Hôm nay,  

Già Đi Học

28/07/201700:00:00(Xem: 11852)

Tác giả: Lại Thị Mơ
Bài số 5177-19-31021-vb5072717

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết về nước Mỹ mới của bà cho năm thứ XIX.

* * *

Hồi mới qua Mỹ, hai mái đầu muối tiêu, mang theo hai thằng nhóc mà tuổi của hai đứa, cộng lại chưa quá số 10. Thiệt tình tui như mán về thành. Mặc dù từ nhỏ tới lớn sống ở Saigon.

Hồi ở VN, nhà trẻ phải mở cửa sớm, trước giờ các công sở làm việc, và đóng cửa sau giờ hành chánh một tiếng đồng hồ. Nhờ vậy cha mẹ cứ thả con vô nhà giữ trẻ (khi con được 12 tháng), rồi yên tâm đi làm.

Qua đây, không có chuyện đó, cơ quan nào cũng mở cửa như nhau. Rồi làm sao đây? Cuối cùng cũng tìm ra lối thoát. Cả hai cùng đi học nghề. Không làm thầy được thì làm thợ. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà. Các cụ bảo thế.

Cả ngày lo nấu nướng dọn dẹp, làm sao đi học. Thế là chia nhau ra, người học sửa xe thì đi học ban ngày. Người học tóc thì đi học ban đêm. Chẳng phải có năng khiếu gì, chẳng qua hai trường đó ở gần nhà, mà mới qua lái xe còn lạng quạng, đâu dám chạy freeway.

Người ta thường nói cưa sừng làm nghé theo nghĩa xấu. Ý nói mấy ông Yamaha, già còn ham vui. Trâu già gặm cỏ non, già cúp bình thiếc mà về VN lấy vợ trẻ hơn mấy chục tuổi. Khi mang qua, họ bỏ (của chạy lấy người) là phải rồi. Còn than thở chi nữa.

Nhưng ông chồng già của tui phải cưa sừng làm nghé vì đi học trường dạy nghề với đám con nít teenager. Tức là con trâu già phải cưa sừng để giả dạng làm nghé con.

Khi đi học, ổng bảo ổng chẳng hiểu thầy nói gì. Toàn đoán, có điều con nít thấy dầu mỡ dơ, tụi nó đứng ngó ngó chứ không muốn đụng tay vào. Còn ổng thì cứ xung phong chui dưới gầm xe để mày mò nghe thầy chỉ dạy. Vì đoán nên khi làm bài toàn được điểm D, may chưa bị F (fail), nhờ vậy ổng cũng lê lết học xong khóa sửa xe, trình độ vocational. Tức là cái bằng hạng bét ở xứ Mỹ.

Tuy vậy cũng hãnh diện hơn người chẳng có cái bằng nào, ở cái tuổi sắp thành ông lão.

May mắn sao ông hiệu trưởng của cái trường dạy nghề, vốn là cựu chiến binh VN, biết con trâu già này bị tù gần 10 năm trong địa ngục trần gian, nên ổng tội nghiệp người ngơ ngơ ngáo ngáo, giới thiệu cho một dealer ở cách nhà 35 miles.

Thêm một cái may thứ hai là manager của cái dealer to lớn đó lại là một người vô cùng nhân hậu, khi thấy một người nhỏ bé, tiếng Anh lõm bõm, vậy mà vẫn nhận.

Có điều chỗ làm khá xa, cách nhà 35 miles. Mỗi ngày phải mất gần 2 tiếng cho việc đi lại, nhất là vào mùa Đông ngập tuyết thì gian nan vô cùng, nhiều lần suýt chết, anh giấu tôi, mãi sau này mới nói.Thật ra chúng tôi không còn một sự chọn lựa nào khác. Tiền trợ cấp chẳng có bao nhiêu, mà cả bốn con người còn có cả một chuỗi ngày dài trước mặt.

Khi đói thì đầu gối phải bò.

Thế là từ đó ông chồng tui làm cho Mỹ ngon lành. Trong khi nhiều người vì ngại tiếng Anh dở, nên xin việc ở mấy tiệm sửa xe của người Việt làm chủ, không khá được vì luôn luôn bị đì.

Một ông già chỉ hơn 100 lbs, mà mấy anh chàng làm chung chọc ghẹo chỉ hai cái đùi của họ, cũng đủ cỡ đó. Anh kể rằng sao mà họ ăn được nhiều thế, hai khúc bánh mì (sub) dài như hai cây thước ngày xưa đi dạy học. Còn họ nhìn anh lắc đầu: you ăn noodle, hèn chi giống noodle!

Ấy vậy mà họ khoái cái ông gầy nhom đó, vì bàn tay nhỏ bé có thể luồn vô các khe hở để vặn những con ốc nằm trong hốc kẹt. Chứ ngày xưa họ phải mở ra hai, ba lớp lâu lắc. Bù lại hễ cái gì nặng, anh lại gọi Tony, là anh chàng to như con gấu 300 lbs, lúc nào cũng vui vẻ giúp đỡ.

Mọi người nơi làm việc vô cùng dễ thương, họ tận tình chỉ bảo. Chỉ có điều anh nói, họ chọc ghẹo: sao mấy tiếng bậy bạ, nghe qua một lần là you nhớ ngay, còn những chữ chuyên môn, học hoài không nhớ.

Chẳng là chung quanh toàn mấy ông, họ tha hồ nói vung vít.

Anh nói rằng người Mỹ họ không hề mặc cảm. Cái anh chàng giỏi nhất ở đó, coi như bác sĩ định bệnh xe hư cái gì, rồi mới viết toa (ghi note), cho mấy tên thợ cứ theo đấy mà sửa. Anh chàng đó bị cụt hai chân, có sao đâu? Cái chân chỉ để đi thôi mà, còn có cái đầu và hai cái tay.

Biết bao người tàn tật vẫn thi đua tranh giải Olympic là hình ảnh vô cùng cảm động.

Làm chung mấy năm, chồng tôi mới biết có mấy người bị cưa chân. Họ vẫn cười ha hả, vẫn kiếm tiền ào ào.

Bị cưa vì ngày xưa là lính, hay bị cưa vì bệnh, cũng vẫn vui vẻ yêu đời.

Quả thật làm chung với người Mỹ mới thấy họ vô cùng lạc quan, nhân hậu. Chuyện không biết tiếng Anh là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là mình có muốn làm việc hay không?

Bắt buộc phải dùng tiếng Anh ở miền Đông Bắc này, nên chẳng bao lâu người già cũng nói tiếng Anh ào ào!

Mấy người qua sau ở Cali, có nhiều người đi trước từ ngày tan hàng, nên không cần dùng tiếng Anh nhiều. Từ văn phòng bác sĩ, luật sư, ngân hàng cũng có người nói tiếng Việt giúp đỡ. Còn ở xứ Đông Bắc lạnh lẽo này, người Việt lác đác, không biết tiếng Anh làm sao kiếm ra việc làm.

Nhưng người Mỹ họ lại có cách nhìn khác. Họ chọn người đức, chứ không phải người tài. Người chịu khó là họ thích nhất. Còn làm lớt phớt không có kỷ luật thì dẫu giỏi mấy cũng mời đi chỗ khác. Bởi vậy khi xin việc, họ luôn luôn yêu cầu nhận xét từ những nơi đã làm.

Chính sự chịu khó của ông cựu tù, con trâu già, mà ông hiệu trưởng trường nghề, đã giới thiệu cho dealer. Rồi người manager không cần hỏi han gì cả, nhận ngay. Chứ một ông già ốm nhom, tiếng Anh lõm bõm, một dealer nổi tiếng làm sao vô được.

Đó là lý do tại sao người Mỹ không đặt nặng vào tiêu chuẩn bằng (dù phải có), nhưng họ cần phỏng vấn rất kỹ.

Có một câu chuyện vui về chuyện phỏng vấn. Một anh chàng VN lớn lên ở Mỹ, được cử về VN đại diện cho công ty tuyển nhân viên tại chỗ cho hãng của mình. Đơn gửi tới nhiều quá, đơn nào cũng y khuôn như nhau, bằng nào cũng cao ngất trời.

Không biết làm sao, anh chọn đại hai cô ba cậu. Anh nói việc đầu tiên, các bạn viết trong đơn, trình độ vi tính giỏi, vậy dùng cái laptop của mình thảo một lá đơn nói về mình, rồi gửi ngay qua email cho tôi.

Hai cô gái mặc áo đầm ngắn tới độ không thể ngắn hơn, trang điểm như đi dự dạ hội, dù buổi phỏng vấn vào buổi sáng. Hai cô ngồi cắn bút loay hoay, ba anh kia cũng gõ lóc cóc. Bỗng nhiên một anh đứng dậy, rút túi quần ra một phong bì dày cộm, dúi vào tay anh phỏng vấn, miệng cười cầu tài (nham nhở): anh mang về bồi dưỡng.

Anh chàng Mỹ gốc Việt này đành đứng lên, chào tất cả năm nhân tài. Nạn nhất thân nhì thế là tiêu chuẩn nhận người, không có ở đây.

Bởi vậy trẻ con phải lo học thôi. Còn ở VN con ông cháu cha, ô dù, nên cứ việc rong chơi. Mai kia lớn lên vẫn có chức vụ cao chờ sẵn.

Ngày xưa khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Nhà tôi ở gần phi trường Tân sơn Nhất, trong xóm rất nhiều nhà cho lính Mỹ thuê. Dù chưa xong trung học, nhưng tôi đã là cô giáo dạy kèm Anh Văn cho mấy cô lấy Mỹ. Hồi đó trong xóm tui, người ta không gọi là vợ Mỹ, bồ Mỹ mà chỉ gọi là mấy cô lấy Mỹ. Còn gái bao hay me Mỹ là mấy người viết báo gọi. Chứ bà con trong xóm không ai dùng những chữ miệt thị đó.

Dĩ nhiên ngày xưa suốt 7 năm trung học, mỗi tuần học sinh ngữ 6 tiếng, nên trình độ sinh ngữ của học sinh miền Nam dư sức dạy mấy cô lấy Mỹ, bập bẹ được những câu thông dụng.

Cái khó bó cái khôn. Mặc dù học xong chương trình ESL của đại học cộng đồng, nhưng tôi không thể học lên cao vì thời khóa biểu đòi hỏi phải học ban ngày. Đành phải đi học trường nghề buổi tối, ban ngày còn phải trông chừng con nhỏ và giữ thêm trẻ để kiếm sống.

Ngày đầu tiên vào lớp, tôi nhỏ con nhất trong một lớp toàn con gái Mỹ to cao. Tụi nó gọi tôi là little girl, tôi đưa bằng lái xe cho tụi nó xem. Tụi nó không gọi là em nhỏ nữa, mà gọi là grandma. Thiệt hết ý kiến.

Hàng ngày trông cho hai thằng con làm bài tập. Tôi thấy đi học ở Mỹ dễ hơn VN rất nhiều. Từ mẫu giáo đi một lèo lên đại học, chẳng có một kỳ thi nào. Không cần phải suốt ngày chúi mũi vào sách. Không cần học thêm học bớt gì hết, chỉ cần đi học chuyên cần là đủ. Vậy mà không chịu học thì cũng chịu thua.

Còn học nghề thì lại dễ hơn. Trong lớp tôi có vài người Việt, họ nhờ tôi dịch từng trang sách, rồi ghi chú tùm lum, kín mít cả trang sách.

Tôi cũng kiên nhẫn giúp họ, chỉ nói rằng: nguyên một trang tôi chỉ không biết một chữ, còn em chỉ biết có một chữ. Rồi làm sao thi? Bởi vậy các tiệm nails, tóc, người không có bằng rất nhiều. Họ cũng chẳng quan tâm tới chuyện đi học.

Khi đi thi phần thực hành không quan trọng, chỉ cần làm đúng chứ không cần làm đẹp. Tuy nhiên phần lý thuyết cũng dễ nếu hiểu tiếng Anh. Người Mỹ không ra thi kiểu giăng bẫy bằng những câu hỏi bí hiểm.

Tôi học nghề tóc buổi tối tại một trường công của tỉnh. Trường này dành cho người lớn. Vì là trường công nên học phí rất rẻ, nhưng mỗi tuần chỉ học 4 buổi tối. Đi học theo thời gian của trường ban ngày, nghĩa là nghỉ Hè, chào mùa Xuân tới, mùa Đông sang, lễ tết...thời gian kéo dài 2 năm. Còn trường tư học phí rất mắc, nhưng dồn thời gian học mỗi ngày nên chỉ mất 10 tháng là đủ giờ để đi thi.

Trẻ em ở Mỹ, khi bắt đầu lên trung học. Nếu em nào muốn học nghề sẽ được bắt đầu từ lớp 9 cho tới khi học xong lớp 12. Mỗi ngày xe bus tới đón đưa đến trường nghề học một buổi, rồi đưa trở lại học chữ. Sau khi học xong trung học, các em có bằng nghề và chứng chỉ tốt nghiệp trung học. Các em có thể tiếp tục học đại học như tất cả các em khác.

Chương trình dạy học sinh trung học của Mỹ rất thực tế. Người ta chuẩn bị cho các em khi lớn lên (18 tuổi) có thể tự lập nuôi thân. Vì vậy trường tôi học buổi tối, các em ban ngày lỡ nghỉ học thiếu giờ, chỉ việc vào lớp buổi tối cho thầy cô ký tên xác nhận, rồi kiếm một chỗ...ngủ. Hết giờ đi về.

Muốn dạy nghề cho người lớn buổi tối, người thợ chỉ cần có bằng 3 năm là có thể xin dạy. Người ta không chú ý tới người lớn, coi như lớp dạy bổ túc văn hóa. Bản thân thầy cô này cũng chẳng hiểu gì về các hóa chất dùng cho tóc, họ chỉ mở sách ra đọc. Sau đó cho làm bài kiểm. Câu trả lời họ đã biết sẵn, thực hành cũng chỉ giảng lớt phớt cho có lệ. Hầu như ban ngày họ làm mệt. Dạy buổi tối là job kiếm thêm, ngồi xả hơi.

Cô giáo ngày xưa hết lòng hết sức giảng bài cho học sinh hiểu. Nay thành học trò, cứ thắc mắc dạy cái kiểu gì kỳ cục quá. Lòng thì hoang mang làm sao có nghề kiếm sống đây.

Đối với trẻ con thì hoàn toàn ngược lại. Tôi đã dự một buổi học ban ngày của lớp dạy nghề. Thầy cô rất nghiêm khắc, giảng rất kỹ và bắt các em thực hành cho tới khi nào được mới thôi. Người ta bảo rằng các em phải có nghề để nuôi thân khi ra đời, vì vậy phải rất nghiêm khắc, thầy cô đứng kèm sát rạt. Còn người lớn, thì ôi thôi đủ mọi thành phần. Kế toán, y tá chán nghề cũ, muốn đổi nghề. Có người học cho biết, vô thưởng vô phạt. Chỉ có riêng mình là phải sống chết để có nghề kiếm cơm.

Khi cô giáo chỉ thực hành, chung quanh một lô con gái Mỹ, lưng như cái phản, cao hơn tôi cái đầu bu quanh cô giáo, tôi có thấy gì đâu, đành chịu thua. Cô giáo thì chỉ giảng đúng một lần, rồi mang báo ra đọc. Học trò muốn làm gì thì làm, chuông reng là ra về.

Tôi đành chú tâm vào lý thuyết nên đậu hạng nhất mà chẳng biết gì hết.

Sau khi có bằng hành nghề, tôi thấy có một công ty lớn cần người bèn xin vào. Quy định của công ty, người vừa nhận việc phải đứng gội đầu cho 20 người thợ. Coi như đứng gội không bao giờ ngừng, còn hai bàn tay thì quăn queo như những người trong xóm tôi đi bóc tôm ở công ty thủy sản ngày xưa. Cũng may chỉ mới hai tuần, thì có một cô nhỏ đến xin việc. Tôi được chính thức hành nghề. Tôi nói đùa với cô bé vừa xong trung học, mỗi ngày cháu phải cầu xin Chúa gửi một đứa khác tới đây xin việc, là...khoẻ!

Tôi học được chữ “cú cù” khi người khách đầu tiên của tôi là một bà cụ già. Lúc đó bà thợ có 30 năm tuổi nghề, và tôi mới được phép bắt đầu. Cả hai chúng tôi cùng đứng trước mặt bà cụ. Người già thiệt lẩm cẩm, bà khách cứ chỉ tôi, bảo con nhỏ này lúc trước cắt cho bả đẹp lắm. Còn cái bà nhiều kinh nghiệm kia cắt xấu lắm. Bà kia bực bội ra phía sau cứ lẩm bẩm cú cù.

Coi vậy chứ mà hồi còn đứng chỗ gội đầu, tôi cũng cứu nguy cho mấy người làm chung nhờ biết phản ứng kịp thời. Chẳng hạn có một bà Tàu vác cái bụng bầu gần ngày sanh, lê bước nặng nhọc vô đòi uốn tóc. Bà manager từ chối, nói rằng hóa chất ảnh hưởng đến thai nhi. Hơn nữa tóc của bà bầu sẽ không quăn vì cơ thể phản ứng với thuốc. Bả tức giận la ó om sòm, bảo rằng đây là đứa thứ ba. Mỗi lần sanh bả đều đi uốn tóc, có sao đâu. Cái bà Tàu này, mang chuyện bên xứ bả mà nói với manager Mỹ là không có được. Ngay khi khách gội đầu mà thấy có mụn nhọt, hay lở chốc là phải từ chối. Họ sợ nhất chuyện lây lan. Bị cúm hay mắt đỏ mà cứ đi làm, đi học là bị đuổi về.

Bởi vậy vô tiệm Mỹ là phải coi chừng. Có người đầu quá dơ, có nhiều lấm tấm trắng là mời khách đi ra, vì họ nghi bị chí. Mặt mày quê xệ.

Mỹ mà, luật là luật, chứ tiệm VN là làm tuốt.

Nhiều người Việt ngại vô tiệm Mỹ là vậy. Phần nói không rành, nên không biết nói cắt theo ý mình.

Thấy bà bầu làm dữ, manager bằng lòng uốn cho bả, với điều kiện bả phải ký vô tờ giấy màu vàng. Tức là khách hàng không được khiếu nại, nếu kết quả không như ý muốn.

Sau cả tiếng đồng hồ cắt, cuốn ống. Người thợ cho thuốc làm quăn tóc, sau 20 phút xả, tiếp theo mới cho thuốc giữ nếp.

Sau khi xả nước thì người gội sẽ bỏ thuốc giữ nếp, chờ 5 phút xả lần chót là xong.

Chắc vì đang giận nên bà bầu chẳng để ý không có mùi khai của thuốc làm quăn tóc. Bởi vì người thợ đã bỏ nhầm thuốc. Dùng thuốc giữ nếp, chai thuốc quăn chưa dùng. Khi bà gội đầu này biết sự thật thì lỡ rồi, thời giờ đâu làm lại. Nhất là bà bầu kia mệt lắm rồi. Đối với Mỹ, câu thượng đế là khách hàng (không phải bênVN) là quy luật hàng đầu.

Phải làm vui lòng khách. Vì đó là người nuôi mình, mang tiền lại cho mình. Mà khi đi làm luôn luôn phải coi công việc của chủ hay của công ty, cũng là công việc của mình.

Vì vậy tôi rất bình tĩnh, nhanh trí đổ một ít thuốc quăn lên tóc (cho có mùi), rồi châm nước lạnh vô. Giả bộ làm như bình thường. Không một ai biết.

Dĩ nhiên tóc không quăn, may quá tờ giấy màu vàng đã cứu nguy cho người thợ. Bà manager được dịp an ủi khách, trong khi mặt bà bầu cứ thắc mắc: sao kỳ quá.

Tuy nhiên tôi đã kín đáo tiết lộ bí mật, nên để khách vui lòng, chỉ tính tiền cắt chứ không tính tiền uốn.

Khi khách đi khỏi, cả manager lẫn người thợ kia mừng rối rít. Bởi vì tóc không quăn cũng không sao. Chỉ khi nào gây thương tích hay hư hại hoàn toàn tóc của khách là lôi thôi to. Tóc ngắn rồi lại dài ra.

Câu nói đầu tiên cho buổi học bắt đầu khi học tóc. Cô giáo bảo rằng khi bạn chọn nghề này, tức là bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều khách hàng khác nhau, người gây rắc rối, người dễ dãi thông cảm.

Tôi là đứa không khéo tay, nhưng “ khéo miệng”. Cả ngày lu bu với đám trẻ, tới giờ đi học mới chạy đến trường, chẳng hề nhìn vào sách.

Vậy mà khi làm bài test, chỉ vài tuần sau là mấy đứa nhỏ ngồi phía sau khều khều, hỏi câu trả lời a,b,c,d. Tại vì lúc nào tôi cũng được điểm A.

Trời ơi, cô giáo dạy Hóa mà không biết thế nào là pH của alkalid, acid hay nước sao? Hay phân biệt nước nặng nước nhẹ. Còn peroxide 20 volume( 6%),30 volume( 9%)... đổi qua đổi lại là đồ bỏ. Những bài giảng ngày xưa dung môi, dung dịch cũng làm cho đôi khi bâng khuâng nhớ lại. Nhưng cũng chỉ buồn thoáng qua.

Thế rồi khi đi làm, chỉ một thời gian ngắn là Xếp lớn xuống cho tôi thành Xếp nhỏ. Bởi vì có những chuyện rất đơn giản, mà các cô thợ cứ lúng túng làm sao cho hợp lý, chuyện phân chia nhiệm vụ của mỗi người. Tôi nói cứ vẽ hình vuông, kẻ caro, hàng ngang là tuần, hàng dọc là tên. Thế là công bằng, sau một vòng, ai cũng làm qua công việc ấy một lần. Chuyện dễ như vậy mà không nghĩ ra.

Hóa ra lâu dần “cái đuôi” của mình cũng lòi, người ta gọi là lòi đuôi.

Rồi tới chuyện than thở, bên trên gởi cái vòng cao su hơi nhỏ, bỏ mãi không vô cái đĩa tròn bệ ghế. Tôi nói bỏ vào máy sấy vài phút, giây nở ra sẽ lắp vào dễ dàng. Chỉ có thế mà cũng trầm trồ, vật lý lớp 7 thôi mà. Khi nóng nở ra, lạnh co lại. Những cái tiểu tiết lặt vặt đó cũng làm cho mấy đứa làm chung phục lăn. Rồi tới mục bán hàng, lại bị khách hàng kêu ca.

Người mình tính nhẩm nhanh như máy. Có biết bao bà mẹ quê không biết chữ, mà vẫn nuôi con ăn học thành bác sĩ kỹ sư. Từ thời Pháp tính từ “một quan là sáu trăm đồng”, rồi từ chinh ra hào, ra xu…

Không biết chữ nhưng không bao giờ nhầm.

Còn cô giáo này học môn toán, phải học tính nhẩm làm tròn số từ khi còn nhỏ. Qua Mỹ, cái gì cũng phải dùng máy, sốt ruột quá. Mình nói dùm con số, nhưng họ chỉ tin máy. Đó là cái bệnh rất thường gặp ở đây.

Người ta bảo “ăn cắp mà gặp bà già”. Tức là quả quít dầy gặp móng tay nhọn.

Bà già nào cũng khôn hết, bà già Mỹ hay bà già Việt (không biết chữ) cũng khôn như nhau.

Tiệm tóc của công tư lớn (Mỹ) bán rất nhiều sản phẩm của công ty họ làm ra. Nên họ cũng có đợt hạ giá như các tiệm bên ngoài 25%, 50%, 75%.

Các bà Mỹ già chờ tới khi sale 75% mới mua. Bả không cần tính toán lôi thôi, chỉ cần biết món đó 12 đồng, giảm 75% tức là 3 phần 4. Bả cầm sẵn 3 đồng thêm ít xu trả thuế.

Dĩ nhiên khi tôi tính tiền, thì các bà già rất vui vẻ. Nhưng tới lượt một cô thợ Mỹ khác tính tiền cho một bà già Mỹ khác, cũng cùng một món hàng. Tại sao bả phải trả gần 5 đồng.

Ăn cắp gặp bà già mà, dĩ nhiên bả đâu có chịu. Còn người tính tiền thì cứ lệ thuộc vào máy. Bảo rằng máy nói như thế. Không biết.

Buộc lòng máu nhà giáo nổi lên, tôi dùng phân số để giải thích. Vẽ ra một cái bánh vuông vức (bánh trung thu) để diễn tả: một nửa của một nửa là một phần tư, còn một nửa của một phần tư là một phần tám. Bớt cho người ta không đủ 3 phần 4, thì họ cự là đúng rồi.

Nói gì thì nói. Nhưng khi tôi không có mặt. Thợ tính sai, mà khách cũng vẫn trả, không hề thắc mắc. Hễ thấy rẻ là vui rồi.

Về kể chuyện cho con nghe, tụi nó cười, bảo rằng tại mấy bà già lẩm cẩm, mấy cái lặt vặt không đáng kể. Chứ Mỹ mà tính sai một xu, họ cũng kiện tới cùng.

Người Mỹ họ khôn lắm mẹ ơi. Chẳng cái gì qua mặt được họ đâu. Big brother mà.

Quả thật người mình phải bắt chước lối làm ăn của Mỹ.

Ăn cho buôn so. Nhưng khách hàng luôn luôn là thượng đế.

Để tạo ra uy tín và cái thương hiệu của họ là một nhãn hiệu cầu chứng không dễ gì có được.

Những cái láu cá, lợi dụng lặt vặt không phải họ không biết. Họ giả vờ không biết đó thôi. Chẳng hạn mới đây người ta bàn tán về cái chuyện thiên hạ trả lại đồ ở Costco.

Chuyện trả đồ ở Mỹ quá dễ dãi đến độ, người ta lợi dụng. Chuyện nhỏ, có rất nhiều nơi chỉ bán dùm, khách không chịu thì trả lại cho nhà sản xuất. Còn những thứ do họ làm ra thì đã nằm trong phần dự trù hư hoại, thất thoát (miscellaneous).

Người ta bảo rằng trong các cách quảng cáo, truyền miệng là cách quảng cáo hữu hiệu nhất. Gặp khách ba bựa, cứ giải quyết cho họ vui để đi cho khuất mắt, dù biết bị thiệt, nhưng họ sẽ kiếm ở chỗ khác, chứ không cãi cọ với khách.

Trái lại, khi về VN chỉ cần đi dạo xem mà không mua cũng đã bị người bán liếc xéo, chửi đổng. Còn cái chuyện trả lại thì ôi thôi kinh hoàng. Hai cô cậu học xong bên Mỹ, làm một chuyến du lịch VN, cứ ngẩn người ra không hiểu tại sao vừa trả tiền xong hai cái túi. Vừa cầm lên thì đứt quai nhưng không được trả lại, với lý do mua sao bán vậy. Làm cho hai đứa trẻ không dám đi về VN nữa. Chúng chỉ nói “weird”, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Tuy nhiên ý thức “ nhập gia tùy tục” cũng không phải ai cũng như ai. Vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh.

Đi chợ vẫn tùy tiện xé bao trái cây đổi phần ngon. Họ không cần biết những qui ước về các mặt hàng. Miễn sao có lợi cho họ.

Về thành kiến về người da vàng da trắng. Mẹ tôi bảo rằng nếu là người da trắng cai trị thì còn thở được (ý nói thời Pháp thuộc), chứ da vàng thì ác lắm, không sống được đâu.

Bà kể rằng khi Nhật cướp chính quyền chỉ vài tháng là đốt hết lúa gạo gây ra nạn đói, giết 2 triệu người miền Bắc.

Thành kiến đó vẫn ăn sâu vào đầu óc người lớn tuổi. Hễ con cháu đi làm, thắc mắc đầu tiên hỏi chủ là Mỹ hay Á Châu.

Á Châu còn có Ấn Độ, Tàu, Đại Hàn, Nhật, VN…

Quí vị có nghe chuyện một công ty giầy, chủ Đại Hàn. Đã đánh đập công nhân VN, thậm chí bắt lột cả quần áo để xét, vì nghi ngờ ăn cắp.

Tội nghiệp, bên ngoài (hải ngoại) la làng, mà bên trong chẳng thấy ai bênh vực. Họ chỉ lấy tiền cho thuê đất thôi.

Những tiếng đồn về chủ Việt không công bằng. Khách đến đưa cho con cháu của mình, còn thợ (người ngoài) thì khi nào có dư, họ làm không kịp mới đưa cho.

Giờ dây thun, hễ có khách tới là bắt làm, bất kể đã tới giờ đóng cửa.

Làm cho chủ Mỹ (đa số công ty lớn). Luật lệ qui định rõ ràng, mọi người đều lấy lượt, mở cửa đóng cửa đúng giờ. Quyền lợi rõ ràng cho người thợ. Thêm một điều tay nghề càng ngày càng nâng cao, vì họ luôn luôn bắt tham dự các lớp huấn nghệ cho theo kịp fashion.Còn chủ Việt, thợ giỏi giấu nghề để giữ khách cho mình. Ngoài ra còn rất nhiều chuyện phiền phức khác.

Nếu kể ra thì thành chuyện dài nhiều tập. Mang tiếng vạch áo cho người xem lưng.

Một ví dụ về chuyện người lớn (Á Châu) vẫn tìm cách ăn gian dù đứa con cũng khá lớn.

Một gia đình gồm bố, mẹ, con gái, con trai cùng bước vào tiệm. Cô chị ở lại với đứa em trai, còn bố mẹ đi shopping. Tôi là người cắt tóc cho chú bé. Cô chị bảo cuối tuần là sinh nhật của cậu, cắt ít thôi. Trong lúc cắt, tôi hỏi chuyện và biết cậu đang học lớp 5.

Cắt xong, bà mẹ về, kêu sao còn dài quá. Cắt tiếp.

Cắt xong, ông bố về, la om sòm, bảo phải cắt thật ngắn. Cắt tiếp.

Xong xuôi, tính tiền. Chỉ có hai giá tiền, cho trẻ dưới 8 tuổi và người lớn. Tôi nói giá người lớn, bà mẹ bảo con bà mới 8 tuổi. Tôi nghiêm mặt nói: con bà nói với tôi, cậu ấy học lớp 5. Học sinh lớp 5 bắt đầu lúc 10 tuổi, và học xong lúc 11 tuổi.

Nghe lào xào, bà manager tới xua tay: không cần biết bao nhiêu tuổi, người thợ này phải cắt cho con bà tất cả 3 lần, vì thế bà phải trả giá đó.

Chỉ có cách nhau mấy đồng bạc, chưa kể quên luôn chuyện cho tips.

May quá, người đàn bà Á Châu đó không phải là đồng hương với tôi. Nếu không chắc tôi mong đất nứt ra cho tôi chui xuống vì mắc cỡ.

Tuy nhiên, điều rất mừng là trẻ con lớn lên ở đây, chúng không suy nghĩ như người thế hệ lớn tuổi. Người ta gọi con cháu của người Việt là thế hệ banana, bề ngoài là da vàng mũi tẹt, nhưng chúng là Mỹ thực sự.

Đưa cuốn băng gốc mượn bảo con cháu copy cho một bản, chúng lắc đầu.

Nhà hàng xóm đi chơi, vườn sau trái cây trĩu cành, chúng cũng không bao giờ tự tiện chui qua hái trộm.

Vào trường học các trẻ mẫu giáo kiên nhẫn ngồi chờ trước phòng y tế của trường, chờ gọi đến tên mới được vào gặp y tá.

Tất cả những ý thức kỷ luật, công bằng trẻ em đã nhập vô đầu từ khi còn rất nhỏ. Đã tạo ra một xã hội trật tự nề nếp.

Còn cảnh túm đầu, xé quần áo đánh bạn thì sẽ vô nhà tù dành cho trẻ dưới tuổi vị thành niên.

Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Lại Thị Mơ

Ý kiến bạn đọc
29/07/201702:01:44
Khách
Tham khảo thêm một bài viết về học `giũa` rất hay của tác giả XYZ
https://vvnm.vietbao.com/a163764/toi-di-giua-nail
28/07/201723:42:40
Khách
Bài viết công phu sẽ hấp dẫn và có duyên hơn nếu theo đúng tựa bài và minh hoạ khách quan hơn, hay ít ngầm ‘khoe’ bản thân tác giả hơn. Cách dạy nghề người lớn rất khác biệt với dạy học cho trẻ nhỏ. Giáo viên hay người huấn luyện các lớp dạy nghề đều có bằng cấp và kinh nghiệm trong nghề. Giáo viên dạy cho người lớn rất tôn trọng học viên vì họ biết người lớn có vốn sống và thường biết mình muốn được kết quả gì. Người lớn đi học nếu không hiểu hoặc không thoả mản với việc truyền đạt hay thực tập, nên nói với giáo viên biết. Mình không nói hay mình ngại cho họ biết điểm yếu của mình, họ sẽ nghĩ mình giỏi hiểu thông làm được.
28/07/201723:24:08
Khách
Bài nầy của Cô Giáo Mơ không hay . Cô gíáo Mơ có nhiều bài rất hay . Viết phiếm rất tới tuy nhiên thiếu dzị nên khô khan . Thêm chút dzị để có chút nụ cười . Cô Giáo Mơ thắng giải kỳ nầy rất xứng đáng .

Khi uốn tóc , đầu tiên người thợ quấn tóc bằng ống cuốn . Tùy theo ống lớn hay nhỏ độ quăn sẽ nhiều hay ít . Thuốc perm chỉ "break cái bond" chứ không làm quăn . Nếu không có ống cuốn thì sau khi xong tóc sẽ không quăn . Sau khi chặt đứt những cái nối cho neutralizer vào (cô giáo Mơ dịch là thuốc giữ nếp) , bond sẽ nối lại (reforming) xã bằng nước ta có mái tóc quăn . Không biết vì lý do gì Cô giáo Mơ nói trật lất "perm processing"
2- Cheat is cheat .Xứ Mỹ không ai thích cheat và bị cheat .Chuyện bà bầu vào uốn tóc , thế là bịp nhá . Phải nói rõ cho khách biết tùy khách quyết định làm lại hay không .Nếu làm lại phải làm miễn phí . Ở California các cửa hàng giữ quyền từ chối khách . (We deserve the right to refuse service to anyone...) Cô giáo Mơ bịp bà bầu tệ hơn chuyện đổi đồ (chợ) hay trả đồ ... ở Costco
3- Cũng theo luật Cali .. bất cứ ai đủ 14 tuổi có quyền quyết định thí dụ cắt tóc ngắn dài quăn ít hay nhiều . Cha mẹ anh chị em không có quyền xía vô . Trường hợp dưới 14 tuổi thì người lớn sẽ quyết định . Nhưng chỉ một người thôi . Trường hợp trong bài viết nếu người chị trên 18 tuổi , tính tiền 3 lần , nếu dưới 18 tuổi dứt hai lần tiền
Rảnh bình luận tiếp
28/07/201710:21:20
Khách
Bài viết hay, công phu. Tôi cũng nghĩ tự mỗi người chúng ta nên ráng học theo cái nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật từ việc nhỏ đến việc lớn thì cộng đồng người Việt ta mới được dân địa phương nể trọng. Cám ơn tác giả nhiều. Mong bài viết sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,636,622
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon.
Thế Vận Hội năm 1984 tại Los Angeles, theo kết toán của Ban Tổ Chức, đạt số lời 250 triệu mỹ kim. Đây là chuyện hiếm có trong lịch sử thế vận.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ:
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp:
Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County. Ông bắt đầu tham dự VVNM năm 2015
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Ba Lan là nơi hẹn của hơn hai triệu người. Để tới được nơi hẹn, phái đoàn giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã đi qua 4 nước Âu châu,
Thư tác giả gửi Việt Báo: “Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tên VN của tôi là Nguyễn văn Tới (trong nhà kêu 6 Cam). Hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Nhạc sĩ Cung Tiến