Hôm nay,  

Hai Bài Viết Và Chuyện 18 Năm

28/05/201700:00:00(Xem: 11663)

Tác giả: Nguyễn Thị Phi Phượng
Bài số 5129-18-30809-vb8052817

Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng. Bài viết có in trong sách Viết Về Nước Mỹ, tuyển tập I, trang 193, ấn hành lần thứ nhất tại California, tháng 11 năm 2000. Đúng 18 năm sau, tác giả góp thêm bài thứ hai, Thư Gửi Mẹ 2017. Giữa hai bài viết, có thể hình dung câu chuyện một gia đình tình nghĩa. Trân trọng mời cùng đọc.

* * *

I. Bài viết Tháng Năm 2017: Thư gửi Mẹ

Mẹ yêu thương của con,

Con và chồng con bước vào phòng ở của Mẹ thì Cô y tá cũng vừa săn sóc Mẹ xong. Vừa kéo cái mền đắp cao lên tới cổ của Mẹ, cô vừa nói với con là 2 ngày nay rồi, Mẹ không ăn được nhiều, chỉ thích uống sữa và chỉ muốn nằm trên giường để nghỉ trưa chớ không như mọi hôm: Mẹ ngồi trên xe lăn, xe của Mẹ cùng với một số bạn già khác sắp hàng trên hành lang, trước cái counter của nursing home, chỗ làm việc của các cô y tá.

Họ ngồi đó
Bên nhau
Đàn ông, đàn bà
Không nhìn, không nói
Gục đầu, nín lặng, ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân...
Họ ngồi đó
Móm xọm, nhăn nheo...*

Có lần con hỏi sao Mẹ không nằm nghỉ trưa trên giường. Mẹ trả lời là vì Mẹ sợ sẽ bị khó ngủ vào buổi tối nếu có ngủ trưa!

Con hỏi tiếp:

- Nếu đêm không ngủ được thì Mẹ sẽ làm gì?

- Mẹ sẽ nằm im, nhắm mắt và niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" rồi Mẹ đếm 1, 2, 3... Mẹ niệm và đếm như vậy tới 10 rồi Mẹ trở lại đếm 1.

Con khen Mẹ giỏi, Mẹ biết cách tịnh tâm và con nhắc Mẹ thêm:

- Mẹ nhớ tập trung vào hơi thở của Mẹ để khỏi suy nghĩ lung tung, nha Mẹ.

Như mọi khi, hôm nay, con mang cho Mẹ cá bống kho tiêu và xoài Thanh Ca chín mềm để Mẹ ăn với cơm trắng. Đó là món Mẹ thích nhất nhưng mà Mẹ lắc đầu, không chịu ngồi dậy để ăn. Mẹ làm Con lo quá!

Suốt 5 năm ở cái nursing home này, con nhớ là Mẹ không đòi hỏi chúng con điều gì, chỉ nói là mong hàng ngày được ăn cơm trắng dẻo - nấu hơi nhão - mềm, ăn với cá kho tộ. Con thay đổi thêm một chút để có đủ chất dinh dưỡng cho Mẹ, đó là khi thì con cho Mẹ ăn kèm với xoài chín, khi thì ăn kèm với dưa hấu... Nhìn Mẹ ăn ngon và hết phần cơm con mang vào là con vui lắm rồi!

Ăn xong, vợ chồng con đẩy xe đưa Mẹ ra vườn sau để Mẹ được hít thở không khí trong lành trong khi hai mẹ con trò truyện. Câu chuyện của hai mẹ con loanh quanh về khổ đau và hạnh phúc.

Con còn nhớ, cách đây ba năm, sau cuộc đại phẫu cắt bỏ phần ruột thừa bị cancer của Mẹ, cộng với bịnh Parkinson's từ 10 năm trước đã làm Mẹ không đi đứng bình thường được, phải ngồi xe lăn. Bác sĩ không cho Mẹ được chăm sóc tại nhà nên Mẹ phải vào ở cái nursing home này.

Thời gian đầu, Mẹ rất buồn. Lúc đó, có Dì Út của con (em gái út của Mẹ) đi du lịch qua đây một tháng. Mẹ muốn theo Dì về Việt Nam. Chúng con đã ngồi xuống nói chuyện với Mẹ lâu. Mẹ ơi, con rất thán phục Mẹ. Mẹ đã hiểu lời Phật dạy: "Thân này khó có, Phật Pháp khó gặp...". Thật vậy, Mẹ đang được chăm sóc trị bệnh ở Mỹ, một đất nước có sự chăm sóc về y tế tiến bộ vượt bực. Tại đây, Mẹ có được ngôi chùa tốt và gần. Đó là ngôi chùa ở phía bên kia đường của nursing home, nơi mà vợ chồng con đưa Mẹ tới đảnh lễ và nghe giảng pháp mỗi tuần khi con tới thăm Mẹ. Mẹ đã hiểu là lúc này chưa phải lúc chúng ta trở về lại Việt Nam. Mẹ biết là Mẹ sẽ làm khổ Dì Út và sẽ làm khổ hết tất cả chúng con còn ở lại Mỹ khi mà Mẹ về Việt Nam sống những ngày cuối đời. Từ “hiểu”, Mẹ đã thương chúng con. Mẹ vui vẻ ở lại Mỹ, trong cái nursing home này, không ray rứt, không phàn nàn. Mẹ biết là phàn nàn, ray rứt thì chỉ làm mình khổ chứ chẳng được gì. Mẹ ơi, Mẹ là Bà Mẹ lớn lao của con. Mẹ đã sống theo lời Phật dạy, cách sống và suy nghĩ không dễ gì có được ở những ông bà cụ tuổi 90 như Mẹ. Mẹ đã giữ được cái tâm an tịnh và an nhẫn giúp con cháu an lành.

Con còn nhớ, hơn nửa cuộc đời của Mẹ, khi còn ở Việt Nam, Mẹ buôn bán nhưng Mẹ rất thật thà, không dối gạt, không nói thách. Mẹ luôn nhắc nhở chúng con là nên làm điều lành, nhớ giúp đỡ người nghèo khó. Nay, Mẹ lại có được cái tâm an tịnh. Vậy là Mẹ đã theo đúng các điều Phật dạy. Một tấm gương lớn, nghe thì bình thường nhưng không phải người già nào cũng thực hành được. Cách sống thức thời này của Mẹ, con cháu chúng con cũng phải noi theo!

Hôm nay, trên đường về nhà, chồng Con lái xe, ngồi cạnh T mà hình ảnh Mẹ nằm ngọep trên giường trưa nay cứ quanh quẩn bên con. Cả một thời thơ ấu đã "sống lại" như một cuốn phim quay chậm.

Mẹ ơi, Mẹ sanh con ra đúng vào ngày cúng cái thất thứ 7 cho Ba con. Con chỉ "biết" Ba của con qua các tấm hình.

Mẹ còn nhớ không, trên bàn thờ của Ba con, cạnh tấm hình Ba là tấm hình chụp ba mẹ con mình, Mẹ ngồi bận áo dài trắng, cổ quấn khăn tang đen. Mẹ ôm hai anh em con, lúc đó, anh Hai của con chắc gần 3 tuổi, Mẹ nhỉ. Con thì ốm xo, nhỏ xíu, chưa biết đi, thu mình ngồi trong lòng Mẹ. Ba khuôn mặt buồn! Mẹ ơi, tuổi thơ của con gắn liền với cái bàn thờ ấy, với tấm hình ấy. Cuốn tự điển của riêng con không có từ “Ba” mãi cho đến khi con gái của Mẹ có chồng. Tới lúc đó, mỗi khi được gọi tiếng “Ba” (Ba của T, ba của chồng con), tiếng gọi đó với con sao mà ngọt ngào, giá trị, cao quý, thấm thía!

Mẹ ơi, con được sống trong tình thương của Mẹ và của Ông Bà Ngọai nên con không biết tủi cho cái phận côi cút của mình cho mãi đến khi con học lớp 9, một hôm, trong giờ giảng văn, câu ca dao: "Còn cha gót đỏ như son, Đến khi cha chết, gót con lấm bùn..."

Bài học giảng văn làm vỡ òa sự mất mát quá sức lớn lao của cuộc đời con và cả cuộc đời của Mẹ.

Ba của chúng con đã sớm hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp. Mẹ đem anh em con về lại quê nghèo Long Điền - Bà Rịa, sống với Ông Bà Ngọai. Mẹ đã cố gắng để trở thành hình bóng của Ba chúng con: nghiêm khắc, cương quyết, ít cười... và ít khi ôm anh em con vào lòng để nựng nịu. Con hiểu. Mẹ ơi, Con hiểu Mẹ! Con không giận Mẹ đâu vì đó là cách nuôi con của thời đại Mẹ sống.

Mẹ đã nhọc nhằn buôn bán, giữ cái tiệm của Ông Ngọai để lại như người cai tù giữ nhà tù: không hề có vacation, không hề đóng cửa tiệm để đi Chùa lễ Phật... Mẹ đã lo toan cho hết cả nhà. Mặc dù, lúc đó, con vẫn còn nhớ rõ, Mẹ không hề đi Chùa nhưng Mẹ không bao giờ quên ngày Rằm, ngày mồng Một, ngày Phật Đản, ngày Tết... Những ngày đó, Mẹ đưa tiền cho Dì Út xuống Chùa Ông Bác ở xóm Truông để cúng Phật, để thăm Ông Bác là vị sư già của Chùa và Mẹ nhắc Dì Út nhớ lạy Phật trước khi ra về.

Mẹ đã lo hết cho cả nhà, từ Ông Ngọai, Bà Ngọai, hai anh em con cho tới các bà Cô, bà Dì và cả các nhà hàng xóm nghèo sống xung quanh nhà mình nữa. Mẹ không đi Chùa nhưng đêm nào Mẹ cũng tụng kinh, niệm Phật và nhất là Mẹ giữ năm giới luật của nhà Phật thật chặt chẽ, Mẹ không bao giờ nói dối để lường gạt khách hàng... Anh em con đã theo cách sống thật thà này của Mẹ, của gia đình mình từ khi đó.

Cho mãi đến năm 1986, khi đến Mỹ cùng với hai đứa con trai của con, lúc đó, Mẹ mới được tới Chùa hằng tuần. Hồi ở VN, Mẹ lo cho cả nhà. Tới Mỹ, cũng nhờ có Mẹ mà hai con của con có chỗ dựa tinh thần vững chắc nên chúng đã ăn học tới nơi tới chốn. Cả cuộc đời của Mẹ là một chuỗi hy sinh và bù đắp cho con, cho cháu, cho đại gia đình.

Từ khi sống trong nursing home, Mẹ trở nên ít nói, không than vãn, không đòi hỏi. Con biết là Mẹ muốn thực hành phép "tịnh khẩu". Mẹ thường nói với con là Phật dạy "Nếu tu được cái miệng là coi như đã tu được phân nửa của quá trình tu tập". Nhiều lúc, con bóp chân cho Mẹ, con hỏi là Mẹ có thấy nhức chân không, Mẹ nhẹ nhàng lắc đầu. Mẹ không muốn con lo, chứ người già nào mà không đau chỗ này, nhức chỗ kia. Vì phải nâng Mẹ lên giường rồi xuống xe lăn... nhiều lần trong ngày cho việc ăn uống, vệ sinh... nên hai xương bả vai của Mẹ đã bị trật ra, gần chạm với cái xương hàm, vậy mà Mẹ cũng không bao giờ than đau. Mẹ vẫn thường nói với Con là Mẹ chỉ muốn sớm được chết yên ả, để Mẹ được thay cái xác mới, thay cái linh hồn mới...


Thế đó, nhờ hiểu và thực hành Phật pháp, Mẹ đã có những năm tháng cuối đời bình an và Mẹ cũng đã cho chúng con sự bình an và hạnh phúc.

Chồng con đã lái xe vào cái drive way của nhà. Con chạy vội vào, đứng trước bàn Phật. Mẹ ơi, con đang hướng cái tâm nhỏ nhoi của con tới Mẹ và con đọc Kinh Bát Nhã. Bài tâm kinh này đã theo con từ khi Mẹ và hai đứa nhỏ ra đi...

Mẹ ơi, con cảm nhận được giá trị đích thực của tình thương và con cũng hiểu được phần nào, rằng cuộc sống này thật sự là vô thường.

Họ ngồi đó
Bên nhau,
Đàn ông, đàn bà...

Mới hôm qua thôi
Nào ga lăng, nào quý phái,
Nói nói, cười cười,
Ghen tuông, hờn giận.

Họ ngồi đó,
Không nói năng,
không nghe ngóng
Gục đầu, ngửa cổ
Móm xọm, nhăn nheo...

Ngoài kia, tuyết rơi trắng xóa,
Ngoài kia, dòng sông mênh mông, mênh mông...

Trên đây là thơ của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Bs. Hồ Đắc Đằng dịch sang Anh ngữ:

Out there,
Snow flying immense white
Out there, the river immense, immense...
Hayward, CA. Chờ Vu Lan 2017

Nguyễn Thị Phi Phượng

***

II. Bài viết năm 2000:

Gia Đình Tôi Vào Mỹ

Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả đúng 18 năm trước, tháng Năm 2000, trích từ sách "Viết Về Nước Mỹ", tuyển tập một, ấn hành tháng 11 năm 2000.

*

“Vạn sự khởi đầu nan.” Chưa bao giờ tôi cảm nhận câu châm ngôn ông bà ta hay nhắc chí lý như lúc này, dù vợ chồng tôi đặt chân tới Mỹ với nhiều yếu tố mà theo ngu ý, tôi cho là thuận lợi:

-- Tháng 1 năm 2000: mở đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự bùng nổ về khoa học-kỹ thuật, chắc chắn sẽ mang hạnh phúc nhiều nhất cho con người.

-- Là những thuyền nhân 11 và 17 tuổi, bơ vơ trên đảo hoang tháng 5 năm 1986, hai con trai của chúng tôi đã thành đạt và đã ổn định trên nước Mỹ sau 14 năm khổ nhọc và nỗ lực trong máu và nước mắt của chúng để dâng cho cha mẹ niềm kiêu hãnh khi chúng tôi còn kẹt lại ở Việt Nam: chúng sợ chúng tôi thất vọng nếu chúng không ra gì trên đất khách khi không có cha mẹ bên cạnh.

Tới phi trường San Francisco lúc 9 giờ đêm ngày January 21, năm 2000 sau bao nhiêu phập phồng, lo lắng từ lúc đi khám sức khỏe, rồi đi gặp phái đoàn Mỹ ở số 4, Lê Duẩn, Sài Gòn, rồi lựa chọn “pack” đồ đạc mang đi, rồi ngày ra phi trường Tân Sơn Nhất… Chúng tôi chất ngất hạnh phúc trong vòng tay của hai con trai và con dâu út. Mười bốn năm dài mong đợi, gia đình tôi mới có được ngày sum họp này. Tôi ngẩng cao đầu, hít thật sâu bầu không khí tự do với những bước đi khẳng định trên cầu Golden Gate ngày hôm sau. Tôi lạ lẫm và thỏa mãn để khám phá và làm quen với những từ: điểm sấm, đi shopping, home depot, ừ hử, tao không “care” chuyện đó đâu mày ơi,…

Tôi thích thú tận hưởng sự yên tĩnh của khu phố nơi con trai út và ông anh cả tôi đang sống. Đâu đâu cũng thấy bãi cỏ xanh mướt, bông hoa đẹp, và các loại cây cho bóng mát mà vùng thành phố nhiệt đới không có. Rất bực mình cái bát nháo và dơ dáy của thành phố Sài Gòn khi đổi chủ mà tôi phải chịu đựng hơn nửa đời người vừa mớt được bỏ lại sau lưng, tôi thực sự sống và tận hưởng cái từ “được giải phóng”.

Quê hương là chùm kết ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày…
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng…
(Đỗ Trung Quân)

Năm tuần lễ ở San Jose thăm bà con và thăm vài thắng cảnh vùng Cali, nào Muir Woods, nào Yosemite, nào Carmel, nào Monterey, nào Reno, nào tu viện Kim Sơn... Quả thật, thiên nhiên và con người nước Mỹ đã cho tôi những khái niệm ban đầu tốt đẹp: hùng vĩ và thân thiện.

Hồi còn ở Việt Nam, vì “cơm áo gạo tiền”, chúng tôi bị chết dí ở Sài Gòn, ít được đi đây đi đó nhiều nhưng những cảnh đẹp hoang sơ của quê nghèo Việt Nam nay lại được “tiếp thêm” rác rưởi của du khách đã từng làm tôi khó chịu và thất vọng. Nay, đứng trước những vách đá sừng sững ở Yosemite, con đường số 1 chạy dọc bờ biển dài rất đẹp từ San Jose đến Monterey, rừng thông bạt ngàn trên đường đến tu viện Kim Sơn, tôi cảm nhận được cái nhõ nhoi và yếu đuối của thân phận con người.

Rồi, chúng tôi bay suốt chiều ngang nước Mỹ, về định cư hẳn ở Maryland với vợ chồng đứa con trai trưởng.

Chúng tôi tới Mỹ khi tuổi đã ngoài 50, không còn trẻ mà cũng chưa phải là quá già để ngồi nhà chờ con cái cung phụng mặc dù chúng tôi có thể có được những điều đó. Thế là vợ chồng tôi bắt đầu học và đi thi lái xe.

Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, “nan” từ việc nhỏ, huống gì chúng tôi đang gặp cái “nan” lớn: hội nhập vào dòng sống vĩ đại của nước Mỹ. Mọi người Việt ở Mỹ đều kháo nhau về hai cái khó lúc tới Mỹ là thi lái xe và thi vào quốc tịch. Bởi vậy, chúng tôi thi lần thứ hai mới đậu được cái bằng luật lái xe “dễ ợt” như bọn trẻ nhà tôi nói. Rồi sau đó là những lần apply xin việc, được phỏng vấn tốt mà về nhà cứ phập phồng sợ “bị kêu” đi làm vì tôi chưa được phép lái xe. – Tại Maryland, từ tháng 7 năm 1999, bốn tháng sau khi thi đậu luật mới được phép thi lái. – xứ này, không có chiếc xe hơi thì con như cua gãy càng! Tôi bắt đầu cảm nhận được “cái giá” của sự hội nhập. Chúng tôi thấp thỏm đếm từng ngày chờ đợi bốn tháng như chờ đợi trong mười năm để có được cái bằng lái xe. Quĩ thời gian giành cho chúng tôi còn quá ít. Chúng tôi bắt buộc phải vội vã quá đáng. Các con tôi biết vậy nên luôn luôn trấn an:

“Mẹ ơi, Mẹ mới tới Mỹ có hai tháng tôi mà!”

Hình như Ông Trời luôn luôn giành cho mỗi con người một cái thắng. Ông thắng mọi người lại, Ông không cho ai vui vẻ lắm, hạnh phúc lắm! Tôi không thoát khỏi qui luật đó.

Những ngày vui qua mau…Tôi như trên trời rớt xuống khi nghe tin anh tôi đưa mẹ tôi vào Nursing Home. Hai ngày sau khi biết tin, tôi tức tốc bay từ Maryland qua San Jose, bốc Mẹ tôi ra khỏi chỗ này. Còn quá sớm khi mẹ tôi phải vào đây. Tôi sợ mẹ tôi, người đàn bà Châu Á 78 tuổi với những tư tưởng cổ hủ từ muôn đời, có thể bị giảm thọ vì cho rằng con cháu bỏ rơi.

Thêm một thế hệ nữa trong gia đình. Chúng tôi không tiện ở chung với con cái nữa rồi. Tôi trăn trở bao đêm để miễn cưỡng đi tới quyết định: ở lại Cali và thuê nhà.

Chúng tôi đã từng trải qua “những cuộc bể dâu”, nhất là từ năm 1986, khi mẹ và hai con tôi bước chân xuống chiếc thuyền mong manh và ra khơi. May mà không bị “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Đã bao lần chúng tôi vấp ngã, thay đổi, cố đứng lên và bắt đầu lại từ con số không và đã thành công nhưng những lần đó chúng tôi còn trẻ. Nay thì khác rồi, trên 50 tuổi, “Trí cùn - lực kiệt”, xã hội mới, cái gì cũng lạ lẫm, mới mẻ. Chúng tôi đang có quá nhiều “challenge” cần vượt qua trên đất mới:

-- Vốn tiếng Anh nghèo nàn, nhất là khả năng nghe và nói.

-- Tay trắng từ tiền bạc cho tới nhà cửa, việc làm.

-- Nuôi mẹ già bị bịnh Parkinson.

Chúng tôi sợ sự thay đổi, chúng tôi sợ phải học cái mới. Mà ở nhà thuê thì chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai. Chừng này tuổi, sắp có cháu nội rồi mà cũng chưa làm chủ được cái nhà, chưa làm chủ được đời mình. Chỉ chừng ấy suy nghĩ cũng đã làm tôi trào nước mắt. Nhưng bên cạnh vợ chồng tôi có hai con trai tôi động viên và hỗ trợ mọi mặt. Chúng tôi có những tấm gương vượt khó thần kỳ của những người Việt trước tôi tới Mỹ. Chúng tôi có được bối cảnh là một nước Mỹ đa chủng tộc và biết trân trọng tài năng. Tôi hy vọng “những ngày gian nan” thuở ban đầu sẽ qua nhanh và gia đình nhỏ nhoi của riêng tôi cũng giống như gần hai triệu người Việt tha hương khác trên đất Mỹ đã gian nan và đã thành đạt.

Tôi cám ơn nhà nước Mỹ đã nuôi dạy hai con tôi nên người - từ tư cách cho tới tri thức - như ngày hôm naỵ

Tôi cám ơn nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã bức bách thúc đẩy chúng tôi để gia đình tôi tới được và sống được trên đất mới.

Đất lành chim đậu. Chúng tôi sẽ sống, vui vẻ nhận mọi thử thách và góp phần xây dựng quê hương thứ hai này. Truyền thống vượt khó của cộng đồng người Việt tha hương, của gia đình, luôn nung nấu trong tôi những ngày này. Nhất định chúng tôi sẽ vượt mọi khó khăn.

Chân trời đang rộng mở cho tất cả mọi người Việt kiên cường trên đất Mỹ.

Hayward, Tháng 5, 2000

Nguyễn Thị Phi Phượng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,174,451
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến