Hôm nay,  

Áo Đầm Trắng Gia Long

11/03/200900:00:00(Xem: 261869)

Áo Đầm Trắng Gia Long

Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2555-16208632- vb431109

Tác giả lần đầu viết về nước Mỹ bằng một truyện ngắn tình cảm: đôi bạn cũ Gia Long gặp lại nhau trong khu người già xứ Mỹ. Mong Mỹ Thanh tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.

***


Khu Eastside, "Khu người già"... Mị gọi đó là khu người già vì ngay từ ngày đầu đến ở bên cạnh khu này, Mị đã thấy các cụ già sinh hoạt ở đó. Có một điều gì thu hút sự chú ý của Mị ngay mà không sao giải thích được. Có lẽ đến một lứa tuổi nào đó, khi không còn trẻ trung gì nữa - dù có thể tâm hồn vẫn còn trẻ trung - con người ta dễ bắt được niềm đồng cảm với tuổi già, trong khi vẫn có thể hướng về và sống cho những người trẻ tuổi. Mị thường mỉm cười tự hỏi:
- Mình đã già rồi ư"...
Mà thật, đó chính là "khu người già".
Mị bắt đầu chú ý đến thành phần những người già đang sống và sinh hoạt ở đó. Người Việt có, người Mễ có, người gốc Âu châu, Á châu có... Đa số sống luôn trong các căn phòng xinh xắn của khu người già; một số ít thì sống ở nhà riêng, được con cái đưa đến mỗi ngày để sinh hoạt. Mị có thể nhìn thấy những buổi sáng sớm, khoảng 7 giờ, các cụ tập các môn thể dục dưỡng sinh, hoặc những buổi tối cuối tuần, các cụ tham gia sinh hoạt ca nhạc, khiêu vũ vui vẻ. Ấn tượng phần nào đã có trong đầu Mị về những "viện dưỡng lão" tạm lu mờ.
Hôm nay cũng theo lệ thường, sau giờ làm việc, Mị lại tản bộ vào khu người già, tìm một đôi phút thanh thản cái thanh thản khó có được ở tuổi của mình. Giờ này các cụ có lẽ đang dùng cơm chiều nên sân vắng tanh. Mị hít thở một hơi dài, tâm hồn như buông lỏng...
Có tiếng xe hơi dừng sau lưng Mị, rồi tắt máy, rồi tiếng cửa xe đóng lại. Mị không nhìn lại. Mị đã không muốn để tâm vào bất cứ điều gì vặt vãnh trong khi đang tìm sự thảnh thơi.
Như có một làn gió thoảng qua, rất nhẹ nhàng... đó là tiếng của một người phụ nữ đi qua. Mị đoán vậy, nhưng đoán thêm là đây không phải một người già. Bỗng nhiên, như một phản xạ, Mị quay lại nhìn. Người phụ nữ đã đi đến khúc quanh, bị che khuất bởi một giàn hoa. Mị chợt nghe như có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Điều gì vậy" Rồi cũng như một phản xạ, Mị chạy đến khúc quanh, nhìn cho rõ người phụ nữ ấy...
Mầu trắng. Mầu áo trắng. Mầu áo đầm trắng...
Áo đầm trắng Gia Long....!!!
***
Lớp 12A.... Gia Long.
Thầy giáo xếp chỗ cho Mị ở bàn đầu. Có lẽ thầy ưu tiên cho học sinh mới, hay là do Mị có vóc dáng nhỏ nhắn" Cũng có thể cả hai. Mị là học sinh mới, quá mới, bởi vì Mị là dân trường tư. Mị xin được vào học lớp 12 của trường sau khi thi đậu Tú tài Một hạng Bình. Và thế là Mị được nếm mùi học trường công một năm cuối trước khi rời ghế trung học.
Mị đã quen, trong những năm tháng học trường tư, ngồi một bên là nữ sinh, dãy kia là nam sinh. Tụi con trai thường phá như quỷ sứ. Con gái đằm thắm hơn. Nhưng quy củ của trường tư thường lỏng lẻo. Mị học ở những trường tư không có đồng phục. Ai muốn mặc gì thì mặc - áo trắng, áo mầu mè, áo dài hay đồ tây cũng được. Mị ao ước lắm được mặc chiếc áo dài đồng phục trắng. Và chỉ được, khi Mị đã vào trường áo trắng. Lần đầu tiên đứng chào cờ trong sân trường đầy áo trắng, lòng Mị rưng rưng cảm động.
Cũng không ngạc nhiên khi hàng ghế đầu chuyên dành cho các học sinh có vóc dáng nhỏ nhắn. Và cô bạn ngồi cạnh bên Mị có vóc dáng còn nhỏ hơn Mị nữa. Cô bạn đã tự giới thiệu mình:
- Mình tên Thu Thanh.
Và rất "kẻ cả", cô chìa bàn tay ra:
- Còn "ấy""
- Mị.
Mị không biết nói gì thêm. Hình như tất cả những chi tiết về Mị đã được các bạn trong lớp biết rõ hết. Ai cũng nhoẻn miệng cười với Mị nhưng ít ai nói chuyện. Cái lớp học này dường như chỉ chăm chú vào một việc, đó là học. Họ siêng học đáng nể. Họ ganh đua điểm với nhau, từng một phần tư điểm. Mị sợ quá. Ở trường tư Mị không phải cố gắng nhiều. Mị vẫn thường cao hơn bạn đứng kế hạng của Mị đến vài điểm. Ở trường này, các bạn chỉ cần một chút xíu là đã lên hạng hoặc tụt hạng một cách thảm khốc.
Thu Thanh ngồi cạnh Mị, nhưng cũng ít nói chuyện với Mị. Gương mặt thanh tú nhưng có một chút cương nghị. Mái tóc ngắn- kiểu tóc "bum-bê". Và với vóc dáng đặc biệt, Thu Thanh chỉ mặc áo đầm , chứ không phải áo dài như tất cả học sinh của trường nữ trung học này.
Trong lớp, Thu Thanh vẫn thường chia xẻ hạng nhất lớp với một cô bạn khác: Cẩm Tú. Hai bạn ganh đua nhau từng một phần tư điểm. Còn Mị, mặc nhiên và rất khiêm nhường, Mị chưa bao giờ leo lên đến hạng bậc ấy. Khác với lúc còn học trường tư, lúc đó Mị không phải vất vả gì hết. Mị tự nghĩ: Mình không chen đua gì ở đây. Nơi chốn này, phần nào vẫn còn xa lạ. Thế nhưng, đối với môn Triết học, không cố gắng nhưng Mị luôn luôn đứng hạng nhất.
Mị vẫn thường nể Thu Thanh do tính tình cương nghị của cô bạn, và mong muốn có được đức tính ấy, đức tính của một con người vượt lên số phận.
Thế nhưng một hôm, Mị tròn mắt nhìn thấy Thu Thanh khóc. Thu Thanh khóc nức nở... Giáo sư môn Vật Lý sững người. Các bạn trong lớp im phăng phắc.Còn Cẩm Tú thì đứng yên mà nước mắt rưng rưng. Trước đó đã xảy ra một việc: Thu Thanh và Cẩm Tú cùng điểm, theo lẽ sẽ đồng hạng nhất. Nhưng thầy Vật Lý, giáo sư hướng dẫn của lớp, không muốn theo tiền lệ đó nữa, nên quyết định chọn một trong hai người. Khi thầy tuyên bố Thu Thanh đứng hạng nhất, Cẩm Tú hạng nhì, Thu Thanh đã xin thầy cho biết lý do đưa đến quyết định ấy. Thầy không giải thích được, mà chỉ nói thầy muốn ưu tiên cho Thu Thanh. Điều thắc mắc của Thu Thanh không được thỏa mãn.Vậy là Thu Thanh khóc.


Trong sân trường đầy xác hoa phượng, Mị ngồi yên bên Thu Thanh. Sự im lặng làm cho Thu Thanh dịu xuống. Một lát thật lâu, thưởng thức hết cái êm dịu của không khí sân trường những ngày cuối niên học, Thu Thanh nắm tay Mị, giọng còn như nghẹt mũi:
- Mị ơi, Mị thấy rõ con người của mình rồi đó. Yếu đuối, nhỏ nhoi... Mình đã cố che giấu bao lâu nay, từ lúc mang cái hình vóc này.
Mị gật đầu, nói lí nhí:
- Mị hiểu lắm. Thu Thanh hãy kể đi, nếu coi Mị là người bạn thân.
- Năm lên ba, mình bị một tai nạn. Mình té cầu thang lầu, bị chấn thương ở sống lưng. Điều trị ở bệnh viện xong, tưởng là không còn di chứng gì. Ai ngờ nơi vết thương ở xương sống của mình, hoạt dịch tiếp tục tiết ra, làm thành một cái bướu không cách gì khống chế nổi. Mình buồn lắm, mặc cảm lắm. Vào trường, ba mẹ mình xin với cô Hiệu trưởng cho mình mặc áo đầm chứ mình không thể mặc áo dài. Mình đã cố gắng quên khuyết điểm bên ngoài của mình đi, và mình đã đạt được điều mình muốn, đó là học giỏi. Mình không chút ganh tị với Cẩm Tú, nhưng thật sự hôm nay giáo sư hướng dẫn làm mình đau khổ; thầy đã ưu tiên cho mình, đã thiên vị đối với mình, chỉ vì mình là đứa đáng thương hại. Chỉ vậy thôi!
Hai đứa ngồi yên lặng trên gốc cây phượng già chìa ngang như một băng ghế dài. Đàng xa, nơi hồ bơi nước trong xanh, còn vài nữ sinh tung tăng giỡn sóng nươc. Đôi mắt của Thu Thanh đã ráo hoảnh.
- Mị à, trong trường này, chỉ có hai đứa mình là không tham gia giờ học thể dục môn bơi lội: Mị thì mới vào, chưa từng học bơi nên được miễn. Còn mình thì là trường hợp quá đặc biệt....
Sau khi đậu Tú tài Đôi, Mị vào học Dược. Còn Thu Thanh vào Y khoa. Ước mơ của "Áo đầm trắng" là trở thành một bác sĩ.
***
Mị đã đến sau lưng người phụ nữ ấy. Vóc dáng quen thuộc. Áo đầm trắng..
Như linh cảm có người đi theo mình, người phụ nữ quay lại. Đôi mắt nheo lại sau cặp kính trắng. Ngỡ ngàng.
Mị nói trước:
- Thu Thanh...
Người phụ nữ hơi nghiêng đầu:
- Xin lỗi.. Tôi cũng thấy chị quen quen... nhưng...xin lỗi...trí óc kém quá, tôi chưa nhớ ra. Chị đừng giận...
- Thu Thanh, Mị đây mà. Lớp 12 A....
- Mị... Mị hả" Mình tưởng không còn gặp lại... Mị ở lại Việt Nam mà!
- Mị cũng không ngờ còn gặp lại Thu Thanh. Thu Thanh vẫn không thay đổi gì hết.
- Già đi chứ Mị. Còn Mị cũng không thay đổi.
- Làm sao không thay đổi"
- Nhưng chúng mình đã nhận ra nhau.
- Thu Thanh làm gì ở đây"
- Làm bác sĩ khám bệnh cho những người già. Còn Mị, đã trở thành dược sĩ hay nhà văn"
- Không là dược sĩ, cũng chẳng nhà văn. Bắt đầu lại hết.
- Mị sang đây bao giờ"
- Rất mới Thu Thanh ạ, chưa đầy một năm, quá trễ phải không"
- Không có gì là sớm hay trễ. Quan trọng là biết chấp nhận và tiến lên phía trước.
- Mình đi khi con mình sắp 21 tuổi. Anh chị bảo lãnh. Không còn cách chọn lựa nào hơn.
- Còn mình đi khi mình 21 tuổi. Di tản. Cũng không còn cách chọn lựa nào hơn.
- Đó chính là những cách chọn lựa.
- Đúng. Không ai có thể nói rằng mình đã không chọn lựa.
Hai người ngồi xuống một băng ghế đá. Gió chiều hiu hiu lạnh. Mị quàng tay qua sau lưng Thu Thanh. Vẫn bắt gặp chiếc bướu nhô lên sau làn vải áo. Lòng Mị chùng xuống xót xa. Dấu vết buồn của một đời người. Bao năm qua, cuộc sống dồn dập những sự kiện, Mị tưởng mình đã quên mất Thu Thanh. Nhưng bây giờ, Thu Thanh lại ngồi cạnh Mị như xưa, như những ngày trong lớp học, trong sân trường áo trắng.
- Lúc đó, Mị còn nhớ không, mình đã khóc vì rất giận thầy Vật Lý. Thầy thiên vị mình chỉ vì mình bất hạnh. Điều đó mình không chấp nhận được. Mình còn nhỏ, còn những tư tưởng cố chấp, đòi hỏi cái mà mình cho là công bằng theo kiểu mình nghĩ. Cho đến khi mình qua sống ở đây, mình hiểu ra rằng đời sống có những cái thiên vị cần thiết. Nó góp phần làm cho xã hội đẹp thêm.
- Còn Mị, trước khi đi bảo lãnh Mị đã từng sang đây làm việc. Có một trung tâm nghiên cứu y tế rất lớn, Trung tâm CDC ở Atlanta Georgia mà mình đã làm việc một thời gian, trong đó người ta có dành một số việc làm cho người mù, người câm điếc, người bại liệt, thậm chí người có vấn đề nhẹ về trí thông minh... Nhờ đó mà cuộc đời của tất cả mọi người đều thật đáng sống.
- Không ai có thể nói rằng mình đã không chọn lựa.
***
... Hai người bạn ngồi bên nhau cho đến khi trời tắt nắng. Tất cả chỉ là ôn lại những mẩu chuyện ngày còn ở trường xưa. Mị chưa hề hỏi gì về cuộc sống riêng tư của Thu Thanh. Mị sợ những động chạm, nếu có, sẽ có thể làm Thu Thanh tan biến đi như đã biến mất mấy mươi năm trước. Bởi Mị đã biết cô gái cương nghị đó vẫn mỏng manh như một sợi tơ.
Đèn đã lên từ những ô cửa sổ trong khu Eastside. Một chiếc xe tiến lại gần.
- Mình phải tạm biệt Mị thôi!
Mị và Thu Thanh đứng lên. Mị cảm giác có một sự ăn năn như chưa làm được một điều gì.
Thu Thanh nói:
- Mỗi ngày mình đều đến đây để săn sóc các cụ. Sẽ gặp Mị chứ"
- Có, có. Mị sẽ ra đây sau giờ tan sở.
- Mình muốn giới thiệu Mị với gia đình của mình.
- ...."""
- Chồng mình là phóng viên chiến trường của Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Anh ấy giải ngũ trở về Mỹ và gặp mình trong khi anh đi làm phóng sự ở trại tị nạn. Chúng mình cưới nhau mười năm sau đó, vì ai cũng có công việc riêng để lo. Mười năm là thời gian để làm bạn tốt.
- Chúc mừng Thu Thanh.
- Hai cha con họ đó!
Chiếc xe ban nãy đã tắt hẳn máy. Người đàn ông còn đang ngồi trong xe. Cô con gái đã ra khỏi xe, đi đến bên mẹ. Cô đoán Mị là người quen của mẹ, nên chuẩn bị chào. Cô mặc một chiếc áo đầm trắng với vóc dáng cao và thon mảnh, chiếc miệng cười tươi tắn và đôi mắt trong xanh. Cô mang hình ảnh của Thu Thanh ngày trước, nhưng là một phiên bản được gọt dũa bởi "sự thiên vị" của thượng đế.
Cam Li Nguyên Thi Mỹ Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,711
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.