Hôm nay,  

Ngày Ông Bà

09/11/201700:00:00(Xem: 11435)
Tác giả: Lê Nguyễn Hằng

Bài số 5264-19-31108-vb5110917

 
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.  Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với  bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.

 
***


Vừa nghe tiếng chuông cửa, tôi vội choàng chiếc khăn len vào cổ, lấy cái ví xách tay rồi ra chào đón chị Xuân, thông gia của gia đình tôi. Hôm nay hai chúng tôi cùng nhau đi tham dự Ngày Ông Bà ở Trường Tiểu Học Nordstrom dưới Morgan Hill cách nhà tôi khoảng 30 dặm.

“The Grandparents Day” là một ngày lễ hàng năm rơi vào chủ nhật đầu tiên sau lễ Lao Động, mục đích là để vinh danh ông bà nội ngoại, cho ông bà có cơ hội bày tỏ tình thương đối với những đứa con của các con mình và cũng giúp cho các cháu biết được sức mạnh, sự hiểu biết, hướng dẫn và dìu dắt mà người lớn tuổi có thể truyển cho giới trẻ.

Ngày lễ này không có mục đích để bán thiệp, hoa hay qùa cáp. Tuy nhiên cũng có nhiều người mừng ngày này bằng cách cho các cháu gửi thiệp, tặng quà và có thể mời ông bà đến trường để cùng tham gia một vài chương trình đặc biệt với cháu.

Ông Bà là cái gạch nối với quá khứ vừa qua. Dù họ là ông bà ruột thịt, hay là những người thay thế, điền vào chỗ trống trong xã hội di động ngày nay, thế hệ lớn tuổi này cũng cung cấp cho xã hội một sự nối kết với di sản và truyền thống của đất nước.

Chúng ta đều biết rằng nhờ trải nghiệm cuộc sống nên ông bà lịch lãm và khôn ngoan. Họ thường cởi mở trong sự yêu thương, hướng dẫn và làm bạn với giới trẻ mà không bị ràng buộc về trách nhiệm hàng ngày như bố mẹ, họ dễ dàng thừa nhận sự sai lầm của mình với các cháu hơn là với các con khi xưa. Lúc còn trẻ họ thường bắt con cái làm theo ý mình dù con không muốn, đến tuổi già họ lại rộng lượng, dễ dãi với cháu hơn và sẵn sàng chiều ý cháu, cho cháu tự lựa chọn để cháu được hạnh phúc, nhờ thế các thế hệ trở nên gần gũi nhau hơn.

Hai năm vừa rồi tôi, đã đi đến trường này dự lễ cho 2 đứa cháu ngoại, nhưng đây là lần đầu cho chị Xuân vì trước đây chị còn bận đi làm.

Nhờ khởi hành sớm lúc 7 giờ sáng nên đường xá thênh thang. Tuy chúng tôi nói chuyện rôm rả nhưng chị Xuân vẫn trầm tĩnh, thong thả lái xe êm như ru trong khi trời còn thoang thoảng mù sương.

Con trai của chị Xuân cưới con gái của vợ chồng tôi đã hơn hai chục năm, những buổi họp mặt chung của hai gia đình như lễ Tết, giỗ chạp, sinh nhật… hai chúng tôi đều bận rộn với con cháu, không lúc nào có thì giờ nói chuyện lâu, nên chúng tôi nhân lúc ông xã tôi bận đi gặp mặt các bạn cựu sinh viên cùng trường, còn anh thông gia không được khoẻ, chị Xuân và tôi quyết định cho hai ông chồng ở nhà để bà nội và bà ngoại có dịp tâm tình với nhau.

Vừa kể lể hết chuyện công ăn việc làm, chuyện con cháu, chuyện cơm nước, chuyện ăn mặc, chuyện tập thể dục, chuyện bệnh tật của người già, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất là chúng tôi vừa xịch tới cổng trường và may mắn tìm được một chỗ đậu xe không xa lắm.

Thân già da cóc, chúng tôi đi bộ lọc cọc vào văn phòng của trường để ghi danh lấy bảng tên rồi đi ngay đến giữa sân trường nơi các em học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 đang xếp hàng rồi lần lượt nối đuôi nhau tụ họp ở Lion Zen Assembly. Bà Hiệu Trưởng và các thầy cô giáo cũng lên đứng trên sân khấu, rôi bà ra lệnh cho các em ngồi xuống và im lặng.

Tôi nhìn ngắm đám học trò ngây thơ, trong đó có cả hai đứa cháu ngoại của tôi, ngồi nhấp nhô dưới đất. Những thiên thần bé bỏng này là nguồn sống của quốc gia, là tinh hoa của đất nước, mặt mày sáng sủa, tươi tắn, vô tư cười đùa, không một nét lo toan sầu não. Nhìn các cháu, tôi tin là cuộc đời này, tương lai hưng thịnh của dân tộc này nằm trong tay các con đó.

Nhưng bức tranh tuyệt vời này cũng khiến tôi nhớ tới tấm hình của mấy cháu nhỏ bên Việt Nam, mặt mày lem luốc, quần áo nhàu nát, trong những lớp học ở một làng xã nhỏ xa xôi đang ngồi dưới đất làm bài và những em ống quần xắn cao, đội áo và túi ni lông sách vở trên đầu, lội nước qua sông đến trường đi học, thật là hai bức tranh tương phản, nghĩ mà đau lòng!

Tiếng bà Hiệu Trưởng cất lên ngỏ lời chào đón ông bà, phụ huynh học sinh và mọi người tham dự đưa tôi về thực tại. Rồi bà nói về National Grandparents Day, tiếp theo bà tường thuật về một chương trình phát thưởng trường đã đề ra để khuyến khích các em có hạnh kiểm tốt và làm những điều đáng khen ngợi. Các em đó sẽ được cô, thầy phát cho một tờ giấy ghi công trạng gọi là “paws.” Sau khi nhận được một số paws thì sẽ có thưởng, niên khóa vừa rồi thì phần thưởng là được dự buổi “dance party”, năm sau có thể là một buổi “reading party”. Năm ngoái trường đã phát ra hơn 4 ngàn paws và chỉ tiêu cho năm nay là 5 ngàn paws và bà giáo tin tưởng họ sẽ đạt được con số đó, như vậy là học trò mỗi năm làm nhiều điều tốt đẹp hơn.

Sau đó, các ông bà được hướng dẫn đến lớp của cháu mình. Chị Xuân và tôi rảo bước đến lớp của cháu Ben. Vừa đến cửa đã thấy bà giáo Goble ra đón chúng tôi, bà bắt tay tôi và nói liền:

Ben là đứa cháu thứ ba của bà học lớp tôi nên tôi nhận ra bà ngay. Tôi nhớ bà là bà ngoại của Sophie Trần, học lớp tôi hai năm trước, và năm vừa rồi là Nicholas Unger.

Vâng đúng thế. Nhớ lại năm ngoái bà không đoán ra Nicholas cũng là cháu ngoại của tôi vì cái tên Mỹ của nó, thêm nữa cháu giống bố nhiều hơn nên da trắng, mắt xanh và chỉ giống con gái tôi thoáng qua thôi.

Thật vậy. Bà Goble gật đầu.

Mấy đứa cháu tôi thật là có phước lắm mới được vào lớp của bà. Bạn của con gái tôi nói với con tôi hôm tựu trường rằng trông bồ vui thế chắc thằng Ben được học lớp bà Goble phải không, bà thấy chưa? Tôi nói.

Tôi rất cảm động, xin cám ơn. Bà Goble nhoẻn miệng cười.

Tôi nhớ lại năm ngoái, cũng như thường lệ, bà Goble tổ chức Grandparents Day vào dịp lễ Giáng Sinh vì bà nghĩ thời gian đó đài phát thanh và truyền hình mở nhạc Noel suốt ngày, tâm hồn mọi người đều vui vẻ hướng về ngày lễ hội thì buổi họp mặt sẽ rộn ràng, nhộn nhịp hơn.

Hôm đó, khi tất cả các học sinh đã về chỗ ngồi rồi thì bà giáo bảo học trò giới thiệu cho mọi người biết về ông bà mình.

Cháu Nicholas đã chỉ vào tôi và nói:

- This is my Bà Ngoại. (Ở nhà các cháu vẫn gọi tôi như thế)

Cả lớp trố mắt nhìn không hiểu.

Cháu tôi chữa lại:

- Oh, this is my Grandmother, her name is Hang Le.

Rồi cháu nói thêm:

- Bà ngoại tôi lúc nào cũng bảo tôi phải ăn nhiều cho chóng lớn, phải chăm chỉ học hành và nhất định phải trở thành một công dân tốt.

Cả lớp vỗ tay hoan hô khuyến khích.

Khi thấy một em bé gái ngồi lẻ loi, hỏi ra thì biết đó là Alysia, không có ông bà đến dự nên vợ chồng tôi nhận Alysia là “cháu nuôi” luôn.

Bà giáo Goble bảo học sinh phỏng vấn ông bà của mình và ghi vào giấy những điều như: ngày sinh của Ông Bà, nghề nghiệp trước đây và hiện tại, khi ÔB bằng tuổi cháu bây giờ thi ÔB ở đâu, học trường nào, thích và ghét môn học gì, có được bảng danh dự không, khi lớn lên muốn làm nghề gì, tại sao… Ông xã tôi trả lời tất cả những câu hỏi của Nick, còn tôi cũng làm như vậy với Alysia.

Chúng tôi thấy ý tưởng này rất hay vì bình thường chẳng mấy khi các cháu biết ông bà mình ngày xưa làm nghề gì và ước vọng ra sao. Ngồi trả lời như tâm sự với nhau khiến ông bà và các cháu cảm thấy gần gũi thông cảm nhau hơn.

Bà Goble còn chiếu slide show về lớp học, hình của học sinh chụp chung với gia đình có cả ông bà, cha mẹ, các em nhìn thấy ảnh của mình trên bảng cũng hơi bẽn lẽn.

Rồi các cháu trong những bộ quần áo có hình ảnh của ngày Christmas rất dễ thương, xếp vòng tròn vỗ tay vừa đi vừa hát những bài Giáng Sinh, ông bà cũng hát theo nên thật hào hứng, sôi nổi.

Sau đó chúng tôi ăn bánh Noel, uống nước táo, rồi chào hỏi, chúc tụng, ôm nhau trước khi chia tay. Vài tuần sau bà Goble gửi cho chúng tôi thư cám ơn và hình ảnh chụp chung với Nicholas và Alysia.

Hôm nay Ben, đứa cháu thứ ba của tôi. giới thiệu chúng tôi như sau:

- Đây là Bà Nội của tôi tên Xuân Trần, người đã sinh ra Ba tôi. Còn đây là Bà Ngoại tôi tên Hằng Lê, người sinh ra Má tôi. Tôi yêu thương cả Bà Nội và Bà Ngoại tôi rất nhiều.

Chị Xuân và tôi nhìn cháu  một cách trìu mến và hài lòng. Sau đó bà giáo cho học trò cùng với ông bà chơi trò bingo, tìm những hình ảnh trên tờ giấy hợp xứng với lời miêu tả của bà giáo, ai trúng nhiều nhất được giải quán quân. Thật là một ngạc nhiên lý thú về sự thông hiểu của các cháu.

Cuối cùng bà giáo và học trò ngỏ lời cám ơn các ông bà đã đến trò chuyện, vui chơi với các cháu.

Trên đường về tôi thấy lòng vô cùng hứng khởi vì vừa được tham dự vào một phần nhỏ nhoi của cuộc đời cháu tôi. Trong tôi văng vẳng bài “Học Sinh Hành Khúc” của nhạc sĩ Lê Thương đã nghe rất nhiều lần thuở còn cắp sách đến trường:

 
Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.

Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…(1)

 
Lê Nguyễn Hằng

 
(1)Học Sinh Hành Khúc của Lê Thương.

 

Ý kiến bạn đọc
11/11/201720:48:03
Khách
Một bài viết rất hay về cái gạch nối từ đời ông bà đến con cháu.
Cảm ơn chị Hằng, chúc chị cuối tuần vui vẻ với các cháu.
11/11/201717:10:57
Khách
Xin cám ơn chị Thanh Xâm và chúc chị cùng gia đình một cuối tuần vui khỏe.
09/11/201718:41:37
Khách
Bài viết rất xúc tích đã nói lên được tầm quan trọng vô cùng cao quý của những người cao niên, những bậc ông bà đã nuôi con khôn lớn, đựng vợ, gả chồng nhưng vẫn không quên trách nhiệm của mình với giới trẻ, những bậc con cháu để tạo niềm tin, tình thương và hy vọng cho mai hậu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến