Hôm nay,  

Tôi Phải Về Cho Mẹ Tôi Ăn…

28/05/201700:00:00(Xem: 11685)

Tác giả: Phan
Bài số 5128-18-30808-vb7052717

Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.

* * *

blank
Hình do tác giả gửi theo bài.

Câu trả lời của anh bạn lớn tuổi làm tôi chưng hửng vì nhiều lý do. Thứ nhất là muốn tìm vài sợi tóc đen trên đầu anh không dễ. Không lẽ anh còn mẹ? Thứ hai là tôi chỉ nghe bạn bè từ chối rủ đi uống bia với ba lý do thường nhất: Thứ nhất là “vợ tôi nhằn quá ông ơi!” Thứ hai là “sợ cảnh sát quá ông ơi!” Và thứ ba là lý do sức khoẻ, “tôi đang uống thuốc ông ơi!”

Tôi như người lâu quá không được nghe những lời tử tế nên hụt hẫng với lời tử tế khi được nghe. Dĩ nhiên không ai biết trên đời còn bao nhiêu người con hiếu thảo, nhưng tôi thì biết có một người mẹ già đang hạnh phúc.

Trên đường tôi lái về nhà vì anh bạn đã từ chối lời mời ngắn gọn, không khách sáo gì nhiều của tôi: “Già Nguyên. Chiều nay trời đẹp. Ghé Wing Stop làm vài ly bia hơi không?”

Anh trả lời: “Sao hôm nay chú phá lệ thế? Chưa đến cuối tuần mà!”

Tôi đâu dám nói lời khó nghe trong hãng là tôi đã hay tin sáng mai anh vô hãng làm gì nữa cho mất công dậy sớm, vì anh đã có tên trong danh sách hãng cho nghỉ bớt công nhân theo tình hình ít việc nên dư người. Cũng vì thế mà tôi phá lệ, mời anh đi uống cốc bia tạm biệt những ngày vui từ hôm anh vô làm chung với tôi được vài tháng nay.

Nhưng lại đến anh gọi tôi qua điện thoại: “Hay chú ghé nhà tôi đi. Tôi cho mẹ tôi ăn… chay chiều nay. Nhanh thôi! Rồi anh em mình nhậu.”

Tôi trả lời anh: “Nói hay. Làm ơn ghé đâu đó, nhắn tin cho tôi địa chỉ nhà anh. Đừng vừa lái vừa nhắn tin nha anh!”



Tôi đến nhà anh lần đầu. Hoá ra anh không nói chơi mà là chuyện thật, sau khi chị nhà mở cửa cho tôi. Trong mắt tôi là người đàn ông đã làm ông ngoại từ mười năm qua. Nhưng tay anh bưng bát cơm, tay cầm thìa cơm, chạy xình xịch quanh ghế mẹ ngồi là bà cụ ở tuổi chín mươi. Cụ chúm chím cười, liếc mắt theo tàu hoả là thìa cơm không ra cơm mà cháo không ra cháo; Bà cụ đợi tàu hoả tài tình là hễ nó tới miệng thì cụ mở miệng ngay chứ không để nó chạy qua…

Có lẽ, hơn sáu mươi lăm năm trước, cụ là chiếc tàu hoả chở thìa cơm cho cậu con trai một tuổi. Rồi tôi rùng mình khi chợt nghĩ tới, nếu anh tử trận ở Cổ Thành vào mùa hè đỏ lửa 1972 thì bây giờ ai đút cơm cho mẹ anh ăn? Suy ra có bao nhiêu bà mẹ không có con trai đút cơm cho ăn khi về già vì các anh đã tử trận trên nhiều “địa danh tên vẫn chưa quen người dân thị thành” ở Việt Nam. Hôm nay lại tháng Năm đã về với ngày lễ “Chiến sĩ trận vong”, không biết trên thế giới có bao nhiêu bà mẹ tuổi già cô quạnh vì con trai đã chết bởi chiến tranh?

Tôi bị thôi miên bởi người lính cũ tóc đã bạc trắng vẫn phải đi làm. Đau đớn thay khi ngày mai là ngày anh mất việc, mà cũng không được biết trước “Ai là anh em tôi” theo tinh thần Công giáo của người anh sùng đạo. Người ngoại đạo tôi chăng? Những người được nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong có hưởng lương đang làm gì nhỉ? Một vài người ngồi soạn ra cái danh sách những người hãng không còn cần mướn nữa vì hết việc. Sao người lính cũ này lại mất việc vào một ngày tháng Năm, vào mùa lễ nhân loại nhớ ơn người chiến sĩ…! Có quá nhiều câu hỏi trong tôi tới rối trí, rồi thành khiếm nhã vì cứ đứng trân ra đó, thay vì thăm hỏi mọi người.

Chị nhà xin lỗi đang dở tay trong bếp. Anh nhà với tôi thì đã quen nên khỏi khách sáo. Anh nói với tôi: “Bia trong tủ lạnh đó chú em. Làm trước một chai đi. Anh cho mẹ anh ăn xong thì mình nhậu.”

Tôi mới xuống tới cửa bếp để mở tủ lạnh lấy bia thì chị nhà đã trao cho tôi chai bia được chị tiện tay khui sẵn luôn cho tôi. Chị nhà có vẻ ít nói, nên những vết chân chim nơi khoé mắt sâu hơn người hay cười. Nhưng chị trông hiền, mẫu người kín kẽ…

Tôi đứng luôn ở cửa bếp để thăm hỏi chị. Mắt nhìn anh bạn đang làm trò trên phòng khách để dỗ mẹ anh ăn cơm chiều.

Dưới cửa bếp, chị nhà trò chuyện với tôi: “Nghe anh nói về chú, chị cũng mừng. Cảm ơn chú…”

“Nghe anh nói về chị, em cũng mừng. Cảm ơn chị.”

Tôi còn điều nhớ mãi sau xã giao dở tệ của mình khi nghe chị nói, “…đúng ra là việc của chị. Nhưng thậm chí từ hồi bà ngoại tụi nhỏ nhà chị nằm một chỗ, cũng một tay anh lo chứ chị làm được gì đâu. Nay tới bà nội, anh ấy cực quá mà chị cũng không giúp được gì…”

Tôi nói: “Hình như em thấy bà kém trí nhớ nhiều rồi, phải không chị?”

“Sao chú biết? Anh kể à?”

“Dạ không. Chỉ là ban nãy, em thưa bác lúc em đến. Bác nhìn em lạ lắm! Em không biết diễn tả. Xin lỗi chị.”



Phía nhà trên. Tàu hoả đã biến thành máy bay đầm già. “Còn vài thìa nữa thôi mẹ ạ! Bây giờ mình chơi máy bay đầm già cho mau hết nhá? Mẹ nuốt hết đi. Con bay nhanh lắm đó!”

Máy bay ông già tóc bạc chứ đầm già gì, ông bay từng thìa cơm cho mẹ đến vã mồ hôi trán.

Tôi không thể nào báo tin cho anh hay là ngày mai anh khỏi cần dậy sớm để vô hãng vì tôi đã được xem qua danh sách. Thôi thì chuyện của ngày mai. Nói chi sớm với người đã sáu mươi sáu tuổi. Chuyện gì tới cứ để Chúa, Phật độ trì cho anh…

Cảm ơn anh về chuyện kể của người lính cũ trong mùa Chiến sĩ trận vong không có mùi thuốc súng, trong mùa lễ mẹ không phải vất vả “đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” vì mẹ già đễnh đãng chỉ cần thìa cơm không chan nước mắt, chỉ cần vừa ăn vừa cười đã là hạnh phúc tuổi già.

Anh nói với tôi: “…Em bước vô phòng bố mẹ anh mà xem. Anh kê hai cái giường đơn vì hai người già không thể ngủ chung một cái giường. Bởi người này ngủ thì người kia lại thức, phá giấc của nhau. Nhưng bố anh chăm sóc cho mẹ anh kỹ lắm từ ngày mẹ anh mất trí nhớ hoàn toàn. Chỉ ông trời oái oăm là cho bố anh đang mạnh khoẻ, tỉnh táo, nhưng cảm cúm một trận rồi đi luôn trong vài ngày. Từ đó, mỗi sáng khi anh vào phòng để lo cho mẹ anh trước khi anh đi làm, Mẹ anh hay hỏi, có thấy ông nhà tôi đâu không? Anh cứ nhớ bố anh hay trả lời khôi hài để mẹ anh cười, Ông nhà bà đi mua hoa về tặng cho ngày sinh nhật của bà rồi! Bà phải đẹp cho ông nhà vui đấy! Bà phải nghe tôi: đánh răng, tắm rửa, thay quần áo, cho thật đẹp vào… Những lúc ấy anh nghĩ mà ân hận với bố của anh lắm! Thường cha với con trai đâu có gần nhau trong đời sống gia đình, rồi con trai lớn lên thì cha lại già đi nhiều hơn lo nuôi cơm là lo lắng vì thời anh lớn lên là đi lính. Sự cách biệt tuổi tác, khoảng cách thế hệ nên suy nghĩ, lối sống, quan điểm, sở thích… càng xa đến như không có liên hệ gì với nhau! Nhưng thực sự là tình sâu nghĩa nặng, chỉ đàn ông không nói ra được tình cảm của mình với người cùng phái thôi!

Anh đi tù mất mấy năm về, hai món kỷ niệm anh làm được trong trại tù cải tạo là cái tẩu cho bố anh, vì anh biết bố anh thích hút thuốc tẩu hơn thuốc lá; Vật thứ hai anh làm được trong tù là cọng dây điện thoại anh nhặt được thì ngồi uốn nắn thành tên của vợ anh. Những năm ấy mẹ anh, vợ anh đi thăm nuôi anh, nhưng từ tiền đò xe, tới chút đường thẻ, chút mắm ruốc xào sả ớt cũng một tay bố anh tiện tặn cho con lúc nó ngặt nghèo. Thế mà anh chưa bao giờ nói với bố anh được một tiếng cảm ơn, nói một lần cũng đủ là con thương bố lắm! Nhiều khi anh như thoáng thấy bố anh vẫn ra vô căn phòng này để chăm sóc cho mẹ anh. Anh muốn chận đường ông cụ chỉ để nói một lời, con cảm ơn bố! Nhưng đó chỉ là những lúc áp huyết anh lên cao quá nên hoa mắt thôi, ngồi nghỉ một lát sẽ rõ ràng lại. Chỉ ân hận trong lòng mình râm ran mãi...

Có những hôm mẹ anh thức dậy, nói một mình: đi đâu nữa rồi…? Mắt mẹ anh nhìn đăm đăm vào cái giường trống của bố anh. Nhưng chỉ một lát, một chút, một khoảnh khắc thời gian cũng có thể đúng. Vì sau đó là tình trạng mất trí nhớ trở lại ngay. Cụ không xuất thần nữa! Nhưng thoáng buồn đọng lại một chút trên gương mặt mất trí nhớ rồi mới tan hết…”

“Thế anh có cho bác sĩ hay không?” Tôi hỏi.

Anh trả lời tôi: “Theo bác sĩ, có thể sau giấc ngủ thì cụ tỉnh được một chút. Một chút thôi, không đủ để nhớ ra được một việc, một chuyện. Chỉ là một thoáng nhớ, mơ hồ…”

“Nhưng có hy vọng phục hồi lại trí nhớ cho cụ không?”

“Không. Người nhà còn không tin, nói gì tới bác sĩ. Anh chị thử mẹ anh nhiều lần lắm rồi! Cứ đem những vật mẹ anh yêu thích suốt cả đời ra để gợi nhớ. Nhưng cụ không nhớ hoàn toàn. Đem cho mẹ anh những món ăn mẹ anh thích nhất. Cụ cũng dửng dưng như không màng tới, thậm chí không thèm nhìn… Bây giờ cụ ăn như bản năng sống, vậy thôi. Anh nghĩ là cụ cũng không thưởng thức được hương vị gì nữa nên cụ lười ăn lắm!”



Anh em tôi ra bàn ăn ngoài sân sau nhà, ngồi bù khú với nhau rôm rả chuyện đời xưa ở quê nhà; từ thuở miền nam còn bình yên tới thời khói lửa mịt mù; rồi cuộc triệt thoái oan khiên mà hệ lụy sẽ không bao giờ hết cho tới hôm nay…

Chúng tôi im lặng khá lâu sau đó. Có lẽ mỗi người suy nghĩ riêng. Rồi chị nhà bưng ra cho đĩa trái cây và dọn đi những món mặn.

Tôi kể cho anh nghe…

“Hồi lâu rồi. Em bị mất việc trong hãng nên đi giao pizza trong thời gian chờ việc mới gọi mình đi làm. Em còn nhớ cái nhà già ở góc đường Coil. Rd với đường 15. Rd trên thành phố Plano. Em đem pizza cho mấy cô y tá ăn trưa. Nhưng em chứng kiến một ông cụ Mỹ trắng cự nự mấy cô y tá không cho ông đẩy xe lăn của một bà cụ Mỹ trắng. Em nghe ông dõng dạc nói: Vợ tôi không còn nhớ tôi. Nhưng tôi còn nhớ bà ấy là vợ tôi. Không ai đẩy xe cho vợ tôi an toàn hơn tôi đâu! Sao các người không cho phép tôi?

Ông cụ nói rồi khóc. Khóc bất lực với luật lệ khi phải trao tay cái xe lăn cho anh chàng hộ pháp người Mỹ đen to lớn. Làm em tò mò! Em hỏi cô y tá quen, Nếu họ là vợ chồng, thì làm khó họ chi?

Cô y tá trả lời cho em: Bạn không biết! Tuy họ là vợ chồng. Nhưng khi đã vào đây thì ông được chăm sóc riêng bên khu nam, bà được chăm sóc riêng bên khu nữ. Họ chỉ được trò chuyện, gặp nhau trong giờ xem tivi chung ngoài đại sảnh. Ai không khoẻ thì xem tivi nhỏ trong phòng riêng. Họ chỉ được gặp nhau trong giờ phơi nắng ngoài trời. Nhưng để cụ ông đẩy xe cho cụ bà, nhỡ xảy ra tai nạn thì trách nhiệm lại thuộc về chúng tôi vì chúng tôi chịu trách nhiệm đẩy xe lăn cho cụ bà chứ không phải cụ ông…

Từ đó, mỗi lần tới nhà già, em ưa để ý cụ ông. Em có cảm tưởng ông ấy luôn để mắt tới vợ ông khi có thể vào những lúc được gặp nhau. Vì em bắt gặp ông rất ranh mãnh, ông đi đến chỗ vợ ông thì bị cô y tá nhắc nhở ông đừng có đẩy xe của bà. Ông cãi là ông đi bỏ rác mà. Nhưng ông cụ cũng lượn ngang xe lăn của bà vợ, đẩy đẩy vài cái cho đỡ ghiền hay sao đó! Rồi cười trừ với cô y tá khi cô ấy đến tháo tay ông ra khỏi xe lăn của bà…”

“Ừ. Phải như hồi trẻ thương vợ được một phần thôi thì mấy bà cũng đỡ. Bố anh chăm sóc cho mẹ anh cả chục năm chứ ít đâu. Lúc mẹ anh tuy mất trí nhớ nhưng còn khoẻ, bố anh lấy sợi dây xích chó xích tay ông một đầu dây, tay bà một đầu dây, rồi dắt bà đi bộ thể dục. Ai thấy cũng phải cười. Có những chiều anh đi làm về tới xóm nhà mình, nhìn bố mẹ anh xích tay nhau bằng sợi dây xích chó, anh cũng bật cười, nhưng mắt cay sè…

Khi mẹ anh yếu nhiều vì không ăn ngủ được. Bố anh gõ mõ tụng kinh cả đêm. Con cháu gì chạy hết, có đứa nào ở nhà nữa đâu. Chúng nó làm sao mà ngủ thì làm sao đi làm! Nhưng bố anh tin là nghe kinh thì mẹ anh ngủ được. Chuyện thật ra là ông ngủ gục chứ bà có ngủ đâu! Nhưng ông cứ tin là bà ngủ. Đó là đoạn bố anh hết sức. Ông mất sau khi đuối sức không lâu. Nhắc lại chuyện thấy thương bố anh quá!”

Tiếng chị nhà gọi anh vô giúp mẹ. Tôi sẵn cáo từ ra về vì trời đã nhá nhem tối. Nghĩ đến từ mai anh được ở nhà suốt ngày để chăm sóc mẹ, cũng đỡ vất vả cho anh. Nhưng eo hẹp tài chánh cũng khó lắm vì anh chị với mẹ sống chung nhà thì chỉ mình anh đi làm. Sáu mươi sáu tuổi còn đi làm đã đủ biết chính phủ và con cháu không giúp đủ cho những người già cần giúp đỡ. Chỉ còn Ơn trên giúp được họ, nhưng họ mới chỉ là một hoàn cảnh, còn bao hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Trong khi Ơn trên chỉ có một thượng đế, lại ở xa…

Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến