Hôm nay,  

Từ Mỹ Đi Một Vòng Âu Châu

20/04/201700:00:00(Xem: 21053)

Tác giả: Hoàng Đình Minh Long
Bài số 5098-18-30798-vb4041917

Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration; Đã tham gia VVNM từ 2003 với 4 bài viết tươi tắn, tinh tế và tử tế. Tiếp tục nhịp viết mới, sau đây là một ký sự du hành Âu Châu của tác giả.

* * *

Nhân tiện đi công tác bên Ý, tôi dắt theo vợ con để sau khi lo xong công việc cả gia đình đi du lịch một vòng châu Âu. Qua chuyến đi, tôi ghi nhận một số khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và vài nước châu Âu gia đình chúng tôi đi qua. Những khác biệt này quá thú vị nên tôi buộc phải viết xuống để cống hiến cho độc giả Viết Về Nước Mỹ với hy vọng người đọc sẽ có những nụ cười thoải mái.

Chiều ngày thứ năm 9 tháng 6 năm 2016, gia đình chúng tôi ra đến cửa Tom Bradley của phi trường LAX. Vừa bước vào cửa thì một nhân viên hãng Eva chạy tới hỏi:

"Quí vị bay hãng Eva?"

Em này hỏi lộn người rồi. Tôi là người Việt nam tẩy chay ba tàu từ rất lâu. Tuy chưa về lại VN lần nào từ khi sang Mỹ đoàn tụ gia đình cách đây 25 năm, tôi vẫn tự nhủ là nếu trong tương lai tôi có về VN thì đây là 3 lựa chọn của tôi: nếu có tiền thì đi hãng United Airlines của Mỹ; nếu có thời gian thì đi hãng Nippon Airway của Nhật (hãng này rẻ hơn United Airlines nhưng phải dừng hai ba lần rất tốn thời gian); nếu có can đảm thì đi hãng Vietnam Airlines (vì không biết các con rồng cháu tiên có bảo trì máy bay tốt không). Nhất định là tôi sẽ không bỏ tiền ra đi các hãng của tàu (dù là tàu Đài loan, Hồng kông hay TQ). Làm sao tôi có thể xài tiền cho những kẻ luôn chèn ép và rình rập muốn cướp mảnh đất hình chữ S thân yêu của dân tộc tôi.

Em nhân viên Eva air đâu biết là vào tháng giêng năm 2005, sau khi tổ chức cuộc biểu tình trước sứ quán TQ tại Los Angeles để phản đối TQ bắn chết 8 ngư dân Thanh hóa, tôi ra tiệm Circuit City mua cái bàn để TV. Khi vào tiệm, người bán hàng giới thiệu cho tôi hai lựa chọn: một làm tại TQ giá là $150; một làm tại Nhật giá là $450. Tôi nói với nhân viên bán hàng người Mỹ tôi chọn cái làm tại Nhật. Người nhân viên bán hàng có vẻ ngạc nhiên về lựa chọn của tôi. Tôi nói với anh ta là tôi đang còn giận điên người vụ TQ bắn giết đồng bào tôi cho nên tôi tẩy chay bất cứ thứ gì làm tại TQ. Sau khi nghe tôi giải thích, anh nhân viên bán hàng ủng hộ quyết định của tôi.

Trở lại chuyến đi du châu Âu. Vừa sau khi trả lời "Không" với em nhân viên Eva Air thì chúng tôi thấy một nhân viên của hãng Lufthansa bước tới. Thế là gia đình chúng tôi theo cô vào hàng gởi hành lý.

"Ồ, quí vị sẽ bay đến Munich sau đó bay qua Genoa bên Ý"- cô nhân viên cho chúng tôi biết sau khi coi lại máy tính

Gởi hành lý xong, chúng tôi xếp hàng để đi qua trạm kiểm soát an ninh. Máy bay sẽ cất cánh trong vòng 1 tiếng mà cái hàng thì dài vô tận. Bà xã nóng lòng hỏi anh nhân viên an ninh:

"Anh nghĩ bao lâu thì chúng tôi mới qua được cái ải nảy"

"Tôi đoán khoảng 1 tiếng rưỡi"

"Vậy là chúng tôi sẽ trễ chuyến bảy"- bà xã nóng ruột

"Đừng lo"- anh nhân viên trấn an- "nếu gần đến giờ bay mà quí vị còn kẹt trong hàng này, chúng tôi sẽ cho đi lên trước hàng cho kịp chuyến bay"

Cũng may mà hàng di chuyển nhanh, qua được trạm kiểm tra an ninh trước khi máy bay cất cánh khoảng 10 phút. Qua trạm kiểm soát chúng tôi mới biết là cửa để lên máy bay của hãng Lufthansa ở tận cuối phi trường. Thế là tay trái tôi bế thằng Ken, tay phải tôi kéo con Kim, trên lưng là cái túi khá nặng, cắm đầu cắm cổ chạy về phía cuối phi trường. Bà xã cũng cắm đầu chạy thục mạng bên cạnh. Khi còn cách cửa ra máy bay vài chục mét, tôi thôi chạy vì nghĩ là có đủ thời gian. Vừa lúc ấy, bà xã lên:

"Ối, anh ơi! Thiếu mất một cái hộ chiếu! Chắc em đánh rơi tại trạm kiểm soát an ninh"

Nghe mụ vơ thông báo mà tôi như chết trân. Máy bay sẽ cất cánh trong vòng 5 phút. Bây giờ mà chạy ngược ra không biết có kịp không. Đang định... quẳng thằng Ken xuống để chạy đi kiếm cái hộ chiếu thì mụ vợ lại la lên:

"Ối, anh ơi! Kiếm thấy hộ chiếu rồi"

Tôi nói với mụ vợ:

"Nếu em mà ối thêm một lần nữa thì chắc anh đứng tim mà chết quá"

Cuối cùng thì chúng tôi cũng vào trong được cầu thang dẫn lên máy bay và còn đủ thời gian cho tôi chụp một tấm hình hai đứa con trước khi vào trong lòng máy bay.

Thấy chiếc máy bay nhỏ hơn B747, tôi quay qua bà xã:

"Sao bay lien lục địa mà máy bay nhỏ quá mà lại không phải Boeing 747?"

"Chắc không đủ hành khách để bay Boeing 747"- bà xã đoán già đoán non.

Vừa lúc đó, tôi nhận ra cái dòng chữ "A340". À, thì ra Lufthansa là hãng Đức, nước đứng đầu liên Âu, cho nên họ xử dụng máy bay của hãng Airbus do châu Âu sản xuất chứ không xử dụng Boeing của Mỹ. Không biết đến ngày nào người Việt Nam mới có thể tự sản xuất những sản phẩm cao cấp.

Cách đây vài năm, tôi mua được một đống đồ chơi của hãng Tosy do người Việt nam ở Hà nội làm chủ để làm quà Giáng sinh cho đám con cháu trong nhà. Tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó sẽ mua được các sản phẩm công nghệ cao như phone hay tablet do Vietnam mình sản xuất 100%.

blank
Bé Kim xem phim trên hệ thống IFE của Lufthansa.

Đang mơ mộng viển vông thì bé Kim kéo tôi về với thực tế khi chúng tôi ngồi vào ghế:

"Phải daddy viết phần mềm cho mấy cái máy IFE này khi daddy làm cho hãng Thales không?"

IFE là hệ thống giải trí trong các chuyến bay đường dài. Mấy cái máy vi tính nhỏ có phim, TV, nhạc, games nơi hành khách ngồi chính là hệ thống IFE

"Không, hãng Lufthansa không phải là khách hàng của Thales"- tôi trả lời Kim.

Trong thị trường IFE, hai hãng lớn là Panasonic của Nhật và Thales của Pháp. Panasonic,ở Lake Forest, chiếm khoảng 65% thị phần trong khi Thales, ở Irvine, chiếm khoảng 17%. Hầu hết các hãng máy bay lớn là khách hàng của Panasonic. Khách hàng của Thales có American Airline, Qatar, Vietnam airline. Quí vị nào đi hàng American Airline hay Vietnam Airline mà thấy phần mềm tham khảo ý kiến(survey) thì nhớ là tôi viết cái phần mềm này từ đầu đến đuôi.

Khi nghe tôi nói là Lufthansa không phải là khách hàng của Thales, Kim hơi thất vong. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản Kim thưởng thức cái IFE của Lufthansa do Panasonic làm.

Máy bay vừa cất cánh được 15 phút thì chiêu đãi viên phát cho mỗi người một cái khăn giấy ướt. Tôi nhớ khi bay các hãng hàng không của Mỹ đâu có được phát giấy lau tay ướt đâu. Sau khi lau tay xong thì chiêu đãi viên phát cho mọi người một bịch đồ ăn chơi; riêng trẻ con như Kim và Ken thì còn được phát cho bộ bài hay trí uẩn(tangram), cả hai thứ này đều làm bên Đức chứ không phải China.

Vừa ăn xong bịch pretzel thì các chiêu đãi viên lại phát cho hành khách mỗi người một cái khăn giấy vừa ướt vừa nóng để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Sau khi phát thức ăn, các chiêu đãi viên cầm hai chai rượu, một trắng, một đỏ, đi mời hành khách. Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm khi được hãng gởi đi công tác trong khoang business cũng được uống rượu miễn phí. Tuy nhiên, hành khách trong khoang economy hay coach muốn uống rượu phải trả $5 một ly. Tuy nhiên, hãng Lufthansa cho hành khách, dù khoang nào cũng vậy, được uống rượu miễn phí và không giới hạn.

Sau 12 giờ bay, máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Munich, Đức quốc. Phi công hạ cánh hơi gấp làm tôi hơi chóng mặt và buồn nôn. Không biết tiêu chuẩn tuyển lựa phi công bên châu Âu thế nào nhưng hầu hết các phi công dân sự, nhất là các chuyến bay liên lục địa, của Mỹ đều xuất thân là các phi công quân sự. Sau khi giải ngũ, các "giặc lái" Mỹ qua lái máy bay dân sự. Sở dĩ tôi biết điều này là vì hồi mới qua Mỹ tôi có tìm hiểu để xem có thể thực hiện ước mơ làm phi công từ thời niên thiếu của mình. Vì tiêu chuẩn làm phi công quân sự quá khó cho nên tôi đành vĩnh biệt ước mơ làm phi công.

Lão manager cũ của tôi thời chiến tranh lạnh là "giặc lái" B52. Lão kể rằng hồi thập niên 1980, hàng ngày lão lái B52 bay vòng vòng gần biên giới Liên xô khỏang 8-10 tiếng để nếu chiến tranh xảy ra thì phi đội B52 sẽ bỏ bom hạt nhân đánh phủ đầu Liên xô. Khi không bay trên trời thì lão và đồng đội ăn và ngủ trong doanh trại ngay cạnh máy bay của mình để lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng bay.

Tôi hỏi lão sao không bay máy bay dân sự sau khi giải ngũ mà lại đi làm hãng thì lão nói là sau khi lái B52 rồi thì lão không còn hứng thú lái bất cứ máy bay nào khác. Không biết tay phi công lái chúng tôi hôm nay có nhiều kinh nghiệm không nhưng hạ cánh không êm.

Vừa ra khỏi máy bay là chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh. Nhân viên hải quan Đức hơi lạnh lùng. Sau khi xem xét rất kỹ, anh ta đóng mộc vào hộ chiếu cho chúng tôi. Lấy hộ chiếu, chúng tôi phải đi bộ khá xa để đến cổng số 62 để đón xe bus đi tiếp đến máy bay chuyển tiếp. Trong lúc ngồi chờxe bus, tôi nhận thấy một cái máy pha cà phê miễn phí cho mọi người. Tôi chưa bao giờ thấy phi trường nào bên Mỹ cho khách uống cà phê miễn phí bao giờ. Với bản chất mê của "chùa", tôi làm ngay một ly capuchino nóng hổi cho tỉnh táo. Vừa uống hết ly capuchino thì xe bus chạy đến đón chúng tôi lên máy bay chuyển tiếp.

Sau gần một giờ bay thì phi trường Genoa hiện ra trước mắt. Vừa ra khỏi máy bay, trong lúc đứng chờ lấy hành lý, tôi thấy hai anh lính Ý mặc đồ rằn ri đeo hai khẩu súng máy M16 đi tuần tiễu trong phi trường. Tôi quay qua bà xã:

"Không biết có khủng bố không đây mà sao thấy lính tráng vác súng máy thấy ghê quá"

"Có lính vác súng máy như vầy mới an toàn"- bà xã trả lời- " Thấy lính tráng với súng to thế này thì tụi khủng bố nào dám ra tay?"

Cũng là hai cách suy nghĩ khác nhau. Sau khi ngắm các chiến sĩ rằn ri với mũ bê rê trên đầu, bà xã ra lệnh cho tôi:

"Lấy máy chụp cho em vài tấm với mấy anh chiến sĩ Ý!"

"Thôi đi nữ tướng- tôi can mụ vợ- để cho người ta thi hành nhiệm vụ. Lỡ vì đang chụp hình với mình mà tụi khủng bố lợi dung thời cơ ra tay thì sao? "

Nghe tôi nói có lý nên nữ tướng nhà tôi tha cho mấy anh lính người Ý oai hung rất đẹp trai kia.

Khác với bên Đức, sau khi lấy hành lý xong chúng tôi đi tới trạm hải quan để làm thủ tục nhập cảnh nhưng chẳng thấy nhân viên hải quan đâu cả. Thế là chúng tôi vào Ý mà chẳng cần trình hộ chiếu gì cả.

Xe van của Best Western chở chúng tôi về khách sạn cách phi trường khoảng 5 phút. Người tài xế tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi tip cho ông ta 5 euro. Lúc đó tôi mới nhớ là hình như bên châu Âu người ta không cho tip như bên Mỹ. Dù khách sạn Best Western là của Mỹ nhưng mọi thứ trong khách sạn đều đậm chất Ý. Cầu tiêu trong khách sạn hình vuông chứ không phải là hình trái soan như bên Mỹ. Các đồng hồ trong khách sạn chỉ giờ quân đội: thay vì 4:00 p.m như bên Mỹ thì bên Ý đồng hồ chỉ 16:00.

Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi ra trạm xe lửa ngay trước cửa khách sạn để đi xuống downtown kiếm nhà hàng ăn tối. Xe lửa bên Ý không có bảng báo hiệu cho hành khách biết trạm kế tiếp là gì như xe lửa và xe bus bên Mỹ. Họ thông báo trạm kế tiếp qua loa phóng thanh rất khó nghe. Vì sợ xuống lộn trạm, tôi quay qua hỏi một người Ý bên cạnh. Tôi hỏi bằng tiếng Anh và ông ta trả lời một tràng dài bằng tiếng Ý.

Theo lối nói bây giờ là nếu tôi hiểu là chết liền. May quá, mụ vợngồi phía sau nghe lóm cuộc "đối thoại" của tôi và ông người Ý liền trấn an tôi khi thấy mặt tôi như người bị bệnh khờ vì không hiểu ông người Ý nói gì:

"Ông ta nói trạm mình muốn xuống là sau trạm tới."

"Sao em hiểu?"-tôi từ bệnh khờ vì không hiều ông người Ý chuyển sang bệnh dại vì sự thông thái tiếng Ý quá sức tưởng tượng của mụ vợ.

Thì ra tiếng Ý và tiếng Tây ban nha gần giống nhau. Mụ vợ có học vài lớp tiếng Tây ban nha thời trung học và đại học cho nên bây giờ có dịp đem ra xử dụng. Thế là cả nhà mừng rỡ vì từ đây mụ vợ sẽ là thông ngôn cho cả gia đình và không còn sợ bị lạc. Mụ vợ vênh váo:

"Vậy thì ở Ý và Tây ban nha trong chuyến đi này, em sẽ lo vấn đề ngôn ngữ. Còn khi qua Marseille bên Pháp thì anh lo làm thông dịch viên nhé".

Tôi có học hai lớp tiếng Pháp khi học ở Rio Hondo college lúc mới qua Mỹ. Vì đã gần 25 năm về trước, cho nên tôi chỉ còn nhớ vài câu tiếng Pháp chỉ đủ để...cua gái như "Em đẹp quá", "Anh ngưỡng mộ em", "Em khỏe không". Còn hỏi đường đi thì chắc phải dùng động từ chân tay.

Dù không biết có bị bợp tai vì nói sai chỗ khi qua Pháp hay không, nhưng khi được mụ vợ tin tưởng giao cho trọng trách làm thông ngôn tiếng Pháp và nhìn ánh mắt hai đứa con có vẻ rất ngưỡng mộ tiếng Pháp của ba tụi nó, tôi cảm thấy vui vui vì gia đình mình líu lo đủ thứ ngôn ngữ: bà xã biết tiếng Ý và Tây ban nha; tôi biết chút tiếng Pháp; cả nhà đều nói tiếng Việt, tiếng Anh mỗi ngày và tiếng... Đan Mạch (thỉnh thoảng cho vui nhà vui cửa).

Chúng tôi xuống đến trung tâm thành phố nằm sát cạnh bờ biển Địa trung hải vào khoảng 7 giờ tối. Bụng đói cồn cào nhưng không tìm ra được nhà hàng nào mở cửa cho khách. Khác với bên Mỹ (mọi người được khuyến khích ăn tối vào lúc 6 giờ chiều), người Ý ăn tối sau 8 giờ. Thế là chúng tôi phải chờ khoảng một tiếng.

Đúng 8 giờ, các nhà hàng bắt đầu mở cửa. Dù có rất nhiều nhà hàng, chẳng nơi nào cho chúng tôi vào vì chúng tôi không gọi phone đặt chỗ trước. Vì là tối thứ 6, dân Ý ra đây đi chơi và ăn uống chật hết các nhà hàng. Đang định băng qua bên kia đường để mua fast food thì may quá, ông manager của một nhà hàng động lòng trắc ẩn khi thấy hai đứa con mặt mày nhăn nhó vì đói bụng. Ông kêu nhân viên kê thêm bàn ngoài sân phía bên hông nhà hàng và cho chúng tôi vào.

Tôi gọi món pizza để xem pizza của Ý thế nào. Phần nước uống thì tôi chỉ gọi nước(water). Cô tiếp viên hỏi tôi uống nước có gas(carbonated water, bên VN gọi là soda) hay không có gas(still water). Tôi đế ý thấy là dân châu Âu họ rất thích uống nước lã có gas. Trên máy bay của Lufthansa, các chiêu đãi viên cũng hỏi câu này. Trong khách sạn Best Western, họ cũng cho chúng tôi hai chai nước có gas miễn phí.

Phải nói rằng pizza bên Ý không ngon bằng pizza bên Mỹ. Pizza Ý nó mặn và ít hương vị hơn pizza bên Mỹ. Pizza ở New York mà gia đình tôi thưởng thức vào năm 2010 là ngon nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. Có thể người Ý họ lại chê pizza Mỹ là lai căng, không nguyên thủy như pizza Ý. Lúc tính tiền, chúng tôi thấy có một số tiền không đúng với các món mà mình gọi. Mụ vợ, thông ngôn của gia đình, hỏi cô tiếp viên có phải đó là tiền tip hay không.

"Không!- cô tiếp viên giải thích- đó là tiền chi phí giặt khăn trải bàn cũng như để rửa ly chén"

Cái chi phí giặt dũ này bên Mỹ không thấy có. Đây cũng là điều mới lạ với chúng tôi. Không biết đây là văn hóa Ý hay chỉ có nhà hàng này thu cái chi phí giặt dũ.

Trả tiền xong, chúng tôi phải nhờ cô nhân viên gọi taxi cho chúng tôi về lại khách sạn vì sau 10 giờ đêm xe lửa ngừng chạy. Leo lên taxi, chưa kịp thắt dây an toàn là ông tài xế đã đạp ga phóng xe nhanh như xe đua. Chính lão tài xế cũng không thắt dây an toàn. Có lẽ bên Ý không có luật bắt buộc xử dụng dây an toàn. Lão tài xế taxi lái xe lạng lách rất nguy hiểm. Tôi nhắc nhở mọi người trong gia đình thắt dây an toàn. Mụ vợ thông ngôn, vì muốn thêm thông thái, cho nên bắt chuyện bằng tiếng Ý với lão tài xế. Lão tài xế rất ngạc nhiên khi thấy một người á Châu biết bập bẹ tiếng Ý. Cuộc đối thoại "máu" đến nỗi nhiều khi lão tài xế quay qua phía bà xã mà không thèm nhìn đường xá phía trước. Trước nguy cơ cả gia đình phải bỏ xác lại đất Ý, tôi nói khẽ bằng tiếng Việt với mụ vợ:

"Em ơi, để lúc khác giao tiếp cho cha nội tài xế tập trung lái xe".

Vì an toàn và tương lai của hai đứa con nhỏ, mụ vợ đành phải ngưng cuộc giao lưu thú vị với lão tài xế taxi.

Sáng thứ bảy, chúng tôi lên du thuyền của hãng MSC để bắt đầu chuyến du hành qua bốn nước Ý, Malta, Tây ban nha và Pháp. Khu vực hồ bơi phía cuối thuyền đầy du khách. Tôi quan sát thấy sự khác biệt rất giữa đàn ông châu Âu và đàn ông Mỹ là khi đi bơi, đàn ông châu Âu mặc quần bơi ngắn và bó sát người trong khi đàn ông Mỹ thì mặc quần bơi rộng vài dài gần tới đầu gối.

Du thuyền rời bến cảng Genoa vào lúc 17:30 để trực chỉ thành phố Rôma. Đến 19:00 thì chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng trên tầng 6 du thuyền. Tất cả đồ ăn thức uống của chúng tôi đã được trả trong gói du lịch nên vào nhà hàng muốn ăn uống món gì cũng không phải trả thêm tiền. Anh phục vụ bàn chúng tôi là một người đến từ Nam dương. Các nhân viên phục vụ các bàn khác đến từ khắp nơi trên thế giới như Phi luật tân, Sri lanka, Ba tây, Pê ru...tôi tự hỏi sao không thấy ai đến từ Việt nam.

Tôi nghĩ đi làm trên các du thuyền như vầy, tuy cũng cực khổ, chắc chắn đỡ tủi nhục hơn là đi làm ôsin bên Đài loan hay TQ. Có lẽ các tay môi giới lao động ở VN cũng biết điều này nhưng môi giới làm ô sin chắc có lời hơn vì dễ bóc lột; còn môi giới cho du thuyền Âu Mỹ thì dù có lợi cho người lao động hơn nhưng đám môi giới không ăn chặn được lương của người lao động. Nghĩ mà buồn cho đồng bào của tôi.

Vì sáng Chúa nhật phải thức dậy sớm, sau bữa tối, chúng tôi về phòng ngủ thay vì đi coi văn nghệ trong rạp hát trên tầng 7.

Du thuyền cập bến gần Rôma vào khoảng 6:30. Chúng tôi lên nhà hàng buffet trên tầng 14, ăn vội bữa sáng để còn kịp lên xe bus đi du hành thành phố Rôma. Từ bến cảng nơi du thuyền thả neo, xe bus phải tốn hết 90 phút để vào đến thành phố Rôma. Xe mới chạy được nửa đường thì trời đổ mưa nặng hạt. Rất may là khi xe vào tới ven thành phố Rôma thì trời tạnh mưa. Nơi đầu tiên xe thả chúng tôi xuống là đấu trường Colloseum. Muốn vào bên trong đấu trường du khách phải xếp hàng it nhất 90 phút sau khi mua vé. Phải công nhận sự vĩ đại của đấu trường Colloseum nơi mà các vị hoàng đế La mã đã dùng làm thú tiêu khiển cách đây cả ngàn năm. Khi rời đấu trường để ra xe, hướng dẫn viên du lịch nhắc phái đoàn chúng tôi phải cẩn thận trước nạn móc túi. Vừa được nhắc nhở xong thì chúng tôi thấy cảnh sát đang còng tay hai tên móc túi phía trước mắt. Tôi hơi bất ngờ và buồn cho một nơi nhiều lịch sử như Colloseum lại bị dịch móc túi làm hoen ố.

blank
Quảng trường Phê Ro.

Phái đoàn chúng tôi lên xe để còn kịp đến quảng trường thánh Phê rô tham dự thánh lễ Chúa nhật do Đức giáo hoàng chủ tế. Chúng tôi vào đến phía ngoài quảng trường thánh Phê rô khoảng 25 phút trước khi thánh lễ bắt đầu. Hướng dẫn viên du lịch dắt chúng tôi vào tiệm bán đồ lưu niệm và cho cho chúng tôi 20 phút để mua sắm.

Chúng tôi mua vài cỗ tràng hạt vừa làm quà cho người thân vừa mua cho chính bản thân mình xử dụng. Vừa trả tiền xong, bước ra ngoài thì chúng tôi gặp mấy người bán hàng rong, đeo cái khay hàng trên cổ giống như mấy người bán mía ghim tại phà Cần thơ hay Mỹ thuận ở VN trước kia. Dĩ nhiên là tràng hạt do những người bán hàng rong này giá rẻ hơn trong tiệm. Thế là bà xã lại mua thêm một mớ tràng hạt vì ham giá rẻ. Mua xong tràng hạt là tới giờ thánh lễ. Chúng tôi phải đi qua máy an ninh giống tại các phi trường để vào phía trong quảng trường.

Khi thánh lễ kết thúc, chúng tôi chỉ còn khỏang 20 phút trước khi phải ra xe bus tiếp tục chuyến du hành cùng với phái đòan. Chúng tôi vội vã chạy ra ngòai quảng trường để mua thức ăn. Trong lúc mụ vợ xếp hàng mua thức ăn, tôi và hai đứa con đứng xem mấy quầy bán hàng lưu niệm và nhận ra rằng tràng hạt ngòai này còn rẻ hơn mấy người bán hàng rong phía bên trong quảng trường. Thế là lại tốn tiền mua thêm một mớ nữa.

Sau quảng trường thánh Phê rô, xe bus chở chúng tôi đi thăm đền Pantheon. Ngôi đền thờ này được xây vào khỏang 2000 năm về trước. Ngôi đền nổi tiếng vì cái nóc đền là một cái vòm làm từ một tảng đá khổng lồ lớn nhất trong lịch sử lòai người. Nên nhớ rằng cách đây 2000 năm làm gì có cần cẩu và máy móc; vậy mà con người khi đó có thể mang một tảng đá vĩ đại làm nóc của ngôi đền Pantheon.

Từ đền Pantheon, chúng tôi tản bộ khỏang 10 phút qua các con hẻm nhỏ để đến Piazza Navona, nơi có một vòi phun nước vĩ đại với những bức tượng rất phong cách châu Âu. Vì trời hơi oi bức, mụ vợ dẫn bé Kim đi mua kem ở một tiệm trong khu piazza này. Mụ vợ nhận xét rằng trong cuộc đời chưa bao giờ được ăn kem ngonnhư ngày hôm nay. Vì quá ấn tượng với kem trong khu Piazza Navona mà sau này khi qua các thành phố khác ở Ý mụ vợ luôn tìm các tiệm kem để so sánh.

Thành phố tiếp theo mà du thuyền chở chúng tôi tới là Palermo thuộc đảo Sicily miền tây nam nước Ý. Những ai ở Sài gòn vào giữa thập niên 1980 đều phải biết bộ phim truyền hình nổi tiếng "Con bạch tuộc" của Ý. Bộ phim này kể về cuộc đấu tranh chống mafia tại Palermo. Vì Palermo là một thành phố khá nhỏ nên gia đình chúng tôi quyết định không đi theo đòan du lịch. Thay vào đó, chúng tôi tự khám phá Palermo bằng chân. Tản bộ qua các con phố với những cửa hàng của Palermo thật thú vị. Tuy không tráng lệ và to lớn như Rôma, các công trình kiến trúc của Palermo cũng rất cổ kính và đậm phong cách Ý.

Rời đảo Sicily ở miền tây nam nước Ý, du thuyền chở chúng tôi sang đảo quốc Malta phía đông nam nước Ý. Malta là một đảo quốc nhỏ bé với 96% dân số theo đạo Công giáo. Vì khi xưa là thuộc địa của Anh, dân Malta lái xe bên tay trái. Tôi quan sát thấy các xe chạy trên đường phố ở Malta cũng là các lọai xe thường thấy ở California bên Mỹ như Ford, Toyota, Huyndai, Honda, Volvo. Chỉ có điều các xe này đều có tay lái nghịch (bên phải của xe). Vậy là các hãng xe hơi trên thế giới kh sản xuất xe, họ phải thiết kế tay lái nghịch cho những nước lái xe bên trái như Anh, Malta.

blank
City of Arts and Sciences ở Valencia.

Từ Malta, du thuyền chúng tôi chạy xuyên biển Địa trung hải hết hai ngày trời để đến Valencia thuộc Tây ban nha. Valencia là thành phố lớn thứ ba của Tây ban nha, sau thủ đô Madrid và Barcelona. Cũng như Barcelona, Valencia là một thành phố nằm trên vành đai của biển Địa trung hải. Nét đặc trưng của Valencia là sự kết hợp của cũ và mới. Ngay tại hải cảng nơi du thuyền chúng tôi cập là một quần thể các kiến trúc hiện đại City of Arts and Sciences. Trong khu quần thể này, có hải học viện với hình thù giống như một con sò to lớn với tường làm bằng kiếng trông rất đẹp mắt. Viện bảo tàng cũng như nhà văn hóa hình thù giống như một chiếc thuyền buồm to lớn hay một quả bóng bằng kiếng khổng lồ là những kiến trúc rất tân kỳ. Hầu hết các nơi chúng tôi ghé thăm ở châu Âu đều có kiến trúc Gothic giống nhau cho nên nhiều khi không phân biệt được sự khác biệt. Riêng khu quần thể City of Arts and Sciences ở Valencia cho tôi có cảm giác mình đang ở một nơi nào đó rất tân kỳ trong tương lai. Ai có du lịch Tây ban nha không thể bỏ qua nơi này.

Từ khu City of Arts and Sciences, sau 30 phút, xe bus thả chúng tôi xuống khu phố cổ nơi có nhà thờ chánh tòa Valencia. Nhà thờ Valencia, cũng giống như các nhà thờ có kiến trúc theo kiểu Gothic, rất to lớn và có các phòng nguyện hai bên hông bên trong nhà thờ. Căn nhà nguyện bên phải ngay sau khi bước vào cửa chính cuối nhà thờ khá lớn.

Tại nhà nguyện này, các linh mục có thể dâng lễ cho hơn 100 người.Ngôi nhà nguyện này có thể gọi là một ngôi nhà thờ nhỏ trong ngôi nhà thờ lớn. Phía sau bàn thờ là một bức tường bằng kiếng rất dày. Sau bức tường kiềng này là một nhà tạm cũng bằng kiếng trong đó là một chén thánh mà cách đây 2000 năm Chúa Giê su và các môn đệ dùng trong bữa tiệc ly. Đây là một trong 5 chén thánh từ bữa tiệc ly ấy mà nhân lọai còn giữ lại được cho đến hôm nay. Cứ khỏang 15 phút thì máy lại xông hương tạo ra một không khí huyền nhiệm và trang nghiêm trong nhà nguyện. Được chiêm ngưỡng chén thánh mà Chúa Giê su đã dùng cho tôi một cảm nghiệm thật khó tả: 2000 năm bỗng trở nên ngắn ngủi.

Chúng tôi rời nhà thờ chánh tòa để tản bộ qua khu chợ trung tâm thành phố gọi là Mercado Central. Trong chợ có bán đủ thứ từ thịt tươi cho đến trái cây phơi khô. Trước chuyến đi, tôi có tìm hiểu và biết được món ăn đặc sản của thành phố Valencia là paella. Chúng tôi đi kiếm một cửa tiệm bán món này để thử. Đây là món cơm xào với hải sản có màu vàng giống cà ri. Trên thế giới nơi nào có người dân nói tiếng Tây ban nha là có món paelle. Tuy nhiên, paelle ở Valencia đậc biệt là vì đây là nơi đã khai sinh ra món này.

Sau chợ trung tâm, người hướng dẫn du lịch cùng phái đoàn tản bộ qua các con hẻm của Valencia. Chúng tôi được xem các người làm quạt tay vẽ các hình ảnh rất đẹp lên các quạt tay bằng giấy. Tôi rất thích tản bộ qua các con hẻm khi đi du lịch vì nó cho tôi cái cảm giác được hít thở không khí và hòa mình vào cuộc sống của nơi mình thăm viếng. Tuy nhiên, dù cảnh trí Valencia rất đẹp, cuộc tản bộ của chúng tôi bị giảm bớt thú vị mùi hôi rất nặng làm mọi người trong đòan cứ nhìn nhau một cách nghi ngờ để điều tra xem ai là... thủ phạm. Tuy nhiên, sau khi đi qua vài nắp cống, mọi người hết nghi ngờ nhau vì biết rằng cái mùi đó là do dưới cống đưa lên.

Rời thành phố Valencia với chén thánh và những công trình kiến trúc rất cổ kính, du thuyền chở chúng tôi đến thành phố lớn thư hai của nước Pháp, Marseille. Cũng giống như các thành phố khác, vì muốn thăm nhà thờ chánh tòa Marseille, chúng tôi phải đi theo phái đòan du lịch. Lý do là vì nhà thờ chánh tòa Marseille nằm trên ngọn núi cao nhất của thành phố, không cách nào đi bộ nổi. Để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ, nhà thờ Đức Bà Marseille được xây dựng trên ngọn núi cao nhất thành phố để từ đó Đức Bà nhìn xuống và bảo vệ thành phố. Thành phố Marseille không cho phép bất cứ tòa nhà nào được xây cao hơn nhà thờ Đức Bà. Tòa nhà cao nhất của thành phố là của hãng vận chuyển hàng hải CMA CGM cũng vẫn thấp hơn nhà thờ Đức Bà một cái tháp chuông. Nếu quí vị lái xe trên freeway ở Mỹ mà thấy các xe vận tải chở các thùng có dấu hiệu CMA CGM thì đó là do hãng có tổng hành dinh tại Marseille.

Tuy quan trọng như thế, nhà thờ Đức bà lại bị tệ nạn móc túi là xấu đi hình ảnh của mình. Một người trong phái đòan bị mất cái máy ảnh làm chúng tôi phải chờ cảnh sát làm biên bản mất hết 20 phút. Xuống chân núi khỏang 16:30, hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi hai lựa chọn: về lại du thuyền để ăn tối hay xuống đi dạo bến cảng Marseille. Dù rằng đồ ăn trên thuyền, như đã kể phía trên, chúng tôi đã trả trong gói du lịch, chúng tôi quyết định không ăn trên thuyền tối đó để đi dạo trong bến cảng. Giống như bên Valencia, tôi muốn thử món đặc sản bouillabaisse của Marseille. Đây là món cá kho nổi tiếng của Marseille. Một đĩa bouillabaisse giá $30 euro (khỏang $46 USD). Tôi bị "dội" sau cái muỗng đầu tiên. Mùi vị món này khá nặng. So với cá kho tộ của VN thì thua xa. Nếu muốn ăn chỉ để cho biết thì ăn, nhưng với giá khá mắc mà vị không ngon cho lắm, tôi không dám đề nghị món này cho các bạn khi ghé thăm Marseille. Không biết vì văn hóa Marseille hay là do cái luật riêng của nhà hàng, khi chúng tôi chỉ gọi 3 món cho 4 người vì Ken còn nhỏ không ăn nhiều, anh bồi bàn không đồng ý. Anh ta nói nếu ngồi 4 ghế thì phải gọi 4 món, không được chia nhau đồ ăn. Cái vụ này bên Mỹ không thấy có.

Ần tối xong, chúng tôi dạo quanh các tiệm gần đó để mua quà lưu niệm. Trong lúc bà xã đang mua pa-tê, hoa lavender, tôi hỏi người bán hàng tiệm nào bán bánh navettes, một đậc sản nổi tiếng khác của Marseille. Cũng may là hầu hết dân Marseille biết tiếng Anh cho nên tôi không phải xử dụng cái vốn tiếng Pháp nghèo nàn của mình. May quá, không phải làm thông dịch viên già (gọi tắt là già dịch) cho gia đình như mụ vợ đã giao cho khi còn bên Ý. Nếu phải xử dụng tiếng Pháp có lẽ tôi đã lạc mất đường về khi đi săn tìm mua mấy cái bánh navettes.

blank
Tháp nghiêng Pisa.

Từ Marseille, du thuyền chở chúng tôi về lại Genoa nước Ý. Từ đây, chúng tôi thay đổi phương tiện du lịch từ du thuyền sang sang xe lửa. Vì bài viết đã dài, tôi chỉ xin kể về chuyến ghé thăm thành phố Pisa nơi có tháp nghiêng Pisa nổi tiếng.

Thành phố Pisa có lẽ là điểm du lịch tôi thích nhất trong tất cả các nơi tôi viếng thăm trong toàn bộ chuyến du lịch châu Âu vì tất cả các thứ muốn coi đều nằm trong một khu plaza rất tiện nghi. Phía ngòai cổng có rất nhiều các sạp bán hàng lưu niệm. Vì đã 13:00 khi tới nơi, chúng tôi quyết định vào tiệm McDonalds ăn trước khi vào bên trong plaza.

Ngồi phía ngoài ăn, chúng tôi không thấy được bên trong plaza có những gì vì cả khu plaza được bao bọc bời bốn bức tường rất cao. Sau khi ăn xong, chúng tôi bước qua cửa thì mới thấy trong plaza du khách rất đông. Các công trình kiến trúc gồm có nhà thờ chánh tòa, tháp nghiêng Pisa, bảo tàng đều nằm sát nhau. Du khách thay nhau chụp hình mình giả vờ đang đỡ tháp nghiêng. Thấy vậy, cả gia đình chúng tôi cũng chụp hình theo kiểu "đạp trời đội đất" này.

Tôi rủ con gái:

"Kim muốn lên tháp nghiêng để coi bên trong ra sao không?"

"Lỡ mình đang trên đó tháp đổ thỉ sao?" - Kim từ chối bằng cách hỏi ngược lại.

Vậy là tiết kiệm được $8 euro vì vé cho một người là $8 euro đẽ đi lên 6 tầng của tháp; mỗi tầng là một bảo tàng nhỏ.

Vì quá mê kem hôm ở Rôma, bà xã kéo cả nhà vào một tiệm kem trong dãy nhà hàng gần tháp nghiêng. Trong khu plaza này có một dãy các nhà hàng bán từ mì, bò bít tết cho đến pizza hay kem phục vụ khách du lịch, rất tiện lợi. Ngồi ăn kem ngòai sân lộ thiên của tiệm kem, chúng tôi ngằm các xe ngựa chở du khách lòng vòng trong plaza. Vì ăn kem và uống nước hơi nhiều, bé Kim đòi đi vệ sinh. Tôi dắt Kim qua phía hông phải nhà thờ. Vừa vào đến cửa nhà vệ sinh, tôi thấy một nhân viên ngồi bàn thu tiền du khách xử dụng nhà vệ sinh.

Tôi phải trả 80 cents cho Kim xử dụng nhà vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh ra, Kim nói là nhà vệ sinh không sạch sẽ cho lắm. Bất bình trước việc phải trả tiền mà nhà vệ sinh không sạch, dù đang cần giải quyết việc nước, tôi quyết định chờ lúc ra về sẽ ghé vào tiệm McDonalds phía ngòai cổng.

Việc gì cần đến đã đến. Sau khỏang một tiếng tham quan trong nhà thờ, nhu cầu "việc nước" đến hồi thúc bách. Thế là chúng tôi quyết định ra về. Trong lúc vợ con đi mua sắm tại các sạp bán đồ lưu niệm phía trước, tôi chạy nhanh vào tiệm McDonalds. Trước mất tôi là một hàng dài của những con người cũng cùng nhu cầu.

Khi đến lượt đám thanh niên thanh nữ tuổi mới lớn phía trước tôi, anh nhân viên canh gác phòng vệ sinh của McDonalds đòi xem receipt mua hàng.Khi biết các bạn trẻ không có receipt, anh nhân viên yêu cầu họ quay ra mua đồ ăn rồi trình receipt anh sẽ cho vô nhà vệ sinh. Người Ý coi vậy mà thực tế. Muốn…ỉa thì phải …ăn. Không ăn mà đòi đi ỉa là …phản tự nhiên. Đám thanh niên thanh nữ, với nét mặt đau khổ, kéo nhau đi ra chỗ mua đồ ăn. Các bạn bước đi với hai đầu gối khép sát vào nhau trông rất lễ phép.

Trước nỗi khổ của các bạn trẻ, tôi nhớ đến các định luật về cung và cầu tôi học trong lớp Kinh tế 101 ở đại học khi mới qua Mỹ. Lớp dạy rằng muốn cho một nền kinh tế phát triển tốt, cung và cầu phải cân bằng. Nếu cung mà lớn hơn cầu, lâu ngày sẽ dẫn đến khủng hoảng như cuộc đại khủng hoảng nước Mỹ đã phải trải qua năm 1932. Rõ ràng là cầu(cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của các bạn trẻ đã bị anh nhân viên phòng vệ sinh bóp nghẹt một cách không thương tiếc. Dã man hơn nữa, anh ta lại tăng phần cung bằng cách bắt các bạn mua đồ ăn. Tôi tin chắc là anh nhân viên đã gây khủng hoảng trầm trọng cho các bạn. Nhìn cách ăn hamburger miễn cưỡng của các bạn trẻ, tôi tin chắc là các bạn chẳng thấy ngon lành gì. Bây giờ mà có cho các bạn cao hào hải vị các bạn cũng chẳng thấy ngon vì nhu cầu nhỏ bé của các bạn chỉ là được ỉa.

Cũng may là tôi còn giữ cái receipt mua thức ăn lúc mới tới và vì thế anh nhân viên cho tôi vào nhà vệ sinh để trút bầu tâm sự. Lúc trở ra, tôi thấy anh nhân viên đang hỏi recept của hai ông bà Mỹ già. Cũng như các bạn trẻ khi nẫy, hai ông bà không có receipt. Tuy nhiên, anh nhân viên vẫn cho ông bà già vào nhà vệ sinh. Tôi cảm động trước nghĩa cử đầy tình người của anh.

Trên đường về lại Mỹ, từ Ý chúng tôi bay qua Munich miền nam nước Đức. Cũng giống lúc đi, chúng tôi phải xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Khi thấy hàng bên cạnh quá ngắn, bà xã đòi nhào vô. Tôi cản bà xã khi thấy bảng chỉ dẫn nói hàng đó dành riêng cho công dân các nước thuộc liên hiệp châu Âu.

Nghĩ tới các quan ở VN dùng các thủ tục hành chính (hành dân là chính) để làm khó Việt kiều về thăm qhê hương, tôi cảm thấy ngậm ngùi và ước mơ cái ngày mình được ưu đãi vì là công dân của một nước mà chính quyền biết thương lo cho dân sẽ gần đến.

Đúng là cầu được, ước thấy. Về đến phi trường LAX của Mỹ, khi thấy cái bảng chỉ dẫn màu đỏ với dòng chữ "US citizen only", tôi lôi ngay cả gia đình vào đó một cách hiên ngang. Niềm vui càng nhân lên gấp bội khi anh nhân viên hải quan Mỹ nở một nụ cười tươi rói khi trả lại hộ chiếu cho chúng tôi:

"Welcome home"

Chuyến đi châu Âu lần đầu tiên này cho phép tôi so sánh văn hóa và con người của nước Mỹ và vài nước châu Âu mà tôi ghé thăm. Qua chuyến đi, dù chỉ là du lịch thoáng qua, tôi vẫn cảm thấy mình quá hạnh phúc khi được sống ở Mỹ, một đất nước giàu có, tân tiến và quan trọng hơn cả là giàu lòng nhân ái nhất thế giới.

Chuyến đi này khẳng định câu nói mà tôi đã nghe người Việt tại quận Cam hay nói: trên thế giới sống ở Mỹ là số một; trong nước Mỹ, sống ở tiểu bang California là số một; mà trong tiểu bang California, sống ở quận Cam là sốt một.

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
07/12/202206:15:29
Khách
Hi! Please tell me the number of your office, I will come to you tomorrow. QGW81L223GLYAFGWXF www.yahoo.com
06/12/202207:36:51
Khách
Hi! Where are you located? I want to come to your office tomorrow. QGW81L223GLYAFGWXF www.yahoo.com
11/09/202216:58:32
Khách
Please tell me what is the name of the tool for improving memory and mental abilities. It also increases efficiency and gives strength. I just forgot what it's called, I took it from you on this site >>> https://u.to/kWxJHA >>> This remedy helped me a lot after a fashionable illness today!
26/08/202216:21:57
Khách
Two days ago I received a message that I need to pick up my prize. But I lost the email with the data to access the site. How do I restore access? >>> https://cutt.ly/uXKHR2T
28/09/201718:32:07
Khách
Từ " lập trình "hay " phần mềm " dễ hiểu cho những người Việt Không biết nhiều về tiếng Anh . Hoàng đình Minh long viết hay lắm dí dỏm súc tích viết tiếp đi nhé mong được đọc những bài tiếp theo
18/07/201700:23:20
Khách
Xin gởi một bạn đọc,

xin ghi nhận góp ý của bác. Cháu không phải là một người có chuyên môn về ngôn ngữ cho nên nếu những từ cháu dùng làm bác phiền lòng, xin bác thứ lỗi.

Tuy nhiên, cháu xin được phép không đồng ý với bác về việc bỏ tiếng Việt mà dùng tiếng Anh trong một bài viết bằng tiếng Việt. Có những bài viết trên mục VVNM này, khi các tác giả pha trộn tiếng Anh để kể về các em lớn lên tại Mỹ này, rất nhiều người phản đối chuyện pha trộn xôi đậu này.

Nếu bác có từ nào hay hơn từ "lập trình viên", "phần mềm" xin bác chỉ giáo cho cháu.
11/07/201715:12:33
Khách
Tác giả gọi vợ bằng "mụ", nghe ghê quá.
21/06/201708:24:27
Khách
Nếu tác giả viết về nghề của mình, xin đề nghị đừng dùng 'phần mềm' hay 'lập trình'. Ngay ở VN bây giờ, người ta dùng tiếng Anh khắp nơi, thí dụ như 'gam' màu, 'catwalk', 'software', 'viết program' v.v...
Dùng 'lập trình' với 'phần mềm' nghe vừa khó hiểu vừa làm cho tôi có cảm tưởng đọc sách kỹ thuật do CS dịch quá.
18/05/201704:00:52
Khách
anh Bảo,
em cũng dự định trong đầu là sẽ viết về nghề phần mềm rồi. Chỉ cần có thời gian là viết thôi. Có điều, em viết nhiều quá cho nên VB không kham nổi. Còn hai bài đã gởi cho VVNM mà VB chưa cho đăng, làm mất hứng viết. Nếu VB cho đăng hai bài đó thì em sẽ bắt tay viết về phần mềm
17/05/201723:04:04
Khách
ML viết code và viết văn đều hay. Khi nào rãnh, ML viết về cái nghề và cái nghiệp của tụi mình đi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,316,943
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.