Hôm nay,  

Lái Xe Xuyên Bang Coi Nhật Thực

23/09/201700:00:00(Xem: 9908)
Tác giả: Hoàng Đình Minh Long

Bài số 5225-19-31068-vb7092317
 

Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.

image001

Gia đình tác giả khi nhật thực xảy ra.

image003

Xem nhật thực cạnh xe RV của gia đình ông Dale.

image002

Ken trên xe ATV.

***

Cuối năm 2016, truyền thông Mỹ đã nói rất nhiều về ngày 21 tháng 8 năm 2017 khi nhật thực toàn phần sẽ xảy ra trên nước Mỹ. Bài báo trên Yahoo đã cảnh báo rằng nếu ai muốn đi coi nhật thực toàn phần thì nhớ phải đặt khách sạn ít nhất là trước tháng 2 năm 2017 vì sẽ có hàng triệu người đổ về các tiểu bang nơi nhật thực toàn phần sẽ xảy ra. Đây là một sự kiện lịch sử vì lần nhật thực toàn phần trước đây ở nước Mỹ xảy ra vào năm 1919.

Tuy muốn được tham dự sự kiện lịch sử này nhưng vì do bận bịu với cuộc sống, chúng tôi quên bẵng đi và không đặt phòng khách sạn sớm như khuyến cáo của truyền thông. Đến đầu tháng 6, khi quyết định chắc chằn sẽ đi xem nhật thực, chúng tôi mới nhận ra rằng tất cả các khách sạn tại Idaho đã hết phòng. Thế là chúng tôi đành quyết định cắm trại ngoài trời để xem nhật thực.

Vì nơi chúng tôi cắm trại cách công viên quốc gia YellowStone hơn 1 tiếng lái xe, gia đình chúng tôi ghé thăm công viên nổi tiếng thế giới này. YellowStone có rất nhiều mạch phun nước nóng (geyser)  Những mạch phun nước nóng này nhắc tôi nhớ đến suối nước nóng ngoài Nha trang mà tôi có dịp tham quan vào mùa hè năm 1986. Tôi vẫn còn nhớ má tôi và các bạn của má mua trứng gà mang theo để thả xuống suối nước nóng Nha trang.  Tuy nước suối sôi nổi bong bóng nhưng sau cả 30 phút đám trứng gà kia cũng không chín 100%; lòng đỏ chỉ chín khoảng hơn 60%.  Các mạch phun nước ở YellowStone đều có hàng rào cản không cho du khách đến gần vì vậy tôi không có cơ hội đem theo trứng gà để luộc.  Các mạch phun nước ở YellowStone có những cái phun nước rất mạnh. Nổi tiếng nhất là mạch phun nước tên Old Faithful.  Cứ khoảng 90 phút là mạch này phun nước lên rất cao, khoảng trên 10m.

Ngoài các mạch phun nước, YellowStone cũng có rất nhiều các hồ nước nóng. Các hồ này lúc nào cũng bốc khói và có nhiều màu sắc rất đẹp. Hồ nước nóng nồi tiếng nhất của YellowStone là Grand Prismatic với rất nhiều màu sắc và một diện tích to lớn. Đi dạo qua các hồ nước nóng này cho du khách cảm giác như đi lạc vào cõi thiên thai với khói trắng bốc lên từ các hồ nước nóng vàmuôn màu sắc của của các hồ nước nóng cùng cây cối núi rừng xung quanh.

Ngoài hồ nước nóng và mạch phun nước, YellowStone còn có hai thung lũng  nổi tiếng với các loài thú như trâu Bison, hưou, nai, gấu v.v...Theo huớng dẫn của các nhân viên công viên, tôi lái xe chở gia đình ra thung lũng Hayden vào lúc hoàng hôn vì lúc đó các loài thú túa ra đi kiếm ăn. Thật vậy, vào khoảng 19:30, chúng tôi vui thích nhìn ngắm và chụp hình từng đàn của trăm con trâu Bison kéo nhau ra ăn cỏ. Sau khi mặt trời lặn, chúng tôi lái xe về lại khách sạn. Trên đường về, tôi hỏi đứa con trai 5 tuổi:

"Con thỏa mãn được coi thú vật chưa?"

"Con thích nhưng con muốn đàn trâu Bison băng ngang đường trước xe của mình để mình dừng lại xem cho rõ"

Sở dĩ con trai "đòi hỏi quá đáng" như thế là vì trước chuyến đi cả nhà coi video trên Youtube về YellowStone.   Trong video đó, người quay phim may mắn quay được cảnh đàn Bison băng ngang qua đường xe chạy và mọi xe phải dừng lại để nhường đường cho chúng. Xe cộ nhường đường cho thú vật thì cũng đúng thôi vì dù sao các thú vật mới là chủ nhà còn khách tham quan chỉ là những người khách của YellowStone.

Sau ba ngày rong chơi tại YellowStone, gia đình chúng tôi lái xe khoảng 2 tiếng về phía nam để đến thành phố St. Anthony thuộc tiểu bang Idaho để dựng lều ngủ hai đêm trong sa mạc cát chờ ngày nhật thực toàn phần sẽ xảy ra ngày 21 tháng 8. Tuy nói là sa mạc nhưng đây là một khu cắm trại có tổ chức. Cơ quan điều hành khu cắm trại này thuộc về thành phố St. Anthony. Tuy nằm giữa sa mạc cát, trại được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai xung quanh. Đêm thứ bảy khi chúng tôi tới, trại khoảng 60% đầy. Gia đình chúng tôi được chỉ dẫn vào lô 69. Mỗi một lô có diện tích đủ lớn cho một xe RV(giống như mobile home) đậu. Các lô bên cạnh chúng tôi đều con trống, chưa có ai dựng lều.

Vì chúng tôi lái xe van cho nên lô của chúng tôi còn rất nhiều chỗ trống. Sau khi dựng lều lên, chúng tôi đi một vòng quanh trại và nhận thấy hầu hết các dân đến đây cắm trại bằng xe RV. Vì xe RV có tủ lạnh, nhà bếp, phòng ngủ và nhà tắm, thường các gia đình này có rất nhiều người. Họ bày bàn ghế cạnh xe RV để ngồi chơi, ăn uống và nghe nhạc.

Sau khi dạo một vòng quanh trại, trời đã tối cho nên chúng tôi quyết định vào lều ngủ. Vì lều được dựng trên nền đất với cát và gạch, mà tôi lại quên mang theo tấm nệm, cho nên đêm đầu tiên tôi không ngủ được. Bà xã và con gái vốn có da có thịt cho nên lăn ra ngủ ngáy khò khò rất ngon giấc. Con trai và tôi vốn da bọc xương cho nên bị gạch dưới nền làm đau lưng không ngủ được.

Sáng hôm sau khi thức giấc, vì xung quanh trại không có cây cối do trong sa mạc, chúng tôi lái xe vào thành phố cách đó khoảng 12 dặm để đi lễ, ăn uống và tránh cái nóng. Sau khi đi lễ nhà thờ ra, thấy chợ Walmart, tôi cho cả nhà vào trong đó để mua nệm không khí (airbed) để đêm thứ hai có giấc ngủ ngon hơn. Sau khi tham quan trong thành phố, chúng tôi quyết định về lại trại vào lúc 18 giờ. Khi quẹo vào lô của lều mình, chúng tôi nhận ra lô bên cạnh đã có người mới đến. Nhìn thấy lá cờ Confederate của tướng Lee dùng cho miền Nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến, tôi quay sang bà xã:

"Đám hàng xóm này chắc thuộc loại kỳ thị giống đám da trắng đang gây ra tranh luận tại Virginia đây"

Nhận xét của tôi làm cả gia đình ái ngại phải ở cạnh gia đình trại viên mới tới này.  Tuy nhiên, vì lịch sự tối thiểu, tôi xuống xe và chào hỏi họ. Họ cũng lịch sự đáp lễ với vài câu xã giao. Khoảng hơn một tiếng sau, khi thấy chúng tôi mặc đồng phục áo thun có in hình kỷ niệm ngày nhật thực, bà Leahn hỏi chúng tôi mua áo ở đâu. Thế là từ câu chuyện áo thun đó, chúng tôi dần dà nói đủ thứ chuyện trên đời. Khi ông Dale, chồng bà Leahn, kể cho tôi về chiếc xe RV ông bà mới mua hơn 1 năm nay, tôi liền nói:

"Vậy cái cờ Con federate kia ở đâu ông có?"

"À, khi nãy vào trại, những người phụ trách trại phát cho mỗi xe một cái"- ông Dale giải thích.

Thì ra thế. Gia đình ông Dale là từ Canada lái xe RV xuống đây. Họ rất cởi mở và không phải là đám kỳ thị như tôi nghi ngại ban đầu.

Tuy vậy, bà xã tôi, vốn được tôi phong là "bộ trưởng ngoại giao" của gia đình vì tính tình cởi mở, dễ làm quen với người lạ, hôm nay bỗng dưng sống khép kín, không muốn giao du với gia đình ông Dale.  Khi gia đình ông Dale mang củi ra để đốt lửa trại (bon fire), con gái tôi muốn cả gia đình đi qua tham gia ngồi sưởi với gia đình hàng xóm. Vợ tôi lưỡng lự không muốn đi, có lẽ vẫn còn nghi ngại cái lá cờ kia. Tôi muốn thử xem con gái có thể nối nghiệp làm ngoại trưởng của má nó không nên bảo:

"Con muốn qua tham gia lửa trại với gia đình ông Dale thì con dẫn em qua đó chơi đi; lát nữa daddy qua sau"

Con gái liền nắm tay em trai để hai đứa dắt nhau qua lô trại của gia đình ông Dale. Tự hào về sự dạn dĩ của hai đứa con, tôi vẫn nán lại trong lều khoảng 5 phút để lắng tai nghe xem hai đứa con giao tiếp với người lạ như thế nào. Hai đứa rất tự nhiên nói chuyện với gia đình ông Dale. Thế rồi tôi chui ra khỏi lều để qua bên đó tham gia cuộc vui.

Gia đình ông bà Dale lúc này trở nên rất cởi mở và thân thiện. Họ mang thêm ghế ra cho chúng tôi ngồi xung quanh bếp củi đang cháy rừng rực.  Tôi vừa ngồi xuống ghế thì bà Leahn hỏi tôi:

"Khi nãy vào trại chúng tôi được các người phụ trách trại phát cho kiếng để xem nhật thực ngày mai."

"Hôm qua khi chúng tôi mới tới cũng được họ phát cho 4 kiếng này" - tôi trả lời - "Hồi tôi còn bé, ông bà ngoại kể rằng lúc nhật thực xảy ra, ông bà và những người trong làng ở miền bắc Việt nam thời ấy không có kính cho nên phải dùng một cái chậu nước để xem nhật thực"

"Ồ, đó cũng là ý kiến hay cho thời xa xưa "- ông Dale lịch sự góp ý

"Ông bà tôi kể rằng khi nhật thực hay nguyệt thực xảy ra, người ta dùng nồi niêu xoong chảo làm trống để đánh cho mặt trời và mặt trăng nhả nhau ra."

Cả gia đình nhà ông Dale bật phá ra cười vì những suy nghĩ ngây ngô của người xưa. Sau vài giây, bà Leahn tỏ ra lịch sự nhận xét:

"Có lẽ ông bà ngoại bạn ngày xưa có một cuộc sống rất thanh bình ở miền quê tại Việt nam?"

"Đúng là họ có một cuộc sống thật thanh bình cho tới một ngày tháng 8 năm 1945"

"Chuyện gì xảy ra tháng 8 năm 1945?"- ông Dale tỏ vẻ tò mò

"Ngày 19 tháng 8 năm 1945, lợi dụng việc Nhật sắp thua trận và Pháp đang suy yếu sau thế chiến thứ 2, Cộng sản Việt nam cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp."

"Nếu người Việt nam giành lại độc lập từ tay thực dân Pháp thì đó phải là niềm vui của ông bà ngoại bạn và cả dân tộc VN chứ"- bà Leahn tỏ ra không hiểu

"Người CSVN, tuy là người VN, nhưng họ đặt cái chủ nghĩa cộng sản do Mác và Lê trên cả quyền lợi và an lành của dân tộc.  Thực dân Pháp khi còn cai trị VN chỉ giết hoặc bắt bỏ tù những ai chống Pháp để đòi độc lập cho dân tộc. CSVN thì tàn ác hơn.  Hễ không xuất thân từ tầng lớp vô sản, nói cách khác là có của cải hay trí thức, thì CSVN đều coi họ là kẻ thù. Ông bà ngoại tôi có vài thửa ruộng do tổ tiên qua bao đời làm an cần kiệm để lại bị CSVN đem ra đấu tố vì họ cho là ông bà cướp đất đai của người khác. Rất nhiều người trong làng của ông bà tôi cũng đều bị đem ra đấu tố. Tiêu biểu cho chuyện này là trường hợp ông Lý Toái, một địa chủ cùng làng. Sau khi bị đấu tố kể tội tội”, bọn CS đào huyệt rồi trói ông Lý Toái vào cái cột bên cạnh để xử bắn.  Vì các tên bộ đội không bắn vào chỗ hiểm, ông Lý Toái đau đớn và nhổ cả cái cọc lên chạy lòng vòng.  Bọn CS liền đạp ông xuống cái huyệt và lấp đất chôn sống ông trong lúc ông kêu la quằn quoại trong đau đớn”

Ông bà Dale lắc đầu tỏ ra không hiểu tại sao CSVN họ lại đối xử với người VN cùng dòng giống tệ hơn là Pháp cai trị dân VN. Tuy vậy, ông bà Dale muốn biết tiếp chuyện gì xảy ra cho ông bà ngoại của tôi.

"Ông ngoại tôi cũng như các người có ruộng đất trong làng đều bị đem ra đấu tố. May mắn là ông bà ngoại tôi sống hòa thuận với mọi người, không có tư thù với ai cho nên cái tội duy nhất của ông là có tài sản. Tên cán bộ xử án cho ông tôi về nhà để đem của cải ngày hôm sau lên "nộp trả lại cho nhân dân"

"Vậy sau khi nộp tài sản CSVN có để cho ông yên thân không?"- ông bà Dale tỏ ra lo lắng

"Ngay đêm ông ngoại được tạm tha, một bác gái của tôi (có chồng đi theo Nguyễn Thái Học chống Pháp) đã quyết định đem cả gia đình gồm ông bà ngoại, con của bác và má tôi lén trốn để di cư vào Nam.

"Vậy di cư vào Nam, chắc gia đình ông bà có lại cuộc sống thanh bình như trước 1945?"- ông bà Dale đoán mò

"Thanh bình cho đến năm 1975 khi CSVN tràn vào miền Nam sau khi chiến tranh VN kết thúc. Nỗi lo sợ của cuộc đấu tố năm nào làm cho ông ngoại luôn sống trong lo lắng cho tới khi ông mất vào năm 1979"

Câu chuyện với ông bà Dale  khiến tôi qua một đêm bồi hồi nhớ lại bao nhiêu chuyện.

Sáng hôm sau, ngày 21 tháng 8, cả nhà chúng tôi háo hức thức dậy sớm để chuẩn bịđón xem nhật thực.  Tuy nhật thực toàn phần sẽ xảy ra trong vòng hơn 90 giây đồng hồ, các cuốn sách chỉ dẫn cho chúng tôi biết là nhật thực bắt đầu xảy ra chính thức vào khoảng 10:30.  Qua cửa sổ của lều, tôi nhìn thấy gia đình ông Dale đã ra ngồi trên các ghế bên cạnh xe RV để tán gẫu trong lúc chờ nhật thực.

Sau khi dọn dẹp lều trại xong thì hai vợ chồng chúng tôi cùng qua phía xe RV nhà ông Dale để cùng ngồi chờ xem nhật thực vào khoảng 10 giờ sáng.  Lúc này, nhiệt độ là khoảng 85 độ, khá oi bức.  Khoảng 10:20 thì con gái tôi la lên là mặt trời bắt đầu bị mặt trăng che mất một góc. Mọi người đều mang kiếng đặc biệt vào và trầm trồ khi thấy một góc nhỏ của mặt trời tối ngòm do bị mặt trăng che mất. Góc tối này lớn dần lên một cách rất chậm chạp. Trong lúc ngồi chờ mặt trời bị mặt trăng "nuốt chửng", con gái tôi thông báo cho mọi người:

"Theo sách huớng dẫn thì khoảng 15 phút và sau khi nhật thực toàn phần xảy ra, nhiệt độ sẽ rớt xuống khoảng 10 cho tới 15 độ F"

"Vậy tốt- bà Leahn bình luận- nãy giờ tôi nóng quá"

Chờ đợi một lúc, ông Dale tỏ ra mất kiên nhẫn và quay sang tôi:

"Tôi sẽ lái chiếc xe ATV chạy một vòng quanh trại cho đỡ buồn. Tôi có thể chở Ken đi theo được không?"

Từ hôm vào trại đến giờ, hai đứa con cứ đòi vợ chồng tôi bỏ tiền ra mướn xe ATV để hai đứa được đi thử. Bây giờ được ông Dale cho đi chùa, tôi vui vẻ đồng ý và không quên "gài độ" cho Kim:

"Ồ, hai đứa mà được đi xe ATV với ông thì chúng nó vui lắm."

Thế là ông Dale nổ máy chiếc ATV và mở cửa cho Ken leo lên.  Trước khi cho xe lăn bánh, ông Dale nói với tôi:

"Chúng tôi sẽ trở lại trước khi nhật thực toàn phần xảy ra"

Trong lúc ông Dale chở Ken đi chơi, bà Leahn nói với tôi:

"Tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện gia đình ông bà ngoại và nhận thấy những điều mà tôi cho là khó khăn trong cuộc sống của tôi tại Canada chẳng thấm thía vào đâu so với những khó khăn mà người VN như gia đình bạn phải trải qua."

Lát sau, ông Dale chở Ken về lại nơi chúng tôi đang ngồi để thả Ken xuống và đón Kim.  Tôi với cặp kiếng của NASA, nhìn lên mặt trời và thấy là mặt trăng đã che khuất một nửa mặt trời.  Tôi nhắc ông Dale và Kim:

“Đi xe vui nhé nhưng nhớ đừng đi quá lâu sẽ không được coi nhật thực toàn phần”

“Chúng tôi sẽ về trước 11:10, đừng lo” - ông Dale trấn an

Xe ông Dale chở Kim vừa khuất bóng là bà Leahn lại hỏi tôi:

“Kể tiếp cho tôi nghe chuyện gia đình bạn.  Làm sao cả gia đình qua được bên Mỹ?”

Tôi sơ lược câu chuyện: Sau khi cộng sản chiếm được miền Nam, cả triệu người miền Nam bị bắt đi tù. Cả triệu người khác phải vượt biển. Có hơn 600,000 người chết chìm đưới biển. Phần gia đình tôi, sau 6 năm đi tù cải tạo, ba tôi đi vượt biển và đến Mỹ vào năm 1984.  Ba làm giấy bảo lãnh cho má, anh và tôi qua sau này vào năm 1991”

“Trời! Vậy là gia đình bạn xa cách nhau lâu quá nhỉ?”

“Đúng vậy! Khi tôi chưa tới 3 tuổi thì ba phải vào trại tù cải tạo.  Ba được ra tù lại đi vượt biên.  Khi qua đây thì tôi đã 18 tuổi.  Cả tuổi thơ tôi coi như không có ba.  Má tôi vừa phải làm mẹ vừa phải làm cha.”

Bà Leahn tỏ ra đăm chiêu:

“Khi nội chiến của Mỹ kết thúc, những ngưòi lính miền Nam của tướng Lee đâu có phải bị tù tội như những người lính miền Nam VN”

Câu nói của bà Leahn làm tôi suy nghĩ rất nhiều.  Cả bà Leahn và tôi ngồi trong thinh lặng để theo đuổi suy nghĩ riêng.  Sau khoảng 5 phút thì ông Dale chở Kim về lại chỗ chúng tôi và mọi người chuẩn bị xem nhật thực toàn phần.  Lúc này, khoảng 15 phút trước nhật thực toàn phần, nhiệt độ bắt đầu giảm xuống và nắng bớt chói chang.  Ánh nắng mặt trời khi bị mặt trăng che khuất 80% không giống như nắng ban sáng mà cũng chẳng giống nắng xiên khoai buổi chiều.  Ánh nắng lúc đó rất khác biệt với tất cả các loại nắng mà tôi từng thấy trong đời.  Chỉ có ai chứng kiến tận mắt mới cảm nghiệm được cái ánh nắng đặc biệt lúc đó.  Đúng như dự đoán, vào lúc 11:35 thì trời đất bỗng tối sầm lại khi mặt trời bị mặt trăng che 100%.  Mọi người trong trại ai cũng cảm thấy xúc động, một cái cảm giác khó tả, trong giây phút đó.  Để biểu lộ cảm xúc của mình, người thì vỗ tay, người thì huýt sáo, người thì la ó.  Dàn đèn LED chung quanh xe ông bà Dale tự động bật lên vì lúc này bầu trời trở nên tối đen.  Tôi nhìn thấy các ngôi sao trên bầu trời.  Cảnh tượng lúc đó làm tôi bỗng nhớ tới bài hát “Mặt trời đen” của ban nhạc Phượng Hoàng.  Bỗng dưng trong đầu tôi hiện ra câu hỏi “tại sao vận nước của tôi, VN, cũng đen như mực trong vòng mấy mươi năm qua?”

Sau hơn 80 giây đồng hồ bị mặt trăng che khuất hoàn toàn, mặt trời từ từ ló dạng ra.  Tôi lại ước mong cái ngày mà dân tộc VN của tôi đưọc thoát ra khỏi bóng đêm của CS tàn ác mau xảy đến.  Nửa tiếng sau nhật thực toàn phần, gia đình chúng tôi bịn rịn chia tay gia đình ông Dale và bà Leahn để lái xe về lại Salt Lake trong khi gia đnìh ông bà thìở lại thê một đêm nữa.

Vì đã 12 giờ, chúng tôi ghé vào tiệm Wendy’s để mua hamburger mang theo ăn.  Có đồăn trong xe, chúng tôi dự tính vừa ăn trong xe, vừa lái thì sẽ đến Salt Lake vào lúc 16 giờ.  Khi xe leo lên xa lộ 15 thì tôi mới hiểu tại sao gia đình ông bà Dale cũng như rất nhiều gia đình khác quyết định ở lại đêm hôm đó.  Xa lộ 15 không khác gì một con rắn dài vô tận với vô số xe của những người đi xem nhật thực như chúng tôi.  Sau hơn một tiếng đồng hồ mà chỉ di chuyển được 3 dặm, tôi quyết định xuống đường trong để tham quan thành phố Idaho Falls.

Thành phố Idaho Falls có thác nước và dòng song chảy ngang thành phố rất đẹp.  Trong lúc dạo dọc bờ song, tôi nhận ra hầu hết những người cũng đang đi dạo như mình là những khách du lịch đi xem nhật thực bị kẹt xe cho nên ghé vào đây chờ bớt kẹt xe.  Sở dĩ tôi biết họ là dân đi xem nhật thực là vì họ cũng mặc áo thun in kỷ niệm ngày nhật thực như gia đình tôi.  Tôi hỏi chuyện một người thì biết anh đến từ Phần lan.

“Đây là lần thứ 6 tôi và ba đi xem nhật thực toàn phần” – anh cho biết – “lần đầu tiên là vào năm 1990 tại Phần lan”

“Vậy mỗi lần nhật thực xảy ra ở nơi đâu trên thế giới là hai cha con anh bay đến đó?” – tôi hỏi lại

“Đúng vậy, chúng tôi đã xem nhật thực tại châu Âu, Úc, Phi châu, châu Mỹ”

“Vậy hy vọng lần tới chúng ta sẽ gặp nhau tại Chilê” – tôi đùa với anh

“Hẹn gặp nhau 7 năm nữa” – anh vui vẻ đùa lại

Sau hơn 4 tiếng đồ hồ tản bộ bên dòng sôn g và ăn tại nhà hàng sushi, chúng tôi lên lại xa lộ vào lúc 17 giờ.  Tưởng rằng sau hơn 4 tiếng xa lộ bớt xe nhưng tôi đã lầm.  Từ Idaho falls chúng tôi phải tốn 7 tiếng đồng hồ để về đến Salt Lake, nhiều gấp đôi thời gian nếu không kẹt xe.  Ngày hôm sau, tại khách sạn ở Salt lake, tôi mở TV lên xem và nạn kẹt xe vẫn không khá hơn ngày hôm chúng tôi rời Idaho.

Cuộc nghỉ hè đi xem nhật thực năm nay để lại nhiều kỷ niệm và suy nghĩ cho tôi.  Những trải nghiệm khi nhật thực toàn phần xảy ra thật đặc biệt và khó diễn ta qua ngòi bút hay kể lại.  Bạn phải có mặt tại hiện trường mới cảm nhận được cái sự đặc biệt ấy.  Cái cảm nghiệm đó đặc biệt đến nỗi những người như anh bạn Phần lan đã không ngại bỏ tiền và thời gian chu du khắp thế giới để xem nhật thực.  Những kỷ niệm với gia đình ông Dale cũng thật khó quên.  Từ hôm kể chuyện đấu tố cũng như chiến tranh VN cho gia đình ông Dale bà Leahn đến giờ, trong đầu tôi vẫn văng vẳng hai bài Chuyến đò vỹ tuyến và Mặt trời đen.

Mong ngày cái bóng đen bao trùm dân tộc VN hơn 70 năm qua bị ánh sang của tự do và nhân quyền xóa tan sẽ gần đến.

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
29/09/201705:07:13
Khách
Chuyến đi xuyên bang coi nhật thực bài viết sống động , mạch lạc dễ đọc
1954 đấu tố giai cấp địa chủ nên chuyện " ông Lý Toái " thật 100% .
24/09/201713:30:03
Khách
Một bài viết sống động về chuyến đi tới tiểu bang Idaho để xem hiện tượng nhật thực. Lời văn giản dị, dễ đọc.

Và cũng ca ngợi người tuổi trẻ Hoàng Đình Minh Long đã trang bị cho mình một kiến thức về chính trị vượt trội hẳn những người tuổi già như NCK, PD, KhL...hoặc những người bằng cấp cao như tiến sĩ NHL...Cùng tán dương người tuổi trẻ Hoàng Đình Minh Long đã biết dùng sự thông thạo về Anh ngữ của mình để giải bày cho người Mỹ biết về chính nghĩa của người Việt tỵ nạn.
23/09/201716:38:14
Khách
Tác giả chịu học hỏi và được " cải tạo tốt " ! Còn cái vụ " "ông Lý Toái " được thêm vào coi như là chuyện được " bồi dưỡng , cải tạo bữa ăn " sau khi viết " bản thu hoạch tốt " đi hén .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,107,208
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Nhạc sĩ Cung Tiến