Hôm nay,  

Nỗi Lòng Người Vợ Lính H.O.

27/02/201800:00:00(Xem: 15950)
Tác giả: Chú Chín Cali

Bài số 5324-19-31169-vb3022718

 
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.

 
***
 

Tháng 10, Năm 1991, chín năm sau ngày mãn tù cộng sản, gia đình Hải được chấp nhận cho đi Mỹ qua diện H.O. Năm ấy Hải 41 tuổi vợ là Thắm 39 tuổi. Họ có ba đứa con, một trai hai gái.

Chẳng may Thắm không qua được khám sức khỏe nên phải ở lại điều trị bịnh phổi. Trong lúc Hải còn đang lưỡng lự thì Thắm quyết định anh phải đưa các con đi ngay vì nếu đợi Thắm chửa bịnh xong thì Sơn -  đứa con trai lớn -  có thể sẽ quá 21 tuổi, sẽ không còn cơ hội đi Mỹ được nữa. Vì tương lai các con, Hải đành phải ra đi để vợ ở lại một mình.

Chuyến tàu đêm đang đợi dưới bến sông đưa gia đình Hải lên tỉnh.

Trà Mi - đứa con gái Út - lúc ấy mới 8 tuổỉ nhất định ôm cứng mẹ không chịu đi nếu không có mẹ đi chung. Sơn phải gỡ tay em ra và ôm xốc con bé xuống tàu trong lúc nó khóc ngất, nhoài người vùng vẫy. Trúc Mi lớn hơn Trà Mi hai tuổi, nước mắt rưng rưng chân bước xuống tàu mà mắt không rời mẹ và ông bà ngoại.

Thắm nhìn các con ra đi mà đứt từng đoạn ruột, muốn được ôm hai con vào lòng  dặn dò con vài lời nhưng không dám, chỉ cắn môi nghẹn ngào vì Thắm biết nếu nói ra thành tiếng, Thắm sẽ bật khóc, điều mà Thắm không muốn xảy ra trước mặt mấy đứa con đang cần sự can đảm để dứt khoác ra đi. Hải không khỏi mủi lòng, rời tay vợ,  chỉ nghẹn ngào nói được có một câu rồi bước xuống tàu, không dám quay đầu nhìn lại bờ sông nơi Thắm và ông bà Bảy đang đứng nhìn theo trong ánh đuốc lập lòe:

- Em tin anh, anh hứa sẽ trở về sớm đón em đi.

Con tàu tách bến. Tiếng khóc ngất của mấy đứa nhỏ bị lấn át bởi tiếng máy tàu đang nổ lớn. Thắm ngẩn ngơ nhìn theo con tàu đang nhòa dần trong nước mắt, nghe tim mình giá buốc đớn đau.

Ba người ở lại đứng lặng yên nhìn ánh sáng của ngọn đèn bão trong con tàu nhỏ dần và biến mất trong bóng đêm và tiếng máy tàu không còn nghe nữa. Ông Bảy lắc nhẹ cánh tay bà Bảy đang đứng bất động ngẩn ngơ:

-Bà coi.. đưa má thằng Sơn vô nhà đi.

Bà Bảy như chợt tỉnh, dìu Thắm vào nhà. Ông Bảy quơ đuốc theo sau rọi đường, lâu lâu kéo tay áo chùi nước mắt.

Thắm bước đi đôi chân bủn rủn như không xương, đôi mắt vô thần nhìn xa xôi như đang theo dõi con tàu đang rẽ sóng ngoài sông lớn, mang đi tất cả tình yêu và hạnh phúc của đời nàng. Đã hết rồi! Thắm không còn gì nữa trên cõi đời nầy để sống. Thắm muốn gào lên thật lớn nhưng không sao khóc được. Thắm nằm vật ra giường, nước mắt chày dài hai bên má; trời đất bổng tối sầm và Thắm không còn biết gì nữa.

Bà Bảy không sao ngủ được. Bà lục đục ngồi dậy vặn sáng ngọn đèn dầu. Có tiếng ông Bảy tằng hắng ngoài bộ ván ở phòng ngoài:

-Bộ bà không ngủ được sao bà?

-Ngủ làm sao được hả ông. Buồn quá. Tôi định sang coi má thằng Sơn một chút.

-Ờ, phải đó, tội nghiệp con nhỏ quá hả bà!

Bà Bảy lom khom xọt chân vào đôi dép mo cau rồi cầm cái đèn hột vịt, kéo lê đôi dép lẹt xẹt đi qua phòng ngủ của Thắm.

Phòng tối thui, không một tiếng động. Dưới ánh đèn dầu lập lòe, bà Bảy giật mình sững sốt khi thấy Thắm nằm trên giường bất động. Cái mùng vẫn còn nguyên không xập, hai mắt Thắm mở rộng tròn xoe.

Bà quýnh quáng để vội cái đèn trên bàn rồi ôm chầm lấy Thắm, miệng vừa la bài hải:

-Ông ơi,..ông ơi, ...con Thắm nó sao thế ...nầy!

Ông Bảy không kịp mang dép chạy vội vô phòng, phụ đở Thắm ngồi trong lòng bà Bảy, môi ông ..lập.. bập..run rẩy cố nói lời trấn an:

-Nó.. nó…còn thở bà à, hổng. .. hổng…có sao đâu. Nó... bị trúng gió ...đó bà.

Ông vội vã đi lục lạo mấy cái ngăn tủ tìm đồng xu và hũ dầu cù là đem vào cho bà Bảy cạo gió cho Thắm. Bà già tay yếu lại run, cạo quọt quẹt không nên thân nên bị ông Bảy nóng ruột la om sòm:

- Bà cạo gió cái kiểu gì vậy?  Kéo áo nó lên để tui cạo cho.

Rồi không nệ hà sự đố kỵ cha chồng con dâu, ông cạo thật mạnh tay, bầm tím cả lưng Thắm. Một phút trôi qua, Thắm bị đau quá, ưởn mình mở mắt, ngạc nhiên thấy mình đang nằm gọn trong vòng tay bà Bảy.

Ông bà thấy Thắm tỉnh dậy, mừng quá miệng không ngớt cám ơn trời phật.

Thắm ngơ ngác nhìn ông rồi lại nhìn bà. Trong ánh mắt đầy tình thương của ông bà còn hiện rỏ nét lo âu, hốt hoảng. Nhìn thái độ lăng xăng mừng rỡ của ông bà Thắm không còn thấy cô đơn và tuyệt vọng nữa. Dưới ánh đèn lờ mờ, Thắm nhận được trong cái nhìn của ông bà đầy yêu thương triều mến, như muốn chia sẻ những đớn đau đang bóp nghẹt trái tim nàng. Nước mắt Thắm bỗng tuôn trào không sao cầm được. Thắm bật thành tiếng khóc nức nở trên vai bà Bảy. Bà không nói gì, ôm chặt Thắm, hai mẹ con cùng khóc. Ông Bảy đứng lặng yên mà nhìn, trong lòng thấy xót xa như kim châm muối xát, thương cho đứa con dâu mà ông quí còn hơn con ruột.

*

Hải cùng ba đứa con đến Mỹ và được người đại diện hội Hội Bác Ái Công Giáo (USCC) đón ở tận phi trường Los Angeles rồi đưa về căn nhà đã được mướn sẵn, trang bị đầy đủ, trong tủ lạnh chất đầy thức ăn thức uống. Hội tận tâm hướng dẫn, đưa đón gia đình đi làm các thủ tục giấy tờ xin trợ cấp xã hội, học hành, bảo hiểm y tế v.v. nên gia đình Hải không gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập. Hải còn được nhà thờ tặng cho chiếc xe station wagon cũ, có người tình nguyện dạy Hải thi lấy bằng lái xe và còn được nhận làm janitor cho một siêu thị. Tuy Hải chấp nhận việc làm nhưng trong lòng không được vừa ý lắm. Tuy nhiên nhờ việc làm đầy tay nầy mà Hải có thể tự sống nuôi con không còn lệ thuộc vào nhà thờ nữa. Hải làm việc ca hai (chiều cho đến nửa đem), ban ngày có thì giờ đưa đón con đi học, lo việc nội trợ mà xưa nay anh chưa bao giờ nhúng tay. Tuy cực khổ nhưng anh thấy vui vì tình cha con thật đầm thấm.

Một hôm Hải gặp được một người bạn rất thân lúc còn học ở trung học tên là Tuân, được anh mời về nhà dùng cơm tối để có dịp giới thiệu cùng vợ con mà Hải chưa bao giờ gặp mặt. Trong dịp nầy Hải gặp lại Út Phượng, em gái của Tuân sau hơn 20 năm xa cách. Phượng vô cùng mừng rỡ được gặp lại Hải, lăng xăng bên anh như ngày xưa còn bé mỗi lần Hải sang chơi, mang cho em trái xoài, trái ổi, hoặc ly chùm ruột ngâm cam thảo. Hải phải giật mình vì sắc đẹp của Phượng. Trong câu chuyện hàn huyên khi được hỏi về gia đình Hải cao hứng nói đùa là anh bị vợ bỏ lúc đi tù. Anh sống cảnh gà trống nuôi con bấy lâu nay. Phượng chú ý nghe, có vẻ xúc động lắm.

Để giúp đỡ bạn trong lúc hoạn nạn, Tuân đề nghị Hải về làm việc cho công ty cắt cỏ của anh.  Hải chỉ cần làm việc buổi sáng là kiếm đủ tiền để sống và còn nhiều thời gian lo cho con cái. Thấy công việc thích hợp Hải nhận lời ngay. Từ đấy hai người bạn thân cùng làm việc chung với nhau. Ngày nào rảnh rang họ bày bia ra nhậu nhẹt, rất là tương đắc. Có hôm Hải quá chén, không dám lái xe về, Tuân phải nhờ Phượng dọn phòng cho Hải ngủ qua đêm. Phượng cởi giầy, cạo gió, chăm sóc Hải như một người anh. Lâu ngày tình thương nẩy nở; Phượng yêu Hải lúc nào mà không biết.

Không ai ngờ được chuyện đời. Một hôm Tuân đi làm về, chưa uống hết lon bia anh than bị nhức đầu khủng khiếp phải gọi xe cấp cứu chở đi bịnh viện. Trên đường đi Tuân chết vì bị xuất huyết não.

Cái chết đột ngột của Tuân đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của Hải như một định mệnh. Hải không thể làm ngơ trước hoàn cảnh tang thương của gia đình bạn, nay là một người ơn, nên anh đứng ra gánh vác công ty cắt cỏ để tiếp tục mang về lợi tức nuôi sống gia đình Tuân. Từ đấy gia đình Tuân coi Hải như một vị ân nhân. Tình yêu của Phượng đối với Hải càng ngày càng thêm mãnh liệt.

Phượng đẹp và trẻ hơn Thắm rất nhiều, hai vẻ đẹp hoàn toàn khác hẳn. Thắm đẹp đơn sơ, như đóa hoa dại mọc hoang trong nắng sớm mưa chiều. Hoa dại chỉ đẹp một lần thôi và chỉ trong một thời gian ngắn. Phượng, ngược lại, đẹp quí phái như viên kim cương được cắt, mài, đánh bóng bởi bàn tay chuyên nghiệp. Phượng là chuyên viên thẩm mỹ nên biết cách làm đẹp cho mình và làm hấp dẫn người khác.

Hải lúc bấy giờ còn rất trẻ, 43 tuổi, cái tuổi chín chắn nhất của người đàn ông. Dáng người cao ráo dể nhìn, tánh tình cương nghị, chững chạc, lại có tính khí nam nhi của một sĩ quan cấp chỉ huy làm Hải rất sáng giá. Lục bình làm sao trôi ngược dòng nước chảy, Hải không kềm chế được lòng mình nên đã bị cuốn trôi theo dòng tình yêu nồng cháy của Phượng.

Từ ngày hai người yêu nhau Hải hay vắng nhà đi khuy về sớm bỏ bê chuyện nhà cửa cơm nước và đưa đón và ba hai đứa con gái. Một tay Sơn phải thay cha chật vật lo cho hai em ăn học vì lúc ấy, may mắn thay, Sơn cũng vừa có việc làm. Sau khi đi học mấy lớp ESL Sơn được trợ cấp học lớp Electronic assembler và khi ra trường được hãng Boing Co. nhận làm việc với đồng lương tạm đủ sống cho ba anh em. Sơn lại có chí nên vừa làm vừa đi học ở trường đại học cộng đồng. Trúc Mi thì chăm sóc em gái rất chu đáo nên đời sống ba anh em không đến nỗi nào dẫu vắng bóng cha và không có mẹ. Chúng học sống cuộc đời tự lập tuy bữa đói bữa no.

Có khi Hải về nhà nhìn con cái xơ xác vì bị bỏ bê cũng cảm thấy ân hận lắm; nhưng mặt khác mối tình tình vụng trộm giữa anh và Phượng đã trói chặt chân tay, làm anh sao lãng trách nhiệm làm cha. Cho đến khi họ có được đứa con trai, Hải đã đi vào ngỏ cụt, không lối thoát. Mặc cảm đã phụ bạc người vợ chung tình và bỏ bê đàn con nheo nhóc luôn luôn ray rức lương tâm. Trong cùng tận đáy lòng Hải thấy mình vẫn còn thương vợ và nợ nàng quá nhiều, không biết bao giờ mới trả cho xong.

Tuy Thắm ở lại Việt Nam trong khi chồng con đều đi Mỹ nhưng nhờ có cha mẹ chồng thương yêu khuyên nhủ nên cũng nguôi ngoai nỗi buồn cô quạnh. Thắm không biết gì về chuyện Hải ngoại tình, vẫn sống trong niềm tin và hy vọng, ngày đêm cầu nguyện cho chồng con, chờ ngày đoàn tụ gia đình như lời chồng đã hứa. Vợ chồng đã có ba mặt con và đã trải qua bao cuộc thăng trầm dâu bể thì sá chi một chút đợi chờ! Hơn nữa, Hải thường xuyên gởi tiền và thư từ về. Thỉnh thoảng Thắm còn được nói chuyện điện thoại với các con tuy rằng rất khó khăn, phải đợi hàng giờ ở Bưu điện để nhận điện thoại từ Mỹ gọi về. Ôm điện thoại, ba mẹ con khóc nhiều hơn nói.

Năm nào Hải cũng hứa hẹn sẽ đưa các con về thăm mẹ và ông bà nội, nhưng năm nào cũng vậy, mọi người đều thất vọng vì Hải cũng có lý do chính đáng để hẹn lại năm sau.

Việt kiều người ta về xứ càng lúc càng nhiều nhưng sao Hải vẫn biền biệt tăm hơi. Thắm bắt đầu lo lắng nhưng không dám vặn hỏi Hải hoặc các con. Trong làng, ngoài ngỏ, người ta xì xầm “con Thắm bị chồng bỏ” lọt vào tai Thắm. Thắm buồn lắm. Ngày xưa tuy xa chồng nhưng không khổ vì Thắm có thể ôm con mà than thở, bây giờ bị chồng bỏ lại không có con biết tâm sự với ai để chia sẻ nỗi niềm! Cha mẹ Hải tuy là kẻ đồng thuyền nhưng ông bà không làm được gì hơn là những lời an ủi chán phèo lập đi lập lại: “Ráng đi con, rồi tụi nó sẽ về rước con đi”. Thắm đã ráng nhiều rồi, ráng đến mõi mòn thân xác, khô héo con tim, tức tưởi trong lòng.

Sầu muộn và cô đơn làm Thắm trông già trước tuổi. Nét cằn cỗi đã xuất hiện ở người đàn bà mà suốt đời chỉ biết cho hơn nhận, khổ nhiều hơn vui, sống trong chia ly sầu muộn nhiều hơn trong đoàn tụ hạnh phúc. Trong suốt 25 năm giữ tròn đạo nghĩa vợ hiền dâu thảo, Thắm sống gần gũi bên chồng chỉ được 9 năm. Mười sáu năm còn lại là những năm dài sầu lẻ bóng, trong chăn đơn gối chiếc lạnh lùng. Hải đi Mỹ đã năm năm rồi, năm mùa ve sầu gọi bạn, năm mùa gió chướng đã về, nhưng sao không thấy người xưa trở lại! Thắm thấy mình quá mệt mỏi. Còn bao lâu nữa Thắm phải đợi chờ?

Năm 1996, năm năm sau ngày đi Mỹ, Hải cùng ba con được nhập quốc tịch Mỹ. Cùng năm ấy, Sơn tốt nghiệp và được cải ngạch thành Kỹ Sư.

Vừa có sổ thông hành, Sơn quyết định đưa hai em về VN thăm mẹ và ông bà nội; đồng thời Sơn nhờ luật sư xúc tiến thủ tục bảo lãnh mẹ qua Mỹ mà không cần bàn với Hãi, lúc ấy còn đang sống với Phượng và đứa con riêng.

“Qua cơn bĩ cực đến hồi thới lai”. Ba năm sau, mùa hè năm 1999 Thắm sang Mỹ ở lứa tuổi 47.

Từ đấy Thắm sống hạnh phúc với ba đứa con. Nụ cười đã nở lại trên môi. Thắm mở rộng tằm tay đón nhận đời sống mới, trân quí nó như là một ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho. Ngày xưa Thắm sống vì chồng, nay nàng sống cho con. Nhờ con khuyến khích và hướng dẫn nên Thắm dễ dàng hội nhập vào xã hội Mỹ. Chỉ cần một thời gian ngắn Thắm đã lột xác từ một một cụ bà cằn cỗi trở thành một thiếu phụ phúc hậu ở lứa tuổi trung niên. Bản chất hiền từ, tánh tình nhỏ nhẹ nên Thắm có nhiều bạn mới, trong ấy có nhiều ông đã ly dị, khá giả, đang muốn tìm ý trung nhân để chấp nối khoảng đời còn lại nhưng đều bị Thắm từ chối.

Từ ngày có bàn tay của mẹ, ba đứa con của Thắm đã thay đổi hẳn nếp sống: nhà cửa khang trang, áo quần tươm tất, ăn uống đàng hoàng không còn “cơm đường cháo chợ” bữa đói bữa no như ngày xưa lúc ở với cha.

Rồi Sơn lập gia đình và cho bà nội đứa cháu trai kháu khỉnh để ẵm bồng. Trúc Mi tốt nghiệp y tá và làm việc cho bịnh viện Fountain Valley. Còn Trà Mi vào đại học UCI, ước mơ trở thành Bác Sĩ. Gia đình tăng dân số quá nhanh nên Sơn phải đổi nhà lớn hơn. Các con đều có hiếu với mẹ, tìm mọi cách làm mẹ vui, được con đưa đi chơi đây đó, cho đi du lịch, du thuyền và thường xuyên được về Việt Nam thăm ông bà Nội.

Hải thì ngược lại, đời sống càng ngày càng thêm thê thảm.

Sau thời gia trăng mật, sự mâu thuẫn giữa Hải và Phượng càng ngày rõ rệt vì sự cách biệt về lối sống và tuổi tác. Hơn nữa sự xuất hiện của Thắm làm Phượng ghen tức nên kiếm chuyện với Hải hàng ngày.  Hai người sống chung được 5 năm rồi xa nhau. Phượng đem con đi tiểu bang khác lập nghiệp và biệt tin từ đấy. Nghe nói Phượng đã có chồng khác.

Từ ngày Phượng dọn đi, Hải mất tất cả. Khi lớn tuổi sức khỏe của Hải lại không tốt vì tuổi trẻ bị đày ải trong lao tù. Anh lại sinh tật uống rượu và hút thuốc quá nhiều từ ngày Phượng bỏ đi. Không còn sức khỏe và tâm trí để làm việc anh phải bán công ty cắt cỏ, mướn phòng sống một mình, ngày đêm say xỉn. Tuy cô đơn nhưng anh không còn mặt mũi nào dám trở lại với vợ con mà ngày nào anh đã nhẫn tâm phụ bạc.

Nhiều lần Hải đến tìm Thắm, viện cớ thăm con, nhìn mặt cháu nhưng cốt ý muốn tỏ bày cùng Thắm nỗi lòng. Tuy sự hiện diện của Hải không làm Thắm xúc động nhưng Thắm luôn luôn tiếp đãi Hải thật tử tế vì Hải là cha ruột của các con.

Nhưng với Hải, mỗi lần đối diện với Thắm, anh cảm thấy xấu hổ, rụt rè như kẻ có tội đang đứng trước quan tòa! Ngày xưa Thắm là loài hoa dại mọc hoang; ngày nay nàng như đóa hoa lan cắm trong bình sứ. Ngày xưa Thắm như chùm khế ngọt làm người ta thèm thuồng muốn nếm thử, ngày nay Thắm cao sang như đóa hoa sen, là biểu tượng của tình yêu, vị tha và cứu rỗi.

Là vợ chồng đã có ba mặt con, Hải hiểu Thắm hơn ai hết. Trong ánh mắt nàng anh vẫn còn thấy được tình thương và sự xót xa của người vợ trọng tình trọng nghĩa. Anh muốn được quì trước mặt Thắm để nói lên lời sám hối. Nhưng lần nào cũng vậy, Hải ra về, tâm tư trĩu nặng vì anh không nói được ra lời. Anh trở về với cuộc sống âm thầm, để đay nghiến lương tâm mình cho đáng tội. Anh đâu có biết Thắm cũng ray rứt trong lòng, nửa muốn nối lại tình xưa để có được một gia đình đoàn tụ, con cháu đề huề, nửa thấy tim mình còn giá lạnh, chưa sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của người chồng phụ bạc nhẫn tâm.

*

Mùa đông năm 2002 trời California trở lạnh; cái garage Hải ở không đủ ấm nên anh bị sưng phổi cấp tính rất nặng. Anh bị sốt cao, nằm mê man trong căn phòng tâm tối một mình.  Khi chủ nhà khám phá ra và gọi xe cứu thương đưa anh vào bịnh viện thì bịnh của anh đã quá nặng. Lúc Sơn được thông báo thì Hải đã rơi vào trạng thái coma, thở bằng máy, mạng sống mong manh như chỉ mành treo chuông. Hai chân đã bắt đầu chết lạnh. Ba đứa con ngày đêm thay phiên nhau canh chừng trong phòng ICU, lo âu theo dõi những biểu đồ điện tử chạy lăng quăng và tiếng của các máy móc trợ sinh. Hy vọng cuối cùng của Hải được sống sót là loại thuốc trụ sinh mới đang được sử dụng sẽ có tác dụng tốt.

Thắm phải ở nhà giữ cháu trong lúc vợ chồng Sơn vào bịnh viện. Thắm ngồi canh chừng bên điện thoại trong khi liên tục cầu nguyện cho Hải. Điện thoại vừa reo là Thắm đã chụp lấy ngay. Bên kia đầu dây tiếng của Sơn hối hả:

-Tụi con đang trên đường về để vợ con thế mẹ coi chừng thằng bé. Mẹ chuẩn bị đi vào nhà thương ngay, ba đang hấp hối.

Thắm cuống quít, lạnh cả người, run rẩy tay chân. Điện thoại lại reo vang. Lần nầy là Trà Mi gọi; nó kể lại chuyện xảy ra cho mẹ nó nghe. Tối nay bỗng dưng Hải tỉnh dậy, mấp máy đôi môi như muốn nói điều gì. Trà Mi áp tai thật sát và nghe anh thều thào tiếng …“Mẹ”.

Thắm biết ngay đó là tiếng kêu cầu cứu của con thú hoang sắp chết. Thắm còn biết rõ là Hải không thể sống sót nếu thiếu bàn tay và trái tim của nàng. Chỉ là vấn đề thời gian thôi, con chiên lạc đàn sẽ sám hối quay về. Nhưng Thắm đâu có ngờ là người chồng lì lợm chỉ quay về trong hơi thở cuối cùng! Thắm đã đi quá xa rồi, đã vô tình đẩy Hải vào con đường chết.

Hối hận ngập lòng, vừa đến phòng ICU, Thắm xà ngay vào giường bịnh ôm chầm lấy Hải, vừa khóc vừa hối hả gọi tên anh, chỉ sợ rằng không còn kịp nữa.

-Anh ơi…anh Hải ơi…anh đừng bỏ em… em đã tha thứ cho anh!

Như đang mong mỏi đợi chờ, lời xá tội của Thắm như tiếng nói của thiên thần có sức mạnh vô hình đã kéo giật Hải từ cỏi chết trở về, mang đến cho anh một sức sống mãnh liệt. Hải phải sống để trả lại món nợ ân tình mà anh đã vay mượn bao năm nay từ người vợ quê mùa suốt đời hy sinh cho anh. Hay bàn tay tê cứng lay động, những ngón tay giá lạnh xiết chặt bàn tay Thắm như sợ vuột mất đi. Thắm nhét vội xâu chuỗi vào tay anh rồi quì xuống cầu nguyện. Mọi người đều quì xuống cầu nguyện.

Như một phép nhiệm mầu, phổi của Hải đã chết, lần lần hoạt động trở lại. Hiệu quả tốt của loại thuốc trụ sinh mới đã cứu sinh mạng của Hải, hay thượng đế đã nhỏ lòng thương xót cứu rỗi một linh hồn biết sám hối muốn quay về trong hối hận ngập lòng?

Sau tuần lễ theo dõi Hải được chuyển sang phòng hồi sức rồi xuất viện về nhà Sơn để được tiếp tục điều trị tại gia. Hơn nữa, Trúc Mi là Y Tá nên Hải được chăm sóc thật đầy đủ tại nhà.

Như người trở về từ cõi chết, Hải đã lột xác, bỏ lại phía sau dĩ vãng lầm lỗi. Hải vừa tái sinh.

Sau cùng, con cừu già cũng trở về với cánh đồng cỏ ngày xưa, an phận thủ thường… gậm… cỏ khô. Mẹ Thắm bây giờ là kẻ chăn cừu, và cũng như bao nhiêu người chăn cừu khác, tay “mệ” cầm ….cây gậy gỗ rất dài!

Chú Chín Cali

 

Ý kiến bạn đọc
24/03/201815:27:48
Khách
Cám ơn Út ninh đã giải tỏa giùm tôi nỗi oan Thị Kính!
Cám ơn Từ Huy đã có lời khen.
Cám ơn Datpham và Thanh đã góp ý.
CCC
24/03/201812:29:50
Khách
Ỉris ơi, Hải bây giờ ngoan lắm nên mệ Thắm không còn xài cây gậy nữa, chỉ cần lườm mắt thôi cũng đủ cho Hải riu ríu vâng lời!
Hẹn bái sau.
06/03/201808:05:05
Khách
Hay lắm anh Chín
Mong được đọc thêm bài viết của anh
27/02/201823:37:12
Khách
Cái vụ chửa bịnh phổi tôi có ít kinh nghiệm, rắc rối lắm, phải đến bịnh viên Sài Gòn để y tá cho uống thuốc mỗi ngày (không phải đem về.nhà) mất cả năm,rồi điều chỉnh hồ sơ với cao hủy ti nạn ở Thái lan mới được cấp visa. Nếu quá kỳ hạn hồ sơ bị hủy bỏ, phải làm lại hết. Trường hợp cô Thắm nầy, thân một mình, lại ở nhà quê phải đi đò lên tỉnh nói chi Saigon chắc khó mà theo nổi!
27/02/201821:55:40
Khách
“...Hậu, vui sum họp... Đãi, sầu chia ly” (Kiều!)
Hay lắm chú! Cháu cảm giác chú bỏ nhiều tâm trí, thời giờ cho bài này. Chắc lấy không ít cảm xúc của người đọc🤓.
Datpham và Thanh, hai bạn cũng có lý. Mà nè, đọc thấy hay không🤓⁉️
27/02/201819:38:56
Khách
Đồng ý với nhận xét của Datphan.
27/02/201817:17:00
Khách
Nếu vì vấn đề về sức khỏe phải ở lại để điều trị thì sẽ được đi sau khi hết bệnh.tại sao lại phải chờ con vô QT rồi bảo lãnh lại? Vô lý
27/02/201816:06:48
Khách
Hehehe! Rất mong một ngày nào đó được anh Chín cho xem cây gậy gỗ dài của mệ Thắm. Bài viết rất ngọt dù có vị the the như khế, anh Chín à! Mong được đọc những bài kế tiếp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Nhạc sĩ Cung Tiến