Hôm nay,  

Cầu Được Ước Thấy

08/06/201700:00:00(Xem: 16437)

Tác giả: Hoàng Đình Minh Long
Bài số 5137-18-30817-vb5060717

Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 bài viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽ. Sau đây là bài viết thứ 6 của ông dành cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18.

* * *

blank
Xe đò Việt nam.

Chắc chúng ta ai cũng nghĩ nếu cái câu "Cầu được ước thấy" trở thành hiện thực thì chắc mình sẽ hạnh phúc lắm. Đối nghịch lại câu này, người Mỹ có câu "Be careful with what you wish for". Bài viết này sẽ kể về một câu chuyện "cầu được ước thấy" xảy ra trong đời người viết để xem điều này có đem lại hạnh phúc hay không

Sau 1975, gia đình tôi phân tán hai nơi là Sài gòn và Rạch giá. Cứ vài tháng là tôi được má cho hoán chuyển chỗ ở có lẽ vì sợ tôi ở Rạch giá lâu ngày sẽ trở nên nhà quê...chuyên nghiệp. Mỗi lần ra bến xe miền Tây để rời Sài gòn về Rạch giá, tôi thích thú ngắm nhìn các chiếc xe đò đủ màu sắc đậu tại bến. Cũng như bao nhiêu thằng con nít khác, tôi mê xe cộ một cách điên cuồng. Vào thời ấy, xe hơi hầu như không có vì bị coi là hình ảnh của tư sản. Vì thế xe đò và xe buýt có lẽ là loại xe bốn bánh duy nhất vào thời ấy.

Xe đò thời ấy thường do một tài xế và một lơ xe điều khiển. Các tay lơ xe thường rất cô hồn vì phải thò đầu ra ngoài cửa xe để vừa la hét vừa đập tay vào xe để kêu các xe phía trước tránh đường. Các tài xế thì chỉ tập trung vào việc lái xe và là thần tượng của tôi vì tôi ước mong khi lớn lên sẽ được lái xe bốn bánh như họ.

Vì xe đò là phương tiện di chuyển chính của các con buôn cho nên xe đò rất có nhiều mùi như gà, vịt, heo, lúa, trái cây. Ngoài ra, đi xe đò thời ấy tôi còn được ngửi mùi..ói của những người bị say xe. Mùi ói quyện với mùi dầu Phương diệp tạo ra một cái mùi rất đặc trưng của xe đò Việt Nam.

Khi tôi đem ước mơ được làm tài xế xe đò ra kể cho ba tôi nghe sau khi ông ra tù cải tạo, ông nói:

"Nếu không có ngày 30 tháng 4 hoặc sau này qua Mỹ, chuyện lái xe hơi nằm trong tầm tay của con."

Tôi vẫn khăng khăng:

"Con thích lái xe đò hơn."

Năm 1991, tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Sáu tháng sau, anh của tôi (đã qua Mỹ khá lâu) bỏ chiếc xe cũ để mua xe khác vì chiếc xe hơi của ổng đang chạy tự động đòi... về hưu: đề máy nó không thèm nổ; nhiều khi ông anh đang lái trên đường nó nổi nóng (bị overheat) không thèm chạy nữa. Nó chỉ thua tôi có bốn tuổi; tức là khi nó làm nũng như vầy, nó đã được mười sáu tuổi. Tên nó là Nissan Datsun SX 200.

Thật ra, căn bệnh làm nũng của chiếc xe (đề không nổ cũng như bị nóng máy) có thể chữa được, nhưng do tình trạng tuổi tác cũng như body sét rỉ tả tơi của nó, anh tôi cảm thấy không đáng để sửa. Các cửa sổ, dù kiếng được quay lên hết cũng không kín được vì các lớp cao su bao quanh viền cửa sổ đã bể nát do lâu ngày dầm mưa dãi nắng. Phía bên trong thì còn thảm não hơn: lớp da phủ trên trần xe đã mục nát mà rớt mất đâu rồi để lòi ra một lớp bùn nham nhở trên đầu. Máy lạnh máy nóng thì đã an giấc ngàn thu. Cassette cũng đã... ra đi, để lại radio... một mình lẻ bóng. Hai cái loa của radio thì chỉ còn thều thào như bị hen suyễn, hễ mở volume lớn là bị rè. Cái dashboard thì nứt nẻ, gập ghềnh như thung lũng San Gabriel. Da bọc ghế thì xù xì như da cá sấu. Thế là anh tôi quyết định mua xe mới. Nói là mới chứ thật ra là cũng mua lại xe của người khác; thôi thì cũ người mới ta. Có xe mới rồi, ông anh bỏ chiếc xe cũ ra garage. Đối với một thằng chuyên chính vô sản mới qua Mỹ như tôi thì dù cái xe cũ của anh tôi có thê thảm như tả ở trên lại là cả một gia tài chứ chẳng chơi. Thế là tôi chấp nhận thương đau để làm chủ chiếc xe cũ kia.

Để khắc phục tình trạng... uống nước mất trật tự của chiếc xe cổ, trước khi ra khỏi nhà tôi cho nó...điểm tâm một bình nước và đem theo một bình nước để tối trước khi về lại nhà tôi cho nó...nhậu một bình. Chuyện cửa sổ xe không đóng kín thì cũng không khó giải quyết. Khi trời nóng thì sự..hở hang của cửa sổ xe lại là một ưu điểm vì nó giúp cho gió bên ngoài thổi vào làm mát xe, bù đắp cho sự..vắng mặt của máy lạnh. Khi trời mưa thì tôi mặc áo mưa vào để không bị ướt. Nhờ cái máy cassette đã vĩnh viễn ra đi mà tôi buộc phải nghe radio Mỹ, giúp học thêm tiếng Anh.

Tuy nhiên có một thứ bệnh của chiếc xe mà tôi không biết cho đến hôm lái nó vào lúc trời mưa: cái gạt nước (windshield wiper) không chịu làm việc. Nước mưa đổ xuống như trút làm tôi không thấy đường. Cũng may là lúc đó tôi trên đường về nhà cho nên tôi tấp vào lề chờ tạnh mưa rồi lái tiếp. Về đến nhà, tôi phải tìm cách khắc phục chuyện này. Sau một đêm suy nghĩ, giải pháp của tôi là dùng một...cây gậy với miếng vải quấn ở một đầu. Khi trời mưa thì tôi quay cửa sổ xuống và...thò cây gậy ra phía trước kiếng xe rồi dùng cái đám bùi nhùi để gạt nước.

Tuy tình trạng sức khỏe của chiếc xe đầu đời thảm não như thế, nhưng đám bạn học cũng mới VN qua như tôi đều ngắm nhìn nó thèm muốn chảy nước dãi vì tụi nó phải đi xe buýt hoặc quá giang người khác. Thời đó còn trai trẻ, điếc không sợ súng, ngoài đi học, tôi còn lại chiếc xe cũ kỹ đi từ Rosemead xuống tận Little Saigon. Tuy già nua tàn tạ, chiếc xe cũ lúc nào cũng đưa tôi đến nỗi về đến chốn. Vậy là ước mơ lái xe hồi bé đã trở thành hiện thực.

Sau vài năm đi học, lúc đi làm, tôi có tiền mua xe mới. Tuy nhiên, có lẽ đó kiếp trước ăn ở hiền lành, ước mơ trở thành tài xế xe đò trở thành hiện thực. Số là sau khi đi làm vài năm, tôi bị thất nghiệp. Vì kinh tế xuống dốc thê thảm, tôi kiếm việc làm kỹ sư phần mềm hoài không ra. Thế là tôi phải quay sang kiếm tạm một việc gì khác sống qua ngày. Đọc báo Người Việt thấy quảng cáo của một công ty xe khách đang cần tuyển tài xế, tôi đến nơi xin việc. Đương nhiên là tôi phải nói dối mình không phải là kỹ sư để đuợc mướn. Dù lương tâm tôi rất cắn rứt về chuyện nói dối này, nhu cầu có đồ ăn cho miệng… cắn lớn hơn cho nên phải đành sống gian dối. Đúng là bần cùng sinh đạo tặc.

Ngày đầu tiên đi làm, tôi đến trụ sở của công ty vào lúc 7:30 sáng. Người nhân viên chánh văn phòng là cô Maria, người Mễ, đưa cho tôi một cái áo thun đồng phục có huy hiệu của công ty mà tất cả nhân viên đều mặc. Sau đó, Maria cho tôi biết là trong tuần lễ đầu tiên, tôi sẽ là...lơ xe cho Juan, một tài xế kỳ cựu của công ty. Lý do mà tôi phải làm lơ xe tuần đầu là vì công ty muốn tôi đi theo Juan học cách làm việc của anh. Sau đó, Maria quay sang Juan và giao cho anh danh sách và địa chỉ của những hành khách mà chúng tôi phải chuyên chờ ngày hôm đó. Ngoài ra, Maria còn đưa cho Juan cái máy điện đàm (walkie talkie) đề văn phòng có thể liên lạc với chúng tôi và chìa khóa chiếc xe van mà chúng tôi lái hôm đó.

Maria được chúng tôi gọi đùa là nữ tư lệnh vì sau khi giao sư vụ lệnh cho các tài xế, cô dùng điện đàm đề liên lạc và ra lệnh cho chúng tôi nếu có gì thay đổi so với sự vụ lệnh đã soạn sân cho ngày hôm đó. Bàn làm việc của Maria không khác gì bàn chỉ huy của một vị tương tư lệnh mặt trận với một cái bản đồ to lớn của miền nam California.

blank
Chiếc xe Datsun 200SX.

Tôi lẽo đẽo theo Juan ra bãi đậu xe. Nhìn số trên chìa khóa xe, Juan dắt tôi về chiếc xe van của chúng tôi. Lên xe, trong lúc chờ xe nóng máy, Juan lấy cuốn bản đồ Thomas Guide ra để tìm đường đi đón khách. Vào thời đó, hệ thống GPS chưa có cho nên chúng tôi phải xử dụng bản đồ.

Tuy hơi thất vọng vì không được làm tài xế mà phải làm lơ xe, tôi tự an ủi là dù sao lơ xe bên Mỹ nào không cần phải cô hồn các đẳng như lơ xe bên Việt nam trước kia. Cả tuần lễ làm lơ xe, nhiệm vụ của tôi là đóng và mở cửa xe cho khách. Juan dặn tôi phải chờ cho mọi hành khách thắt đấy an toàn rồi mới cho xe chạy. Juan nhấn mạnh rằng hành khách là vua cho nên dù họ có khó chịu với mình, mình vẫn phải tỏ ra vui vẻ và lịch sự.

Đây là công ty xe khách chứ không phải là công ty taxi. Người chủ công ty là một luật sư trẻ người Việt nam. Anh ký hợp đồng chuyện chở cho một số nursing home, trường học, nhà thương. Vì vậy, chúng tôi biết trước trong ngày hành khách của mình là ai và hầu như tuần nào chúng tôi cũng chuyên chở những khách hàng quen thuộc. Thông thường, chúng tôi đón khách vào buổi sáng, khoảng 8:00, để cho họ đến những nơi họ cần tới. Sau đó, chúng tôi rảnh rỗi và cho đến khoảng 14:00 giờ thì tôi đón và chở họ về lại nhà. Trong khoảng thời gian trống, Juan hay chở tôi ra ngoài công viên nơi các tài xế các xe khác trong công ty tụ tập lại để lúc thì tán dóc, lúc thì chơi cờ. Hầu hết các tài xế là người Mê. Tôi là tài xế Việt nam duy nhất.

Tuần lễ thứ hai, tôi vui sướng khi nữ tư lệnh Maria thông báo tôi được...thăng chức tài xế. Sáng thứ hai đầu tuần, Maria giao cho tôi danh sách hành khách, máy điện đàm và chìa khóa xe. Cầm sứ vụ lệnh, trong khoan khoái, tôi bước ra bãi đậu xe để tìm chiếc xe van mình lái ngày hôm đó. Lên xe, mở danh sách khách hàng ra, tôi chấm tọa độ trên cuốn bản đồ để tìm đường đi đón nhóm khách đầu tiên trong ngày. Khi cho xe rời bến đậu, chạy ngang qua mười mấy chiếc xe van khác của hãng, cái cảm giác hưng phấn ở bên xe miền Tây năm nào bỗng tràn ngập trong đầu tôi. Tôi với tay mở radio kênh 99.9 để nghe các bản nhạc oldies của Mỹ.

Nhóm hành khách đầu tiên của tôi hôm đó là các bệnh nhân tâm thần ở một nursing home ở Anaheim. Bước vào nursing home, tôi bị "dội" với mùi khai nước tiểu của các bệnh nhân. Tôi cố nín thở trong lúc ký giấy tờ để chở các bệnh nhân tâm thần đến trường học đặc biệt dành cho họ ở Huntington Beach. Lên xe, nhớ lời Juan dặn, tôi yêu cầu 6 người hành khách thắt dây an toàn. Tất mọi người rầm rập làm theo yêu cầu của tôi trừ bà bệnh nhân lớn con, chắc khoảng trên 250 cân,ngồi băng ghế phía sau. Sau hai ba lần nhắc nhở và bà không trả lời, tôi mở của hậu của xe và leo lên từ phía sau để...xin phép bà cho tôi giúp bà thắt dây an toàn. Khi tôi vừa kéo dây an toàn ngang qua bụng bà thì bà ta la toáng lên:

"You are killing me! - Anh giết tôi chết mất"

Tôi hoảng quá đành thả dây an toàn ra và yêu cầu bà ta tự làm. Tuy nhiên, bà ngồi im và không trả lời tôi. Trước nguy cơ bị trễ học, anh bệnh nhân bên cạnh bỗng dưng bớt bị... điên quay sang bà bạn to xác:

"Chị không thất dây an toàn thì tụi mình sẽ bị trễ học."

"Nhưng mà anh ta muốn giết tôi" - bà ta vừa giận dữ phân bua với bạn vừa ám chỉ cái "tội" muốn giết người của tôi.

Thấy vậy, anh bạn thò tay qua thắt dây an toàn cho bà và bà ngồi im không chống đối gì cả. Có lẽ là bạn bè ở chung nursing home cho nên họ thông cảm nhau.

Tôi vội đóng cửa hậu và leo lên xe để còn vội chở đám bệnh nhân đến cho kịp lớp học. Cái mùi khai và hôi do những người bệnh không biết làm vệ sinh cá nhân trong xe làm tôi nhớ đến mùi ói trộn với mùi dầu gió trên các chuyến xe đò miền Tây năm nào. Lúc đó, tôi mới thấm thía cái câu "ba chìm, bảy nổi, chin lênh đênh". Trước khi bị thất nghiệp, tôi đi làm kỹ sư phần mềm lương gấp 10 lần lương làm tài xế lái xe. Chỗ làm thì sạch sẽ và thơm tho. Bây giờ đi lái xe lương không những it mà lại còn bị cái vụ bà tâm thần to xác phía sau kia làm phiền với cái dây an toàn.Vậy là ngày đầu tiên khi "cầu được ước thấy" tôi đã có một khởi đầu không được đẹp cho lắm. Cũng may ngoài những người bệnh nhân tâm thần ra, tôi còn những loại hành khách khác.

Hành khách nhí nhất của tôi là một đứa bé trai, người Mỹ 4 tuổi. Sáng hôm đó, tôi lái xe đến nhà để chở thằng bé đi học. Trước khi chia tay, mẹ của thằng bé dặn nó nói chuyện với tôi cho tôi vui. Thằng bé đó phải gọi là cái máy nói vì từ khi leo lên xe cho đến lúc xuống xe nó kể chuyện cho tôi nghe không dừng một giây. Tuy còn bé nhưng nó kể chuyện rất hay và chững chạc. Tôi bị cuốn hút vào những câu chuyện nó kể cho nên khi ra đường lớn, tôi sao lãng cắt ngang một chiếc xe hơi làm chiếc xe này phải thắng gấp. Qua kiếng chiếu hậu, tôi thấy khói trắng bay mịt mù vì xe sau phải thắng quá gấp. Tôi vội đưa tay ra hiệu xin lỗi xe phía sau và cố gắng… bớt nghe những câu chuyện lý thú của vị. hành khách nhí để tập trung lái xe.

Hành khách lớn tuổi và giàu có nhất của tôi là một bà cụ người Trung đông. Hôm đó, tôi được giao nhiệm vụ đi đón bà cụ người Trung đông từ một trung tâm dành cho các cụ cao niên ở Anaheim về nhà. Khi tôi tới trung tâm cao niên thì thấy khoảng 4 chiếc xe van của công ty đang xếp hàng để đón các cụ. Xe tôi là chiếc thứ 5 và là chiếc cuối hàng. Các chiếc xe trước tôi mỗi chiếc chở 6 cụ. Khi tới phiên tôi thì chỉ còn một cụ. Khi bà cụ Trung đông leo lên xe và thấy tôi đang mở bản đồ kiếm đường về nhà cụ, bà phẩy tay:

"Cứ lái đi, tôi chỉ đường cho. Không cần coi bản đồ."

Tôi ngoan ngoãn nghe lời và cho xe chạy. Liền lúc đó, bà cụ lại ra lệnh cho tôi mở radio đài tiếng Ả rập cho bà nghe. Nhớ lời Juan dặn "khách hàng là vua", tôi mở đài Ả rập cho bà cụ nghe.

Theo chỉ dẫn của bà cụ, tôi chở bà về nhà trong khu Huntington Harbor. Đây là khu rất mắc tiền vì phía sau nhà, thay vì là bãi cỏ, các căn nhà trong khu này có bãi tàu phía sau nhà. Bà cho tôi biết là con trai bà làm nghề bán nhà và mua căn nhà này với giá $900 ngàn vào năm 1998. Nhờ chở bà cụ Trung đông này mà tôi biết về khu Huntington Harbor và từ đó đến giờ vẫn cầu một ngày nào đó trúng số để mua nhà trong khu này.

Hành khách nghèo nhất của tôi là một người đàn ông trung niên ở Santa Monica. Nơi ông ở lớn gấp mấy lần nhà một người bình thường. Chắc quí vị thắc mắc sao lại nói ông nghèo khi nơi ở lớn như thế mà lại ở Santa Monica, một thành phố giàu có.

Vào một hôm, đang ngồi chờ để chở đám bệnh nhân tâm thần về thì Maria gọi tôi qua máy điện đàm và yêu cầu tôi đi đến một địa chỉ ở Anaheim để chở một hành khách về Santa Monica. Từ Anaheim, tôi phải tốn hơn một tiếng đồng hồ để chở người đàn ông kia về đến thành phố Santa Monica. Theo địa chỉ Maria đọc cho tôi qua máy điện đàm, tôi cho xe dừng trước một ngôi nhà dành cho người vô gia cư (homeless shelter). Sau khi giao người đàn ông vô gia cư cho người quản lý, đồng hồ đã chỉ 15:00. Đây là giờ kẹt xe nhất trong ngày. Từ Santa Monica về lại tổng hinh dinh của công ty trong giờ ket xe này phải tốn ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Hôm đó, tôi về tới công ty vào khoảng 18:30 vi kẹt xe và tôi là người tài xế sau cùng ngày hôm đó.

Hành khách đem lại sự tươi mát cho công việc lái xe buồn tẻ của tôi là một cô gái tên Lisa. Lisa là một người Pháp tóc vàng với mắt màu xanh da trời rất đẹp và dễ thương. Hôm đó, tôi được giao nhiệm vụ chở Lisa từ nhà đến một trung tâm vật lý trị liệu. Vi Lisa cũng trạc tuổi tôi cho nên tôi không nghĩ là Lisa đi vật lý trị liệu là do bị đột quị.

“Bạn đi vật lý trị liệu vì bị đụng xe?”

“Không”- Lisa trả lời –“tôi mới bị mổ óc vì có bướu trong đầu”

“Trời, bạn còn trẻ mà”- tôi ngạc nhiên khi nghe một người ở tuổi 30 bị bướu trong đầu.

“Tôi cũng không ngờ” - Lisa tâm sự -“cũng may mà ca mổ thành công và bây giờ tôi chỉ cần vật lý trí liệu để phục hồi chức năng cử động của tay trái.”

Vì trạc tuổi nhau cho nên chúng tôi nói chuyện với nhau khá hợp. Lisa kể rằng cô qua Mỹ khi còn nhỏ và mới lập gia đình với một người Mỹ. Khi phát hiện bướu trong đầu, hai vợ chồng Lisa đã trải qua những ngày tháng lo lắng. Tuy vậy, sau giải phẫu, hai vợ chồng đã an tâm và bây giờ chỉ tập trung cho việc phục hồi sức khỏe mà không cần xạ trị. Lisa cũng hỏi thăm về việc lái xe của tôi. Tôi tâm sự thật với Lisa là tôi vốn là kỹ sư phần mềm, bị thất nghiệp, nên lái xe tạm bợ thôi.

“Bạn về thăm Việt nam bao giờ chưa?” – Lisa hỏi thăm khi biết tôi là di dân từ Việt nam.

“Chưa, vì hải quan Vietnam hay tìm cách làm tiền Việt kiều về thăm quê hương.”

“Ồ vậy à?” – Lisa ngạc nhiên – “bên châu Âu, người châu Âu luôn được đối xử dễ dàng tại các phi trường. Các nước trong EU đều có hàng dành riêng cho công dân châu Âu.”

Nghe người ta tự hào về cách họ được chính phủ nước họ đối xử tử tế và nghĩ về việc các quan Vietnam luôn tìm cách làm khổ chính đồng bào của mình mà tôi thấy buồn.

Nhân tiện nhắc đến đồng bào, ngoài các hành khách bản xứ, tôi cũng có vài hành khách người Việt nam. Một hôm, sau khi thả các bệnh nhân tâm thần xuống trường học ở Anaheim, nữ tư lệnh Maria gọi tôi trên máy điện đàm và ra lệnh cho tôi chạy xuống Garden Grove để đón một bệnh nhân người Việt nam. Khi thấy tôi là đồng hương, bác Hiền cười tươi chào. Tuy nhiên, sau khi lên xe, nụ cười của bác biến mất khi bác tâm sự:

“Cả đêm hôm qua bác chẳng ngủ nghê gì được vì lo chuyện đi khám ruột hôm nay.”

“Bác đừng lo” – tôi trấn an bác – "soi ruột đâu có gi guy hiểm đâu"

Qua gương mặt lo lắng của bác Hiền, tôi nhận ra cái lời trấn an xuông của tôi không có tác dụng. Thế là tôi cổ thuyết phục bác bằng kinh nghiệm cụ thể:

"Ba má cháu mới khám ruột cách đây vài tháng và cả hai cuộc soi ruột đều diễn ra an toàn"

Nghe thấy ba má tôi soi ruột an toàn, mặt bác Hiền giảm hẳn lo lắng. Tôi thấy vui khi nhận ra mình đã phần nào đem lại sự bình an cho một người bệnh nhân. Bỗng dưng tôi trở thành bác sĩ tâm lý bất đắc dĩ. Tôi nhớ khi đi học ở đại học, lớp tâm lý có dạy rằng khi phải đối đầu với khó khăn hay lo âu, người ta có thể giảm bớt sự lo lắng bằng cách nghĩ về tương lai xa (think about the future beyond what you are facing). Chưa hài lòng với việc bác Hiền đã hết lo lắng, tôi muốn bác phải vui hơn nữa. Thế là tên "bác sĩ tâm lý bất đắc dĩ" liền gọi cho "nữ tư lệnh" Maria:

"Maria cho phép tôi đổi công tác với Jose được không? Tôi muốn ở lại đón bác Hiền vì bác cảm thấy thoải mái hơn khi tài xế là người Việt nam như bác"

"Đợi một chút, để tôi gởi cho Jose" - Maria trả lời.

Với phương châm khách hàng là vua, khi nghe tôi nói là bác Hiền sẽ vui hơn nếu tôi đón bác về sau khi soi ruột, Maria liên lạc với Jose để Jose đến đón đám bệnh nhân tâm thần thế cho tôi.

Sau vài phút, Maria gọi lại:

"Yes, Jose sẽ đón những người bệnh tâm thần cho bạn và bạn đón bà Hiền về sau khi soi ruột."

Sau khi cúp máy, “bác sĩ tâm lý bất đắc dĩ” liền... "tiêm" cho bác Hiền một liều thuốc "hướng về tương lai xa" để cho bác lên tinh thần:

"Bác cứ an tâm vô soi ruột. Cháu sẽ ngồi chờ bên ngoài và khi bác soi xong, cháu sẽ chở bác về."

Thật vậy, đòn tâm lý “tương lai xa” đem lại một nụ cười an bình cho bác Hiền. Vừa lúc đó, xe của chúng tôi đã đến trung tâm quang tuyến Magnolia. Tôi dắt bác Hiền vào bên trong trung tâm. Tuy trung tâm này do các bác sĩ Việt nam làm chủ, các y tá và nhân viên hầu hết là người Mỹ và Mễ. Thế là từ tài xế đưa đón bác, tôi đã trở thành bác sĩ tâm lý bất đất đi để trấn an tinh thần, nay tôi kiêm luôn chức thông dịch viên. Cô y tá đưa một đống giấy tờ để tôi dịch cho bác và hướng dẫn bác ký tên vào các bản hợp đồng y tế. Làm giấy tờ xong, trong lúc ngồi chờ vào soi ruột, tôi ngồi cạnh bác Hiền để cho bác an tâm. Moi móc mớ kiến thức khi học sinh vật học ở UCLA ra, tôi giải thích cho bác Hiền về bệnh ung thư và lý do tại sao mọi người trên 50 tuổi được khuyến khích đi soi ruột. Cũng may cho tôi là trước khi xử dụng hết cái kiến thức nông cạn của mình thì cô ý tá mở cửa và gọi tên bác Hiền. Bác Hiền nhìn tôi với ánh mắt có vẻ lo lắng:

“Cháu vào với bác được không?”

“Tôi vào với bác để làm thông dịch được không?”-tôi quay qua cô ý tá

“Không cần đâu”- cô ý ta nở một nụ cười rất tươi từ chối

Tôi đành quay qua bác Hiền ân cần:

“Người ta không cho cháu vào. Bác cứ yên tâm vào soi. Khi trở ra, cháu hứa với bác cháu sẽ ngồi đây chờ bác.”

Đúng như tôi đã đọc ở đâu đó rằng người già như những đứa trẻ. Tôi nhớ khi còn bé, mỗi lần phải đi bác sĩ, tôi luôn bắt má tôi đi vào phòng khám với mình. Bây giờ bác Hiền cũng mong muốn được tôi vào trong với bác. Đang xúc động thì cơn đói nhắc tôi là đã quá giờ ăn trưa. Tôi băng qua đường Magnolia để qua tiệm bánh mì Chợ cũ.

Đây là lần đầu tiên tôi vào tiệm bánh mì Chợ cũ và hôm đó tôi mới hiểu tại sao thằng bạn của tôi phải lái xe tuốt từ Fountain Valley tới bánh mì Chợ cũ để mua bánh mì dù các tiệm bánh mì Lee hay Tip Top rất gần nhà nó. Có lần tôi hỏi nó:

“Sao mày phải chạy ba quãng đồng để mua bánh mì. Bộ bánh mì Chợ cũ ngon hơn các tiệm gần nhà hả?”

“Bánh mi Chợ cũ thì chưa chắc ngon hơn, nhưng cô chủ bán bánh mì thì…ngon lắm” – thằng bạn lém lĩnh trả lời.

Được mắt thấy tai nghe hôm cho bác Hiền đi khám bệnh, tôi mới hiểu lý do thằng bạn phải chạy bà quãng đồng mỗi khi cần mua bánh mì. Cô bán bánh mì, Sheryl, với mái tóc dài thướt tha, đôi mắt to, mũi dọc dừa và nước da sáng quả là một mỹ nhân. Cầm ổ bánh mì và ly cà phê băng qua đường đề về lại chiếc xe van đang đậu dưới gốc cây mà tâm hồn tôi còn xao xuyến vì nét điệp kiều diễm của Sheryl.

Kể từ hôm gặp Sheryl lần đó, tôi bỗng nhiên trở nên ghiền…bánh mì. Hầu như ngày nào tôi cũng ghé bánh mì Chợ cũ. Sau vài tháng, tôi đánh liều hẹn hò cùng Sheryl dù biết rằng thân phận của một thằng tài xế sẽ khó mà với tới một mỹ nhân như thế. Có lẽ vì ăn hiền ở lành, tôi lại cầu được ước thấy khi Sheryl nhận lời hẹn hò của tôi. Chiều thứ bẩy, tôi hẹn gặp Sheryl tại Mile Square Park. Được đi dạo bên hồ nước với người đẹp là một hạnh phúc mà tôi không dám nghĩ đến. Tuy trời khá oi bức nhưng lâu lâu những cơn gió nhẹ thổi hơi nước từ mặt hồ làm chúng tôi cảm thấy dễ chịu. Mái tóc dài thướt tha của Sheryl được những làn gió nhẹ thổi tung bay làm cho nàng càng thêm xinh xắn trong một buổi chiều hè. Quá rung động trong không gian đầy thợ mộng, khi tôi lấy hết can đảm thò tay ra nắm tay người đẹp thì bỗng thấy một cái vật gì đó lành lạnh ở sau lưng và nghe tiếng của ai đó hăm doạ:

“Có tiền của gì đưa ra đây!”

Giữa thanh thiện bạch nhật mà chúng tôi bị cướp bởi một tên côn đó. Tôi móc bóp ra đưa cho hắn:

“Anh muốn lấy gì thì lấy miễn sao đừng đụng đến chúng tôi”

Sau vài giây lục soát bóp, trước khi bỏ đi, kẻ cướp quẳng cái bóp của tôi xuống đất và chửi thề:

“Mẹ kiếp, ăn mặc đẹp đẽ thế kia mà trong bóp chỉ có hai đồng.”

Sau khi tên cướp khuất đằng sau lùm cây, tôi cúi xuống lượm bóp. Đang vui mừng vì cả người đẹp Sheryl và tôi đều bằng an vô sự khi tên cướp bỏ đi thì đến lượt Sheryl... bỏ đi. Trước khi đi, nàng mắng cho tôi một tràng:

“Đi chơi với đào mà trong bóp chỉ có 2 đồng. Vậy mà còn bày đặt đòi nắm tay. Hứ!”

Vì không muốn tuột mất người đẹp mà mình phải ăn không biết bao nhiêu ổ bánh mì mới có được buổi hẹn hò hôm nay, sau vài phút chết trân, tôi quyết định chạy theo Sheryl. Không hiểu vì sao một mỹ nhân đẹp và duyên dáng như thế nhưng lại chạy quá nhanh. Dù tôi có gắng hết sức nhưng vẫn không thể nào đuổi kịp bóng hồng. Chạy quá sức trong trời nóng bức, tôi hụt hơi... tỉnh giấc. Thì ra tôi đang ngồi trên ghế tài xế, trong cái xe đang cơn nóng hầm hập. Vậy là sau khi về xe ăn bánh mì, tôi ngả ghế mơ tưởng về Sheryl rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Từ một thế giới thần tiên của tình yêu với người đẹp Sheryl mộng mơ, trở về với thực tại phũ phàng với người đẹp (lão) Hiền mơ màng (do thuốc mê) đang nằm soi ruột trong kia, tôi hơi bị hụt hẫng. Sau vài phút lấy lại bình tĩnh, nhớ tới những gì mình đã làm cho bác Hiền trước khi có giấc mộng yêu đương đầy mùi bánh mì kia, tôi hạnh phúc để vào đón bác Hiền về.

“Bạn ngồi chờ một chút nhé” – cô y tá mời tôi ngồi – “bà Hiền còn đang say thuốc mê.”

Sau hơn 10 phút, bác Hiền được cô y tá đẩy ra trên chiếc xe lăn. Thấy tôi, bác nở một nụ cười tươi rói. Cô y ta đưa giấy tờ cho bác và tôi ký vào. Vừa lên xe, bác Hiền tươi cười:

“Khi vào phòng thay đồ xong, bác sĩ chích kim vào tay là bác lăn ra ngủ. Khi thức giấc thì họ bảo là soi xong rồi. Bác chẳng biết gì cả.”

“Thì cháu đã nói với bác là soi ruột an toàn lắm mà.”

“Vì lần đầu đi soi cho nên mấy ngày vừa rồi lo lắng quá.”

Thấy vậy, tôi... làm tới khoe khoang:

“Nếu không chắc chắn, cháu đâu dám hứa với bác là cháu sẽ ngồi ngoài đây chờ bác.”

Vừa lúc đó, xe chúng tôi về tới nhà bác. Trước khi xuống xe, bác Hiền quay qua tôi:

“Vậy lần tới bác đi soi ruột, cháu tới chở bác đi nữa nhé.”

“Dạ” - tôi đau khổ trả lời vì nếu lần tới bác đi soi ruột là những 10 năm nữa mà tôi vẫn còn phải làm cái nghề lái xe này thì đời tôi coi như tiêu tan.

Sau hơn sáu tháng làm tài xế, tôi được hãng Raytheon muớn vô làm kỹ sư phần mềm. Hôm tôi mang đồng phục trả lại cho công ty xe khách, khi nghe tôi giãi bày lý do tại sao tôi giải ngũ, nữ tư lệnh Maria cũng thú thật:

“Thật ra công ty cũng đoán là bạn chỉ làm nghệ nầy tạm thời thôi. Qua phong cách cũng như những phản hồi từ khách hàng, tôi cũng đã nghĩ là bạn có trình độ và chỉ làm nghề này vì sa cơ thôi.”

“Cảm ơn Maria cũng như công ty đã giúp tôi trong hơn sáu tháng vừa rồi. Tôi sẽ ghi nhớ công ơn của công ty.”

“Ổ, chúng tôi muốn cảm ơn bạn đã làm tốt nhiệm vụ của một tài xế. Bạn lái xe rất giỏi và chưa bao giờ bị đi lạc hay đón khách trễ. Khách hàng rất hài lòng với bạn.”

Qua kinh nghiệm lái xe khách, tôi nghiệm ra rằng cầu được ước thấy chưa chắc sẽ đem lại hạnh phúc và ngược lại khi điều không vừa ý mình xảy ra không có nghĩa là bất hạnh. Hạnh phúc hay không là đó nhận thức của bản thân mình. Nếu hôm đầu tiên đi đón đám bệnh nhân tâm thần và bị bà bệnh nhân to xác làm khó mà tôi quyết định bỏ việc lái xe thì tôi đã đánh mất cái hạnh phúc làm tư vấn tâm lý cho bác Hiền. Mà nếu không xung phong ở lại để chờ bác Hiền soi ruột thì tôi đâu có dịp để được trực diện người đẹp Sheryl ở tiệm bánh mì Chợ cũ.

Xin phép quí độc giả cho tôi khép câu chuyện này lại, để chạy đi mua bánh mì./.

Hoàng Đinh Minh Long

Ý kiến bạn đọc
09/06/201723:28:06
Khách
bác Nguyễn Hưng ,
cháu cũng hy vọng VB sẽ cho đăng bài viết về chuyện đi bán tạp hóa để cháu có cảm hứng hòan thành một bài mới đang viết dang dở "Động Đất Đêm Động Phòng".
09/06/201722:00:03
Khách
Hy vọng sẽ sớm được tái ngộ cùng tác giả trong câu chuyện kỳ tới về làm việc ở tiệm tạp hóa.
09/06/201718:37:50
Khách
Xin cám ơn các độc gỉa đã đọc và góp ý. Xin ghi nhận sai sót về dầu khuynh diệp.

Bác Nguyễn Hưng và kimdung, chuyện thò cái cây gậy ra gạt nước thì chỉ có thể áp dụn g khi mưa nhỏ hoặc vừa và khi xe chạy trên đường thẳng: một tay lái xe, một tay gạt nước. Lúc cần quẹo thì phải...rút cây gậy thầ n vào lại trong xe

Anh Chi van,
cám ơn anh đã quá khen bài viết của em. Em còn một bài viết đã gởi cho VVNM gần hai tháng kể chuyện em đi làm nghề bán tiệm tạp hóa bên Te xa s khi mới qua Mỹ cũng nhiều chi tiết gây cấn lắm. Không biết sao VB chưa cho đăng. Anh ra tay viết lại kinh nghiệm của anh cho mọi người thưởng thức đi. Cứ viết với tấm lòng là sẽ đi vào lòng người đọc.

Bác Nguyễn Hưng,
bác nói đúng, cái ước nguyện có hòa bình của mọi người dân VN trước 1975 là một ước nguyện chính đáng . Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc, người dân VN vẫn không có hòa bình vì những người thắng cuộc không phải là những người có tâm với dân tộc với đất nước. Đối với họ, ý thức hệ quan trọng hơn sự sống còn và hạnh phúc của dân tộc.
09/06/201712:59:22
Khách
Bai viet qua hay, day thu vi , co tat ca mui vi cua cuoc song doi thuong, ca trong giac mo Shery cung la bai hoc ve con nguoi,dep trong tam hon hay the xac.... cam on em that nhieu .... da chia xe nhung kinh nghiem song .... anh da tung di lam muon, khi di vuot bien mot minh , da co rat nhieu ky niem ... nhung khong co kha nang viet di dom nhu em.... chuc khoe manh
08/06/201723:38:19
Khách
Nhớ lại thuở trước, người dân miền Nam ai cũng cầu được thấy đất nước hòa bình. Và rồi, cầu được ước thấy ! Ngày 30 tháng Tư năm 75, ngày chinh chiến tàn, thế nhưng 20 triệu trái tim của người dân nước tôi thảy đều trở nên héo úa, vì toàn thể miền Nam bỗng dưng biến thành " thiên đường xã hội chủ nghĩa" mà chẳng ai mơ ước !
08/06/201722:46:30
Khách
hahahaha, tác giả thật là dí dỏm khôi hài!
08/06/201720:18:51
Khách
Tác giả kể chuyện rất dí dỏm có duyên ! Chỉ có một vài sai sót nho nhỏ như dầu khuynh diệp chứ không phải Phương điệp và tôi tự hỏi, nếu trời mưa xối xả, mà tác giả cầm cây cây quấn nùi giẻ, thay thế cho windshield wiper, thì tay đâu mà lại xe ?
Toi Khâm phục ý chí cầu tiến của tác giả và nhất là khi anh bị thất nghiệp kỹ sư nhu liệu, sẵn sàng đi làm tài xế xe khách mà không có ỏn ẹo, bày đặt chê việc thấp hơn việc kỹ sư !.
08/06/201715:50:07
Khách
" Khi trời mưa thì tôi quay cửa sổ xuống và...thò cây gậy ra phía trước kiếng xe rồi dùng cái đám bùi nhùi để gạt nước". Trích .

Hổng biết nếu tác giả cư ngụ ở tiểu bang gần miền bắc như tui, khi gặp các cơn mưa băng giá vào mùa Đông thì sẽ ứng phó ra sao khi cái quạt nước không chịu làm việc. Hì hì.

Bài viết rất hay kể lại những chuyện thực tế xảy ra trong đời sống hàng ngày. Lại thêm có lời văn dí dỏm của tác giả, khiến đọc lại càng thêm thú vị.
08/06/201713:24:28
Khách
That ra tren xe co hai loai mui dau,
mot la mui dau khuynh diep chu khong phai phuong diep cua bac sy Tin, duoc chiet xuat tu cay eucalyptus
con loai thu hai. la dau gio nhi thien duong duoc dung trong nhung cai chai nho nho, ma cac ba gia tuong doi kha gia ho hay xai.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,305,573
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến