Hôm nay,  

Chuyện Hai Người Đàn Bà

10/07/201700:00:00(Xem: 14198)

Tác giả: Ngô Viết Trọng
Bài số 5163-19-31007-vb2071017

Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ từ 1993. Tác giả có 12 cuốn sách đã xuất bản, và sẽ nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017, được trao tặng trong cuộc họp mặt ngày 13 -8 sắp tới. Truyện mới của ông, xẩy ra tại một vung kinh tế mới và nhà tù Bà Rịa ở Việt Nam, nhưng là bi kịch trớ trêu của một gia đình H.O.

* * *

Chiều đó Lành thuê một chuyến xe bò chở bắp đến vựa cân mua. Lúc ấy chủ vựa đang cho chuyển bắp đã đóng bao lên một chiếc xe tải. Thấy chủ vựa đứng nói chuyện với một người đàn bà ăn mặc sang trọng, nách kẹp một cái xách - có lẽ là xách đựng tiền, Lành đoán ngay đây là chủ thầu. Khi người đàn bà kia nhìn về phía Lành, nàng bỗng cảm thấy ngờ ngợ. Hình như Lành đã gặp người đàn bà này ở đâu rồi! Nàng cố lục lọi trí nhớ nhưng không thể nào nhớ ra nổi. Suốt mấy năm lăn lộn với bao nhiêu khổ nhọc ở vùng kinh tế mới để kiếm sống, trí nhớ của nàng đã suy sụp tệ hại. Có thể đây là một người bạn cũ chăng? Lành vờ như vô tình, từ từ bước lại gần người đàn bà lạ để nghe giọng nói. Người đàn bà kia cũng liếc liếc về phía Lành rồi nói nhỏ với chủ vựa điều gì đó.

Đột nhiên ông chủ vựa quay sang tươi cười nói với Lành:

- Chị Lành ơi, chị Hai nhìn chị là bà con đây nè!

Người đàn bà tươi cười tiếp lời:

- Hình như tôi có gặp chị ở đâu rồi thì phải?

Rõ ràng người đàn bà kia nói tiếng Nam! Thế thì không thể nào là bạn cũ được. Nhưng bà Hai cũng nhận ra là có gặp nàng ở đâu rồi là sao? Chắc đây chỉ là một trong những người mà Lành gặp trong khi lưu lạc làm ăn sau này. Nhưng thời gian sau này Lành chỉ tiếp xúc với hạng khố rách áo ôm chứ có bao giờ tiếp xúc với hạng người sang trọng như thế đâu? Nàng đáp:

- Tôi cũng thấy bà quen quen nhưng không nhớ đã gặp ở đâu!

Lúc đó một thanh niên bốc vác áo vắt vai, mình trần nổi cộm cả bộ xương sườn, mặc quần đùi phơi cả đôi ống chân cò hương, mồ hôi nhễ nhại, tiến lại gần Lành nói:

- Chiều này con không ăn cơm ở nhà nghe mẹ!

Bà Hai nhìn thanh niên rồi quay sang hỏi Lành:

- Con chị đấy hả? Trông vẻ người thì ốm gầy vậy mà bốc vác mạnh thật!

Lành thở dài:

- Đói thì đầu gối phải bò! Cái số nó khổ bà ạ! Như con người ta theo cha nó qua Mỹ theo diện HO giờ này cũng học ra kỹ sư bác sĩ rồi chứ đâu đến nỗi?

Bà Hai ngạc nhiên:

- Chị nói sao? Cha nó đi Mỹ theo diện HO mà nó và chị bị đánh rớt à?

Lành lại thở dài:

- Nói ra chắc bà không tin, cha nó là chồng chính thức của tôi, tôi còn giữ đủ giấy tờ, nhưng thật tình vì tránh đi theo diện HO nên mẹ con tôi trốn lên vùng kinh tế mới đó bà Hai!

- Chuyện sao mà khó tin dữ vậy? Chắc ông ấy làm điều gì ác ôn lắm hẳn?

Bà Hai vừa nói vừa ra vẻ thân tình nắm tay Lành kéo vào cái quán cóc gần đó:

- Trời còn sớm, chị vô đây uống với tôi ly nước mía cho mát đã. Nghe chị nói chuyện tôi đâm ra tò mò! Không nghe xong chuyện của chị chắc đêm nay tôi không ngủ được đâu!

Lành miễn cưỡng theo bà Hai vào quán. Sau khi kêu hai chai nước cam, bà Hai nhìn thẳng mặt Lành tươi cười:

- Đàn bà mình dễ thông cảm nhau. Mới nghe chị nói vài lời tôi đã có cảm tình với chị ngay. Tôi nghĩ chắc ông xã chị đã làm điều gì khiến chị hận ghê gớm lắm! Tôi cũng đoán ra cái mặt ông xã chị chắc đáng ghét lắm, có đúng không?

Lành lúc này cũng tỏ ra tự nhiên và thân tình hơn, cười:

- Bà Hai nói cũng có đúng nhưng chỉ đúng một phần thôi. Nếu tôi nói ra điều này chắc bà Hai càng khó tin hơn nữa. Chồng tôi thật ra là một người đàn ông thuộc loại lý tưởng đối với các bà: đẹp mã, ăn nói lịch sự, làm điều gì cũng suy nghĩ chín chắn, hợp lý hợp tình. Cả đời trong xóm ngoài làng ông ấy chưa hề làm mất lòng ai. Từ ngày lấy tôi, ông ấy rất giới hạn sự tiếp xúc với nữ giới, tuyệt nhiên không có việc nhìn ngang liếc dọc hay lén trước lút sau như phần nhiều đàn ông khác. Phải nói trước và sau khi ở tù, chồng tôi đều chưa hề có một hành động nào đáng trách được. Nhưng...

Bà Hai tỏ vẻ nôn nóng:

- Hay ông ấy lại đam mê về thứ gì mà chị không thích?

- Không có đâu, anh ấy rượu chè không, cờ bạc không, nghiện hút cũng không, lúc nào cũng tỏ ra thương con thương vợ!

Bà Hai không còn giữ được bình tĩnh:

- Người đàn ông lại hoàn toàn lý tưởng như vậy mà hai người không sống nổi với nhau, xin lỗi chị, hay là...

Nét mặt Lành bỗng sa sầm, nước mắt long lanh...

Bà Hai tỏ vẻ đắc ý:

- Ồ! Thế thì tôi hiểu cả rồi. Tôi thành thật xin lỗi đã làm chị buồn. Chuyện qua rồi chị cũng không nên ân hận nữa. Trong thời gian chồng đi tù, rất nhiều người đàn bà bị hoàn cảnh đưa đẩy nên không tự chủ được, trong một phút yếu lòng để lầm lỡ là chuyện thường! Con người chứ đâu phải thần thánh gì chị?

Lành quắc mắt, giọng như muốn cà lăm:

- Thế bà Hai nghĩ tôi đã phạm lỗi lầm sao?

Bà Hai ngạc nhiên:

- Thế thì chị làm tôi điên đầu mất! Chồng chị hoàn toàn tốt, chị cũng không có gì lỡ lầm, vậy sao hai người phải xa nhau? Thế tại sao chồng chị được đi Mỹ mà chị không theo lại đem con vào sống ở vùng kinh tế mới khỉ ho cò gáy này?

Lành buồn rầu thở dài:

- Thôi được, tôi cũng đành kể cho bà Hai nghe chuyện vậy...

Từ khi lấy nhau, vợ chồng tôi ăn ở với nhau rất đầm ấm, lúc nào cũng nhường nhịn nhau, trong nhà không bao giờ có chuyện to tiếng. Xóm làng, người trong đơn vị ai cũng ngợi khen. Khi biến cố 1975 xảy ra thì chồng tôi biệt tin tức, tôi ở nhà một mình chăm chỉ làm lụng nuôi con, nuôi mẹ chồng, chờ đợi. Lúc đó gia đình tôi vẫn ở Huế. Mãi hơn một năm sau tôi mới nhận được thư chồng, chỉ vỏn vẹn mấy chữ báo cho biết anh ấy đang bị giam tận Bà Rịa. Tôi mừng quá, cố thu xếp việc nhà để vào thăm một chuyến. Gặp buổi khó khăn, nội việc chầu chực mua cho được cái vé xe cũng chua xương rồi. Xe cộ thì lúc nào chật như nêm, lại đi chậm như rùa, trải mấy ngày vất vả tôi mới tới khám đường Bà Rịa được...

Bà Hai hơi tái mặt, hỏi ngang:

- Chồng chị ở trại nào tại Bà Rịa?

- Khám đường Bà Rịa, tới bây giờ nhớ lại chuyện đó tôi còn hận!

Bà Hai buột miệng:

- Trời đất, cũng lại khám đường Bà Rịa!

Lành ngạc nhiên hỏi:

- Bà Hai cũng biết khám đường Bà Rịa à?

- Cái khám đường chuyên giết người không gớm tay đó ai mà không biết! Tôi có ông bác ruột chút nữa cũng tiêu mạng ở đó. Thế chuyện xảy ra thế nào chị kể tiếp đi!

- Bà Hai nghĩ coi, nhà tôi đâu có khá giả gì, vì thương chồng, phải chắt bóp từng li từng tí, lặn lội đường xa để thăm viếng... Tôi còn nhớ rõ, tôi đến trước cửa khám đường lúc trời còn sớm, người ta chưa cho vào thăm. Ở đó đã có rất nhiều người, hầu hết là các bà, đang xôn xao chờ đợi. Tôi mới đi thăm chồng lần đầu nên mọi việc chưa rành, bèn xích lại một người ngồi gần để hỏi thăm. Bà Hai biết chuyện gì đã xảy ra không? Bất ngờ tôi thấy trên cái xách bự sư của một bà kia đề tên người gởi: Mai Hạnh Hoa, tên người nhận đúng là chồng tôi: Trần Văn Thể, phòng A3! Mắt tôi đổ đom đóm, đầu tôi xây xẩm, nhưng tôi cố gượng bình tĩnh. Tôi rút túi lấy cái thư chồng ra xem lại mặc dầu tôi biết mình không thể nhớ lầm. Đúng phòng A3 không sai chạy được! Người chủ cái xách có lẽ trẻ hơn và đương nhiên là đẹp hơn tôi nhiều. Lúc bấy giờ người tôi trông lam lũ như một con mọi...

Bà Hai quay sang một bên hắt hơi mấy cái rồi lấy khăn tay chậm mắt:

- Chuyện chị kể nghe xúc động thật... Thế rồi chị phản ứng ra sao?

- Tôi lết lại gần bà chủ cái xách, thấy không phải chỉ một xách mà tới hai, đều đề tên chồng tôi. Tôi cố gắng trấn tĩnh, giữ vẻ tự nhiên, hỏi "chị đi thăm ai vậy?". Bà kia đáp "thăm ông anh". Tôi lại hỏi "chị thăm đồ nhiều vậy mà bao lâu đi một lần?". "Cứ mỗi lần giữa tháng thôi, hơn nửa năm nay liên tiếp như vậy" - bà ta đáp. Anh ấy họ Trần, bà kia họ Mai, chỉ có thể là anh em bà con thôi. Nhưng sao chẳng khi nào tôi nghe cha mẹ chồng hay chồng tôi nói đến người bà con này? Tôi giả vờ nhìn cái xách rồi hỏi "anh bà con hả chị?". Bà ta tỏ vẻ bực bội ra mặt "sao bà này tò mò dữ vậy?". Nói xong, bà ta xích ra xa tôi và quay sang nói chuyện với người khác. Tôi đưa tay vuốt ngực, cố ghìm cơn giận. Tôi không ngờ người chồng mà mình hết lòng thương yêu, tin tưởng lại có chuyện mờ ám này. Tủi thân, thất vọng quá, tôi không cầm được nước mắt... Lúc ấy khám đường bắt đầu cho vào thăm, mọi người lao xao luyến xuyến làm tôi càng thêm tủi thân. Anh ấy đã có người thăm nuôi dồi dào như vậy, tôi có gởi đồ vào cũng chỉ là đồ thừa! Nghĩ thế, tôi bèn quyết định xách gói ra về.

Bà Hai lại buột miệng thốt lên:

- Khốn nạn thật, tôi không thể nào ngờ được! Đáng thương cho cả hai người!

Lành trố mắt hỏi lại:

- Bà Hai biết sao mà nói đáng thương cho cả hai người?

Bà Hai giật mình:

- Xin lỗi, tôi nghe chuyện xúc động quá mà nói hoảng vậy thôi, không có gì. Chị cứ kể tiếp đi!

- Bà Hai biết không, trên đường về nhà gần hai ngày tôi chẳng thiết gì đến chuyện ăn uống. Gần như không lúc nào mắt tôi ráo lệ. Những người đồng hành cứ hỏi thăm và họ chỉ nghĩ rằng tôi đi thăm chồng mà không may mắn gặp chồng như tôi nói thôi. Thật sự giữa đường tôi cũng mong xảy ra một tai nạn để mình được chết phứt đi cho rảnh. Nhưng rồi tôi cũng lết về tới nhà an toàn. Cả xóm kéo nhau lại thăm hỏi, tôi thật khổ tâm khi phải nói dối quanh quẩt suốt mấy ngày. Thế rồi nhìn đến con cái, tôi lại phải cố gắng ăn uống để tiếp tục đi cày. Trong thời gian này tôi cố dò hỏi mẹ chồng và những người bà con xem gia đình có người bà con nào tên Mai Hạnh Hoa không. Tuyệt nhiên không có ai biết. Thế là chắc trăm phần trăm anh ấy phản bội tôi rồi. Dĩ nhiên tôi giấu hẳn chuyện này không cho ai biết. Thời gian sau đó chồng tôi còn viết thêm mấy lá thư nữa nhưng tôi không trả lời. Gần một năm sau mẹ chồng tôi mất. Lo chuyện mồ mả cho mẹ chồng xong, tôi bèn giao ngôi nhà lại cho ông chú bên chồng ở rồi tình nguyện đi vùng kinh tế mới. Tôi biết trước nếu còn ở chỗ cũ, dù chồng tôi có về cũng khó sống với nhau, chẳng thà đi thế này mình đỡ khổ tâm hơn!

Bà Hai thở dài:

- Tội nghiệp, thế bao lâu sau nữa thì chồng chị được về? Ông ta sống với người mới hay trở về quê cũ? Có liên lạc gì với chị nữa không?

- Tôi cũng không hiểu tại sao sau khi ra tù anh ấy không về với con mẹ kia mà lại lủi thủi về quê cũ ngay. Có lẽ vì anh ấy ở tù hơn sáu năm nên con mẹ ấy chờ đợi không nổi, lại phải đi bước nữa rồi cũng nên! Trước tiên anh ấy viết thư gọi tôi trở về, tôi đã trả lời dứt khoát không sống chung với anh ấy nữa. Bà Hai biết sao không, anh ấy không những tưởng tôi không biết gì về chuyện anh ấy mà còn nghi ngược lại là tôi vì mặc cảm phạm lỗi mà phải trốn đi. Anh ấy dám viết cho tôi cái thư thứ hai gọi tôi cứ về, anh ấy sẵn sàng bỏ qua hết mọi lỗi lầm, thật là ăn ngang nói ngược không chịu được! Sau này anh ấy còn nhắn lời đề nghị lên vùng kinh tế mới sống với tôi. Nhưng một lần nữa tôi lại tỏ thái độ dứt khoát không chịu.

Bà Hai lại thở dài xen vào:

- Nếu anh ấy vô tội vô tình thật thì sao?

Lành trợn mắt:

- Nếu anh ấy vô tội thì hóa ra tôi có tội à?

Bà Hai thanh minh:

- Không phải, tôi không có ý nói thế. Tôi biết chị là người rất đáng kính phục. Tôi chỉ nói có thể một hoàn cảnh đặc biệt nào đó chi phối đã làm cho anh ấy bị hiểu lầm! Thế sau này anh ấy đi diện HO với ai?

- Anh ấy chỉ đi một mình. Có rất nhiều phụ nữ muốn ghép để đi với anh ấy kèm theo những điều kiện rộng rãi nhưng anh ấy đều từ chối hết. Tôi nghĩ chắc anh ấy hối hận về việc làm bất chính của mình trong quá khứ lắm.

- Ông ấy có tin cho chị biết sẽ đi Mỹ không?

- Có chứ, anh ấy nhờ người chị đến gặp tôi, nài nỉ tôi về lập thủ tục để cùng đi nhưng tôi vẫn không chịu! Nước miếng đã nhổ ra làm sao liếm lại được!

Bà Hai nói giọng buồn buồn:

- Vì chị thương và tin anh ấy quá sâu nặng nên khi nghĩ là anh ấy phản bội chị cũng thù hận sâu nặng. Lẽ ra chị nên rộng lượng một chút thì chuyện sẽ xảy ra tốt đẹp hơn nhiều. Tôi nghĩ anh ấy bây giờ vẫn là người tốt thôi. Chuyện xảy ra giữa anh ấy và con mẹ kia hoàn toàn chưa có điều gì chính xác. Tại sao chị không gặp thẳng anh ấy mà cật vấn cho ra lẽ? Biết đâu có uẩn khúc gì trong đó?

Lành nói giọng uể oải:

- Bà Hai nói cũng có lý, đáng lẽ tôi không nên có thái độ quyết liệt như vậy. Âu đó cũng là số phận an bài thôi. Hôm nay gặp bà Hai kể chuyện cũng nhiều rồi, giờ tôi xin kiếu để đi chợ mua chút đồ ăn.

Bên ngoài toán bốc vác đã hoàn tất công việc. Tài xế và người phụ xế đang ngồi hút thuốc chờ đợi. Bà Hai kéo tay Lành lại gần nói nhỏ:

- Chị là một người đàn bà khác thường trên đời, đáng nể phục lắm. Tôi rất hân hạnh được làm quen với chị, tôi muốn từ nay chúng ta chính thức trở thành bạn bè với nhau. Tôi tên Thùy Mai, chị nên gọi thẳng tên tôi cho thân mật. Chị đồng ý không? À, xin lỗi, tôi chưa biết tên chị?


Lành ngần ngại:

- Bà Hai muốn biết thì tôi nói, tôi tên Lành. Nhưng giữa xã hội này bà Hai thuộc lớp người cao sang còn tôi chỉ là một mụ nhà quê đâu dám chơi leo! Dù sao thì tôi cũng rất cám ơn cái nhã ý của bà Hai.

- Tôi nghĩ chị Lành không nên phân biệt như thế. Tiền của ở đời chỉ là tạm bợ, phù du. Chung cuộc con người chỉ còn lại cái tâm. Chị không thấy bao nhiêu người có lầu cao nhà lớn xe pháo rộn ràng trong phút chốc trở thành trắng tay đó sao? Tôi có chút quà mọn muốn tặng chị, gọi là chút lòng thành của tôi, xin chị nhận cho!

Vừa nói bà Hai vừa rút trong xách ra một cọc tiền dúi vào tay Lành. Lành ngạc nhiên, đẩy cọc tiền ra:

- Xin chị thông cảm, tôi không thể nhận! Nói thật với chị, hiện tại tôi chưa đến nỗi kiệt quệ!

Bà Hai nài nỉ:

- Vâng, xin lỗi, có thể vì quá thiện cảm với chị mà tôi vô tình gây tổn thương trong lòng chị. Mong chị không hiểu lầm sự thành tâm của tôi. Thôi được rồi, không phải tôi tặng biếu gì chị cả mà cho chị mượn. Chị nên dùng số tiền này để buôn bán, có thể mua bắp đậu cân cho tôi cũng được. Bao giờ chị dư dả thì hoàn lại tôi. Chưa có thì thôi, tôi chưa cần đâu!

Bà Hai cầm cọc tiền đút hẳn vào túi của Lành. Lành cố đưa tay chặn lại, trố mắt nhìn bà Hai mà hỏi:

- Sao có thể thế này được chứ? Tôi với bà Hai dù sao cũng chỉ mới gặp nhau lần đầu, chưa biết lý lịch của nhau, sao bà Hai lại dám tin mà đem tiền bạc cho tôi mượn? Vả lại, dù bà Hai có cho tôi mượn thì cũng phải đếm điếc đàng hoàng cho biết số tiền bao nhiêu để sau này tôi trả lại chứ!

Bà Hai đẩy thót cọc tiền vào túi Lành, bàn tay cản của Lành cũng lơi ra. Lành đang lúng túng thì bà Hai lại cầm tay Lành đứng dậy:

- Từ nay Lành không nên gọi bà Hai bà hiếc gì nữa, mình là Thùy Mai. Thùy Mai có cùng hoàn cảnh như Lành nên Thùy Mai rất hiểu Lành. Lành cứ về nhà hãy đếm, Thùy Mai không sợ Lành quịt đâu! Đồng bệnh tương lân thôi, đừng suy nghĩ mệt trí! Bây giờ Lành hãy đi chợ nhé, Thùy Mai về!

Thùy Mai xiết chặt tay Lành một cái thật mạnh rồi vội bước ra xe. Lên xe rồi tay Thùy Mai vẫn còn vẫy vẫy trong khi Lành vẫn ngơ ngác đứng gần như bất động...

- Hóa ra chị Lành quen thân với bà chủ sộp của tôi mà tôi đâu có biết! Hai người tâm sự chuyện gì mà lâu thế?

Tiếng nói của ông chủ vựa làm Lành giật mình. Nàng quay lại cười:

- Tới bây giờ tôi vẫn chưa hiểu chi cả!

- Chị nói sao? Thế nghĩa là thế nào?

Lành chợt định tĩnh lại, nàng thấy không nên giãi bày chuyện này ra ở đây nên nói lảng:

- Tôi phải lên chợ đã, muộn rồi!

*

Về tới nhà xong, Lành lựa một chỗ kín đáo để ngồi kiểm tiền. Nàng xiết bao kinh ngạc vì số tiền Thùy Mai cho mượn trị giá đến ngót một cây vàng! Hay là mình đang mơ chăng?

Từ khi đến vùng kinh tế mới, năm nào làm mùa thành công nhất, mẹ con nàng cũng chỉ để dành được một chỉ là cùng. Với khoảng một chỉ ấy, gia đình nàng có thể trải qua một mùa khô tương đối dễ chịu, có một cái tết không buồn tẻ. Rất nhiều năm nàng phải điêu đứng để vượt qua những ngày rau cháo chờ thu hoạch vụ mới năm sau. Với số vốn này nàng có thể bước vào nghề buôn bán. Nàng sẽ có cơ hội để phất lên! Nàng biết những nhà tương đối có của trong xã vốn mở đầu của họ cũng chỉ khoảng vài ba chỉ là cùng. Thằng Linh, con Thảo sẽ không còn những ngày đói thiếu, làm thuê làm mướn vất vả...

Nhưng Thùy Mai là ai? Sao Thùy Mai lại tốt với nàng đến thế? Thời buổi khó khăn này mà lại dám cho nàng mượn cả cây vàng không cần một chút bảo đảm? Ờ, biết đâu đó chính là người đàn bà đã đi thăm chồng nàng ngày trước? Cái khác lạ là người đàn bà Lành gặp trước kia mảnh mai yểu điệu còn Thùy Mai thì thùy mị, đẫy đà, hai người lại là một được sao? Nhưng cặp mắt ấy, nước da ấy, phải, cặp mắt ấy, nước da ấy, cái ấn tượng quen quen đập vào mắt mình lúc mới gặp là cặp mắt của thị chứ gì nữa!

- Thôi, đúng rồi, đúng lắm rồi!

Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu khiến Lành bất giác kêu lên. Đúng rồi, Thùy Mai chính là người đã đi thăm nuôi Thể trước kia! Cũng có thể số tiền lớn lao đó do Thể gởi cho nàng nhưng nhờ tay Thùy Mai chuyển tới? Con đĩ! Nó đã cướp chồng của ta rồi lại còn đóng trò làm người tốt! Nó dám khinh ta, dám chế nhạo ta đến thế ư? Lần sau gặp lại ta sẽ vạch cái mặt đểu giả của nó ra cho thiên hạ biết! Cơn giận dữ bốc lên bất ngờ khiến đêm ấy Lành không thể nào ngủ được.

Mấy ngày liên tiếp sau đó Lành cứ ra vẻ hậm hực không thiết đến chuyện làm ăn. Hết gắt gỏng con cái Lành lại đi ra đi vào vựa thu mua để xem chừng Thùy Mai có về không. Những lúc ấy nếu Lành gặp Thùy Mai không biết chuyện gì sẽ xảy ra! Cũng may, Thùy Mai vẫn bặt tăm tích. Mấy lần xe tải về chở bắp kế tiếp đều do một người đàn bà khác thanh toán tiền nong. Lành ức lắm nhưng không tiện hỏi thăm ai. Trong đầu nàng lại càng chắc mẩm Thùy Mai đã đem tiền của Thể trao cho nàng. Nàng đem số tiền đó giấu một chỗ, quyết không dùng đến.

Gần nửa tháng trôi qua, nỗi uất hận trong lòng Lành cũng nguôi ngoai dần...

*

Trưa đó Lành và Thảo - con gái nàng - đi làm cỏ rẫy về nhà ăn hơi hơi muộn. Vì quá đói, chưa kịp rửa tay chân, hai mẹ con đã vội vào bếp đơm mỗi người một tô bắp hầm. Nhưng vừa mới đưa đồ ăn lên miệng, nàng đã thấy một chiếc xe hơi bóng loáng trờ tới đậu gần trước cửa nhà. Trên xe bước xuống ba người là anh tài xế, Thùy Mai và ông chủ vựa. Lành lật đật đưa tô bắp cho con gái rồi bước ra chào khách.

Thùy Mai tươi cười đi thật nhanh về phía Lành:

- Mình đi Hà Nội lo công việc hơn nửa tháng nay, nhớ Lành quá nên mới vào đã vội về thăm bồ ngay!

Thái độ vồn vã thân mật của Thùy Mai bị khựng lại khi Lành chỉ cười mím và thụt lùi. Nhưng có lẽ kịp suy nghĩ lại, Lành xua xua bàn tay:

- Tôi vừa đi làm về chưa kịp rửa ráy tay chân dơ lắm! Mời chị và hai anh vào nhà ngồi tạm, tôi rửa sơ một lát vào ngay!

Lành ngồi nói chuyện với ba người khách một lát thì Thảo bưng nước lên. Thùy Mai hỏi:

- Con gái của Lành đây hả? Bao nhiêu tuổi rồi?

- Hăm mốt rồi đấy!

Thùy Mai nhìn Thảo chép miệng:

- Lứa tuổi đó mà kẹt vô cái vùng kinh tế mới này cũng đáng buồn! Cháu làm gì?

- Mẹ nó làm gì thì nó làm nấy thôi. Thấy cái mặt đen thui của nó thì biết!

Thùy Mai ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Lành nên tìm cách mà thoát khỏi chốn này đi! Chôn chân ở đây mãi cũng tội cho mấy cháu. Hiện tại ở nhà mình cũng có vài công việc cần người, việc nhàn hạ thôi. Mình muốn Lành cho hai cháu về giúp mình một thời gian được không? Phải tạo cơ hội cho chúng tiến thân chứ!

Lành mím môi:

- Bà Hai tính mưu kế hay ho dữ há!

Thùy Mai hơi ngạc nhiên vì cái giọng của Lành, nói:

- Mình nói vậy là có ý tốt với mấy cháu chứ mưu kế gì?

- Thôi bà ơi, tôi biết rõ bụng dạ của bà rồi!

Lành vừa nói vừa đi xuống bếp với thái độ vùng vằng, hấp tấp. Ba người khách đưa mắt nhìn nhau. Lát sau Lành trở lại. Ông chủ vựa hỏi:

- Tôi không hiểu sao khách xa đến nhà chơi mà chị Lành có vẻ không vui vậy?

Thùy Mai cố tạo một chuỗi cười hỏi:

- Lành nói biết rõ bụng dạ mình thế nào? Mình có làm gì không phải với Lành đâu?

Bất ngờ Lành ném mạnh cọc tiền vào mặt Thùy Mai, cọc tiền đứt dây cột rơi tung tóe. Thùy Mai kêu ối một tiếng, hai tay bưng lấy mặt. Anh tài xế đứng dậy sừng sộ:

- Bà này điên rồi à? Bà làm cái gì thế?

Con Thảo nãy giờ đang nghỉ trong buồng nghe lộn xộn cũng hoảng hốt chạy ra. Lành hung hăng hét lên:

- Tiền của bà tôi trả lại cho bà đó! Bà đã hại đời tôi một lần rồi giờ còn nhẫn tâm hại đời tôi một lần nữa sao?

Hai người đàn ông nhìn nhau ngơ ngác. Thùy Mai hai tay vẫn bưng mặt, hỏi:

- Chị nói tôi hại chị như thế nào?

- Không phải bà định phỉnh tôi cho hai đứa con lên nhà bà để bà giao cho cha nó sao? Bà đã cướp chồng tôi bây giờ lại muốn cướp luôn con tôi nữa à? Bà định thí cho tôi một cọc tiền như vậy là xong sao?

Lành lại quay sang hai người đàn ông:

- Nó là con đàn bà cướp chồng người ta hai anh không biết sao? Các người hãy ra khỏi nhà tôi ngay! Tôi không muốn thấy mặt con đĩ ấy nữa!

Thùy Mai kêu lên:

- Lạy chúa, xin chúa chứng giám cho con! Chị Lành, chị hãy bình tĩnh lại tôi nói cho chị nghe! Vâng, tôi có đi thăm nuôi anh Trần Văn Thể chồng chị thật, nhưng quả tình tôi chưa hề quen biết chồng chị, chưa bao giờ tiếp xúc với anh ấy lần nào, chưa bao giờ biết mặt mũi anh ấy ra sao, tôi xin thề với chúa như vậy!

Đến lượt Lành và hai người đàn ông nhìn nhau chưng hửng. Ông chủ vựa nói:

- Thật tôi không hiểu chuyện ra thế nào hết!

Thùy Mai tiếp:

- Bây giờ tôi sẽ kể hết chuyện cho mọi người rõ. Hồi đó tôi có ông bác ruột là linh mục X. đang bị công an giam tại khám đường Bà Rịa. Người chỉ huy và hầu hết cán bộ ở khám đường này rất ghét các linh mục nên họ đã cho giam riêng mỗi người vào mỗi phòng cách ly và cấm tuyệt chuyện thăm nuôi. Cũng may trong đội nhà bếp lo việc đưa cơm nước cho tù hằng ngày cũng có mấy anh trong đạo, vì sợ các cha bị kiệt sức mà bỏ mình nên họ đã tìm mọi cách giúp đỡ như ngầm phát tăng phần ăn hoặc lén lút tặng đồ ăn. Một thời gian sau khám đường lại phải nhận thêm một số tù bị cho là thành phần nguy hiểm. Vì hết phòng để giam riêng nên công an phân mỗi người trong số ấy vào một phòng của các linh mục. Những người này không bị cấm thăm. Lợi dụng điểm này, mấy con chiên ở nhà bếp, với sự đồng ý của các cha, đã liên lạc bày cho người thân các cha thăm nuôi qua sự mượn tên những người ở cùng phòng. Anh Thể ở chung phòng với bác tôi nên tôi đã thăm nuôi anh ấy là vì vậy!

Lành há hốc miệng:

- Trời ơi, lại có chuyện đó nữa sao?

Thùy Mai tiếp:

- Chẳng lẽ tôi dối chị! Con Hoa con tôi vẫn thỉnh thoảng thay tôi lên đây chở bắp đậu về ai cũng biết đấy, nó biết rất rõ chuyện đó. Nếu chị Lành không tin cứ hỏi nó!

- Trời ơi, thật thế sao? Tôi đâu ngờ có chuyện như vậy! Thế mà bao năm nay tôi thù hận anh ấy? Trời ơi là trời!

Rồi Lành ôm mặt khóc nức nở. Mọi người, kể cả con Thảo, đều xúm lại an ủi một hồi Lành mới chịu nín. Nàng ngước cặp mắt còn ràn rụa nhìn Thùy Mai:

- Lúc đó tôi hỏi anh Thể là gì của chị, chị bảo là ông anh, tôi nhìn ở bao đồ thăm thấy đề người gởi Mai Hạnh Hoa nên hỏi nữa thì chị cố tình tránh đi không trả lời khiến tôi càng nghi ngờ...

Thùy Mai cười:

- Lành nghĩ lúc ấy mình cũng rét thấy bà! Mình thăm nuôi gian làm sao khỏi sợ người lạ điều tra? Phải nói thật tình bác cháu mình rất nhớ ơn anh Thể. Theo như bác mình nói, nếu không có anh Thể vào ở cùng phòng để được thăm nuôi, có lẽ chỉ vài tháng nữa bác mình kiệt sức mà chết mất. Bác mình cũng cho biết vụ mượn tên để thăm ấy cuối cùng đã kết thúc bằng một tấn bi kịch. Người mượn tên lẫn người bị mượn tên đều bị đánh gần chết. Chuyện xảy ra ngay phòng bên cạnh phòng bác mình. Lý do chỉ vì bà vợ thứ thiệt của nạn nhân và "bà vợ không quen biết" lại nộp đơn xin thăm chồng cùng lúc khiến chuyện vỡ lỡ, bị phát giác. Tất nhiên từ đó các cha buộc phải tự động chấm dứt hẳn việc mượn tên để thăm. Khi nghe bác mình kể lại việc đó, mình cứ giật mình hoài. Sau này được thả, đêm nào bác mình cũng có cầu nguyện cho anh Thể. Lúc gần mất ngài có thổ lộ rằng ngài rất hối tiếc không được gặp anh Thể một lần ngoài đời để bày tỏ lòng biết ơn cũng như nỗi niềm thương mến!

Anh tài xế nghe xong chuyện nói:

- Thật giống như chuyện tiểu thuyết! Lạy ơn trên đã phù hộ cho người ngay! Cũng may chứ nếu khi nãy có con dao trong tay, chị Lành dám đâm bà Hai lắm! À, mà sao hồi ấy bà Hai lấy tên là Mai Hạnh Hoa?

Thùy Mai cười:

- Như anh Tài cũng biết đó, Thùy Mai có hai đứa con gái, một tên Hạnh, một tên Hoa nên ghép thành Mai Hạnh Hoa chứ mình đâu phải họ Mai!

Mọi người cùng cười. Thùy Mai quay sang Thảo:

- Con nhặt tiền lại cất đi cho mẹ!

Lành cười với đôi mắt còn đẫm lệ:

- Cũng bởi chị Thùy Mai đối xử với tôi quá tốt làm tôi đâm nghi ngờ cái thiện chí của chị. Mới gặp đã đem cả cây vàng mà tặng nhau rồi lại đòi dẫn cả hai con tôi về nhà làm việc nữa làm sao tôi khỏi sợ đó là cạm bẫy? Thú thật tôi cứ đoán số tiền to lớn kia chính là của anh Thể và đề nghị cho hai con tôi lên Sài Gòn là âm mưu để đem chúng theo anh Thể thôi!

- Thật tình Thùy Mai cũng thấy mình mắc tội lỗi ngập đầu. Chỉ vì việc thăm nuôi gian dối ấy mà vô tình làm cho một gia đình tan nát! Giờ đây Thùy Mai thấy cần phải đền bù cho Lành và hai cháu bằng mọi giá! Thùy Mai hỏi thật, Lành có biết hiện giờ anh Thể ở đâu không? Mọi việc đã sáng tỏ, Lành phải tìm cách liên lạc với anh ấy ngay! Đừng để mấy đứa con vô tội phải hụp lặn trong chốn núi rừng này nữa!

Lành lại vật vã khóc thảm thiết:

- Lành ơi là Lành, tại sao mày lại cố chấp ương ngạnh đến thế? Anh Thể đã năn nỉ ỉ ôi với mày bao nhiêu lần mày vẫn cao ngạo làm ngơ? Tại sao bụng dạ mày hẹp hòi đê tiện đến thế? Em có ngờ đâu anh đã bị hiểu lầm, phải chịu oan khuất bao nhiêu năm nay anh Thể ơi! Lỡ làng cả rồi, tan nát cả rồi làm sao cứu vãn nổi?

Ngô Viết Trọng

Ý kiến bạn đọc
26/11/201705:32:07
Khách
chuyeenj voo lys ghen maf khoong nois laij lam ngow lanhx thieejt thoif haij car con minhf nuwax
04/08/201719:35:56
Khách
Tôi nghĩ tác giả đã gữi lầm địa chỉ hoặc ban Tuyển chọn đã chọn lầm / bài nầy không có gì nói về nước Mỷ.
11/07/201703:39:44
Khách
Ba nay ten Lanh, ma chang lanh chut nao, dau oc thien can , hep hoi, co chap, lam do vo ca gia dinh , hai tuong lai con cai.
10/07/201723:18:28
Khách
Chuyện vớ vẩn . Ngu , giận lẩy xảy cùi !
10/07/201721:47:46
Khách
Ngoài đời, trong phim ảnh hay trên sân khấu, thỉnh thoảng cũng đọc hay xem thấy những chuyện " thấy vậy mà không phải vậy" tương tự như chuyện kể trong bài viết này. Không có cơ hội để giải bày hay làm sáng tỏ thường đưa đến cuộc tình gẫy gánh hay hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Câu chuyện cũng cho thấy tình người miền Nam- qua trường hợp anh Trần Văn Thể và chị Thùy Mai- tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để có thể sống còn dưới chế độ của bầy Quỷ Đỏ Cộng Sản Hà Nội.

Một câu chuyện có thể làm rơi nước mắt người đọc. Lời văn gọn gàng và lôi cuốn người đọc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Nhạc sĩ Cung Tiến