Hôm nay,  

Viết Cho Gái-Tuổi-Dần

29/09/201600:00:00(Xem: 15632)

Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 4929-18-30629-vb5092916

Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.

* * *

Chẳng biết từ bao giờ người Việt mình thường gán cho gái-tuổi-Dần là cao số. Không ít kẻ ác miệng cho rằng đàn ông lấy vợ tuổi Dần có ngày bị “cọp vồ”. Chết sớm! Họ bảo đây là cái tuổi cần phải tránh xa (?).

Cô Út, em ruột của ba tôi cũng tuổi Dần. Cô lớn hơn tôi hai con giáp. Kể ra thì cô cũng khá lận đận chuyện tình duyên. Cũng chính vì nhìn tấm gương của cô mình mà từ lúc nhỏ tôi đã mang mặc cảm sanh ra làm thân gái-tuổi-Dần!

*

Cô Út tôi là con của một gia đình nhà buôn giàu có khá nổi tiếng trong vùng Chợ Lớn.

Ngoài hai mươi tuổi ông bà Nội tôi đã giao cho cô một cửa hàng để tự điều hành việc buôn bán. Cô tôi đẹp sắc nước hương trời không thua gì các Hoa Hậu hay Á Hậu thời nay. Cô là cành vàng lá ngọc được bọc trong nhung lụa từ nhỏ đến lớn nên mỗi bước đi đều có kẻ hầu người hạ, chẳng khác gì thiên kim tiểu thơ trong các danh gia thời xưa. Cô tôi đẹp và tài giỏi thế nhưng ông trời đúng là khéo ghen ghét phận má hồng! Biết bao nhiêu ong bướm dập dìu, biết bao nhiêu đấng mày râu theo đuổi, vậy mà trớ trêu thay trong vô số những trang nam nhi ấy cô tôi đã không hề để mắt đến một ai cả. Họ bị cô tôi chê nghèo, chê ốm, chê mập, chê lùn, chê xấu, chê ít học, chê nói nhiều, chê kém xã giao … Nói chung là cô tôi chả thấy ưng ý bất kỳ thanh niên nào lai vãng chung quanh mình.

Cũng đúng thôi vì những “quý cô thành đạt” thường hay kén chồng cho xứng đôi vừa lứa để nhàn nhã tấm thân sau này. Nhưng thật oái oăm thay cuối cùng cô tôi lại yêu một người đàn ông đã có gia đình và lớn hơn cô mười ba tuổi!

Cuộc tình của hai người ban đầu chỉ là vụng trộm, nhưng đâu có việc gì che được mắt thế gian và miệng đời nên cuối cùng thì … ai cũng biết! Họ còn bảo rằng người đàn ông mà cô tôi trót yêu thương là tay lão luyện tình trường; nên việc cưa đổ cô Út tôi cũng không khó khăn gì. Chỉ thương cho ông bà Nội tôi gia tài có cô con gái Út, giỏi giang dường ấy, đẹp đẻ dường ấy mà lại mang tiếng đi làm vợ bé người ta!

Thật sự ra người đàn ông đó cũng không đến nổi … quá tệ! Nghe nói ông từng có thời gian sang Pháp học nghề làm mỹ nghệ. Sau đó ông về nước mở cơ sở sản xuất, tình cờ quen biết cô tôi rồi hợp tác kinh doanh. Có lẽ cô tôi bị hút hồn vì cái “mác” đi Tây và nói tiếng Pháp như gió của ông! Ông biết cách tán tỉnh phụ nữ theo kiểu lãng mạn của Châu Âu, biết ga lăng với phái đẹp theo phong cách cổ điển của dân Paris. Mỗi ngày cô tôi chỉ tiếp xúc với nhưng người đàn ông thuộc típ dân-buôn-bán, họ chỉ chạy theo đồng tiền và chẳng bao giờ biết thốt những câu bay bổng với cô. Do vậy, khi gặp một người đàn ông đầy sức hút, đầy “phong độ”, đầy kinh nghiệm như thế thì cô tôi mê mẩn.

Từ chỗ là bạn bè trên thương trường họ đã bước vào đời nhau qua chiếc chìa khoá của cái két sắt. Do đó tình yêu của hai người càng thêm bền vững vì nó được gắn liền với tiền bạc, danh vọng và địa vị! Đó là thời điểm của năm 1962 lúc đó cô tôi vừa tròn 24 tuổi!

Những người có tiền họ biết dùng đồng tiền để mua lấy hạnh phúc và sự bình an cho mình. Cô tôi và ông ta cũng thế! Ông đã có vợ con và một mái gia đình khá hoàn hảo, ông luôn làm tròn trách nhiệm của một người chồng, một người cha và biết chu toàn mọi thứ để vun vén cho tổ ấm của mình.

Trong khi đó vợ ông là mẫu phụ nữ tề gia nội trợ chỉ biết chăm sóc chồng con và không cần biết đến công việc kinh doanh của chồng. Bà chỉ biết rằng khi về đến nhà ông là của bà! Bà nghĩ đơn giản thế nên chỉ dốc tâm lo cho con cái ăn học nên người và phụng dưỡng mẹ chồng luôn đau ốm. Thử hỏi có được một hiền thê như thế thì ông kiếm đâu ra người đàn bà nào khác không ít nhiều mang tính Hoạn Thư! Hoặc giả nếu có ghen tuông đi chăng nữa thì vợ ông cũng đủ thông minh để biết rằng sau lưng bà là ba đứa con và sự hậu thuẫn rất lớn của đại gia đình chồng. Lá rụng về cội. Người xưa vẫn thường nói thế! Mà đúng thật vậy, đi đâu thì đi nhưng khi bước chân về đến nhà thì đối với ông, vợ con vẫn là trên hết. Người tình thì muôn đời vẫn chỉ ở vị trí của người tình!

Nhưng kể ra cô tôi cũng khá may mắn vì không phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ bị vợ lớn đánh ghen như bao người đàn bà đã trót lỡ yêu-chồng-người-ta! Bù lại, cô tôi lúc nào cũng lo trau chuốt vẻ bề ngoài của mình một cách tối đa. Dù đã đẹp sẵn nhưng cô vẫn sợ xấu, sợ già, sợ tàn phai nhan sắc nên cô quyết định không sinh con để giữ cho mình lúc nào cũng thật hoàn hảo dưới mắt của ai kia.

Đây không biết có phải là do ý nguyện của cô Út tôi hay do người đàn ông một vợ - ba con đó đã biết cách đánh trúng vào “yếu điểm” của kẻ lụy tình. Ông “đầu độc” cô tôi bằng cách cho rằng nếu có con phụ nữ dễ bị hư phọt, xồ xề, kém xinh, mau già để ông khỏi phải gánh trách nhiệm dây dưa sau này! Thế là mặc cho mọi người khuyên bảo nhưng cô Út tôi vẫn nhất quyết không chịu có con. Dù đó là một đứa con cho riêng mình!

Ngày còn nhỏ bọn con gái cỡ tuổi tôi rất mê búp bê. Thường chúng tôi có hai con búp bê để thay đổi. Một con thì thường lắm lem, bụi đời vì lúc nào cũng được bọn tôi kè kè bên mình mọi lúc mọi nơi; kể cả lúc ngủ cũng ôm trong lòng, chẳng muốn rời xa. Nó như một người bạn tri kỷ, chia xẻ với chúng tôi mọi nổi vui buồn. Còn một con khác thì đẹp hơn, lộng lẫy hơn nhưng bọn tôi chỉ thích chơi trong ít phút rồi lại cất vào tủ kính ngay. Con búp bê xinh đẹp đó chủ yếu chỉ để ngắm nhìn và khoe với chúng bạn mà thôi. Cô Út tôi cũng chẳng khác gì con búp bê trong chiếc tủ kính ấy vậy!

*

blank
Buổi chia chia tay chấm dứt đời học sinh.

Sau cuộc đổi đời năm 1975, cô tôi vẫn “sống khỏe” với gian hàng buôn bán trong Chợ Bình Tây; mặc dù trước đó cô cũng bị đánh Tư Sản Mại Bản! Nhưng chẳng hề gì. Cô tôi sanh ra có sẵn máu-buôn-bán trong người nên thời nào cô cũng biết cách xoay ra tiền rất giỏi.

Trong khi nhiều gia đình bửa đói bửa no; phải ăn bo bo, lúa mì sống qua ngày thì cô Út tôi vẫn quần là áo lượt, vẫn đài các quyến rũ mặc dù lúc đó cô cũng đã gần 40. Công việc kinh doanh của người-cô-tôi-yêu không còn được như trước nên nghe đâu cô phải giúp đỡ ông khá nhiều về mặt tài chính. Ngoài một gian hàng buôn bán trong chợ, một căn nhà mặt tiền gần chợ, cô tôi còn sở hữu một số đất đai và một căn biệt thự đẹp như mơ ở Thủ Đức. Tôi có đến đó chơi mấy lần, đặc biệt nhất là vào năm 1986, nhân dịp ăn mừng con của người-tình-cô-tôi tốt nghiệp Bác Sĩ được tổ chức tiệc tại đây.

Con gái của ông ta, cũng bằng tuổi tôi, đã mạnh dạn giới thiệu cô Út với bạn bè là em-gái-của-ba-mình, xem chừng nàng vô cùng hãnh diện khi dẫn mọi người đi thăm khu vườn đầy hoa kiểng và cây ăn trái của cô. Tôi thấy thương cô mình, cô đang đóng vai một bà dì ghẻ tốt bụng để được lòng người yêu! Tình cảm cô dành cho ông thật lớn, không thể đong đếm được, cô đã cho ông hết tuổi xuân của người con gái còn không hề tiếc thì há gì một danh xưng với đời. Gia đình ông cũng xem cô tôi là người-trong-nhà; có lẽ họ không ghét bỏ gì cô cả, vả chăng đó là sự tội nghiệp thì đúng hơn.

Chồng của người ta chỉ đến với cô tôi khi ông… thấy cần. Mà mỗi lần ông đến thăm thì được cô tôi đón tiếp như thượng khách, mọi thứ đều phải thật tươm tất từ ngoài ngõ cho đến trong phòng ngủ của cô. Có dịp chứng kiến mấy người giúp việc chạy lăng xăng dọn dẹp, quét tước, chuẩn bị các thứ tôi mới tự hỏi tại sao người đàn ông này thật đại phước đến thế. Vậy mà ông đến với cô tôi chỉ một ngày hay một buổi là tối phải về với vợ con ngay.

Cái giá làm người tình của cô tôi không qua được một đêm! Nhìn cô mà tôi không khỏi xót xa, chợt nghĩ mà lo cho thân phận gái-tuổi-Dần của mình biết bao!

Rồi cũng đến ngày tôi khôn lớn, trưởng thành và cần có một bờ vai để nương tựa.

Tôi đã chia tay tình đầu của mình sau năm năm yêu nhau với biết bao kỷ niệm ngọt ngào của thời sinh viên. Năm đó tôi đã 26. Tôi tuổi Dần. Tôi cao số. Đó là những nổi ám ảnh hằn sâu trong tôi suốt cả thời hoa mộng. Sau lần chia tay đó tôi chỉ muốn “ở vậy luôn” cho rồi. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã lên xe hoa ở tuổi 28 (may là chưa qua tuổi băm như người ta đã phán)!

Gần hai năm sau ngày cưới thì chồng tôi phải lên đường đi Mỹ định cư và mãi cho đến tám năm sau cả nhà mới được đoàn tụ tại xứ sở cờ hoa này. Trong thời gian tám năm dài đăng đẳng đó chúng tôi nào được như Ngưu Lang Chức Nữ, gặp nhau mỗi độ tháng Bảy mưa ngâu do ô thước bắt cầu! Mẹ tôi cứ an ủi rằng số tuổi Dần có xa nhau như vậy thì vợ chồng mới ăn đời ở kiếp được con à. Lúc đó tôi cứ phân vân tự hỏi không biết số mình có “ở kiếp” với chồng không. Bởi xa mặt sợ sẽ cách lòng!

Trong thời gian tám năm chờ chồng, nhìn chung quanh mình thấy các đồng nghiệp nữ kém tôi một con giáp sau khi kết hôn ít năm hầu như đều “đường ai nấy đi”. Tôi lại suy gẫm lời người ta phán về gái-tuổi-Dần mà thấy cũng có phần khá đúng! Nhưng còn đám bạn năm xưa của tôi thì sao? Bầy “cọp nữ” dưới mái trường Gia Long năm nào giờ đã tan tác khắp nơi. Tôi đã hoàn toàn mất liên lạc với tất cả bạn bè mình từ sau lần chia tay chấm dứt thời trung học. Chẳng biết chuyện hôn nhân của họ có khá hơn tôi chút nào không?!

Một ngày tháng hai của năm 2014 do hết sức tình cờ mà tôi đã tìm được đám bạn năm xưa trên mạng internet toàn cầu. Bạn bè tôi giờ đang sống rải rác khắp bốn phương trời; nhiều người đã có cháu Nội, cháu Ngoại và có học vị, địa vị cao trong xã hội cùng những thành tựu đáng kể trong cuộc sống. Đặc biệt hơn hết là trường hợp của một cô bạn như sau: nàng đi vượt biên năm lớp Mười và đến Mỹ khi mới 16 tuổi. Sau 38 năm định cư ở xứ người bạn tôi đã có trong tay hai mảnh bằng Cao Học về Điện và Điện Toán. Tuy nhiên, với niềm đam mê học hỏi và hoài bão được phụng sự nhân sinh nên nàng đã tiếp tục theo đuổi giấc mộng Y Khoa. Được sự đồng hành và ủng hộ hết mình của chồng con cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, cô bạn tôi sẽ tốt nghiệp Bác Sĩ chuyên ngành Thần Kinh ở tuổi 54 trong vài tháng tới đây! Tôi thật sự khâm phục tấm gương hiếu học của bạn biết bao!

Tuy nhiên, điều quan trọng mà tôi muốn đề cập đến là đa số những bạn bè tôi đều có một cuộc hôn nhân khá viên mãn. Nhiều người đã lập gia đình ở tuổi đôi mươi nhưng cũng có kẻ lấy chồng khi bước qua tuổi 30, thậm chí gần 40. Có một vài người đổ vỡ chuyện hôn nhân, nhưng nhìn chung họ đều khá hạnh phúc. Cũng từ cuộc gặp gỡ sau hơn ba mươi năm này mà tôi bắt đầu có cái nhìn khác xưa về gái-tuổi-Dần!

Góp nhặt từ những mẫu chuyện của bạn bè kể lại, tôi được biết họ cũng gặp khá nhiều thành kiến của gia đình chồng trước khi lập gia đình. Nhỏ bạn thân của tôi tâm sự rằng trước đám cưới má chồng cô có đi xem bói, thầy quả quyết rằng gái Dần lấy trai Hợi đi vượt biên là mất mạng! Nhưng có lẻ tình yêu của họ lớn hơn nổi sợ nên cuối cùng má chồng cũng phải bấm bụng cho cả hai cùng xuống tàu … ra khơi! Kết quả là giờ đây họ đang định cư tại Canada sau hơn ba mươi năm tình nghĩa vợ chồng hạnh phúc tràn đầy.

Cũng có người đã gặp không ít những mâu thuẫn tưởng chừng không thể vượt qua trong mấy năm đầu chung sống. Nhưng sau đó với tình yêu họ đã buông bỏ được cái chấp ngã của mình để tiếp tục chung sống đến nay!

Tôi đang định cư tại một đất nước mà tỷ lệ ly hôn luôn đứng hàng đầu thế giới! Chỉ tính riêng tại hãng tôi trung bình cứ mười người phụ nữ thì có khoảng sáu hay bảy người là kết hôn lần hai hoặc đang sống chung mà không cần giấy giá thú, mặc dù họ đã có con cái đùm với nhau.

Mười năm trước tôi cũng có dịp quen với một người phụ nữ da trắng sắp kết hôn lần thứ năm ở tuổi 55. Chẳng biết đó có phải là “tình cuối” của bà không nhưng tôi biết chắc một điều rằng bà không phải là gái-tuổi-Dần!

Khi quyết định đi đến hôn nhân ai cũng mong được sống với người mình yêu đến “trăm năm”; nhưng đời-không-như-là-mơ nên cuối cùng họ phải chia tay ở một ngã rẻ để đường ai nấy đi. Đó là những chuyện hết sức bình thường đang xẩy ra hằng ngày ở bất kỳ quốc gia nào, với bất kỳ người phụ nữ nào trong xã hội mà không riêng gì tại Mỹ hay Việt nam!

*

blank
Trùng phùng sau 35 năm “lưu lạc” tại Toronto, 2015.

Những suy nghĩ của mỗi người luôn thay đổi theo thời gian. Từ lúc hiểu đời tôi đã thôi không còn dám phán xét những con người và những tình huống xảy ra chung quanh mình nữa.

Giờ nhìn lại cô mình, tôi lại thấy cô đã sống một cuộc đời hết sức an lạc, thong dong. Tôi chưa từng bao giờ thấy cô buồn khổ hay than thân trách phận. Đúng thế! Có hàng tỷ phụ nữ đang sống trong cảnh lầm than thiếu thốn, suốt đời cực khổ vì chồng vì con; và cũng vì chồng, vì con mà đôi khi họ phải tạo ra biết bao tội tày trời để rồi khi nằm xuống cũng chỉ với hai bàn tay trắng và một gánh ác nghiệp đem theo. Nếu đem so sánh với họ thì cô tôi quả là sướng hơn vạn lần! Không chồng, không con nhưng tâm từ của cô thì luôn rộng lớn. Cô đã cưu mang nhiều đứa cháu của mình, đùm bọc những mảnh đời bất hạnh, năng thực hành hạnh bố thí…

Bên cạnh đó cô Út tôi là một người con chí hiếu, cô đã phụng dưỡng ông bà Nội tôi thật chu đáo, từ vật chất đến tinh thần cho đến ngày hai người lần lượt cỡi hạt quy tiên ở tuổi ngoài 90. Cô Út tôi đã gieo nhiều hạt giống lành ở kiếp này nên tôi tin rằng cô sẽ gặt hái những quả ngọt cho đời sau. Tôi cũng tình cờ được biết thêm chi tiết rằng nàng Bác Sĩ con của người-tình-cô-tôi, cho đến bây giờ cũng đã chọn cuộc sống độc thân không chồng, không con như cô Út tôi vậy!!!

Ở tuổi gần 80, cô Út tôi đã đi gần hết bên kia con dốc của đời mình; còn tôi thì cũng đang đến tuổi “tri thiên mệnh”. Nhìn lại đời cô mình, đời mình, đời đám bạn mình và đời những người phụ nữ sống quanh mình tôi thấy không có tuổi nào khổ và cũng chẳng có tuổi nào là sướng cả! Nhiều người khổ vì không chồng, có kẻ khổ vì lắm chồng; nhưng có một ông chồng cũng chưa chắc đã hạnh phúc.

Nhiều người khổ vì không con, có kẻ khổ vì đông con; nhưng chỉ một vài đứa con thôi mà lắm người cũng khổ suốt đời. Trái lại có nhiều phụ nữ đang sống trong một mái gia đình êm ấm nhưng tâm cứ bất an, cứ luôn cho rằng những bông hoa trong sân vườn nhà người mới thật sự rực rỡ. Và thế là họ thấy khổ. Vả chăng chỉ khi nào được thật sự sống với “cái biết” của mình thì con người mới hết khổ!

Cách đây ít tuần tôi có dịp đưa cô bạn thân hồi thời Trung học, từ Việt Nam sang chơi, đến viếng The Sixth Floor Museum tại khu trung tâm của thành phố Dallas. Đây là bảo tàng tưởng niệm nơi cố Tổng Thống John F. Kennedy bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963, nó còn có một cái tên khác nữa là Dealey Plaza. Tôi đã đến đây hai lần và cả hai lần đều nguyên vẹn một cảm xúc. Thương tiếc cho vị Tổng Thống trẻ tài hoa thì ít mà cám cảnh cho Đệ Nhất Phu Nhân của nước Mỹ thì nhiều hơn.

Chỉ vài phút trước khi Tổng Thống bị ám sát thì vợ ông luôn là người phụ nữ được cả thế giới ca tụng như một biểu tượng của sắc đẹp và tài năng. Nhìn bà ngồi song đôi bên chồng trên chiếc limousine mui trần trong bộ cánh màu hồng hạnh phúc thì ai ai cũng phải trầm trồ, tán thưởng vẻ rạng ngời của bà.

Nhưng rồi chỉ vỏn vẹn vài ngày sau đó, với chiếc váy màu đen tang tóc, bà đã đi chân trần cùng hai con theo sau linh cửu của chồng với những suy sụp tinh thần không gì sánh nổi. Thế mới biết vinh quang và hạnh phúc của đời người thật phù du, thật chóng vánh nhanh như lằn đi của một viên đạn! Kết hôn hai lần và làm goá phụ hai lần Jacqueline Lee Bouvier Kennedy Onassis đã giã từ cõi đời ở tuổi 65 (1929-1994) với không ít những thăng trầm, lận đận trong tình duyên.

Ngày còn ở cương vị phu nhân của Tổng Thống Hoa Kỳ bà đã được người đời tán dương không tiếc lời, nhưng đến lúc trở thành vợ của ông Vua tàu thuyền Hy Lạp thì bà đã phải gánh chịu biết bao lời chỉ trích rất nặng nề của cả nước Mỹ! Tôi cứ tự hỏi lòng rằng là một người phụ nữ với đầy đủ tất cả: địa vị, quyền lực, danh vọng, sắc đẹp và tài năng như thế nhưng chẳng biết bà có thật sự hạnh phúc không?

...

Rất may là thế kỷ 21 này đã làm thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người Việt Nam. Theo dõi các diễn đàn của những bạn trẻ ở bên nhà, nhìn chung tôi thấy họ đã vượt qua được những rào cản mà bao thế hệ trước đã mặc định cho gái-tuổi-Dần. Họ đã nhận ra được rằng tuổi Dần cũng chỉ là một cái tuổi trong mười hai con giáp mà người xưa đã nghĩ ra để rồi đong do, tính toán, gán ghép hết sức tinh vi.

Một điều khá quan trọng mà các cô gái trẻ nên biết rằng: chúng ta không thể thay đổi được ngày, tháng, năm sinh của mình nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được vận mệnh đời mình! Thay vì ngồi đó than trời, trách đất chờ người ta ban bố cho mình hạnh phúc thì chi bằng chúng ta hãy tập sống tích cực để tự đem niềm vui đến cho mình và những người đang sống chung quanh mình.

Chỉ với sự hiểu biết và lòng yêu thương thì những người-mẹ-của-thế-giới mới có thể đưa được mình, gia đình mình và nhân loại này đi qua bể khổ đau.

Đầu Thu 2016

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
04/10/201603:13:38
Khách
Xin chân thành cám ơn những góp ý đầy chân tình của các đọc giả đã dành cho người viết lẫn bài viết này. Đây cũng là niềm khích lệ rất sâu sắc cho tất cả những ai đang tham gia mục VVNM.

Riêng với Vũ Thị Như Hoa, cô bạn Bắc Kỳ hay ngồi cạnh Trần Thanh Nga giờ đang định cư tại Ý, ta vẫn còn nhớ nhỏ từ khuôn mặt cho đến giọng nói và nụ cười mặc dù đã gần 40 đã trôi qua. Hãy nhắn tin cho ta qua số 214-463-3979. Mong tin.
03/10/201608:51:00
Khách
Tác giả Nguyễn Bích Thủy viết về người con gái tuổi dần với lời văn mạch lạc nhẹ nhàng, một chút đăng đắng thoáng qua nhưng kết luận rất ngọt ngào và trí huệ.
Văn hóa Việt Nam rất tàn nhẫn với người con gái tuổi dần và với con gái tuổi thân.Lẽ dĩ nhiên không khoa học vì đây là một sự thống kê què quặt nhưng ảnh hưởng rất nhiều người con gái tuổi dần, chúng tôi có người bạn gái thân thiết,tài đức song toàn có người làm lễ đính hôn rồi lại huỷ bỏ vì lý do tuổi dần. Văn hóa xứ mình kỳ cục lắm, bị sét đánh chết thì cho là ăn ở gian ác nên bị trời đánh, vì không đẹp đẽ nên chịu khó trang điểm thì nói xấu hay làm tốt.....
Tôi hoàn toàn đồng ý với sự kết luận của người con gái tuổi dẫn của bài viết này và mong rằng sẽ có rất nhiều người đọc bài viết này để nâng cao trí tuệ và nhìn cuộc đời rõ rằng đúng đắn hơn
"Một điều khá quan trọng mà các cô gái trẻ nên biết rằng: chúng ta không thể thay đổi được ngày, tháng, năm sinh của mình nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được vận mệnh đời mình! Thay vì ngồi đó than trời, trách đất chờ người ta ban bố cho mình hạnh phúc thì chi bằng chúng ta hãy tập sống tích cực để tự đem niềm vui đến cho mình và những người đang sống chung quanh mình."

Chỉ với sự hiểu biết và lòng yêu thương thì những người-mẹ-của-thế-giới mới có thể đưa được mình, gia đình mình và nhân loại này đi qua bể khổ đau.
02/10/201623:17:26
Khách
Bích Thủy ơi,
Mình cũng cùng năm tuổi với bạn và cũng học ở Gia Long nhưng rời Việt Nam năm 1978, lớp 11. Hồi vào Gia Long mình học lớp Sáu 12, cũng có người bạn cùng lớp lúc đó tên Bích Thủy, không biết có phải là bạn không? Nếu có thể được thì liên lạc với mình nhé.
Cám ơn bạn nhiều.
02/10/201600:26:43
Khách
Kết luận của tác giả đã nói lên được sự nhận định về Nhân Sinh Quan, sức mạnh của ý chí (puissant de volonte), một cách đứng đắn hầu đưa đến sự thành công mặc dù sinh vào tuổi Dần.

Cám ơn tác giả và chúc tác giả được nhiều may mắn và hạnh phúc.
30/09/201621:58:32
Khách
Thời đại ngày nay không cần đàn ông,người phụ nữ vẫn tự mình làm mẹ đơn thân,vẵn xinh đẹp tài giỏi mà XH vẫn ca ngợi!Thật tiếc cho những quan niệm cổ hủ đã làm khổ biết bao thế hệ phụ nữ VN.Mà có một điều mà mọi người bỏ quên,tuổi dần đa số đi kèm tài năng thiên bẩm!Bài viết hay đã dễ dàng len vào lòng mọi người qua hình ảnh bà cô út của tg,cũng cầu chúc bà cuối đời được thân tâm an lạc.
29/09/201623:28:52
Khách
Qua hay




Qua hay
29/09/201621:00:47
Khách
Một bài viết hay. Và cũng có một nhận xét rằng lời văn trong bài viết cho thấy dù phải sống 22 năm dưới sự cai trị của quân chiếm đóng, tuy nhiên sự giáo dục của miền Nam tại học đường trong 8 năm đã không bị gột rửa trong tác giả . Thật đáng ngợi khen cho người cựu học sinh Gia Long .

Xin cho góp một ý kiến nhỏ là " gái tuổi Dần cao số" chỉ là một câu nói chung chung mà thôi. Nó tương tợ như những bài Đoán Vận Mệnh hàng năm đăng trong các báo xuân. Trúng, trật chỉ là sự tình cờ . Chớ còn muốn biết chuyện tương lai thì phải xét lá số riêng của mỗi cá nhân .
29/09/201620:54:13
Khách
Tuổi nào cũng có lận đận ly dị, không nhất thiết phải là tuổi Dần.
Hai vợ chồng nghệ sĩ hài tuổi mà người nói "Tứ Hành Xung" là Quang Minh (tuổi Kỷ Hợi), và Hồng Đào (tuổi Nhâm Dần), vẫn ở bên nhau hạnh phúc cho tới bây giờ.
29/09/201619:44:29
Khách
Cô N Bích Thuỷ sống ở quê hương khá lâu sau biến cố 75 nhưng văn chương cô viết thật trong sáng gẫy gọn không chút ảnh hưởng bởi ngôn từ thời đại. Tôi cũng có cái thành kiến về người con gái tuổi dần nhưng sau khi đọc bài này thì đã nghĩ khác! Tôi viết những dòng chữ này vì muốn cảm ơn cô cho tôi đọc một câu chuyện hay với lời văn giản dị, mạch lạc và nhất là thông điệp đã thay đổi được cái ý tưởng dị đoan bảo thủ của tôi. Chúc cô nhiều may mắn
29/09/201617:16:16
Khách
Các thế hệ trước, nhiều cha mẹ ngăn cản tình duyên của con vì tin tưởng hai tuổi 'kỵ nhau = xung khắc'. mà tuổi Dần chỉ là một trong nhiều điều. Chương 'Khác Biệt về Chu Kỳ 60 Năm của Người Việt và Người Tầu' trong "Tiếng Việt Đáng Yêu" có phân tích rõ.
Việt ngăn cản vì 'Tứ Hành Xung'; Dần Thân Tị Hợi - Tí Ngọ Mẹo Dậu - Thìn Tuất Sửu Mùi.
Tầu ngăn cản vì (1) cả hai cùng tuổi Dương hay cùng tuổi Âm (Yáng - Yin) (2) vì khác nhau do ngũ chất Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ. Kim /| (khắc) Mộc, Mộc /| Thổ, Thổ /| Thủy, Thủy /| Hỏa, Hỏa /| Kim.
Rất tiếc tôi không thể phân tích nhiều hơn ở đây. Tôi chỉ phân tích người xưa tin như thế. Đừng hiểu lầm tôi khuyên quý vị tin những điều này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,979,569
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến