Hôm nay,  

Nhật Ký Đi Tìm Bạn Rùa

28/09/201700:00:00(Xem: 12912)

Nhật Ký Đi Tìm Bạn Rùa
Tác giả: Lê Tấn Phước

Bài số 5229-19-31072-vb5092817
 

Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy,"  “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
 

***
 

Thứ Hai, ngày 10/10/ 2016
 

Như mọi ngày, khi nhà tôi và tôi xuống đến bãi biển Ala Moana, Honolulu, thì trời vẫn còn đang tối đen, nhìn không rõ bàn tay. Nhờ ánh đèn đường vàng vọt, chúng tôi lần mò xuống gần mé nước.

Nhà tôi mang áo phao vào người, rồi xuống tắm trước; còn tôi làm những động tác cho ấm người và đi bộ trên cát khoảng ba mươi phút, rồi cũng mang áo phao lội xuống nước.

Khi tôi xuống nước, thì trời cũng đã ửng sáng chút ít. Nhờ áo phao, nên tôi thả mình nổi bập bềnh trên mặt nước, rồi chầm chậm bơi ra hướng rặng đá nằm chắn ngang mặt nước ngoài xa.

Tôi đoán đây là rặng đá nhân tạo, trải dài theo bờ biển và cách bờ cát khoảng hai trăm thước. Rặng đá có chỗ nhô cao lên khỏi mặt nước, có chỗ chìm dưới mặt nước khoảng một thước. Có lẽ người ta đổ đá tạo ra một bờ chắn, không cho các loại cá lớn, như cá mập, vào gần bờ gây nguy hiểm cho người tắm.

Tôi bơi gần tới rặng đá, thì thấy một cái đầu trồi lên, rồi lặn xuống, cách tôi khoảng hai chục thước. Tôi ngừng bơi, định thần nhìn kỹ. Cái đầu lại trồi lên, rồi lặn xuống, lần nầy gần tôi hơn. Tôi hoảng hồn, vội bơi vào bờ. Tôi bơi ngửa, nhìn về phía sau, để có thể quan sát con gì đang bơi theo mình.

Khi cái đầu trồi lên lần thứ ba, thì tôi có thể hình dung đó là đầu con rùa, to hơn một nắm tay người lớn. Tôi bớt sợ hơn, nhưng vẫn tiếp tục bơi nhanh vào bờ,rủi nó đớp bậy một phát thì... mất giống.

Con rùa trồi đầu lên lần thứ tư, rồi lần thứ năm, vẫn bơi theo tôi cách khoảng mười thước. Vậy là tốc độ bơi của tôi bằng tốc độ của con rùa.

Đến khi tôi vào gần đến bờ, thì con rùa lặn mất tiêu, không thấy trồi đầu lên nữa. Có lẽ nó đã bỏ cuộc.

Tôi kể chuyện con rùa cho mấy người bạn cùng tắm nghe. Họ xác nhận đó đúng là con rùa. Nó cũng từng bơi theo họ cho tới khi nghe tiếng động lớn hoặc tới gần bờ, thì lặn mất.

Bỗng dưng tôi thấy có cảm tình với con rùa nầy, và tôi quyết đi tìm nó, làm bạn với nó. Còn nó có coi tôi là bạn hay không, thì tôi không chắc.
 

Thứ Ba, ngày 11/10/ 2016
 

Hôm nay tôi rất háo hức đi tìm bạn rùa của tôi. Nhưng dù háo hức đến mấy đi nữa, tôi vẫn phải tập thể dục trên bờ cho đủ sở hụi trước đã. Vả lại, trời cũng vẫn còn tối; có gặp nhau chăng nữa, chưa chắc đã nhận ra nhau.

Khi tôi đang đi bộ trên cát, thì thấy một dáng người nhỏ nhắn từ dưới nước đi lên bờ. Dù vẫn chưa nhìn rõ mặt người, nhưng tôi đoán đó là người đàn bà gốc Đài Loan. Vợ chồng tôi quen bà nầy  khi còn tắm ở bãi tắm Magic Island, cách chỗ nầy khoảng một cây số.

Trước đây, chúng tôi thích tắm ở bãi tắm Magic Island vì đó là một vũng nước hìnhvòng cung, rộng khoảng nửa cây số, bên ngoài người ta đổ đá chặn ngang từng đoạn để cản cá lớn và sóng to. Tắm ở đây thấy rất an toàn, và cũng rất thích vì mặt nước biển phẳng lặng như mặt nước hồ thu.

Sáng nào cũng vậy, chúng tôi thấy một người đàn bà mặt đồ tắm đi từ đầu bãi đến cuối bãi, lượm rác trên bãi biền, rồi bỏ vào thùng rác trước khi xuống tắm. Nếu ở nơi nào cũng đều có những người ý thức giữ gìn vệ sinh chung như vậy, thì đường sá, công viên, bãi biển... sẽ sạch đẹp biết bao! Vợ chồng tôi cảm phục bà ấy, cũng bắt chước đi lượm rác, coi như đi bộ tập thể dục.

Sau một thời gian, chúng tôi làm quen, thì được biết bà ta là người Tàu gốc Đài Loan. Bà đi tắm một mình, từ lúc mặt trời chưa ló dạng, hầu như quanh năm, kể cả vào mùa đông. Bà bơi rất giỏi. Xuống nước là bà bơi ra xa, rồi bơi một vòng khoảng hơn nửa tiếng, xong là lên bờ. Có lẽ nhờ tắm biển đều hằng ngày như vậy nên thân hình bà rất thon gọn.

Vợ chồng tôi ngưng tắm biển một thời gian vì đi vacation và cũng vì lười. Đến khi đi tắm lại, nhà tôi chọn bãi tắm Ala Moana, gần chỗ có cây đa cổ thụ, vì có vòi nước ngọt để tắm lại ngay sát bờ biển.

Ở bãi tắm mới nầy chúng tôi gặp lại người đàn bà Đài Loan. Bà cho biết bà cũng thích chỗ nầy hơn Magic Island. Và bà cũng xuống tắm từ rất sớm, còn sớm hơn cả chúng tôi.

Hôm nay khi tôi còn đang đi bộ tập thể dục, thì bà đã tắm xong, đang lên bờ. Chúng tôi trao đổi vài câu chào hỏi, rồi đường ai nấy đi. Thấy bà lúc nào cũng vui vẻ và nhanh nhẹn.

Khi trời đã sáng tỏ chút ít, tôi đeo áo phao xuống nước. Tôi bơi vội ra chỗ đã gặp bạn rùa hôm qua, gần cuối rặng đá.

Bơi đến cách rặng đá khoảng hai mươi thước, tôi thấy bạn rùa trồi đầu lên. Mừng quá, không ngờ có thể gặp bạn dễ như vậy! Mình không báo trước, không điện thoại và không ca nhắn tin, vậy mà bạn rùa đã chờ mình sẵn. Quý hoá biết bao!

Tôi thả đứng người, bơi nhẹ về hướng bạn rùa, cố gắng không gây tiếng động.

Bất ngờ có một chiếc thuyền nhỏ do mấy thanh niên chèo đến, thế là bạn rùa lặn mất tăm, không thấy xuất hiện nữa.

Tôi kiên nhẫn bơi vòng tới vòng lui, vòng hẹp rồi lại vòng rộng, vẫn không thấy bạn rùa đâu.

Đến khi thấy nhà tôi đã lên bờ, tôi đành bơi vào. Tôi bơi vào, nhưng nằm ngửa bơi lui, mắt nhìn về rặng đá, cầu may có thể nhìn thấy bạn rùa xuất hiện trở lại.

Nhưng bạn rùa đã không xuất hiện lần nào nữa, dù chỉ một lần. Người sao vô tình quá đỗi!
 

Thứ Tư, ngày 12/10/2016
 

Cứ mỗi lần sắp đến chỗ đậu xe, nhà tôi đều hỏi: “Bà Tàu đến chưa?”

Nhìn qua mấy chiếc xe, thấy xe mang ba số cuối “600”, là tôi biết bà ấy đã đến rồi. Tắm sớm vắng người, nên khi gặp hoài bà Tàu, tự nhiên chúng tôi thấy như có một sợi dây vô hình liên kết với bà ấy.

Phật dạy, kiếp nầy gặp nhau, là do chúng ta có duyên nợ từ kiếp trước. Có lẽ bà Tàu với chúng tôi quen nhau từ kiếp trước, nên khi gặp lại, chúng tôi dễ kết thân hơn.

Tôi nghĩ, nếu kiếp trước có duyên với nhau, thì kiếp nầy sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho nhau; còn nếu kiếp trước có nợ với nhau, thì kiếp nầy sẽ làm khổ nhau.

Nói vậy không có nghĩa là, khi gặp một người nào đó, mình cứ làm khổ người ta, rồi bảo rằng tại họ có nợ với mình. Phật mà nghe lý luận như vậy, Phật cũng bó tay. Việc của mình là cố sống như thế nào để có thể gieo duyên cho những kiếp về sau.

Vừa bước xuống xe, nhà tôi co ro nói: “Hôm nay gió quá, lạnh quá! Thôi; em khỏi tắm. Anh tắm đi!Em nằm trên xe ngủ tiếp.”

Tôi cũng thấy lạnh, nhưng vì muốn gặp bạn rùa, nên tôi xách khăn tắm và áo phao xuống biển.

Hôm nay gió nhiều và lạnh thật. Tôi làm các động tác khởi ấm mà chẳng thấy ấm chút nào. Tôi đi bộ trên cát lâu hơn mọi ngày, thấy đỡ lạnh hơn một chút.

Tôi lội xuống nước. Khi đến gần rặng đá, tôi bơi tới bơi lui, mắt căng ra nhìn tứ phía. Bạn rùa ơi, bạn đâu rồi? Where are you? Không có tiếng trả lời, mà cũng khôngthấy bóng dáng bạn ấy đâu.

Đang mải mê tìm kiếm bạn rùa, bỗng chân tôi đụng phải vật gì, khiến tôi hoảng hồn. Bà con ai tắm biển đều biết, đang bơi mà đụng phải vật gì, thì tim như muốn thót ra khỏi lồng ngực.

Tôi vì mải lo tìm bạn rùa, không để ý là đã bơi quá sát rặng đá, nên đụng phải đá ngầm bên dưới. Tôi thấy đau rát. Vậy là bị đá cứa chân rồi.

Chân tôi có cái lạ là, mỗi khi bị rách da, thế nào cũng để lại một vết nám đen. Hai bắpchân của tôi hiện giờ chi chít các vết nám đen trên da, trông giống như những bông hoa nhỏ. Hôm nay chân tôi mọc thêm vài bông hoa nữa.

Phần bị rát chân, phần bị lạnh, phần không nỡ để nhà tôi nằm chờ lâu trên xe, tôi bèn lội vào bờ.

Vậy là hôm nay tôi không gặp được bạn rùa của tôi. Hay là duyên giữa bạn rùa với tôi chỉ có ngần ấy thôi?
 

Thứ Năm, ngày 13/10/2016
 

Hôm nay, thức dậy vào khoảng bốn giờ sáng, tôimở iPad ra đọc tin tức trên mạng. Tôi chợt bắt gặp một bức hình thật đẹp.

Bức hình chụp một ngôi làng nhỏ miền quê, nằm dưới chân núi. Những mái nhà xam xám xen lẫn những tàng cây xanh xanh, in bóng trên mặt nước. Mặt nước phẳng lì như gương, không một chút sóng gợn. Xa xa là rặng núi chìm trong mây mù của một sáng đầu ngày mùa thu.

Bức hình thấy yên bình làm sao, tĩnh lặng làm sao. Ngôi làng thấy hiền hoà làm sao, dễ thương làm sao.

Bức hình thấy tĩnh lặng và yên bình thật, ngôi làng thấy dễ thương và hiền hoà thật, nếu ta không thấy mực nước đã dâng lên đụng tới mái nhà. Nước lênh láng khắp nơi. Nước từ đầu làng đến cuối làng. Nước ngập tràn đến tận chân trời xa xa.

Những mái nhà in bóng trên mặt nước thấy đẹp thật, nếu ta không biết rằng những mái nhà đó là những ngôi mộđang chôn sống những người không kịp chạy thoát khi nước lũ tràn về.

Mặt nước phẳng lặng thấy yên bình thật, nếu ta không biết rằng trước đó chính lượng nước nầy đã ào ào tràn xuống, cuốn đi bao nhiêu là tài sản, trâu bò, heo gà, và cả mạng sống của con người.

Bức hình nầy sẽ đẹp biết bao nếu nước gôm về thành một con sông nhỏ chạy ven theo chân núi, nếu có những con đường đất nhỏ chạy ngoằn ngoèo giữa làng, và nếu phía chân trời xa là những thửa ruộng vàng ánh màu lúa chín.

Tôi đã để óc tưởng tượng đi quá xa thực tế. Thực tế là, có những làng quê ở các tỉnh miền Trung đang bị nhấn chìm dưới làn nước lũ. Thực tế là, có mấy chục người đã bị nước lũ cuốn trôi. Thực tế là, có hằng ngàn gia đình đã mất trắng hết tài sản; cuộc sống vốn cơ cực, nay trở thành bế tắc. Thực tế là, có những em nhỏ, khi được hỏi ước muốn gì nhất, thì trả lời là muốn được ăn cơm. Và thực tế là, Linh Mục Trần Chính Trực, ở Quảnh Bình, đã phải mua nợ mì tôm và nước uống để phát cho những người bị kẹt trong vùng lũ lụt.

So với chuyện cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở quê nhà, thì chuyện tôi đi tìm bạn rùa thật là vô nghĩa, thật là “rỗi hơi.”
 

Thứ Sáu, ngày 14/10/2016
 

Hôm qua không đi tìm bạn rùa, nên hôm nay tôi rất háo hức khi bước chân xuống bãi biển. Như mọi ngày, tôi tập thể dục và đi bộ khoảng nửa tiếng trước khi xuống nước.

Trong khi đi bộ trên bãi cát, tôi để ý thấy có một chiếc lều nhỏ của người homelessdựa sát vào vách tường của lối đi dành cho người đi bộ.Trong cảnh tranh tối tranh sáng, cộng thêm bóng đen của những tàng cây, hình ảnh của chiếc lều thấy cô đơn, lạnh lẽo, và tội nghiệp làm sao!

Lúc mới đến Mỹ, tôi cứ thắc mắc, Mỹ giàu như vậy, viện trợ cho nước nầy nước nọ cả khối tiền, mà sao không nuôi dân mình, để họ phải đi ngủ bờ ngủ bụi?

Và tôi cũng lấy làm lạ, họ là người Mỹ, nói tiếng Mỹ như gió, mà sao không tìm được việc làm, không nuôi nổi bản thân, để ban ngày thì đứng các ngả tư đường hoặc đi lang thang xin tiền, còn ban đêm thì ngủ dưới các gầm cầu, trong công viên, trên bãi biển?

Homeless là một vấn nạn xã hội có lẽ sẽ chẳng bao giờ giải quyết được. Mà không giải quyết được, một phần, cũng do bản thân của những người homeless. Phải chăng đó là cái nghiệp?

Dù gì đi nữa, khi thấy những người homeless xin tiền, tôi vẫn động lòng, vẫn cho tiền. Họ có thể dùng tiền tôi cho để mua bánh mì, hoặc cũng có thể để mua cần sa, nhưng đó là việc của họ, không thể vì vậy mà tôi lơ được. Mỗi khi vì lý do nào đó mà tôi không cho tiền được, thì sau đó tôi thấy áy náy vô cùng.

Giờ đây, mỗi vòng đi bộ ngang qua lều của người homeless, tôi lại thấy thương cảm vô cùng. Thương cho kiếp người lênh đênh, thương cho phận đời không may, và thương cho cuộc sống cô đơn, lạnh lẽo.

Khi trời đã bắt đầu ửng sáng, tôi mang áo phao lội xuống nước, đi tìm bạn rùa của tôi.

Tôi bơi thẳng một mạch ra rặng đá, vừa bơi vừa quan sát phía trước để tìm kiếm bóng dáng bạn rùa.

Đang bơi, tôi chợt nhìn sang trái, thì thấy bạn rùa cũng vừa hụp đầu xuống, cách tôi chừng năm thước. Có vẻ như bạn ấy đang nhìn lén tôi, đến khi tôi bắt gặp, thì xấu hổ quay mặt đi, trốn mất.


Chẳng lẽ sau khi nhìn thấy dung nhan của tôi, thì bạn rùa “khinh”, bỏ đi một mạch, không lời từ giã?
 

Thứ Bảy, ngày 15/10/2016
 

Hôm nay, khi đang đi bộ trên cát dọc theo bờ biển, tôi để ý thấy một đôi chim nhỏ chạy sát bờ nước kiếm ăn.

Chúng nhanh nhẹn, chạy thoăn thoắt. Một con chạy lên trước khoảng một thước, mổ mổ tìm thức ăn trên cát; rồi con kia lại chạy lên trước, cũng khoảng một thước, đứng lại, mổ mổ tìm thức ăn. Có vẻ như chúng chờ nhau, không con nào chạy quá xa con kia.

Trong cái tất bật của việc kiếm ăn, hình như có một sợi giây vô hình nối liền hai con chim với nhau, không con nào rời bỏ con nào, quá xa.

Tôi bỗng dưng thấy thương hai con chim nhỏ đó. Thương sự quyến luyến, sự đùm bọc, sự thuỷ chung của chúng. Chắc chắn là chúng sẽ không bao giờ bỏ nhau.

Tôi rất quý mến và rất cảm phục những cặp vợ chồng già còn kề cận hú hí bên nhau. Và tôi rất tiếc khi nghe tin một cặp nào đó đường ai nấy đi.

Hai người gặp nhau, rồi yêu nhau. Yêu nhau, rồi lấy nhau. Lấy nhau, và muốn sống mãi mãi hạnh phúc cùng nhau.

Nếu hai người có thể chèo chống con thuyền hôn nhân vượt thác, xuống ghềnh, lúc nào cũng cùng nhau vững chèo vững lái, dù có khi bị trầy vi tróc vảy, nhưng lúc nào cũng mãi mãi hạnh phúc bên nhau, thì đẹp biết chừng nào, quý biết chừng nào.Nhưng nếu vì lý do nào đó mà không cùng nhau đi trọn đường đời, thì hai người coi như hết duyên hết nợ. Buồn thì có buồn đó, nhưng biết làm sao? Nhưng thật ra, chỉ buồn khi chia tay vì hết duyên; chứ chia tay vì hết nợ, thì coi như là một sự giải thoát.

Hai con chim nhỏ chạy nhanh hơn tôi đi bộ. Chúng vẫn líu ríu bên nhau, thoăn thoắt bên nhau, xa dần về phía trước. Thấy thương làm sao!

Đi bộ xong, tôi lội xuống nước.

Tôi bơi lại chỗ bãi đá ngầm, hy vọng sẽ gặp bạn rùa ở đây. Vẫn không thấy bạn rùa đâu. Tôi bơi đến sát bãi đá, bị đá cắt chân hai lần, cũng không thấy tăm hơi của bạn ấy.

Nhìn về phía Waikiki, thấy mặt trời đã lên, tôi bơi vào bờ. Vậy là bạn rùa đã không chịu gặp tôi rồi. Buồn.

Tôi buồn, vì sau khi nhìn thấy dung nhan của tôi, bạn rùa đã lặn mất tăm hơi. Có lẽ từ nay về sau nên dùng thành ngữ “chim bay, rùa lặn” để mô tả “nét đẹp” của những người không-còn-trẻ như tôi.
 

Thứ Năm, ngày 20/10/2016
 

Khi hôm, bỗng dưng tôi nhớ đến ánh mắt đã ám ảnh tôi suốt hơn hai mươi năm nay. Đó là ánh mắt của vợ một người bạn thân. Người bạn nầy là giáo sư tại Nha Trang trước năm 1975.

Sau khi định cư tại Mỹ năm 1980, tôi bắt được liên lạc với anh bạn; anh ở Van Nuys, còn tôi ở El Monte, cùng thuộc vùng Nam California, cách nhau khoảng bốn mươi lăm phút lái xe.

Khi anh mời vợ chồng tôi đến nhà chơi, đó là lần đầu tôi gặp mặt vợ con anh. Chị vợ diệu hiền, nấu ăn ngon. Hai đứa con ngoan và học giỏi; đứa lớn là trai, đứa nhỏ là gái.

Những năm sau đó, thỉnh thoảng hai gia đình chúng tôi thăm qua thăm lại, ăn uống cùng nhau, và cùng nhìn hai đứa con của anh lớn dần theo thời gian.

Bỗng một hôm, tôi nghe tin sét đánh, là đứa con trai của anh chị bị bắn chết.

Thằng bé vừa tốt nghiệp trung học, đang chuẩn bị lên đại học, tương lai tươi sáng rộng mở phía trước. Vậy mà chẳng ngờ tai họa lại ập đến, chẳng những cướp đi sinh mạng của thằng bé, mà còn lấy đi niềm vui và lẽ sống của gia đình anh bạn.

Số là, tối hôm đó, thằng nhỏ đi dự party chia tay với bạn học, trước khi mỗi đứa mỗi nơi vào đại học. Trên đường về, thằng bé ghé vào đổ xăng ở trạm xăng dọc đường, và bị bắn chết tại đó. Cho đến nay, cảnh sát cũng chưa tìm ra thủ phạm, và cũng không biết rõ nguyên nhân thằng nhỏ bị giết.

Khi đi dự đám tang, tôi thấy chị vợ anh bạn ôm quan tài con trai khóc thảm thiết, ai cũng mủi lòng.

Đến khi người ta đẩy quan tài vào lò hỏa táng, chị bạn cố bám víu quan tài, không muốn rời ra.

Lúc bấy giờ tôi thấy ánh mắt chị nhìn theo quan tài thật bi thương, không thể nào tả nổi.

Làm sao tôi có thể tả được nỗi đau đứt từng khúc ruột của người mẹ trong giây phút tử biệt đứa con trai yêu quý của mình!

Làm sao tôi có thể tả được sự hốt hoảng của người mẹ khi biết rằng buông tay ra khỏi quan tài là sẽ vĩnh viễn xa con!

Làm sao tôi có thể tả được nỗi bi ai của chị bạn trong từng tiếng nấc khi biết rằng từ nay sẽ không còn bao giờ nghe được tiếng nói tiếng cười của con!

Và chắc chắn là, cũng sẽ không có tài tử điện ảnh nào có thể diễn tả được ánh mắt đầy bi thương đó.

Ánh mắt của chị bạn đã ám ảnh tôi suốt hơn hai mươi năm nay. Và ánh mắt đósẽ còn ám ảnh tôi dài dài.

. . .
 

Mấy ngày nay vợ chồng tôi đổi lại đi tắm chiều. Vào buổi chiều, khi nào có gió lớn, thì sóng lớn; khi nào gió nhỏ, thì sóng nhỏ. Dù sóng lớn hay sóng nhỏ, tôi cũng chẳng thấy bạn rùa xuất hiện lần nào.

Bạn rùa ơi, cớ sao bạn lại không chịu gặp tôi? Bạn đang giận hờn gì tôi chăng?
 

Thứ Bảy, ngày 22/10/2016
 

Sáng nay mưa lâm râm. Vừa mở cửa xe, gió lạnh ập vào, khiến nhà tôi vội đóng cửa xe lại. Nàng nói chắc nịch: “Em không tắm đâu. Lạnh lắm!” Vậy là tôi lủi thủi xách áo phao xuống biển một mình, quyết đi tìm bạn rùa.

Sau khi đi bộ thấy rịn mồ hôi, tôi mặt áo phao, lội xuống nước. Tôi bơi thẳng ra rặng đá. Sau mấy lần gặp bạn rùa, tôi đã có thể định vị được chỗ ở của bạn ấy. Đó là vùng đá ngầm nằm ở cuối rặng đá nhân tạo.

Tôi cẩn thận bơi sát bãi đá ngầm, đưa chân dò tìm nơi có nhiều rong biển thì đứng lên. Nước ngang tới bụng. Tôi dạng hai chân đứng trên đá, hai tay quạt nước lấy thăng bằng khi bị sóng xô đẩy, người lắc lư giống như đang đứng trên xe buýt.

Và bạn rùa đã xuất hiện, cách tôi chừng ba thước. Tôi ngồi thụp xuống nước, hai tay khua nhè nhẹ, ở yên một chỗ.

Một phút sau bạn rùa lại trồi đầu lên, vẫn ngay chỗ cũ. Tôi gần như nín thở, cố gắng không gây tiếng động.

Vài phút sau bạn rùa lại trồi lên nữa, chừng khoảng ba giây, rồi lặn xuống, cũng cùng một chỗ. Hình như bạn ấy có vẻ quen với sự hiện diện của tôi.

Và rồi bạn rùa lại trồi đầu lên, gần hơn một chút. Có vẻ như bạn ấy muốn nhìn tôi cho rõ. Không biết bạn rùa có nhìn rõ tôi không, chứ tôi thì tôi thấy rõ cả mắt của bạn ấy. Đừng hỏi tôi mắt bạn rùa có đẹp không vì tôi sẽ không trả lời đâu. Tôi chỉ có thể nói như thế nầy, từ xưa nay người ta thường tả đôi mắt người con gái đẹp như mắt bồ câu, chứ không ai nói đẹp như mắt rùa.

Cứ thế, bạn rùa trồi lên hụp xuống cách tôi khoảng ba thước, như muốnlàm quen, như đùa giỡn... Tôi chợt nhìn xuống hai đùi mình, thấy trắngngần lấp lánh trong làn nước, trắng không thua đùi của nữ hoàng nội y Ngọc Trinh.

Hay là bạn rùa đang chiêm ngưỡng cặp đùi của tôi?
 

Chủ Nhật, ngày 6/11/2016
 

Chiều hôm qua ông anh rể từ Cali gọi tôi, giọng sụt sùi trong nước mắt, rằng thấy tội cho bà chị tôi quá vì anh ấy đã quyết định để cho chị ra đi.

Chị tôi mất đã hơn tám tháng nay. Mỗi lần nhớ đến chị, ông anh rể lại gọi cho tôi, vừa để tâm sự, cũng vừa để tìm sự ủng hộ tinh thần cho quyết định của anh ấy. Lần nào anh ấy cũng sụt sùi, giọng nói đứt quãng, pha lẫn một chút nhớ thương, một chút luyến tiếc, và một chút ray rứt. Khôn nguôi.

Anh ray rứt vì anh là người quyết định để cho chị tôi ra đi.

Chuyện là, chị tôi bị đột quỵ (stroke), hôn mê sâu. Đưa vào nhà thương, bác sĩ nói là cơ hội hồi phục rất mong manh. Chị còn thở được là nhờ máy trợ giúp.

Hai đứa con gái của chị, vì thương mẹ, đã yêu cầu bác sĩ cứu chị bằng mọi giá. Trước tình hình đó, ông anh rể không thể làm gì hơn, đành chiều theo ý muốn của hai cô con gái.

Bác sĩ mở hộp sọ của chị, hút máu đọng trong não, nhưng chị không tỉnh lại được.

Trong gần hai năm trời, chị nằm lây lất từ bệnh viện qua nhà thương đặc biệt hospice, rồi về nhà. Tay chân co quắp. Vẫn không tỉnh lại.

Trong gần hai năm đó, gia đình của ông anh rể tôi bị stress trầm trọng. Hai cô con gái ân hận là đã yêu cầu bác sĩ cứu chị với bất cứ giá nào. Tụi nó không lường trước được là cái giá phải trả vượt quá khả năng chịu đựng của gia đình.

Cuối cùng, theo lời cố vấn của bác sĩ, ông anh rể tôi đã quyết định để chị ra đi. Lần nầy thì không có đứa con nào phản đối. Chịu đựng gần hai năm trời là quá đủ đối với tụi nó.

Người đáng trách trong chuyện nầy là chị tôi.

Trước đó, hai vợ chồng chị tôi có nhờ luật sư làm Living Trust để phân chia tài sản sau khi ra đi. Trong hồ sơ Living Trust có tờ giấy Advance Health Care Directive ủy quyền cho người nào đó quyết định thay mình về việc điều trị cho mình trong trường hợp mình không quyết định được.

Có lần hai chị em nói chuyện với nhau, chị ngỏ ý là đến lúc phải ra đi, thì chị muốn ra đi nhẹ nhàng, nhanh chóng, không muốn sống lây lất đày đọa thân mình và làm khổ gia đình.

Nếu chị ghi điều đó vào tờ Advance Health Care Directive và ủy quyền cho ông anh rể được toàn quyền quyết định, thì chị đâu phải chịu khổ sở trong gần hai năm trời, và giờ đây ông anh rể tôi đâu phải ray rứt mỗi khi nghĩ lại chuyện chính mình đã quyết định cho chị ra đi.

Nhắc lại chuyện chị tôi khiến lòng tôi thấy buồn quá, không còn hứng thú kể chuyện tìm bạn rùa nữa.

 

Thứ Năm, ngày 10/11/2016

 

Tôi đã kể về ánh mắt của người mẹ đứt ruột nhìn con trong giờ tử biệt. Hôm nay, tôi xin kể về ánh mắt của người chồng xót xa nhìn vợ. Đó là ánh mắt của Tổng Thống Bill Clinton.

Bà Hillary Clinton đã mất ghế tổng thống vào tay ông Trump trong một cuộc bầu cử mà nhiều cơ quan truyền thông nghĩ rằng bà sẽ ăn chắc; ngay cả ban tham mưu của bà cũng đã khui champagne uống mừng khi chưa hết giờ bỏ phiếu.

Nói vậy để thấy rằng bà Clinton đã đau biết dường nào khi bị thua ngược. Bà đau đến nỗi không thể xuất hiện ngay trong buổi tối của ngày bầu cử để đọc diễn văn chấp nhận thua cuộc, dù bà đã gọi điện thoại chúc mừng ông Trump. Bà cần thời gian để lấy lại bình tĩnh.

Bà Clinton đã đợi đến ngày hôm sau để đọc diễn văn trước những người ủng hộ mình. Bà đã lấy lại được bình tĩnh. Bà đã chế ngự được cảm xúc của mình. Nhưng ông Clinton thì không.

Ông Clinton đứng sau lưng vợ, mắt nhìn vợ đầy xót xa. Miệng ông mím lại, như mếu. Hơn ai hết, ông biết vợ mình đã cố hết sức để tỏ ra tỉnh táo. Ông biết bà đã gồng mình đến mức cuối cùng. Và ông thấy thương bà quá đỗi, tội cho bà quá đỗi. Ông nuốt ngược nước mắt vào trong.

Ông Clinton nhìn vợ không rời. Ngay giây phút nầy đây ông chỉ còn biết trước mắt ông là người vợ đáng thương biết chừng nào, tội nghiệp biết chừng nào. Phải chi ông có thể đau cho nỗi đau của bà.

Ánh mắt của ông nhìn bà tràn đầy thương cảm, tràn đầy xót xa.

Khi bà đọc xong bài diễn văn khó khăn nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của bà, thì ông mỉm miệng cười. Ông hãnh diện về người vợ tài ba của mình.

. . .

 

Hôm trước, được nhìn tận mặt bạn rùa, nên sáng nay tôi rất háo hức, tin rằng thế nào bạn ấy cũng sẽ ấy chờ đón mình. Nhưng tôi không thấy bóng dáng của bạn rùa đâu cả.

Tôi cẩn thận đi trên bãi đá ngầm, lựa chỗ có rong bước tới. Tôi đi tới đi lui. Vẫn không thấy bạn rùa đâu.

Bỗng một cơn sóng lớn ập tới, xô tôi ngã sấp trên bãi đá ngầm. Đầu gối tôi đập mạnh vào đá, đau rát. Tôi vung chân đứng dậy, lại đạp trúng đá nhọn, đau rát.

Vậy là tôi đã bị đá cứa vào đầu gối và bàn chân. Không biết nặng nhẹ thế nào, tôi vội bơi vào bờ.

Lên bờ, tôi thấy đầu gối bị hai vết cứa, dài khoảng ba phân; còn lòng bàn chân thì bị một vết cắt dài khoảng hai phân.

Mấy hôm trước, một người bạn biết chuyện tôi đi tìm bạn rùa đã hăm he tôi là, coi chừng đá cắt chân, cấm khóc. Lần nầy bị đá cắt chân khá nặng, tôi không khóc, nhưng tự nhủ với lòng là không đi tìm bạn rùa nữa.

Bye bye bạn rùa của tôi.
Lê Tấn Phước

Ý kiến bạn đọc
28/09/201722:50:20
Khách
Lần sau tui ráng tránh đọc phần dưới...bỏ mạng qua đây tìm tự do...gặp lúc thiên hạ tự do bầu cho thằng mất zạy ...buồn hơn là tác giả mất mu ...rùa...

Xin cám ơn tác giả ..hoàn kiếm ;-)
28/09/201715:28:44
Khách
To Hùng Lê - Trong quyển nhật ký của tác giả, Thứ Năm ngày 10/11/2016, có nhắc tới tên thần tượng của người đọc. Vậy nhân tiện người đọc viết vài hàng ca tụng thần tượng của mình để tỏ lòng kính trọng và hâm mộ.

Giản dị chỉ có vậy chứ có gì mà không hiểu.

P.S: Chuyện nhỏ đã vậy thì khi gập chuyện lớn chắc bị "đâu cái điền".
28/09/201714:26:37
Khách
Kiên nhẫn đọc hết bài, vẫn chưa hiểu ý tác giả...
Lại càng không hiểu ý kiến của khách "nate the Great" vừa nêu: không ăn nhập gì đến đề tài, chỉ như một kẻ mê sảng.... Đề nghị người phụ trách và tòa soạn cũng nên xem sơ qua một chút trước khi cho ý kiến xuất hiện để tờ báo thêm phần giá trị.
28/09/201708:47:45
Khách
Đối với người đọc, những thành quả rực rỡ của TT thứ 45 trong 250 ngày vừa qua, Donald J Trump rất xứng đáng là TT của chúng ta và hy vọng Ngài sẽ đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa để tiếp tục thực hiện, cho bằng được, 4 trong hàng trăm giấc mơ vĩ đại mà Ngài ấp ủ từ lâu: Make America Great Again (MAGA), Repeal and Replace Obamacare, bỏ tù H. Clinton và Build the Wall.

P.S: Khi những giòng chữ này được viết, TT D. Trump còn lại 1209 ngày cho nhiệm kỳ thứ I.

Sao thời gian trôi qua cứ như là rùa bò í làm cho người đọc sốt ruột quá.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,059,391
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Như mọi năm, báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút được nhiều độc giả yêu mến.
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuiất 2018.
Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả có nhiều bài viết đạt số lượng người đọc, trên dưới một triệu.
Nhạc sĩ Cung Tiến