Hôm nay,  

Con Thương Yêu Của Mẹ

06/12/201600:00:00(Xem: 10463)

Tác giả: Dong Trinh
Bài số 4985-18-30685-vb3120616

Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 2 bài đã phổ biến: “Làm Dâu”; “Halloween và Những Khuôn Mặt Quỷ.” Sau đây là bài viết thứ ba.

* * *

Đang ngủ, mẹ chợt giựt mình vì con đạp trong bụng, mẹ cảm nhận một dòng nước đang ùa ra... một phản xạ tự nhiên, mẹ vội ngồi lên, đi tắm gội sạch sẽ, dòng nước vẫn còn ra... ngang qua bộ ván, bà ngoại đang nằm đó, mẹ định nói với bà là mẹ cần đi nhà thương nhưng hình như bà không khoẻ, mẹ hỏi:

- Má sao vậy?

- Má nghe nhức đầu quá!

- Vậy má nằm nghỉ chút nha...

Mẹ lén ra trước cửa nhà, đứng ngóng ba con đi làm về... Đã năm giờ rưởi chiều... nước vẫn tiếp tục ra... mẹ bắt đầu sốt ruột... Ô kìa! Cậu Dũng đi học ở Sàigon cũng vừa về tới. Mẹ mừng quá, nói liền:

- Dũng, chở tao đi chỗ này đi!

- Đi đâu?

- Thì cứ chở, tao chỉ đường!

Cậu Dũng rất hiền và dễ chịu lắm, nghe mẹ nói là lập tức chở, không thắc mắc nữa. Mẹ chỉ cậu đi về hướng ngã sáu, thẳng lên dốc nhà thương, hôm đó cậu đi xe đạp, lên dốc cao mà cậu ráng ì ạch đạp, mẹ thì sốt ruột... đến cửa nhà thương, mẹ nói:

- Thôi tao xuống đây, chạy kêu dì Sáu tới giùm nha. (Nhà bà Sáu ở ngay đầu dốc đi xuống Bưng Cải)

Mẹ đi thẳng xuống khu sản khoa ở tận cùng của nhà thương. Tới cửa nhà sanh, mấy cô y tá đang ăn cơm chiều, nhìn thấy mẹ, một cô hỏi:

- Đi đâu vậy?

- Đi sanh!

Nghe mẹ trả lời tỉnh queo lại đi một mình, Không xách giỏ áo quần như những sản phụ chuẩn bị đi sanh em bé, mấy cô bật cười, chắc họ tưởng mẹ khùng, vì thiệt ra bụng mẹ nhỏ xíu, gọn gàng, mẹ thì đi đứng bình thường, không có dấu hiệu nào chứng tỏ mình sắp sanh. Một cô nói:

- Thôi ra phía sau ngồi chờ đi.

Nói xong, mấy cô tiếp tục ăn, nói cười vui vẻ, không quan tâm gì đến mẹ nữa. Độ năm phút sau. Bà Sáu đến, bà hỏi mẹ nghe sao mà vô đây, mẹ nói thấy ra nước, bà hỏi mẹ ăn gì chưa, mẹ nói chưa nhưng không muốn ăn. Vừa nói xong, tự nhiên mẹ nghe giống như bụng mẹ trì xuống mạnh, mẹ nói:

- Dì Sáu ơi, con nghĩ là con mắc sanh rồi.

Bà Sáu lập tức chạy ra nói mấy cô y tá. Dường như họ không tin nên cứ chễm chệ, mẹ phải nói lớn lên:

- Lẹ lên giùm cô ơi tui sắp sanh rồi!

Lúc bấy giờ, một cô y tá mới kêu mẹ vô phòng sanh, vừa lên bàn nằm, cô y tá khám cho mẹ và nói ngay:

- Trời đất, sao mà lẹ dữ vậy em bé bắt đầu chuẩn bị ra rồi nè mà sao hỏng đau bụng hỏng gì hết vậy? Đi đẻ gì mà như đi chơi hà! Nói xong, cô hướng dẫn cho mẹ rặn... chỉ hai ba phút sau, mẹ nghe nhẹ cả người, cô y tá reo lên:

- Rồi, ngừng đi, đừng rặn nữa, ra rồi...

Một phút sau, cô la to giọng vui vẻ:

- Bé trai, cha chả, thằng nhỏ bự quá mà em đẻ thiệt lẹ hỏng rên la, hỏng đau đớn gì hết, tui mới thấy lần đầu đó!

Người ta đi biển có đôi
Mẹ con đi biển mồ côi một mình!

Thật vậy đó con, mẹ đã một mình vượt cạn. Cũng may là hôm đó sóng yên gió lặng, mẹ đã đến bến bờ thật nhanh chóng và bình an! Đọc sách, nghe bạn bè kể lại, trước khi sanh, người mẹ bị đau bụng có khi hàng hai ba ngày trời hoặc nhanh lắm cũng vài tiếng đồng hồ, cái đau đó mẹ đã trãi qua trước giờ sanh em Bình, cái đau xé ruột xé gan, không ai san sẽ, không thuốc men, phải cắn răng mà chịu...và..may mắn quá, con trai của mẹ chào đời thật êm ả, nhẹ nhàng, nhanh chóng. Khi đó, kỳ diệu thay, mẹ thật tình mà nói là mẹ không biết cảm giác đau bụng đẻ như thế nào hết con à!

Đúng 6 giờ 34 phút chiều, ngày 26 tháng 11 năm 1974...Oa...Oa..oa..tiếng khóc đầu đời để chào đón thế giới mới của con, nghe con khóc mà miệng mẹ lại mỉm cười sung sướng! Ôi con trai của mẹ! Sau khi làm xong mọi thủ tục cho một đứa trẻ mới chào đời, cô y tá cho mẹ biết con cân nặng 3kg950, dài 62 cm. Lúc đưa mẹ con mình về phòng nằm, cái giường em bé chỉ dài có 60cm, nên họ phải để con nằm cạnh mẹ. Suốt cả đêm mẹ không ngủ, cứ mê mải nhìn con, trong lòng vui mừng khôn xiết.

Dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi con lớn dần, con ngoan lắm. Mẹ nhớ, khi con được nữa tháng, mẹ đau phải nằm bệnh viện, sáng đi, tối về. Thời gian đó, ba con mắc đi làm xa, bà ngoại bận lo cơm nước, cậu Duyên thay mẹ giữ con giùm suốt 2 tuần lễ, cậu nói con giỏi quá, không khóc bậy, cứ đến giờ thì đặt vô võng đưa ngủ thôi. Khi con được 3 tháng thì cậu Duyên mất, mẹ nhớ nhà mình hồi đó trong cư xá Ngô Quyền, Ông ngoại đông con nên cất dài căn nhà thêm giáp với toà hành chánh, vì vậy, mỗi lần khuấy sữa cho con, mẹ phải đi tuốt xuống nhà dưới, nơi đó cũng là bộ ván chỗ cậu Duyên ban ngày hay nằm võng cho mát.

Từ khi cậu mất, mẹ sợ quá, ban ngày mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nhưng mỗi tối đúng 9 giờ và 3 giờ khuya mẹ khuấy sữa trong bình thêm cho con. Bắt đầu sau đêm chôn cất cậu Duyên, mẹ không dám xuống nhà dưới nữa, tối 9 giờ trước khi con ngủ, không có chai sữa con khóc, mẹ cứ vỗ nhẹ trên lưng con, rồi đến 3 giờ khuya lại một lần nữa...những ngày đó mẹ rầu lắm, đi làm sữa thì sợ ma, không làm thì con khóc, nhưng may thay, chắc là con hiểu mẹ nên chỉ trong vòng một tuần là con đã quen, không đòi sữa đêm nữa, mỗi tối con ngủ một mạch từ 7 giờ đêm đến 7 giờ sáng.

Rồi một nỗi khổ tiếp, ban ngày, mọi người đi làm, bà ngoại đi chợ, mẹ lại ẵm con ra ngồi ngoài hàng ba trước cửa, mắt cứ nhìn xuống hướng bờ sông để trông ngoại về rồi mới dám vô nhà! Sao mà mẹ tệ quá hả con?

Ngày 30-4-75, súng nổ vang rền khắp mọi nơi, người người chạy đi tìm chỗ lánh nạn. Nhà mình sát dinh Tỉnh trưởng và toà hành chánh, mục tiêu chánh của những trận pháo kích. Ông ngoại quyết định đi tới nhà dì Tư ở hãng nước đá Tứ Hải lánh nạn. Khi đó con được 5 tháng, mập mạp to lớn. Dì Năm sợ mẹ ẵm không nổi nên dì ẵm con giúp mẹ chạy đến nhà dì Tư.

Sau khi hoàn hồn, nhìn qua, ngó lại...ủa? Dì Năm ẵm con đi đâu rồi? Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng... thời gian nặng nề trôi qua, súng vẫn nổ bên tai, thỉnh thoảng tiếng đạn pháo kích nghe thật gần, mọi người chui xuống hầm trốn, trên đầu bộ ván được chất đầy bao cát. Bà ngoại không ngừng niệm Phật, mẹ thì rối beng, nước mắt cứ tuôn vì lo lắng, không biết con và dì Năm đang ở đâu... ông ngoại cũng trông đứng trông ngồi, cứ nghe tiếng súng im im đọ vài phút là Ông chui khỏi hầm, hướng mắt ra ngoài cửa hãng nước đá coi dì Năm có bồng con trở lại không...

Sau 2 giờ chiều, những gì không ai muốn nghe cũng bị bắt buộc phải nghe từ các loa phóng thanh ở ngã tư piscine, ở ngã Sáu, ở chợ... bản nhạc “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn vang lên, những vòng tay đã nối lại để lùa hết những người vô tội vào ngục tù, để lùa hết của cải được tạo dựng bằng chính mồ hôi nước mắt của dân chúng về phía bên thắng cuộc! Tiếng súng cho cuộc nội chiến phi lý 20 năm đã im và thay vào đó sẽ là tiếng súng bắt đầu cho những thù hằn!

Lát sau, tiếng ai đó reo lên:

- Kìa, chị Năm về kìa...

Trời ơi... mẹ mừng quá con ơi, mẹ chạy vội chạy vàng ra, ôm con từ trong tay dì Năm, nước mắt thì tuôn mà miệng lại cười vì con đã trở về bình yên. Nhìn lại dì Năm! Ôi thôi! Mình mẩy, áo quần dì dính đầy phân và nước tiểu của con, trông dì lôi thôi thấy thương làm sao! Ông ngoại hỏi dì đi đâu, dì Năm nói thấy người ta chạy thì cứ chạy, đến chừng nhìn lại thì đã đến chợ Cây Dừa, dì không dám quay về vì súng nổ quá, đành kiếm chỗ trốn cho đến khi nghe những lời trên đài phát thanh, dì mới ẵm con trở lại.

Ở chung với Ông bà ngoại một thời gian, ba mẹ thuê nhà ra riêng. Con không chịu theo mẹ, cứ đeo bà Ngoại và dì Năm, mẹ cũng đành chìu con và có lẽ cũng chính vì thế mà cho đến giờ, dù ngoại đã mất, con cũng luôn nhớ thương bà, riêng dì Năm thì khỏi nói, mẹ biết con thương và luôn coi dì như một bà mẹ thứ hai của con và mẹ rất vui vì con đã cư xử đúng.

Năm con 3 tuổi, mẹ cho con đi học lớp mầm non, ngày nào về cũng nghe ca hát mấy bài tôn vinh đáng ghét, mẹ quyết định lên trường Nam, gặp dì Bảy Lang là bạn rất thân của gia đình mình đang dạy lớp một ở đó. Mẹ xin dì cho con học dự thính, dì nhận lời. Không ngờ, cuối năm con lại đứng nhất nhưng dì Bảy phải đem con xuống hạng nhì vì con chưa là học trò chánh thức. Mẹ vội chạy lên văn phòng năn nỉ thầy Hiệu trưởng cho con được lên lớp hai thay vì vẫn ở lớp một vì chưa đủ tuổi.

Năm con 9 tuổi, chuẩn bị vô lớp sáu thì bà ngoại và mấy cậu dì đi Mỹ do Cậu mợ Ba bão lãnh, mẹ con mình kẹt lại vì phải bổ túc thêm một số giấy tờ. Cũng bắt đầu lúc đó, mình phải đi ở nhờ nhà này nhà kia. Tết năm đó, mình ở trong Phú Lợi với gia đình bạn mẹ, đêm giao thừa, mọi người ra sân coi đốt pháo... Tiếng đì đùng vừa nổ lên, con đang bên cạnh mẹ, bỗng chạy thật lẹ vô phòng, mẹ chạy theo, con vừa khóc, vừa nói: mẹ ơi, con nhớ ngoại quá! Nghe con nói mà mẹ không cầm được nước mắt! Con ơi, mẹ cũng tủi thân như con, Tết đến, mọi người sum họp trong tiếng cười, mẹ con mình thì cô đơn bên những người không phải là thân bằng quyến thuộc.

Sau đó khoảng một tháng, mẹ đột nhiên nhận giấy mời của công an xã, hai mẹ con mình ra đó, hồi hộp, lo sợ... Chuyện gì đây? Tới nơi, người công an cho mẹ biết là mình phải lập tức phải rời khỏi nơi đang cư ngụ, họ lại gán cho mẹ tội danh làm CIA, bắt mẹ phải viết tờ tường trình, thú nhận. Mẹ cãi lại hỏi họ chứng cớ đâu mà sao lại ghép tội mẹ, bị ăn một tát tai đau điếng, bị nghe những lời mắng chửi mày tao từ miệng một tên cán bộ nhỏ tuổi hơn cả em út mình, mẹ căm tức, mẹ uất nghẹn nhất định không viết.

Sau một ngày bị nhốt, đói, hôi hám, con thì ngồi chờ ngoài sân, đến chiều, họ cho mình về. Mẹ khóc sưng mắt vì lo sợ cho con, thấy vậy, con nói để con chở mẹ cho. Tội nghiệp con mẹ, mới biết đi xe đạp, chạy chưa vững mà thương mẹ, con trai đã can đảm, dùng sức non nớt của mình để chở mẹ bắt đầu từ đó và mãi cho đến ngày nay, con đã trưởng thành, con vẫn tiếp tục chở mẹ trong cuộc đời này.

Cuối cùng thì mẹ con mình cũng được gặp lại ngoại và mấy dì cậu. Trước khi qua đây, con đang học lớp 7. Đến Mỹ, con chưa được 11 tuổi, phải học lớp 5, mẹ đưa học bạ đề trình bày với hiệu trưởng, cuối cùng họ chỉ chấp thuận cho con học lớp 6. Thôi cũng tốt rồi! Mới qua, con có trở ngại tiếng Anh nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó con đã vượt xa bạn cùng lớp. Năm con chuẩn bị lên lớp 9, cậu Ba xin cho con được thì vào Subiaco Academy, một trường Công giáo tư, con đã được nhận với học bổng toàn phần. Được một semester, con nói với mẹ:

- Mẹ à con sẽ tốt nghiệp thủ khoa đó mẹ.

Mẹ cười vì con nói quá sớm, còn hơn 3 năm nữa lận mà con!

Quả thật vậy! Con đã ra trường Thủ khoa với rất nhiều bằng khen. Đây cũng là lần thứ ba con được bằng khen của Tổng Thống Hoa Kỳ. Con ơi...mẹ mừng lắm đó con. Rồi con bắt đầu những ngày tháng xa nhà ở một tiểu bang phía Bắc, mẹ bắt đầu trông ngóng, nhớ thương lẫn lo sợ vì không yên lòng.....

Mười năm dài dẳng trôi qua, ngày con lấy bằng tiến sĩ y khoa có cậu Ba, dì Năm, cậu mợ Út, Irene và Michael, mẹ và em Bình đến dự. Sau lễ tốt nghiệp, con dẫn mẹ đi vòng vòng trong trường để giới thiệu mẹ với các thầy cô và bạn bè của con. Đó là một ngày vui nhất trong đời mẹ. Con của mẹ đã trưởng thành, đem lại cho mẹ một niềm hãnh diện vô biên.

Sau khi ra trường, con vẫn tiếp tục ở đó làm việc, mẹ trở về tiếp tục nhớ mong con, cứ trông chờ Noel để được gặp con của mẹ.

Cho đến năm 2007, bệnh mẹ bị tái phát sau 3 năm điều trị. Con bỏ hết để về bên mẹ. Con có biết không? Mẹ mừng lắm, từ ngày sanh con, chỉ 9 tháng kẹt lại Việt Nam, 4 tháng ở Phi luật tân, rồi qua Mỹ 3 năm đầu là mẹ con mình được ở gần nhau. Lúc nhỏ con theo ngoại và dì Năm, ba mẹ ở riêng, thỉnh thoảng ba năn nỉ con về cho bánh, con chạy về lấy bánh xong là chạy vội về ngoại. thỉnh thoảng ba dắt con về ngủ đêm với ba mẹ thì con khóc suốt đêm vì nhớ ngoại và dì Năm, riết rồi mẹ đành chìu theo con.

Sau khi con trở về đây, con đã rất tận tụy giúp mẹ trị bệnh, mỗi lần ăn vô ói ra, con vội đi mua món khác cho mẹ dù nửa đêm khuya khoắt. Khi ở khách sạn Little Rock mỗi sáng con chở mẹ vô bệnh viện, ngồi một bên chờ mẹ vô thuốc, những ngày con phải ra toà xa để làm việc, con biểu Bình từ Fort Smith đêm hôm lái xe gần 3 tiếng để ngủ với mẹ vì con biết mẹ sợ ma, không dám ở một mình trong khách sạn.

Mẹ nhớ có một đêm, do phản ứng của chemotherapy, mẹ đau bụng suốt đêm, cũng suốt đêm đó, con không ngủ, cứ lo lắng hỏi chừng mẹ, mặc dù sáng sớm con còn phải lái xe mấy tiếng đồng hồ để ra toà..những tháng ngày dài, con và Bình cứ ái ngại mỗi khi mẹ ói, rồi con lập tức đi mua những món mẹ thèm để giúp mẹ có sức chống lại căn bệnh quái ác! Mẹ còn sống và thoát bệnh được nhanh chóng là đều do con đã tận tâm, tận lực chăm sóc.

Thương con và Bình quá! Mẹ đã đem các con ra cõi đời này nhưng con và em Bình lại là người đã mang mẹ trở về từ cõi chết... Mẹ cảm ơn hai con nhiều lắm. Niềm ao ước của mẹ bây giờ là mong Bình luôn được hạnh phúc bên chồng, con. Riêng con trai của mẹ, cầu xin cho con có được tương lai tốt đẹp, thành công trong cuộc sống.

Happy Birthday My Son.

Fort Smith, Nov 2016

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
22/06/201708:05:49
Khách
Cháu tốt nghiệp Medical Science Ph.D. Làm việc ở Harvard University, sau đó chuyển về New York làm việc ở Colombia University. Khi tôi bị cancer, cháu bỏ việc về Arkansas giúp tôi trị bệnh ơ một thành phố cách nhà gần 3 giờ lái xe. Trong thời gian này cháu thì vô làm thông dịch viên cho toà án tiểu bang, công việc part time, mỗi lần ra toà khoảng vài giờ, một tuần 2,3 ngày nhưng phải đi nhiều thành phố trong toàn tiểu bang. Cháu không thể làm công việc đã học trên mười năm vì nơi thành phố tôi ở không có trường y khoa, với lại cháu cần có thời gian ở cạnh tôi để lo cho tôi nên chịu hy sinh. Sau khi tôi hoàn toàn bình phục, cháu thì vào trường luật và đã tốt nghiệp tháng năm vừa qua. Tôi xin có đôi dòng để giải thích cùng bạn đã nêu thắc mắc rất hợp lý ở trên đây. Tôi đã sơ sót không viết rõ chị tiết trên, mong các bạn Thoòng cảm cho nhé. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Đông Trinh
20/06/201701:47:47
Khách
Bài này có 2 chi tiết khó hiểu:
1) Tại sao bác sĩ y khoa lại làm việc ở Tòa ? ("sáng sớm con còn phải lái xe mấy tiếng đồng hồ để ra toà", " những ngày con phải ra toà xa để làm việc".)
2) Cậu con trai đi làm ở xa, xin nghỉ làm về chăm mẹ bệnh, sao có ngày vẫn đi làm ?
14/03/201707:06:28
Khách
Thật cảm ơn Ngọc Châu và những kỷ niệm xưa về Bình Dương. Cho hỏi Ngọc Châu nhà ơn đâu? Đông nhà ơn dãy phố làng ngoài chợ, sau 75 dời về ngã tư pícine, hy vọng mình đã từng là bạn nhau rồi và sẽ tiếp tục được làm bạn nhau nữa nha, thân ái.
10/12/201606:19:25
Khách
Hôm nay được đọc bài của một đồng hương Bình Dương, Phú Cường, Thủ Dầu Một, lại cùng năm sanh nửa chứ .. Chắc đâu đó ngày xưa cũng là học trò của trường Nử Châu Thành, bà đốc Phạn, thật là ấm áp cho mình nhớ lại ngày xưa .... Bưng Cải, nước đá Tứ Hải, đường Ngô Quyền nối dài từ góc Nhà Thờ xuống mé sông Bạch Đằng .... Có khi nào mình đã từng là bạn nhỏ ngày xưa không vậy? Cám ơn đã gợi nhớ về Thủ nha chị Đông.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Tác giả cho biết Bà đã từng có bài dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2011. Sau 5 năm ngưng viết, Bà gửi thêm một truyện ngắn mới viết.
Tác giả cư trú tại Davis, CA, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ, với nhiều bài viết kể chuyện đi học, đi làm, đi thực tập làm giảng viên trong ngành thẩm mỹ tại trường Sacramento City College,
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Ông nguyên là một sĩ quan QLVNCH, một chuyên viên về hưu, đang định cư ở Orange County.
Tác giả là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012,
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu, cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến