Hôm nay,  

Động Đất Ở Virginia

20/09/201600:00:00(Xem: 13593)

Tác giả: Phạm Thành Châu
Bài số 4923-18-30623-vb3092016

Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật trong ba tập truyện của Phạm Thành Châu đã xuất bản, phải kêu là tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế. Sau đây là một chuyện kể của tác giả.

* * *

Tôi xin kể một chuyện vui có thật, nhưng chỉ thật một nửa. Chuyện động đất ở Virginia vào trưa ngày 23 tháng 8 năm 2011 (5.8 độ Richter) là có thật, còn hai nhân vật trong truyện làm gì với nhau trong nhà đóng cửa thì làm sao biết được. Tôi chỉ nghe nhân vật "nam" kể lại mà viết ra đây thôi.

Chuyện như thế nầy. Có một anh chàng, tên Dũng, khoảng hơn bốn mươi tuổi, độc thân, có việc làm ổn định, cư ngụ tại tiểu bang California, miền tây Hoa Kỳ. Anh ta độc thân vì bị vợ bỏ hay bỏ vợ gì đó, không ai hiểu, nhưng trong những lúc chuyện trò với bạn bè, anh ta coi bộ sợ lòng dạ đàn bà "Bề ngoài, cách đối xử tưởng chừng là một người đàn bà đoan chính, không ngờ sự thực là một kẻ phản trắc vô lương tâm. Tôi kinh sợ họ. Nhưng vì tôi là người bình thường nên cũng cần đàn bà, miễn là đừng nghĩ đến chuyện sống với nhau lâu dài."

Anh chàng Dũng là người khỏe mạnh, cao ráo, đẹp trai nên quen biết với nhiều bà. Nhiều đến độ các bà chạm mặt nhau là háy, nguýt, xỏ xiên đôi khi chửi nhau vì ghen tuông. Về sau, vì bị các bà tìm đến làm phiền nhiều quá và sợ có hại cho sức khỏe nên anh ta đổi số điện thoại, đổi địa chỉ, tự coi như mất tích. Nhưng không gặp các bà thì lại buồn, thế nên anh ta thường gọi đến bạn bè để chuyện trò. Trong số bạn đó, có một bà chủ tiệm làm móng tay (nail) ở tiểu bang Virginia. Vì thân nhau từ thời tiểu học đến trung học, nên họ không bỏ được cách xưng hô "mi, tao" thuở trước. Một lần anh ta gọi bà bạn "Mi kiếm giùm tao một cô độc thân để tao trò chuyện, lúc đó tao sẽ không gọi quấy rầy mi nữa" Bà bạn hỏi "Mi ưng đứa ra răng (như thế nào)? Già trẻ, xấu, đẹp, lớn bé, thấp hay cao?" "Tao cần người để nói chuyện tào lao thôi. Chẳng cần gặp mặt, miễn sao có giọng nói thanh tao và cách chuyện trò dễ nghe, nhất là tao có lỡ miệng nói bậy thì đương sự không giận là được" "Tiệm làm móng tay của tao, khách Việt tấp nập, để tao lựa cho mi một cô ngon lành, ăn nói dịu dàng, khôn ngoan".

Nhân vật nữ được giới thiệu tên Liên Hoa, Bắc kỳ "ri cư" chín nút (di cư năm 1954), theo lời bà chủ tiệm nail (người bạn chung của anh chàng Dũng và cô Liên Hoa) thì cô Hoa nầy lại sợ đàn ông. Cô đã có chồng nhưng ông chồng về Việt Nam cưới một con bé đáng tuổi con mình đem qua Mỹ, thế nên "nhận định" về đàn ông, cô cũng nói tương tự như anh chàng Dũng "Đàn ông giả dối và phản trắc. Miệng ngon ngọt, thề thốt đủ điều ra người đứng đắn, chung tình lắm nhưng khi trở mặt thì mới lộ bản chất đểu cáng" Từ đó cô nhìn ông nào cũng thấy có tâm địa bất lương, xảo trá. Khi cô bạn muốn giới thiệu chàng Dũng để làm quen, cô Liên Hoa ra điều kiện là chỉ gặp nhau trên điện thoại mà thôi. Nếu cô không thấy thích, không muốn chuyện trò thì không được gọi phá rầy cô nữa.

Thế là họ được giới thiệu để quen nhau. Cả hai đồng ý chỉ gọi nhau vào buổi tối, khi lên giường, chuẩn bị đi ngủ. Hai người ở cách nhau ba múi giờ nên anh chàng Dũng (ở Cali.) phải gọi cô Liên Hoa lúc bảy giờ tối, tức là mười giờ tối ở Virginia. Lúc đầu, trò chuyện linh tinh, tưởng chỉ thời gian ngắn là chán, nhưng dần dà, hai người ngày càng thích nhau, tối nào cũng cười nói với nhau trên điện thoại đến khuya. Cô Liên Hoa là người Bắc Kỳ chính cống Hà Nội. Dịu dàng, thánh thót, ngọt ngào, nghe hoài không chán. Xin được vài giòng về giọng nói "Hà Nội năm tư".

Năm 1954, theo hiệp định Geneve, miền Bắc Việt Nam thuộc về Việt Minh, miền Nam, từ vĩ tuyến 17 thuộc chính quyền Quốc Gia. Lúc đó hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam để tránh họa Cộng Sản. Dân Hà Nội vào Nam gần hết, chỉ còn một số ít, có nhà cửa, cơ sở kinh doanh, sản xuất. Vì tiếc của, lại nghe tuyên truyền của Việt Minh quá hay nên họ ở lại Hà Nội để "góp một bàn tay xây dựng đất nước". Không ngờ khi Việt Minh vào tiếp thu Hà Nội, tiếp thu luôn tài sản của những người còn ở lại, tống cổ họ lên "kinh tế mới", là vùng núi rừng Tây Bắc, với hai bàn tay trắng, ở chung với các dân tộc thiểu số Mường, Mán, Tày, Nùng... Dân thành thị, làm gì biết phát rẫy trồng trọt, chăn nuôi. Họ sống lây lất giữa núi rừng thâm u, khắc nghiệt... để rồi biến mất dần. Như vậy Hà Nội không còn người Hà Nội nữa. Những người kháng chiến của Việt Minh vào chiếm ngụ Hà Nội. Họ nói "giọng bây giờ". Đa số nói ngọng và sai chính tả. Có người nói nhanh như líu lưỡi, như sợ người khác cướp lời. Giọng nói tiêu biểu nhất là trên đài phát thanh. Nghe the thé, chanh chua và sắt máu, vì họ là người Cộng Sản được giáo dục để căm thù và đấu tranh để tiêu diệt bất cứ kẻ nào không theo họ. Cách đối thoại cũng khác. Họ thích chửi thề, nói tục. Báo chí trong nước thường đăng những bài phóng sự về "Cháo chửi, bún mắng", bảo đó là "văn hóa ẩm thực" của người Hà Nội hiện nay.

Nhờ chạy vào Nam nên những người "Bắc Kỳ chín nút" nầy mới giữ được giọng Hà Nội, phong cách Hà Nội, và truyền lại cho các thế hệ sau. Cô Liên Hoa nói giọng Bắc "lai" Nam kỳ, lại sống trong miền Nam trù phú, sung túc nên cách nói, suy nghĩ, cư xử thẳng thắn nhưng dịu dàng. Chàng Dũng mê giọng cô Liên Hoa là đương nhiên. Còn cô Liên Hoa thích chàng Dũng vì anh ta hay kể chuyện vui và chọc ghẹo cô mà theo cô là rất "dễ thương". Cả hai tuyệt đối không hề thắc mắc về dĩ vãng hay về dung nhan của nhau. Họ không muốn gặp nhau. Họ giống như thính giả nghe đài phát thanh vậy thôi.

Thông thường buổi tối, chàng Dũng gọi "A lô, ngủ chưa?" Bên kia trả lời "Em chờ anh kể chuyện vui đây!" Vậy là anh chàng đem chuyện ngoài đường, trong sở làm, đôi khi đọc trong báo có tin tức gì vui cũng đem ra kể cho cô nàng nghe, để được cô nàng "Thế hả?" rồi đưa ra nhận xét với giọng thủ thỉ, ngọt ngào. Nếu chuyện chỉ có thế thì không đáng làm mất thì giờ quí bạn. Vì bạn cũng từng có bạn gái phương xa kiểu đó nhưng chỉ chuyện trò trên điện thoại ít lâu thì chấm dứt vì chán. Nhưng phần tiếp sau đây mới đáng theo dõi.

Một hôm chàng Dũng báo cho cô Liên Hoa biết là sẽ nghỉ phép mươi ngày, qua Virginia thăm bạn bè. Cô nàng hỏi "Ngày nào anh đến Virginia?" "Anh mua vé rồi. Ngày 15 tháng 8 (năm 2011) nầy sẽ đến phi truờng Dulles" Im lặng một lúc rồi cô nói "Ngày đó em sẽ đi Florida với bạn trai cho đến khi nào anh về California thì em trở về Virginia" "Em đừng bận tâm. Có đến Virginia anh cũng không tìm cách gặp em đâu. Nhưng sao em nói không thích đàn ông mà bây giờ lại có bạn trai?" Cô Liên Hoa cười trong điện thoại "Em đi chơi với ban trai nhưng mỗi người một phòng riêng. Em đi Florida để tránh gặp anh. Anh có giận em không?" "Mình đâu phải bồ bịch gì mà giận hờn như trẻ con. Chúc em đi chơi vui vẻ" "Em sẽ nhờ chị bạn giới thiệu cho anh một cô để anh đỡ cô đơn trong thời gian ở Virginia. Tiệm móng tay của chị ấy, thợ độc thân, vui tính nhiều lắm" "Đó cũng là ý kiến hay. Bạn bè của anh bên tiểu bang Virginia cũng nhiều, nhưng là bạn trai, anh cần một cô bạn hướng dẫn, nếu cô ta có thì giờ" "Cô chủ tiệm nail sẽ tìm cho anh một cô thợ đưa anh đi chơi buổi sáng, và cô ta làm việc buổi chiều. Mỗi tối, nhớ gọi em, kể cho em nghe anh đi chơi như thế nào. Gọi em lúc mười giờ tối như thường lệ nghe anh" "Bạn trai bên cạnh em, khi anh gọi, có trở ngại gì không? Anh sợ bị hiểu lầm thì hai người mất vui" "Em đã nói với anh, mỗi người một phòng riêng. Anh đừng lo cho em, cũng đừng buồn vì em không gặp anh".

Nhưng sao cô Liên Hoa lại tránh mặt chàng Dũng?

Xin xem hồi sau sẽ rõ.

"Alô! Liên Hoa. Em ngủ chưa?" "Chưa! Em chờ anh gọi đây. Anh qua Virginia chưa?" "Qua rồi. Xuống máy bay lúc bảy giờ tối" "Sáng nay có gì vui không?" "Có mới gọi em chứ. Nhưng em đi Florida có vui không?" "Vui lắm. Tắm biển, ăn cá tươi, đến nhà bạn bè ăn trái cây. Anh kể cho em nghe đi! Sáng nay có gì vui? Anh gặp bạn bè chưa?" "Chưa. Nhưng anh làm quen được với một cô công chúa Nga La Tư" Cô Liên Hoa kêu lên "Ối giời ôi! Công chúa Nga La Tư đâu có sẵn mà anh quen được nhanh thế? Anh quen cô ta trong trường hợp nào?" "Đằng sau khách sạn anh ở có một công viên. Sáng nay anh dậy sớm, ra công viên đi dạo thì gặp cô ta đang ngồi cô đơn trên ghế đá. Anh đến chuyện trò. Được biết cô ta thuộc dòng dõi chính thống Nga hoàng, xếp vào hàng công chúa. Trước cách mạng Nga 1917, gia đình cô đã qua Pháp rồi, nhưng phải đổi tên họ để Liên Xô không tìm đến mà ám hại. Năm nay, cô và gia đình qua Mỹ nghỉ hè" "Anh tả dung nhan cô ta cho em nghe với" "Cô ta đẹp mê hồn. Mắt đen long lanh, miệng cười tươi như hoa, thân hình gọn gàng, tròn lẳn, hấp dẫn. Chỉ có khuyết điểm là giọng nói rất khó nghe" "Rồi sao nữa?" "Anh mời cô ta đi ăn phở. Cô ta khen ngon, ăn hết tô luôn, chứng tỏ thức ăn Việt Nam ngon thật chứ không khen lấy lòng" "Chúc mừng anh gặp được người đẹp. Nhưng chuyện anh kể cho em nghe, đúng được bao nhiêu phần trăm? Cô công chúa Nga La Tư của anh tên gì?" "Chúng mình là bạn bè. Anh xạo với em làm gì. Cô ta tên Ê-va-nô-víc Lana"

Cô Liên Hoa cười vang trong điện thoại "Thôi đi ông ơi! Xạo vừa thôi. Cái cô Lana nô víc gì đó của anh chính là cô Lan, bạn em. Cô chủ tiệm nail nhờ cô Lan đến đón anh đi ăn uống, chuyện trò cho anh đỡ buồn. Đúng không? Hai người còn hẹn nhau sáng mai đi ăn bún bò Hue." Chàng Dũng hơi "quê", cười giả lả "Anh đâu có ngờ cô Lan là bạn em nên anh xạo với em cho vui" "Nhân xét, cảm tưởng của anh về cô Lan, bạn em như thế nào? Quan trọng là anh không được hỏi cô ta bất cứ điều gì về em" "Em yên chí lớn, anh sẽ không nói, không hỏi gì về em. Em mãi mãi là người vô hình. Lúc nãy anh đã tả cô ta cho em nghe rồi. Nghĩa là rất đẹp, hấp dẫn, thấy phát thèm. Có một khuyết điểm là cô nói giọng rất khó nghe, như giả giọng. Khi thì nói giọng Quảng, khi thì giọng Huế, khi thì pha giọng Nam Kỳ lục tỉnh. Anh phải cố gắng lắm mới hiểu được".

Hơn một tuần ở Virginia, nếu chàng Dũng không gặp bạn bè thì cô Lan đưa xe đến đón đi ăn uống, viếng cảnh đẹp trong vùng. Họ đi thăm thủ đô Washington DC, đi theo với đoàn du ngoạn New York, sáng đi chiều về hoặc đi biển, vào rừng, đến các tiểu bang lân cận, nhưng không bao giờ họ qua đêm với nhau. Tối nào cô Liên Hoa cũng bắt chàng Dũng báo cáo chuyện hai người. Cô hỏi tỉ mỉ về ý nghĩ, tình cảm của anh ta đối với cô Lan " Anh có mời cô Lan lên phòng của anh không?" "Có mời, nhưng cô ta cười cười, lắc đầu nói cám ơn" "Vậy là cô ta biết âm mưu của anh rồi" "Anh chỉ mời vì lịch sự thôi chứ chẳng có ý gì. Nhưng có điều lạ là cô ta lại mời anh sáng nay đến nhà của cô" "Ôi chà chà! Hai anh chị có làm điều gì "phi pháp" không? Kể cho em nghe với!" "Anh cũng hi vọng xảy ra chuyện "phi pháp" như em nghĩ. Nhưng khi vào nhà, anh sà xuống xa lông, ngồi gần thì cô ngồi hơi xít ra một chút. Coi bộ cô ta đề phòng cẩn mật vì thấy đôi mắt anh không được lương thiện lắm" "Anh nhà quê thấy mồ. Chả lẽ cô ta ngồi yên. Bất cứ người đàn bà nào cũng làm như vậy. Đã mời anh đến nhà, mà nhà lại vắng người, tất phải có "thiện chí" trong đó. Anh cũng không còn trẻ con mà không hiểu cô ta, Chán anh quá!" "Anh cũng chán cô ta rồi. Lúc nào cũng giữ kẽ. Mai mốt anh về Cali. rồi. Nhưng lúc chia tay, cô ta có hẹn sáng mai cô đến đón đi điểm tâm và về nhà cô ta uống trà" "Lần nầy, anh nhớ đừng có uống trà suông với cô ta rồi than chán. Nữ nhi mà anh. Có muốn cũng không nói. Anh phải cố mà hiểu chứ!' "Em xúi anh thì em chịu trách nhiệm nghe. Rủi cô ta chống cự rồi đuổi anh ra khỏi nhà thì mất mặt nam nhi. Hay là em gọi cô ta dặn trước rằng. Anh có làm gì thì đừng phản đối!" "Giời đất ơi! Chuyện của hai người mà bắt em xía vô. Anh phải chủ động chứ! Mỡ đến miệng mèo mà mèo nằm yên liếm mép. Nhưng trong lúc chuyện trò, cô ta có nói gì đặc biệt với anh không?" "Cô ta có nói nhỏ với anh câu gì đó, nhưng giọng nói rất khó nghe, anh nghe không rõ mà cũng không hỏi lại. Cô ta coi bộ giận anh, xụ mặt lại" "Anh không nghe rõ, nhưng em biết. Cô ta nói "Sao anh hiền quá vậy?" Đúng không?" Chàng Dũng kêu lên "Trời đất! Sao em thông minh quá vậy? Bây giờ nhớ lại. Đúng là câu nói đó. Em lại giả giọng y hệt giọng của cô ta. Em tài thật?" "Cô Lan là bạn em, giọng nói đó có gì khó nghe đâu. Chán anh thật! Thôi. Em buồn ngủ lắm rồi. Chúc anh ngày mai thành công. Bye anh!"

Sáng ngày 23 tháng 8 năm 2011, cô Lan đón chàng Dũng đi ăn điểm tâm rồi đưa về nhà cô ta ngồi uống trà, chuyện trò. Nhà cô Lan là một căn liền vách (townhouse) trong một xóm của người trung lưu, giống hệt những căn nhà cùng dãy. Dãy nầy với hai dãy khác tạo thành ba cạnh của một khu đất vuông, giữa là chỗ đậu xe. Bên kia đường cũng là những dãy nhà giống hệt, ẩn núp sau hàng cây cao trồng dọc lề đường để cản bớt tiếng xe cộ ồn ào. Tôi phải để ngày tháng vào để bạn muốn biết chuyện gì xảy ra thì cứ gọi chàng Dũng bắt kể chi tiết cho mà nghe.

Hôm đó là ngày cuối ở Virginia, (tối đó, chàng Dũng sẽ lên máy bay về lại California). Coi bộ anh chàng không hăng hái lắm mặc dù cô Lan thỉnh thoảng nhìn chàng ta với đôi mắt long lanh, cảm tình lai láng. Vì trước giờ, anh ta thường được phái nữ chiều chuộng, khuyến khích trước nên chàng ta quen thói, chờ người đẹp gợi ý nhưng chỉ thấy cô Lan cười mím mím mà không chịu nói câu "Sao anh hiền quá vậy?!" để anh ta theo lời xúi bẫy của cô Liên Hoa mà nhào qua bên kia bàn. Chuyện trò linh tinh như thế theo kiểu "tình trong như đã mặt ngoài còn e" được chừng nửa giờ thì chàng Dũng quyết định đứng lên. Cô Lan cũng đứng lên, lắc đầu với tiếng thở dài đầy thất vọng. Cô không thấy hứng thú khi phải đưa anh chàng thiếu thông minh nầy về khách sạn.

Trong lúc hai anh chị "dùng dằng nửa ở nửa về" thì bỗng nhiên mặt đất rung chuyển một cách khủng khiếp. Ngoài đường, nghe rầm rầm như có hàng trăm chiếc xe tăng cùng mở hết tốc độ xông lên phía trước. Cả ngôi nhà rung lên bần bật, các cánh cửa kêu lách cách, loảng xoảng như có hàng trăm cánh tay nắm lấy cửa mà lắc một cách điên cuồng. Cô Lan thất kinh hồn vía, không biết chuyện gì xảy ra. Cô kêu lên, giọng Bắc Kỳ "Ối giời ôi! Giời sập. Giời sập!" Chàng Dũng kêu lên "Động đất. Nằm xuống ngay. Nằm sát vào chân ghế xa lông."

A! Hóa ra cô Lan và cô Liên Hoa chỉ là một người. Cô Liên Hoa chẳng đi Florida với bạn trai nào cả. Cô đến đón chàng Dũng nhưng không nói giọng Bắc Kỳ, giả giọng Nam Kỳ, xưng tên Lan. Buổi sáng cô đi chơi với chàng Dũng, buổi chiều đi làm, tối đến chuyện trò với chàng ta trên điện thoại. Bất ngờ trận động đất khiến cô quên giả giọng. Tiểu bang Virginia chưa hề có động đất mạnh nên cô Liên Hoa hoảng sợ. Chàng Dũng ở tiểu bang California, thường có động đất nên biết phải làm gì. Sau khi nghe cô nàng trở lại giọng Bắc Kỳ, chàng ta hiểu ngay, nhất là khi thấy cô Liên Hoa chúi đầu vào chân ghế, nằm co rúm người, vùi mặt xuống thảm thì chàng ta nhanh trí kêu lên, giọng "nghĩa hiệp" như trong truyện Tàu "Coi chừng sập nhà. Để anh nằm lên người em, che cho em. Rủi sập nhà thì anh hi sinh để em được an toàn" Nói xong chàng ta phóc qua bàn, nằm đè lên cô Liên Hoa, ôm cô cứng ngắc "Đừng sợ. Có anh che chở thì nhà có sập, em cũng không sao cả!".

Trận động đất chỉ xảy ra vài phút, nhưng chàng Dũng vẫn tiếp tục "che chở" cho cô Liên Hoa. Cô Liên Hoa thì thầm "Hết động đất chưa anh?" "Chưa đâu. Còn dư chấn" "Dư chấn là sao anh?" "Là động đất vài lần tiếp theo" "Bao lâu nữa thì dư chấn xảy ra anh?" "Khoảng nửa giờ. Dư chấn thường mạnh hơn động đất. Nhà nầy có thể sập" Cả người cô Liên Hoa bắt đầu rung lên một cơn chấn động nhẹ vì hồi hộp. Cô nói trong hơi thở đứt quãng "Có chết không anh?" "Chết chứ. Nhưng em yên tâm. Có anh bên em. Sợ gì!" Cô đề nghị một cách miễn cưỡng "Mình có nên chạy ra khỏi nhà không anh?" "Em cứ nằm yên. Nhiều khi chạy chưa ra khỏi nhà thì nhà đã sập rồi. Ở Cali. nhiều người bị như vậy lắm" Cô đã hết sợ, không còn co rúm người nữa nhưng vẫn thì thào "Em sợ quá!" Giọng chàng Dũng cũng run không kém "Có anh thì chẳng có gì phải sợ cả. Nhưng... em nên nằm im" "Dạ. Vâng ạ!"

Kể đến đấy thì anh chàng Dũng không chịu kể tiếp. Tôi sốt ruột "Rồi sao nữa? Hai anh chị có làm gì không? Kể cho nghe với!" Tôi năn nỉ bao nhiêu cũng lắc đầu. Mua chuộc: "Một tô phở với ly cà phê?" Cũng lắc đầu!

Phạm Thành Châu

*

Tác phẩm đã phát hành:

- Bức Họa Khỏa Thân (248 trang)

- Nhớ Huế (248 trang)

- Lý lẽ của trái tim (275 trang)

Ba tập truyện ngắn của Phạm Thành Châu có thể coi là món quà Xuân, quà sinh nhật thanh cao gửi đến bạn bè. Giá mỗi tập 12 USD. (trong nước Mỹ). Mua ba (3) tập trở lên, giá mỗi tập 10 USD kể cả cước phí. Gửi sách trước, trả tiền sau. Liên lạc:

Phạm Thành Châu
7004 Beverly Lane
Springfield VA 22150
Phone: (703) 569-0124
(571) 480-3276 (c)
(xin để lại lời nhắn)

Ý kiến bạn đọc
22/09/201605:23:59
Khách
Tác giả lớn tuổi lắm rồi, 7 bó chứ không ít, lương hưu đâu đủ sống, vẫn phải đi cày với đồng lương ba cọc ba đồng, có quảng cáo bán sách chút đỉnh mà gửi trước, nhận sách, trả tiền sau cũng đâu có gì quá đáng, do Ban Biên Tập tự ý bỏ vào vì họ đâu có trả một đồng tác quyền nào đâu, lấy gì để ông có "pin" mà tiếp tục sáng tác cho bà con đọc ké?! Bạn Bon bon phải hiểu nhà văn cũng phải ăn, phải trả lung tung các thứ bill, chưa kể tuổi già bác sĩ với hospital, health insurance thi nhau vặt lông làm thịt người cao tuổi, ít tiền, nhiều bịnh!!!
21/09/201605:45:53
Khách
Bà mẹ; tác giả kể chuyện này hay quá, cười nôn cả ruột. Tui may mắn đã gặp trực tiếp tác giả qua bài báo kỳ trước, ủng hộ ông 4 quyển truyện chứ không phải 3 (1 cuốn mới ra lò) và còn hân hạnh mời tiền bối đi ăn trưa nữa. Tiếc là thời gian chỉ có 24 hour/day không đủ đâu vào đâu nên chưa đọc được chữ nào trong 4 quyển sách đó. Sorry tác giả. Sẽ cố kiếm thời gian mà đọc kẻo uổng. Hì hì.........
21/09/201603:09:28
Khách
Hay wá ! Xứng đáng được đề cử cho giải đặc biệt hoặc giải chung kết . :)
21/09/201602:51:29
Khách
Viết Về Nước Mỹ là diễn đàn văn học Viêt Nam đã biến thành nơi quảng cáo bán sách lúc nào vậy trời!
20/09/201619:56:35
Khách
Qua cau chuyen ngan ve Dong dat voi tinh trang khan khoan cua tac gia neu tren rat hay va y nghia cho hoan canh hien tai cua moi nguoi trong the he mai sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,272,895
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến