Hôm nay,  

Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu

30/01/201700:00:00(Xem: 17792)
Tác giả: Lê Nguyễn Hằng
Bài số 5032-18-30732-vb2013017

Mùng Ba Tết,  mời đọc về ba bà tuổi Dậu của Lê Nguyễn Hằng, trích từ Việt Báo Tết  Đinh Dậu 2017. Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.

***

Mẹ của Huyền sinh năm Tân Dậu 1921. Khi hai mươi bốn tuổi, Mẹ làm công việc nặng nhọc, vấp ngã khiến Huyền ra đời sớm gần hai tháng. Ngày còn bé, mỗi lần sinh nhật của Huyền, Mẹ vẫn thường nói: "Cô bé này vội bò ra sớm quá nên nhỏ xíu như cái lon sữa guigoz. Đã thế lại còn sinh đúng vào tháng ba năm Ất Dậu, lúc hằng triệu người miền Bắc chết đói đầy rẫy ngoài đường. Cầu mong cho con được tiền hung hậu kiết."

Huyền chẳng hiểu tiền hung hậu kiết là gì nhưng cũng mơ hồ đoán là số mình lúc nhỏ vất vả, lớn lên sẽ được sung sướng.

Huyền ra đời vào lúc nạn đói lên đến tột đỉnh. Cả miền Bắc không có đủ gạo ăn, mẹ Huyền một mình tần tảo buôn gánh bán bưng nuôi bốn đứa con dại trong khi chồng đi theo kháng chiến. Mặc dù Mẹ làm việc cật lực, gia đình vẫn bữa đói bữa no, riêng Huyền là con bé nhỏ nhất được ưu tiên mà phần lớn cũng chỉ được ăn cháo với muối.

Thảm họa nạn đói năm Ất Dậu xảy ra từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, nhức nhối trong ký ức của người Việt Nam. Khan hiếm gạo từ miền quê đã lan đến các thành thị và luôn cả thủ đô Hà Nội nơi Huyền sinh ra. Trong khi trời rét căm căm, thiên tai và mất mùa vì côn trùng phá hoại ở nhiều tỉnh miền Bắc gây khốn khổ cho người dân nghèo thì thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng nhau vơ vét thóc gạo để nuôi chiến tranh và làm nguyên liệu cho người Pháp nấu rượu cũng như dùng thóc đốt lò thay cho than đá. Họ lại còn bắt người dân phá ruộng ngô, lúa trồng đay, trồng lạc. Hàng chục nghìn mẫu ngô bị phá, hàng triệu tấn thóc bị thu vét.

Không có gạo, người dân đã ăn rau dại, củ chuối, vỏ cây; dân chài ăn rong biển, cá chết và người ta phải giết cả trâu bò, chó mèo lấy thịt. Không còn gì ăn thì họ đi cướp bóc hoặc ngồi chờ chết. Có làng hàng nghìn gia đình chết cả nhà, có giòng họ chỉ còn vài người sống sót.

Mẹ Huyền kể rằng nhiều khi sáng dậy mở cửa ra là thấy những thân xác gầy đét loạng choạng bước, người đi không nổi vịn vào kẻ khác. Đầu đường có người thoi thóp rên xiết bên những thây bất động. Ôi thành phố nặc mùi tử khí!

Hằng ngày xác người chết đói nằm ngổn ngang đầy đường, được chất lên xe bò đem đi hất xuống hố, tổn thất nhân mạng lên tới hàng triệu người.

Thiếu thốn đến độ từ lúc sinh ra, chẳng mấy khi Huyền được uống sữa bò. Mẹ thì lúc nào cũng vất vả buôn bán kiếm tiền, tất tả ngược xuôi lúc ban đêm để tránh máy bay của Pháp. Bích, chị lớn nhất, là người săn sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho Huyền. Không có sữa nên phải cho Huyền ăn cơm nhai. Anh Tiên kể rằng cơm gạo, thức ăn hiếm hoi đến nỗi chị Bích lúc ấy mới khoảng 8 tuổi, còn là một đứa con nít đang sức lớn nên lúc nào cũng đói và thèm ăn mà phải nhai cơm, bón cho Huyền. Trong lúc nhai cơm, anh Tiên thấy rõ rằng chị Bích thèm ăn đến độ chỉ chực nuốt miếng cơm xuống nhưng nhìn thấy Huyền, đứa em bé bỏng đang đói há miệng chờ, lại phải nhè ra đút vào miệng em. Nghe kể như vậy, Huyền thương chị đến ràn rụa nước mắt và tự hứa với mình là lớn lên sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng chị Bích suốt đời như một người mẹ thứ hai và Huyền đã thực hiện được tâm nguyện đó. Nhờ tình thương yêu của gia đình, nhất là chị Bích và những giọt nước cơm sánh đặc, Huyền đã lớn và tròn như hột mít.   

Vài năm sau ba Huyền bỏ vùng kháng chiến trở về và may mắn tìm được việc làm cho chính phủ nên đời sống tương đối dễ dàng hơn. Những ngày tháng bình yên trôi qua chẳng được bao lâu thì biến cố Hiệp Định Đình Chiến Genève 1954 xảy ra khiến cả triệu người miền Bắc bỏ xứ di cư vào Nam bằng máy bay và tàu thủy của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan... Thêm vào đó, còn có hàng trăm nghìn người tìm tự do bằng đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng.

Sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa thu năm 1954, gió heo may lành lạnh thổi những chiếc lá vàng là đà trên mặt đất khô hanh, làm tan nát lòng kẻ ly hương. Phi trường ồn ào như ong vỡ tổ, tiếng gọi nhau ơi ới, chồng tìm vợ, mẹ kiếm con, xô đẩy, chen lấn nhau. Gia đình Huyền cùng một số người khác bồng bế nhau leo lên chiếc phi cơ Dakota của Pháp. Ngồi trong máy bay nhìn xuống phi trường Gia Lâm, Hà Nội mà lòng buồn rười rượi, Huyền chưa đủ lớn để cảm được nỗi đau lòng sắp phải xa chốn mình sinh ra và lớn lên, nhưng buồn vì thấy Mẹ mấy ngày nay cứ đi ra đi vào một cách vô hồn, rồi sụt sùi quệt nước mắt gói ghém quần áo để đem theo, mỗi người một cái tay nải nhỏ, hành trang bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi chỉ có thế! Ngồi trong lòng Mẹ, thỉnh thoảng nghe tiếng nấc nhè nhẹ, Mẹ ôm chặt lấy Huyền như thể sợ Huyền cũng sẽ vuột mất khỏi tầm tay người như những gì thân yêu nhất đã phải bỏ lại. Huyền biết Mẹ đang khóc, Huyền cảm nhận được từng hơi thở run rẩy của người. Hình ảnh đó theo Huyền suốt cuộc đời. Huyền thiếp đi trong lòng Mẹ cho đến khi những tiếng nhốn nháo nổi lên trong máy bay làm bừng tỉnh.

Saigon chào đón đoàn dân di cư bằng cơn nắng vàng tươi. Saigon đẹp quá, nhộn nhịp, tấp nập với những căn nhà đồ sộ, xe cộ dập dìu, không giống một tí gì như trí tưởng tượng non nớt của Huyền đã vẽ ra. Saigon như một cô con gái nhà giàu, đẹp lộng lẫy và kiêu sa, khác hẳn với Hà Nội của Huyền, một cô bé nhu mì, dịu hiền mà duyên dáng. Mọi người trong xe đều dán mắt vào cửa kính để nhìn ra bên ngoài, chiêm ngưỡng một thành phố lạ, tưng bừng, náo nhiệt, quên mất những lo âu trong lòng về một tương lai vô định. Đa số họ là những người chưa từng vượt khỏi nơi mình sinh ra cho đến ngày hôm nay.

Từ khi vào thành phố, một luồng khí mới như đã thổi vào trong xe, những khuôn mặt ưu tư biến mất, thay vào đó là sự hân hoan, hăm hở như thể mọi người đều sẵn sàng hòa nhập vào cuộc sống mới phồn vinh, ồn ào ngoài kia, nhất là đám con nít. Huyền ngước nhìn Mẹ, thấy một nụ cười rạng rỡ và hai giọt nước mắt âm thầm lăn trên má, Mẹ ôm và hôn lên tóc Huyền. Huyền vẫn không hiểu tại sao Mẹ khóc. Người bóp tay Huyền thật chặt, nhưng Huyền không dám rút ra. Cảm giác đó Huyền vẫn còn ôm ấp trong tim cho đến bây giờ.

Cũng như những gia đình công chức khác, sau khi được chính phủ phân bổ đi khắp nơi, gia đình Huyền lại một lần nữa khăn gói đi định cư tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Suốt mấy tháng đầu, hằng đêm Mẹ ngồi dưới ánh đèn dầu tù mù dở xem những tấm hình đã nhầu nát, khóc rưng rức nhớ làng xưa, xóm cũ với bà con nội ngoại. Lâu dần bận rộn chăn đàn con chín đứa, Mẹ cũng nguôi ngoai.

Nơi đây, Huyền lớn lên, đi học, đi làm, rồi lập gia đình.  Lúc 24 tuổi, Huyền sinh đứa con thứ hai năm Kỷ Dậu 1969, đặt tên Duyên. Mẹ bảo Huyền: "Con bé Duyên ra đời lúc xẩm tối, giờ gà lên chuồng nghỉ ngơi, số nó sẽ thảnh thơi, nhàn hạ; không phải như con, sinh ra lúc tảng sáng là khi gà đi kiếm ăn, nên số con lúc nào cũng phải tay làm hàm nhai!" Huyền tự an ủi: "Có làm mà có nhai là tốt rồi mẹ ạ!"

Dù có ba đứa con và chồng làm công chức chánh ngạch, Huyền vẫn đi làm để nuôi hai đứa em của mình và hai đứa cháu của chồng theo đại học. Sự thành công trên đường học vấn của các em và cháu là một phần thưởng lớn lao cho Huyền.

Duyên sinh ra và lớn lên trong sự nuông chiều, hạnh phúc của đại gia đình. Tháng 3 năm 1975, làn sóng người hoảng loạn chạy thục mạng từ các tỉnh miền Trung vào Nam đã khiến mọi người hoang mang, mất niềm tin và đứng ngồi không yên. Trong khi bao người xôn xao, vội vã tìm đường ra khỏi Việt Nam bất chấp hiểm nguy, Liêm chồng của Huyền vì tự ái và lương tâm của một nhân viên chính phủ, quyết định ở lại mặc dù Huyền đã được sở làm thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho phép cả gia đình di tản sang Mỹ. Cái đêm định mệnh hôm ấy, khi tưởng là các con đã ngủ say, Liêm bảo vợ: "Từ nay trở đi, vợ chồng và ba đứa con ngủ chung một phòng, nếu có chết thì cả gia đình cùng chết chung." Bỗng nhiên Duyên, đứa con gái tuổi Kỷ Dậu khóc hét lên: "Ba má ơi, con sợ lắm, ba má đừng bắt con chết".  Lời cầu xin đứt ruột này làm động lòng Liêm và hai vợ chồng làm một quyết định đau lòng là bỏ nước ra đi.

Huyền còn nhớ rất rõ, chiều ngày 26 tháng 4 năm 1975, họ cho Huyền hai tiếng đồng hồ để gói ghém chỉ một kí lô hành lý cho mỗi người mang theo. Cũng như Mẹ khi xưa, Huyền thẫn thờ đi ra đi vào như một cái xác không hồn và nước mắt đầm đìa. Làm sao Huyền có thể gói gọn những gì vợ chồng Huyền làm lụng vất vả và dành dụm trong gần mười năm qua vào túi nặng 5 kí lô đây? Cả một quê hương yêu dấu còn phải bỏ lại thì sá gì những món đồ vô nghĩa kia? Huyền chỉ xếp vào túi cho mỗi người một bộ quần áo và mấy quyển album đựng hình ảnh của gia đình vì Huyền biết rằng những báu vật này không thể nào có lại được nữa, hành trang lìa bỏ đất nước thân yêu ra đi chỉ có thế!

Chẳng mấy chốc đã tới giờ hẹn, gia đình Huyền đến phi trường Tân Sơn Nhất chờ đợi trong bàng hoàng, hoảng loạn và đau đớn. Bàng hoàng, hoảng loạn vì không biết mình có may mắn thoát được cơn hồng thủy này không và nếu thoát được thì lại đứt ruột vì phải đành đoạn bỏ quê hương, xa bà con ruột thịt và bạn bè.

Phi trường thật là náo nhiệt và hỗn độn. Con nít bò lăn bò càng, chạy huỳnh huỵch đuổi nhau ầm ĩ. Người ta nằm, ngồi la liệt, người kê đầu trên vali, kẻ tựa lưng vào tường, hoặc nằm dưới đất, ai trông cũng lo lắng và mệt mỏi, bơ phờ.

Đâu đây nghe tiếng khóc lóc, thầm thì những lời bàn tán, dặn dò, nhắn nhủ. Nét ưu tư hoảng sợ lộ trên nét mặt. Bỗng có tiếng ồn ào khiến mọi người chồm dậy ngơ ngác nhìn thấy một viên cảnh sát đang rảo mắt nhìn quanh, ai nấy đều sợ sệt nhất là những công chức và thanh niên trong tuổi đi lính. Khi biết người ấy đến tìm thân nhân để chào tiễn biệt thì mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Ở phi trường suốt hai đêm một ngày trong thấp thỏm, hồi hộp, thân thể rã rời chờ được gọi tên mình. Sáu giờ sáng hôm sau, khi gia đình Huyền bước chân lên máy bay Quân Đội Hoa Kỳ chỉ kịp thấy sau lưng một xe Quân Cảnh Việt Nam trờ tới nói mấy câu gì nghe không rõ, người quân nhân Mỹ xua tay và đóng cửa máy bay lại. Lúc sau anh ta giải thích là người Quân Cảnh đòi khám xét nhưng anh ta từ chối, bảo rằng "những người này đã trèo lên bực máy bay này là đã ở trên tài sản và lãnh thổ của Hoa Kỳ". Anh đã mỉm cười nghe và thấy ánh mắt biết ơn của chúng tôi. Khi phi cơ vừa cất cánh, mọi người Việt Nam trong máy bay với cõi lòng tan nát đều khóc òa lên vì nghĩ rằng lần bỏ nước ra đi này là một chuyến đi vĩnh viễn không có ngày trở lại. Chẳng ai bảo ai, mọi người đồng loạt cất tiếng hát bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa trong nghẹn ngào cho đến khi khản tiếng.

Đây là một trong vài chuyến bay sau cùng rời Saigon hôm ấy. Nếu Duyên không khóc lóc năn nỉ thì cả nhà Huyền đã ở lại và nếu chuyện ấy xảy ra trễ một ngày thì gia đình Huyền đã không còn cơ hội để ra đi.

Sự xúc động của Mẹ ngày ấy, bây giờ Huyền đã cảm nhận được một cách trọn vẹn khi hiện tại, chính Huyền cũng là một người mẹ phải bỏ nước ra đi vào ngày đau buồn 30 tháng 4. Lịch sử là một sự lập lại như ai đó đã từng nói, Huyền bây giờ là hình ảnh của Mẹ "năm 54".

Một khoảng cách 21 năm, hai đời người, hai không gian khác nhau,  nhưng Mẹ và Huyền, hai người đàn bà trẻ cùng sanh năm Dậu, ở tuổi 30 đã có chung một cảm xúc và một mối thương lòng phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn! Cuộc chia ly nào mà không đẫm nước mắt đớn đau!

Bây giờ Huyền đã hiểu vì sao Mẹ khóc, có những giọt nước mắt cho thương đau và có những giọt nước mắt cho hân hoan vì đã trút được bao nỗi lo lắng trong lòng.

Khi đặt chân vào trại tỵ nạn Fort Chaffee ở Arkansas giữa tháng 5 năm 1975, Huyền đã may mắn được một người Mỹ tốt bụng làm trong trại giúp tìm ra được Carol Steele, người xếp cũ ở Saigon. Ngày thứ sáu, 13 tháng sáu, được Carol và John bảo lãnh ra định cư ở tiểu bang Virginia. Vợ chồng nhà bảo trợ đã hết lòng lo cho gia đình Huyền vượt qua bước đầu bỡ ngỡ, khó khăn và họ đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của gia đình Huyền. Thỉnh thoảng hai gia đình vẫn gặp nhau làm mối thâm tình càng ngày càng keo sơn.

Ba năm sau, gia đình Huyền cùng một số bạn bè dọn từ Virginia giá lạnh về San Jose, thung lũng hoa vàng, nắng ấm của tiểu bang California. Nơi đây hai vợ chồng có việc làm tốt và ba đứa con ăn học nên người.

Thật đúng như lời Mẹ đã nói, dù Huyền đã may mắn được ông Trời và nước Mỹ cho nhiều cơ hội tiến thân nhưng lúc nào Huyền cũng cố gắng vượt bực để hoàn tất nhiệm vụ và Huyền rất hãnh diện với những thành quả đạt được trên con đường sự nghiệp của mình.

Huyền luôn cám ơn ông Trời đã cho Huyền một gia đình hạnh phúc với ba đứa con ngoan, cám ơn gia đình bảo trợ đã giúp đỡ tận tình với tất cả lòng nhân ái và cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang và cho cơ hội để gia đình Huyền trở thành những người công dân tốt.

Sau hơn ba chục năm làm việc miệt mài tận tụy trong các hãng xưởng trên đất Mỹ, hai vợ chồng đã về hưu để có thì giờ cho các con và bốn đứa cháu ngoại.

Duyên, con gà Kỷ Dậu, nhờ giống bác Bích, chị của Huyền, nên càng lớn càng đẹp mặn mà và duyên dáng. Sau khi học xong và đi làm một thời gian, Duyên lập gia đình với Sanh khiến bao nhiêu chàng trai từng đeo đuổi thất vọng. Chồng của Duyên đã cùng bốn người bạn thân, lập một công ty sản xuất những món hàng dùng cho an ninh, quốc phòng và rất thành công. Ngày có thai đứa con đầu lòng, Duyên nghỉ việc để chờ đón thành viên mới ra đời. Hai vợ chồng sống hạnh phúc với hai đứa con, một gái, một trai.  Duyên ở nhà chăm sóc chồng con và một mảnh vườn rau trái sau nhà với một cuộc sống yên ổn và nhàn hạ đúng như lời Mẹ Huyền đoán.

Khi cùng gia đình bỏ chạy qua Mỹ, Duyên chỉ mới 6 tuổi, còn quá nhỏ nên chưa cảm nhận được nỗi oan khiên của sự mất mát, chia ly. Hy vọng là trong suốt cuộc đời, Duyên không bao giờ phải trải qua những kinh nghiệm đau thương như Mẹ và Bà Ngoại.

Duyên năm nay đã 47, qua cái tuổi ba mươi mấy mà Mẹ và Bà Ngoại đã phải đứt ruột rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi. Duyên đang sống ở một quốc gia tự do, hùng cường, thịnh vượng nhất thế giới, nhưng quan trọng hơn cả, đây là một nơi mà quyền làm người được tôn trọng, một nơi an bình và đầy lòng nhân ái.

Lê Nguyễn Hằng

Ý kiến bạn đọc
10/02/201708:00:18
Khách
Ba thế hệ gà là 3 bản trường ca bi ai về lịch sử đất nước. Chúc mừng tác giả đã có một hậu kiết truyệt vời nơi đất nước HK này. Cảm ơn nước Mỹ đã đem lại mùa xuân cho hàng triệu người VN lưu vong suốt mấu chục năm trường.
02/02/201720:10:52
Khách
Người đàn bà của thời di cư 1954 và người đàn bà của thời 1975 qua 2 thập niên phải chịu đựng 2 cuộc di tản cũng không khác xa gì mấy; Một lên tàu há mồm hay những chiếc máy bay Pháp thuộc với đàn con bé bỏng, trên tay hí hửng những chiếc bánh biscuit ròn rụm; Người đàn bà kia tất tả cùng đàn con lùa lên máy bay Mỹ với những trái táo thơm ròn mọng đỏ....
Cảm ơn chị đã thể hiện những trăn trở của những người đàn bà V.N. đau thương gian khổ chỉ vì lý tưởng của chồng vì cơm áo cho đàn con yêu dấu.
02/02/201706:38:24
Khách
Đúng vậy, như nickname Bé Cưng đã nói Bài viết đầy nước mắt tình hoài hương của tác giả. Tôi cũng bùi ngùi cảm động khi đọc câu chuyện ba thế hệ cùng tuổi Con Gà của tác giả. Cám ơn tác giả thật nhiều.
01/02/201720:21:51
Khách
Chân thành cám ơn lòi khuyến khích của Bé Cưng và Nguyễn Trần.
01/02/201704:25:21
Khách
Hay ! Bài viết tuy ngắn nhưng nói lên được cái số phận nghiệt ngã của người dân Việt trải qua ba giai đoạn liên tiếp nhau của đất nước : Thời Pháp thuộc, chiến tranh Quốc- Cộng, và lưu vong.
31/01/201707:21:53
Khách
Ba thế hệ chạy giặc cộng sản, dân VNCH đi lên và thành công từ công sức của mình.
Cảm ơn bài viết đầy nước mắt hoài hương của chị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,204,512
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến