Hôm nay,  

Tháng 11 Rong Chơi

02/01/201700:00:00(Xem: 10595)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 5009-18-30709-vb2010217

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Công việc hàng ngày của tác giả là chăm sóc ông chồng sĩ quan cựu tù bị tâm thần suy nhược. Sau đây, thêm bài viết mới.

* * *

Tháng 11 tôi rời khỏi nhà theo thằng con đi chơi.

Không đi đâu xa, chỉ đi từ Riverside đến San Diego, một đoạn đường dài chừng hai giờ lái xe. Đối với nhiều người chỉ là chuyện nhỏ, nhưng đối với tôi không hề nhỏ chút nào.

Con tôi đã dặn mẹ trước và tôi đã chuẩn bị tư tưởng cả tuần nay rồi. Cháu đi lính theo tàu đi xa. Lần này tàu về nên cháu được về làm việc gần nhà. Cháu muốn rước ba mẹ về chơi và dự lễ Thanks Giving luôn. Căn nhà vợ chồng cháu mua trả góp mà tôi chưa từng đến để ở lại với con và cháu.

Tôi đã chuẩn bị cho mình như một chuyến đi xa. Bởi vì ông xã tôi rất yếu, nên tôi cần đem theo những vật dụng cần thiết cho chồng, như tã,khăn lót, sữa, thuốc men,dụng cụ xoa bóp và quần áo đủ ấm.

Chưa hết còn phải chuẩn bị thuốc men đầy đủ và một cái mền thật mỏng, thật nhẹ nhưng thật ấm cho anh ấy.

Có lẽ khi nghe tôi nói đến cái mền đa dụng này bạn sẽ cười tôi. Vì nó chính là cái mền dù bị rách một lỗ nhỏ mà mẹ chồng tôi đã vá lại bằng một miếng vải xấu xí cùng màu. Tuổi thọ của nó đã 46 năm trong tay tôi. Còn tính từ ngày nó được sản xuất và từ trong kho quân dụng trao qua chồng tôi thì tôi không biết.

Mỗi người lính đều có những quân trang, quân dụng được quân đội cấp.Cái mền dù này đã đi theo chồng tôi như vật bất ly thân, và tôi đã giữ nó bên mình dù đã qua bao nhiêu biến cố. Trong những tháng ngày sau 1975, tôi về Quảng Trị làm lao động hợp tác xã. Những đêm lạnh cóng vì cái rét tai quái miền Trung, nó đã giữ ấm cho tôi, một người sinh trưởng trong miền Nam nắng ấm, chưa bao giờ biết đến cái lạnh nơi này. Và tôi thường nghĩ về anh ấy:" Phải chi lúc trước mình gói cho anh ấy mang theo thì ở núi rừng Việt Bắc đở lạnh biết chừng nào!"

Không hiểu sao khi được về lại miền Nam, trong hành trang ít ỏi mang về, tôi lại bỏ theo cái mền dù này. Mẹ chồng tôi hỏi:"Con đem theo nó làm chi? Sài Gòn đâu có lạnh?". Tôi nhìn mẹ chồng, rưng rưng:" Con đem về để nhớ hơi hướng anh ấy".

Vâng một cái áo lính, một cái mền dù đã theo tôi về Biên Hòa, còn nữ trang tôi gửi lại mẹ chồng. Cái áo lính tôi mặc khoác đi làm, dầm mưa dãi nắng quá nhiều nó rách bươn dù tôi đã nhiều lần vá lại. Cuối cùng ngày lên máy bay đi Mỹ theo diện tị nạn, cái mền dù này cũng được tôi chọn là vật mang theo trong hành trang tị nạn của mình.

Đời sống ở Mỹ nhiều bon chen và nhiều sự chọn lựa. Tôi cũng đã mấy làn dọn nhà. đồ đạc cũng quăng bỏ đi nhiều thứ. Tôi đã cầm cái mền dù này(không bao giờ xài tới khi ở Mỹ) quăng nó vào thùng rác. Rồi tôi lại lôi nó ra cuốn tròn lại, cột bằng một sợi dây:" Nó không chiếm nhiều chỗ. Dù sao cũng là kỷ niệm." Con tôi nhìn hành động của tôi nói một câu chọc quê:'Má tính để dành làm đồ cổ hả?" Tôi mỉm cười thầm nghĩ: "Cái mền này là món đồ thật xưa đã quấn quít cặp vợ chồng son. Ngày đó, tôi lên thăm chồng đóng quân trên ngọn đồi thật cao trong vùng núi Quế Sơn. Đêm tiền đồn rét buốt của cái Tết năm xưa. Trong căn hầm trú ẩn, đào sâu dưới lòng đất, hai vợ chồng lính trẻ quên cả đất trời chỉ biết tình yêu và sum họp. Và khi hết thời gian nghỉ phép Tết tôi trở về nhiệm sở mang theo món quà của chồng. Đó là đứa con gái đã cười tôi hôm nay vì cái mền lính cũ mèm."

Tôi cũng không ngờ có ngày tôi phải dùng lại nó. Bởi vì ở Mỹ biết bao cái mền đẹp hơn, ấm hơn để sử dụng mỗi khi đông về. Thế nhưng khi chồng tôi yếu nhiều thì không cái mền nào vừa ý anh ấy. Cái nào cũng nặng đối với cơ thể như dán chặt xuống giường. Tôi thay đổi nhiều lần và nhiều loại rồi cũng chịu thua. Một ngày, tôi ra kho lấy một món đồ và tôi gặp lại cái mền lính năm xưa. Cầm nó trên tay tôi biết đây là cái mền chồng tôi sẽ không còn phàn nàn nữa. Tôi giặt sạch, gấp đôi và may kín lại. Thật là nhẹ, mềm và ấm vô cùng. Đó là cái mền đi đâu tôi cũng mang theo để đắp cho chồng.

Hai vợ chồng tôi được vợ chồng con trai sắp xếp một cái phòng rộng rãi. Có bàn làm việc cho mẹ đánh computer lọc cọc cho vui với bạn bè. Có máy lọc không khí và cả máy hơi nước cho ba thở không bị khô. Những tiện nghi nhỏ nhặt nhất để tắm hay vệ sinh cho ba nó cũng chuẩn bị đàng hoàng. Trong nhà có cháu nội mới chập chửng biết đi rộn rã tiếng cười. Chúng tôi vui lắm vì đã được biết sinh hoạt của con và sống chung với nó. Chồng tôi nhờ khí hậu Sang Diego mát mẻ, nhờ sự thương yêu săn sóc của con trai anh khỏe ra thấy rõ.

Cháu chở ba mẹ đi vào căn cứ hải quân, đi chợ và nhiều nơi trong base. Ngày Black Friday người ta đi mua đồ đông không sao kể xiết. Những món hàng ở đây bán cho lính không tính thuế nên gia đình quân nhân mặc sức mua. Tôi tìm đến khu vực bán đồ trang trí nội thất, dìu chồng vào ghế rồi bật ra cho anh nghỉ ngơi. Các con tôi đi lựa đồ. Còn tôi thì loanh quanh gần đó để vừa coi chừng chồng, vừa coi chừng cháu nội.

Tàu thằng Út được về bến đại trùng tu nên cháu được làm việc gần nhà vài tháng. Để mẹ được nhìn rõ con tàu mình chết sống với nó, cháu chở tôi lên thăm con tàu USS Boxer đang thả neo tại căn cứ ở San Diego. Ông chồng già của tôi phải ngồi chờ ngoài xe với con dâu.

Qua nhiều lần trình thẻ ID, chụp hình và nhận cái tag Visiter. Tôi leo lên 4 tầng cầu thang để bước lên con tàu vĩ đại cao như một nhà lầu 12 tầng. Lần đầu tiên đặt chân lên chiến hạm, tôi mới cảm nhận được sự gian khổ của con. Sự to lớn, vĩ đại của con tàu là phục vụ cho chiến tranh, bảo vệ lãnh hải. Còn người lính phải nép mình trong những lối đi chật hẹp, những cầu thang bằng sắt lạnh lùng thẳng đứng, chênh vênh như đi xiếc. Những cánh cửa sắt thật dày đáng sợ. Mỗi tầng tàu như những địa đạo lạc vào không biết lối ra.

Nhìn con thoăn thoắt leo cầu thang,( Rất nhiều cầu thang mà tôi phải hai tay vịn hai bên để ì ạch leo lên) trái tim người mẹ như tôi thắt lại. Các bạn đã từng đóng thuế, tiền thuế đó một phần lớn trả cho quốc phòng. Và con tôi đã hưởng từ đồng lương các bạn. Các bạn yên tâm. Người lính không hề lãng phí sức lao động quý báo đó. Cháu đã ngủ trong những chiếc giường như một áo quan, Nằm không thể thẳng chân, ngồi có thể đụng đầu. Mấy ngàn người lính vừa thủy quân lục chiến, vừa hải quân sống chen chúc trong không gian nhỏ bé, kỹ luật nghiêm minh, làm việc tối đa và sẳn sàng tác chiến Cái lớn nhất, rộng nhất là bãi đáp lên xuống dành cho máy bay chiến đấu, xe tăng, thiết giáp và súng đạn...

Con tàu mỗi lần ra khơi là từ 6 tháng đến cả năm. Mọi tin tức trên tàu hoàn toàn bí mật. Gia đình không thể biết tàu và người thân đang ở nơi nào và hành trình ra sao. Thỉnh thoảng nhận tin nhắn bình an để an lòng. Đó là người lính của thời bình còn thời chiến tôi không biết sẽ khắc nghiệt thế nào?Tất cả điều đó gợi trong đầu tôi bốn chữ "Chiến đấu và hy sinh". Người lính thiệt thòi, nhỏ nhoi và tội nghiệp biết chừng nào.

Trong tôi lại hiện lên căn hầm ngày xưa của chồng tôi trên đỉnh đồi hành quân. Rừng núi bạt ngàn, núi liền núi, đồi liền đồi, nhà dân thấp thoáng. Những căn hầm nhỏ ẩm thấp đầy súng đạn và dụng cụ truyền tin. Lô cốt trên cao, những ụ súng lẻ loi những người lính gát âm thầm. Đêm tiền đồn đèo heo gió núi lạnh thấu xương. Một chút lơ đểnh, sơ hở là mất mạng. Chiến tranh tàn nhẩn như vậy đó.

Tôi đi một vòng ngắn trên tàu mà quá mệt. Đứng trên boong nhìn xuống tôi như chạm mặt với hiểm nguy đang chờ đón con mình. Tôi thật sự sợ chiến tranh. Tôi đã không còn bình an trong quan niệm "Không sao! nước Mỹ vốn yên bình, con mình sẽ không như cha chúng đối diện với cái chết cận kề"

Bây giờ mặc dù không ra khơi, nhưng mỗi ngày con tôi vẫn mặc quân phục đi làm. Sáng 4 giờ cháu đã đi vào căn cứ và làm việc đến 3 hay 4 giờ chiều mới về nhà. Cứ 4 ngày là phải trực 1 ngày từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều ngày hôm sau mới xong nhiệm vụ. Công việc cũng khá vất vả và nặng nhọc. Hôm nào trực đêm phải thức trắng không được ngủ. Nhìn con mệt mõi, mất ngủ tôi thấy thật thương.

Nhưng thôi! Tôi phải thực tế chấp nhận "Con người đều có số. Giày dép, quấn áo còn có số thì con tôi khi đã chọn làm lính thì với số quân, loại máu ghi trên thẻ bài là định mệnh của nó."

Chúng tôi đã nợ của nước Mỹ một món nợ ân tình, bây giờ các con tôi đáp trả. Chúng đã chọn con đường binh nghiệp để dấn thân, chúng đã nối tiếp con đường đi dang dỡ của cha chúng. Làm mẹ tôi sẽ đồng hành và khuyến khích con. Hãy vững mạnh tinh thần để làm đúng tác phong và nhiệm vụ người lính.- "Người bạn của dân"-

.

Cám ơn nước Mỹ và người dân Mỹ đã cho tôi có một cuộc sống an bình. Cho tôi có cơ hội cầm lá phiếu để đi bầu. Cám ơn công sức bao người đã cho tôi được sống trong một đất nước giàu mạnh và tự do. Cám ơn những khối óc tuyệt vời đã phát minh ra biết bao công trình vĩ đại mà tôi đang thụ hưởng.

Tôi nhiều lúc lẩm cẩm nghĩ rằng" Sao mà con người đáng yêu và đáng kính phục quá" Từ một cái khui đồ hộp, một bóng đèn, một chiếc xe đạp, xe máy, xe hơi, xe lửa, máy bay. Từ một tờ giấy, một máy đánh chữ lọc cọc, computer, Ipad, Iphone. Từ những cái thô sơ mà với trí tuệ tuyệt vời. Con người đã lên mặt trăng, lên sao hỏa. Không cần có phép thần thông như Tôn Ngộ Không vẫn có thể bay lên trời, xuống lòng biển chu du khắp chốn.

Sự phát triển đó đi lên đều bắt đầu bằng việc học. Học, học và học. Học để hiểu biết. Sự hiểu biết kích thích trí tưởng tượng, óc tìm tòi và sáng tạo. Mở đầu cho biết bao công trình, sáng kiến vĩ đại. Những khởi đầu đều bất ngờ, gian nan và dường như không tưởng. Nhưng kết quả thật giá trị khôn lường, đem lại lợi ích cho cuộc sống bao người..

Tôi cám ơn quê hương, đất nước tôi với một nền giáo dục đẹp đẻ để tôi nhìn lại quá khứ mà vui. Bởi vì sự giáo dục ưu việt mới tạo ra xã hội tốt đẹp có trật tự và nhân bản. Những ông thầy, cô giáo của tôi là những tấm gương sáng trong không tì vết trong lòng tôi. Là những gì tôi nhìn vào đó tự hào.

Một ông Hiệu Trưởng nghiêm khắc không gặp mặt đã 48 năm. Bây giờ nằm xuống ở quê nhà mà hàng vạn học trò vẫn yêu kính và rơi lệ nhớ thương. Thầy không phải là một người nổi tiếng đình đám, thầy cũng không chức vụ tiếng tăm. Thầy chỉ là một ông Hiệu Trưởng hết lòng vì trường vì học sinh. Thầy không trực tiếp dạy. Nhưng dưới sự điều hành của một người Hiệu Trưởng, Thầy đã đem tiếng vang lớn cho trường Ngô Quyền. Đào tạo bao thế hệ học trò tung cánh đi khắp bốn phương. Phụ huynh học sinh hết lòng kính trọng thầy. Những giáo chức, nhân viên khâm phục cách làm việc của thầy.Cái đẹp trong tư cách và con người của thầy làm học trò nhớ mãi. Dù ở nửa vòng trái đất, học trò vẫn tổ chức lễ thất tuần trang trọng, Cùng cầu nguyện và lạy hương linh thầy trong nước mắt. Người đó là thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo của trường Trung Học Ngô Quyền của chúng tôi.

Tôi thật sung sướng và tư hào về những người thầy, người cô của mình. Dù bây giờ tôi đã gần thất tuần, nhưng đứng trước thầy cô tôi vẫn vô cùng kính mến và biết ơn. Bởi vì nghề giáo là một nghề thanh bạch, lương tiền nhận về thì ít mà lương tâm bỏ ra rất nhiều. Nghề dạy học còn gọi nôm na là nghề "Bán cháo phổi" vì nói nhiều, hít nhiều bụi phấn, thức đêm để chấm bài, soạn bài, lập giáo án.

Người thầy của chúng tôi ngoài dạy chữ nghĩa, còn dạy chúng tôi về đạo đức, cách sống và biết nghĩ đến tha nhân. Biết kính trên nhường dưới, biết dắt tay một cụ già hay một em bé qua đường. Cúi đầu khi đám tang ngang qua, Nhường chỗ cho người lớn tuổi, phụ nữ có mang, người tàn tật, trẻ em. Phải biết yêu tổ quốc đồng bào, hiếu thuận cha mẹ, nhường nhịn anh em. Phải đoàn kết nội bộ, biết chia sẻ, lắng nghe và biết lập luận để bảo vệ ý kiến chính đáng của mình.

Thầy không dạy chúng tôi tin mù quáng, ngu dân mà phải biết suy nghĩ cân nhắc. Điều hay nên học, điều sai hủ lậu nên tránh và bài trừ. Con người là phải có lý trí để suy đoán đúng sai. Phải vì lẽ phải, đấu tranh với sự bất công, đàn áp.

Nền giáo dục mà chúng tôi tiếp nhận là yêu thương và nhân bản. Chúng tôi không học hận thù và vũ lực dù hàng ngày tin tức từ chiến trường đưa về đầy chết chóc. Dù phải chui hầm hàng đêm do pháo kích hay phải đi học trễ giờ vì bị phá cầu, cưa cây cản trở lưu thông. Dù người phụ nữ lúc ấy chưa được hoàn toàn bình đẵng với nam giới, nhưng người phụ nữ vẫn được tôn trọng. Nhất là những cô giáo là mẫu mực đoan trinh, đức hạnh, cái đẹp mà các nữ sinh chúng tôi luôn ao ước khi đã trưởng thành.

Tôi đã đọc trên báo mấy ngày nay và thật sự bất mãn về hành động khinh thường nhân phẩm phụ nữ, mà phụ nữ đó chính là những cô giáo ở Hà Tỉnh VN.

"Trọng thầy mới được làm thầy" Người khai tâm cho thế hệ tương lai đất nước là những người dạy học. Thầy cô giáo không chỉ là người có trình độ, có văn bằng tương xứng còn phải là người có tư cách đạo đức. Đứng trước bao nhiêu học sinh, người thầy phải là tấm gương cho các em noi theo. Một xã hội có một nền giáo dục tốt thì xã hội sẽ tiến bộ, văn minh.

Sự khinh thường, coi rẻ phẩm giá nhà giáo là một việc trái với đạo lý làm người. Mặc dù dạy học cũng là một nghề, nhưng hủy hoại sự tốt đẹp của nghề giáo là hũy hoại cả một thế hệ tuổi trẻ, hủy hoại đạo đức dân tộc. Nước Mỹ là nước văn minh đôi khi tự do phóng túng, nhưng thầy cô giáo vẫn được tôn trọng đặc biệt.

Thế mà ngay ở nước ta, một nước lấy đạo đức đi đầu lại bắt các cô giáo đi hầu rượu, tiếp khách chẳng khác nào các cô gái phục vụ thì đạo đức xã hội suy đồi là phải. Học trò đánh nhau như kẻ thù. Nữ sinh hùa nhau đánh hội đồng bạn học là những hành động mà ngày xưa thế hệ tôi không bao giờ có. Cho nên làm băng hoại thế hệ tuổi trẻ, trách nhiệm thuộc về thầy cô và những người điều hành ngành giáo dục.

Trong khi cả nước VN rộn ràng tổ chức ngày nhà giáo 20/11, thì ở Hà Tỉnh giới chức có thẩm quyền lại điều những cô giáo đi hầu rượu cho khách quả thật mâu thuẩn và mỉa mai vô cùng. Điều vô lý là những cơ quan có trách nhiệm không coi điều đó là sai trái, vẫn có lập luận tán đồng thì không biết xã hội VN sẽ đi về đâu.

Có những người khi sống được mọi người yêu thương. Khi chết được mọi người kính trọng, luyến tiếc. Họ đã làm gì cho cá nhân và những người xung quanh họ. Chắc chắn họ làm điều tốt. Họ sống đúng đạo làm người hay ít nhất họ cũng để lại cho thế gian những kỷ niệm đẹp.

Cuộc sống con người chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu, ăn cũng chỉ một cái miệng, mặc cũng chỉ hai lớp quần áo là đã nặng lắm rồi. Tại sao lại vì ham muốn nhục dục, vì lợi ích cá nhân mà bán rẻ lương tâm làm những điều nghịch với đạo lý. Thử hỏi những người đó họ có muốn đem vợ và con gái của họ để mua vui cho khách, như họ đã từng làm với các cô giáo dạy học dưới quyền họ hay không?

Tháng 11 chúng ta có một vị Tổng Thống mới đắc cử. Ông Donald Trump một ông tỉ phú về địa ốc. Một vị Tổng Thống đặc biệt nhất không những trong lịch sử Hoa Kỳ mà còn trên thế giới. Một vị Tổng Thống gây nhiều tranh cãi và nhiều cuộc xuống đường phản đối. Tuy nhiên xét một cách công bình ông ta là một người tài. Ít nhất là tài thuyết phục quần chúng, biết những gì dân Mỹ đang khát khao và muốn thay đổi. Họ tin những gì ông ta nói và hứa hẹn mà bỏ qua những khuyết điểm của ông. Ông vừa giàu có, quyền lực, kinh doanh giỏi, con cái thông minh, tài ba. Những điều ông ta nói, những việc ông ta làm và sự tin tưởng của người dân đã nói lên một nét đặc thù, dân chủ thật sự của nước Mỹ. Sau kết quả bầu cử, cả thế giới rúng động theo, phỏng đoán, đặt vấn đề và chờ đợi. Lập trường và cách hành xử của Tổng Thống mới đắc cử năm nay khiến nhiều người lo sợ. Một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trên thế giới. Lần này chiến tranh sẽ khốc liệt hơn vì nhiều nước đã có nguyên tử. Chiến tranh nguyên tử kinh hồn về sự tàn phá hủy diệt con người. Người chết đã đành, người còn sống sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài cả bao nhiêu thế hệ. Tấm gương của nước Nhật đã cho thấy sự nguy hiểm này.

Tôi có hai người con trai đều đi lính, tôi sợ lắm. Trái tim người mẹ vốn yếu đuối. Tôi không muốn chiến tranh xảy ra, tôi không muốn đất nước này chia rẽ, phân biệt chủng tộc. Tôi muốn mọi người yêu thương nhau và cuộc sống an bình. Hy vọng Tổng Thống Donald Trump sẽ lèo lái nước Mỹ đi đúng quỷ đạo và làm nước Mỹ phồn vinh và vững mạnh hơn.

Tháng 11 tôi ứa lệ tiễn người em gái chung trường ra đi. Em cũng là một cô giáo. Em hiền hòa dễ thương. Nụ cười luôn trên môi. Em là màu sắc của hạnh phúc bên chồng,bên đứa con trai trong quân đội mỗi lần về phép, đàn cháu xinh xắn tíu tít bên bà.Tháng 8 vừa rồi em đoạt giải Á Hậu áo dài của trường Trung Học Long Thành. Em rạng rỡ bên chồng và bạn bè thật lâu mới về họp mặt. Vậy mà em bỏ tất cả để ra đi. Vĩnh biệt Lộc, cô em gái xứ Quận Long Thành dễ mến.

Tháng 11 chúng ta cũng có một người nổi tiếng trên thế giới lìa đời. Ông Fidel Castro một người lãnh đạo CS kỳ cựu còn sót lại. Cái chết của ông ta làm người dân tị nạn Cuba reo vang đốt pháo ăn mừng. Họ hy vọng sau cái chết của ông, nước Cuba hồi sinh và có được nền dân chủ thực sự. Họ cho rằng ông ta là một tên khát máu, độc tài đáng khinh bỉ.

Trái lại nhà nước ta lại vô cùng tiếc thương và coi đó là quốc tang. Không thể bình luận, không thể có ý kiến gì hơn. Chỉ biết lắc đầu "bó tay.com"

Kể từ đây VN phải canh gác cho hòa bình thế giới cả ngày lẫn đêm. Vì lão Fidel Castro của Cu Ba đã ngủ thẳng cẳng không bao giờ thức dậy.

Nguyễn Thị Thêm.

Ý kiến bạn đọc
04/01/201702:35:52
Khách
Bốn mươi mốt năm kể từ ngày tất tả chạy trốn lũ khỉ Trường Sơn hang Pắc Bó đang tràn vào thủ đô, tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn bộ quần áo mặc hôm thoát chạy đó. Giữ để không bao giờ quên mối căm thù tột đỉnh bọn giặc Cộng đã cướp mất đất nước tôi. Giữ để không bao giờ quên nỗi bi phẫn chất ngất nước Mỹ đã bắt tay với Tàu cộng bỏ rơi nước tôi. Giữ để nhớ lại ngày hạnh phúc nhất trong đời đã được may mắn thoát khỏi nanh vuốt của lũ Quỷ Đỏ. Bộ quần áo kỷ niệm !
04/01/201702:07:25
Khách
Haha, bà Lưu cũng chưa hết tức những phê bình của tôi năm xưa. Bà vào bài viết cũ của tôi viết chụp mũ tôi là VC giờ nói tôi không dám bắt tụi chóp bu mà là các em quàng khăn đỏ. Chúng nó không có phải là mấy em nhỏ như bà nghĩ đâu. Đứa nào cũng trên 20 rồi đó. Vào internet mà coi. Có em còn già hơn cả bà nữa đó.
03/01/201717:54:15
Khách
Ông Lê Như Đức thật hồ đồ và dã man độc ác khi "ao ước có được quyền năng bắt chúng (mấy em quàng khăn đỏ) qua bên Cuba hỏa thiêu với người hùng của chúng thì thật là thích".
Mấy em thiếu nhi quàng khăn đỏ, tuổi bằng con cháu ông Lê như đức chúng ăn chưa no nghĩ chưa tới, hơn nữa bo.n trẻ bị nhồi sọ bởi những thằng gìa tuổi đảng CSVN đang nắm quền sinh sát dân trong tay.
Ông Lê Như Đức hèn hạ lắm, không dám bắt tụi chóp bu CSVN qua bên Cuba hỏa thiêu với đồng chí của chúng. Lời thật mất lòng kẻ ác tâm muốt thiêu chết con nít
02/01/201716:12:58
Khách
Tôi cũng được diễm phước coi hình mấy em quàng khăn đỏ mếu máo khóc bác Castro chết. Tôi ao ước có được quyền năng bắt chúng qua bên Cuba hỏa thiêu với người hùng của chúng thì thật là thích.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,954
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.