Hôm nay,  

Trong Vòng Tay “Yêu Ma”

24/09/201700:00:00(Xem: 12860)
Trong Vòng Tay  “Yêu Ma”
Tác giả: Gió Đồng Nội

Bài số 5226-19-31069-vb8092417


Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.

***

Tháng 9, Cả Hoa Kỳ đang bận tâm lo cứu trợ nạn nhân bão lụt Harvey ở Houston, Texas chưa xong thì tin khí tượng cho biết có đến 3 cơn bão Irma, Jose, và Katia sẽ liên tiếp theo nhau kéo vào Florida. Tin bão làmdân chúng vùng biển Đại Tây Dương và vùng Vịnh Mễ Tây Cơ lo lắng.

Thật ra thì năm nào cũng thế, mùa bão bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11. Tính trung bình có khoảng 10 trận bão phát xuất từ Đại Tây Dương. Phần lớn tự tan ngoài biển, phần thổi vào đất liền sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng cũng như tài sản vật chất của con người. Biển Đại Tây Dương (Atlantic) lớn thứ nhì trên thế giới; bao gồm luôn những vùng biển Caribbean, vịnh Mễ tây Cơ, vịnh St Lawrence, biển Đen…

Khí hậu của vùng biển Đại Tây Dương và các miền đất đối diện, chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ của mặt nước, của nguồn nước biển, và của những luồng gió thổi ngang mặt nước. Vì năng lực hấp thụ sức nóng của đại dương quá lớn nên khí hậu thay đổi theo mùa rất thất thường. Đại dương là nguồn năng lượng chính của độ ẩm trong không khí khi nước bị bốc hơi. Hơi nước bốc lên cao thành Mây. Mây gặp khí hậu tùy theo độ lạnh trên cao sẽ đổ xuống thành Mưa, Tuyết, hay Mưa Đá. Vùng khí hậu tùy thuộc vào cao độ. Vùng khí hậu ấm nhất giãn nở ngang Atlantic, Bắc của đường xích đạo. Vùng khí hậu lạnh nhất là nơi cao nhất, bao phủ bởi biển băng đá. Giòng nước biển góp sức trong việc điều khiển khí hậu do sự di chuyển nước ấm và nước lạnh từ vùng này sang vùng khác. Các miền đất đối diện bị hậu quả bởi những luồng gió ấm hoặc lạnh khi thổi qua những vùng nước ấm hay lạnh này.

Do nội lực (inertia force) sinh ra, nước biển vùng Bắc Atlantic di chuyển theo chiều kim đồng hồ, trong khi nước biển vùng Nam Atlantic đi ngược lại (ngược chiều kim đồng hồ), tạo ra Bão. Bão bắt nguồn từ hướng Nam của Biển Bắc Atlantic. Khi Gió mang theo Mây và Sấm Sét với vận tốc gió là 38 mph hay 33 kt (1 kt = 1 Knot; 1 Knot = 1 nautical mile per hour) được coi là bão nhẹ hay còn được gọi là Tropical Depression. Vận tốc gió từ 39 đến 73 mph (mile per hour) xem là bão nặng hay Tropical Storm. Khi vận tốc gió lên quá 74 mph, bão trở thành cuồng phong hay Hurricane.

Hurricane chia thành 5 bậc. Nhẹ nhất là số 1 (category 1), với vận tốc gió thấp nhất từ 74-95 mph. Rồi đến 2, từ 96-110 mph. Hạng 3 từ 111-130 mph, hạng 4 từ 131-155mph vàcao nhất là bậc 5 từ 156 mph trở lên. Sự thiệt hại do Hurricane gây ra căn cứ vào vùng bị ảnh hưởng hoặc những nguy hiểm, mất mát chứ không căn cứ vào cấp bậc của nó. Bão thường đi đôi với lụt (như trường hợp của bão Harvey vừa đánh vào vùng Houston, Texas) và có thể gây tổn thất nhân mạng.

Bão không có tên, trong khi Hurricane luôn luôn mang những cái tên làm người ta khó quên được vì những thiệt hại do nó gây ra. Thí dụ anh Andrew, anh Charley và mới đây nhất là anh Harvey.Ấy bạn chớ vội nghĩ là có sự kỳ thị nam, nữởđây nhé. Sự thật thì có cả một ửy ban “bỏ phiếu” đặt ra những cái tên này. Cứ 1 nam rồi đến 1 nữ. Từ A đến W. Thí dụ, năm 2004, bắt đầu là cậu Alex thì năm sau, 2005 sẽ có cô Arlene. Cứ thế cho đến năm 2009 là cô Ana. Liếc sơ một dọc chỉ toàn tên Mỹ. Thỉnh thoảng mới thấy vài ông Tây, bà Đầm như Henri, Nicholas, Gabrielle, Claudette hay vài anh, chị Sì (Spanish) là Felix, Lorenzo... chẳng thấy ông Mít, bà Xoài nào cả. Mà người Việt mình cũng không ai mong được họ chiếu cố đến làm gì. Cái tên khi nhắc đến mọi người đều hãi hùng, ai oán, chán nản như Harvey vừa rồi thì chả ai ham. Thiếu điều muốn đốt “phong long” cầu cho nó đi đâu thì đi cho khuất mắt. Thà đừng đến càng tốt.

Nói nào ngay, với kỹ thuật tân tiến hiện tại, trước 2 tiếng đồng hồ, người Mỹ có thể tiên đoán đúng 100% đường đi của bão. Họ có thể tiên đoán sớm hơn 8, 24, hay 48 giờ nhưng bão nó cũng “không vừa”, tà tà thay đổi ý định, nghiêng bên này một chút, nhẩn nha xoay vòng tại chỗ một tí rồi mới phóng chân đi.. (hướng giót hay đổi theo áp xuất không khí). Tốt nhất làtheo dõi truyền thanh, truyền hình thường xuyên.

Ngay từ buổi sáng của ngày Lễ Lao Động (thứ Hai), đài truyền hình đã bắt đầu thông báo cho dân chúng biết về cơn bão Irma, màông xã tôi đặt tên bằng tiếng Việt Nam cho nó là Yêu Ma khi nghe tiên đoán mức độ của bão. Cơ quan khí tượng đã vẽ đường đi đểtheo dõi Irma từ ngoài thật xa khơi.Đường đi màu đỏ của tâm bão và hai đường vàng hai bên màông xã tôi tưởng tượng như hai cánh tay.

Đến khi cơn bão bậc 5 này tàn phá gần như tan tành Caribbean, Virgin Island, Puerto Rico một ngày sau đó thì Florida bắt đầu hốt hoảng. Thống Đốc Rick Scott tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho toàn tiểu bang Florida khi nhìn thấy hướng đi với tâm bão chạy dọc xương sống của Florisa suốt từ Key West, qua Orland (trung tâm của FL) rồi tiếp tục thẳng bước đến tận thủ phủ Jacksonville. Hai cánh tay màu vàng vòng ra hai bên ôm lấy haì bờ biển Đông và Tây của Florida. Tin tức yêu cầu di tản bắt đầu từ Keys West loan ra.Dân chúng được khuyên chuẩn bị Pin (battery), đèn cầy, nước lọc, đồ hộp dự trữ phòng khi mất điện, không nấu nướng được. Trường học được lệnh đóng cửa từ thứ Năm. Công sở đóng cửa thứ Sáu, Chợ còn mở cửa nhưng chả còn chai nước lọc nào để bán ra. Những chiếc kệ trống trơn hàng hoá. Các tiệm bán vật liệu không còn miếng ván nào. Ai may mắn lắm mới mua được chiếc máy phát điện chạy bằng săng thì lại phải xếp hàng như Xe hơi để chờ mua săng.

Không khí di tản ở khắp chung quanh. Bạn bè ở các nơi tấp nập điện thoại hỏi thăm, rủ rê đi tránh bão nhưng chúng tôi quyết định ở lại. Để có cát phòng ngừa bị lụt, nhiều người đã phải xếp hàng chờ từ 2 tiếng trở lên để đến phiên mình. Lúc đầu bao đựng sẵn cát được phát không cho dân chúng mỗi người 12 túi mới chỉ trong buổi sáng thì buổi chiều giảm xuống còn 10. Sau đó là phải tự xúc cát, đổ vào bao, cột lại để đem về. Ngày hôm sau thì cát vẫn còn nhưng hết bao. Ai cảm thấy có nhu cầu thì tự mang bao đến địa điểm có cát được thông báo trên truyền hình, mà xúc lấy. Và đến thứ Sáu thì cát cũng hết luôn.

Giờ thì lo dọn dẹp chung quanh nhà để di chuyển những gì có thể (như chậu cây, bàn ghế) bị gió bốc lên. Những vật dù nhỏ nhưng gặp gió lớn cũng trở nên nguy hiểm, làm vỡ cửa kính, gây thương tích cho người. Thức ăn đầy đủ trong tủ đá, tủ lạnh. Máy phát điện đổ đầy săng rồi cho chạy thử để có ngay, khi cần dùng tới. Chúng tôi đã sẵn sàng chờ cô Irma đi qua, đi ngang càng nhanh càng tốt, đừng ghé lại (dậm chân tại chỗ hay đi chậm thì càng gây nhiều thiệt hại)

12 giờ đêm thứ Sáu. Đang ngủ ngon chúng tôi bị đồng hồ báo thức từ hai điện thoại cầm tay, kêu inh ỏi báo động coi chừng Lốc (Tornado). Cuồng phong (Hurricane) hay Bão (Storm) đều có thể tạo ra cơn Lốc. Thường thì cơn Lốc hay có mặt ngay trước khi cuồng phong kéo đến và ở chung quanh vòng mưa chứ không ở ngay trung tâm (mắt) của cuồng phong. Hệ thống Radar Doppler mới, dù hoạt động rất hữu hiệu cũng chỉ có thể báo động trước khoảng từ vài phút đến nửa giờ khi có cơn Lốc (Tornado) đến. Chạy nhào xuống nhà dưới, ngồi dưới gầm cầu thang, chờ nửa tiếng sau, hết cơn Lốc mới dám đi ngủ tiếp nhưng nỗi sợ đã làm tiêu luôn cơn buồn ngủ. Thế là một đêm dài trắng đêm (mà không có “một đêm dài nhớ thêm” đâu).

Nói một tí về Lốc. Lốc cũng được chia thành 5 bậc. Nhẹ nhất là F0 (F zero), từ 40–72 mph (mile per hour) sẽ gây đổ cành, gẫy cây có rễ không sâu. F1, từ 73-112 mph gây tróc mái, lật nhà di động (mobile home), đẩy xe đang chạy trên đường. F2 từ 113–157 mph sẽ xé mái nhà gỗ, bứng gốc cây cổ thụ. F3 từ 158–206 mph làm bay mái nhà, bay tường, bay cả xe vận tải, lật luôn xe lửa. Sang đến F4 từ 207–260 mph sẽ bốc hết nhà cửa, xe cộ rồi mang đi đâu đó. Sau cùng, thật kinhh hoàng là F5 với vận tốc gió 261-318 mph sẽ san thành bình điạ những nơi nào bị dính con lốc này.


Đã có một lần tôi nhìn thấy Lốc. Trên bầu trời quang đãng về hướng Tampa, một vùng mây đen thui ở chính giữa, có hình dạng như cái phễu (quặng) lọc nước. Vừa xoáy, vừa quay như con quay (con vụ trẻ con hay chơi), Lốc cuốn tất cả lên trời cao rồi biến mất. Thật khủng khiếp. Sự việc xảy ra như chớp mắt, chưa được vài phút đồng hồ để mình kịp kêu người nhà ra xem. “Kinh nghiệm bản thân” này khiến tôi tìm nơi trú ẩn ngay khi nghe báo động. Sau đó biết ra con Lốc này đã đập tan hai căn nhà ở cách chỗ tôi không xa, khoảng 30 dặm về hướng Nam.

10 giờ sáng Thứ Bảy, trời Cocoa vẫn quang đãng. Hàng cây im ắng. Không một ngọn gió lùa. Thỉnh thoảng mới có một cơn mưa lớn trút nước xuống rồi trời lại sáng, báo hiệu ảnh hưởng của Irma đã bắt đầu. Đài truyền hình liên tục cho xem đường đi của cô Irma. Họ chiếu cả hai lời tiên đoán. Một do Trung Tâm Nghiên Cứu Bão của Quốc Gia (National Hurricane Center) và một của Âu Châu.

Như một người đẹp khó tính, Irma dường như vẫn còn muốn thay đổi hướng. Mấy ngày trước, toàn Florida nằm trong hai đường vàng mà đường đỏ ở ngay chính giữa; có nghiã là Orlando nằm ngay trên đường đi của tâm bão. Hôm nay, Irma đã nghiêng về biển Tây (bên Tampa, West Coast) thay vì biển Đông mà dân chúng sống dọc theo Melbourne Beach, Cocoa Beach, đã được lịnh di tản khỏi vùng này (East Coast) từ hôm Thứ Sáu.

Hôm nay, dân vùng Tampa phải di tản nhưng quá chậm để đi xa vì mọi người cùng chạy, gây ra nạn kẹt xe trên các xa lộ. Mới mấy hôm trước còn rủ chúng tôi ở bên East chạy bão sang phía West, ai ngờ tình hình đảo ngược. Bên West bị nặng hơn, cũng chạy bão luôn. Không thểđi, ông bạn già cho biết đã ghi tên vào nơi tạm trú (Shelter) ngay khi có lịnh. Bạn bè chỉ còn cách gọi hỏi thăm nhau khi bão vẫn còn đang trên đường đến.

1 giờ trưa Thứ Bảy. Những cơn gió đã dần dần tăng vận tốc. Từng cơn mưa trút những lượng nước đáng kể xuống khắp nơi. Sân trước và sân sau nhà tôi đang mất dần màu xanh của cỏ mặc dù ông xã đã lo bơm nước từ ao ra ống cống của thành phố ở ngoài đường lớn, giảm mực nước ao xuống cả foot từ hôm qua để chuẩn bị chứa nước mưa của trận bão. Chúng tôi ngồi xem tin tức do phóng viên đài truyền hình gửi từ các nơi về.

“Yêu Ma” đã rời khỏi Miami để lại nhiều đường phố bị lụt, nước ngập đến đầu gối. Những cành cây gãy nằm nghiêng trên mặt lộ, cản đường xe cộ. Ba phần tư dân chúng không có điện. Chúng tôi đi nhà thờ hôm nay thay cho Lễ Chúa Nhật ngày mai bão đến. Từ Merritt Island, gia đình con trai di tản vào đất liền, tạm trú nhà Bố Mẹ. Con mang theo cả hai con chó nhốt trong cũi sắt vì thủ tục gửi chúng không đơn giản. Nơi giữ chó (Pets Shelter) do chính phủ chỉ định đòi chủ nhân phải cùng ở đó với thú nuôi của mình sau khi trình giấy tờ hợp lệ như giấy chích ngừa, khai sinh, của thú nuôi với thành phố.

6 giờ chiều Chúa Nhật. Tất cả gia đình ăn tối rồi dọn dẹp khi còn ánh sáng mặt trời. Tôi đổ đầy những gì có thể chứa nước để dự trữ, phòng khi bị cúp nước vì lụt. Những cơn giông, gió, và mưa vẫn xuất hiện bất thường. Khoảng 8 giờ tối, đèn điện lúc sáng, lúc tắt. Sợ làđiện sẽ bị cắt sớm, ông xã tôi chuẩn bị kéo giây điện nối đến tủ đá, tủ lạnh, TV, quạt máy và 2 cái đèn. Vừa xong thì bị cúp điện. Dùng đèn pin để thấy đường khởi động máy phát điện đặt trong nhà lưới ngoài sân, khép kín cửa để ngăn tiếng ồn ào của máy nổ. Chúng tôi vào nhà cầu nguyện.

Gió quạt từng đợt vào chiếc cửa kéo (sliding door) mở ra hướng Bắc của nhà tôi. Bão đang đến. Thêm hàng xóm là gia đình người em, chúng tôi ngồi tụ tại phòng gia đình (family room) để theo dõi tin tức. Gió như rít, như gào bên ngoài từng cơn. Mưa theo gió đổ nước xuống. Chạy lên lầu lấy mấy cái quạy tay bằng giấy, tôi phát giác ra nhà đang bị dột. Lọt qua kẽ hở của Skylight, nước nhỏ giọt xuống từ đầu cầu thang. Tôi đem mớ khăn bông lau khô rồi để đó cho nước thấm.

Chả làm gì hơn được nữa. Chúng tôi chơi Domino để giảm nỗi lo âu, căng thẳng nhưng mắt vẫn hướng về chiếc TV chiếu liên tục những nơi bão chưa đến thì đường kẹt xe. Nơi bão vừa đến có một cảnh thật đáng xấu hổ mà tình cờ đài truyền hình này chiếu được. Cả một nhóm, đến 11 người, vai vác những bịch quần áo lấy từ một cửa hiệu lớn mà họ vừa đập vỡ cửa kính để vào ăn trộm. Rõ ràng la đám trộm đạo này đã chuẩn bị từ trước. Không thấy đài nào khác loan tin sau đó, chắc sợ bị vu vạ là kỳ thị. Chập chờn, nửa thức, nửa ngủ. Đi ra châm săng cho máy điện chạy rồi vào. Hết cầu nguyện thì bàn “loạn”. Cứ thế cho đến sáng trong lo âu và sợ hãi. Một đêm dài.

6 giờ sáng thứ Hai. Trời mù mù tối vì mây che khuất mặt trời. Biết chắc là cơn bão đã qua, chúng tôi ăn sáng thật nhanh rồi đi xem xét chung quanh. Tạ Ơn Trời. Không thiệt hại vật chất nào đáng kể. Vài viên ngói bị bay, đôi chỗ lưới chắn muỗi bị lủng, cây cối ngả nghiêng, cành nhỏ, lá tươi, bị dứt khỏi cây nằm la liệt trên sân và điện vẫn bị mất. Nước bị mất theo từ hồi đêm hôm qua. Điện thoại nhiều nơi ngưng hoạt động. Chúng tôi may mắn còn cả Internet. Thế là gọi thông báo cho thân nhân, bạn bè ở các nơi biết tin nhau.

Chờ mặt trời sáng tỏ, tôi lái xe sang thăm anh chị em không liên lạc bằng điện thoại được. Một may mắn nữa, tất cả đều bình an. 90 phần trăm các nơi bị mất điện. Kể cả đèn đường. Nhờ dân chúng có tinh thần kỷ luật, dù không có đèn xanh đỏ, luật 4 phía với bảng ngưng (4 ways Stop) vẫn được người dân nghiêm chỉnh thi hành nên không có tai nạn xảy ra.

Bây giờ mới bình tâm để xem xét “yêu ma”. Tuy đường đi của Irma đã chệch sang phía Tây, nơi tôi ở không nằm trong tâm bão nhưng cánh tay của nó vẫn “ôm” quanh phía Đông, nơi tôi sống. “Vòng Tay Yêu Ma” gây rối loạn khắp Florida và để lại khá nhiều thiệt hại vật chất. Thức ăn trong tủ lạnh, tủ đá của tư nhân, cơ sở thương mại phải hủy bỏ sau 2, 3, có nơi đến 7 ngày chưa có điện lại. Nước thì chỉ bị cúp chưa đến 24 giờ. Tờ báo Los Angeles Times cho biết có 32 người thiệt mạng vì Irma. Con số được xem là nhỏ khi so với các trận bão khác.

So sánh về vận tốc gió mạnh ở biển Đại Tây Dương từ năm 1980 đến nay thì Irma đứng hạng hai. Chỉ sau Allen với vận tốc 190 mph. Khởi đầu ở hạng 5 nhưng đã giảm tốc độ khi đánh vào nhiều đảo trên đường đi như Cudjoe, near Key West, Marco Island.. Irma chỉ còn là hạng bão cấp 2, rồi cấp 1 khi đến trung tâm Florida. Một so sánh khác, về sức mạnh.

Nếu gọi bão Andrew năm 1992 đánh vào Florida là xấu (bad) thì Irma xếp bậc trên, thuộc hàng “cao thủ” (worse). So sánh Irma với Harvey mà Houston vừa phải gánh chịu thì sức mạnh của cô, cậu, này ngang nhau (130 mph khi vào Houston, Florida). Thiệt hại, (tính theo tiền) có lẽ Irma ít hơn Harvey. Một phần vì có thời gian chuẩn bị. Phần lớn, theo ý kiến riêng của người viết, Florida nhờ có ông Rick Scott, vị thống đốc biết lo cho dân.

Ngay từ những giờ đầu tiên khi có tin bão đến, ngoài việc trấn an dân chúng, ông yêu cầu các công ty điện lực từ các tiểu bang khác đến túc trực sẵn sàng tiếp tay. Những tay thợ điện chuyên nghiệp có bằng (license) cũng được mời ghi danh giúp sức. Trưng dụng cả vệ binh quốc gia (national guard) để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Ngoài ra ông còn ban hành lệnh thiết quân luật (curfew) từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng trong các vùng có dân buộc phải di tản để bảo vệ tài sản cũng như tính mạng người dân. Chưa kể là ông đã kêu gọi rất nhiều thiện nguyện viên từ xa đến trợ lực.Tất cả đã làm việc ngày đêm cho Florida.

Trong tấm lòng của một người dân, tôi xin được gửi đến ông Thống Đốc, nhân viên công lực, nhân viên nhà đèn, vệ binh quốc gia cùng tất cả những thiện nguyện viên, lời chân thành cám ơn tất cả quý vị.

Gió Đồng Nội






Ý kiến bạn đọc
25/09/201703:25:33
Khách
Tác giả khi viết, trong lòng hẳn vẫn còn đầy ắp cảm xúc vì trận cuồng phong mới chỉ vừa chấm dứt cách đây không lâu, nên chi bài viết rất hay và sống động khiến người đọc có cảm tưởng như là cũng đang ở trong vòng tay Yêu Ma vậy.

Và cũng nhờ đọc bài viết này, tui - chưa từng bị lốc, bão, cuồng phong yêu- mới biết được do đâu mà có sự xuất hiện của Yêu Ma.
24/09/201715:57:41
Khách
Nhìn thấy tựa bài đã hấp dẫn và từ đó dẫn tới phần nội dung linh động, nhiều chi tiết hay qua bút pháp mạch lạc và khoa học làm lôi cuốn độc giả.

Cám ơn tác giả và mừng cho tác giả và quý quyến được bình yên vô sự giữa cơn thịnh nộ của bão tố đã gây nhiều thiệt hại nặng cho bang Florida.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,216,151
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư kèm bài, ông viết: “Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Saui đây là bài viết thứ hai.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiều năm qua, ông lãnh việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Từ 2016, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là một thành phố vùng cao nguyên Tagaytay,Philippinnes. Truyện ngắn sau đây của tác giả, trích báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của ông.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001, thêm giải Việt Bút 2008. Từ hơn 10 năm qua ông là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến