẻ học đánh vần. Dần dần, tôi biết để ý chọn lọc từ ngữ thích hợp và lưu loát hơn trong cách nói và đặt câu. Tôi kiên nhẫn học cách xếp chữ, ý hài hòa, xúc tích, và mạch lạc, gói trọn vào một chủ đề chính. Tôi đã biết cách sửa đổi nhiều lần sau khi đọc lại bài viết của mình.

Tôi ôn lại chữ Việt và cách viết, song song với việc chữa bệnh và tu dưỡng tâm thân tốt hơn.

Cuộc tình “bỏ thì thương, mà vương thì tội” của tôi với tiếng Việt, ngẫm ra vẫn còn chưa tận duyên.

Tiếng Việt, tình yêu giữa tôi và nó, không chỉ là cái phao nâng đỡ tinh thần khi tôi gặp khó khăn, cô thế và lạc lõng. Nhờ nó mở lối tâm hồn, tôi không còn bị những lời nói vô tâm và những gương mặt nhăn nhó, khó tánh khắc khổ của quá khứ ám ảnh nữa. Giờ, nó là đòn bẩy giúp tôi nhảy cao hơn, sống ý nghĩa hơn, hoàn thiện tâm linh, tìm tòi học hỏi truyền bá những điều tốt đẹp của văn hóa Việt Nam. Những gian nan khi ôn tiếng Việt chuyển mình thành sự đam mê tìm tòi, là lối thoát hiểm gần gũi và an toàn nhất của đời sống nội tâm, thoát khỏi những đam mê danh vọng, đua đòi vật chất tầm thường.

Nhờ “nó” giúp, tôi mở lòng nhẹ nhàng thanh thản hơn. Nhờ nó, tôi sống vui, giữ lòng thanh khiết, không bon chen. Nó giúp tôi từ bỏ nhiều tham vọng, tránh xa bạn xấu, cùng những thú vui vô bổ.

“Nó” và tôi, từ đây sẽ song hành trên mọi nẻo đường tương lai, kiên trì, hoan hỉ đạp lên những chông gai trắc trở của cuộc sống.

“Nó” cùng tôi vẫn giữ vững niềm tin và hy vọng làm hành trang đi tiếp đoạn đường đời. “Nó” là người bạn trung thành cho tôi dựa lúc nản lòng, giúp tôi nhắc nhở mình không quên nguồn cội và sức khỏe tâm linh. Yêu “nó”, nhắc tôi biết yêu mình, yêu đời và yêu người.

Tiếng Việt, người bạn thân thiết tri kỷ từ lớp vỡ lòng, vẫn mãi lặng lẽ đâu đó quanh tôi qua bao thăng trầm, đã giúp tôi vượt qua bao nhiêu trắc trở cam go trong kiếp nhân sinh.

Câu “Tiếng Việt còn, người Việt còn” luôn nhắc nhở tôi tạo cơ hội để bản thân và thế hệ sau không quên mình là người Việt, thích nói tiếng Việt cùng học hỏi gìn giữ văn hóa Việt. Nó đã giúp tôi chữa lành vết thương lòng, không còn lạc loài trong kiếp sống tha hương và dũng cảm mỉm cười nhìn về quá khứ. Tiếng Việt là thuốc chữa trị và bồi bổ sức khỏe tâm linh cho tôi. Tôi thấy được sự chung thủy của tôi với tiếng Việt có giá trị hữu ích luôn ươm mầm tin yêu và hy vọng. Tôi và nó sẽ gắn bó trong từng hơi thở từ giây phút này cho đến cuối đời. Tôi ngày ngày học thả lòng theo tự nhiên, theo duyên và gắng làm tốt bổn phận người tử tế, góp một bàn tay nhỏ, phát huy và bảo tồn văn hóa Việt, là tiếng Việt ngàn đời trong sáng từ thuở nằm nôi.

Mối tình giữa tiếng Việt và tôi, như tình yêu quê hương đất nước đã ăn sâu trong lòng, sẽ một đời gắn bó. Nó và tôi, cùng nhau trau dồi, đổi mới theo chiều hướng tốt, và sẽ giàu mạnh, phong phú hơn. Tôi hy vọng sẽ có dịp gởi đến bạn đọc những dòng chữ giản dị tự nhiên và hữu ích hơn xưa.

 
Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
29/05/201801:15:18
Khách
Donna viết nhanh, gọn,rõ,chính xác như dòng sông đang cuồn cuồn chảy băng băng vượt qua ghềnh, thác khiến người đọc chới với như người bị chết đuối cố vùng vẫy mà không thoát ra khỏi sức mạnh của "trận lũ văn."
Mong được đọc bài của Donna.
12/04/201803:57:01
Khách
Xin trân trọng cảm ơn ý kiến của chị Hồng Hà và bạn Từ Huy...Mến chúc chị và bạn luôn vui khỏe, bình an. Chúc Từ Huy luôn hạnh phúc với sự đam mê chữ nghĩa nhé.
09/04/201815:44:29
Khách
"Tôi say viết mà không biết mình đang nhả chữ như nhả đạn liên thanh mà không có mục tiêu nhất định".
Thích câu này của Donna, Bác Sĩ cũng có lời khuyên Viết trải giòng tâm tư để tránh bịnh trầm cảm.
09/04/201812:21:24
Khách
Sao như nghe nỗi niềm khắc khoải cô đơn!
“Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi
Vẫn còn thương nhớ khúc yêu đời...” (Tiếng đàn tôi.)
Mà chị nè, mình mê chữ nghĩa giống nhau hồi... tẻo tèo teo🤓🎶‼️
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,398
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả là một Kỹ sư về hưu, đang sinh sống ở Orange County và đã nhận được giải Danh Dự năm 2016. Trong những bài VVNM của ông, có nhiều bài viết lấy thú vật làm đề tài,
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/ Donna Nguyen. Cô đã từng đóng góp khoảng 16 bài Viết Về Nước Mỹ dưới ba bút danh trên. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, cô từng sống ở vài tiểu bang như Indiana,
Chắc hẳn chúng ta khi nghe ai nói: "Có muốn đi chơi không? " là lòng chúng ta rộn ràng vui thích vì sắp được thoát cái nhà tù túng và bay nhảy tự do với khung cảnh bên ngoài.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến