Hôm nay,  

Món Quà Noel!

15/12/201700:00:00(Xem: 8835)
Tác giả: Dong Trinh

Bài số 5289-19-31135-vb5121417

 
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà  tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.

***

Trời đã cuối thu,  trên đường đầy lá vàng  rơi, hai bên phố vẫn còn sót lại những cây phong thật đẹp với các cành lá đỏ thẩm, pha sắc cam óng ánh.

Tối nay, rảnh sớm, tôi chạy vội ra chợ mua ít đồ cần dùng. Nhanh quá, Noel sắp đến, một năm lại sắp hết. Tôi vừa lái xe, vừa nhìn những ngôi nhà có trang trí nhiều hình ảnh vui mắt với ông già Noel, với người tuyết, với cây thông bằng những ngọn đèn nhỏ li ti đủ màu sắc. Đầu óc tôi miên man suy nghĩ, dĩ vãng hiện ra trước mắt tôi...

Chín năm trước, cũng vào khoảng thời gian này, dù sắp lập đông nhưng bên ngoài những tia nắng ấm vẫn chói chang. Lợi dụng thời tiết còn ấm, nhiều nhà lo chưng đèn trong sân để đón mừng Chúa Giáng sinh. Tôi cũng đang định bắt chước hàng xóm, treo đèn cho vui mắt, cho có xanh có đỏ để đỡ buồn trong những ngày giá rét. Chợt chuông điện thoại reo. Bên kia đầu dây, tiếng đứa cháu trai, điềm đạm hỏi:

-Sáng nay dì có đọc báo chưa?

Tôi ngạc nhiên lẫn thắc mắc. Đứa cháu này xưa nay ít nói, chỉ khi nào cần lắm mới gọi cho tôi. Tôi hỏi:

-Chuyện gì vậy?

-Dì có coi mục kết hôn chưa?

Tôi không trả lời vội mà đi lấy tờ báo, lật chỗ trang wedding ra coi! Mắt tôi như mờ đi, tim tôi đập nhanh...rõ ràng tên con gái tôi kết hôn cùng một người đàn ông không phải mang tên Việt Nam!

Thật là bất ngờ trước sự việc xây ra nhưng tôi cũng vội trấn tĩnh. Tôi nói với đứa cháu:

-Oh, chuyện An ra ngoài City xin làm hôn thú hả? Dì biết rồi. Nó có nói cho dì nghe mấy tuần nay nhưng dì không có cho ai trong nhà biết. Nó nói vì nó không có tiền làm đám cưới nên chỉ đi làm hôn thú thôi!

Rõ ràng là tôi đã nói láo với cháu tôi! Tôi vừa mắc cỡ, vừa buồn vì con gái có chồng mà mẹ chẳng hề hay biết!

Lát sau, lại có chuông điện thoại nữa. Tôi biết sẽ là những câu hỏi thắc mắc về đứa con tôi rồi! Quả thật, bên kia đầu dây, tiếng anh tôi:

-Hôm nay em đọc báo chưa?

-Dạ rồi! Anh muốn nói chuyện An ra City làm hôn thú hả? Nó có xin phép em hôm trước rồi.

Ông anh tôi nói với giọng giận dữ:

-Tại sao nó lấy chồng mà trong nhà không ai hay biết, mà lại là một người Mễ? Nó sanh ra ở Mỹ, có cơ hội để học hành, chưa tốt nghiệp đại học đã lo lấy chồng, trong khi Mai ( con gái chị  tôi ) mới qua có mấy năm, không biết tiếng Anh. Nó đã rán đi học và bây giờ đã là kỷ sư! Nói cho nó biết, từ nay anh cấm nó không được bước chân qua nhà anh nghe!

Tôi dạ một tiếng nhỏ, thẩn thờ buông điện thoại và nước mắt đã đầy mặt tự lúc nào! Con ơi! Sao con vội vàng gì mà không bàn tính gì với mẹ, để giờ đây mẹ phải chịu những lời nặng nhẹ của người thân vậy con?

Những tháng ngày thơ dại, An luôn là đứa con gái ngoan lắm. Mỗi ngày, ngoài giờ học, tôi hay nói chuyện với An. Mấy câu ca dao,tục ngữ dạy làm người con bé thuộc nhiều lắm.  An còn hay dí dỏm bằng những tiếng Việt mà nó coi trong phim. Như có lần, hai mẹ con đi chợ, tôi dùng thẻ trả tiền. Tôi nói cho con bé nghe số pin ( mật mã ) là 3638, vừa bấm vừa An  vừa nói:

-Ba xí ba tú!

Tôi hỏng hiểu gì hết, hỏi lại con:

-Con nói cái gì vậy?

An cười, đưa tay lên miệng, suỵt một tiếng nhỏ:

-Thì ba sáu ba tám mình nói ba xí ba tú là sẽ không bao giờ quên!

Tôi lại một phen cười bể bụng với lối dí trào phúng của con nhỏ, và cũng từ đó, tôi không bao giờ quên con số này!

Tôi hay nói về những điệu khoan hò đối đáp trên sông nước miền Tây cho con gái tôi nghe. Một hôm, cần đóng một vài món đồ, An hỏi tôi:

-Mẹ ơi, lấy giùm con cái hò...

Tôi ngớ ngẩn hỏi lại:

-Cái hò? Cái hò là cái gì?

An cười thiệt lớn:

-Thì là cái drill đó mẹ!

Tôi nói:

-Nó là cái khoan chứ, con nói trật rồi.

-Thì khoan hò là hò khoan đó mẹ!

Thiệt tình, con nhỏ chơi chữ với tôi!

Thỉnh thoảng tôi hay làm bánh do người quen đặt. Hôm đó, tôi làm bánh bò, xui xẻo, tôi bị tổ trác, bánh hư không có rễ tre, An chọc tôi:

-Ha ha...mẹ làm bánh lết!

-Bánh gì mà bánh lết?

-Thì bò hỏng xong nên lết thôi mẹ ơi...

Ý trời ơi, con gái tôi lại chọc tôi nữa rồi!

 

Nhiều lúc, vội vàng quá, tôi hay làm bể ly, chén, thế là sau lưng tôi, An nói:

-Thiệt là vụt tốc bất đạt, bất cẩn vô ưu mà,

Trời! Tui gặp bà cụ non thứ thiệt rồi đây!

Suốt mười ba năm học, lớp Sáu, lớp Chín và lớp mười hai An đều được bằng khen của các vị Tổng Thống đương kim của Hoa Kỳ. ( Tổng Thống chỉ cho bằng khen các lớp này thôi ).Tốt nghiệp trung học danh dự, An được trường đại học y khoa Washington ở St. Louis nhận cùng học bỗng, gần như toàn phần, vậy mà con nhỏ không chọn, lại đi học tuốt ở Illinois, chỉ vì trường đó cho đủ, An không lo mượn nợ. Sau hai năm thì cháu dời về Fayetteville cho gần nhà. Một năm sau lại chạy về tại thành phố tôi ở để học. Quen sống riêng cho nên dù cạnh tôi, An vẫn mướn appartment ở riêng, vừa học vừa làm việc cho một nhà hàng Mỹ. Do đó, khi An kết hôn tôi không hề hay biết gì hết.

Tôi nghẹn ngào hỏi An trong điện thoại:

-Sao con không cho mẹ biết con đi làm hôn thú với người ta, để sáng nay mẹ bị người này người kia chất vấn mẹ?

Nhiều người trong gia đình tôi tỏ ý nghi  ngờ chắc con bé và anh chàng này đã lỡ có chuyện gì rồi nên phải lo kết hôn gấp. Tôi đem chuyện này ra thắc mắc, An nhỏ nhẹ trả lời tôi:

-Mẹ à, con đã trưởng thành cho nên con nghĩ đây là chuyện riêng của con, sao con phải thông báo với mọi người? Với lại, con muốn coi đây là món quà Noel của con, mong mẹ đừng giận con nha mẹ. Con không có làm điều gì sai trái đâu, mẹ tin con đi.

Tôi ngỡ ngàng vô cùng, vì   trong một gia đình Việt, còn gì chua xót cho bằng khi mà con đi lấy chồng mẹ chẳng hề hay biết, chẳng thấy mặt thằng rể tròn méo, gốc gác ra sao! Tôi cố nén giận, buồn bã nói:

-Đúng với riêng con nhưng hoàn toàn sai với tất cả mọi người. Mà thôi, có trách gì thì mọi chuyện cũng xong, mẹ không biết nói gì, chỉ mong con sống sao cho phải đạo làm người!

Đêm đó, tôi khóc sưng cả mắt vì nhớ đến lời của anh tôi. Tôi không giận anh vì tôi biết anh nóng ruột cháu, tôi chỉ buồn vì mình không tròn trách nhiệm làm mẹ, không biết dạy con để giờ đây gây nên nông nổi!

Hôm sau, An và Antonio, tên người đàn ông Mễ đã cùng con gái tôi kết hôn, đến nhà gặp tôi. Như những thanh niên ngoại quốc khác, Antonio có dáng người cao ráo, đẹp trai nói tiếng Anh lưu loát vì ở đây đã hai mươi năm. Tôi bắt buộc phải làm một cuộc phỏng vấn muộn màng với chàng rể không biết trước. Antonio nói sơ về gia đình mình cho tôi biết. Cha mẹ dẫn hai anh em đi bằng đường bộ qua Mỹ hai mươi năm trước, khi đó Antonio vừa năm tuổi, thằng em chỉ mới lên hai.

Đến đây, họ đi làm ở nhà hàng và Antonio vô học lớp một, nay đã xong trung học và không thể học đại học vì chưa có giấy tờ định cư chánh thức ở Mỹ. Theo luật bên này, tất cả trẻ con dưới mười tám đều được phép đến trường chỉ khi lên đại học thì mới bị xét đến giấy tờ cư trú nếu là người mang quốc tịch của xứ khác. Tôi nghe qua lại thêm điếng hồn với tin trên. Antonio cho tôi biết ba má anh chàng mời tôi chiều mai đến nhà dùng cơm, tiện thể để hai bên biết nhau. Thôi thì thương con gái, tôi nuốt giận mà nhận lời chứ biết làm sao hơn.

Hôm sau, Antonio đến rước tôi tới nhà để gặp sui gia -từ trên trời rơi xuống- Nhà họ cũng cách nhà tôi khoảng mười phút lái xe. Đến nơi, hai ông bà chạy ra tiếp đón tôi rất niềm nở. Bên trong, bàn tiệc đã bày sẵn, mùi thức ăn thơm phức. Bà Sui của tôi dọn đủ món ê hề. Hai người nói chuyện vui vẻ, kể về gia đình bên Mễ, về cuộc hành trình gian nan mấy chục năm trước... tôi nghe và thỉnh thoảng cũng góp vô vài câu lấy lệ vì trong lòng không thoải mái.

Ăn uống xong, Antonio và bà má dẫn tôi đến một căn phòng sát vách cửa sau, đang được xây lỡ dở. Bà cho tôi biết đó là công của con trai bà và con gái tôi. Tụi nó tự mua vật liệu, mỗi ngày đi học, đi làm ra là lật đật bắt tay vào việc để cho căn phòng xong trước khi trời băng giá.

Tôi không mấy ngạc nhiên chuyện An có thể giúp ông rể bất đắc dĩ của tôi xây phòng. Lúc ở chung nhà, dù là con gái nhưng con bé rất tháo vát. Khi tôi cần đóng kệ sách, chỉ việc nói kích thước và mấy ngăn, thế là hôm sau con bé chạy ra Home Depot mua cây về cưa, đóng, khoan (mà con bé thường nói giỡn với tôi là hò)... vài tiếng sau, tôi đã có một cái kệ sách đẹp đẽ.

Trước khi ra về, tôi nói với ông bà sui và Antonio:

-Tôi buồn lắm chuyện con gái tôi tự ý kết hôn. Phong tục và lễ giáo của người Việt Nam không cho phép như vậy. Tuy nhiên, chuyện lỡ rồi. Từ nay, xin ông bà hãy coi An như con gái, chỉ dạy khi nó làm sai. Tôi thương nó lắm và muốn lo cho nó học đến nơi đến chốn. Nay nó về đây, tôi mong ông bà đừng khuyến khích nó có con trước khi học xong đại học. Ở Mỹ này, nếu không có bằng cấp trong tay thì rất khó tìm việc làm.

Hai ông bà hứa với tôi là sẽ để An tiếp tục học cho đến nơi đến chốn.

Con gái tôi ăn uống khó khăn lắm. Chắc là nó giống tôi khoản này. Dù được sinh ra ở Mỹ, An chỉ thích ăn cơm, với trứng chiên, cá kho và nước tương. Gặp hôm nào có cá chiên ròn, con bé bắt chước dì Năm, làm một chén nước mắm, ăn cơm bằng đũa, vừa gắp một miếng cá, chấm nước mắm, và một miếng cơm vừa ăn vừa hít hà, nét mặt ra chiều khoái trá vì ngon quá đi thôi!

Tôi lo An về ở bên chồng ăn không được mà con bé không biết nấu nướng gì hết. Làm mẹ, dù buồn con chín xe mười vàng đi nữa, tôi đâu thể nào ngoảnh mặt làm ngơ. Thế là, tối nào tôi cũng đem cơm xuống nhà cho An. Phần Antonio thì ăn thức ăn của gia đình nó. Tôi cũng giải thích cho má của Antonio  hiểu để bà đừng ghét An.


 

Một thời gian dài, do ông anh của tôi giận vì An đã tự ý kết hôn, cấm không cho đến nhà, An sinh mặc cảm, ngoài việc  tới nhà gặp tôi và chị Năm tôi, An tuyệt nhiên không tới nhà ai hết, giỗ quãy, sinh nhật, tiệc tùng gì cũng lánh mặt. Mỗi lần ai hỏi sao An không tới, tôi chỉ biết trả lời nó bận.

Một thời gian ngắn sau, tôi bị ung thư, bác sĩ đề nghị tôi nên lên Little Rock là thủ đô của tiểu bang để khám vì nơi đó có bệnh viện UAMS là bênh viện nổi tiếng trên thế giới về căn bệnh tôi đang mắc phải, bệnh Myaloma . Nghe bác sĩ nói, tôi lo lắm vì phải ở đó một tuần lễ để chờ khám và đợi kết quả. An thì đang đi làm, tôi suy nghĩ và quyết định hỏi ý kiến cháu. Chẳng ngờ, cháu trả lời không do dự:

-Được mẹ à, để con xin phép nghỉ rồi con chở mẹ đi nha.

Đêm trước ngày hẹn gặp bác sĩ, An và Antonio đến rước tôi đi. Vừa gặp tôi, An nói liền:

-Mẹ ơi, con rủ Antonio đi chung coi như honeymoon luôn vì sau khi kết hôn tụi con không có đi đâu hết, mẹ cho nha.

Tôi gật đầu ưng thuận tuy trong lòng không muốn chút nào vì chỉ mong nhân cơ hội này để được ở bên con riêng rẻ, thôi đành chịu vậy.

Trong suốt tuần lễ đó, sáng An đưa tôi vô bệnh viện rồi hai đứa đi chơi, đến chiều rước tôi về khách sạn ăn uống tắm rửa xong, hai đứa lại chở tôi đi đó đây. Tôi ngõ ý muốn đi thư viện của Tổng Thống Bill Clinton là hôm sau mấy đứa nó chở tôi đi ngay. Ngày kế tiếp thì vô toà nhà của Capital. Tôi thật vui vì hai đứa chăm sóc tôi từng chút.

Thỉnh thoảng, người ta đặt bánh sinh nhật, tôi bận nên kêu An qua nhà làm giùm. Tôi làm bánh sẵn, nhờ An trang trí. Nhìn ổ bánh sau khi hoàn thành, tôi thật ngạc nhiên. Bánh đẹp hơn của tôi rất nhiều. Tôi hỏi:

-Con học ở đâu mà giỏi vậy?

An nói lúc còn ở chung nhà, thấy tôi làm bánh, nó đi qua lại nhìn nên nhớ cách làm. Rõ là hậu sinh khả uý! Ngày nay, An  biết làm rất nhiều thứ bánh khéo, đẹp hơn bánh của tôi.

Năm 2008, Ông Obama, nguyên là Thượng nghị sĩ của tiểu bang Illinois ra ứng cử tổng thống Hoa Kỳ.

Ngày bầu cử, An đi làm ra sớm, ghé nhà kêu tôi sửa soạn để An  chở tôi đi bỏ phiếu. Tôi có ngạc nhiên vì con bé sốt sắng trong chuyện này nên nói:

-Thì ra sáng nay con gọi mẹ nói chờ con về chở mẹ đi, mà sao vậy?

An nói:

-Mẹ à, con muốn mình ủng hộ ông Obama!

-Tại sao?

-Vì ông là người Mỹ gốc Phi châu, nên ông giúp những người di dân có cơ hội được định cư chính thức bên này. Mẹ à, mình cũng là những người tị nạn, từ một xứ khác, không cùng màu da, tiếng nói.  Cho dù con được sanh ra ở đây, cho dù mẹ đã là công dân Hoa kỳ nhưng thật ra mình cũng đâu phải người Mỹ?

Nghe con bé nói, tôi thật bằng lòng về cháu. Được sanh ra, lớn lên và hấp thụ nền giáo dục, văn hoá Mỹ, An vẫn không quên nguồn gốc của mình. Dầu cháu đã sai theo sự suy nghĩ của mọi người trong vấn đề hôn nhân mà cháu luôn bảo vệ lý lẽ của mình khi cho đó là món quà của riêng cháu.

Dần theo tháng ngày, tôi đã quên đi nỗi buồn đó rồi và nay, An vẫn là một người biết suy xét, biết yêu thương người đồng cảnh, những người đã phải buộc lòng bỏ xứ ra đi.

Trong thời gian này, An vừa đi học, vừa đi làm vì Antonio không có giấy tờ hợp pháp. An tự tìm hiểu trên Internet để làm giấy bảo lãnh cho chồng mà không phải  tốn đồng nào cho luật sư, ngoài những lệ phí bắt buộc. Sáu tháng sau, hai đứa mừng rỡ khoe với tôi cái green card (thẻ xanh) được cấp chính thức. Tôi nghe nhẹ cả người, thầm phục con bé, và thật sự chúc mừng cho hai đứa nó, kể từ nay coi như đời sống đã yên ổn.

Hai năm sau, do chuyển trường tới lui, rồi kết hôn, chuyện học hành của An bị gián đoạn mất mấy năm. Cho đến tháng 5 năm 2012, An ra trường với bằng cử nhân biology hạng danh dự. Tôi mừng quá đỗi, nhất là sự có mặt của anh tôi. Anh đến dự lễ, nét mặt hân hoan vì dù làm sai nhưng ít ra  con bé cũng biết nghe lời, tiếp tục học và ra trường với điểm cao. Lúc này con bé đã có mang được bảy tháng.

Một buổi chiều hè tháng 7 năm 2012, đâu lối 4 giờ chiều, An gọi cho tôi nói đang ở bệnh viện, chuẩn bị sanh. Tôi và Quốc, con trai tôi tức tốc chạy đến. Nhìn con thỉnh thoảng mặt nhăn, mày nhó vì đau bụng, tôi thương con quá...con ơi...nỗi đau này không ai có thể gánh cho mình được. Mẹ chỉ cầu xin cháu sớm chào đời cho con không vất vã vượt biển một mình mà thôi. Lần lượt, ba má và hai em trai Antonio đến, rồi mợ Ba, dì Tư, Viễn...đông quá, mọi người ngồi dài xuống đất trước phòng sanh để nói chuyện, chờ đón cháu tôi chào đời. Thỉnh thoảng, tôi bước vô trong thăm con. Antonio cứ lăn xăn bên cạnh, con thì nhăn nhăn nhó nhó...

Có tiếng oa oa từ trong phòng vang  ra...mọi người đồng loạt đứng lên. Vài phút sau, cửa phòng mở, bác sĩ đỡ đẻ cho An bước ra, ông đến trước mặt chúng tôi nói:

-Congratulations! It’s a very pretty, healthy girl!

Mọi người ồ lên mừng rỡ, cảm ơn Bác sĩ rối rít. Chúng tôi bước vội vô trong. Nét mặt An có vẻ mệt mõi nhưng vui lắm. Tôi đón lấy cháu ngoại từ tay cô y tá. Bà nội cháu đến cạnh, bà nhìn cháu, nhìn tôi rồi nói:

-She looks like you so much!

Tôi thì lại thấy cháu giống má tôi lắm. Chúng tôi vui cười, thay nhau ẩm cháu., Natalie yêu quý của bà cân nặng 7 pounds 6, nhẹ hơn An 5 ounces lúc chào đời.

Sau khi sanh Natalie, An nói với tôi:

-Con chỉ sanh một đứa thôi mẹ à. Con muốn lo cho nó đầy đủ, sanh nhiều rồi không nuôi tới nơi tới chốn tội nghiệp lắm!

Mấy chục năm lo cho hai đứa con, tôi đã hiểu cái trách nhiệm làm mẹ ra sao,do đó, tôi tán đồng với An điểm này.

Natalie lớn dần theo thời gian, An quả thật là một phụ nữ Việt Nam trên xứ Mỹ. Tìm hiểu trên Internet , An tự đan áo ấm, nón, giày, khăn choàng cho con, tự làm những con búp bê rất xinh xắn dễ thương. Từ khi có chồng, An đã thay đỗi tánh tình. Ăn mặc đơn giản, không son phấn ngoại trừ những lúc thật cần thiết. Lúc mới đầu, nói thật nha, tôi không một chút cảm tình với Antonio vì giận chuyện không cưới hỏi An đàng hoàng. Dần dần, tôi nhận ra ở chàng rễ này của tôi cũng có nhiều mặt đáng quý. Chàng ta không uống rượu, không hút thuốc. Sau khi vô quốc tịch Mỹ, Antonio học college và đã lấy được bằng chuyên môn về máy móc xe hơi. Hai đứa sống tiết kiệm nên đã mua được nhà và xe đầy đủ. Lên ba, An cho Nataalie đi học ở Montessori School, một trường tư  rất gần nhà tôi với học phí hàng năm khá cao.

Tôi nhớ, khi Natalie chưa được một tuổi, bắt đầu hiểu biết, An tập cho cháu biết ra dấu bằng sign language  mà An đã học ở high school. Tôi vừa mắc cười mỗi khi con bé ra dấu muốn ăn thêm, muốn uống nước hay nhiều nhu cầu khác mà cháu cần cho mình biết, rồi tôi lại lo sợ, nếu cứ ra dầu hoài, rủi con nhỏ không chịu nói chuyện luôn thì sao? Tôi đem sự suy nghĩ của tôi ra bàn thì An nói tôi đừng lo, khi Natalie bát đầu biết nói thì An sẽ thay vào đó bằng lời. Tôi tạm tin nhưng không yên lòng chút nào.

Quả thật vài tháng sau, cháu ngoại tôi đã bớt ra dấu mà luôn thỏ thẻ với tôi bằng tiếng Việt khi cần ăn, uống. Dù sanh ra và lớn lên ở Mỹ, có chồng ngoại quốc nhưng đến giờ An vẫn nói tiếng mẹ đẽ rất giỏi, không ngọng nghịu như nhiều đứa trẻ khác, chỉ có điều là An không biết đọc và biết viết tiếng Việt mà thôi.

Hai vợ chồng An sống rất tiết kiệm. Có lần, đến thăm tôi, An ngó thấy Dũng bỏ một cái bàn ăn đã gãy, ra sân cho xe rác mang đi. Cháu liền gọi để xin, Dũng nói cứ lấy đi. Thế là con bé chở về. Tuần sau đến nhà An ( lúc này cháu đã mua nhà rồi) cháu chỉ cái bàn và khoe tôi:

-Con lượm cái bàn gãy ở nhà cậu Dũng về, Antonio mua miếng ván khác làm lại mặt bàn, sửa bốn cái chân cho chắc, bây giờ con có cái bàn mới, mẹ thấy không?

Tôi ngạc nhiên vô cùng. Trước mắt tôi là một cái bàn mới tinh , bóng láng, thật đẹp. Tôi không ngờ Antonio lại khéo dữ vậy. Và cũng bắt đầu từ đó, ác cảm đối với Antonio đã vơi dần trong tôi khi nhìn từ cái ghế, cái tủ, kệ sách do chính tay anh chàng Mễ này làm ra. Antonio rất có trách nhiệm với gia đình, hết lòng thương yêu vợ con, không xài hoang phí.

Tôi nhớ, lúc An sắp rời gia đình  đi học nội trú ở Illinois, một buổi chiều, hai mẹ con ngồi bên nhau, tôi nói:

-Mẹ xin lỗi con nha An, mẹ đã không cho con được một gia đình hoàn chỉnh. Nay con đã mười tám tuổi rồi mà vẫn chưa hề biết ba mình ra sao!

An nói:

-Mẹ ơi, sao mẹ nói vậy? Tuy con không có ba nhưng con lại thấy mình hạnh phúc nhiều hơn những người đầy đủ cha mẹ. Khi con đau yếu bệnh hoạn, mẹ luôn là mẹ hiền bên con chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Khi con đứng trước những chuyện khó khăn thì mẹ là người cha tài ba, có nhiều nghị lực để dẫn dắt con, giúp con giải quyết mọi vấn đề. Những lúc con buồn, cô đơn, mẹ lại là người bạn thân thiết, đem cho con những nụ cười yêu thương. Vậy thì con mong muốn gì hơn hả mẹ?

Nói xong, An ôm tôi và trìu mến hôn lên má tôi, thật là ấm áp!

 

*

...Jingle bells, jingle bells

Jingle all the way

Oh, what fun it is to ride

In a one horse open sleigh...

 

Trên TV bản nhạc Jingle bells thuở nào con hay hát, tiếng ca vui nhộn với hình ảnh ông già Noel cùng các em bé và những gói quà xanh đỏ. Ngoài trời, tuyết bắt đầu rơi, trắng xoá, phủ đầy những cành cây. Đàn  chim từ phương Bắc bay về, sà xuống đen nghẹt cả sân cỏ đang  bươi tuyết lên để tìm thức ăn. Nhớ những ngày còn bên mẹ, khi thấy vậy là con vội đi bới một chén cơm nóng đem ra rãi lên mặt tuyết. Mấy con chim lúc đầu hoảng sợ, bay đi nhưng rồi  vài phút sau là quay lại ăn hết.

Nhanh quá, mới ngày nào mẹ ngỡ ngàng, buồn tủi vì những lời châm biếm của họ hàng, nay đã chín năm, cháu ngoại mẹ đã năm tuổi, vợ chồng con có cuộc sống hạnh phúc, mẹ mừng lắm.

Con ơi, dù ngày nay con đã có gia đình riêng, con lúc nào cũng vẫn là đứa con gái bé bỏng của mẹ. Mẹ cầu xin món quà Noel chín năm trước mà con đã chọn sẽ vĩnh viễn bên con suốt đời nha con.

Thương con lắm, con gái cưng của mẹ!

Dong Trinh

 

Ý kiến bạn đọc
19/12/201718:59:23
Khách
Da xin cảm ơn chị Hoàng Lan Ngó Nguyen nha. Có gia đình riêng, mọi thứ đều phải tự lo nên cháu đã Ýe thức được việc gì cần và việc gì không cần. Tôi cũng mừng khi thấy cháu đã trưởng thành. Chúc chị và thân quyến Noel an lành, hạnh phúc chị nhé! Thân mến.
17/12/201709:42:57
Khách
Dong Trinh than men
Cháu gái xin cai bàn gảy , sửa lai dung , nhung bỏ một số tien học phi rất lớn cho con gai 3 tuoi di học mẫu giao o truong tu , một trong truong tu thuc nổi tiếng . Điều nay chứng tỏ cháu rất yêu con gai minh một cách vo điều kiện , nhu Trinh đã yeu con gai Trinh vay.
Di rất khen con , Chúc con hanh phúc
16/12/201720:31:49
Khách
Thân gởi các bạn đọc giả Việt Báo. Tôi thật cảm động, thật vui khi nhận Ý kiến của các bạn với những lời lẽ thật thân thương mà các bạn đã ưu ái dành cho tôi từ những bài đầu tiên cho đến nay. Những câu chuyện toii viết trên đây là những chuyện trong gia đình. Vui cũng nhiều mà buồn cũng lắm. Tôi đưa ra để được chia sẻ cùng các bạn. Được các bạn khích lệ, quả là những phần thưởng rất lớn cho tôi.. Nhân mùa Giáng Sinh, xin chúc tất cả các bạn an lành và hạnh phúc nhé! Thân ái. Đông Trịnh
.
16/12/201716:47:54
Khách
Cam on tác gia chia sẻ một câu chuyện thật có hậu của con gái thuong yeu! Chúc bà và gia đình thêm nhiều ngày hanh phúc bên nhau!
15/12/201718:33:33
Khách
Một bài viết hay và cảm động. Cuộc hôn nhân của ái nữ với người Mễ, theo dòng thời gian trôi qua, đã có kết cục tốt đẹp. Chúc mừng cho tác giả.

Vì vấn đề khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ và phong tục, tôi sẽ buồn nếu con cái kết hôn với người thuộc sắc dân, quốc tịch khác. Và sẽ cảm thấy thật là bất hạnh nếu chúng lấy phải con cháu của " Giặc từ miền Bắc vô đây. Bàn tay dính máu dồng bào..." .
15/12/201716:04:47
Khách
Ai bảo ta ''mang con sang xứ người''. Xứ người con sống, cội nguồn con đâu? Mang con qua sống xứ người, nay, con đà khôn lớn, chim con bay rồi. Hoàn cảnh đất nước ta, thôi thì ai cũng biết, không bàn ở đây. Bài viết về vấn đề nầy có nhiều, còn lại để nhớ để ngâm(ngậm ngùi) , là bài viết ''bán bún riêu''. Tình cha mẹ cho con, khi mang thân viễn xứ, tuyệt vời ra sao !
Nay tác giả Đông Trịnh, lại cho chúng ta, hay nói đúng hơn, lại góp cho chúng ta, những bản tình ca của bậc mẹ cha, tuyệt vời. Thân người lớp trước, lót đường cho con.
Các con ơi, các con phải sống, cho thật hào hùng, cuộc đời các con, mà cha mẹ của chúng con, đã đem thân xác, trải đường cho con. Đâu là là cội, đâu là nguồn? Cái mà gọi là truyền thống và tập tục, mong rằng các con, xứ mới, cảnh đời mới, trăm ngàn hoa tía, trổ bông cho đời, nha tụi con .
Vậy mới là đáng sống một cuộc đời, mà thế hệ trước, trải đường cho con.
15/12/201715:05:36
Khách
Tình mẹ bao la là như vậy. Dẫu trong tình huống nào con vẫn là núm ruột của mình. Nuôi con khôn lớn mình phải tôn trọng quyền quyết đijnh của con trong vấn đề hôn nhân. Chúc chị một mùa giáng sinh thật nhiều hạnh phúc bên con cháu. Mong được đọc các bài kế tiếp của chị.
15/12/201713:03:07
Khách
Bài viết với mạch văn nhẹ nhàng, đều đều như ru nhưng làm rung động những cảm xúc thật sâu, tận sâu bên trong. Lòng mẹ cha bao la hải hà. Cho dù người đời có ruồng rẫy, khinh khi thì mẹ cha vẫn là nơi chốn cho con trở về, được ấp ủ như ngày bé thơ.
Không nhớ em đã đọc bài viết nào của chị chưa nhưng em thích bài này lắm. Chúc chị người-mẹ-hiền, cô con gái và cháu ngoại gái một mùa Noel bình an!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,509
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo