Hôm nay,  

Tôi Đi Mổ Tim

04/03/201700:00:00(Xem: 16061)

Tác giả: Nguyễn Đức Trọng
Bài số 5060-18-30760-vb7030417

Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng: Yellowstone Park.” Tháng 9-2016, ông có bài "Căn Bệnh Bỏ Quên." Bài viết mới của tác giả gồm nhiều chi tiết và thông tin quí. Dù vậy, tác giả vẫn thận trọng lưu ý bạn đọc: Bài viết chỉ nhằm chia sẻ một kinh nghiệm để đời khó mà quên, cùng góc độ nhìn từ phía người bệnh, chứ không nhằm chữa bệnh.

* * *

Ngày đi mổ, giờ hẹn là 7 giờ sáng nhưng bệnh viện yêu cầu đến sớm hai tiếng để làm thủ tục. Kết quả là phải để đồng hồ báo thức lúc 3 giờ sáng hầu có đủ thời giờ mà tập thể dục, tắm xà phòng như bác sĩ mổ yêu cầu, không sức dầu thơm, không xoa kem dưỡng da, rồi xoa "antibiotic ointment" trên môi và trong mũi trước khi rời nhà, v.v.

Nhóm bác sĩ mổ tim của bệnh viện Inova Fairfax Hospital đã viết xuống giấy, dặn dò cẩn thận mọi chuyện cũng như đưa cho một quyển cẩm nang để bệnh nhân và người nhà an tâm trong ca mổ, cũng như hiểu rõ mọi giai đoạn từ các chứng bệnh về tim, việc chữa trị, thời gian bình phục, thực đơn nên theo sau khi mổ, xác suất khỏi bệnh, xác suất tử vong, v.v.

Bệnh viện yêu cầu có ít nhất một thân nhân đi theo để có gì còn làm quyết định thay cho bệnh nhân. Phần tôi chỉ có cô hàng xóm đi theo, những bệnh nhân khác được cả ba, bốn người đi tháp tùng cho lên tinh thần. Tôi không lo lắng với kết quả vụ mổ vì đã chấp nhận, nhưng cô hàng xóm chắc chắn là lo đến mất ăn mất ngủ cả tháng qua, vì tôi từ chối không chịu đi mổ liền sau khi bác sĩ khám phá là tôi bị nghẹt 100% trên hai mạch chính (main artery) đưa máu trở về tim. Chưa kể vẫn cố đi du lịch, dù bác sĩ khuyên ở nhà. Mạch bên phải quả tim bị nghẹt làm thiếu máu cung cấp cho hai lá phổi và đó là lý do hay bị ho, sưng phổi, bị ách xì mổi khi khí hậu thay đổi, hơn xa một người bình thường. Bên trái mạch trước quả tim bị nghẹt khiến toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng.

Sau khi làm các thủ tục giấy tờ xác định tôi đúng là bệnh nhân của ca mổ tim, tôi được cho vào ngồi trong phòng chờ để y tá cân đo và hỏi đủ mọi chuyện liên quan đến sức khỏe. Các bác sĩ, y tá trong nhóm mổ lần lượt xuất hiện và đến bắt tay cùng tự giới thiệu. Bác sĩ trưởng nhóm mổ thông báo cho biết là với các hình chụp quang tuyến mới nhất, chụp hai ngày trước, cho thấy là ngoài chuyện hai mạch máu bị nghẹt, quả tim của tôi lại có một bọc trắng chứa nước khá to nằm che phía trước. Do đó trước khi làm câu dẫn cho hai mạch máu bị nghẹt, một bác sĩ tim khác sẽ phải cắt và lấy đi cái bọc trắng đó. Thời gian mất thêm cho vụ mổ có thể là 15 phút. Hỏi ra mới biết là cái bọc trắng đó là do bẩm sinh, không phải ai cũng có. Nếu không có vụ mổ tim, bác sĩ có thể chỉ châm kim vào và rút nước trong bọc ra là xong. Nay nhân ngực được mở, bác sĩ sẽ cắt bỏ cái bọc đó luôn và thử nghiệm xem có bị ung thư hay nhiễm trùng gì chăng.

Tôi chỉ nhớ đến đây với câu chuyện chờ đợi mổ vào buổi sáng, trước khi được đưa vào phòng giải phẫu. Khi mở mắt ra thì thấy cô hàng xóm đang đứng trước mặt và quơ tay qua lại hỏi tôi có biết ai đây không. Tôi tức cười quá bảo là cô chứ ai. Sau đó y tá xuất hiện cho biết là ca mổ của tôi đã xong với kết quả rất tốt, và tôi đang ở phòng hồi sinh (ICU), rồi hỏi tên tôi với ngày sinh, và có biết là tôi đang ở đâu không. Đây là họ muốn kiểm lại là trí nhớ của tôi có bị ảnh hưởng chi không với thuốc mê trong vụ mổ.

Thấy tôi trả lời rõ ràng mọi câu hỏi, họ an tâm cho tôi nước uống, đắp thêm mền ấm như tôi yêu cầu. Họ cho biết là nếu tình trạng tiến triển khả quan, tôi sẽ được chuyển ra phòng bình thường nhưng rộng hơn vào tối nay. Phòng ICU thì một y tá trông nom cho một bệnh nhân 24/24, ngoài phòng thường thì một y tá trung bình trông 6 bệnh nhân hay hơn.

Để theo dõi tình trạng bệnh nhân mới mổ, tôi sẽ phải nhịn ăn cho đến sáng mai, uống nước thì được. Vì thấy tôi đã tỉnh, không có quờ quạng chi, nên hai bàn tay của tôi được tự do, không bị buộc chặt xuống giường như vài bệnh nhân khác. Họ chỉ yêu cầu tôi nằm yên tại chỗ, cần chi thì bấm nút gọi y tá, ngay cả chuyện tiêu tiểu.

Cô hàng xóm tiếp lời cho biết là tôi được đưa vào phòng mổ lúc 7 giờ hơn chút, và đến 10 giờ 30 thì cô y tá trong phòng mổ gọi ra cho biết là ca mổ thành công, chỉ mất có tổng cộng ba tiếng rưỡi, thay vì từ 4 đến 6 tiếng như dự tính. Họ sẽ đưa tôi ra phòng ICU, sau khi đóng lại vết mổ và lau chùi sạch sẽ.

Được hỏi cảm thấy thế nào, tôi cho biết là ngực thì hơi đau nhưng không đến nổi phải la làng, chỉ có hơi khó chịu vì thấy ống cắm đầy người cùng các vết băng. Cô y tá cười và cho biết là tôi phải chịu như vậy trong những ngày ở bệnh viện chờ hồi phục. Nhưng sẽ được tháo bỏ ra từ từ trong vài ngày sắp tới.

Nhân dịp cô y tá rảnh rang và trông cô vui vẻ trả lời các câu hỏi, tôi bèn hỏi thăm về từng vết băng trên người cùng những dây ống hiện đang nối đầy người. Nhờ vậy tôi mới liên kết được việc mổ tim của tôi, cũng như ý nghĩa của chữ "open heart surgery" là thế nào.

Khi một mạch máu của tim bị nghẹt, nếu chỉ nghẹt từ 40 đến 60% thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc loảng máu và trợ tim, cùng khuyến cáo cải thiện việc ăn uống như ăn ít đi, bớt lượng thịt đỏ, dầu mở, v.v. Nếu nghẹt từ 60% đến 80%, thì khi làm soi tim thử nghiệm, bác sĩ sẽ bơm bong bóng làm thông nơi bị nghẹt và sau đó đật vào một vòng xoắn (stent) hầu giúp mạch máu nơi đó vững chắc hơn. Còn nếu mạch máu bị nghẹt từ 80% đến 100% thì phương pháp chữa trị duy nhất hiện nay được hiệp hội y khoa chấp nhận là dùng một tĩnh mạch khác trong người để câu dẫn cho máu đi vòng qua chỗ bị nghẹt (by-pass surgery).

Xin mở ngoặc ở đây để nói về một phương pháp mới làm thông mạch tim dù đã bị nghẹt 100%. Phương pháp mới này do trường đại học y khoa Boston đề xướng. Họ chuyền vào máu một loại thuốc làm mềm phần bị nghẹt. Sau đó dùng các dụng cụ thông tim đi đến nơi bị nghẹt và dùng một mũi khoan xuyên qua, rồi rút các chất dơ làm nghẹt ra khỏi mạch máu. Sau đó chỉ việc đặt vòng xoắn (stent) vào đó là xong. Một bệnh viện vùng Florida đã thử nghiệm và thành công với 6 bệnh nhân, nhưng khổ cái là phương pháp này vẫn chưa được chuẩn nhận với hội y khoa Hoa Kỳ. Mà chạy đi xuống Florida xin được làm vật thí nghiệm với phương pháp này cũng quá khó khăn cho một người ở xa, nên tôi chào thua.

Nếu nơi bị nghẹt nằm ở trên một mạch không quan trọng, ví dụ như chỉ một hoặc hai nơi ở mạch bên phải, bác sĩ giải phẩu có thế áp dụng phương pháp giải phẫu vi tiểu để câu thông mạch máu bằng nhưng dụng cụ thật nhỏ đi kèm với thâu hình. Trong trường hợp này, bác sĩ không cần cắt mở lồng ngực bệnh nhân, không cần cho tim phổi ngừng đập, mà chỉ cần soi ba hay bốn lổ nhỏ chung quanh khu vực tim bị nghẹt mà thôi. Như vậy thời gian vết mổ được lành và sức khỏe phục hồi sẽ thật nhanh.

Trường hợp của tôi vì hai nơi bị nghẹt đều năm trêm mạch chính, một bên phải và một bên trái, bác sĩ cho biết là không thể nào áp dụng giải phẩu vi tiểu được mà phải áp dụng phương pháp thông thường là họ sẽ cưa xương giữa hai lồng ngực, rồi banh ra (giống như chúng ta đội chiếc xe lên lúc thay bánh xe vậy), để có thể thấy quả tim rõ ràng. Sau đó, máu sẽ được rút hết ra cho vào một bình chứa, cùng lúc các mạch máu trong người sẽ được nối vào một cái máy "heart and lung machine" sẽ bơm một dung dịch thay thế máu và khí oxy nuôi dưỡng các bộ phận khác trong người như bộ óc, thận, gan, v.v. Còn quả tim và phổi thì được cho nằm yên để bác sĩ dùng một tỉnh mạch cắt dưới chân đem lên để câu thông qua nơi bị kẹt. Nhờ có cái máy "heart and lung machine" này, cùng việc để quả tim và phổi bất động, việc câu thông mạch máu của quả tim trở nên dễ dàng, ít có tai nạn xãy ra bất ngờ đưa đến chuyện xuất huyết, kích tim, đứt mạch máu nảo, v.v. và đưa đến tử vong. Đó là chưa kể việc gây mê đã được dùng một liều nhẹ hơn và liên tục thẳng vào máu, thay vì một lần thật nhiều khi bắt đâu mổ rôi thôi, đã khiến nhiều bệnh nhân yếu trong người đã ngủ luôn không dậy nữa. Mặc dù bác sĩ mổ cho biết xác suất tử vong là 1%, nhưng theo thống kê thì con số đó thấp hơn nhiều. Có thể còn thấp hơn một phần ngàn.

Sau khi đã làm xong việc câu dẫn mạch máu, dung dịch nước biển cùng các ống nối trên người bệnh nhân sẽ được rút ra. Máu sẽ cho chạy vào trở lại. Tim và phổi sẽ được kích thích cho đập trở lại từ từ như bình thường. Khung xương lồng ngực được cho về lại vị trí cũ, bác sĩ sẽ dùng một sợi dây kim loại để nối sát hai khung xương lại với nhau, cùng dùng một loại keo đặc biệt giữ chặt hai khung xương và kích thích xương tăng trưởng cho mau lành. Sợi dây kim loại này không có phản ứng với máy báo động nơi kiểm soát an ninh ở phi trường, vậy các bạn đừng lo nha.:-)

Nhìn vết mổ nơi ngực dài chừng 20cm, tôi thấy cũng hơi ớn, nhưng lạ là không thấy vết may hay băng lại gì hết. Cô y tá cho biết vết may nằm ở bên trong nên không tạo thành vết sẹo lớn như trước. Ngoài ra, nhờ môi trường trong bệnh viện trong sạch, vết thương không cần băng lại và như vậy sẽ mau lành hơn. Bên dưới vết mổ, tôi thấy có ba cái ống đường kính chừng 15mm đi vào trong người, cô y tá cho biết đó là ba ống hút giúp đưa ra ngoài những huyết dịch, huyết tương chảy ra từ các vết mổ, cắt vá bên trong người. Ba cái ống này thật làm phiền tôi, vì vướng chúng bệnh nhân không thể nào hít vào cho đầy phổi, hoặc thở bụng nếu muốn. Nhìn thấy ống câu thông nước tiểu, cô y tá cho biết đó là thủ tục bình thường để tránh bệnh nhân đái văng tung tóe trong phòng mổ, trong lúc ai nấy đều bận không có thời giờ lau chùi. Ống thông nước tiểu này sẽ được rút ra vào hôm sau, bệnh nhân cần uống nước cho thật nhiều để có thể đi tiểu trở lại như bình thường trong vòng 6 tiếng, vì nếu không họ sẽ gắn trở lại và uống thuốc thông tiểu thêm vài ngày nữa.

Ngày thứ nhất sau khi mổ, tôi chỉ nằm trên giường và không được ăn gì. Qua ngày thứ hai, họ bắt đầu cho ăn nhẹ, và bắt tôi phải ra ghế ngồi, cùng khuyến khích đi bộ chung quanh tầng lầu. Ngày thứ ba, họ chỉ cách leo thang lầu sao cho an toàn, và gia tăng số vòng đi bộ, cùng lúc ăn uống nhiều hơn. Chiều tối ngày thứ tư, y tá làm thủ tục cho tôi về lại nhà, sau khi giúp tôi tắm rữa và chỉ dẫn các lau chùi các vết mổ khi về nhà. Tôi phải tắm và lau chùi các vết thương mỗi ngày một lần. Các khăn lau và quần áo đều phải thay mới hàng ngày. Hôm cuối, có nhân viên thể dục (physical therapist) vào chỉ dẩn tôi cách tập thể dục giới hạn khi phải nằm trên giường.

Khi đang viết bài này, tôi đã về nhà được 6 tuần, xin viết tóm tắt để chia sẻ kinh nghiệm qua thời gian hôi phục.

Sau khi mổ tim, chắc chắn là ai cũng được khuyến cáo là cần phải theo cách ăn uống cho một quả tim tốt lành (Healthy Heart Diet), và phải uống kèm vài thứ thuốc như thuốc loảng máu (Aspirin 81mg chẳng hạn), thuốc điều hòa máu, thuốc tan mở, v.v. Sau một thời gian, tùy theo tình trạng tiến triển của bệnh nhân, các loại thuốc này được giảm hoặc bỏ hẳn.

Tuân lễ đâu tiên về nhà, chắc chắn rất là khó khăn cho bệnh nhân vì cử động chi cũng đều làm đau ngực, mặc quần áo cũng khó, làm bếp cũng không xong, khiêng vật chi nặng hơn 3 pounds cũng không cho, v.v. Cho nên việc cần người thân, hay thuê người phụ giúp, hay vào ở trong Rehab Center là điều cần thiết.

Từ tuần thứ hai trở đi là đở hơn vì đã quen dần, nhưng bệnh nhân cũng cần tránh việc khiêng nặng, các hoạt động nặng nề như cắt cỏ, làm vườn, v.v.

Sau khi mổ tim, việc tập thể dục cũng bị giới hạn, các bác sĩ tim cũng như như các chuyên viên thể dục đều khuyến cáo bệnh nhân nên đi bộ càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày từ 2 đến 3 dặm (3 đến 5km). Dĩ nhiên đi dưới trời nắng ấm thì càng tốt hơn nữa.

Đối với cá nhân tôi, việc ăn uống kiêng khem, làm việc và tập thể dục bị giới hạn cũng không có chi khó khăn. Việc duy nhất làm tôi mệt nhất là chuyện chỉ được nằm ngửa mà ngủ. Bác sĩ khuyến cáo là không nên nằm nghiêng, lý do là cần chờ cho hai khung xương sườn lành lặn trở lại. Việc trở mình, khiêng nặng có thể sẽ làm cho hai khung xương bị lệch, cần phai điều chỉnh, và làm thơi gian phục hồi lâu hơn. Mà thời gian cần thiết cho hai khung xương nối liền trở lại là từ 6 đến 12 tuần. Mỗi tối nhiều khi tôi chỉ ngủ được hai hay ba tiếng rồi thức luôn, vì nằm nhiều quá nóng lưng còn khổ hơn. Để qua thời giờ, tôi quay ra tập Thiền, hay đi bộ vòng quanh trong phòng. Thật khổ cho ai phải ngủ cùng phòng. Ngoài ra, thuốc gây mê Anesthesia đôi khi làm cho bệnh nhân cảm thấy lạnh hay nóng bất thường, ngược lại với thời tiết, và việc này có thế kéo dài từ một đến hai tháng.

Do việc khung xương sườn cần ít nhất là từ 6 đến 12 tuầm mới lành lặn, bác sĩ mổ tìm khuyên bệnh nhân không nên lái xe trong vòng 6 tuần. Mỗi khi đi đâu thì chỉ nên ngồi ở băng ghế sau. Lý do là khung xương ngực còn yếu, mà lở có tai nạn xe cộ xãy ra cái túi hơi (airbag) bung ra có thể đập mạnh vào ngực làm cho khung xương bị lệch dễ dàng.

Việc xuống cân chắc chắn là không tránh khỏi đối với những người hơi nặng cân. Nhất là khi áp dụng cách ăn theo đề nghị Healthy Heart Diet, cùng lúc uống thuốc tiêu mở. Đến nay tôi đã sụt 20 pounds, sau 6 tuần. Còn một người giám đốc trong sở của tôi đã sụt tổng cộng là 35 pounds. Ông ta đã cảm thấy khỏe hơn thật nhiều so với trước, làm việc dai sức hơn, v.v.

Chắc các bạn cũng hiếu kỳ muốn biết phí tổn của việc mổ tim này là bao nhiêu. Ba tuần sau khi về nhà, tôi nhận được bản báo cáo của hãng bảo hiểm cho biết phí tổn mà họ đã thanh toán với nhà thương là $70,000. Tôi và bạn hữu đều ngạc nhiên là sao rẻ quá. Vì so với vài người quen cũng mổ tim ở Cali, phí tổn đã gần gấp ba. Đây là không tính các chi phí đến việc soi tim trước đó. Dĩ nhiên phí tổn cho việc cấp cứu một người bị kích tim (heart attack) cần xe cứu cấp chỏ vào bệnh viện, rồi phải làm soi tim, rồi tìm một nhóm bác sĩ tim làm ca mổ khẩn cấp, tổng số tiền chắc chắn là vượt qua con số $100,000 dễ dàng. Tùy theo bảo hiểm sức khỏe mà mỗi người đã chọn, bệnh nhân đôi khi chỉ phải trả 10%, 20%, hay 50% tổng số phí tổn.

Vài dòng chia sẻ tin tức về vụ mổ tim cùng các bạn, cầu mong mọi người đều dồi dào sức khỏe, không phải trải qua một cuộc giải phẫu tim như tôi. Mà nếu có, thì cũng không có chi quá lo.

Virginia, ngày 9/12/2016

Nguyễn Đức Trọng

Ý kiến bạn đọc
08/03/201718:20:07
Khách
Xin chúc anh chóng bình phục.
07/03/201702:15:08
Khách
Chân thành cám ơn những lời chúc tốt lành của quý bạn.

Nguyễn Đức Trọng
06/03/201704:07:44
Khách
Nội dung bài viết rất đáng nên đọc. Lời văn lại mạch lạc, dễ hiểu.

Chúc tác giả mau chóng bình phục !
05/03/201717:10:22
Khách
Chúc mừng tác giả hồi phục tốt và có một "cô hàng xóm" tận tụy.
Bài viết rất hay và bổ ích
05/03/201700:38:01
Khách
Cám ơn tác giả đã chia xẻ thông tin rất hữu ích khi cần thiết .
04/03/201717:16:55
Khách
Xin cám ơn bài viết chia sẻ kinh nghiệm của tác giả. Xin chúc ông nhiều sức khỏe và bình an.
04/03/201715:28:11
Khách
Tôi ưa dùng từ cô láng giềng hơn cô hàng xóm có lẽ vì bài "Cô láng giềng" chăng? Đọc bài này bỗng nhiên thấy từ cô hàng xóm duyên dáng và yêu kiều chi lạ. Thay mặt mọi người xin cám ơn những thông tin chia sē của tác giả và cũng xin được thay mặt tác gỉa cám ơn sư giúp đỡ của cô hàng xóm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,319,186
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.