Hôm nay,  

5 Ngày Đi “Cruise”

06/06/201700:00:00(Xem: 21046)

Tác Giả: Phương Hoa
Bài số 5136-18-30816-vb2060517

Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

* * *

blank
Người viết và ông xã.

Những năm gần đây, phong trào “đi Cruise” của người Việt Nam ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới, kể cả bên Việt Nam, coi bộ khá thịnh hành. Nhưng đối với vợ chồng tôi cách giải trí này vẫn còn xa lạ lắm, dù tôi đã từng “nghe ké” rất nhiều về chuyện đi ngoạn cảnh bằng tàu thủy qua bài viết của các “du lịch gia”.

Năm vừa rồi, sau khi nghỉ hưu, “cái nhà” của tôi coi bộ không khỏe. Ăn Tết Đinh Dậu xong tôi bàn với ông tìm một chuyến du thuyền ra biển để “xả xui”, may ra tốt hơn cho sức khỏe nhà tôi. Ông xã dễ dãi đồng ý ngay. Ừ thì đi. Coi như là ăn mừng kỷ niệm năm chục năm ngày cưới sớm hơn… mười hai tháng. Chàng đùa.

Nghe thế tôi muốn đi ngay. Nhưng mãi đến nay tôi mới kiếm được chuyến du lịch đường biển ngắn năm ngày, qua Mễ Tây Cơ.

Tàu khởi hành từ bến cảng Long Beach, California, nên những người sống ở Nam Cali rất may mắn, mua vé xong chỉ chờ ngày lên tàu. Chúng tôi ở miền Bắc, phải xuống “Tiểu Sài Gòn” mới đi taxi ra bến cảng. Tôi xếp thời gian đặt vé máy bay cùng ngày tàu khởi hành để khỏi mất công ở khách sạn. Xin ghi lại đây vài kinh nghiệm và kỷ niệm của chuyến hải hành, hầu chia sẻ với quý độc giả ai có ý định đi du thuyền ngắm cảnh trong tương lai. Bắt đầu bằng chuyện taxi.

- Uber đã lấy “Job” của người đồng hương taxi

Tôi tuy ở miền Bắc nhưng rất thường bay xuống Nam Cali, mỗi năm ít nhất vài lần, khi thì dự lễ phát thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, khi thăm bà con, tham dự các việc quan, hôn, tang, tế của bạn bè. Thời gian qua có người giới thiệu cho tôi một tài xế taxi đồng hương rất vui vẻ dễ mến. Hẹn là anh đến đúng giờ, tôi xuống máy bay ra cổng là anh có mặt. Thường khi làm hẹn tôi hỏi giá trước và chuẩn bị sẵn số tiền cộng thêm chút tiền “tip”, đến nơi là đưa cho anh rồi xuống xe. Để phòng hờ khi cần thiết, tôi có mở một tài khoản với công ty Uber “Taxi trên ứng dụng” trong điện thoại, nhưng chưa bao giờ tôi đi xe họ.

Lần này sau khi đặt vé chuyến “Cruise”, tôi tò mò lấy điện thoại bấm thử Uber thì thấy từ phi trường đến cảng Long Beach 12 miles, họ cho cái giá $15. Ông xã tôi cản, thôi em, mình hẹn anh taxi quen cho có tình nghĩa trước sau, dù anh ấy có tính hơn Uber chút đỉnh cũng được. Tôi nghe lời gửi tinnhắn cho anh đồng hương làm hẹn khứ hồi.Từ phi trường ra cảng, rồi lúc về từ cảng đưa chúng tôi lại phi trường. Tôi hỏigiá để chuẩn bị tiền như mọi khi, thì anh tính cho tôigiá cao“gấp ba lần” giá của Uber. Tôi giật mình, nói nhẹ nhàng nhờ anh xem lại có nhầm địa chỉ hay không vì đường đi chỉ có 12 miles, và Uber tính giá khác xa. Anh cũng…rất nhẹ nhàng giải thích, vì anh phải chạy từ nhà ra phi trường, từ phi trường ra bến cảng, rồi từ bến cảng phải chạy về! Ồ tôi hiểu rồi! Tôi nói, và chân thành xin lỗi anh.

Ngày đi, sau khi máy bay hạ cánh, trên đường ra cổng tôi bấm vô Uber,cho địa chỉ đến bến cảng. Một cái danh sách tài xế hiện lên,và tôi chọn ngay chiếc Toyota Camry có đăng kèmhình một thanh niên Mỹ tên David nằm đầu tiên trong danh sách. Thú vị thay, hệ thống internet tự động nối máy cho tôi với tài xế. Anh ta nói tôi biết hiệu và màu xeđể tôi dễ nhận, hỏi tôi cổng ra, và nói năm phút nữa sẽ tới. Tôi vừa…cà kê cho biết cổng ra, nói màu áo quần của chúng tôi đang mặc thì David đã thắng xecái rẹt ngay trước mặt!

Trên đường ra bến cảng, tôi hỏi chuyện David cậu sinh viên đại học làm thêm nghề tài xế Uber,và vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra sự tuyệt vời của Uber. Lý do mà Uber “giật khách” của các taxi là sự nhanh chóng và giá rất rẻ, còn rẻ hơn cả Shuttle của chuyến tàu du lịch. David nói “bộ chỉ huy” Uber quản lý và theo dõi đường đi nước bước của các tài xế nhân viên. Trong lúc làm việc, điện thoại cài trên xe tài xế được mở online. Có khách cần,Uber kết nối choliên lạc ngay với tài xế nào đang ở gần nhất hiện lên trong hệ thống. Hôm ấy David chở người đến phi trường vừa quay xe về thì được kết nối với tôi, cậu lập tức trở lại. Tiện lợi vô cùng. Tôilẩn thẩnnghĩ, không biết rồi đây trong tương lai khi Uber ngày càng thịnh hành, thì công ty taxi và cáctaxi tự do như anh tài xế Việt tôi quen sẽ ra sao.

- Ngày Thứ Nhất: Lên Tàu, gặp gỡ con gái người tử sĩ

Theo thông báo, tàu sẽ khởi hành lúc 5:30 chiều. Nhưng chúng tôi đến cảng mới hơn11 giờ sáng,đã có nhân viên đón nhận hành lý,nói sẽ đưa qua check cổng an ninh dùm, rồi đem đến tận phòng. Chúng tôi rảnh taythong dong chụp vài tấm hình đầu tiên. Chiếc tàu to đến nỗi không thể nào thu hết vào ống kính, nhà tôi bèn chạy vào trạm quan sát nhờ người nhân viên trực chụp dùm một tấm rồi cùng tôi vô cổng xét an ninh. Sau đó lên tàu làm thủ tục nhận phòng. Tàu rộng thênh thang, cao14 tầng với nhiều trung tâm, hồ bơi, sòng bài, nhà hàng,khu giải trí,shopping, trung tâm thể dục…xen lẫn với nhiềudãy phòng ngủ nên phải mất một thời gian chúng tôi mới tìm được phòng của mình. Hai vali hành lý đã nằm sẵn trước cửa.

Phòng rất sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, có bàn ghế ngồi trang điểm, bàn ăn, TV và két sắt an toàn. Cửa sổ“Oceanview” thật tuyệt. Nhìn ra ngoài thấy nước biển xanh lơ êm ả lặng lờ vì tàu đang đậu. Phòng tắm cũng rất thoải mái, sạch sẽ thơm tho, nếu đem so sánh thì không thua những phòng ngủ cỡ 4 sao trên bờ. Tờ chương trình cho ngày đầu tiên được đặt sẵn trên bàn. Chúng tôi tắm rửa nghỉ ngơi một lát, rồi dậy “diện đồ đẹp” đi lên nhà hàng Lido ở tầng10 dự bữa trưa đầu tiên.

Thức ăn tự chọn của nhà hàng Lido thật là đa dạng và phong phú. Hôm nay đặt biệt có nhiều món Ý như mì xào, cá chiên bột, bò xào thập cẩm rosemary, thêm bít tết của Mỹ. Ăn xong, chúng tôi bắt đầu đi dạo "Get to know your ship" theo lời khuyên, để khám phá các nơi trên tàu, chuẩn bị cho những bước tiếp theo lịch trình trong ngày. Nơi đây còn có 24 giờ pizza và nhiều món khác như bít tết, Carnival Deli, Swirl Soft Serve sẵn sàng chờ đợi những ai cảm thấy cái bao tử đòi hỏi trong đêm khuya hay sáng sớm, khi mà các bữa chính chưa sẵn sàng. Chúng tôi cũng tìm được, buổi trưa ở tầng 10 có "Guy's Burger Joint" là món Berger tự chọn nhân cho mình,và "Chef's Choice Italian" món ăn Ý rất lạ. Dinner thì có các nhà hàng Pride Dining Room, Spirit Dining Room trên tầng 8, và hàng chục bar rượu với các giàn nhạc quy mô. Giữa khoang tàu tầng 10, là khu vực hồ bơi, nhiều hồ nước nóng spa xoa bóp, nước xoáy ào ào bọt văng tung tóe. Mới mấy giờ đầu mà nơi đây đã rộn ràng, người lớn trẻ em lớp tắm lớp bơi lớp nằm phơi nắng trên những dãy ghế.

Nhìn lên thấy còn mấy tầng trên cao ngất ngưởng, tôi lôi ông xã dắt tay chàng bắt trèo bộ lên cầu thang chứ không đi thang máy. Vừa trèo vừa hì hục thở, cuối cùng chúng tôi cũng leo tới trên boong, tầng 14, ở phía đầu tàu. Đuôi tàu xa tít mù tận phía bên kia. Gió thổi lồng lộng trên boong. Phó mặc mái tóc đã sấy chải kỹ càng cho gió tốc, tôi đứng tựa vào thành tàu hít từng hơi dài, cố nhét bầu không khí trong lànhvào cho đầy hai buồng phổi. Cả khu vực này là công viên với sân cỏ (giả) xanh rờn, có con đường lớn dành cho người chạy bộ, mỗi vòng khoảng chừng mười lăm phút. Nhiều người đang chơi golf trên cái sân mini giữa bãi cỏ. Đi dạo mấy vòng quanh công viên, thấy đã sắp đến giờ tàu ra khơi nên chúng tôi phải trèo xuống về phòng để chuẩn bị.

Hồi trưa trước lúc ra ngoài tôi tiện tay lấy ít tiền lẻ bỏ lên bàn, ghi vào tờ giấy chữ "Tips" đặt lên đó để cho bồi phòng ngày mai. Không ngờ trên tàu họ dọn phòng hai lần/ngày. Khi chúng tôi trở về thì gặp người bồi phòng vừa đóng cửa bước ra. Chúng tôi chào chàng trai nhanh nhẹnvui vẻ,vừa nói vài câu thì nghe loa thông báo mọi người phải có mặt ở sảnh đường để họp với thuyền trưởng.

Chúng tôi được chào đón trước cửa và đưa vào ngồi trong đại sảnh chờ thuyền trưởng đến. Bên trái tôi là một phụ nữ Mỹ Trắng, hai tay cô đeo hai chiếc vòng chống ói. Tôi chào làm quen, hỏi có phải cô thường say sóng. Cô ta cười chào lại:

– Tôi bị say sóng ghê lắm, ngồi xe hơicũng ói đến mật xanh, nếu tôi tự lái thì không sao. Nhờ những chiếc vòng này mà từ trưa đến giờ tôi có thể ăn uống đi đứng bình thường như mọi người. Cô đưa hai tay cho tôi coi.

Nói chuyện một lúc, thì ra phòng cô cùng khoang với chúng tôi. Vậy mình là hàng xóm rồi. Tôi đùa. Cô tên Kathy làm nghề y tá, đến một mình từ Arkansas. Anh chồng nhườngcô đi chơi giải trí vì việc làm của cô căng thẳng,còn anh ở nhà trông hai đứa con nhỏ. Cô có vẻ cảm tình vìbiết tôi là người Việt. Khi Kathy nói ba cô là một bác sĩ quân y Hoa Kỳ đã từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, tôi kêu lên thích thú.

Nhưng tôi chưa kịp hỏi thêm thì thuyền trưởng Pierluigi Lanaro tới, nên cuộc trò chuyện đành bỏ dở. Sau khi tóm tắt điều lệ và dặn dò những việc cần thiết để giữan toàn cho bản thân và mọi người trên tàu, du khách được chia làm nhiều nhóm theo số tầng của khoang thuyền và khu vực phòng ngủ. Chỉ có hai chúng tôi là dân “đầu đen” trong nhóm đủ sắc dân này. Và suốt cuộc hải hành chúng tôi không gặp người Việt nào, cho đến khi lên bờ chờ xe Uber nhà tôi có gặp và trò chuyện cùng một vị HO cư ngụ ở Nam Cali. Tiếp đến, người trong thủy thủ đoàn đưa chúng tôi lên boong chỉ dẫn cách sử dụng áo phao phòng khi hữu sự. Kathy cũng ở trong nhóm, nhưng cô đứng cách xa nên dù tôi nôn nao muốn hỏi thăm về ba cô mà không thể bắt chuyện được.

Đúng 5:30pm tàu nhổ neo, kéo còi rời bến. Tôi xí xọn rủ ông xã trở về phòng thay đồ khác, trang trọng hơn, cho bữa tối đầu tiên ở nhà hàng Pride Dining Room trên tầng 8 theo lịch hẹn 6 giờ khi tôi đặt vé.

Đội ngũ nhân viên mặc đồng phục đứng nghiêm trang tại cửa nhà hàng đón chào chúng tôi với vẻ nồng ấm, đưa đến tận bàn, và trang trọng kéo ghế mời ngồi.Tôi thầm nghĩ, thật không uổng công chúng tôi “ăn diện” lịch sự. Điều thú vị là, bàn này họ “book” cho chúng tôi suốt tất cả các buổi dạ tiệc của chuyến đi. Khung cảnh nhà hàng đẹp lung linh huyền ảo, buổi trình diễn mở màn chào đón vui nhộn của đội ngũ đầu bếp, nhiều món ăn thậtlạ mắtvà quá ngon,cộng thêm chút men nồng của ly cocktail,làm cho chúng tôi có cảm giác như là đang đi…lạc vào động thiên thai trong huyền thoại.

Ăn xong chúng tôi ra ngoài rồi lại trèo lên boong tầng 14 lần nữa, để tiêu bớt số năng lượng vừa nạp vào hơi quá tải vì thức ăn ngon. Nhưng lần này đi bên phía đuôi tàu, khu vực dành cho sân chơi và trượt nước của trẻ em. Vì còn trong giờănnên ở đây vắng vẻ. Tàu đã khá xa bờ, chạy thật nhanh vì trời yên biển lặng. Tôi dạo quanh,mãi mê ngắm cảnh trời nước mênh mông dưới ánh chiều tà, vàquên mất chàng “người dưng kháchọ”của tôihết một lúc.Đến chừng quay lại thì không thấy chàng đâu. Đi hết mấy vòng tìm kiếm, cuối cùng tôi bắt gặp anh đứng lặng lẽphía sau đuôi tàu. Tay vịn thành lan can, mắt anh mơ màng dõi về hướng xa xăm với vẻ thất thần.Tôi bước lại thật gần anh mới giật mình như sực tỉnh:

– Đứng đây nhìn cảnh biển nước bao la xa tít mù khơi không thấy bến bờ, anh chợt nhớ lại cái cảm giác lần vượt biên ngày ấy. Thật là kinh hoàng! Chiếc ghe câu bé xíu chở những mười bảy mạng người, lắc lư trên sóng, mong manh như chiếc lá…

Nghe anh nói tôi chợt lạnh mình. Ôm vội lấy anh mà rưng rưng nước mắt. Nhớ lại cái ngày anh rời nhà xuống thuyền ra đi bỏ lại tôi và bốn đứa con thơ dại, tôi đã sợ hãi đến mức nào. Hàng ngày bị triệu tập lên đồn công an tra hỏi. Họ bắt cả đám thân nhân có người vượt biên ngồi trước cửa cái cầu tiêu thúi hoắc viết tường thuật, chứ không cho ngồi trong phòng. Vừa viết tôi vừa tự trách mình sao lại đồng ý để anh đi, giờ này bóng chim tăm cá không biết sống chết thế nào, còn bị hành hạ tinh thần, bỏ bê con cái ở nhà khổ sở. Nhưng nhớ lại các con tôi thường nói, nhờ sự hy sinh của ba mà chúng con mới có ngày hôm nay, tôi thấy sự liều lĩnh của anh rất là xứng đáng.

– Cũng may nhờ ơn phước thiêng liêng, anh đã may mắn đến được bến bờ tự do, nếu không thì em và các con sẽ chẳng biết ra sao ngày đó, và giờ này mình đâu có cơ hội được đứng nơi đây phải không anh. Tôi nói.

Anh cũng ôm lại tôi thật chặt. Nỗi ám ảnh sóng nước hiểm nguy ngày trước hiện về đã khiến cho anh xúc động gần như nghẹn lời. Cuối cùng anh khẽ nói: – Đúng lắm, trải qua bao nhiêu sóng gió mà mái gia đình nhỏ của chúng ta vẫn còn giữ được đến ngày nay, tương lai các con sáng lạng, cũng là nhờ ơn phước Bề Trên.

Đứng im lặng bên nhau một lúc thật lâu, chúng tôi lại dắt tay trèo xuống, về phòng chuẩn bị đi xem diễn kịch. Buổi tối, chúng tôi đi xem“Welcome Aboard Show” là sô chào mừng, ở sân khấu Dynasty Lounge tầng 8 do Jase, giám đốc chuyến hải hành điều khiển. Đến gần 11 giờ, chúng tôi lên tầng 9 vô “Illusions Nightclub” bar gọi hai ly sâm banh và xem đêm dành cho phụ nữ “Ladies Night” do DJ Mad Mike dẫn chương trình, rất hay và vui nhộn. Chúng tôi về đến phòng là đã nửa đêm, buồn ngủ ngất ngư nhưng niềm vui thì đầy ắp theo vào cả trong giấc ngủ. Thật là một bắt đầu tuyệt diệu.

- Ngày Thứ Hai: Lênh Đênh Trên Biển

Đúng 6 giờtôi đánh thức ông xã dậy thay đồ thể dục, lò dò trèo lên boong chạy bộ nửa tiếng rồi về phòng mặc đồ lên tầng 10 ăn sáng để còn chuẩn bị cho các hoạt động trong ngày. Đó là một ngày dày đặt các hoạt động vui chơi trên tàu. Có đến hàng trăm chương trình giá trị như Live Show with Jase, Art Guess The Price có thưởng tại phòng tranh, Raffle xổ số, $1,000 Bingo lô tô, Thriller Dance Class…nhiều lắm, nhưng chúng tôi chỉ tham gia được một số tiết mục vì không đủ thời gian.

Sau khi ăn trưa ở Spirit Dining Room, chúng tôi lấy hai ly nước trái cây và trèo lên tầng 10 ngồi tắm nắng trên dãy ghế đặt dọc theo hai bên thành tàu quay mặt ra phía hồ bơi. Một phụ nữ mặc đồ rất “mát mẻ”che mặt bằng chiếc mũ rộng vành nằm phơi nắng trên chiếc ghế bên cạnh tôi. Khi cô ta lấy mũ ra, tôi vui mừng thấyđó là Kathy, cô y tá tôi quen ngày trước. Chúng tôi bắt đầu tán chuyện. Đang nói bỗng Kathy nhìn tôi và hỏi:

– Chị ở Việt Nam có biết nơi gọi là Long Khanh? Kathy đọc không dấu nên phải mất một hồi lâu, tôi bắt cô lập đi lập lại đánh vần từng chữ mới nhận ra đó là Long Khánh. Tôi giật mình:

– Biết chứ! Nơi đó thuộc miền Nam, gần Sài Gòn, làm sao cô biết chỗ này?

– Bố tôi đã tử trận ở đó. Cô nói, mắt nhìn vào khoảng không, vẻ mặt rất buồn. Năm năm trước tôi và mẹ có qua Việt Nam tìm đến vùng ngày xưa bố tôi đóng quân...

– Kathy, tôi vô cùng xin lỗi! Tôi nói trong xúc động, vói tay vỗ vào bờ vai trần của cô và an ủi: – Cuộc chiến Việt Nam thật là tồi tệ. Chồng tôi cũng là quân nhân thời đó, sau cuộc chiến anh đã liều thân vượt biển đến Philippines,và cuối cùng được sang Mỹ định cư.Có lẽ chuyện nhà tôi cũng từng là quân nhân trong chiến tranh Việt Nam làm Kathy thấy gần gũi hơn. Cô kể tôi nghe thêm về cha cô. Ngày ông rời Mỹ sang Việt Nam Kathy mới lên năm tuổi.

– Ba thương tôi lắm. Tôi còn nhớ ngày tiển đưa ở sân bay ba ôm hôn tôi, mắt ba ngầu đỏ, dặn tôi ở nhà phải học giỏi, và ba hứa năm sau sẽ trở về. Nhưng rồi một năm sau người ta đưa ba về trong chiếc quan tàicó phủ lá cờ Mỹ! Mẹ tôi thì ngã bệnh,còn tôi vì cú sốc nên bị chứng trầm cảm nặng trong nhiều năm. Do vậy mà khi lớn lên dù bớt bệnh, tôi vẫn không thể học nổi bác sĩ như lời tôi từng hứa với ba, lớn lên tôi sẽ làm bác sĩ như ba. Cố gắng lắm tôi cũng chỉ học xong được y tá!

Tôi bỗng cảm thấy muốn khóc. Trường hợp Kathy sao mà giống tôi quá thể! Ba tôi ngày xưa cũng yêu tôi vô vàn! Người cũng mất lúc tôi bắt đầu đi học, và tôi từng hứa với ba sau này lớn lên tôi sẽ làm nghề dạy học như ba. Nhưng rồi vì chiến tranh tôi đã bỏ học nửa chừng. Cho nên khi sang Mỹ có cơ hội dù tuổi không còn trẻ tôi vẫn ráng vào đại học để trở thành cô giáo cho tròn lời hứa với ba và mơ ước của tôi. Quả thật đã là con người thì dù có khác màu da sắc tóc, trái tim người cha người mẹ người con nào trên trái đất cũng chứa đựng lòng thương yêu ngút ngàn. Ngồi bật dậy, tôi bỏ hai chân xuống đất quay về phía Kathy và nói, mắt tôi đỏ hoe:

– Ôi Kathy! Ba tôi cũng mất khi tôi còn rất nhỏ. Cô còn khá hơn tôi là đã thực hiện lời hứa với ba sớm, dù không phải là bác sĩ nhưng y tá cùng ngành là tốt rồi. Còn tôi mãi đến lúc làm…bà nội mới hoàn thành được lời hứa với ba tôi, làm cô giáo.

Kathy nhìn tôi với vẻ mặt buồn đồng cảm. Một lát cô tiếp tục tâm sự. Sau ngày ba cô tử trận, mẹ cô có nhiều ác cảm với người Việt Nam, nếu không nói là rất ghét. Thông tin sai lạc từ những người phản chiến, TV, báo chí, là nguyên nhân. Lý do nữa là vì bịnh trầm cảm của Kathy ngày càng tồi tệ làm mẹ cô đau lòng, oán trách người Việt Nam. Nhưng về sau Kathy lớn lên, đọc được bài viết của các cựu chiến binh Mỹ nhữngngười sống trở về thì cô và mẹ đã hiểu ra, nên mới cùng nhau đi Việt Nam. Kathy cho biết, tuy chuyến đi đó không gặt hái gì nhiều, nhưng phong cảnh và sự hiền hoà của người dân Việt Nam đã dành được cảm tình của hai mẹ con.

Tiện dịp, tôi kể cô nghe về bài viết Bảo Tàng Của Người Lính Bị Bỏ Quên, giải Nhất Viết Về Nước Mỹ Việt Báo của tôi,nói bản tiếng Anh hiện đăng trên trang nhà Viện Bảo Tàng Marysville, nếu cô muốn đọc để hiểu thêm về cuộc chiến Việt Nam ngày trước tôi sẽ đưa cho. Kathy hào hứng xin tôi địa chỉ trang web. Vì không có bút mực, tôi đánh máy địa chỉ trang web Bảo Tàng vào điện thoại cho cô. Kathy rất vui, hứa sẽ tìm đọc và đưa mẹ cô cùng đọc khi về nhà. Tôi còn hẹn cô sau dạ tiệc tối nay sẽ cùng nhau đi dự buổi hòa nhạc, “80S Music Trivia Party” do giám đốc Jase điều khiển.

Khi trở về phòng để nghỉ trưa, vừa bước vào cửa, ông xã tôi bỗng phá ra cười ngặt nghẽo. Trên giường ngủ, ra mền gối đã thay mới, sắp xếp thẳng băng như hôm qua chúng tôi mới đến. Nhưng lần này ở đuôi giường có đặt thêm một đôi thỏ dính liền nhau đầy đủ tay chân, tai to mũi vểnh mắt đen, thắt bằng tấm khăn lông trắng nuốt. Có lẽ cậu bồi phòng hôm qua gặp mặt tưởng chúng tôi là “tân lang tân giai nhân” đi hưởng tuần trăng mật, nên đã tặng cặp thỏ trong tư thế “tình hết biết” này. Cho đến cuối chuyến đi, mỗi ngày trên giường chúng tôi đều có đôi thú dễ thương thắt dính liền nhau, khi thì cặp ếch, lúc đôi chim ngộ nghĩnh.

Tối hôm thứ nhì là đêm dạ tiệc “Cruise Elegant” quan trọng nhất của chuyến đi. Họ yêucầu mọi du khách phải ăn mặc lịchsự, không được mặc áo thun, quần sọt, mang sandals hay áo quần xuề xòa. Nếu ai không mang theo “đồ lớn” có shop cho thuê đồ dạ hội trên tàu. Và đó quả là một buổi tiệc nhớ đời. Nhiều món ăn lạ tôi không nhớ tên và đồ biển thì ngon đặc biệt, với bài nói chuyện vui của thuyền trường, giàn nhạc chơi nhộn nhịp, ban nhiếp ảnh đến từng bàn chỉ cách tạo dáng chụp hình kỷ niệm cho mọi người, và đội vũ “nhà bếp nhà hàng” thật là thú vị.

- Ngày Thứ Ba: Cập Bến Catalina

Catalina là mộtđảo nhỏ, nguyên thủy của người da đỏ bản xứ, thuộc tiểu bang California, với chiều dài chỉ 35 km và chiều rộng 13 km. Nhưng đây là điểm dừng của nhiều tàu thuyền du lịch vì lịch sử của nó. Trên đảo có rất nhiều chuyến du lịch ngoạn cảnh độc đáo,như đu giây ngang qua hẻm núi sâu, lên tàu thủy coi cá heo và các loại thủy sản, thăm sòng bài cổ kính…Chúng tôi đặt tour đi thăm thành phố Avalon, tháp William Wrigley và ngồi Thuyền Thủy Tinh xem cá lội dưới biển. Đường lên tháp Wrigley là con dốc đứng trèo mệt hụt hơi. Vườn Botanic Garden có rất nhiều loại hoa lạ và xương rồng quý hiếm, dù mệt mỏi ai cũng cố gắng dừng lại chụp vội vài tấm hình. William Wrigley là người sáng lập loại kẹo cao su có vị trái cây của Mỹ nổi tiếng trên thế giới đến ngày nay. Ông từ Philadelphia đến Catalina và yêu thích phong cảnh nơi này, ông bỏ tiền xây dựng nhiều cơ sở hữu ích cho cộng đồng, mua tàu chạy bằng hơi nước, xây Casino, trồng cây xanh và nhiều hoa lạ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên đảo. Sau khi viếng tháp và vườn xương rồng, tàu đưa chúng tôi xem cá cũng đầy thích thú. Đáy tàu thủy tinh, chạy ra khơigặp đủ loạicá bơi lội dày đặcdưới nước nhìn thật đã mắt.

Buổi chiều về tàu sớm, chúng tôi vào trung tâm mua sắm lựa vài món đem về làm quà, rồi ghé vô sòng bài kéo máy. Gặp may mắn, chúng tôi kéo trúng “lô độc đắc” tới cả chục nghìn…pennies. Ngồi chơi thêm lúc nữa, thua lại hơn một nửa thì tới giờ cơm tối nên phải ra đổi tiền mà về. Thật vui, vì dù sao thì cũng gọi là…thắng.

- Ngày Thứ Tư: Cảng Ensenada, Mễ Tây Cơ

Trong cái danh sách giới thiệu các điểm du lịch trên đảo Ensenada,Mễ Tây Cơ, tôi chọn một chuyến đi có giá cã nhẹ nhàng nhưng địa danh đến thì nghe ngồ ngộ. “Water Sproud”,Nước Mọc.Tại một góc biển, có dòng suối tự nhiên nước từ trong lòng núi phụt lên từng cây cao như mái nhà. Từ chỗ đậu xe đến nơi Nước Mọc, du khách phải đi ngang qua những dãyhàng hóa và thức ăn bày bán dọc hai bên đường. Người ta kêu réo, mời chào inh ỏi, có người còn đem thức ăn ra mời du khách ăn thử miễn phí. Ai nấy tha hồ mua sắm vì thứ gì cũng đẹp mà rất rẻ.

Tôi đã biết Mễ Tây Cơ là một nước nghèo nên nhiều người dân vượt biên giới vào Mỹ tìm phương kiếm sống và gửi tiền về giúp gia đình. Hôm nay ngồi trên xe ngoạn cảnh vòng vòng Ensenada, tôi mới thấy hết cái nghèo của họ. Đây là thành phố biển, tiện lợi cho các du thuyền từ Mỹ đổ khách du lịch vào nườm nượp. Nhưng nhìn quang cảnh hai bên đường sao mà nghèo xác xơ. Nhà cửa nhỏ xíu, đa số là những căn nhà cỡ chừng bốn, năm mét vuông, thấp lè tè, nhem nhuốc cũ kỹ. Có rất nhiều nhà xây mớinửa chừng nhưng đã cũ mốc m, hoặc chỉ xây tường mà chưa có mái, hay một vài bên vách đứng chơ vơ, rồi có chỗ chỉ vỏn vẹn mảnh nền để đó cho cỏ mọc, tất cả đều nhìn cũ kỹ như nhà từ thời tiền sử còn sót lại.

Bà hướng dẫn viên gốc Mễ giải thích, người dân ở đất nước này thường tự xây nhà cho họ. Khi để dành được tiền họ mua chút đất, rồi kiếm tiền mua gạch đá xây dần dần từng phần cho đến chừng nào xong, có nhà vì nghèo quá nên không bao giờ xây xong, phải chờ đến đời con cháu tiếp tục. Ở Hoa Kỳ, tôi từng ngạc nhiên thấy nhà cô bạn Mễ bốn gia đình mười mấy trẻ con cùng bà mẹ già sống chung vui vẻ, nấu nướng tiệc tùng hát ca trong căn nhà ba phòng ngủ. Bây giờ thì tôi đã hiểu.

Bến cảng Ensenada rất sâu, du thuyền cập bến sát cầu tàu. Du khách chỉ bước lên bờ là thuộc về nước Mễ. Vậy mà khi trở lại Mỹ, an ninh rà soát kỹ vô cùng. Phải kê khai tất cả những thứ từ Mễ mang về. Thức ăn hay trái cây đều bị cấm tuyệt.

Chúng tôi trở về tàu khi trời còn nắng nên vội thay đồ chạy ra hồ bơi. Đây là lần bơi duy nhất trong chuyến đi. Ít nhất cũng cho “đáng công” đi mua mấy bộ đồ tắm, tôi nói với ông xã. Bữa tối sau cùng trước lúc tàu nhổ neo về lại California cũng khá thịnh soạn. Nhưng chúng tôi ăn vội vàng để tận dụng thời gian đi xem văn nghệ các nơi. Tới Comedy Club coi Doug Williams diễn hài “Spare The Rod”, Thương-Cho-Roi-Cho-Vọt, cười một trận ngả nghiêng, rồi chạy qua Shangri La Loinge xem thi hát Karaoke có thưởng, sau cùng xuống tầng 8 vô Mirage Piano Bar kêu hai ly rượu đỏ ngồi xem Ewart điều khiển chương trình nhạc yêu cầu. Rượu vào…hành động ra, có hơi men chúng tôi cũng cao hứng vỗ tay nhịp chân ầm ỹ, lắc lư cùng mọi người, và cảm thấy mình như đang trong thời kỳ tuổi trẻ. Rất vô tư, quên hết mọi phiền toái thường ngày.

Tuy mãi đến quá nửa đêm mới về phòng ngủ, lòng vẫn còn tiếc nuối vì quá nhiều chỗ nhiều nơi chưa đi hết.

- Ngày Thứ Năm: Về Lại Cali

Buổi sáng chúng tôi thức dậy tàu đã cập bến Long Beach. Tuy là ngày cuối trêntàu, các nhà hàng vẫn mở cửa phục vụ khắp nơi, với nhiều loại thức ăn đặc biệt ngon và có nhiều món khác với thực đơn của mấy ngày trước. Người ta rộn ràng ăn uống trước khi rời tàu. Hành lý ai đặt trước cửa phòng đều có nhân viên đem đi check an ninh rồi đưa lên bờ trước, khi rời tàu chỉ việc đi nhận lại. Đáng tiếc, ngày cuối tôi đã không gặp lại Kathy để chào tạm biệt. Không biết cô còn nhớ đến tôi.

Chút kinh nghiệm muốn chia sẻ với các bạn, là trong suốt thời gian đi tàu chúng tôi ăn uống kiểu…thả giàn, thứ gì cũng thử, chứ không kiêng cữ như lúc ở nhà. Nhưng lại không bị tăng cân, có lẽ nhờ trèo lên trèo xuống cầu thang mười mấy tầng lầu ngày mấy bận, cộng với sáng nào cũng chạy bộ trên boong, và canh giờ về phòng nghỉ trưa vài chục phút. Điều đáng mừng, nhờ bận rộn với chương trình dày đặc như thế, chàng của tôi hầu như quên mất mình là người bệnh, cái chứng Vertigo “lắc lư con tàu đi”, và tôi cũng quên mất sự lo âu về sức khỏe của anh. Có thể nói chuyến đi này là một món quà quý chúng tôi “tự thưởng” cho nhau, sau hơn bốn mươi chín năm khổ sướng chung đường.

Về nhà kể chuyện, cô con dâu tôi trầm trồ kiểu như người Mỹ: Wow! Ba má đi du lịch chuyến này thật đáng giá từng penny!

Các bạn nếu ai có ý định… hấp hôn, thì đưa nhau lên tàu đi một chuyến Cruise là lựa chọn tuyệt vời nhất.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
08/06/201704:35:06
Khách
*Cám ơn bạn đọc Trịnh Thị Đông đã bỏ thời gian "cùng đi dụ lịch" với tác giả. Rất cảm động vì tấm lòng yêu mến quê hương thứ hai của bạn, ước gì bạn được gặp Kathy cô y tá đó có lẽ hai người sẽ thành bạn bè vì cô ấy rất thân thiện dễ thương.
Chúc bạn và gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

*Cám ơn anh Sao Nam đã đọc chuyện. Khi nào anh chị có dịp sang Cali cũng nên tham gia một chuyến hải hành...
Chúc anh chị luôn vui khỏe.

*Cám ơn bạn đọc Nguyễn Hưng lần nữa cho những lời chúc rất chân tình. PH rất vui và cảm thấy may mắn vì có được một độc giả yêu tiếng Việt, bạn thường đọc "mở hàng" các bài viết của PH... Chúc bạn và gia đình nhưng lời chúc tốt đẹp nhất.
Thân mến chào tất cả các bạn,
Phương Hoa
08/06/201700:56:28
Khách
Bài viết thật hay, thật sống động, đã đưa tôi suốt cuộc hành trình từ Long Beach sang tận Mễ Tây Cơ. Tôi đã được thưởng thức những show vô cùng hấp dẫn, những món ăn ngon, ăn thả giàn, và nhất là được gặp con Gái người tử sĩ đã bỏ mình trên quê hương VN. Tôi vui lắm khi biết cô Gái đó quê hương ở Arkansas, coi như đồng hương với tôi. Tôi đã sống nơi miền đất hiền hoà này được 32 năm và sẽ vĩnh viễn chọn nơi này làm quê hương thứ hai của tôi.
Thật cám ơn cô Phương Hoa nhé. Chúc cô và chàng người thân khác họ của cô HAPPY 49 th ANNIVERSARY ! Thân ái.
07/06/201712:01:34
Khách
Đọc bài này coi như được tháp tùng theo tác giả đi cruise chùa.Xin cám ơn tác giả.
Trân trọng
07/06/201704:11:25
Khách
Chúc tác giả Phương Hoa và phu quân sẽ dễ dàng thực hiện được một chuyến đi ngoạn cảnh bằng tàu thủy vào đúng dịp ăn mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành hôn. :)
06/06/201720:27:32
Khách
Cám ơn bạn đọc Nguyễn Hưng đã đọc bài viết và cho ý kiến. Câu "Tiếc thương, cầu nguyện cho hơn 300,000 linh hồn của những người xấu số đã bỏ mạng không đến được bến bờ Tự Do" của bạn đã làm cho tác giả vô cùng xúc động. Phải, chúng ta là những người may mắn, rất nên cầu nguyện cho những nạn nhân này.
Cám ơn bạn lần nữa và chúc bạn cùng gia đình luôn được vạn an.
Phương Hoa
06/06/201715:39:26
Khách
Bài viết rất hay. Lời văn gọn gàng với nhiều chi tiết về du ngoạn bằng tàu biển ở Mỹ.

Có lẽ không một người Việt nào- có dịp tham dự vào những cuộc du ngoạn này- đều không ít nhất một lần, hướng mắt nhìn ra đại dương hồi tưởng lại kỷ niệm kinh hoàng, sống chết chỉ trong gang tấc, khi chiếc thuyền của mình vật lộn với sóng to biển dữ, trên trời mây đen kịt, trong cuộc hành trình cố vượt thoát khỏi tay lũ Quỷ Đỏ. Và thở dài tiếc thương, cầu nguyện cho hơn 300,000 linh hồn của những người xấu số đã bỏ mạng không đến được bến bờ Tự Do.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,285,725
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới, không giống bất cứ bài viết nào viết về thuế.
Cho tới nay, Tony Tony là bút hiệu lần đầu xuất hiện trong Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm hai bài viết ngắn.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; Định cư tại Virginia từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Hai bài đã viết: “Cưỡng Bách Hồi Hương Rồi Mới Đến My” và “Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ.” Bài viết mới là chuyện 30 năm của gia đình ba: Từ đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Và rồi, nhờ chương trình ROV, vẫn tới được nước Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến