Hôm nay,  

Ba Tôi

16/06/201700:00:00(Xem: 15504)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 5045-18-30745-vb6021617

Chủ Nhật 18 tháng Sáu sẽ là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Trương Ngọc Bảo Xuân. Tác giả hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi.” Từ nhiều năm qua bà đã là thành viên ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng Việt Báo và hiện là trưởng ban tuyển chọn từ năm 2017.

* * *

blank
Ba tôi, một cảnh sát chuyên môn ngành nhiếp ảnh, làm việc cho Phòng Giảo Nghiệm thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia VNCH.

Nghe các bạn trong nhóm Trung Thu kêu gọi góp bài cho đặc san Phượng Hoàng 2017 của Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH tại Mỹ, tôi lục lại những hình ảnh cũ của Ba tôi để lại.

Vì nghề nghiệp và cũng là nỗi đam mê của Ba, lúc nào Ba cũng kè kè cái máy chụp hình, ngay cả buổi sáng ba bị bắn chết, ba nằm trên mặt đất, cái máy ảnh bị bọn cộng sản đá văng ra xa. Sinh nghề tử nghiệp là thế.

Bây giờ, nhìn những tấm hình trắng đen Ba chụp khi xưa mà nhớ đủ thứ.

Ba tôi chết trong trận Mậu Thân kỳ hai hồi tháng Năm, năm 1968. Ba chết đã lâu, thêm năm nữa là đúng nửa thế kỷ.

Mà lạ, sống trên đất Mỹ nhưng sao trong đầu tôi toàn thấy hình ảnh quê nhà. Thỉnh thoảng tôi vẫn hình dung thấy Ba đang ngồi trên chiếc xe Vespa cũ kỹ, bảng số có chữ NAN, tà tà chạy từ ngoài đường Lục Tỉnh quẹo vô cư xá Phú lâm A rồi từ từ ngừng trước cửa, căn số 12 dãy Q.

Tôi vẫn như nghe văng vẳng bên tai, còn thấy Ba tôi cười cười dặn tôi -ráng học cho đời đỡ khổ nghe con, làm chị phải làm gương, coi chừng đám em nghe con, ra đời phải biết giữ mình, đừng làm chuyện gì xấu hổ cha mẹ, phải biết dùng chữ nhẫn, đừng có ngu làm kẻ lót đường cho người khôn bước lên, trước khi ngồi xuống ăn uống, xung quanh phải dọn dẹp cho sạch sẽ, đừng có bước ra đường mà mặt mày xơ xác, quần áo bèo nhèo, đầu cổ chơm bơm giống như mới từ trên giường bước xuống nghe con...

Ôi! Ba dặn tôi đủ thứ...
Nghe con nghe con nghe con...
.... dạ, con nghe, Ba ơi con nghe...
Tôi nhớ những ngày Ba Má còn trẻ.

Má tôi tươi tắn, gương mặt hồng hào, tóc bới đầu kiểu như Cô Ba Xà Bông (hình người mẫu trên cục xà bông thơm hiệu Cô Ba), Má đứng trước cái bếp chung cho cả năm gia đình ở trong một căn nhà hai từng nằm trên đường Hàm Nghi hồi từ Cần Thơ mới lên Sài Gòn, năm 1953. Má vừa cầm cái giá hớt bọt nồi canh bí đao nấu với tôm khô, vừa cầm cái sàng trở con cá chiên, vừa ngân nga trong miệng. Bản nhạc tôi thường nghe còn nhớ mang máng lời ca, in là...

"Bà Tư bán hàng có bốn người con.
Thằng Hai đã lớn ba em hãy còn.
Thằng Hai lên đường theo chí người trai.
Thằng Ba đã lớn đi theo chiến trường...
(Đây là một bài cva của nhạc sĩ Lê Thương. tôi hổng nhớ thằng Tư thằng Năm thì làm cái gì?)

Mỗi khi Má tôi ngân nga như vậy thì Ba tôi cười mím mím.

Rồi lần lượt hết đứa nầy tới đứa kia, đứa lấn đứa đẩy đứa nhường đứa nhịn, ra đời một bầy con lũ khủ. Càng sanh con nhiều gia đình càng nghèo.

Càng nghèo càng thương con. Con bầy. Má nói con bầy, tám đứa hổng đứa nào giống tánh đứa nào, mà đứa nào cũng dễ thương hết á. Tôi có em càng nhiều tôi càng thuộc lòng giọng Má ầu ơ:

- Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi khó đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua...
- Ầu ơ... gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay...
- Ầu ơ... gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ...
- Ầu ơ... công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con...
- Ầu ơ...
...

blank
Ba tôi, một cảnh sát chuyên môn ngành nhiếp ảnh, làm việc cho Phòng Giảo Nghiệm thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia VNCH.

Ba tôi là công chức, một cảnh sát chuyên môn ngành nhiếp ảnh, làm việc cho Phòng Giảo Nghiệm thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia tại đường Võ Tánh, Sài Gòn. Đi làm Ba tôi bận quần tây đen, áo sơ mi trắng hoặc xanh, ngoài khoác áo blouse trắng như bác sĩ chứ ít khi thấy bận đồ cảnh sát, trừ khi có lễ thì bận đồng phục màu trắng hay khi tập Cảnh Sát Dã Chiến thì bận đồng phục màu xanh rêu.

Trước khi sát nhập vô Tổng Nha Cảnh Sát thì đó là một trụ sở riêng biệt, còn gọi là Sở Giảo Nghiệm (SGN) tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, nằm khoảng giữa của đường Lê Thánh Tôn và Gia Long. Đối diện với SGN, bên kia đường xe chạy là cái khoảnh đất rất rộng, góc trái có trường Đại Học Văn Khoa, ngay giữa là cái Khám Lớn nhốt tù nhân khi xưa.

Lúc ấy, sở đặt dưới quyền của ông Chánh Sở, trong số nhân viên tôi nhớ có con ông Chánh sở là thầy Lập, có thầy Lang, thầy Bảy “Ma Đu”, thầy Quý, chú Chín chú Định làm tài xế, còn nhiều nhân viên nữa tôi quên tên, thư ký chỉ có hai người, cô Được và cô Thu.

Cư xá sáu căn nầy là dãy nhà xe khi xưa của quan quyền Pháp, sửa lại thành chỗ ở cho sáu gia đình. Các gia đình như ông Phán Lê, thầy Tư thầy Chín thầy Định thầy Quý và gia đình tôi.

Năm 1956, lúc gia đình tôi dọn vô ở, sau lưng nhà có một con hẻm chung từ đầu dãy tới cuối, mỗi nhà tự làm một cái bếp. Trước nhà, đầu dãy có phông tên nước, làm ống chuyền cho nhau nên nhà nào cũng có nước xài đã đời. Cái Khám Lớn bên kia đường đã bỏ trống và bãi cỏ thành bãi đất hoang. Mấy chị em tôi thường băng qua đường, vô hái bông cỏ dại làm vòng hoa cài đầu, làm công chúa hoàng tử, chơi đùa thỏa thích vì thấy an toàn.

Ngọc Anh (NA) em kế tôi còn nhớ tới tua Ba phải trực, nghĩa là thay vì bước vài bước về nhà thì ba phải ngủ tại sở. Mỗi lần như vậy Ba thường cho 1,2 đứa con theo. Ba dẫn vô phòng tối, bật cái nút cho bóng đèn đỏ gắn trên đầu cánh cửa phòng sáng lên ngăn không cho ai mở cửa, ngoài bước vô hay trong bước ra.

Trong phòng để ngọn đèn màu đỏ mờ mờ, Ba chỉ cho coi cách lấy cuộn phim từ máy ảnh ra như thế nào cho không bị lọt ánh sáng sẽ hư phim, chỉ cách rọi phim để lựa, tấm nào hư thì bỏ, chỉ cách rọi hình lên giấy thuốc, để lâu mấy giây, lấy ra để vô nước thuốc, tùy muốn hình đậm hay lợt mà đếm đủ mấy tiếng 1,2,3... chừng hình hiện lên từ từ, vừa ý rồi thì gắp hình ra, tráng vô khung nước sạch rồi phơi lên hàng dây dăng sẵn, kẹp lại bằng kẹp phơi quần áo. Khi hình khô rồi thì lấy xuống, lấy kéo cắt cho đều. Về sau có được cái máy cắt thì chuyện dễ dàng và mau hơn. Giấy rọi hình cũng vậy, từ loại giấy nổi hột, đục và dầy sang qua giấy bóng và mỏng hơn. Nhờ vậy mà tôi vẫn nhớ rõ ràng cách rọi rửa hình, kiểu xưa tốn nhiều công và thời gian chứ không như bây giờ có máy điện tử quá tiện lợi.

Có lần nghe Ba kể, một ông Quan Năm bị chết dưới sông. Khi vớt ông lên, Ba lấy dấu tay, da ông bị tróc ra, không lấy được dấu. Ba nói, người chết dưới sông lâu ngày thịt da rã ra ghê lắm. NA nhắc là, hình người chết Ba chụp và rửa đủ cỡ đủ kiểu treo đầy trên dây, sợ lắm

Khi dọn qua Tổng Nha rồi, Sở Giảo Nghiệm đổi thành Phòng Giảo Nghiệm, trực thuộc Tổng Nha Cảnh Sát. Phòng được một cái máy xấy khô từ Nhật. Có máy sấy khô rồi thì hình không còn phải treo trên dây nữa, Ba vui lắm vì xấy bằng máy thì hình không bị ố nước và nước hình láng bóng rất đẹp. Mỗi lần có dụng cụ hay vật liệu gì mới Ba đều vui, về khoe với Má.

Đường Nguyễn Trung Trực của thập niên 50, có hai hàng me cổ thụ giao cành rợp bóng mát và yên tỉnh, cái vỉa hè tráng xi-măng rộng rãi cũng là nơi chị em tôi hay tụ tập chơi đùa. Tôi mê chơi đánh chuyền chuyền bằng trái banh và chục chiếc đũa còn nhỏ em NA thì khoái chơi trò chơi con trai, đá dế, bắt con thằn lằn cắt đuôi coi nó quẩy lăng quăng và đợi coi nó có mọc ra cái đuôi khác hay không!, chơi tạt lon, chơi dích tán, nghĩa là, đào một cái lỗ nhỏ dài dài, để một miếng gổ lên rồi lấy cây dích nó lên rối táng vô miếng gổ thật mạnh, nó bay đi bao xa, đứa nào táng xa nhứt thì ăn.


Năm 1957, Má tôi sanh thằng em trai quý tử, tôi được 8 tuổi, cũng được chứng kiến những khóa học chuyên môn của Sở đón nhận tất cả nhân viên cảnh sát từ khắp tỉnh đổ về. Lúc đó Má tôi mở quán tại nhà, nấu cơm tháng, sáng trưa chiều cho mấy thầy ăn, thức ăn rất ngon. Tôi nhớ rất rõ là thầy Trác, tánh tình vui vẻ, mỗi lần vô “quán Má tôi” thì thầy ca “Chiều nay dừng chân bên quán vắng tôi kêu ly cà phê đắng cho cuộc đời lên hương...”

Sở Giảo Nghiệm, tức là nơi có nhiệm vụ tìm thủ phạm của những án mạng, bằng cách thử nghiệm cây dao viên đạn, bằng dấu tay dấu chân dấu giày, cách đào xới tìm xác, cách đổ thạch cao lên dấu chân để lấy dấu đế giày.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy một bộ xương người, xương thiệt. Họ trải xuống đất, Ba tôi chụp hình, họ dùng thước đo dọc đo ngang, để coi là nam hay nữ, già hay trẻ. Những phần nầy sau đó còn phải đem vô phòng để giảo nghiệm nữa, những căn phòng chứa đầy chai lọ hũ nhỏ lớn đựng hóa chất. Thấy tôi chỉ tay nói –ý ẹ, có vẻ sợ, Ba tôi đã biểu tôi cứ rờ bộ xương đi, có gì đâu mà sợ, cho nên, tôi không bao giờ sợ ma nữa, người chết rồi chỉ còn lại bộ xương vô tri giác mà thôi.

Sau khóa huấn luyện đó, Ba đậu hạng nhứt, được chọn qua Mỹ học một khóa tu nghiệp, được gởi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ. Nhưng, thời phong kiến còn ảnh hưởng mạnh, Ba phải nhường cho "ai đó, con ông cháu cha" qua Mỹ trước, họ hẹn sẽ gởi Ba đi lần sau. Lần sau không xảy ra vì Mỹ gởi chuyên viên qua Việt Nam huấn luyện cho ngành Cảnh Sát Khoa Học.

Vài năm sau Ba tôi được lên chức, hình như là Thẩm Sát Viên Thượng Hạng gì đó, tôi không nhớ rõ, trở thành huấn luyện viên dạy lại những cán sự trẻ tuổi

Về sau, họ phá cái Khám Lớn ra, thành một khoảng sân rộng. Chính đây đã có quán

Làng Văn có Khánh Ly và Trịnh Công Sơn cùng nhiều các ca nhạc sĩ túc trực trình diễn và chính phủ xây thêm cái Thư Viện Quốc Gia đồ sộ.

Vì Sở Giảo Nghiệm thuộc ngành Cảnh Sát nên được sát nhập vô Tổng Nha Cảnh Sát nằm trên đường Vỏ Tánh, Sài Gòn. Sáu gia đình sống trong cư xá Nguyễn Trung Trực phải dọn đi. Thời đó, gia đình tôi chuyển từ đó đi Thị Nghè rồi qua xóm bình dân tại hẻm thuốc lá Basto đường Bến Chương Dương, ngay dưới dốc cầu Ông Lãnh rồi được cấp nhà trong cư xá Cộng Hòa hay còn gọi là thành Ô Ma, sau cùng, khu cư xá Cộng Hòa cũng bị giải tỏa, gia đình Cảnh Sát được chọn mua nhà ở cư xá Phú Lâm A, cư xá Phú Lâm B và cư xá Vĩnh Hội.

Ba rất chìu con, thương con. Khi đứa nào đau ốm thì được uống sữa đặc có đường, ăn oatmeal đóng hộp nhập cảng nấu lên trộn với sữa cho có chất bổ, uống "li mô nát" cho tiêu chớ hổng có vụ ăn cháo với muối đâu. Bởi vậy đứa nào cũng khoái bị bịnh!

Hổng biết có học hay không và học hồi nào mà Ba biết chích thuốc, lại biết đủ thứ, chích gân chích thịt chích ngừa chích thuốc trụ sinh chích thuốc dầu...

Mỗi năm tới mùa nóng Ba bắt đám con nằm dài sắp lớp trên giường để Ba ra tay chích ngừa.

Tôi thích ngồi coi Ba tôi đổ nước vô cái hộp bằng nhôm, để ống chích với cây kim vô nấu cho sôi sục sục bốc hơi gần hết mới lấy ra, cầm cục bông gòn thấm alcohol chùi chùi lên vai hay lên mông trước khi phóng cây kim vô.

Mấy đứa nhỏ uốn éo. Sợ thấy bà. Mấy lần sau, Ba đổi cách, vả cái chách lên trước rồi cây kim vô sau, giựt mình một cái thì đã xong!

Ba tôi là một người có “hoa tay”. Không biết trên đầu ngón tay Ba có mấy chỉ tay xoáy tròn trôn ốc vì càng nhiều xoáy chừng nào càng khéo léo chừng ấy mà cái gì Ba cũng lọ mọ sửa được. Từ cái đồng hồ cũ cho tới chiếc xe Mô Tô hay Vespa. Con đông, đứa nào đi học cũng cần có đồng hồ, Ba mua một lần ba bốn cái, cũ, hư, về tháo ra lau chùi sửa lại. Qua bàn tay khéo léo của Ba, cái nào cũng chạy, cũng đúng giờ, y như đồng hồ mới chớ bộ!

Mỗi tháng ba thường hay bắt mấy đứa con thay phiên nhau leo lên ngồi trên yên xe cho chiếc xe nặng, trì xuống đặng ba thay cái gì gì đó trong bộ phận máy móc. Ba nói mấy vụ nầy mình làm được tội gì đem ra tiệm cho nó đập. Aaạa thì ra, lần đầu Ba đem ra tiệm cho người ta sửa Ba ngồi coi, coi rồi để ý biết cách, lần sau có hư y chang vậy thì tự mình mua đồ về nhà tự mình mò lần lần cũng sửa được, mấy chuyện lặt vặt.

Tụi nhỏ cũng như tôi, cho đó là một cực hình khổ ải bị Ba đày! Hễ đứa nào bị Ba kêu "lại đây tiếp Ba, con" là ụt mặt xuống liền. Có khi cần thay bóng đèn hay sơn sửa gì đó trên cao, Ba leo lên thang bắt một đứa đứng vịn cầu thang cho đỡ rung rinh... Thay vì chạy ra đường chơi đánh chuyền chuyền bằng bó đũa và trái banh lông, bắn bi đá dế thì bị bắt làm phụ tá cho Ba, chán thấy mồ, hổng chù ụ sao được.

Ba tôi chết đã lâu. Bây giờ ước gì trái đất quay ngược lại một ngày, để được Ba bắt làm thợ vịn hay leo lên yên chiếc Vespa ngồi chầm vầm một đống! Và để thấy mặt Ba tỉnh bơ, cười mím chi nữa chớ...

Năm Mậu Thân 1968, lúc ấy tôi thấy ba thường dắt cây súng ngắn, bận áo giáp vì có lần Ba theo ông Tướng Loan chụp hình mặt trận trong thành phố, bị súng bắn sẻ quá nguy hiểm.

Ngày 28 tháng 5, Ba tôi bị Việt Cộng bắn chết, bỏ Má với bầy con tám đứa.

Nửa đường gẫy gánh. Từ đó là khổ là cực là "Không- Còn- Gì- Nữa.

Má tôi ốm o gầy mòn, buôn từ cái áo bán từ cái quần con nít, đội nắng phơi sương hoà chung dòng nước mắt, ngoài chợ trời, trên lề đường, nuôi đàn con dại khờ.

Người ta có "Gánh Hàng Hoa" thì Má tôi có "Túm Áo Quần"

Và Má không còn cười nữa.

Cũng hết còn ngân nga trong miệng, “Bà tư bán hàng...”

Năm 1969, tôi học một khóa "tiếng Anh đàm thoại cấp tốc" để lấy chồng. Cuối năm 1970 tôi ôm con theo chồng qua Mỹ.

Cuối tháng Tư năm 1975 Má đã can đảm dắt díu đám con của Ba chen lên lấn đại nhào vô chíêc xe bus ở toà đại sứ Mỹ, lo lắng bất an nằm chịu đói lạnh dưới đất trong phi trường Tân Sơn Nhứt hai ngày hai đêm để rồi được lùa lên chuyến bay sau cùng trước khi phi trường bị pháo kích, qua Mỹ làm dân tị nạn.

Qua Mỹ, Má tôi ngồi may trong hãng cũng cả chục năm. Rồi có cháu ngoại cháu nội, má ở nhà giữ cháu cho chị em tôi đi làm.

Hết cực với con tới vương đám cháu! Gần nửa thế kỷ, má ở vậy nuôi đàn con khôn lớn.

Tiết Hạnh Khả Phong.

Cả cuộc đời Má, Phu Xướng Phụ Tùy, Phu Tử Tùng Tử.

....

Mang được bầy con tới Mỹ từ 1975, năm nay, Má tôi đã 94 tuổi, già yếu hơn xưa rất nhiều.

Tết năm nay, cả đám con tám đứa đã già hết rồi, cùng Má tôi tụ quanh mâm cơm, nhắc lại chuyện xưa. Nhắc những cái Tết còn Ba, tuy nghèo nàn nhưng ba ngày Tết Ba Má tôi cúng tổ tiên đủ ba ngày, tuy thanh đạm mà vui biết bao nhiêu.

Nhớ mấy năm còn sống trong cư xá Cộng Hòa, nhà tôi nằm bên đường Cộng Hòa, khu nầy ngó qua bức tường của trường Trung Học Petrus Ký. Trước sân có trồng sẵn hai hàng cây trứng cá, trái đỏ trái vàng trái xanh dễ thương lắm, là nơi tụ họp của bọn trẻ chơi đùa phá phách. Khi dọn qua cư xá Phú Lâm A thì nhớ gió đêm, nhớ trời đầy sao, nhớ những đêm trăng sáng, thời thiếu nữ mới biết mơ mộng.

Không biết bây giờ, con cháu mấy chú mấy bác, hàng xóm và bạn của Ba, cũng đã và đang già cả rồi, lưu lạc nơi đâu? Còn những “học trò” của Ba, có còn nối nghiệp Ba tôi hay không?

Năm nay, 2017, Ba chết đã 49 năm, mà sao như mới hôm qua, đám con 8 đứa mất cha và Má tôi mất chồng, vì một cuộc “nồi da xáo thịt!” Nổi đau vẫn còn hằn lên tim lên óc.

(Bài đã được phổ biến trong đặc san Phượng Hoàng 2017, của Hội Cảnh Sát Quốc Gia tại Hoa Kỳ.)

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
10/07/202200:14:40
Khách
Xin thành kính phân ưu tới quý Vị. Bố tôi cũng là cảnh sát và chết trong trại tù cộng sản.
03/11/202108:07:07
Khách
Tôi cũng đã ở K17, cư xá Phú Lâm A lúc VC tấn công đợt 2 năm Mậu Thân 1968.
Lúc phi cơ trình sát bay ngang qua thì VC chạy ẩn núp. Do đó tôi xông lên xe Honda vọt ra hướng đường Hùng Vương. Lúc đến khoảng đất trống thì thấy một VC nằm vùng đang bắt một người mặc đồ dân sự bị quỳ xuống chửi mắng vô kể rồi đập bá sung vô đầu. Sau đó, tôi vọt ngay ra đường Hùng Vương nên không biết chuyện gì xảy ra sau đó. Nhưng tôi đoán là nạn nhân bị bắn chết. Có lẽ người này là ba của tác giả bài này.
Xin thành kính chia buồn cùng gia đình tác giả!
07/05/202104:15:43
Khách
Còn tôi thì số phận không mai mắn vì chưa được gọi tiếng ba chưa được ba ẳm bồng, vì tháng 9/1962 ba tôi chết lúc đó tôi còn nằm trong bụng mẹ mới hơn 7 tháng, ba tôi cũng làm cảnh sát tổng nha đô thành chức vụ trung sĩ nhất cũng ở cư xá gần dinh độc lập không biết là cư xá gì.?
Nghe nói ba tôi là tài xế lái xe thiết giáp của dinh độc lập và lái xe chở tướng tá, ba tôi thứ chín tên Trần Phước Lộc sinh năm 1930 tại xã Tân Quới huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long ba tôi là con nuôi của tướng Trần văn Soái được ông nuôi cho ăn học rồi làm cảnh sát, ba tôi có 2 vợ cùng ở chung nhà ở cư xá mẹ tôi là vợ nhỏ, hôm đó 9/1962 do bà lớn ghen rồi gom quần áo đổ xăng đốt tự giận lúc đó ba tôi về kịp lúc ôm đóng quần áo rồi đá bình xăng ra vì sợ cháy sẻ ảnh hưởng đến dinh độc lập nhưng xui bình xăng bị phựt lửa ba tôi và bà vợ lớn bị phỏng nặng chở vô bệnh viện thì 2 người cùng chết ba tôi được chôn ở nghỉa trang Quang Trung Gò Vấp sau nầy có đi tìm nhưng không thấy mộ, bà vợ lớn chết có để lại 2 đứa con được bà ngoại đem về Tây Ninh nuôi..
Chắc ba của chị và ba của em cũng là bạn của nhau vì là đồng nghiệp CSQG cũng có thể ở chung cư xá, đả lâu em tìm hiểu thông tin về ba của em nhưng chưa có kết quả vì giấy tờ của ba em tất cả đã đem đốt ngày 30/4/1975 vì sợ việt cộng trã thù, còn mấy tấm hình chụp có số quân nhưng cũng bị hư ố theo thời gian, em họ Võ là họ mẹ và cũng là họ bà nội, ông nội họ Đồng, ba em lấy họ Trần là họ của ông nội nuôi Trần văn Soái vị tướng của Hoà Hảo vì ông đã nui dạy và cho ba em ăn học từ nhỏ...
Nếu chị quen biết hay biết thông tin gì về ba của em xin chị giúp em thành thật cám ơn chị cùng anh chị em Việt Báo thật nhiều...
Ghi chú: Chú chín và chú Định làm tài xế) chổ nầy chú chín có thể là ba của em vì ba của em thứ chín tên Đồng văn Chín nhưng giấy tờ làm cảnh sát là Trần Phước Lộc..
Liên lạc nick facebook của em Võ Đồng Minh Thành hoặc nick Thành Minh Võ hay gmail: [email protected] & [email protected]...
Thân chào chúc chị cùng anh chị em Việt Báo luôn vui khoẻ ..
20/06/201714:16:09
Khách
Cảm ơn quí độc giả đã vào đọc bài.
Cảm ơn NguyenMelbourne, HNguyen và Diệp Thị Thu Tâm đã góp ý.
18/06/201722:16:39
Khách
Đọc bài viết cuả chị em thật sự xúc động vì em cũng đã chứng kiến cuộc chiến 1975 để lại sự mất mát,đau thương và những khó khăn...Cám ơn Chị đã chia sẻ hình ảnh người Cha tuyệt vời của 8 chị em ,thật diễm phúc biết bao.Chúc chị nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
17/06/201707:53:42
Khách
Bài viết hay và rất cảm động. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ
17/06/201700:48:24
Khách
Bài viết hay và rất cảm động. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,676,714
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Đây là bài viết cho năm mới của ông.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới là truyện kể cuối năm dễ làm mềm lòng người.
Tác giả lần đầu đến với Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, bài và hình ảnh do thân hữu chuyển đến bằng eMail. Mong Huyen Lam sẽ bổ túc địa chỉ liên lạc và tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài đăng 2 kỳ
Đêm Giáng Sinh, mời đọc bài kể về thùng quà đặc biệt nhận từ bưu điện Mỹ. Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Giáng Sinh.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Bài và hình ảnh mới nhất là chuyện tác giả đi làm tình nguyện viên tại Trung Tâm Cứu Trợ nạn nhân của đám cháy Thomas vừa được thành lập tại Los Angeles.
Tác giả là một cựu du học sinh Nhựt Bổn, từng nhập Nhựt tịch, và có tên Nhựt là Yasushi Takasaki. Trước 30 Tháng Tư 1975, ông là chuyên viên Văn phòng Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, hiện cùng gia đình tái định cư tại Vancouver, Canada, từng làm Telemarketer của 2 hãng điện thoại Mỹ. Năm 2012, ông góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên, Thiên Đàng Còn Xa. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Nhạc sĩ Cung Tiến