Hôm nay,  

Bạn

23/10/201600:00:00(Xem: 11441)

Tác giả: Khánh Doãn
Bài số 4947-18-30647-vb8102316

Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.

* * *

Người Việt Nam có khái niệm khá thoáng về “bạn”. Gặp nhau vài lần là có thể rủ nhau cà phê cà pháo. Rồi “mời anh/chị ghé nhà tôi chơi”. Thế là chẳng mấy chốc trong danh sách bạn có thêm một người. Tôi có lần nói với học trò rằng người Mỹ quan niệm khác với mình về tình bạn. Với người Việt, không phải là thù thì ắt là bạn. Với người Mỹ, số bạn thường đếm trên đầu ngón tay.

Tôi với Quỳnh có vài năm trời cùng làm việc tại một văn phòng phục vụ cộng đồng Việt Nam và biết khá rõ về nhau. Công việc tôi là “điều phối viên”. Tôi dạy học, lo sổ sách giấy tờ những dự án với các đối tác bên ngoài, trả lời thư từ của họ, theo dõi tiến trình hoạt động của văn phòng. Trước đây, khi Quỳnh chưa về làm việc, tôi còn đi ra ngoài họp hành nữa, và đồng thời đi mua sắm dụng cụ văn phòng và thực phẩm cho nhân viên. Thuở ấy, ngân sách văn phòng rất eo hẹp, tôi theo nếp người quản lý cũ, không mướn người quét dọn, coi đó là nhiệm vụ của nhân viên. Có nhiều loại việc các nhân viên luân phiên làm không càu nhàu, như quét các phòng, lau bụi bàn ghế, đổ rác …

Riêng việc lau chùi nhà vệ sinh thì mọi người tự động làm rất qua loa. Nhưng đó lại là nơi hay được dùng nhất và là một tiêu chuẩn để người ngoài đánh giá trụ sở nơi chúng tôi làm việc. Cuối cùng, tôi chính là người thường xuyên lau chùi nhà vệ sinh. Mỗi lần làm việc này, tôi tự nhủ mình thật đa năng, làm công việc từ quản lý đến lau chùi! Khi Quỳnh được tuyển dụng với chức vụ “manager” thì cô lập tức đảm nhiệm chuyện đi họp và tôi chỉ ra khỏi văn phòng để đi chợ thôi! Tôi thường nói đùa: “Quỳnh là bà ngoại, chị là bà nội.”

Thỉnh thoảng có dịp cùng đi họp với nhau, Quỳnh luôn là người lái xe. Đây là dịp chúng tôi cùng nghe trên xe hai loại nhạc mà cả hai đều yêu thích: nhạc Pháp và tình ca Việt Nam. Tôi am tường nhạc Việt Nam và tiếng Pháp nên Quỳnh hỏi han đủ thứ và câu chuyện trên xe thường thú vị. Vậy mà nếu có ai hỏi: “Chị và Quỳnh là gì của nhau?” thì tôi đều nói “đồng sự”. Không có chữ “bạn” trong quan hệ của tôi với Quỳnh.

Một ngày nọ, cô giám đốc từ Virginia đến thăm văn phòng. Cô dành một buổi sáng để họp với tôi và Quỳnh. Theo yêu cầu của cô, tôi và Quỳnh lần lượt liệt kê những công việc mình làm và kết quả. Tôi nói trước, Quỳnh nói sau. Quỳnh vừa dứt lời thì cô giám đốc lập tức nói: “Quỳnh, em có thấy là cô Khánh làm quá nhiều việc không? Em làm gì để giúp cô ấy?” Quỳnh còn đang ấp úng thì cô liền trả lời dùm: “Không làm gì cả!”

Kể từ buổi họp hôm ấy, tôi mới nhận ra rằng Quỳnh quả không làm gì cả trong văn phòng. Những buổi họp thì thường lưng chừng từ giữa sáng đến giữa trưa, đủ để cô có lý do không đến văn phòng trước khi họp và không về sau khi họp! Tuy vậy, nhiều lần Quỳnh nói với tôi: “Chị sướng quá chừng, được học trò thương.” Tôi im lặng, nhận lời khen.

Quả thực, đối với tôi, dược thương là một phần thưởng lớn lao, nhưng Quỳnh không hề học bài học rằng được thương cũng phải có cái giá của nó. Hơn nữa, Quỳnh rất bình thản khi thấy tôi làm việc và không hề tỏ ý áy náy về sự nhàn hạ của mình. Vì vậy tôi không thể dùng chữ “bạn” để mô tả quan hệ của tôi với Quỳnh, dù đây là một người đồng hành với tôi nơi làm việc trong nhiều năm. Không ngờ tôi đã chịu ảnh hưởng của người Mỹ vế khái niệm “bạn”.

Tôi được chứng kiến một tình bạn ở LA Fitness, nơi tôi đến mỗi sáng. Tại đó, ở khu vực chạy bộ tôi luôn đến sau một ông già người Việt, nói giọng nam, tính tình rất xởi lởi. Ngày này qua ngày nọ, ông già luôn dùng máy thứ nhất trong dãy. Thấy tôi, ông cười tươi và chỉ vào máy thứ ba. Tôi có muốn dùng máy thứ hai cũng không được vì máy tuy trống nhưng bao giờ cũng có một chai nước để sẵn.

Từ máy số 1, ông thỉnh thoảng bắt chuyện với tôi ở máy số 3. Toàn những câu cà rỡn trống không. “Bạn trai đâu mà đi một mình dzậy?” “Ngủ quên sao giờ này mới tới?” “Cho tui số điện thoại đi, mỗi sáng tui kêu dậy cho!” Tôi chỉ cần trả lời qua loa và cười thân thiện thôi. Chừng mười lăm phút sau thì người đàn ông Việt cho máy dừng, bước sang máy có chai nước, khều tôi để chọc ghẹo thêm một câu “Sao không nói gì trơn dzậy?” Vừa lúc đó một phụ nữ trung niên người Mễ tới, thản nhiên bước lên máy số 1, miệng nói câu chào và hỏi thăm: “Good morning, sir.” “How are you feeling today, sir?” Tôi nghe người đàn ông chào lại, và nói nhỏ một điều gì đó về sức khỏe của ông, chứ không phải câu thủ tục “Im fine, thank you”. Rồi hai người im lặng đi bộ trên máy, thỉnh thoảng trao đổi một vài nhận xét ngắn gọn. Tôi thường rời máy trong khi họ vẫn còn tiếp tục.

Diễn tiến trên thoạt có vẻ bình thường, nhưng nó lập đi lập lại hết ngày này qua tháng nọ, lâu và ít thay đổi đến độ tôi thấy cái bình thường trở nên đặc biệt. Dần dà tôi hiểu ra rằng chai nước là của ông Việt dùng để giữ chỗ cho chính mình; trong khi ông dùng máy số 1 để giữ chỗ cho bà Mễ. Đôi lần ông Việt giữ chỗ nhưng bà Mễ không đến. Khi tôi chỉ vào chỗ trống, ý hỏi tại sao vắng bóng người, thì ông lắc đầu một cách phân vân. Có một lần bà Mễ đến nhưng máy số 2 không có chai nước, cũng không có người. Tôi hỏi tại sao thì bà Mễ trả lời rằng ông ấy đi bác sĩ. Một lần khác, khi ông Việt dừng máy 1, dời sang máy 2 có chai nước để bà Mễ bước lên thì tôi nghe bà nói: “Tưởng hôm nay ông không đến chớ.” Ông hẳn có thói quen báo trước những ngày ông có thể vắng mặt.

Một hôm ông Việt vui miệng tiết lộ với tôi: “Tụi tui biết nhau cả chục năm rồi đó.”

À ra vậy. Họ đích thực là bạn của nhau. Máy chung quanh không bao giờ thiếu nhưng họ vẫn giữ cái nếp chạy bộ cạnh nhau. Họ không cần nói nhiều nhưng nghe kỹ thì có sự quan tâm trong cách họ hỏi thăm nhau. Ông Việt chắc chắn có vợ vì thỉnh thoảng, trong câu chuyện của ông, tôi nghe hai chữ “my wife”. Bà Mễ chắc chắn không “còn không” vì tôi nghe ông Việt có lần hỏi “Bạn trai bà đâu rồi?” và bà chỉ vào một góc của tòa nhà, nói: “Đằng kia!”

Hôm nay tôi đến LA Fitness thì chỉ thấy bà Mễ đang chay bộ trên máy. Thấy tôi đến, bà nói liền: “Hôm nay ổng không đến. Chắc chắn bệnh rồi. Tôi lo quá chừng.” Tôi cũng rất lo; tôi không muốn chứng kiến một tình bạn mất đi vì một người không còn nữa. Chữ “bạn” đẹp là thế, nên đời tôi mà không “dắt vai” được dăm chữ bạn làm vốn thì tôi coi đó là một thất bại.

Chiều nay, như thường lệ, tôi đón một bác volunteer (đã 80 tuổi) đi dạy học với tôi. Bác trước đây học lớp quốc tịch của tôi, và sau khi đậu quốc tịch bác tình nguyện vào giúp phỏng vấn những người sắp thi. Để giúp họ đắc lực hơn, bác tiếp tục ngồi ở lớp tiếng Anh của tôi, theo đúng quan niệm rằng biết 10 dạy 1 thì dạy mới hay.

Chiều nay vừa lên xe bác đã hỏi “Sáng nay cô có lấy thực phẩm của food bank không?” Văn phòng tôi có lệ thứ tư nào cũng phát thực phẩm của Food Bank cho nhân viên và học viên. Tôi trả lời: “Dạ không, cháu thấy chen chúc với học viên kỳ quá!” Đến văn phòng, tôi vào lớp chuẩn bị dạy học thì nghe tiếng bác cằn nhằn cô nhân viển ở ngoài: “Tính cô Khánh hay giữ kẽ, chị mà không để riêng cho cổ thì cổ sẽ không lấy gì hết!” Rồi bác lục lọi sao mà cuối buổi đưa cho tôi một bịch trái cây và một bịch rau. “Nè, tui lấy cho cô đây. Không có tui là cô mất phần!” Bác kể công một cách hồn nhiên. Tôi vui vẻ nghĩ bác là học viên, là đồng nghiệp và cũng chính là bạn của mình.


Một buổi sáng cuối hè, tôi đang ngồi ở máy vi tính thì điện thoại reo. Tôi nhấc máy, nghe tiếng thì thào: “Khánh, đến nhà Hương lấy trái cây nha. Chừng nào đến được?” Đó là chị Hương. Khi nào trái cây vườn nhà chín, chị đều nhớ đến tôi. Nghe tiếng thì thào thì biết chị gọi tôi từ sở làm.

Năm 1978, khi còn ở Việt Nam, Bà Hương, con Đào và tôi (con Khánh) mới ra trường, làm thành một bộ ba mà ông hiệu trưởng gọi là “các cô nhà tập thể” với một giọng đầy ẩn ý. Các cô nhà tập thể nhiều tội lắm, nặng nhất là tội làm con cấp tá “ngụy” và con nhà văn “phản động”. Tội thứ hai là khi họp hành thì bà Hương và con Đào nói năng linh tinh, còn con Khánh không nói nhiều chỉ nhìn khinh khỉnh. Có lần sau một buổi họp, ba đứa về phòng, con Đào cười ngặt nghẽo nói: “Con Khánh chỉ nhìn thôi mà nặng kí hơn hai đứa mình nói ào ào đó bà Hương!”

Tội thứ ba là chúng tôi làm nhiều chuyện tầm bậy tầm bạ. Thí dụ, có lần ba đứa khám phá được một kho sách phế thải mà ban giám hiệu không ngó ngàng tới. Kho sách hôi mùi mốc và vừa mở cửa đã vang tiếng mọt ăn giấy rào rạo. Vốn mê sách và đói sách, ba đứa lục lọi và thấy đa số là sách tiếng Anh của Mỹ viện trợ ngày xưa. Toàn sách bìa cứng, hình ảnh nhiều và rất đẹp. Ban giám hiệu mù tịt tiếng Anh nên đã từ lâu bỏ sách vào kho và khóa trái cửa lại. Ba đứa chúng tôi lựa một số sách chưa bị mọt ăn, cất về phòng nhà tập thể, đến cuối tuần mang về “sào huyệt” ở Sài Gòn. Khi sự việc bị khám phá, cả ba đều mang tội “ăn cắp”. Có lần chúng tôi khăn gói về thăm nhà cuối tuần thì bị “các thầy nhà tập thể” (vốn đều là đoàn viên Cộng Sản) lén xét giỏ xem có quyển sách “ngụy” nào không.

Nói tóm lại, “các cô nhà tập thể” rất bị dòm ngó. Ngày ấy, bà Hương hay kêu oan bai bải. “Ban giám hiệu nói con Khánh bản chất tốt, nhưng bị ảnh hưởng xấu của tao. Lầm chết đi được! Họ có biết đâu cái miệng tao lớn, nhưng con Khánh im ỉm mới chính là lãnh đạo.” Sau này “bà” Hương bỏ nhiệm sở về Sài Gòn chờ ngày đi H.O., con Khánh bỏ nhiệm sở vì quá ngán cảnh chen lấn chầu chực ở bến xe mỗi khi về thăm nhà. Chỉ có mỗi con Đào lấy chồng Vũng Tàu và ở lại đó cho đến bây giờ, đúng như câu ca dao mà chúng tôi vẫn bảo nhau lúc mới gặp: “Đến đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây hẵng về.”

Ngày nay, tôi và chị Hương ở xứ Mỹ vẫn thỉnh thoảng gặp nhau để nói chuyện cũ rồi cười rúc rich với nhau. Tôi nhận quà chị Hương tỉnh bơ, không hề khách sáo tìm một món quà nào khác đáp lễ cho phải phép. Bạn mà!

Tôi có duyên với học đường. Học xong ở học đường này rồi bước sang học đường khác để dạy. Từ trường Trung Học Vũng Tàu nhìn ngược lại dòng đời thì thấy trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Các bạn đại học của tôi từ nhiều tỉnh đến. Tôi dân Sài Gòn mà ngày đầu tiên bước vào lớp tôi cũng bỡ ngở như dân tỉnh. Một bạn đến trước, thấy tôi ngơ ngác quá, bèn chỉ cái ghế bên cạnh, mời: “Chị ngồi đây đi.” Tôi ngồi xuống và kết ngay với người bạn thân nhất thời sinh viên của mình.

Bạn tên Ân, người gốc Huế, học trung học ở Nha Trang. Tại khóa học ấy (khóa 72-76), hai tên Khánh và Ân luôn được nhắc liền với nhau. Sau bao nhiêu mùa thi lê lết ở nhà nhau, tôi vẫn nhớ đến và cười cợt chữ “chị” lúc ban đầu. Năm ra trường, Ân nhận nhiệm sở ở Bảo Lộc, tôi bị chê thiếu “đạo đức cách mạng” ở lại sống lây lất bằng nghề dạy kèm. Những phong thư gửi cho nhau qua bưu điện đề: From: chị Hoài Ân – To: chị Kim Khánh. Ân kể ở trường Bảo Lộc các đồng nghiệp thấy vậy thường ngạc nhiên hỏi “Ủa, ai cũng làm chị, không ai chịu làm em hả?”

Chị em gì mà chẳng được, miễn là tôi đến nhà Ân lúc nào cũng được thưởng thức những món ăn Huế ngon nhất xứ! Ân qua nhà tôi thì tíu tít với chị em nhà tôi như ruột thịt trong nhà. Chị cả của tôi nấu ăn giỏi nên Ân tình nguyện đi theo bóc hành và được gọi là “dì Hành”; bạn của dì Hành (tôi) được gọi là dì Tỏi. Hai dì không mấy đảm đang trong bếp nên vui vẻ với kiếp làm gia vị. Nhưng khi ra đời thì hai dì (đều cầm tinh con ngựa) là hai kiếp ngựa khác nhau. Dì Hành là “ngựa phi đường xa”, thăng tiến ở cấp quốc tế, trong khi Dì Tỏi khiêm nhượng trong sân trường quốc nội. Tôi vui với công việc dạy học đơn thuần và lúc nào cũng ngưỡng mộ “đồng loại” trên đường đua quốc tế. Thỉnh thoảng từ Mỹ viết thư về cho bạn ở Việt Nam, tôi vẫn thường khen “ngựa phi đường xa mới xứng danh là ngựa”. Nay tôi xin hãnh diện khoe rằng bạn ngựa đang phi đường xa chính là bạn chí cốt của tôi đó.

Năm 1999, khi chuẩn bị chuyến xuất ngoại đầu tiên qua Úc để học Cao Học, tôi soạn một số hình ảnh mang theo phòng khi nhớ gia đình, nhớ bạn. Trong số đó có một hình tôi chụp với các bạn lớp 2 ở trường Petit Lycée, hai hình chụp với các bạn lớp 8 và lớp 10 ở trường Marie Curie. Thời gian khác, không gian khác, và các khuôn mặt khác. Duy khuôn mặt của bạn Bạch Trúc hiện diện ở mọi thời gian nơi hai mái trường ấy.

Năm lớp 2, bạn Trúc cắt tóc bum bê vuông chành, không đứng thẳng thớm như những học sinh khác mà vặn hai tay vào với nhau, quay lại nói chuyện với bạn đứng bên cạnh. Năm lớp 7, bạn Trúc đã nhổ giò, đứng trong hàng cuối cùng dành cho những học sinh cao của lớp, miệng cười toe toét. Năm lớp 8 bạn vẫn đứng ở hàng cuối cùng vì vẫn cao (dĩ nhiên), nhưng không hiểu sao mặt lại quạu đeo. Còn một đợt hình nữa, Trúc ta đã thành thiếu nữ, dáng người cao và mảnh khảnh, tay ôm sách vở, đang bước đi trong sân trường. Tôi đoán chừng (đoán đại) hình chụp vào thời điểm nàng mới biết yêu lần đầu. Như thế đấy, tình bạn của tôi và Trúc có “chiều dài lịch sử” (từ lớp 2 đến lớp 12) và vượt qua thử thách của không gian (bây giờ chúng tôi vẫn liên lạc với nhau từ Hòa Lan và Mỹ.)

Thuở còn con nít, tôi là đứa bạn “kỳ cục” của Trúc vì là dân “Bắc kỳ”. Ba má Trúc “Nam rặc”, chắc tự hỏi tại sao con mình không chơi với người “Dziệc” mà lại chơi với người Bắc! Nam Bắc “chỏi” nhau nhiều chuyện tức cười mà bạn Trúc của tôi vẫn nhớ và thường kể lại trong những bức thư Hòa Lan. Dưới đây là hai thí dụ:

“Hồi đó, buổi chiều tan học sớm, 2-3 giờ, Khánh hay rủ Trúc ghé nhà chơi, Trúc hay hỏi "có gì ăn hông?". Có lần Khánh nói "Có bánh mì", Trúc hỏi "bánh mì ăn với gì", Khánh bảo "ăn với ruốc", Trúc nói "ai ăn bánh mì với mắm ruốc", Khánh nói "không phải mắm ruốc, ruốc". Về đến nhà, Khánh đưa ra, Trúc mới la lên "thịt chà bông mà biểu là ruốc".

“Có lần trong khi đang học, lớp Terminal hay sao, 2 đứa mình cãi nhau, Trúc đã im rồi mà Khánh cứ nhỏ to nói hoài, Trúc bực quá quay qua biểu Khánh "nín đi", Khánh tỉnh bơ nói "khóc đâu mà nín", làm Trúc vừa quê vừa tức cười. Nhớ hoài.”

Điều thú vị nhất là Trúc cuối cùng lấy chồng “Bắc kỳ” và hình như đang bị “Bắc kỳ hóa”. Trong khi đó, bồ tèo của tôi là một anh “Nam kỳ” và chất Bắc của tôi đang nhạt nhòa dần. Thảo nào mà tôi và Trúc cứ thân nhau hoài. Đã thế, Trúc không chỉ chơi với tôi mà chơi với cả gia đình tôi, và ngược lại. Năm ngoái chị Hai tôi du lịch qua Hòa Lan, xúc động vì được vợ chồng Trúc tiếp đón quá chân tình. Còn Trúc thì than là nhớ chị cả tuần lễ sau khi chị về. Nhờ Trúc tôi hiểu rằng tấm lòng của một người bạn chân thực bao la, không giới hạn.

Nay tôi ôn lại hình ảnh những người bạn trong đời mình thì thấy không ai giống ai hết. Làm sao dịnh nghĩa được chữ bạn đây? Chỉ biết là đời mình có nhiều bạn thì như vườn hoa có nhiều màu sắc.

Cám ơn các bạn của tôi.

Khánh Doãn

Ý kiến bạn đọc
24/10/201604:09:25
Khách
Bạn Một đề tài thật là lớn. Thật bao là bát ngát. Vậy mà tác giả viết rất là thoải mái , duyên dáng và rất dễ thương .
Nếu bạn là một từ viết hoa thì Bạn không thế nào để chỉ cho "bà ngoại" của người viết bài này.Chính xác chỉ là đồng nghiệp. Người để chai nước giữ chỗ cho người đàn bà Mễ ở LA Fitness nếu gọi là bạn thì cũng hơi gượng gạo ? Bạn là giữa "các cô nhà tập thể"; bạn là giữa cô Khánh với cô An và cô Trúc....
Có câu nói "Hăy nói cho tôi biết bạn anh là ai tôi sẻ cho anh biết anh là người như thế nào" Ông bà mình hay khuyên chọn bạn mà chơi có lẽ vì vậy.
Như vậy quan niệm bạn theo người Mỹ là đúng nhất.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,328,501
Tác giả cho biết Bà đã từng có bài dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2011. Sau 5 năm ngưng viết, Bà gửi thêm một truyện ngắn mới viết.
Tác giả cư trú tại Davis, CA, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ, với nhiều bài viết kể chuyện đi học, đi làm, đi thực tập làm giảng viên trong ngành thẩm mỹ tại trường Sacramento City College,
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Ông nguyên là một sĩ quan QLVNCH, một chuyên viên về hưu, đang định cư ở Orange County.
Tác giả là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012,
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu, cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến