Hôm nay,  

Má, Dòng Nước Mắt Chảy Xuống

25/08/201700:00:00(Xem: 10427)

Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh
Bài số 5200-19-31043-vb6082517

Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

blank
Má ngày bỏ quê mang con theo chồng ra Đà Nẵng.

Năm hai mươi lăm tuổi Má tôi rời quê mẹ để theo chồng ra Đà Nẵng sinh sống và lập nghiệp. Hành trang mang theo ngoài đôi quang gánh với một đầu là ít áo quần, vật dụng; một đầu là tôi; đứa con gái nhỏ mới biết ngồi, đôi mắt tròn xoe ngơ ngác. Tay kia Má dắt thêm một đứa con trai bụ bẩm mới biết đi chập chững là anh Hai tôi.

Má một mình xuôi ghe dọc dòng sông Thu Bồn cập bến Ái Nghĩa rồi bắt xe đò đi Đà Nẵng vì lúc đó Ba tôi đang làm việc cho Ty Công Chánh Đà Nẵng, công việc của một Trắc họa viên cầu đường rày đây mai đó.

Sau một vài tháng ở trọ chung nhà bà con bên chồng, Ba Má tôi dành dụm được chút vốn liếng cất căn nhà nho nhỏ. Tôi lớn lên tại khu phố Thuận Thành, là một xóm Phật Giáo nằm bên cạnh xóm đạo Tam Tòa, nổi tiếng với rất nhiều cô gái có nét mặt thánh thiện như Đức Mẹ. Sau một khoảng thời gian ngắn, bom đạn chiến tranh đã đưa những người thân của gia đình tôi tản cư ra Đà Nẵng khá nhiều, khu phố chúng tôi ở dần dà có thêm nhiều họ hàng lân cận.

Công việc làm ăn của Ba tôi ngày càng thăng tiến, Má tôi không phải bôn ba lặn lội lo cơm áo gạo tiền cho vất vả, công việc chính là nội trợ, tiếp đải bà con bên chồng và... tăng gia sản xuất. Dù không phải là dâu trưởng nhưng Má tôi rất đảm đang và phải nói là “Công, dung, ngôn, hạnh” thuộc vào mức độ tuyệt vời. Má tôi biết làm và làm rất khéo tất cả những loại bánh đặc sản Quảng Nam. Vào những dịp Giổ, Tết... Má tôi thuờng tự tay làm nhiều loại bánh mứt để cúng ông bà và biếu họ hàng gần xa.

Năm mười tuổi, tôi đã là chị của sáu đứa em. Áo chúng tôi mặc thường do Má tự may lấy. Mấy đứa con trai cùng kiểu; áo trắng quần xanh, con gái thì áo đầm trên trắng dưới xanh. Trai gái cùng lọai vải, vừa là y phục mặc Tết vừa có thể đến trường. Khác hẳn mấy đứa bạn nhỏ cùng lứa được mặc áo bông hoa đủ màu. Mùa đông đén Má đan áo len cùng màu cho con trai, màu khác cho đám con gái. Đơn giản và tiết kiệm!

Tôi còn nhớ, có bầu đến đứa con thứ tám được chừng bốn tháng, Má tôi cạo mất mái tóc dài đến tận gót chân. Mái tóc đẹp vốn được má cưng chìu, chăm chút, hoàn toàn gội bằng những nồi nước nấu bằng trái bồ kết với lá dứa thơm lừng lựng. Năm đó tôi chừng mười lăm tuôỉ, tôi thật sự hoảng hốt khi thấy hình ảnh của Má lần đầu tiên trở về tự tiệm cắt tóc với cái đầu cạo trọc trắng hếu, sau đó được trùm lại bằng một vuông khăn màu sẩm, nó có vẻ quái đản, kỳ lạ và để lại trong lòng tôi một nổi thất vọng đến vô cùng. Có người nói Má tôi vì ghen tuông, muốn dằn mặt Ba tôi mà cạo mất đi mái tóc dài yêu quí. Tôi vốn không tin vì tôi chẳng bao giờ nghe Ba Má tôi hục hặc hay cải vả. Từ hôm đó, lòng tôi cứ thấp thỏm âu lo, tôi lặng lẽ theo dỏi Má.

Một buổi tối, như thường lệ, Má tôi hay thắp nhang trước khi đi ngủ, tôi lén nghe Má van vái, lời cầu xin như thế này: “Lạy Đức Phật từ bi, lạy Đức Quan Thế Âm, cho con được mẹ tròn con vuông, con đã nguyện xuống mái tóc và xin được ăn chay một tháng cho lời cầu nguyện…” Tôi đứng nép vào cánh cửa, thương Má, nước mắt chảy ròng ròng.

Ngày Má tôi chuyển dạ sanh em, tôi là đứa con gái lớn mười sáu tuổi đi cùng vơí Má. Hai mẹ con đi xích lô, còn Ba tôi thì chạy xe Vespa Sprint theo bên cạnh, xuống bảo sanh viện Cô Hạnh ở gần sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng. Ba tôi đứng bên ngoài, tôi gắng lại thật gần phòng sanh, nghe tiếng Má tôi rên rỉ đau đớn, sau đó một hồi là tiếng em bé oe…oe…nghe giọng cô Hạnh reo lên: con gái, ba ký sáu. Ba tôi mừng rỡ ra mặt. Như vậy là Ba Má tôi có đủ bốn trai, bốn gái cân đối như mong muốn.

Đứa em gái tuổi Giáp Dần ra đời, hợp với Ba Má tôi thành tam hợp: Dần, Ngọ, Tuất. Em trông mạnh mẽ, láu lỉnh ngay từ thuở sơ sinh. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, qua năm 1975 thành phố tôi ở có nhiều biến chuyển, những thay đổi từ xã hội làm thay đổi luôn hoàn cảnh sinh sống của gia đình tôi. Ba tôi phải công tác ở những vùng xa thành phố, công việc của một kỹ thuật viên xây dựng cầu đường, hồi phục những mạch giao thông đã bị cắt đứt sau chiến tranh. Má tôi không còn là bà nội trợ nữa mà phải bôn ba ra chợ buôn bán để phụ vào đồng lương ít ỏi cái thời tem phiếu. Em gái không được nuôi bằng sữa mẹ mà phải lớn lên bằng nước gạo nấu nhừ, hoặc khá hơn là bằng sữa bột nhản hiệu Liên Xô, loại cung cấp cho quân đội ngày xưa, chúng tôi thường đùa là “Sữa Bộ Đội”.

Những năm tháng sau đó, tình hình kinh tế của cả nước rất tồi tệ, đói kém. Ba tôi trong một ngày đang làm việc ở công trường xây dựng Cầu Đường Huyện Phú Túc - Quảng Nam thì bị bắt tập trung cải tạo, tình nghi tội tham gia phản Cách Mạng. Một bản án có thể gọi là “long trời lở đất”, vì nó hoàn toàn hủy diệt vận mệnh, con đường sống của cả một gia đình. Xe của công an Tĩnh Quảng Nam đưa Ba tôi về nhà lục soát toàn bộ tủ sách, ngăn kéo...tuy không tìm ra chứng cứ gì Ba vẫn bị trói chéo hai tay ra sau lưng và đưa ra xe. Ân huệ cuối cùng là Ba được ngồi xuống đất để đứa em gái út mới lẩm chẩm biết đi tiến đến gần bên, Ba hôn đứa con gái út "Tam Hợp" của mình trước khi bị đẩy lên xe, đi biệt tích...

Sau biến cố đó, Má tôi phải thay Ba làm lụng nuôi đàn con. Má buôn bán chật vật mỗi ngày, cố kiếm cho đủ mấy lon gạo, thức ăn thì bữa có bữa không, khi nào “đẩy” được một món đồ xa xỉ trong nhà như quạt máy, tủ lạnh, cát xét… ra chợ trời thì chúng tôi mới có được một bữa ăn tương đối no. Sau cùng những chiếc áo dài, giày dép của má cũng lần lượt ra đi.

Mái tóc của Má được dưỡng lại sau khi sanh em gái út nay đã bắt đầu lấm tấm những sợi bạc. Má bươn chải qua nhiều nghề vẫn không đủ thiếu gì cho tám miệng ăn. Thế mà Má tôi vẫn cố gắng cho các con đến trường, Má tôi quan niệm thật đơn giản, không làm được ông này, bà nọ thì cũng phải có vài chữ để trên đầu trên cổ, mai sau ra đời khỏi bị người ta ăn hiếp.

Ba tôi sau một khoảng thời gian ngắn bị tạm giam ở lao xá Hội An thì chuyển đi Tiên Lảnh - Tam Kỳ. Má tôi khi biết được tin thì mừng rơi nước mắt. Kể từ ngày ấy, đoạn phim... Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng, tay dắt đàn con... do Má tôi đóng vai chính cũng gian nan, đẩm lệ giống như bao nhiêu phụ nử Việt Nam thời hậu chiến. Gia đoạn này, tài sản trong nhà và những đồng tiền hiếm hoi do Má buôn bán, do anh em tôi đi làm thuê làm mướn, buôn gánh bán bưng... ngoài việc lo cơm nước còn phải để dành chút ít để đi thăm nuôi Ba tôi. Ban đầu là ba tháng một kỳ, dần dà sáu tháng một kỳ... và càng về sau thì chỉ mỗi năm một lần; trước những mùa mưa lụt. Chúng tôi thầm hiểu nhau; thăm là chính, nuôi là phụ. thăm để gặp mặt và để biết Ba mình vẫn còn sống. Còn trông chờ ngày sum họp thì thôi... xa lắm người ơi!

Nhiều khi túng bẩn quá, thắp nhang cầu nguyện ông bà, Má tôi còn trách: Ông bà ở trên cao, sao không ngó lại hoàn cảnh mẹ con tôi mà cho tôi được trúng con số độc đắc. Tôi cũng lén nghe, và lần này thì không rơi lệ mà cười ra nước mắt. Vậy mà không biết lời cầu xin trúng giờ linh hiển hay sao, Má tôi trúng số độc đắc thiệt, chỉ từ một đồng bạc rách không xử dụng được gì, Má tôi đem mua vé số; đồng bạc rách đã biến ước mơ trúng số của Má tôi thành sự thật. Sau đó là những lần Má cúng vái tạ ơn ông bà cô bác, Má tôi nấu chè đậu xanh đánh đem biếu bà con, láng giềng, xem như chia cái lộc cho mọi người cùng hưởng, còn anh em tôi thì có được một số ngày no nê.

Mấy năm sau, chính sách hà khắc và độc đoán của chế độ mới mà điển hình là chưong trình trưng thu nhà cửa của những gia đình có làm việc cho chế độ trước, đã đẩy gia đình tôi ra khỏi căn nhà mà người ta cho rằng được dựng nên bằng "nợ máu" của nhân dân. Không có chồng ở bên cạnh, một thân một mình Má tôi với đàn con nheo nhóc bị dồn vào sống chung một nửa căn nhà của một gia đình đồng cảnh ngộ.

Không thể nào tả hết được những cơ cực mà mẹ con chúng tôi đã phải gánh chịu. Không có vốn liếng để buôn bán nhưng với ước nguyện ở lại thành phố để các con được tiếp tục đến trường, Má tôi từ chối những lời dụ dổ hoặc đe doạ đủ kiểu của nhà cầm quyền. Má cương quyết không đưa con đi vùng kinh tế mới. Sau này chúng tôi mới biết đó là một quyết định liều lĩnh nhưng sáng suốt của Má. Má tôi chính thức "về quê ngoại xin ăn". Mỗi tuần hai đợt Má lên xe đò đi về quê ngoại, gặp gì buôn nấy, họ hàng thương tình thì đùm túm cho ít khoai sắn, bắp đậu; chúng tôi sống ở thành phố mà ăn uống kham khổ, không có được một ngày no, nhưng đói thì không hẳn là đói tới mức phải quị ngã.

Mỗi năm đến dịp gần Tết thì Má tôi có thêm nghề đi quanh xóm gói bánh tét thuê, tiền công cho Má là một vài cặp bánh mang về cho các con ăn tết. Trong đời tôi, đó là những cái Tết buồn tẻ không có mùa xuân. Anh em chúng tôi dĩ nhiên chỉ học đến hếp lớp 12, con đường Đại học không có lối dành cho những đứa con của gia đình mang lý lịch xấu như chúng tôi. Tám đứa con của Ba Má lớn lên với thời thanh xuân trăm đắng ngàn cay, tương lai mờ mịt.

Ngày Ba tôi từ trại tù nhỏ bước ra trại tù lớn thì Má đã gần sáu mươi tuổi; đàn con của Ba Má đã có 4 đứa lập gia đình với tám cháu nội ngoại, chúng tôi vẫn cam chịu sống trong một nửa căn nhà đã hoàn toàn xuống cấp "mùa mưa dột nát, mùa hè ngàn sao"... Ba phụ với Má chăm lo cho con cháu cho đến ngày Ba đưa một nửa gia đình được phái đoàn của chương trình H.O. chấp thuận cho lên đường đi Mỹ định cư năm 1994. Má ở lại với đứa con dâu có chồng vượt biên đang ở trại cấm Hong kong. Thật lòng Má cũng muốn ở lại để kiện tụng, xin xỏ lại căn nhà đã bị trưng thu nhiều năm trước. Sau nhiều lần hầu "cửa quan" từ địa phương đến trung ương; tốn kém biết bao nhiêu giấy viết đơn và mồ hôi, nước mắt lẩn tiền bạc Má đành bỏ cuộc.

Mười năm sau chúng tôi ổn định cuộc sống ở xứ người thì hồ sơ bảo lảnh mới có kết quả. Má lên đường sum họp với Ba và đàn con năm 2004. Tính ra, sau hơn 48 năm kết hôn Ba Má tôi đã phải sống trong chia ly hơn 20 năm. Mười năm Ba tôi ở tù và mười năm ông Bà sống cách xa nhau một đại dương.

Má tôi có lòng thành và tin vào những lời cầu xin từ Trời Phật ghê lắm. Ngày Má và Ba tôi sum họp sau nhiều năm xa cách, thấy thằng con trai cưới vợ đã lâu mà chưa có con, Má lâm râm cầu xin, tôi đùa với Má: bây giờ qua Mỹ rồi, không biết ông bà còn đi theo để phù hộ má không. Má tôi lẳng lặng van vái hằng đêm, một hôm Má nói với tôi “Má thấy Phật Bà ẳm cho má một đứa bé gái, đẹp lắm” Tôi chỉ cười cho Má vui và nuôi hy vọng. Em trai tôi năm nay bốn mươi lăm, em dâu bốn mươi sáu, cưới nhau hơn mười năm đã là cha mẹ của một đứa con gái nhỏ, xinh ơi là xinh. Lần này, tôi thật tin vào những lời cầu xin của Má, như là một kỳ tích.

Năm nay Má tôi gần chín mươi tuổi nhưng còn khỏe và minh mẫn so với những bà mẹ cùng tuổi, da dẻ má hồng hào, mùa đông xứ lạnh làm đôi gò má ửng hồng như con gái mắc cỡ. Má ăn uống rất kỹ càng, siêng năng đi bộ dù trời nóng hay lạnh. Má đối xử với bạn bè tôi cũng rất tình cảm, chu đáo. Các bạn tôi ở xa đến nhà chơi đều được Má nấu những món ăn đậm đà hương vị quê nhà để tiếp đãi.

Thật là buồn cười, tôi nghe Má nói với em gái hoài: Nè, sao tụi bay làm biếng quá, con ni răng mà chỉ sanh có một đứa rồi im luôn? Thế rồi, đầu mùa trồng trọt, Ba tôi trồng được dây bầu, có trái bầu đầu tiên lủng lẳng trên giàn xinh lắm, Má nhất định bắt Ba tôi phải cắt vào, Má lụi hụi cắt cắt gọt gọt nấu canh cho tôi ăn, Má nói, ăn được trái bầu đầu giàn, đầu mùa thì sẽ có bầu liền, trời ơi, thì ra Má đang cầu mong cho vợ chồng em tôi có được thằng con trai để hủ hỉ.

Riêng tôi, nếu các đấng trên cao cho tôi một lời xin, tôi không cầu mong em mình sẽ sanh ra thằng con sau khi ăn trái bầu đầu giàn, đầu mùa như Má hằng cầu nguyện, tôi chỉ cầu cho Má tôi luôn minh mẩn, vui vẻ, khỏe mạnh bên các con các cháu để mỗi lần con cháu đến thăm đều thấy được nụ cười trên môi Ba Má như thi sĩ, nhà văn nhà thơ Trần Trung Đạo đã viết nên những câu thơ làm xúc động lòng người khi nhớ về mẹ.

“Ví mà tôi đổi thời gian được,
đổi cả thiên thu, tiếng mẹ cười…”

Khoa học không thể chứng minh được nhiều chuyện, như không giải thích được vì sao những lời cầu xin của Má đều trở thành hiện thực. Tôi đã từng thầm nghĩ, nếu chỉ ăn món canh bầu của Má mà em tôi có bầu và sanh con trai ở cái tuổi 50 này thì lời cầu nguyện của Má chắc chắn phải có một sức mạnh siêu nhiên. Nếu có thể chứng minh được sức mạnh ấy, chắc má tôi sẽ vô cùng xứng đáng để nhận được giải Nobel khoa học, Nobel hòa bình, Nobel… tùm lum, tà la nào đó. Nhưng tôi biết má tôi không ham, Má tôi, với bao lần cầu nguyện, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu nước mắt từ quê hương cũ cho tới quê hương mới là đất Mỹ ngày nay, với tôi, còn cao cả hơn bất cứ giải Nobel nào đó.

Bởi tất cả công trình cầu nguyện hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ của Má tôi, đều dành cho các con của mình, như dòng nước mắt cứ chảy xuống.

Mùa Vu Lan. Atlanta, Aug 2017.

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
30/08/201714:38:21
Khách
Hay và rất cảm động. Hình ảnh khiến tôi nhớ lại Mẹ mình đã khuất núi từ lâu . Cám ơn tác giả và trang VB. Kính chúc quí vị luôn tâm an thân lạc để tiếp tục lưu truyền văn hóa, ngôn ngữ Que Mẹ nơi xứ người .
29/08/201711:09:28
Khách
Cám ơn Việt Báo và tác giả bài viết về Mẹ. Tôi đã hình dung được hình ảnh người Mẹ của mình và hoàn cảnh gia đình tôi sau 1975. Một bài viết làm lay động lòng người, rơi lệ.
27/08/201713:21:53
Khách
Người viết bài này chân thành cám ơn sự đồng cảm của bạn đọc. Hy vọng sẽ cống hiến nhiều hơn nửa chút khả năng nhỏ bé của mình cho trang Việt Báo nói riêng và sự lưu truyền ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam nơi hải ngoại.
26/08/201700:10:37
Khách
Ngày hôm qua tình cờ được đọc bài cũ "Chung Và Riêng: Vượt Biển Một Mình" -15/02/2010- Nguyễn Trần Diệu Hương, hôm nay thêm bài mới "Má, Dòng Nước Mắt Chảy Xuống " - Nguyễn Diệu Anh Trinh . Những trang sử đen tối của xứ Việt ! Những năm tháng đau buồn của đời người Việt nam ! Ôi, buồn nẫu ruột !
25/08/201723:48:45
Khách
Cám ơn tác giả. Xin chúc gia đình tác giả luôn được nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
25/08/201721:43:25
Khách
Bài viết cảm động quá. Đọc muốn khóc luon. Cảm ơn tác giả chia sẻ câu chuyện về Mẹ. của bà thật hay, that chan chứa tình Me thương Con bao la vô bờ bến.
25/08/201718:50:46
Khách
Cám ơn tác giả và trang Việt Báo đã cho đọc một bài viết rất cảm động. Chỉ gói gọn trong nội dung là ký ức về Mẹ và hoàn cảnh riêng của gia đình tác giả; là nạn nhân sau 1975 nhưng cũng ghi lại một đoạn lịch sử nước nhà qua những tháng ngày cơ cực sau biến cố 1975. Một bài viết rất đáng suy ngẩm và đọc cho con cháu thế hệ sau nghe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,319,896
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.