Hôm nay,  

Câu Chuyện Trên Đường Về

04/12/201600:00:00(Xem: 11769)

Tác giả: Nguyễn Kỳ Yên
Bài số 4983-18-30683-vb8120416

Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.

* * *

Anh Bốn len lách đám đông đứng ngồi đăm đắm, buồn rũ, bước ra khỏi nhà quàn. Anh hít thở liền mấy hơi thật sâu để đổi lớp không khí đầy khói nhang, khói trầm, hơi người, mùi nước hoa, mùi dầu mà anh đã hít mấy giờ liền ở bên trong. Anh đến ngồi bên bể cạn, nơi có dựng pho tượng đá và vòi nước phun, lấy thuốc ra mồi, hút, chờ hai người bạn và đứa em trai ra, cùng về.

Bên ngoài nhà quàn vắng lặng. Nắng chiều chói lói. Xe cộ chạy vùn vụt ở trên đường xa xa, tạo ra một dòng âm thanh dứt, nối, đều đều, dễ chịu. Một con chim sẻ bay sà xuống, tắm hồn nhiên trong vũng nước đọng dưới chân pho tượng, rồi bay vù lên cành cây gần đó, rung cánh cho những hạt nước li ti văng bung ra, tan biến trong không. Cửa nhà quàn lại mở, Tường, Khánh và Minh nối nhau bước ra. Lời tụng niệm, tiếng mõ vang lên theo họ, rồi tắt ngấm theo cửa đóng.

Chiếc xe chạy vòng ra con đường đồi, bỏ lại đàng sau vùng thung lũng khuất nắng, chạy nhập vào dòng xe trên xa lộ lớn, chạy về hướng mặt trời chiều.

Trong xe im lặng một chặp lâu. Minh lái xe lên tiếng:

- Mình chạy kiểu này về đến nhà là đúng giờ cơm tối. Gần hai ngày rày, chẳng làm gì nặng nhọc, mà cũng thấy mệt nhừ. Mấy ông ca hát, chuyện trò gì lên, cho tui khỏi buồn ngủ chớ.

Khánh, nhỏ tuổi nhứt trong xe, hưởng ứng:

- Đúng rồi. Nói chuyện đi. Suốt ngày cứ phải làm mặt đưa đám, im ỉm. Có nói chuyện với nhau thì cứ lào thào, như người bịnh. Tui chịu hết nổi rồi. Mà đám tang lớn quá. Hôm qua khách viếng thật đông. Nhiều tràng hoa qúa. Lần đầu tiên, tui dự đám tang ở xứ này, thấy thiệt là khác xa với chỗ biết ở xứ mình.

Tường nói chen vô:

- Chú mày, hồi nào tới giờ, chưa bước chân ra khỏi làng quê, y như ếch ngồi đáy giếng, làm sao biết được ở thành phố, ở bên mình, tổ chức đám tang ra sao? Thì cũng y vậy thôi. Cũng người chết nằm ngay đơ cẳng, một chỗ, người sống chạy vắt giò lên cổ, đàn bà thì khóc lóc, con nít thì đùa phá. Chỉ một vài điểm khác, như là ở đây họ không che đậy mặt người chết, mà để lộ ra, cho khách viếng tiện nhìn, và còn quay phim, chụp hình hơi nhiều. Lúc di dời quan tài, không có ban đờn kèn trỗi nhạc Tây, nhạc Ta, cũng không có đám khóc mướn làm rộn.

Khánh thắc mắc:

- Tui không hiểu sao ở ngay lối vào, lại có thể dựng tấm bảng “Xin Miễn Phúng Điếu”, coi không nhã. Còn lúc con cháu lạy, thấy không ăn rập theo bài bản nào hết, đứng ngồi thật lộn xộn.

Anh Bốn nói:

- Vậy mới ra cái cảnh “tang gia bối rối”. Con cháu toàn khá giả, nên không muốn nhận tiền phúng điếu, tránh khỏi mang nợ về sau. Chỗ đó hay lắm, chú làm sao hiểu tới. Chú có để ý, khi mình thắp nhang lạy ba lạy, thì bạn chú, là con của người chết, lạy trả lại bốn lạy không? Đó là chủ trương thà dư, không để thiếu, thà người nợ mình, chớ không để mình nợ người.

Minh thêm vô:

-Tui ngồi gần mấy người lớn tuổi, có nghe họ nói về các phí tổn mua áo quan, trả cho nhà quàn, phí hoả thiêu, cúng nhà chùa, rước thầy tụng kinh, trả công ban hộ niệm, hoa đèn,... tính ra chừng ba chục ngàn đô. Đám tang vậy là tươm tất.

Tường:

- Nhưng tui thấy thiếu thiếu, nhớ nhớ một cái gì đó.

Anh Bốn:

- Chắc ông thiếu nhớ tiếng kèn, tiếng nhị. Không thì nhớ cảnh ăn uống, nhậu nhẹt, ca hát, chia buồn thâu đêm, của bà con chòm xóm. Hay là lại nhớ cảnh quốc kỳ bọc thây, với lính bồng súng dàn chào, hồi trước?

Anh Bốn ngừng nói, đốt thuốc, rít một hơi dài, rồi nói chậm:

- Đúng ra, tui cũng thấy có cái gì hụt hẩng. Người chết mình không quen. Mà chết đi là hết rồi. Tui nói hụt hẩng là có lẽ từ cái thấy ở nơi đám con cái. Chú Khánh, chú Minh, hai chú, hồi trước còn nhỏ quá, may mắn, chưa biết qua đám tang của bạn bè chết trận, chưa thấy cảnh chôn lấp vội vàng của người chạy nạn, nạn chiến cuộc Tết Mậu Thân, nạn Muà Hè Đỏ Lửa, càng chưa thấy những đám tang đầy kiểu cách, của thời thanh bình ngắn, trước chiến tranh. Mỗi đám tang tui thấy đều in đậm vào trí nhớ, không phai. Nói chung, nói theo kiểu dao to, búa lớn, thì đám tang, cũng như đám giỗ, đám cưới, là cớ, là dịp, để những người sống tụ lại với nhau, mà thể hiện lối sống, quan niệm của mình về nhân sinh, thể hiện với chính mình và với những người thân quen chung quanh. Đi đám tang là mình đi đến những người sống, người còn lại, đến với những người chưa chết.

Anh Bốn ngưng nói, kéo một hơi thuốc. Khánh nói chen vào:

- Anh Bốn à, chuyện này để chút nữa nói tiếp được không? Nói xong “đám” rồi mới nói qua “người sống” nghen? Hồi ở làng, tui có coi đám tang ông Hương Kiểm Nhì. Còn nhớ người ta đặt một ly rượu đầy lên quan tài. Đám phu nhà đòn khiêng đi thật khéo, qua bao con dốc, khúc quanh, mà rượu trong ly vẫn đầy. Ban kèn thì thổi những bản khác nhau. Tiếng nhạc nghe ai oán, buồn đau như dao cứa vào thịt. Con cháu cứ nghe theo đó mà làm y một rập, lúc khóc to, lúc khóc ri rí. Không thấy có tặng tràng hoa, chỉ phúng tặng nhang đèn, và phụ công, góp sức. Tui chưa từng thấy hỏa táng. Ghê quá. Nghĩ đến đã sợ rồi. Đem đi đốt như hầm gạch, hầm vôi, nóng quá thì hồn phách chịu sao nổi, làm sao còn dám đầu thai lại làm kiếp người? Rồi tro cốt hôi hốt ra lại đem đặt ở chùa, nơi mà ông ấy, hồi còn sống, chưa từng đặt chân tới. Con cái đông đầy, có trai, có gái, nhà cửa thênh thang, sang trọng, mà chẳng có được một chỗ nhỏ nào để thờ cha. Chuyện này, cứ nghĩ đến tui lại thấy tưng tức, buồn buồn.

Minh:

-Tui có nghe anh con trưởng nói là sẽ để hộp cốt hôi ở chùa, cho nghe kinh. Độ một năm sau, anh ta sẽ đích thân mang về táng ở phần mộ của gia đình. Anh ta có chương trình xây mộ cho cha thật “hoành tráng”, như cha anh đã xây cho nội anh, mấy năm trước. Xong, chọn một người kha khá trong họ, nuôi tiền cho người ấy trông coi, nhang khói mộ phần. Đã bắt đầu bàn chuyện gom hùn tiền lại rồi. Anh còn nói về cuộc đất phát của giòng họ. Đem cha táng ở đấy, để con cháu thêm hưng vượng. Đó là việc lớn phải làm.

Anh Tường than thở:

- Kể cũng xui. Thằng đó trộng tuổi rồi. Mới về VN tính hỏi vợ, chưa kịp hỏi thì ông già mất. Chờ cho mãn tang cha thì lâu quá, e vật đổi, sao dời, mà cưới chạy tang thì vội quá, nhà gái không ừ. Mất cha như nhà dột. Hồi nào tới giờ hắn quen sống lè phè, lông bông rồi.

Anh Bốn:

- Ờ, nói đến phong thủy, tui nhớ chuyện buồn cười này. Hồi nhỏ, một lần đi ăn giỗ, có nghe mấy ông lớn trong họ nói là thầy địa lý Tàu coi đất phát, nói cuộc đất của họ Trần có cái bàu nước tốt lắm. Chừng nào nước trở trong veo, trong họ có người làm quan lớn. Lúc đó ông Tư, trưởng tộc, lệnh cấm đụng bàu nước, cấm đánh bắt cá, cấm thả bò gặm cỏ v.v...,với lòng ước mong đời mình kịp thấy được trong họ có người nên quan. Về sau, chiến cuộc lan rộng, cả họ lần lượt bỏ làng, tản cư ra thành phố sống, nước bàu trở trong thiệt. Sau này, hết chiến tranh, bà con lục tục trở về làng cũ, thấy ra trong họ có mấy quan lớn: bí thư huyện, tư lệnh quân khu, đại biểu quốc hội v.v...ai ai cũng oai phong, lẫm liệt, hia mão rỡ ràng. Có điều, bà con dân đen trong họ cứ xa lánh mấy quan, chẳng ai dám thân cận. Các quan buồn, chỉ còn biết theo gạ mấy cháu thanh niên ăn không ngồi rỗi, rủ đi soi nhái, bắt kỳ đà về nhậu, giải sầu. Còn cái bàu nước, cứ để cho đục. Trưởng tộc cho bắt cá thả dàn. Còn nói: “Mình là dân làm ruộng, cần chi tới nước trong.”

Anh Tường ngắt lời:

- Chuyện quê nhà thì buồn lắm, nói đến bao giờ cho hết. Để tui kể chuyện ở đảo tị nạn cho nghe, cũng chuyện táng tro cốt. Có ông kia vợ chết. Ông không chôn vợ trên núi, mà đem đốt xác, rắc tro xuống biển. Ông nói: “Biết bao giờ mình trở lại chỗ đảo vắng đầy buồn đau này. Thôi thì bỏ tro xuống biển, cho bả gần đứa con chết lúc trên thuyền đánh cá.” Một người láng diềng nghe chuyện, cứ gật gù khen, còn dặn vợ con: “Khi chết, dù là đã đi định cư, cũng đừng chôn, mà hãy đốt xác, lấy tro, đem rắc xuống biển.” Bà vợ ghen, hỏi: “Bộ muốn cho gần con đĩ ngựa nào hay sao?” Ông chỉ cười. Mấy con thắc mắc, ông nói: “Má bay rồi già yếu, bọn bay rồi lớn, lấy chồng, ở theo chồng con. Khó có dịp cùng rảnh rỗi đi thăm mộ cha mà thắp nhang, nhổ cỏ. Thôi thì bỏ tro xuống biển. Biển bao la, chỗ nào mà chẳng thấy. Có nhớ cha, thì dắt chồng con ra biển chơi, tắm. Thấy nước như thấy cha.”

Khánh nói góp vào với anh:

- Tui có nghe một chuyện hơi khác, nghe ở bàn nhậu. Chuyện thế này: “Có bà kia gần chết, mà đám con chẳng đứa nào về. Bà trối là hãy hoả thiêu, lấy tro rắc ở các shopping mall, vì biết các con thích mua sắm, mới gần chúng được.” Thiệt là, đến chết, mà còn chẳng muốn buông nhau.

Anh Bốn:

- Mình trở lại chuyện đám tang nói chưa hết. Chú Khánh cứ nói ra ngoài đề. Nè, tui hỏi chớ mấy người nghe kinh, nghe giảng, có thấy ra điều gì không? Cái ông thầy chùa mập trắng hồng hào, cùng với mấy bà ban hộ niệm già khọm, tóc bạc phơ, hợp thành một nhóm tụng niệm thật nhịp nhàng. Tui đứng nghe lâu, nghe riết, cũng thấy thấm. Hồi xong lễ, ông thầy có kêu các anh em mặc áo tang, lại bên quan tài, để nghe khuyên nhủ. Ông thầy nói: “Đây là việc buồn. Sao lại buồn? Vẫn biết, ở đời có hợp thì có tan, có tụ thì có tán. Đó là lẽ tự nhiên. Nhưng, như con chim ở trên cây, thấy lá rụng, cành rơi, còn kêu thương, nhớ tiếc, huống chi người với người sao cho khỏi buồn, khi xa mất nhau. Nhưng từ chuyện buồn, ta làm gì? Ta biết quý hơn, biết giữ kỹ hơn, những thứ còn lại, chưa mất. Thứ gì? Đó là cái tình thân máu mủ, ruột rà, cái tình anh em, hoà thuận, yêu mến, giúp đỡ nhau. Đó mới là mâm cao, cỗ đầy dành cho nhau, trong kiếp sống tạm ở cõi trần. Trước, có tình cho cha, nay, ta dồn tình đó cho mẹ, cho anh chị em. Các con đã lớn,có học hành, có hiểu biết, thầy không phải nói nhiều.”

Minh chen vô:

- Tui cũng nghe thấy đoạn giảng đó. Lời lẽ thật cảm động. Nhưng không rõ là có nhằm ẩn ý gì không.

Tường nói:

- Tui cũng có nghe được mấy điều, có lẽ có ăn nhập với lời khuyên của ông thầy, cùng cắt nghĩa cho nhiều cảm nghĩ khó mô tả. Tình cờ tui nghe hai bà già nói chuyện với nhau. Một bà hỏi: “Lo cho ảnh xong, rồi chị với cháu nhỏ định ở đâu?” Đáp: “Ông nhà mất, tôi lại hay ốm đau, phải dời ra khỏi chỗ ở bây giờ, nhưng chưa biết về với đứa nào. Thằng lớn thì chưa vợ, chưa con, cũng đang ở trọ nhà em gái, em rể. Nhà đó rộng, con rể, cháu ngoại rất tốt, nhưng là nhà của con gái. Mình về đó thì không thể gọi là ở theo con trưởng, mà mang tiếng là ở dựa con rể, con gái.” Hỏi: “ Vậy còn vợ chồng anh kế, anh có hai đứa con dễ thương, và cô vợ điệu điệu đó? Chị ở đó trông giúp cháu nội cho vui”. Đáp: “Thằng đó, vợ người nước ngoài, không ăn ở như người mình. Hai vợ chồng nó đã nói rõ từ lâu là muốn sống theo lối riêng tư của chúng. Mình làm cha mẹ, phải giúp cho chúng sống hạnh phúc, không thể quấy rầy”. Hỏi: “ Còn đứa em kế, tên L., vừa lấy vợ hồi trước Tết?” Đáp: “Nó cưng chìu vợ mới cưới, cho vợ đi học cắm hoa, pha trà, thể dục thẩm mỹ..., về đến nhà không phải đụng tay đến việc nhà. Nó bận hầu vợ, còn rảnh đâu mà lo cho mẹ, cho em. Hồi hỏi cưới, nhà gái đã ra điều kiện trước là con gái họ khờ dại, quen được nuông chìu, không thể bắt làm dâu, chịu thì mới gả. Mình đã chịu rồi”. Hỏi: “Tôi quên, còn con Nh., cháu mới học xong đại học năm ngoái đó. Sao không về ở chung với nó? Tôi mến con nhỏ, định làm mai thằng cháu cho nó. Cháu nay bao tuổi rồi chị?” Đáp: “ Nó hăm sáu, nhưng có bạn trai rồi. Chúng nó theo lối Mỹ, dọn vào ăn ở chung với nhau. Có thấy hợp nhau mới làm đám cưới. Biết đến chừng nào? Tôi rầy la, thì nó nói là nếu vội lấy nhau, mà không hợp, phải ly dị rắc rối lắm, làm vầy nếu có chia tay cũng tiện gọn. Nó nói cái gì I live my life. Tôi buồn, nhưng mình dạy chúng không kỹ, giờ biết nói sao. Ổng đi trước vậy mà khoẻ thân”. Hỏi: “Vậy còn hai đứa em kề, làm ở Tây Bắc thì sao? Đáp: “Thằng T. Với thằng Ch., chúng nói với tôi là má và em dọn lên đây, ở với đứa nào cũng được. Má lo cơm nước, trông coi nhà cửa là được rồi. Tiền già má giữ. Tôi tính ở theo chúng nó, nhưng thương nhớ mấy đứa cháu dưới này, với lại tôi hay bị phong thấp, nhức xương, nhức mình mà ở đó thì lạnh quá, chắc gần Tết mới tính lại. Với lại ổng mới mất, còn tôi ở đây, chúng mới còn tụ tập lại với nhau.”

Tường tiếp: “Mấy người nghĩ coi, hoàn cảnh bả bơ vơ như vậy, thấy có buồn không? Lời khuyên của ông thầy hẳn nhằm vào chỗ này. Cảnh này, lỗi ở ai?”

Anh Bốn:

- Đừng nói lỗi ở ai. Gốc rễ nằm sâu lắm, nhổ không lên đâu. Cũng buồn. “Nuôi con những tưởng về sau...” Ngồi đây gẫm lại mấy câu hát của ông bà xưa, mà thấy thấm thía. Để coi, cái gì: “Gío đưa ông Đậu về trời, Bà Đậu ở lại chịu đời đắng cay.” Coi, còn câu gì nữa,...

Khánh xen lời:

- Tui còn nghe câu gì: “Hiếu tử nha nha....” Ai làm ơn nói tui nghe khúc đuôi. Sao hỏi hoài mà mấy người lớn chỉ cười, không chịu nói ra?

Tường:

- Họ cười là may cho mày. Tao thì tao cú đầu. Đưa đầu ra đây. Có thằng em như mày tao thiệt hết hứng thú. Nhưng mà,...người chết là hết. Còn lo cho thừa mứa làm gì, khi mà không lo yên được cho người sống? Mẹ già, em dại bơ vơ, không lo, để chờ đến chừng nào? Lời khuyên của ông thầy, rồi ra như nước đổ đầu vịt, như đàn gảy tai trâu. Bọn con không hiểu thấu được.

Anh Bốn:

- Tui mong có đứa hiểu được sớm sớm, cho bà già đỡ buồn khổ. Xứ này nói là theo thực tế, mà không thực tế. Giáo dục ở xứ mình thô sơ, mà có chỗ hay. Người mình có truyền thống hiếu đễ. Tổ tiên mình đặt ra nào đám giỗ, đám cúng dãy mả, nhà từ đường, nào con trưởng, con thứ, đám hỏi, đám cưới, làm dâu, làm rể,... thiệt là có sắp xếp sâu xa. Con cháu cứ theo đó mà sống. Càng hiểu biết, càng kính phục. Nhờ vậy, trải qua bao ly tán, chiến nạn, người trong gia đình vẫn không bỏ nhau. Dù có lưu lạc nơi tha phương, mà nghe, mà gặp người anh em họ hàng, người cùng quê quán, cũng thấy dấy lên tình lưu luyến, cũng muốn lân la, gần gũi... Nhớ những lần đi cúng dãy mả, từ sáng sớm tụ tập ở nhà từ đường, rồi kéo nhau, kẻ cuốc, người rựa, đến các khu phần mộ. Đi dọc đường đã kể cho nhau nghe về những chuyện của người sống, của người chết, kể về những liên hệ tốt xấu. Đến phần mộ, dọn cỏ, đắp đất, lại nghe kể chuyện nữa. Chuyện về người nằm dưới mộ, cùng chuyện mơ ước của chính người sống, ước muốn chết yên mồ mả, an nghỉ cạnh những ông bà thân thương, để nằm nghe con cháu đời sau, vừa dọn cỏ, vừa bàn luận về mình. Nghe rồi phù hộ cho con cháu sống an ổn, ăn nên, làm ra. Chuyện được lập đi, lập lại, năm này qua năm khác, trở thành những bài học quý giá dùng suốt đời. Ôi, dòng đời đưa đẩy mình đến đây, thấy lòng người thay đổi theo khung cảnh mới, mà ngán ngẩm.

Tường ngắt lời anh Bốn:

- Ông sao xuống tinh thần chi cho tụi em nó nản. Đúng ra, xã hội nào cũng có cái hay, cái dở của nó. Khổ là chúng ta đứng một chân ở bên này, một chân ở bên kia. Lại luôn có kẻ chọn đứng theo kiểu con dơi, khi chọn làm chim, khi chọn làm chuột, mà mưu lợi cho bản thân, mà lánh né bổn phận. Mình nói chuyện vui đi. Cũng gần về tới nhà rồi. Chú Minh, sao không thấy nói gì hết vậy? Chiều tối rồi, mở đèn lên chưa? Chạy chầm chậm thôi. Hai ngày rày ăn chay, chắc là yếu sức. Về nhà tui tẩm bổ lại cho. Bê thui hỷ. Dê xào lăn hỷ. Giò heo giả cầy hỷ,…

Minh:

- Thì tui nghe mấy ông nói. Nhớ ông bà già quá. Tối nay phải viết thư thăm ổng bả. Bậy quá, lâu nay cứ nghĩ gởi tiền về đều đặn là đủ. Đâu dè... Thiệt rắc rối.

Trong xe yên lặng. Xe lại rời xa lộ, chạy rẽ vào con đường quen thuộc, tìm đến xóm nhà có nhiều vườn cây ăn trái nhiệt đới. Khánh nhìn anh Bốn đang nhả khói, trêu ghẹo: “Tiếc quá, bà già nhứt định đem đốt mấy cái ống vố hàng hiệu, nói là hút thuốc đã hại thân ông, dù có đứa con muốn giữ lại làm kỷ vật. Tiếc quá. Anh Bốn, hỷ.”

Nguyễn Kỳ Yên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster.
Hình như ông Trump thành Tổng Thống đắc cử nhờ đa số “dân Mỹ chính gốc thầm lặng” cảm thấy họ bị bỏ quên ngay trên quê hương mình. Đó là chuyện nước Mỹ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ô ng tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Cuối tuần này, từ Thứ Sáu 11-11, là “Ngày Cựu Chiến Binh”. Mời đọc một bài viết mới của Cam Li. Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từng nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2016,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2009. Cô tên thật là Võ thị Tuý Phượng. Tên sau khi vào quốc tịch Mỹ là Võ, Crystal H., sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi đã vượt biên cùng một người anh và bà con, tới Mỹ năm 1986.
Miền Trung Việt Nam năm nay bị lũ nặng. Một phần vì ông trời cứ mưa dài dài, phần khác tại con người làm việc tắc trách vô trách nhiệm gây hậu quả vô cùng tai hại cho người dân.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến