Hôm nay,  

Cháu Nội

31/12/201700:00:00(Xem: 22384)
Tác giả: Sao Nam Trần Ngọc Bình

Bài số 5282-19-31128-vb8123117

 
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
 

 ***
 

Diamond-An-Nhiên ơi,

Ngày cháu sanh ra đời thì ông nội lại không có dịp gần bố mẹ cháu để đón cháu.

Bây giờ để ông kể cháu nghe ngày bố cháu được bà nội sanh ra nhé.

Cách đây 52 năm vào năm 1965 lúc đó ông nội đang phục vụ tại Yếu Khu Phi Trường Tỉnh Vĩnh Long ,Việt Nam.

Một hôm từ trong Phi Trường chạy xe gắn máy về Khu Gia Binh của Phi Trường thì bà nội con cho biết đang chuyển bụng sanh.

Nghe thế ông nội vội chạy ra mé Quốc Lộ 4, vì phi Trường Vĩnh Long nằm dọc theo con lộ này,vẫy một chiếc xe lôi gắn máy để chở bà nội đi Nhà Bảo Sanh ở dưới downtown Tỉnh Vĩnh Long.

Có lẽ con sẽ hỏi ông nội xe lôi là xe gì nhỉ, nó như thế nào?

Xe lôi là chiếc xe có hai cái càng ở bên phải và trái của cái sàn xe, nơi khách ngồi trên xe để chân lên.

Hai cái càng này chạy song song với nhau và đầu cùng của hai càng hội tụ lại làm thành một cái lỗ để móc dính vào phía sau một cái xe đạp hay xe gắn máy. Nếu là chiếc xe đạp thì được kêu là xe lôi đạp do một người ngồi đằng trước đạp,nếu nó gắn vào chiếc xe gắn máy thì gọi là xe lôi máy mà chiếc xe này có thể là chiếc xe gắn máy hiệu Push nhập cảng từ Đức Quốc hoặc xe Honda Đàn Bà (các cô,các bà xử dụng) hay xe Honda Đàn Ông (các ông,các cậu xử dụng) do Nhật chế tạo nhập cảng vào Việt Nam.

Chiếc xe lôi chạy theo Quốc Lộ 4 qua khỏi Ngã Ba Cần Thơ (gọi như vậy vì khi rẽ phải là để đi Cần Thơ) qua Cầu Lộ khi xuống hết dốc cầu rẽ trái là tới ngay Nhà Bảo Sanh mà ông nội đã dò hỏi từ trước để sẵn sàng cho khỏi bỡ ngỡ khi bà nội chuyển bụng đi sanh bố của con.

Lúc ông nội dẫn bà nội con vào trong Nhà Bảo Sanh thì cô mụ tươi cười chạy ra đón nói:

“Thiếu Úy ngồi ngoài phòng khách chờ nhé.Tôi dẫn bà nhà vô trong khám.Một lúc sau cô mụ trở ra cùng bà nội của con và tươi cười nói:

“ Thiếu Úy để bà ấy ở đây. Bà cũng sắp sanh đến nơi rồi. Mọi chuyện đã có tôi  lo.”

Nghe cô mụ nói vậy ông nội bèn tới gần bà nội hôn nhẹ lên trán rồi an ủi:

“Em ở đây nhé.Anh về Phi Trường rồi trở lại liền.”

Khi ông nội trở lại thì bà nội con vừa mới sanh bố con xong. Bố con lúc đó là một em bé đỏ hon hỏn đang được quấn chặt trong một cái tã, mắt nhắm nghiền, nằm gần bà nội.

Cái tã này là một trong những cái tã mà bà nội đã sửa soạn cả một lố tã từ trước để chờ ngày lâm bồn, tức là ngày sanh bố của con.

Hồi đó ở Việt Nam ta làm gì có tã hộp bán sẵn như ở bên Mỹ này nên sản phụ phải chuẩn bị từ trước!

Bà nội đã cho chào đời một em bé trai là bố con đó “thật đẹp trai.”

Bà nói với ông như thế.

Tuy không đồng ý với bà nội nhưng ông nội không muốn làm bà buồn vì làm sao em bé mới sanh ra mà biết là đẹp trai được.

Thế nhưng khi người mẹ cho là con mình đẹp trai thì mình cứ đồng ý đi có chết ai đâu.Hơn nữa bố con còn là con trai của ông nội thì bà nội con nghĩ sao cũng được mà!

Lúc này sanh xong rồi bà nội trông khỏe hẳn ra bà khoe với ông:

“Sanh xong, sau khi ngắm em bé thật kỹ em vẫn chưa tin vào hai con mắt của em nên em còn dùng tay sờ em bé từ cái đầu, hai con mắt, cái mũi, xuống hai cánh tay,hai bàn tay, hai cái chân, hai bàn chân.Tất cả đều hoàn hảo,con của tụi mình không bị dị tật gì cả lúc đó em mới an tâm!”

Nghe bà nội con nói xong ông mới giật mình vì chẳng bao giờ ông nghĩ ra cái chuyện tỉ mỉ này.

Có lẽ vì ông là đàn ông nên ông nghĩ một cách tự nhiên là đứa trẻ nào sinh ra thì cũng có đầy đủ mọi bộ phận của một con người!

Ông nội đâu có ngờ là người mẹ nên bà nội lại nghĩ khác.Bà đã lo cái lo của một người mẹ thương con chỉ sợ con mình bị Ông Trời, Ổng bắt con mình có tật thì con mình khổ cả một đời.

Như thế có phải là bà nội thật xâu sắc hơn ông nội nhiều lắm không con.

Hay nói cho rộng ra thì người phụ nữ nào trên thế gian này khi mang bầu lúc nghĩ về đứa con trong bụng mình cũng xâu sắc hơn người đàn ông ở điểm tế nhị rất đàn bà này vì họ chỉ muốn đứa con của mình được hoàn hảo.

Quả thật người nam là ông nội đây suy nghĩ quá đơn sơ nên đã không được thật sâu xa như bà nội con đã nghĩ.

Các cụ ta có câu “Mang nặng, đẻ đau,” là có lý lắm con à.

Lúc có bầu người phụ nữ không những di chuyển khó khăn vì sức nặng của em bé mà trong tâm tư còn mang một mối lo nặng về tinh thần là không biết con mình có hoản hảo không như đã nói ở đoạn trên.

Đây mới chính là gánh nặng tinh thần ngoài gánh nặng thể xác mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải mang khi có mang.

Chả thế mà các cụ ta có câu “Mang nặng đẻ đau!”Các cụ ta cũng sâu sắc lắm chứ! Có phải không, Diamond-An Nhiên cháu yêu quý của ông.

Bà cố nội của con lúc sinh thời cũng là bà mụ bà thường nói rằng cái hông người phụ nữ Miền Nam rộng nên khi sanh chỉ thấy sản phụ nhăn mặt là em bé ra liền.

Còn sản phụ Miền Bắc vì cái hông hẹp nên phải chịu đau đớn khi đau đẻ thì em bé mới được sanh ra.

Bà cố nội của con còn nói rằng thấy sản phụ nào khi sanh mà bị đau quá nên phải la làng hay chửi rủa ông chồng nặng nề thì bà biết sản phụ này là người Miền Bắc!

Lắng nghe bà nội nói xong ông nội liền hôn nhẹ lên trán bà nội rồi ông dzọt đi liền để mua tạm hộp sữa Ông Thọ về để pha sữa cho bố con bú.

Khi ông nội mượn bà mụ con dao nhọn để đục lỗ hộp sữa ông không quên xin bà mụ miếng nước sôi để sát trùng con dao.

Thấy thế bà mụ khen:

“Chà ông cưng cháu bé ghê nhé!”

Đến ngảy bố con được Nhà Bảo Sanh cho trở về nhà thì cô mụ nói với ông nội:

“Xin lỗi Thiếu Úy nhé! Thiếu Úy có mang theo hôn thú không? Nếu có thì tôi mới làm khai sanh cho cháu bé được.”

Ông bèn trả lời:

“Hôn thú tôi có mà ! Đây là giấy hôn thú. Phiền cô làm giấy khai sanh cho cháu.”

Quả thật cô mụ ở Nhà Bảo Sanh ở Việt Nam thời đó cũng hành xử y hệt người đồng nghiệp ở Nhà Bảo Sanh tại Mỹ.

Muốn làm khai sanh thì phải có hôn thú vì đây là luật pháp.

Thế nhưng ở bên Mỹ này người mẹ của em bé muốn lấy họ cha hay họ mẹ thì tùy hỉ, không bị ép buộc còn như ở Việt Nam trước 30 tháng 4 năm 1975 thì em bé phải lấy họ cha và phải có hôn thú để Nhà Bảo Sanh căn cứ vào đó mà làm khai sanh nếu không thì Nhà Bảo Sanh sẽ lấy họ mẹ và cha thì trong khai sanh sẽ khai là vô danh và em bé sẽ có họ mẹ.

Bây giờ không biết ở Việt Nam luật pháp như thế nào nên tác giả không dám lạm bàn.

Diamond-An Nhiên ơi! Con có biết không khi con được sanh ra ở Hoa Kỳ thì chẳng khác gì các cụ ta nói con được “đẻ bọc điều.”

Đẻ bọc điều là may mắn đó con à.

Không ai lựa được nơi mình sanh ra nếu được chắc chắn là các em bé sẽ chọn nơi sanh ra là được làm con của vua, hay của tỉ phú!

Thế nhưng sanh ra ở bên Mỹ này cũng đã là sự chọn lựa vô cùng may mắn đấy con à!

Trẻ em ở Mỹ được luật pháp bảo vệ che chở, nếu vì lý do gì cha mẹ nghèo thì đã có chính phủ lo cho mọi thứ cho đến khi trưởng thành.

Ít nước nào trên thế giới lại có chính sách bảo vệ trẻ em chu đáo như nước Mỹ.

Khi ông nội và bà nội về Cali thăm con thấy ba má con cực quá lớp đi làm,lớp ovetime,nên ông nội bảo gởi con qua Greenville,SC để ông bà lo cho em bé thì mẹ con vì quá thương con nên không chịu.

Mẹ con nói:

“Nếu mà con phải xa em bé thì con chết mất ông à! Thôi ông cứ để em bé ở đây với con”

Mẹ con cứ vừa nói vừa nhìn con vừa cầm tay con mà hít hà làm như sợ ông nội bắt con đi mất tiêu.

Vậy là khi được sanh ra ở bên Mỹ con mang trong người dòng máu Việt Nam nhưng con lại có quốc tịch Mỹ.

Khi lớn lên con đừng quên quê cha đất tổ nhưng con cũng phải dốc lòng dốc tâm bảo vệ nước Mỹ vì ở nước Mỹ con có nhân phẩm của một con người,được luật pháp nước Mỹ chăm sóc lo lắng đầy đủ.

Hơn nữa như các cụ ta vẫn thường nói “Ăn cây nào rào cây ấy.”Vì thế con phải dốc hết tâm lực để bảo vệ nước Mỹ khi được kêu gọi lên đường làm nhiệm vụ.

Ở nước Mỹ con được bình đẳng trước pháp luật và con phải thượng tồn luật pháp để nước Mỹ luôn luôn hùng cường.

Chính vì ai ai cũng làm điều này nên bất cứ ai ai trên thế giới cũng đều muốn xin định cư ở Hoa Kỳ để trở thành công dân Mỹ.

Có lẽ con là một trong những hậu duệ của Bà Âu Cơ và Ông Lạc Long Quân theo như truyền sử Bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở ra 100 con.

Khi lớn lên 50 con theo cha lên núi, 50 con theo mẹ xuống biển và đã trôi dạt qua Mỹ để rồi con trở thành con dân của nước Mỹ.

Bảo vệ nước Mỹ thì có nhiều hình thức như gia nhập quân đội cầm súng chiến đấu khi nước Mỹ lâm nguy hay như làm trọn vẹn nhiệm vụ của mình trong đời sống hàng ngày cũng là bảo vệ nước Mỹ.

Nhiệm vụ nào,ở cương vị nào cũng không kém phần quan trọng trong việc làm cho nước Mỹ giàu và mạnh

Cứ là công dân Mỹ trai hay gái nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ đều như nhau con nhớ nhé.

Các cụ ta có câu“Cây có cội nước có nguồn,”cội đây tức là gốc, nguồn đây là  nơi dòng nước bắt đầu xuất phát.

Cội nguồn cúa con là Việt Nam.Bây giờ đất nước Việt Nam bị bọn độc tài CS thống trị. Chúng cai trị dân ta bằng bàn tay sắt máu.Những nhà tranh đấu đòi tự do, dân chủ, nhân quyền bị chúng giam cầm đầy đọa trong ngục tù.

Một mai dân ta vùng lên giành lấy tự do, nhân quyền thì con hãy trở về giúp nước tùy theo khả năng của con.Con nhé!

À mà ông nội cũng không quên nhắc nhở bố, mẹ của con phải cho con đi học tiếng Việt để khi con nói được tiếng Việt, hiểu được tiếng Việt thì tự nhiên là nước Việt Nam sẽ hiện diện trong tâm tư của con,trong từng lời nói của con và tình cảm yêu quê hương Việt Nam luôn luôn  cháy đỏ trong tâm hồn của con.

Con biết không người Do Thái bị mất nước hơn 2000 năm nhưng nhờ duy trì được tiếng nói nên sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 họ đã được tổ chức Liên Hiệp Quốc ủng hộ trong việc tái lập quốc gia Do Thái và không ai ai bảo ai tất cả những người Do Thái lưu vong trên khắp thế giới đã trở về Tel Aviv để dựng lại nước Do Thái.

Những người Do Thái này có thể là Do Thái Pháp,Đức , Ba Lan,Tiệp Khắc,Nga Xô(hồi còn Cộng Sản Nga Xô),Anh,Tây Ban Nha v…v…Họ nói tiếng nơi họ lưu vong nhưng họ có chung một thứ tiếng là tiếng Hebrew tức là ngôn ngữ Do Thái nên việc dựng lại nước Do Thái sau hơn 2000 năm không bị trở ngại vì đây là cây cầu nối những người Do Thái trên khắp thế giới lại với nhau.

Con có biết không con được cái may mắn là sinh ra và lớn lên ở tiểu bang California nơi có đông người Việt sinh sống.

Dân tộc Mỹ là dân tộc đa chủng nên dân Mỹ rất phóng khoáng.Ở miền Nam Cali tiếng Việt đã được đưa vào chương trình giáo dục các em gốc Việt có thể theo học chương trình song ngữ Việt-Anh từ trường tiểu học đi lên bậc trung học đế duy trì bản sắc của dân tộc mình.

Không những ở Mỹ mà ở Canada (xin mời quý bạn vào Vietbao online đọc bài “Chuyến Đi Canada” nói về việc tiếng Việt được dạy ở xứ lạnh tình nồng này) Ngoài ra tiếng Việt cũng được đưa vào chương trình học cho con em Việt định cư tại Úc nữa.

Con hãy nhớ câu này của một học giả người Việt, Ông Phạm Quỳnh “Tiếng ta còn, nước ta còn.”

Mục “Bé Viết Văn Việt” trên Vietbao online và giải thưởng hằng năm cho các bé cũng không ngoài mục đích giúp các em Việt sanh ra ở Mỹ không quên tiếng mẹ đẻ như lời ca:

“Tôi yêu tiếng nước tôi.

Từ khi mới ra đời, người ơi !

                           Tình Ca Phạm Duy

Ngoài “tiếng nước tôi”là tiếng Việt con  còn có cái may mắn là nói được tiếng Anh nữa tức là con nói được hai thứ tiếng mà theo như người Pháp thì “Người nói được hai thứ tiếng là hai người.”

Con là hai người đó con à! Con có biết không?                                

Mà  khi con nói được hai thứ tiếng thì đời sống của con sẽ trở nên dễ dàng.Con sẽ kiếm việc không mấy khó khăn con nhé.

Khi ông dạo chơi ở Little Saigon ông thấy hàng chữ quảng cáo như sau “Cần người nói được ba thứ tiếng “Việt Anh và Quảng Đông.”Chỉ với hai thứ tiếng Việt và Anh cùng với nghề chuyên môn của con ông tin rằng con sẽ không sợ bị thất nghiệp.

Có lẽ bây giờ con hiểu tại sao ông lại tham gia vào Mục “Viết Về Nước Mỹ.” Theo ông thì khi ông tham gia vào Mục này vì có nhiều lý do mà lý do duy nhất nổi bật, theo ông nghĩ, là người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và cho tới bây giờ vẫn còn tiếp tục ra đi vì không sống nổi trong chế độ bạo tàn,nghiệt ngã,không tự do do CS cai trị đã được lối 106 nước trên thế giới cho định cư tại nước của họ.

Nay chỉ với một cái click vào Mục “Viết Về Nước Mỹ” trên Vietbao online họ sẽ bớt được phần nào nỗi nhớ quê cha đất tổ.

Khi con lớn lên con đọc những dòng chữ này thì có lẽ ông cũng không còn hiện hữu nữa nhưng khi con đọc thì đúng là ông nội của con đang thì thầm nói chuyện với con đấy.

Thăm con khỏe. Chào con. Ông nội

Đông 2017

 Sao Nam Trần Ngọc Bình

 

Ý kiến bạn đọc
09/04/202220:40:46
Khách
Thưa quí vị!
Tiếng Việt mình có thể mỗi miền phát âm khác nhau nhưng viết thì chỉ có một cách viết đúng
Sâu sắc và Xổ số là đúng
Để bảo vệ tiếng Việt, xin cố gắng viết đúng
Mong thay!
31/12/201715:55:06
Khách
Thưa Chị
Chính tôi cũng lúng túng nên đã phải mở cuốn Tự Điển Việt Anh của Ông Nguyễn Văn Tạo để tham khảo.
Nước ta chạy dài từ Ải Nam Quan(bây giờ tụi tay sai CS đã nhượng cho Tàu,ta sẽ lấy lại)đến Mũi Cà Mâu nên tiếng nước ta nói chung cách phát âm đều giống nhau.
Tuy nhiên cá biệt như chữ “Sổ Xố” người Huế phát âm có lẽ đúng nhất còn người Hà Nội trước năm 1954 thì lại phát âm là “Sổ Số.”
Tiếng Việt của ta chỉ được người Pháp dùng như là một công cụ cai trị để liên lạc cho dễ nên người Pháp dã không quan tâm thiết lập một Hàn Lâm Viện! Sở dĩ tiếng Việt ta được như ngày nay là do các học giả của ta mà điển hình là cụ Phạm Quỳnh và các học giả khác đã cố gắng làm cho tiếng Việt được như ngày nay.Còn CS từ năm 1954 trở đi ở Miền Bắc đã làm cho tiếng Việt càng ngày càng nghèo đi.
Nguời ngoại quốc khi học tiếng Việt họ sẽ chọn lối phát âm Hà Nội,Huế hay Sài gòn.
Thăm chị và gia đình khỏe nhân dịp đầu năm Dương Lịch.Trân trọng
31/12/201713:14:00
Khách
Tác giả viết " xâu sắc' không biết đúng hay sai vì tôi thường thấy 'Sâu sắc" thuong hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến