Hôm nay,  

Đổi Đời: Anh Sáu "Toàng"

27/11/201700:00:00(Xem: 14847)
Tác giả: Hồ Nguyễn

Bài số 5277-19-31123-vb8112617

 
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.

doi dời 1 (1)

Anh chị Toàn và Hiếu  lúc mới đến Hoa Kỳ.

doi dời 2

Công Ty BT Plumping với đoàn xe sắp sửa khởi hành đi làm việc mỗi ngày.

doi dời 3

Hình ảnh anh Toàn, một diễn giả khóa lãnh đạo Leadership  trên tờ nhật báo tại Garden City, Kansas.


***
 

Người Kinh 5,  Rạch Giá, ai cũng biết gia đình bà Trịnh Thị Xuân. Anh Toàn là con thứ năm của bà, nhưng người miền Nam thì gọi anh là anh Sáu "Toàng".

Bà Cụ Xuân mới mất cách đây không lâu, thọ 102 tuổi. Hôm nghe tin bà bị bệnh tôi có viết tâm tình trên Face book như sau:

“Gia đình bà Xuân về Kinh 5  - tức “khu dinh điền Cái Sắn thuộc Kiên Giang - khoảng năm 1958. Lúc ấy  bà còn trẻ lắm, khoảng trên dưới 40 tuổi, nhưng đã là bà mẹ của đàn con 8 đứa.

Thuở sinh thời, bố tôi thường nhắc đến bà Xuân với lòng quí mến, kính trọng pha lẫn sự thương cảm, rằng: Tội nghiệp thân bà, mẹ góa con côi phải lam lũ vất vả. Ông khen bà ấy đảm đương, các con bà hiếu nghĩa, chăm chỉ rồi tiên đoán sau này các cô các cậu ấy sẽ thành đạt.

Có lẽ từ những lời của bố tôi mà tôi trở thành một thành viên (không chính thức) của gia đình bà.

Hồi còn nhỏ tôi với ông Chung Mốc là những người bạn rất thân, sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi của họ đạo, học chung trường đi về có nhau, phụ nhau trong công việc đồng áng, đi gác Nhân dân Tự vệ, soi ếch bắt cá những đêm mưa về.

 Tôi học chung với chị Thủy nhiều năm từ lớp 6 đến lớp 12.  Sau này chị Thủy là cầu nối kết hợp nhóm bạn học cũ trong sinh hoạt hàng năm.

Từ năm 75 tôi trở thành bạn của anh Tân Ngố và gắn bó với nhau từ ngày đó đến giờ. Tôi coi các anh chị lớn trong gia đình như chính những anh chị của tôi.

Lời tiên đoán của bố tôi ngày xưa quả không sai.  Dù xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, mẹ góa con côi, phải lam lũ vất vả trong việc đồng áng, kiếm được đủ ăn đã thật khó khăn, các anh chị lớn phải nghỉ học để làm việc phụ mẹ kiếm sống và lo cho các em nhỏ đến trường.

Rồi thời gian trôi qua, có lẽ vì lòng hiếu đạo, thương mẹ, thương bà gian nan vất vả nên khi có cơ hội được học, được làm việc thì các con, các cháu của bà đã nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, để hôm nay sau nửa thế kỷ đại gia đình bà được kể là một trong những gia đình gốc Kinh 5 thành công nhất trên quê hương mới.

Sự thành công mà chúng tôi nói đến không chỉ về kiếm tiền mà còn phải kể đến sự chia sẻ, đóng góp lại cho cộng đồng cả tinh thần lẫn vật chất. Sự thành công về tình đoàn kết thương yêu, biết kính trên nhường dưới, biết nâng đỡ nhau trong đại gia đình con cháu của bà.

Ơn trên không chỉ trả công ban cho bà được trường thọ, được thảnh thơi trong những năm cuối đời, mà còn ban cho bà được chan hòa hạnh phúc và an ủi khi nhìn đàn con cái, cháu chắt thành đạt và luôn thương nhớ đến người mẹ, người bà kính yêu, luôn quây quần đoàn tụ đầy đủ khi có dịp.

Hôm nay nghe tin bà lâm trọng bệnh, cầu xin ơn trên ban cho bà gặp thầy, gặp thuốc, được phục hồi sức khoẻ mà vui hưởng thêm với đàn con cháu, bằng không thì cầu xin Thượng Đế cho bà được bớt đi những sự đau đớn và ra đi yên bình trong lòng mọi người yêu dấu.

Xin cám ơn bà đã ươm trồng những hạt giống tích cực, tốt lành cho xã hội.

Đặc biệt xin tri ân bà đã ban cho chúng tôi những người bạn trung tín, thủy chung, đầy nghĩa tình mà hơn nửa thế kỷ qua đã đồng hành chia sẻ, nâng đỡ chúng tôi trong mọi hoàn cảnh của vạn nẻo đời.

Xin chia sẻ sự lo lắng đau buồn với các bạn, các anh chị và toàn thể thành viên gia đình bà Cụ Xuân.

Trân trọng.

Hồ Nguyễn

 

*

Năm 1960 khi tôi chập chững đến trường thì anh Toàng và người anh Cả của tôi đã lên Trung học. Nhà cách nhau có mấy căn lại học chung trường, chung đường đi lối về nên cũng dễ thân nhau.

Con nhà nghèo, gia đình anh phải di chuyến đi đó đi đây nhiều, việc học bị gián đoạn, trễ nải, nên hồi ở Trung học anh Toàn phải học nhảy lớp hai lần, bỏ lớp Đệ lục và lớp Đệ tam mới kịp tuổi thi Tú tài, với niềm hy vọng có thêm hiểu biết và đường sự nghiệp sẽ rộng mở ở tương lai. Nhưng chẳng may, cuộc chiến lan tràn, nên lớn thêm chút nữa thì các anh đã xa nhà, vào lính và phục trên khắp chiến trường miền Nam.

Anh Cả tôi cũng gia nhập Bộ Binh rồi tử trận ở Kiến Tường trong mùa hè đỏ lửa 1972.

Chiến tranh kết thúc, anh Toàn là Sĩ quan Không quân nên thời gian đi tù khá lâu. Phần tôi lớn lên sau cuộc chiến nên sau năm 75 còn được thảnh thơi bên ngoài để chạy vạy bán buôn kiếm sống.

Hơn 2 năm "tù cải tạo" anh trở về với thân hình xác xơ, không còn gì là hình ảnh người phi công oai hùng năm xưa. Anh được mẹ chia cho 2 công rưỡi ruộng như những anh chị em khác trong nhà.

Hồi năm 1954, khi thành lập Dinh điền Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang cho dân di cư từ Bắc vào, chính phủ của TT Ngô Đình Diệm đã cấp phát cho mỗi gia đình trên 4 nhân khẩu là một lô ruộng bằng 20 công (3 hecta), từ 3 nhân khẩu trở xuống thì nhận nửa lô bằng 10 công. Gia đình bà cụ Xuân về Kinh 5 vào năm 1958 nên phải mua đất chứ không được cấp phát như những gia đình khác.

Như vậy với 2 công rưỡi đất là rất ít, mà thời gian này nhà nước cộng sản còn bắt buộc nông dân phải đăng ký vào tập đoàn, vào hợp tác xã nông nghiêp...

Hình ảnh anh nông dân Sáu Toàng quần ống cao ống thấp khệnh khạng vác chiếc máy bơm nước Kohler 4 từ nhà ra cuối ngàn (1 cây số), mồ hôi nhễ nhại trông mới thê thảm làm sao!

Thật xui xẻo năm ấy (1978) đồng ruộng quê tôi bị ngập lụt, bao vốn liếng công lao đổ vào ruộng lúa cho đến gần lúc thu hoạch thì mất trắng.

Thuở vàng son anh Toàng cũng có vài ba mối tình. Sau năm 1975 lúc đi tù rồi có tin đồn: "Các pilot sẽ phải chuyển ra Bắc", có một cô be bé xinh xinh lặn lội xuống Kinh 5 tìm nhà bà Cụ Xuân thăm hỏi, rồi đi thăm nuôi anh những ngày hoạn nạn sau đó. Bà Cụ Xuân rất trân quí người con gái chung thuỷ như vậy, nên khi anh được thả về bà hối thúc anh cưới vợ. Anh thì chần chừ băn khoăn vì cuộc sống bấp bênh, một mình đã khó kiếm sống, có thêm gia đình biết lo toan thế nào? Đã vậy, nay công an xã kêu, mai huyện đòi lên trình diện, làm hết việc nọ đến việc kia...

Thời gian thấm thoắt trôi qua, anh chị em và bạn hữu cùng vun bồi để anh và chị Hiếu cưới nhau. Đám cưới nghèo, cô dâu từ Sàigòn đi xe đò về quê, nhưng mặt mũi xinh đẹp và tươi tắn, không đen đủi khô cằn như dân "ruộng" chúng tôi.

Sau đám cưới thỉnh thoảng tôi có dịp về quê, gặp anh khi thì cái vó nhỏ cất quanh bờ sông, lúc khác cầm cái chài kiếm mấy con cá lòng tong, cá linh, cá chạch... bên dòng nước phù sa vùng quê nghèo; còn chị tay xách cái thùng bằng nhựa đi theo lượm cá mà anh vừa chài được.

Thấy thê thảm quá tôi mới bàn cho chị đi ra ngoài thị xã Rạch Giá bán bánh mì với bà sếp nhà tôi. Anh chị đồng ý, tuy có kiếm được đồng ra đồng vào nhưng lại phải sống xa nhau. Rồi thời gian cũng dần trôi qua. Anh chị cùng một cháu trai đã thoát được trong chuyến tàu chật hẹp khốn khổ năm 1980.

Tôi đến Songkhla sau anh 2 tháng. Bước vào trại đã thấy anh đeo chiếc cặp đi lên đi xuống. Hình ảnh người nông dân cam chịu gian khổ đã biến đâu mất, thay vào đó là anh trường Ban Bưu tín của trại, nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc, cùng ban Đại diện trại chăm lo đời sống cho hàng chục ngàn dân ty nạn.

Anh chị cùng vài người bạn mở quán phở ở đầu Lô 6, còn chúng tôi bán cà phê ở đầu Lô 9. Một số đông anh chị em cùng quê trên hai chuyến tàu khốn khổ đó đã góp gạo nấu cơm ăn chung, trong những ngày âu lo nhưng đầy ắp ân tình này.

Thời gian thấm thoát trôi mau, anh chị qua trại Galang Indonesia trước khi được đi định cư ở Garden City thuộc tiểu bang Kansas, trong khi chúng tôi phải đi chuyển tiếp qua Bataan, Philipines.

Vừa đến Phi chúng tôi đã nhận được ngay tấm Money Order 50usd của anh gửi tới, kèm lá thư kể về đời sống mới của anh chị và thằng Chộp (con trai lớn) nơi quê mới, rằng:

Anh được hội USCC bảo trợ, thuê nhà cho ở, giúp đỡ một số phương tiện. Anh đã có việc làm ở hãng tư, làm ống nước lương $4.25/ giờ. Cái check đầu tiên được hơn 200 sau 2 tuần lễ làm việc. Nhưng đồ ăn thì rẻ lắm: Đùi gà chỉ $.29/lb, trứng có .25/doz., xăng .79/gl...

Thoáng cái mà đã ba mươi mấy năm trôi qua. Thời gian đầu, chị phải đi làm 2 jobs bán thời gian, vừa đi học vừa ...đẻ thêm 3 đứa con nữa, để sau 14 năm chị hoàn tất Thạc sĩ ngành Giáo dục. Hiện nay sau công việc dạy học ở nhà trường, chị về phụ anh trong việc điều hành công ty BT Plumping và quản trị hai công ty nhà, chung cư cho thuê mà anh chị đã xây dựng hoàn toàn mới những năm qua: HT Rental LLC One và HT Rental LLC Two.

Hình ảnh cô gái lếch thếch: bị, túi, dao, thớt...bán bánh mì năm xưa đã biến đâu mất, nay chỉ còn lại một người phụ nữ hiền hòa phúc hậu, sau công việc ở trường mau chạy  đến văn phòng làm các việc hành chánh cho công ty của gia đình, rồi trở về nhà khi cơm nước, lúc nâng niu những đứa cháu nội, ngoại rất dễ thương mỗi khi chúng có dịp gặp gỡ ông bà.


Thằng  Cộc, tức cháu Quốc Toàn, (trong hình) nay hiện là Senior Financial Analyst cho đại công ty tư vấn thị trường chứng khoán Netsmart Technologies và là chủ công ty  Tư vấn thuế vụ TN Tax Consulting,  và chủ công ty MWGT,LLC online Clasifieds/online Advertising

 

Các con của anh chi Toàn và Hiếu nay đã khôn lớn, có gia đình và sự nghiệp riêng. Giặc và Ngụy là nickname cuả hai cô con gái anh yêu thương, anh gọi vậy để biếm đời vì hồi trước Cộng Sản gọi anh là Ngụy và Giặc Lái.

Con Giặc: Nguyễn thị Phương Toàn,  thạc sĩ chuyên viên ung thư tế bào não bộ tại Chicago University Hospital.

Con Nguỵ:  Nguyễn thị  Bảo Toàn, thạc sĩ quản trị kinh doanh hiện phục vụ điều hợp hợp đồng cho Hải Quân và Dân Chính  Hoa kỳ taị Căn cứ Hải quân San Diego CA.

Các con anh đều mang tên Toàn: Quốc Toàn, Đức Toàn, Phương Toàn và Bảo Toàn. Phương Toàn, tên đứa con gái lớn  là bút hiệu anh thường dùng trên văn đàn. Bảo Toàn, tên đứa gái út, anh dùng để đặt tên cho công ty Plumbing là BT. Plumbing.

Phần anh, vừa làm vừa học ngay cái nghề của mình, dĩ nhiên là đồng lương sẽ thăng tiến theo sự hiểu biết chuyên môn và hiệu quả công việc anh làm. Ít năm sau anh đã thi lấy bằng Master Plumping rồi tự thành lập công ty BT Plumping Inc. rất nổi tiếng ở Garden City. Công ty anh làm chủ với hàng chục nhân viên chuyên môn, lái xe van, xe cẩu... phục vụ sửa chữa từ nhà ở đến việc thiết kế xây dựng hệ thống nước cho các building lớn nhỏ trong vùng.

Với cộng đồng cả Mỹ lẫn Việt, anh chị luôn sẵn sàng góp bàn tay xây dựng. Đây là một số vai trò mà anh đã góp công sức vào:

 Với cộng đồng xã hội Mỹ:

- Board director of Chamber Of Commerce of Garden City, KS.

-  Plumbing board of City Of Garden City, KS.

- Advisory board of First National Bank Of Garden City, KS

-  Advisory board of  Black Hill Energy of Southwest KS.

-  Đã làm hệ thống gas, nước miễn phí cho nhiều căn nhà mới xây ở GC cho người  nghèo trong chương trình Human Habitat do cựu TT Gerald Ford là Chairman.

- Giúp giảm giá tiền công hệ thống nước cho nhiều người Mỹ nghèo trong chương trình Cám ơn nước Mỹ.

 - Donate hoàn toàn miễn phí tiền công  và một phần vật liệu cho hệ thống Plumbing xây  cất ngôi Thánh đường Tin Lành taị GC.  Hôm khánh thành, một chức sắc cao cấp của Giáo hội Tin Lành Giới thiệu với mọi người về sự An Bài của Thiên Chuá như sau:

 - "Năm năm vừa qua tôi theo tiếng gọi của Chúa, rao giảng tin mừng cuả ngài đến những vùng hẻo lánh nơi xa xôi nghèo khổ, trên vùng Hoà Bình- Bắc VN, tôi có ngờ đâu, chính từ đất nước đó, Chuá đã âm thầm gửi đến quê hương tôi một đôi vợ chồng góp tay để dựng nên ngôi thánh đường này....."   

- Diễn giả khoá lãnh đạo Leadership và nhiều forumm khác.

Phục vụ Cộng đồng VN:

- Cựu chủ tịch CĐ CG VN tại GC KS

- Cựu PCT hội Cựu QN VNCH GC KS

- Cưụ PCT Cộng đồng VN taị Garden City KS

- Nguồn vui thú của ông này cũng rất đặc biệt, ngày xưa thì cất vó, quăng chài...còn bây giờ thích bắn ngỗng trời, săn vịt, săn nai...

- Anh cũng là người viết rất quen thuộc trên diễn đàn Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, với bút danh Phuơng Toàn.

Sự thành công của anh chị Toàn-Hiếu, và anh Tân- Điểm (người em kế), còn là nền tảng, nhịp cầu để những thành viên khác trong đại gia đình con cháu Ba Cụ Xuân vượt thoát chế độ Cộng Sản đến bên bờ tự do và nhiều người rất thành công ở các nơi họ định cư.

Trong số 8 người con của bà cụ Xuân hiện nay đã có 6 gia đình định cư ở Hoa Kỳ hoặc Úc Đại Lợi. Con cái họ một số học hành thành đạt, phần còn lại kinh doanh đủ mọi ngành nghề: Xưởng may, nhà hàng, xây dựng, những tiệm làm móng tay với qui mô lớn có hàng 30-40 thợ, lanscaping. Một số ít đi làm công nhân ở Boeing, nhân viên chính phủ, tóm lại là đủ mọi ngành nghề. Không chỉ thành công trong sự nghiệp mà họ còn chia sẻ những thành quả ấy với cộng đồng xã hội bằng đủ mọi hình thức.

Điều này không chỉ đúng trong hoàn cảnh thuận lợi, mà còn được thấy ngay trong những lúc khó khăn nhất.

Chuyện nhà cô Nguyễn Thị Thu Hương, một cháu ngoại bà Xuân, cho thấy sức chịu đựng và vươn lên của các các thế hệ kế tiếp.

Cô Hương là con chị Tư Lan, tức Đường, tức Yêm. Khi miền Nam đổi chủ thì ba cô, 1 thuỷ thủ của Hải Quân VNCH đem gia đình về quê ngoại. Nhà đông con nên Hương không được học lên Trung Học.

Dần dà, các chị em khác trong nhà thì từng nhóm, từng nhóm đã ra đi theo những chuyến tàu do người cùng quê, hay chính chú bác trong gia đình tổ chức, hầu hết đã định cư bên Úc.  "Phần cô phận gái chữ tòng/ Lấy chồng ắt phải theo chồng mà thôi". Gia đình nhỏ của cô cũng rất muốn đi để cứu chữa cho thằng con lớn bị bịnh sốt tê liệt. Sau đó chắc tại vì thiếu thốn, vì thiếu phương tiện chữa trị nên đôi chân cháu cứ teo dần, teo dần rồi không đứng lên được nữa. Nhưng việc ra đi cứ trầy trượt mãi, lúc phải  chờ để kiếm thêm tiền, lúc tổ chức gần xong thì chồng bị bắt... Nhưng cuối cùng rồi họ cũng đến được bến bờ tự do vào năm 1989.

Thật không may, họ đến sau ngày 14/3/89, quốc tế đã đóng cửa các trại tị nạn theo bộ luật mới. Dù bị rớt thanh lọc đợt một rồi đợt hai, họ vẫn quyết tâm chờ đợi với niềm hy vọng mong manh sẽ được định cư ở một đất nước tự do nào đó.

Mòn mỏi đợi chờ với biết bao cơ cực ở Mã Lai trong suốt 7 năm, đã không được đi định cư thì chớ, cô còn gặp một cháu bé có  hoàn cảnh kém may mắn hơn: Mẹ cháu bị ung thư và mất khi cháu mới được 9 tháng. Suốt những ngày mẹ cháu bị bịnh, cô đã hết lòng chăm sóc cho bà, rồi khi khi bà qua đời, cô đã nhận cháu làm con và dưỡng nuôi trong hoàn cảnh khó khăn này.

Rồi trại Sungai Besi phải đóng cửa, những người tị nạn trên đó bị cưỡng bách trở về Việt Nam, bao nhiêu hy vọng cuối cùng tan theo mây khói.

Nhưng hình như Trời cao còn ghé mắt trông xuống, hai năm sau gia đình cô được cứu xét và cho đi định cư tại Seattle thuộc tiểu bang WA.

Giấc mộng đến Mỹ của cô đã thành tựu. Việc đầu tiên là đem đứa con lớn đi chữa trị bịnh bại liệt cho cháu. Quả thật nhờ nền y học tân tiến, sự chăm sóc chu đáo, tận tình của các bác sĩ và cả ý chí rèn luyện bản thân của cháu bé, cộng với nỗ lực của gia đình mà sức khoẻ của cháu thăng tiến dần. Cháu Đỗ Duy (nay là Andy Đỗ) chấp nhận đau đớn lúc phải mổ xẻ, mài sụn đi và kiên trì luyện tập để tự mình đứng lên, bước đi tuy chưa được ngay ngắn như người bình thường, nhưng ít nhất cũng không cần nạng hay gậy chống.

Nói về ý chí, cháu không cho mẹ nhận tiền trợ cấp vì mình bị tàn tật, mà cố gắng vừa làm vừa học. Sau Trung hoc cháu đi học fulltime và làm việc fulltime, nhiều khi học xong cháu phải đi xe bus hai ba chục dặm để đến chỗ làm, để sau khi ra trường thì không vướng mắc nợ nần.

Nay thì cháu Andy Do đã làm việc cho Microsoft được mấy năm, có nhà, có xe với mức lương năm hàng trăm ngàn.

Cháu thứ hai tên Đỗ Quốc Dũng, nhưng có nick name là thằng Rụt. Hồi sinh ra bố cháu đang ở tù, nhà lại túng thiếu cơ cực nên nuôi mãi mà cháu không lớn, cứ ròn và bé như củ khoai. Hiện nay tuy vẫn bé con nhưng rắn chắc, nghị lực phấn đấu cũng không kém người anh, tốt nghiệp trường đào tạo Police Academy, văn võ song toàn và đang làm việc tại sở cảnh sát Seattle.

Còn con "Phò" tên thật là Diệp thị Hạnh, người con gái cô nhận nuôi nay cũng đã xong 4 năm đại học ngành kế toán. Cháu đang cố hoàn tất bậc cao học để tấm bằng có giá tri hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Hai người anh đã khuyến khích và nâng đỡ đễ cô em đạt đươc nguyện ước.

Cô Hương vẫn còn băn khoăn vì chưa "được gả chồng" cho cháu để hoàn thành lời hứa năm xưa với mẹ ruột cháu. Rằng: Tôi sẽ thương yêu, chăm sóc cho nó như chính con tôi.

Phần cô Hương, lăn lộn với nhiều công việc: đầu tiên đến may tại shop chúng tôi, đi học rồi đi làm cho môt hãng điện tử. Có lúc đang làm thì bị thương ở bàn tay, phải khâu cả mấy chục mũi, phải nghỉ làm ra mở tiệm giặt. Nay đang làm việc cho hãng máy bay Boeing là một trong những hãng lớn có nhiều quyền lợi nhất thế giới.

Thật không may gia đình cô cũng không hoàn toàn hạnh phúc, cô đã chia tay với chồng, nhưng cô cảm thấy an bình với hoàn cảnh hiện tại, với các con cái hạnh phúc, thành đạt và với tuổi già đang đến gần.

Từ một thôn nữ trong xóm nghèo, cảnh đời lắm éo le. Nhờ tấm lòng và nghị lực, cô đã được ơn trên thêm sức vượt bao gian khổ. Được đất nước Hoa Kỳ đón nhận vào và cho gia đình cô những cơ hội. Nay cô càng tin tưởng vào câu nói "Ở hiền găp lành" và mãn nguyện với những mơ ước ngày xưa nay đã thành sự thực.

Ôn lại chuyện hai thế hệ con cháu cụ bà Xuân, tôi cứ thắc mắc: Cũng những con người ấy tại sao họ bị chà đạp, hắt hủi rồi sống những năm tháng cùng cực, khốn khổ trong lòng đất mẹ, trên chính quê hương mình. Rồi khi họ được sống tự do, họ đã thay đổi hoàn toàn, không chỉ thăng tiến bản thân, gia đình mà họ còn đóng góp xây dựng cho cả cộng đồng xã hội nữa.

Hai chữ Tự Do đúng là nhiệm mầu mà tại sao nước VN không làm được?

Hồ Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
20/12/201721:55:40
Khách
Cô Janet ở chợ đầu Kinh 5 Tân Hiệp chớ đâu. Cô không phải là dân gốc ở đây mà là theo cha mẹ về sau năm 1975. Cha cô là cựu chiến sĩ VNCH. Khi vượt biên qua tới Mỹ, gia đình có mở shop may ở miền Nam Cali. Tác giả Hồ Nguyễn sẽ còn kể cho chúng ta nghe về nhiều người nữa. Hy vọng ông kể về chính bản thân mình. Chỉ sợ ổng vì khiêm nhường mà tránh không nói thì uổng quá.
05/12/201723:27:09
Khách
Tác giả Hồ Nguyễn nầy ở đâu Kiên Giang vậy ta? Sau mà viết nhiều về dân Kiên Giang thành công ở xứ người . Mới tháng trước tôi đọc câu chuyện của gia đình ở Tri Tôn , nay đến gia đình anh Toàn kinh 5 sau mà biết nhiều người vậy, U Minh , Hà Tiên , Đầm Sào , Bải Ớt dân ở đâu cũng biết có phải là B 2 ( I mean as a joke , don't take serious.) Vậy Mr. Đoán coi Thượng Nghị Sỹ Janet Nguyễn ở đâu KG( Nhìn mặt trong giống người Hoa) chắc ở Tà Niên. Còn double 0 7 Tiến Sỹ Quân ở kinh mấy? Mr viết về những người cùng quê 2 bàn tay trắng làm nên sự nghiệp thấy mà ham. Nếu lần sau có viết về người KG 2 bàn tay trắng làm nén nợ nần tôi cho tên của tôi.
28/11/201721:44:36
Khách
Tôi quen với gia đình bác Xuân những năm còn nhỏ tí. Đó là tình thân thông gia giữa hai nhà của bác trai tôi. Mỗi lần có dịp xuống kênh 5 chơi, tôi thường chạy qua, chạy lại giữa hai nhà như một sự tự nhiên, như trong dòng họ vậy.
Bẵng đi một thời gian dài tôi không qua lại lên xuống kênh 5 như thời tôi còn nhỏ. Bỗng dưng tôi được gặp lại anh chị Tân tại nhà anh chị Chung ở Thủ Đức nhờ chuyến về thăm Mẹ chồng và họ hàng của chị họ tôi còn ở lại quê nhà. Tôi lại được sống vui vẻ,hạnh phúc chân thành trong tình cảm hiếu khách của gia đình bác Xuân.
Thiệt là một sự thiếu sót rất lớn nếu tôi không đọc được bài viết của tác giả Hồ Nguyễn về Anh Sáu Toàng. Đồng nghĩa tôi chẳng biết một tí xíu gì về gia cảnh thời xưa cũng như hiện tại của các thành viên trong gia đình của bác Xuân.
Tôi thiệt sự xúc động và cảm phục tấm lòng Nhân Ái đối với tha nhân của các thành viên nhiều thế hệ trong đại gia đình của bác Xuân. Thành Đạt và Thành Công trong cuộc sống hiện tại nhưng đại gia đình luôn sống tôn ti trật tự kính trên nhường dưới thương yêu, đoàn kết đùm bọc chia sẻ lẫn nhau. Và luôn chung tay góp sức, góp của để làm đẹp cho đời.
Kính xin Thiên Chúa chúc Phúc lành và ban bình an xuống đại gia đình bác Xuân.
Cám ơn tác giả Hồ Nguyễn rất nhiều.
28/11/201715:12:59
Khách
Một bài viết hay thuật lại những gương thành công của những người Mỹ gốc Rạch Giá.

Khi người lạ hỏi tôi là người nước nào, tôi luôn trả lời rằng là người Việt tỵ nạn ở Hoa kỳ- chớ không phải là người Việt từ Việt nam đang bị đô hộ bởi lũ giặc Cộng sản mọi rợ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến