Hôm nay,  

Xứ Người Hồn Việt

30/03/201700:00:00(Xem: 11934)

Tác giả: Chu Lynh
Bài số 5084-18-30784-vb5033017

Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đến Mỹ năm 1995 theo diện HO, cư ngụ tại Virginia từ năm 1995 đến nay. Đồng sáng lập Vietnam Film Club từ năm 2010 với cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Đã thực hiện và phát hành trên 40 DVD hoặc Video trên YouTube gồm các phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn các nhân vật lịch sử Việt Nam và ngoại quốc, trong số này có Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam, The Soul of Vietnam. Trang nhà: www.vn filmclub@org - Email: [email protected], [email protected]

Với bài "Mảnh Da Vàng" Chu Lynh đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài viết mới của ông được đăng 21 kỳ. Tiếp theo và hết.

* * *

blank
Một góc của dàn đại hợp xướng Ukraine tại Kyiv đang trình diễn tác phẩm “Ca Ngợi Tự Do” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Viết từ Ukraine

Thứ Sáu ngày 23.9.2016.

Lần thứ hai tôi đến Kyiv. Năm năm trước là để thu hình ban nhạc National Presidential Orchestra trình diễn bản Quốc Thiều Việt Nam cho phim tài liệu Hồn Việt. Lần này vừa thu hình các buổi trình diễn nhạc Việt của Kyiv Symphony Orchestra, vừa phỏng vấn một số nhân vật cột trụ trong giới âm nhạc Ukraine cho cuốn phim về nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Họ là nhạc sĩ, giáo sư âm nhạc, nhạc trưởng, nhà nghiên cứu về âm nhạc nổi tiếng của Ukraine, một đất nước vừa thoát khỏi bóng ma cộng sản sau khi Nga sô sụp đổ.

Xuống phi trường, cứ nghĩ sẽ có một người da trắng cầm bảng tên đón vợ chồng chúng tôi như lời dặn trong email, nhưng lại thấy hai bàn tay vẫy của anh Khoa và chị Ngọc Hà.

Lên taxi về thành phố, thấy khuôn mặt tài xế hao hao giống ông Putin, nhưng tướng tá rất hiền lành. Đưa tay bắt, tôi nghe anh nói Thank you, rồi không nói thêm câu nào nữa. Phần tôi vốn liếng tiếng Ukraine cũng chỉ có một tiếng Dyakuyu thay cho tiếng cám ơn. Chúng tôi nhìn nhau cười thông cảm.

Khung cảnh quen thuộc hiện ra. Đường sá và nhà cửa của thủ đô Kyiv vẫn không thay đổi mấy so với năm năm trước đây. Vẫn là những chung cư cũ kỹ, đường phố thưa thớt người. Có vẻ như phương Tây vẫn chưa hào hứng đầu tư nhiều vào Ukraine. Vì súng vẫn còn nổ dọc theo biên giới miền Đông hay vì Ukraine chưa thực sự mở tung cánh cửa cho phương Tây? Nhìn bước đi chậm rãi của người dân trên đường phố, tôi có cảm tưởng người Ukraine đang gánh trên hai vai vết thương của quá khứ và cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ.

Sau bao năm chịu đựng gông cùm cộng sản, bây giờ Ukraine ra sức phát triển tôn giáo và âm nhạc một cách có hệ thống, dù chiến tranh đang khuấy động miền Đông, hay bị mất đi phần đất quý giá Crimea. Các trường âm nhạc được vực dậy và phát triển quy mô, cùng lúc tượng Lenin trên khắp Ukraine lần lượt bị giật sập trong tiếng reo hò của dân chúng.

Chuyến đi lần trước hay lần này đạt kết qủa là nhờ sự sắp xếp chu đáo của Taras. Anh là nhạc sĩ, nhạc trưởng, giáo sư âm nhạc của Kyiv National University of Culture and Arts, phụ trách giao dịch các hợp đồng trình diễn âm nhạc và là người nói tiếng Anh khá trôi chảy trong giới âm nhạc.

Nhưng hôm nay Taras rơi vào hoàn cảnh thật thương tâm. Taras không đi đón chúng tôi, vì chiếc xe của anh nát bấy trong tai nạn cách đây một năm. Taras và ba đứa con bị thuơng nhẹ, trong khi bà vợ chịu thương tích khá nặng phải chuyển đến bệnh viện Ba Lan vì Kyiv không có đủ phương tiện chữa trị. Tình trạng Kateryna nguy kịch đến độ Taras gần như mất hết hy vọng. Anh lặp lại nhiều lần khi nói với chúng tôi là không ai có thể cứu nổi vợ anh ngoài Thiên Chúa.

Và phép lạ đã xảy ra. Kateryna thoát khỏi tử thần, nhưng phải qua mấy lần giải phẫu, và sang năm còn phải thêm một hai lần nữa. Cô là nhạc sĩ nổi tiếng về sử dụng cây đàn dân tộc Bandura, và là người trình diễn xuất sắc bản dân ca Trống Cơm và Se Chỉ Luồn Kim do anh Khoa soạn cho đàn Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng.

Khi Taras báo tin buồn, từ Hoa Kỳ anh chị em trong Vietnam Film Club cùng một số thân hữu đã kịp thời giúp gia đình anh một ít viện phí. Mối giao tình càng thêm đậm đà khi gia đình Taras biết chúng tôi trở lại Kyiv lần thứ hai.

Còn nhớ ngày tổ chức sinh nhật 80 của anh Khoa tại California năm 2013, tôi đã hối thúc anh thực hiện cuốn phim này, nhưng anh cứ chần chờ. Bốn năm sau, có lẽ anh đã hiểu ra tại sao Vietnam Film Club muốn thực hiện cuốn phim về anh.

Năm 2013, các thân hữu của anh Khoa đã thực hiện một cuốn sách đồ sộ có tựa đề Lê Văn Khoa – Một Người Việt Nam. Cuốn sách tổng hợp nhiều bài viết và hình ảnh giá trị về sự cống hiến của anh cho đất nước về các lãnh vực giáo dục thiếu nhi, tôn giáo, nhiếp ảnh và âm nhạc.

Tuy nhiên, người đọc khó có thể “nghe” âm nhạc qua văn viết. Từ nhu cầu đó, Vietnam Film Club muốn thực hiện cuốn phim như một thư viện trên không (YouTube), để nhạc của anh được nhiều người thưởng thức và những dữ kiện về âm nhạc cần được lưu giữ cho những ai quan tâm đến việc phát triển nhạc Việt.

Khi hiểu được những năm tháng còn lại của anh có thể đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi ráo riết thu thập tài liệu, gấp rút phỏng vấn những nhân vật liên quan đến sự nghiệp của anh.

*

Thứ Bảy, ngày thu hình và thu âm ban nhạc Kiyev Symphony Orchestra trình diễn các bản nhạc cho CD của anh Khoa tại studio chính đã được tân trang lại. May mắn lần này có nhạc sĩ Lê Minh Khải, trưởng nam của anh Khoa từ Thượng Hải bay qua. Anh sẽ phụ giúp anh Khoa về nhạc và giúp tôi chụp hình các buổi trình diễn.

Chuyến đi lần này của chúng tôi nhằm hỗ trợ cho cuốn phim nói về những đóng góp về nghệ thuật trên 60 năm của anh Khoa cho đất nước. Trong đó sẽ nhấn mạnh đến nỗ lực của anh khi ra hải ngoại: đem nhạc Việt đến với thế giới.

Thu âm và thu hình kéo dài đến ba ngày. Công việc khá phức tạp. Trước khi trình diễn, ban nhạc còn phải tập dợt thêm nhiều lần. Nhạc trưởng điều khiển ban nhạc, nhưng lại tuỳ thuộc sự kiểm soát của chuyên viên thu âm. Anh Khoa thỉnh thoảng trao đổi với nhạc trưởng về một sai sót nào đó. Thật đáng nể phục khi nhìn thấy kỷ luật, thiện chí, kiên nhẫn vì nghệ thuật của các nhạc sĩ. Để được một bản nhạc giao hưởng thu âm trọn vẹn là cả một khổ công của tất cả nhạc sĩ và chuyên viên.

Xen kẻ trong những ngảy này là các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các địa điểm khác nhau: Chủng viện St. Michael, Ukrainian National Philharmonic, Lysenko Boarding School, Studio của Kyiv, và tại chung cư chúng tôi trú ngụ. Các nhân vật trong giới âm nhạc được phỏng vấn gồm:

Dmytro Stepovk, Tiến sĩ về Art Science, Philosophy và Theology.

Taras Stolyar, Nhạc sĩ Bandura.

Violetta Dutchak, Tiến sĩ, Trưởng Phân Khoa Dân Nhạc của V. Stefanyk Carpathian National University.

Svyatoslava Semchuck, Nhạc sĩ độc tấu Violin của Ukrainian National Philharmonic.

Alla Kulbaba, Nhạc trưởng chính của National Opera và Kyiv Symphony Orchestra.

Irina Starodub, Giáo sư Piano của Tchaikovsky National Academy of Music.

Yuri Pogoretsky, Nhạc sĩ Cello.

Lyudmila Chychuk, Nhạc sĩ Piano, Giáo sư Nhạc Thính Phòng của Lysenko Boarding School, trường dành riêng cho thần đồng nghệ thuật.

Nội dung các cuộc phỏng vấn xoay quanh các chủ đề: Nghệ thuật hoà âm và phối khí của nhạc sĩ Lê Văn Khoa – Sử dụng cây đàn dân tộc Bandura của Ukraine để trình diễn dân ca Việt Nam – Nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa đã dùng âm nhạc để đưa hai nền văn hóa Đông Tây lại với nhau. Và sau hết là cái nhìn từ các nghệ sĩ Ukraine về nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa.

Nhạc của anh Khoa đã được trình diễn và giảng dạy tại một số trường âm nhạc Ukraine. Điều quý hơn nữa là họ đã hiểu được hoàn cảnh lịch sử của dân tộc Việt Nam, có lẽ vì hai dân tộc đều là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản.

Phỏng vấn các nghệ sĩ Ukraine mới thấy họ quý mến tư cách và cảm phục tài năng âm nhạc của anh Khoa. Cô Lyudmila thì cứ gọi anh là Bố Bố. Cô nói rằng trình diễn xong rồi mà nhạc của anh Khoa cứ lẩn quẩn trong đầu.

Tiến sĩ Violetta Dutchak, Trưởng Phân Khoa Dân Nhạc của V. Stefanyk Carpathian National University khi hay tin chúng tôi đến Kyiv, đã mua vé xe lửa từ miền Tây vượt quảng đường bảy tiếng đồng hồ để gặp anh Khoa và trả lời cuộc phỏng vấn của Vietnam Film Club. Xong công việc, bà đi ăn tối với chúng tôi rồi quay lại trạm xe lửa trở về cho kịp hôm sau đi dạy học.

Là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lâu năm, bà đưa ra nhận xét:

“Đối với tôi, những bản nhạc soạn cho đàn Bandura của Lê Văn Khoa quả là biểu tượng cho sự hội tụ của hai nền văn hoá Đông Tây, cho sự kết hợp các quốc gia lại với nhau”.

Trong lúc đi bộ trong thương xá, chúng tôi thấy có hai người đang chơi đàn Bandura. Cảnh này khiến anh Khoa kể lại câu chuyện các nhạc sĩ mù ngày xưa đã dùng tiếng đàn Bandura để kích động lòng yêu nước trong dân chúng. Ảnh hưởng của họ đã làm Stalin khiếp sợ nên tìm cách gom lại một chỗ hằng trăm nhạc sĩ mù trên toàn quốc rồi giết hết.

Nhạc trưởng Alla Kulbaba cũng đã hoãn chuyến bay đi trình diễn tại Hòa Lan để đến Studio điều khiển ban nhạc. Xong phỏng vấn, bà đi ngay ra phi trường cho kịp chuyến bay.

*

Chúng tôi dành hai ngày để ra ngoài, trước hết là đến công viên sát bờ sông gần chung cư. Đây là chỗ rất thơ mộng cho những cặp tình nhân chụp hình, với nền cảnh sau lưng là con sông phẳng lặng như giòng sông Hương Việt Nam. Chỉ thiếu con đò với tà áo dài trên sông.

Chúng tôi lên taxi đến thăm Đài Tưởng Niệm 10 triệu nạn nhân chết vì nạn đói do Stalin gây ra. Một công trình nghệ thuật độc đáo. Ngôi tháp cao ngự trên mặt phẳng rộng, từ đó du khách có thể nhìn bao quát một cảnh trí hùng vĩ. Chúng tôi đi xuống tầng hầm. Nơi đây dành cho nghi thức tưởng niệm các nạn nhân. Không gian im lặng, chỉ có những ngọn nến leo lét làm trung gian chuyển lời cầu của người sống đến người chết.

Sau đó chúng tôi viếng Viện Bảo Tàng Đệ Nhị Thế Chiến (National Museum of the History of Ukraine in the Second World War) toạ lạc trên một vị trí cao có thể thưởng ngoạn khung cảnh rộng lớn của thủ đô. Đặc biệt, tôi thấy khá nhiều người trẻ đến đây.

Trong khi mọi người say mê chụp hình, thì Lyudmila dẫn tôi vào trong Viện Bảo Tàng. Nhìn những bức hình nạn nhân Ukraine, những dụng cụ tra tấn, không thể không nghĩ đến những nạn nhân của chiến dịch đấu tố tại miền Bắc thập niên 50, càng không thể quên được mấy ngàn người bị chôn sống trong cuộc thảm sát tại Huế năm 1968. Vietnam Film Club cũng đã thực hiện Video tài liệu về hai đề tài này trên Youtube, một nơi tạm thời ghi nhớ tội ác trước khi có một viện bảo tàng được thiết lập trong tương lai.

Nếu các viện bảo tàng tại các xứ cộng sản được dựng lên để kích động hận thù nơi người xem, thì nơi đây, tôi chỉ thấy nét ngậm ngùi trên khuôn mặt du khách. Trước mắt tôi là chứng tích về những khổ đau và chịu đựng của một dân tộc. Hiểu biết tội ác trong qúa khứ để không cho nó tái diễn trong tương lai, tôi nghĩ đó là thông điệp chính của Viện Bảo Tàng.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm khu chợ trời. Đây là khu buôn bán hàng hóa bình dân của người Việt xen lẫn với những sạp hàng của người bản xứ. Cũng có người Việt lập gia đình với người bản xứ và cả nhà cùng ra đây buôn bán. Tuy nhiên vào thời điểm này hàng hoá bày ra nhiều nhưng khách mua rất thưa thớt.

Chúng tôi ghé một tiệm ăn, đúng hơn là một chỗ nhỏ hẹp để bán thức ăn. Chú quán cho biết đa số khách ăn là chủ các sạp hàng, ít khi thấy khách du lịch đến đây.

Một thanh niên Việt tâm sự. Tuy lợi tức không được bao nhiêu, nhưng anh vẫn bám nơi này, vì không có khả năng làm các công việc văn phòng, và cũng rất khó tìm ra việc. Ở đây chỉ việc đóng thuế cho chủ chợ mỗi tháng là xong, không phải đút lót cho bọn bảo kê hay công an khu vực như ở Việt Nam. Theo anh nói, thà sống qua ngày ở đây còn hơn trở về Việt Nam.


Một thanh niên khác có ý mời chúng tôi về nhà anh chơi, nhưng đành từ chối vì chúng tôi không có nhiều thì giờ. Nói chung, người Việt ở đây lo làm ăn, không có chuyện trồng cần sa, buôn lậu, buôn người, bảo kê như ở Tiệp Khắc hay Ba Lan. Sau đó, chúng tôi mời họ chụp chung vài tấm hình. Dù thế nào họ và chúng tôi là những kẻ tha hương, cầu thực hay tỵ nạn, đều chẳng biết quê nhà là đâu.

Hôm sau, Taras tổ chức đi thăm dinh cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, là nhân vật trong biến động năm 2014 bị dân chúng áp lực phải rời nhiệm sớ rồi trốn qua Nga. Trong bốn năm trị vì, ông đã chiếm khu vực rộng lớn này, nguyên trước đây là một tu viện, biến thành dinh thự riêng với những tiện nghi xa hoa. Hiện nay địa điểm này lôi cuốn rất đông khách du lịch.

Chúng tôi phải thuê một chiếc xe để có thể nhìn được các cơ sở như dinh Tổng thống, nhà khách, công viên giải trí, và nhiều kiến trúc phục vụ cho nhà lãnh đạo Viktor Yanukovych. Khu vực nằm cạnh con sông lớn với hàng rào sắt kiên cố. Có thể nói không nơi nào rộng lớn, với một môi trường thiên nhiên đẹp như khu vực này.

Trở về chung cư, chúng tôi rũ nhau ra siêu thị mua thực phẩm về nấu ăn. Không biết tiếng Ukraine nên toán người Việt này như những kẻ nhà quê ra tỉnh. Cuối cùng rồi cũng có một người đến chỉ cách sử dụng máy trả tiền. Dường như ngưởi đàn ông đã theo dõi toán người ngớ ngẩn này ngay từ đầu. Chúng tôi lại có dịp dùng chữ Dyakuyu nhiều lần để cám ơn người đàn ông tử tế.

Ra khỏi siêu thị, thấy mấy người đàn bà bán những món hàng thủ công và các loại nông sản. Họ bình thản mỉm cười như một lời mời. Không có săn đón, mời mọc, lôi kéo. Tôi tự hỏi, họ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày trong khi chỉ bày bán vài thứ lặt vặt. Như một thú vui giữa trời chăng?

Tôi thích ngắm người dân Ukraine thong thả đi bộ trên đường phố. Không có nét hấp tấp, cãi vã ồn ào. Không có nét xa hoa hay phô trương nơi các toà nhà, hay trong cách ăn mặc. Trong chung cư hay trong siêu thị, ngoài đường hay trên xe buýt, tôi không thấy cảnh chen lấn, mọi người đi lại, ăn nói từ tốn. Thời tôi đi học, đường phố Sài Gòn và hôm nay đường phố Kyiv, gần như cả hai khung trời và con người đều giống nhau.

Dường như họ bằng lòng với những gì đang có, và không phiền trách xã hội chậm phát triển. Nhìn phong cách của họ, tôi có cảm tưởng họ vẫn còn nỗi buồn quá khứ về một giai đoạn lịch sử đau thương, khiến họ phải cẩn thận hơn khi mà hiện tại chưa phải là mảnh đất bình yên.

Bỗng nhiên tôi thấy mình gần gũi với những người Ukraine này. Họ nghèo nàn, nhưng đời sống họ không bị xáo trộn và xã hội không bất ổn như Việt Nam tôi hiện nay. Đất nước họ không có đấu tố, không có cướp đoạt đất đai tài sản mỗi ngày, không có những cán bộ vung tay nhảy xổm lên đầu người dân hò hét vinh quang hay tự hào vô lối những gì mình không có.

Bước vào phòng được một lúc, thì cả gia đình Taras đến thăm chúng tôi. Có thể thấy ngay đây là một gia đình đạo đức và hạnh phúc. Hai cậu con trai đến chào từng người, trong tay là hộp chocolat làm quà cho chúng tôi. Hai cậu bé có dáng dấp như hai công tử quý phái. Đến lượt Kateryna xuất hiện. Khuôn mặt cô khác với trước đây, nhưng cô vẫn tươi tắn và tự nhiên. Cô luôn miệng cám ơn chúng tôi đã hỗ trợ gia đình cô sau tai nạn năm ngoái.

Tối thứ Năm, chúng tôi đến studio để nghe lại việc thu âm, mới thấy sự vất vả của chuyên viên thu âm. Anh Khoa ngồi bên cạnh người nghệ sĩ, cùng xem lại từng đoạn nhạc để điều chỉnh. Đây chính là giây phút người nghệ sĩ Ukraine chờ đợi cái gật đầu của người nhạc sĩ Việt Nam để cả hai hoàn tất trọn vẹn những tác phẩm nghệ thuật. Nhanh chóng, tôi cầm máy quay lên lặng lẻ thu hình.

Hai người nghệ sĩ đã vượt lên trên biên giới đất nước mình, biến âm nhạc thành một ngôn ngữ để thưởng thức, để chia sẻ, và để cảm thông. Nếu nhân loại cần một thức ăn mời gọi mọi người từ các nơi về, thì âm nhạc chính là món ăn cần thiết cho đời sống.

Trước ngày đi Ukraine, anh Khoa nói đây là chuyến đi cuối cùng. Vậy mà bây giờ ý nghĩ ấy biến mất. Taras vừa mở ra một cánh cửa mới: một buổi trình diễn âm nhạc quốc tế, trong đó dành một phần riêng để trình diễn nhạc của Lê Văn Khoa, dự trù sẽ tổ chức năm 2017 tại Ukraine. Họ cho biết chương trình tổ chức sẽ không thiếu phần diễn thuyết của anh Khoa về âm nhạc.

*

Trên đường ra phi trường, nhìn anh Khoa rồi nhìn Taras, tôi chợt thấy một điều lý thú. Con người Nam Bộ Lê Văn Khoa và con người Taras từ hai phương trời Đông Tây, cùng một đam mê âm nhạc, cùng một tâm nguyện phục vụ xã hội, đang hội tụ nơi một miền đất đầy khát vọng hòa bình.

Một sự trùng hợp khác nữa. Anh Khoa sinh năm con gà 1933, năm có 10 triệu nạn nhân Ukraine chết đói. Tôi sinh năm con gà 1945, năm có gần hai triệu người Việt chết đói. Bây giờ cả hai cùng đến đây để làm một cuốn phim không phải để hận thù qúa khứ, mà để đưa nhạc Việt cất cao trên vòm trời âm nhạc của thế giới.

Anh Khoa đã từng ước mơ:

“Tôi chỉ có niềm kiêu hãnh về dân tộc Việt và mong muốn góp một phần khiêm nhường trong việc đưa văn hóa Việt ra khỏi biên cương Việt Nam, đồng thời hy vọng được mở một cánh cửa nhỏ cho nhạc Việt tung bay. Hy vọng thế hệ tiếp nối sẽ đi xa hơn để gieo nhạc Việt vào lòng người yêu nhạc trên khắp thế giới”.

Viết từ nước Mỹ

Lâu lắm rồi tôi không xem chi tiết trên Youtube về các phim tài liệu của Vietnam Film Club, chỉ hằng ngày nhìn qua số lượng người xem của từng Video. Hôm nay tôi muốn đi một vòng.

Bỗng giật mình. Số người xem trong nước trên 80%, cao nhất so với toàn cầu. Khác xa với hai năm trước đây là Hoa Kỳ dẫn đầu. Đáng nói hơn nữa là độ tuối người xem từ 18 đến 34 vào xem nhiều nhất, thay vì người lớn tuổi như tôi nghĩ.

Phải hiểu như thế nào đây? Giới trẻ đã quay lưng lại với truyền thông nhà nước cộng sản để hướng ra bên ngoài tìm sự thật? Những hiện tượng thay đổi mới đây của người dân trong nước có xu hướng nhìn lại văn hóa của xã hội miền Nam trước năm 1975 hay hiện tượng người dân không còn sợ hãi bạo lực trấn áp của nhà cầm quyền như trước đây, tôi nghĩ tôi có thể trả lời câu hỏi của chính mình.

Thì ra những cuốn phim tài liệu của Vietnam Film Club tưởng như cần một thời gian dài cho mưa thấm đất, bây giờ đã thấy tín hiệu của kết quả. Nghĩ lại mà thấy con đường dài nhiều khó khăn của tổ chức từ ngày thành lập, và cũng vui mừng vì anh em đã không mặc cảm phải có bằng cấp chuyên nghiệp, ngân khoản tài trợ sẵn sàng mới thực hiện được. May mắn, chúng tôi đã tạo được một mạng lưới với các nhà nghiên cứu, các nhân chứng để thu thập tài liệu và được hỗ trợ các nhu cầu khác. Với chúng tôi, đối tượng của các phim tài liệu ưu tiên hướng về người dân trong nước. Họ cần thông tin thật để thay thế cho hệ thống tuyên truyền từ hơn nửa thế kỷ nay.

Thật là một nghịch lý cho nghề nghiệp khi đặt ưu tiên là đề tài và nội dung của dự án thay vì tài chánh. Liều lĩnh chăng, khi mà trước mắt bao nhiêu là nhu cầu, chưa nói đến kiến thức chuyên môn và thời giờ cần đầu tư cho các dự án. Máy móc trang bị để làm phim, tốn phí di chuyển nhiều nơi để phỏng vấn, và những nhu cầu khác suốt hành trình thực hiện. Không có một nhà tài trợ, chỉ có tự lực cánh sinh. Vậy mà như một chuyện khó tin, đến hôm nay không một ai trong Vietnam Film Club mắc phải nợ nần.

Vậy thì phải cám ơn Trời, cám ơn những người đã hỗ trợ chúng tôi bằng nhiều hình thức, về tinh thần hay phương tiện, trực tiếp hay gián tiếp, trong nước hay tại hải ngoại, người Việt Nam và cả người ngoại quốc.

Chúng tôi muốn đưa lên cao một đối tượng khác cần phải cám ơn một cách đặc biệt. Nước Mỹ. Cưu mang và hỗ trợ. Nước Mỹ. Một môi trường thuận lợi. Nước Mỹ. Những phương tiện hữu hiệu và những con người tốt bụng.

Tôi nhớ lại hai cuốn phim tiêu biểu trong hàng chục cuốn phim của Vietnam Film Club đã thực hiện: Hồn Việt và Hồn Tử Sĩ. Hai cuốn phim này có sự tương quan đến kỳ lạ. Năm 2003, tôi về thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, thu hình được 15 phút về hiện trạng của nghĩa trang, trong khi tứ phía là bộ đội canh gác hạn chế mọi thăm viếng và chụp hình bị nghiêm cấm.

Toàn nghĩa trang là một cảnh tượng hoang phế và bị phá hoại đến nát lòng người viễn xứ. Tôi đã nhìn thấy một bia mộ có sơn lá cờ vàng bị đục nát. Hình ảnh đó in vào tâm trí tôi để 10 năm sau cuốn phim Hồn Việt và 13 năm sau là phim Hồn Tử Sĩ được thực hiện về lá cờ vàng và Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà.

Có những may mắn và thuận lợi đến ngạc nhiên khi thực hiện hai cuốn phim này. Như khi chúng tôi qua Sundre, ông Roy Cummings, cựu thị trưởng Sundre ở Canada và hai nghị viên thành phố bất ngờ đến gặp chúng tôi và muốn được phỏng vấn, chỉ vì họ là những nhân vật chủ chốt cho phép treo cờ vàng trên thành phố Sundre.

Hay như ông Craig Van Hoy, người đầu tiên cắm lá cờ vàng trên đỉnh núi Everett năm 2004. Ông không yêu cầu chúng tôi đến Seattle mà tự lái xe chở ba đứa con về Portland giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn.

Có thể nào chúng tôi thực hiện được những cuốn phim tài liệu này ngay tại Việt Nam hôm nay?

Cám ơn nhiều lần Nước Mỹ, quê hương thứ hai của người Việt tỵ nạn.

Viết từ trái tim Việt

Từ lầu bảy, tôi nhìn xuống phố Shirlington chìm trong màn tuyết trắng xoá. Có lẽ đây là trận tuyết cuối cùng trên vùng thủ đô nước Mỹ. Đường phố buổi sáng chưa có một dấu chân đi qua. Mùa đông và mùa xuân như đang cùng nhau sắp xếp sinh khí mới cho những ngày xuân đang lảng vảng quanh đây.

Tôi đến sở làm hơi sớm, nên có thì giờ ngắm tuyết. Năm nào tôi cũng háo hức đón mùa tuyết, dù mưa tuyết lất phất quyến rũ hay bảo tuyết làm trở ngại lưu thông. Với tôi, nhà cửa vắng lặng dưới khung trời tuyết thường tạo nên cảm giác bình yên.

Đột nhiên hình ảnh mẹ tôi chợt hiện ra trong màn tuyết, như một tín hiệu khó hiểu đưa tôi về quá khứ của mẹ. Mẹ tôi ra đi đã năm năm, nhưng tôi cảm thấy năm năm này tôi lại gần gũi với mẹ tôi hơn hết trong đời. Có thể vì ngày mẹ mất, tôi đã không có mặt để tiễn biệt. Có thể vì mỗi đêm tôi có vài phút trò chuyện với mẹ trên bàn thờ, trên đó vẫn còn nắm đất quê hương mẹ đưa cho tôi ngày tôi rời Việt Nam qua xứ người.

Trước mắt tôi bây giờ là một bà mẹ quê như hình ảnh người mẹ trong bài hát Bà Mẹ Quê của Phạm Duy. Đôi khi tôi nghĩ tác giả đã sáng tác bài này cho chính mẹ tôi. Mẹ tôi tần tảo nuôi mấy anh em ngoài Bắc trong khi ba tôi biền biệt trong Nam. Những chuyến tôi theo mẹ vào Nam thăm ba tôi qua những con đường đầy mạo hiểm giữa hàng rào kiểm soát của Việt Minh. Những cuộc chạy loạn trong rừng giữa bom đạn và đói khát. Những ngày mẹ mòn mỏi trông ngóng ba anh em tôi trở về từ các trại tập trung. Rồi những ngày cuối đời mẹ lặng lẻ trên chiếc xe lăn nhìn vào xa xăm khi mà anh em tôi trôi dạt nơi quê người.

Nhưng trên hết những cảnh lặn lội đầy hiểm nguy hay thương tâm ấy, là một bà mẹ suốt đời sống vì đất, vì gia đình. Một đời mẹ tôi chỉ biết chồng con và làng xóm. Vậy mà bà mẹ quê, đã nuôi chúng tôi ăn học thành người, để rồi ngang dọc đời lính, và cuối cùng được sống trong một khung trời tự do.

Tôi nhìn nắm đất quê hương trên bàn thờ. Bỗng tôi giật mình. Có phải mẹ tôi đã ngầm nhắn nhủ điều gì đó khi đặt nắm đất vào tay tôi trước ngày ra đi?

Quê nhà là đâu? Là khi có mẹ bên mình. Bây giờ mẹ ở xa quá, nên quê nhà của tôi cũng xa vời vợi. Nhưng tôi vẫn thì thầm với mẹ tôi, bà mẹ quê, bà mẹ Việt Nam muôn thuở, hình ảnh đẹp nhất của quê hương và của đời tôi, hãy theo tôi những năm tháng còn lại nơi xứ người.

Virginia, ngày 5.3.2017

Chu Lynh

Ý kiến bạn đọc
31/03/201703:15:04
Khách
Viết về một người giầu lòng với đất nước, với mọi dân tộc qua hơn sáu mươi năm từ một người nặng lòng với quê hương, với dân tộc khiến độc giả không thể không mở lòng chân thành cám ơn cả người viết lẫn người được viết.
Như Thomas Edison đã nói: “Thiên tài là một phần trăm của cảm hứng và chín mươi chín phần trăm của đổ mồ hôi”. Giáo sư Lê Văn Khoa đã và đang đổ mồ hôi dành hơn nửa thế kỷ cống hiến cho mọi người nói chung, và cho lãnh vực âm nhạc nói riêng bằng cả cảm hứng lẫn thiên tài của mình.
Trân trọng nhớ ơn người.
30/03/201719:05:35
Khách
Với lời văn mạch lạc, tác giả đã thúc đẩy tui tìm hiểu thêm về nhạc sĩ Lê Văn Khoa- người mà tui chỉ biết đến qua chương trình thiếu nhi trên đài truyền hình số 9 ở Sài gòn trước năm 75. Một người yêu nước, một giáo sư tận tâm ở Việt nam trước 75 và ở nước ngoài sau 75, một nhạc trưởng nổi tiếng điều khiển ca đoàn và ban nhạc đại hòa tấu, chuyên viết hòa âm, phối khí, một nhiếp ảnh gia từng đoạt giải thưởng quốc tế. Chưa hết, ông còn có trái tim từ bi tham gia các hoạt động xã hội. Giáo sư Lê Văn Khoa thật đáng cho chúng ta vinh danh và hãnh diện.

Tác giả còn cho biết thêm về những cảnh sống ngày nay ở xứ Ukraine . Quốc gia này đã có một thời gian dài phải sống dưới gót giày xâm lược của đế quốc Liên xô.

Và cũng nhờ đọc bài viết này mà tui cũng được biết về các cuốn phim tài liệu của Vietnam Film Club.
30/03/201717:59:17
Khách
Xem ban nhạc của xứ Ukraine trình diễn bản Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa lại cảm thấy ước ao một ngày nào đó sẽ được nghe lại tiếng kèn, tiếng trống trình diễn các bản nhạc hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Hiện nay, trên mạng chỉ có thể tìm thấy bản Thề Chiến Thắng Quân Thù được trình diễn bởi ban quân nhạc trước tháng Tư năm 75 mà thôi. Nếu không, thì xem lại các video clips chiếu lại cuộc diễn binh Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Nhạc sĩ Cung Tiến