Hôm nay,  

Florida Có Gì Lạ"

01/07/201100:00:00(Xem: 197222)
Florida Có Gì Lạ"

Tác giả: Tê Hát I Cờ Rét
Bài số 3218-12-28518vb5062911

Với hàng ngàn người viết tham dự, 11 năm giải thưởng Viết Về Nước Mỹ đã đưa đến nhiều tình thân giữa các tác giả. “Thy Tê Hát I Cờ Rét” là cách cụ bà Trùng Quang, tác giả niên trưởng, gọi ông xã của Nguyễn Trần Phương Dung, tác giả của bài viết hôm nay. Sau đây là nguyên văn lời Phương Dung kể vui, “Khi Việt Báo bắt đầu chương trình VVNM, có một người mỗi ngày say mê theo dõi những bài viết mới. Sau hơn bảy năm sau đọc ké báo, độc giả đó đã giới thiệu một cây viết mới (mà tiếng Việt viết còn chưa chuẩn) cho chương trình. Hôm nay tác giả lơ-tơ-mơ đó xin "ân hận" giới thiệu bài viết đầu tiên của người độc giả đó...”

gia_dinh-large-contentGia đình tác giả chụp tại công viên giải trí Disney World Animal Kingdom.”

***
Khi gia đình nhỏ của tôi khăn gói qủa mướp rời khỏi vùng nắng ấm Cali và tái định cư ở vùng nắng… nóng Florida bên miền Đông Nam nước Mỹ, những người thân quen cứ thắc mắc không biết Florida có gì lạ mà chúng tôi dám… liều mạng đến thế.
Sở dĩ họ dùng hai chữ “liều mạng” là vì vợ chồng tôi vốn đã mọc rễ ở Bắc Cali cả hai mươi lăm năm - từ hồi “em còn bé xíu ngây ngô lắm” cho đến lúc “về nhà thiếp đã hai… đôi cùng chàng”. Gia đình hai bên nội ngoại và họ hàng đã đông, chúng tôi lại còn sinh hoạt đoàn thể này nọ cho nên thường bị trêu là quen biết… cả đống. Trong khi đó bên Florida ngoài gia đình vợ của chú em kế, hai đứa không quen biết… một mống nào. Vì vậy khi hay tin chúng tôi sửa soạn dọn đi, nhiều người không tin, nói: Giỡn chơi hoài cha nội. Cả hai vợ chồng đều ham vui, mà thử hỏi có nơi nào đông người Việt và dzui cho bằng “Ca ni”"
Tới khi thấy chúng tôi rục rịch dọn thật thì họ thắc mắc: Bộ hết chỗ đi rồi sao mà lại chọn Florida" Sau đó mọi người vì thương tình mà … hăm dọa đủ thứ. Nào là Florida làm sao bì được với Cali. Nào là bên đó kinh tế dỏm, chẳng có hãng xưởng lớn nào ra hồn. Tiểu bang gì mà chỉ toàn người gìa chán bỏ mẹ. Gái ghiếc thì…nhà quê. Cả tiểu bang từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây chỉ lèo tèo vài cái xa lộ freeways. Khí hậu lại oi bức và quanh năm bị hurricane, bão tố. Đã thế có anh bạn còn cho biết tin tức nóng hổi là có bà nào đó đang đi dạo gần bờ hồ bất thình lình cá sấu nhào lên xơi tái nghe mà phát khiếp. Nhưng sau đó có người nói lại là con cá sấu đã nhả bà ấy ra vì hình như thịt bả… dai quá nuốt không nổi, làm ông chồng bà ta “buồn” mất mấy ngày trời. Tôi nghe chuyện xong cũng buồn theo năm phút vì biết cái “xương sườn cụt “của mình cũng… khó gặm lắm.
Nghe mọi người bàn ra tán vào, hai vợ chồng cũng hơi… teo bu-gi, nhưng nhà đã xây xong, đồ đạc đã chuyển đi, đành làm mặt tỉnh dắt díu con cái lên máy bay với vé “khứ” mà không có “hồi”.
Tới khi thực sự ở rồi mới thấy Florida cũng không đến nỗi kinh khiếp như nhiều người vẫn nghĩ. Tính đến hè này là chúng tôi đã ở đây được đúng bốn năm chẵn. Nhân dịp kỷ niệm đệ tứ chu niên xa rời chốn cũ, xin được kể chuyện Florida và những niềm vui nho nhỏ để hầu các độc giả VVNM và gia đình bè bạn.
*
Đời Sống
Theo tôi nghiệm thấy thì nhịp sống bên này chậm hơn bên miền Tây. Thiên hạ tà tà sống và hình như ít đua đòi bon chen (hi vọng không đụng chạm ai). Florida được mệnh danh là Sunshine State với nắng ấm quanh năm nên ra đường thấy phần đông mọi người mặc quần short, áo ngắn tay hay áo thun. Đàn ông con trai không nói làm gì, mà ngay cả đàn bà con gái trông cũng “mát mẻ” ra phết. Vào công sở cũng vậy, rất hiếm thấy có người đóng bộ, mọi người ăn mặc giản dị và bình dân hơn so với những nơi khác.
Bà con VN mình ở vùng này thì đa số sống bằng nghề làm móng, tóc, spa. Số còn lại thì làm hãng xưởng, hoặc có cửa tiệm business nho nhỏ. Cộng đồng người Việt mình bên đây cũng nhiều nhưng không tập trung như những nơi khác cho nên vấn đề sinh hoạt cộng đồng, thương mại, hoặc chợ búa chắc chắn không thể nào so sánh với San Jose, Garden Grove, v.v. Bù lại, cuộc sống theo khách quan mà nói thì hình như an phận, ít ganh đua nên thấy mọi người có vẻ an nhàn, thư thái.
Cá nhân tôi thì khi mới dọn qua có người bạn giới thiệu vào làm một hãng nhỏ tên Aerosonic Corporation (là một trong những sub-contractors cho Boeing, Lockheed v.v.) chuyên sản xuất các máy đo tọa độ, transmitter/probes, sensors, đồng hồ trong phòng lái… cho các loại máy bay chiến đấu cơ và dân sự. Các hãng xưởng bên này không nhiều và họ trả lương thấp hơn so với bên miền Tây, chẳng phải là vì giá cả sinh hoạt hay nhà cửa thấp, nhưng có lẽ là tại vì đâu có bao nhiêu hãng để mà cạnh tranh với nhau, cho nên lương lậu cỡ nào cũng có người làm, nhất là thời buổi khó khăn như …cả chục năm nay. Được cái là Florida không đánh thuế state income tax nên cũng đỡ.
Các môn thể thao như đá banh, đánh golf, quần vợt (tennis), và bơi lội rất thịnh hành nơi đây. Chả trách gì mà các tay chơi chuyên nghiệp (professional) của hai môn golf và tennis đa số được đào tạo từ Florida. Qua đây tôi chỉ dám chơi tennis để gọi là có tí thể thao chứ chưa dám thử chơi golf, vì nhìn thấy cái gương của Tiger Woods chỉ vì ham chơi mười tám lỗ mà rốt cuộc phải ly dị và chia tài sản. Một tuần tôi trốn vợ con đi chơi tennis… ba lần, mỗi lần chừng… ba bốn tiếng là thỏa mãn lắm rồi, không dám đòi hỏi nhiều hơn.
*
Dân Tình
Nói cho cùng thì Florida có nhiều người… già thật. Khí hậu ấm áp quanh năm cộng với chi phí đời sống tương đối thấp nên nhiều ngưòi chọn Florida làm nơi về hưu. Nhiều người già khá giả trên miền Đông Bắc nước Mỹ hoặc bên Âu Châu nếu không định cư hẳn ở Florida cũng mua vacation home để như chim đến mùa đông xuôi nam trốn lạnh vài tháng.
Tuy nhìn quanh thấy đông người già, nhìn xuống đám con nít thấy cũng không thua gì. Có ở bên miền Đông này rồi mới thấy dân Mỹ chính cống cũng chịu… đẻ ra gì.
Lúc mới chân ướt chân ráo từ Cali dọn qua, cuối tuần đưa vợ và bốn con đi lễ, thấy hơi ngại lúc bưóc vào nhà thờ vì gia đình mình đông người phải kiếm ghế cho đủ sáu chỗ ngồi. Đến khi định thần lại và nhìn xung quanh thì mới thấy các gia đình khác cũng đông chẳng thua gì mình, có khi hơn nữa là đàng khác. Có một cặp vợ chồng Mỹ trắng mỗi chiều thứ bảy dắt díu một bầy con năm đứa vừa trai vừa gái đi lễ, đứa lớn nhất có lẽ khoảng chừng tám, chín tuổi là cùng, đã vậy cô vợ lại còn đang ì ạch thêm cái bầu khoảng bảy, tám tháng nhìn thấy mà …ham. Ai bảo là Mỹ trắng ít con! Nhiều gia đình thuộc các sắc dân khác ở gần nhà chúng tôi cũng có ít nhất từ hai đến bốn nhóc tì. Mà họ phần đông thuộc thành phần trung lưu, chồng đi làm, vợ ở nhà nuôi con. Hai cặp Mỹ trắng ở đối diện nhà chúng tôi mỗi cặp có ba đứa con. Nhà bên cạnh chồng gốc Ý, vợ gốc Trung Đông cũng hai đứa. Các ông chồng sáng lái xe đi, chiều lái xe về. Các bà vợ ở nhà đưa đón con đi học, dắt chó đi bộ và làm công tác thiện nguyện bên trường học.
Đôi khi chợt nghĩ, chắc là bên miền Đông này không ồn ào náo nhiệt nên thiên hạ có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn bên miền Tây nên chịu rặn hơn chăng" Mà qủa thật, mới qua đây có vài năm thôi mà chính cái xương sườn cụt của người viết đã bằng nấy tuổi rồi mà nhìn người ta tay bồng tay bế con nít vẫn thấy thèm. Đã có hai đôi đầm bồi kiềng, cô nàng còn õng ẹo đòi có thêm đứa nữa, bất kể đầm bồi gì cũng được, cho thành cù lũ (chơi phé kiểu này thì chỉ có thua cọp). Mới đầu nghe thấy thì cũng xuôi tai, nhưng nghĩ lại thằng tôi chả dại gì mà “all-in”, vì lỡ lòi ra một cục nữa thì còn thời giờ đâu mà đi chơi tennis ba ngày một tuần với mấy a-giành mà tôi quen bên này. Thỉnh thoảng cô nàng còn nằm mơ thấy mình đẻ sinh đôi nữa cơ. Sáng dậy nàng hí hửng kể lại, tôi nghe tới đâu là mồ hôi mẹ, mồ hôi con toát ra tới đó, nhưng mà cũng làm bộ vuốt một câu: Ồ, vậy đó hả cưng, thích nhỉ! Thôi ráng đi, chỉ cần chờ vài năm nữa là có... cháu bồng rồi. Cô nàng nghe tôi nói cụt hứng nguýt dài: Cái miệng ăn mắm ăn muối sáng sớm phát ngôn thúi rùm!
*
Khí Hậu Thời Tiết
Nói về thời tiết thì Flordia cũng hơi giống Sài Gòn của mình ở chỗ nóng nực và oi bức. Ở đây không có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông như các tiểu bang khác trên miền bắc, nhưng bù lại có: mùa bọ, mùa bão, mùa mưa, và mùa du lịch.
Mùa bọ là mùa mà dân địa phương gọi là “lovebug season”. Loài bọ lovebug này nhỏ xíu, toàn thân và cánh màu đen và đầu có đốm cam. Bọ lovebug thường xuất hiện vào cuối mùa xuân. Dân số nhà bọ nhiều không tả và bay cùng khắp trong không khí. Chúng ngộ và hay ở chỗ là hai anh chị vừa du lịch đó đây vừa làm chuyện ái ân (theo kiểu dính lẹo như họ hàng nhà cẩu) với nhau cả …vài ngày mà không rời (thế mới tài). Đến mùa bọ, vợ con người viết tránh tối đa việc ra ngoài trời vào buổi chiều tối vì sợ bị bọ bay vào miệng mũi. Vậy là những chuyện mà mấy mẹ con bình thường thích làm như săn sóc vườn hoa, nhổ cỏ dại, cắt tỉa cây lá giao hết cho cái thân già này.
Florida chịu ảnh hưởng của Mùa Bão Đại Tây Dương (Atlantic Hurricane Season). Mùa bão bắt đầu từ đầu tháng sáu đến cuối tháng mười một. Khi bão đổ vào, vùng chúng tôi ở cũng không đến nỗi bay nhà bay cửa như thiên hạ đã hù. Có lẽ vì tụi này sống ở thành phố Tampa bên này vịnh Mexico nên khi bão vào tới nơi thì sức gió cũng đã giảm đi rất nhiều cho nên không bị ảnh hưởng gì cho lắm. Có điều là mỗi lần trời nổi cơn giông thì sấm sét ầm ầm, xẹt ngang xẹt dọc làm như sắp sửa tận thế đến nơi làm cho mình sợ hãi và có cảm tưởng là đã tới lúc Chúa thương “gọi” mình về. Nhớ hồi còn nhỏ ở Việt Nam lúc chín mười tuổi gì đó, gia đình còn ở khu Xóm Mới, Gò Vấp, người viết đã từng chứng kiến cảnh bà con trong xóm mang thân xác cháy đen của một người bị sét đánh chết ngay tại chỗ khi chị đang cắt rau muống ở ngoài đồng lúc trời mưa. Vì bị nỗi ám ảnh đó, mỗi lần sấm sét đùng đùng thì thằng nhỏ tự nhiên bị “thụt vòi” lại và không dám bước ra ngoài, cứ làm như là Thiên Lôi đang chực sẵn ở đâu đó để nếu mình bước ra là ổng chơi ngay một cú vậy.
Mùa mưa ở Florida rơi vào mùa hè. Ở tiểu bang này mỗi lần mưa thì nó mưa cho ra hồn. Không biết nước ở đâu mà lắm thế, mưa như thác đổ vậy. Đang lái xe ngoài xa lộ mà gặp cơn mưa lớn thì ôi thôi người nào mà yếu bóng vía là chỉ có nước khóc ròng vì có thấy đường đâu mà lái, mặc dù cái gạt nước kiếng trước, kiếng sau gì cũng đã bị vặn tới mức tối đa. Những lúc này nhìn phía trưóc, phía sau, và hai bên tả hữu chả có thấy cái thằng cà chớn nào cả vì thiên hạ bỗng nhiên sao mà dễ thương hẳn ra. Nhìn kỹ mới thấy anh hay chị tài xế nào cũng đang cầm lòng cầm trí cho xe mình né xa mấy thằng chung quanh và chạy càng chậm càng…tốt, thiếu điều vận tốc chỉ nhanh hơn người chạy bộ tí xíu, vì bố bảo cũng chẳng có tên nào dám liều mạng lúc này. Vậy chứ mà ông trời chỉ làm rào rào một hồi rồi lại ráo hoảnh đâu vào đấy, đường xá khô queo làm như chưa có chuyện gì xảy ra.
Dù trời mưa hay không mưa, khí hậu lúc nào cũng nóng và hầm. Nhiệt độ trung bình ban ngày khoảng 88 – 95 độ F thôi chứ ít khi nào lên tới 100, nhưng vì độ ẩm nên mình cảm thấy nực nội, khó chịu hơn. Buổi tối sau tám giờ thì dịu xuống chút đỉnh nhưng bước chân ra ngoài thì lại sợ muỗi mòng nó chích. Rốt cuộc chỉ rúc trong nhà với máy lạnh chạy 24/24.
Khi trời trở lạnh và mưa gió ở những tiểu bang miền bắc thì nghành du lịch ở Florida bắt đầu.. hốt bạc. Các ông bà già trên miền bắc xuôi nam để trốn rét mướt. Dân Âu Châu cũng tìm về phơi nắng cho da thêm ngăm. Các gia đình có con nhỏ ở các nơi cũng hay chọn thời gian khoảng từ cuối tháng mười đến đầu tháng tư để đến Florida du lịch vì thời tiết dễ chịu của mùa này thuận lợi để gia đình vui chơi cả ngày ở các công viên giải trí ngoài trời. 
Thương vụ mùa này vì vậy thuận lợi và lên hương. Dường như điểm chán nhất của mùa này là vào dịp lễ Giáng Sinh không được mặc đồ ấm với khăn quấn cổ cho có vẻ… mùa Đông. Nhớ lại, mùa Giáng Sinh đầu tiên khi gia đình mới dọn qua, vợ chồng con cái kéo nhau đi lễ đêm Giáng Sinh thấy mọi người mặc áo ngắn tay và trong nhà thờ thì mở máy lạnh chạy vù vù, thấy nó têu tếu làm sao ấy. Cũng may là đêm đó đi lễ nhà thờ Mỹ, nghe ca đoàn hát “Silent Night, Holy Night”, chứ nếu đi lễ nhà thờ Việt Nam, miệng hát theo “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” mà tay phành phạch với cái quạt giấy thì chẳng ra làm sao. Đã thế, khi đi ra ngoài khu shopping mall gần nhà, thấy đám con nít xếp hàng chụp hình với ông già Noel mặc quần …short đứng bên tấm ván lướt sóng (surfing board) với phong cảnh là bãi biển và mấy cây dừa thấy nó chẳng ra Giáng Sinh tí nào cả.

july_4-large-contentCoi bắn pháo bông đêm July 4th ở St. Petersburg với tác giả VVNM Hoàng Trần-Thanh Mai, Thụy Nhã và bạn từ Cali Hoàng Nguyễn-Thiên Thanh.

Danh Lam Thăng Cảnh
Florida có nhiều bãi biển cát trắng nổi tiếng và thu hút rất đông du khách từ mọi nơi kéo về như: Daytona, Clearwater, Honeymoon Island, Fort Desoto, Sarasota, Miami, Key West.. Những bãi biển này cát mịn, nước ấm và cảnh vật thì không chê vào đâu được. Riêng các đấng trượng phu thì có thể vừa tắm biển vừa “rửa mắt” cả ngày không chán.

Khi mới dọn qua đây, lái xe phon phon ngoài xa lộ ngắm nhìn vạn vật chung quanh, tự nhiên thấy thiếu thiếu cái gì. Mất mấy phút sau mới nhớ ra Florida là đất bằng (flat land). Vì đã quen nhìn đồi núi bên Cali và mấy tiểu bang miền Tây như Oregon, Washington, Colorado… nên nhìn cảnh vật phẳng phiu thấy nó chán làm sao. Nhưng tới khi ra chơi ngoài các bãi biển tôi mới biết là mình… LẦM TO. Tía má nó ơi! “đồi núi” ở đâu sao mà nhiều thế, phải nói là trùng trùng điệp điệp, làm tô điểm bức tranh thiên nhiên thêm phần đậm nét. Những đồi núi của con cháu Evà này tuy không có dáng vẻ hùng vĩ như Yosemite hoặc Grand Canyon, nhưng đủ làm chết bao đấng mày râu như tôi khi “phải” chiêm ngưỡng tận mắt và tưởng mình đang lạc vào chốn thiên thai. Có khi đang lạc thần thì bỗng đâu bị một cái cùi chỏ thúc vào mạng sườn một cái đau thấu trời xanh và tiếp theo là một giọng nghe.. quen quen đầy tính cách… hăm dọa đưa ta về với thực tại: Nhìn cái gì mà nhìn kỹ thế, bộ ở nhà không có hay sao! Thì ra là mình đang đi bên cạnh “con gấu yêu qúi” mà chỉ vì cái đám núi đồi lăng nhăng kia làm cho mình quên tiệt. Vậy mới biết tình vợ chồng nó thắm thiết như thế nào: sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng nếu mình mà lạng quạng là tàn đời trai ngay. Thôi, cũng phải tạ ơn bề trên đã ban cho mình một người nữ thay mặt Mẹ mình luôn biết chăm sóc, thương yêu và nhất là để… răn đe mình những lúc như thế này để khỏi “sa trước cám dzỗ”. Được vậy là hạnh phúc lắm rồi.
Nói đến Florida thì không thể không nhắc đến những công viên giải trí với những sinh hoạt gia đình lành mạnh. Disney World tại Orlando nổi tiếng với bốn theme parks gồm: Magic Kingdom, Animal Kingdom, Epcot và Hollywood Studio. Ngoài ra Orlando còn có thêm công viên Sea World, Universal và công viên nước (water parks) Aquatica, Blizzard Beach, và nơi đu dây Zip-Lines. Thành phố Tampa nơi chúng tôi ở cũng có Busch Garden và Adventure Island lớn không thua gì mấy chỗ kia. Vào những ngày lễ nghỉ, các công viên này đông nghẹt khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Florida cũng là tụ điểm của các Cruise Lines đưa khách du lịch bằng thuyền đến các địa danh ở quần đảo Caribbean và Nam Mỹ (Bahamas, Burmuda, Mexico, Dominican Republic, Haiti…) hoặc xa hơn nữa như băng qua Đại Tây Dương đến các nước Châu Âu. Các bến cảng lớn như Jaxport (Jacksonville), Port of Tampa, Port Canaveral, Port Everglades (Fort Lauderdale), Port of Miami và Key West (tận cùng phía nam) lúc nào cũng tấp nập khách du lịch đến và đi. Riêng gia đình tôi thì cũng đã làm thử một chuyến ăn chơi mười ngày trên một chiếc du thuyền của Ý. Gia đình tôi và gia đình người bạn đi chơi rất là vui và không ai muốn về tí nào. Riêng tôi vui đến nỗi có vài người ngoại quốc làm quen trong chuyến đi hỏi thăm tôi đang ở đâu và làm gì thì tự nhiên không nhớ ra nổi cái tên của hãng mà mình đang làm, phải cầu cứu người đẹp của tôi nhắc giùm cho thì lúc đó mới …”À!”. Như thế thì đủ biết là tôi đã enjoy tới cỡ nào rồi. Đã bảo là đi “ăn chơi” thì làm sao mà chán được phải không qúi vị"
Ngoài ra, Florida còn có trung tâm không gian Kennedy Space Center ở thành phố Titusville, nhà cũ của cố đại văn hào Earnest Hemingway ở Key West, và nhiều danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch và địa phương nữa.

*
Đặc Sản
Mùa Xuân và Hè ở Florida đi câu cá hoặc đi bắt nghêu, sò, ốc, hến ở ngoài bãi biển mang về lai rai cũng thú vị ghê lắm. Người viết có thằng em kế theo gia đình vợ qua đây định cư trước tụi này khoảng vài năm. Chú ấy có một chiếc xuồng nhôm dùng để đi câu rất tiện. Đi câu ở trong vịnh thì có những loại cá như: Snook, Redfish (giống cá hồng), Snapper (cá mình dẹp này đem chiên giòn chấm nước mắm gừng ăn hết xẩy), King Mackerel (một loại cá thu nhỏ), Jack, Sheephead, Yellow-tail, Grouper (cá mú), và Ladyfish (loại này thịt bở nhưng làm chả cá trộn với thì là thì ngon hết ý).
Hôm nào nước cạn ban ngày thì đi bắt mấy con nghêu, sò, ốc, hến cũng thú vị lắm. Nói là đi “bắt” cho oai chứ thật ra là “nhặt” thì đúng hơn. Đồ nghề mang theo chỉ cần cái sô năm gallons, hay cái bao gì mà đừng có dễ rách là được, rồi cứ một tay thì xách cái sô, rồi tay kia nhặt cái đám đồ biển này bỏ vào thùng hoặc bao rồi mang về rồi tùy hỉ muốn làm món gì thì làm tùy theo khẩu vị của mỗi người. Cứ mỗi lần nước cạn (mà phải là hôm nước trừ mới tốt) là hai anh em lại hú nhau một tiếng để đi cải thiện. Bờ biển của Florida thì nó bằng và soai soải chứ không quá sâu như những nơi khác nên khi nước xuống mình có thể lội bộ xa bờ cả mile mà nước ngập chỉ tới đầu gối hay tới rốn mình là cùng (cái này cũng còn tùy vào người cao hay thấp). Vào mùa hè, những lúc nước rút xuống thì họ hàng nhà có vỏ này nó lên nằm tắm nắng và bò lổn nhổn thấy mà ham. Thông thường thì tôi hay đi chân không để cho dễ lội và lỡ có đạp trúng các em thì mình biết liền để… lượm. Đang đi mà đạp phải cái gì cồm cộm dưới lòng bàn chân thì y như rằng không sò thì cũng ốc, có khi nhặt phải con sò lớn bằng nửa cái tô phở xe lửa. Mà cũng vì cái tội đi chân đất mà tôi bị đứt chân mấy lần vì đạp trúng loại sò có gai hay dẫm phải con cua nhện, hoặc mấy thứ vớ vẩn khác.
Ở Florida có loại ốc bằng cỡ nắm tay người lớn mà vỏ màu xanh rêu, mình thì màu đỏ sẫm mà thịt thì trắng ăn rất là ngon, phải nói là đặc sản. Loại ốc này thịt nó thơm và ngon hơn ốc bươu hay ốc hương bên quê mình nhiều. Phe ta khi mang về thường hay cho cả đám vào nồi lớn với một ít nước để cho sôi lên chừng năm – bảy phút xong rồi đổ ra cho nguội bớt rồi bắt đầu gỡ thịt chúng ra cắt lát chấm với nước mắm gừng hay nước mắm me và dằm thêm một trái ớt đưa cay. Nếu siêng hơn một chút thì xào với gừng hành và ít tía tô. Các cô các bà thì hay trộn với gỏi xoài hay nấu bún riêu cho ốc này vào thì không chê vào đâu được (kể tới đây chắc thế nào cũng có người bị “đổ mồ hôi lưỡi”). Lạ một điều là ngưòi nào mới ăn loại ốc này lần đầu thì rất dễ bị ngứa…miệng, sau đó thì tớí ngứa …tay, cứ phải gắp hoài. Mà nếu ngồi chung bàn với mấy người khác thì dễ làm cho người ta ngứa …mắt. Mới đầu thắc mắc không biết loại ốc này nó ăn rong rêu hay cái giống gì sao mà thịt nó thơm và ngon thế. Sau mới khám phá ra là chúng chuyên ăn các con nghêu, sò khác như scallop. Loại này có vỏ giống như cái hình logo của cây xăng Shell. Thường thường thì họ hàng nhà ốc hay sanh đẻ ở những đám cỏ mọc lúp xúp và khi nước xuống thì cỏ cũng bị nằm rạp theo. Có những con ốc hay sò còn núp dưói đám cỏ nhưng rất dễ nhận ra vì chỗ đó cỏ sẽ bị tẽ ra một chút và ngay chỗ anh hay chị nằm thường nhô lên một chút giống như cái mu bàn tay mình vậy. Có nhiều em nằm rất ư là khêu gợi, và có khi còn gặp hai anh chị đang tình tứ với nhau ngay trên thảm cỏ nữa cơ, nhưng làm gì thì làm, phe ta thì cứ vô tư cúi xuống nhặt và bỏ vào thùng mang về nhà đánh chén cho vơi đi nỗi sầu viễn xứ.
Vì là hải sản đặc biệt nên mỗi lần nhặt được nhiều ốc chúng tôi đều rửa sạch, luộc chín cho vào bao ziploc rồi để dành khi nào có khách quí đến thăm thì mang ra đãi. Các tác giả VVNM như anh chị Hoàng Trần-Thanh Mai, hai cô Iris và Hạnh, vợ chồng cô chú Tân Ngố-O Điểm, và Thụy Nhã từng ghé thăm chúng tôi đã “bị” ăn những món này rồi. Thụy Nhã được dẫn đi nhặt ốc khoái quá trời. Chị Thanh Mai thì vẫn còn ấm ức vì chỉ mới được.. sờ cái vỏ ốc khô. Anh chị qua chơi gặp những ngày nước thủy triều hơi cao nên không đi nhặt ốc được. Tôi dẫn anh Hoàng ra Piers câu cá trong khi bà xã đưa chị Thanh đi chợ trời mua trái cây Việt Nam. Cô Iris và cô Hạnh thì chỉ mê đi bơi, cá và ốc thì câu từ… đĩa là được rồi. Riêng chú Tân Ngố nhà ta thì mỗi lần qua đây lại mải lo đi giăng câu ở cái hồ lớn sau nhà “Ông Bán Phở” tại Orlando. Hai người cứ mò mẫm với mấy con cá cả đêm ngoài hồ cho nên cũng chưa có dịp hỏi thăm mấy con nghêu, sò, ốc, hến này ở Tampa. Cũng may chứ nếu chúng mà gặp phải “sư tổ” của “Chuyện Miền Thôn Dã” thì nguy cơ bị… tuyệt chủng sẽ rất là cao.
Vào khoảng tháng Tư cho đến tháng Bảy tháng Tám, tối đến chịu khó ra ngoài Pier gần cầu Sunshine Skyway hớt ghẹ (cua xanh) mà Mỹ gọi là Blue Crap cũng vui lắm. Đồ nghề mang theo gồm có cái vợt mà dân đi câu cá hay có, một cây sào dài bằng nhôm để nối vào cái vợt, một cái thùng để đựng cua, một cooler đựng bia/nước, và một ít đồ mồi cho …mình. Đứng ở trên cầu vào buổi tối có ánh đèn từ trên thành cầu rọi xuống nước sẽ nhìn thấy vô số các em ghẹ nhởn nhơ bơi ngang qua. Thế là bên trên các tay đồ tể từ kinh nghiệm cho đến lơ tơ mơ thòng cái sào có gắn cái vợt xuống, và thế là các em cứ tuần tự chui vào lưới và bị vớt lên cho vào thùng ngon ơ. Sau đó về nhà thì các em được tắm với bia ở trong nồi và rồi âu yếm chui vào bao tử của các cô các bà, và các bợm nhậu cho thỏa lòng thương nhớ. Loại cua này thịt tuy ít nhưng rất ngon. Thịt cua rất ngọt và gạch hay trứng của nó thì bá cháy. Những con cua cái có cái yếm lớn dưới bụng và trông đẫy đà hơn mấy anh đực rựa. Cho nên lúc gỡ cái mu của những con cua cái ra thì ôi thôi ở trong nó vàng ươm và đầy nhóc những thứ cồ lét tơ rô. Lúc này chỉ việc rắc một tí muối tiêu và vắt vài giọt chanh vào đó rồi lấy cái muỗng nhỏ vét ra cho vào miệng thì úi chà chà, sao mà nó béo, nó bùi đến vậy (hình như lại có người đang nuốt nước miếng thì phải). Cái thứ này mà đi kèm với vài chai bia thì bao nhiêu mệt nhọc và phiền toái của cuộc đời sẽ đi tuốt luốt.
Bên này ao hồ, đầm lầy nhiều nên cá sấu và rùa cũng nhiều. Những chỗ đầm lầy thường là nơi tụ tập của mấy anh chị này và một số loài cá như: catfish, largemouth/black bass, bluegill, v.v.. Thỉnh thoảng thấy mấy con cá sấu nhỏ khoảng một sải tay người lớn và mấy con rùa cỡ hơn hai gang tay nằm trên bờ phơi nắng, hoặc có khi thấy một vài em ngẫu hứng băng qua đường một cách vô tư làm mình chảy nước miếng vì trong đầu bất chợt hiện lên một thực đơn với mấy món nhậu vô cùng hấp dẫn. Một lần có con rùa từ đâu không biết bò vào sân sau nhà. Người viết hí hửng nhốt tạm nó vào chuồng chó định cuối tuần rảnh tay làm thịt nhậu thử nhưng lũ nhóc trong nhà biết được la lên ầm ĩ “ewww” và khóc lóc um sùm nên con rùa hên qúa không bị hóa kiếp, và ngay hôm sau được phóng sinh về lại với ao hồ.
Florida cũng có trái cây nhiệt đới như: mít, xoài, ổi, đu đủ, nhãn, na (mãng cầu), thăng long, chuối sứ, v.v.. Tuy mang tiếng là trồng ở địa phương nhưng giá cả lại khá đắt. Thí dụ như ở Cali đến mùa mít các chợ chuyển từ nơi khác về bán on-sale có khi chỉ 99 cents hoặc hơn một đồng một pound, trong khi mít trồng tại Florida giá bán lúc rẻ nhất cũng phải bốn, năm đồng. Các loại trái cây khác cũng vậy. Mấy người bạn bên Cali qua chơi đều chê ở đây mắc gấp mấy lần bên đó. Ở dưới miền nam Florida, phía gần Miami có một số vườn trái cây do các gia đình VN làm chủ. Đến mùa, nếu chịu khó vào vườn của họ mà mua, họ vừa bán vừa biếu thì rẻ hơn một chút. Nhưng từ nhà người viết xuống đó mất bốn tiếng lái xe, nếu có đi cho biết thì đi, chứ nếu tính vừa công mình lái và tiền xăng cộng lại thì ... ở nhà sướng hơn.

*
Sau bốn năm ở Florida, cuộc sống của gia đình tôi đã tương đối ổn định. Ngoài nỗi nhớ gia đình bạn bè, nhất là vào những dịp lễ lớn, chúng tôi cảm thấy bằng lòng với cuộc sống bình dị ở đây. Thật ra, năm rồi chúng tôi cũng để bảng bán nhà tính dọn về lại gần với gia đình, nhưng những người mua nhà cứ bị trục trặc giấy tờ hoặc lạnh cẳng đổi ý vào phút chót, chắc tại chúng tôi còn duyên nợ với Florida. Lũ nhóc cũng đã quen với những sinh hoạt trong và ngoài học đường, và không muốn dọn đi nơi khác, dù là dọn trở về Cali.
Có một điều lạ là tuy cuộc sống ở miền Đông này nhàn hạ, tôi lại thấy mình tự nhiên bị …gìa đi trước tuổi so với lúc ở miền Tây. Bà xã tôi đổ thừa tại tôi mải chơi tennis và câu kéo ngoài trời nắng mà ít chịu dùng kem chống nắng nên da mới đen đủi và nhăn nheo. Mới hồi năm ngoái tôi được “người đẹp trong chăn” cấp sự vụ lệnh đi chơi một mình vài ngày qua thăm anh bạn rất thân ở Seatle tiểu bang Washington nhân dịp mừng sinh nhật thứ 50. (Vợ chồng anh bạn này trước cùng ở San Jose như tôi và đã dọn đi trước gia đình chúng tôi khoảng một năm.) Khi gặp lại sau vài năm xa cách, cả hai vợ chồng anh bạn nhìn tôi một lúc ngỡ ngàng rồi đột nhiên phán một câu: Sao dạo này “ông bầu” tóc bạc nhiều thế" (Hai vợ chồng anh bạn này hay gọi bà xã tôi là “bà bầu” vì lúc trước mỗi lần gặp là lại thấy bả mang cái bụng chình ình. Vì thế, tôi cũng bị gán cho cái tên “chết tiệt” này.) Nghe thế, tôi vội vàng phân bua: Thì hai người nghĩ thử coi, tớ sống ở Florida là bên miền Đông múi giờ đi trước bên này tới ba tiếng một ngày, rồi cứ thế mà nhân lên 365 ngày trong một năm thì thử hỏi không mau “già” sao được. Anh bạn gật gù ra điều “thành kính phân ưu” giùm cho tôi: Ừ nhỉ, vậy mà mình nghĩ không ra, cứ tưởng là ông bầu bị bà bầu đì hay là lo lắng chuyện gì nên mới nhìn thê thảm như vậy. Tôi cười: Kiểu này chắc phải kiếm đường dọn về lại bên miền Tây để cho mình già chậm đi một tí xíu. Ít gì thì cũng ba tiếng một ngày chứ bộ chơi sao.
Nói cho cùng thì Florida vẫn có nhiều điều thú vị và là nơi lý tưởng cho những ai muốn trốn cái lạnh lẽo, gía buốt khi mùa đông đến. Đây cũng là nơi hưởng nhàn thoải mái vì nhà cửa rẻ. Cuộc sống tương đối bao gồm ba không: không bon chen, không căng thẳng, và không bị bịnh tật vớ vẩn. Nếu qúi vị nào chưa từng tới đây thì cũng nên đi để cho biết Sunshine State nó như thế nào, và ra làm sao. Ông bà mình có câu: Đi cho biết đó, biết đây. Ở nhà với… vợ, biết ngày nào khôn"
Thế thì quí vị còn không mau mau đặt vé máy bay cho lẹ"
Tê Hát I Cờ Rét
Florida, Hè 2011

Ý kiến bạn đọc
27/08/202221:29:22
Khách
Chú Thy viết văn "tuyệt cú mèo"
20/12/201919:33:34
Khách
Mình đang có cảm giác như gia đình bạn! Cảm ơn bạn đã có sự trải nghiệm vô cùng y nghĩa cho tất cả mọi người bắt đầu sự hành trang mới cho sự trải nghiệm cuộc sống
22/08/201906:11:14
Khách
Các cô chú cho con hỏi, con muốn cho con sang bên trường University of South Florida USF nghành Communication thì có tốt không ạ? Con muốn tìm nhà người Việt ở Homestay có dễ tìm không và cô chú có biết ai cho SV thuê nhà thì báo giùm con nha. Con cảm ơn ạ. Con Hiền - hienduong76@gmail.com
02/03/201921:21:38
Khách
Chu' o*i,
O*? Tampla nguoi viet mi`nh da'nh tennis o dau vay chu'? Chau danh cung kha' kha' 4.0 USTA se xuong do choi cuoi thang 3 nam nay. Mong chu huong dan.

Cam on chu.
mambo.elephant@gmail.com
27/02/201805:12:57
Khách
rat la cam on ban da cho biet ve cuoc song o florida rat tot cho ai muon ve huu ben do toi hien o seattle da tim hieu nhieu ve florida va tui da quyet dinh don qua do cuoi nam 2018 de retire cho cuoc doi con lai . song cuoc song an phan toi da met moi sau vai chuc nam lam viec
02/04/201710:07:24
Khách
CHÚ ơi làm ơn cho con biết chổ bắt ốc, bắt sò ơn đâu ko chú? Vài ngày nữa gia đình con qua tampa vacation . Con cam ơn chú
22/11/201616:36:07
Khách
?????????????
==============
Vui lòng viết tiếng Việt có dấu. Tiếng Việt không dấu dễ sinh ra những nhầm lẫn như thí dụ sau đây
------------------
Tai day co ban dam. Gia $100/L
------------------
VB Admin
31/07/201621:19:44
Khách
Tui muon lam quen voi anh ban vi cung muon Tim hieu ve Tampa Fl
24/06/201602:29:31
Khách
văn chú viết thật là hay
19/02/201619:54:43
Khách
Có cô Chú nào õ miami, Florida ko? Con sáp wua dó choi chi? Con chỗ bắt ốc với và vườn trái cây nữa cảm ơn trước mọi người
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,092
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.