Hôm nay,  

Một Thời Áo Trắng

30/08/201600:00:00(Xem: 8901)

Tác giả: Lê Hải Dương
Bài số 4902-18-30602-vb3083016

Tác giả cho biết Bà đã từng có bài dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2011. Sau 5 năm ngưng viết, Bà gửi thêm một truyện ngắn mới viết.

* * *

“Mẹ ơi! Mẹ ơi”.

Cô gái chạy từ ngoài sân vào nhà. Chiếc xe đậu lệch lạc một cách cẩu thả. Hoàng Dung đang đứng bếp. Hôm nay chị vừa nấu bữa ăn cho con, vừa muốn chuẩn bị sẵn một vài món đặc biệt, vì cuối tuần là ngày lễ ra trường của con, chị sẽ bận lắm. Nhưng món quà của người mẹ lúc nào cũng là những món ăn mà con mình ưa thích!

Suýt vấp té ở ngưỡng cửa, rồi cánh cửa đóng lại kêu một cái rầm. Lúc nào cũng vậy, về đến nhà là Ngọc Thuyền phải ôm chầm lấy mẹ, dù lúc đó mẹ đang rảnh hay bận. Hôm nay thấy mẹ đang nấu thức ăn, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng không sao, Ngọc Thuyền đã quá quen thuộc với mùi mồ hôi của mẹ, như đã quen thuộc giòng sữa mẹ nuôi từ lúc còn bé.

“Gượm đã con. Mẹ đang đầy mồ hôi và mùi thức ăn”.

“Càng tốt, mẹ, con đang nhớ hơi mẹ và đang đói bụng đây!”

Hoàng Dung phải để cho con gái ôm hôn mới được yên thân. Ngọc Thuyền, cái tên tuyệt đẹp mà chị yêu thích, để kỷ niệm con thuyền vượt biên đưa mẹ con chị tới bến bờ tự do, trên mười năm sau biến cố 1975.

“Trời đất, sao mẹ nấu nướng gì mà lung tung vậy nè? Chỉ có hai mẹ con thôi mà!”

“Mẹ làm sẵn, để đãi con ngày ra trường!”

“Nữa, mẹ. Hôm đó con sẽ mời mẹ đi nhà hàng. Hôm đó mẹ phải rỗi rảnh, phải đẹp, phải tươi, để con khoe và hãnh diện với bạn bè của con...Hi hi...”

Hoàng Dung tránh không nhìn đôi môi mọng chín của con, với nụ cười... nụ cười của “người ấy”. Nụ cười đã tắt từ lâu rồi, sao vẫn...

Lúc ăn cơm, Ngọc Thuyền hỏi:

“Mẹ ơi, mẹ cho con nói với mẹ một chuyện được không?”

Dỹ nhiên là được. Nhà chỉ có hai mẹ con, hai mẹ con đôi khi đã trở thành đôi bạn để tâm tình với nhau. Nhưng sao không chờ ăn xong rồi hãy nói. Con bé này thật nhanh nhẩu đoảng, hèn chi chị đã gần như đẻ rơi nó trên thuyền vượt biển.

“Hừm...”

“Mẹ lại tính nói đợi ăn cơm xong rồi hẵng... phải không? Mẹ ơi, ăn cơm xong thì chuyện nó nguội mất rồi”.

Chị phì cười:

“Nhưng đợi con nói chuyện xong thì cơm canh lại nguội tanh nguội ngắt”.

“Không sao mà mẹ. Trời nóng mà! Mẹ không sợ con bỏng lưỡi rồi nói như con nhồng sao?”

Lớn lên ở Mỹ, học trường Mỹ, chỉ nói tiếng Việt và học tiếng Việt với mẹ, con bé nói tiếng Việt không thua gì mẹ.

“Được rồi, thì nói đi”.

“Mẹ à, mẹ phải nhuộm tóc”.

“Chuyện gì mà kỳ cục vậy? Nhuộm tóc thì ăn nhằm gì tới chuyện con muốn nói, phải không?”

“Có chứ mẹ. Con muốn mẹ nhuộm tóc, mẹ sẽ thật đẹp trong ngày dự lễ ra trường của con. Mẹ sẽ phải là một hình bóng cô nữ sinh Gia Long của thời cũ”.

Hoàng Dung lắc đầu:

“Mẹ không thể nào trở về lại được hình bóng xưa cũ. Mẹ đã lớn tuổi, đã xấu đi nhiều”.

“Bà tiên của con. Mẹ vẫn là bà Tiên của con từ thời thơ ấu, cho tới khi con răng long đầu bạc”.

“Thôi đừng khéo nịnh nữa cô. Có chuyện gì thì nói đại ra đi, mẹ sốt ruột lắm”.

Con bé cười, hé lộ chiếc răng khểnh dễ thương. Hoàng Dung lại rùng mình. Sao nụ cuời của con bé giống một nụ cười người xưa, với chiếc răng khểnh duyên dáng đã làm mềm lòng chị. Chiếc miệng, nụ cười, răng khểnh, ôi, lòng chị vẫn bấn loạn lên, y như trong dĩ vãng đã bấn loạn.

“Con nói nhé. Mẹ nghe nè. Con muốn mẹ đẹp, mẹ sang mà mẹ phải vui nữa trong ngày con ra trường”.

“Thì hẳn nhiên rồi!”

“Và còn nữa. Ngày hôm đó, con sẽ giới thiệu với mẹ... bạn trai của con!”

Hoàng Dung thở nhẹ. Có vậy thôi, chuyện tự nhiên mà. Vậy mà chị tưởng con bé nghịch ngợm đang định gán ghép chị cho ai. Nó và bạn nó có tính tày hay, thích làm mai làm mối cho mẹ.

“Thì gì nữa. Con đã lớn. Mẹ cứ ở vậy hoài sao? Mẹ phải kiếm một người đàn ông để có bạn... Ồ, ba của bạn con cũng ở một mình, hay là.... Ha, mẹ ơi! Có ông giáo sư ở trường con góa vợ, người Mỹ, còn đẹp trai, thích lái xe đua vi vút... mẹ, được không, ổng thích có vợ Việt Nam...” Rồi: “Trời đất, bao năm rồi con đã nói... Năm này, năm này nữa. Đó, mẹ thấy mẹ đã qua thời rồi... Bây giờ mà tìm một ông già cũng khó lắm mẹ ơi! Mà may ra cũng còn... cứ thử thời vận đi mẹ”.

Con với cái. Hoàng Dung lúc nào cũng mắng yêu con và giữ lập trường của mình. Cũng có lúc lòng chao đảo, cũng có lúc này nọ vô duyên cớ..., nhưng con gái Ngọc Thuyền, người xưa, đôi mắt, nụ cười, tình yêu, tấm lòng dành cho cô nữ sinh Gia Long ngày cũ, Hoàng Dung khó lòng xóa mờ được.

“Sao mẹ yên lặng vậy? Mẹ không thích?”

“Ồ, mẹ thích lắm chứ. Con có bạn trai là mẹ mừng lắm.”

“Mẹ, hồi đầu tiên mẹ có bạn trai, cảm giác của mẹ ra sao hả mẹ? Ồ, mà thôi, hỏi về chuyện này mẹ lại khóc rồi con phải dỗ. Nói chuyện khác mẹ nhé. Ngày hôm đó, con sẽ giới thiệu bạn trai của con với mẹ. Chuyện có vậy thôi. Bây giờ mẹ con mình ăn cơm. Món kho của mẹ ngon quá, nhưng mẹ phải đi gội đầu đi, lúc nãy ôm mẹ, tóc mẹ đầy mùi thức ăn...”

Vẫn chưa kết thúc chuyện. Ngọc Thuyền nhìn mẹ một lúc:

“Mẹ, mẹ vẫn còn đẹp. Mẹ mặc áo dài trắng nghe mẹ. Cái áo ngày xưa gặp ba mà mẹ còn giữ đó”.

Mắt Hoàng Dung cay cay. Chị vội vàng gắp thức ăn cho con:

“Ăn đi. Mẹ nấu mà không ăn hết là mẹ buồn, mẹ khóc đó...”

“Ha ha, mẹ khóc không vì vậy đâu, mẹ đừng lừa con.”

“Ngon quá mẹ ơi. Con mê mẹ và mê thức ăn của mẹ. Ăn mãi không thấy no”.

Điện thoại reo. Ngọc Thuyền nghe, rồi vội vã đứng dậy:

“Con phải đi mẹ. Nhưng con sẽ về rất sớm để mẹ khỏi mong”.

Chải vội mái tóc. Ngọc Thuyền chạy băng ra khỏi cửa. Rầm. Cánh cửa đóng lại trước mũi chị, y như Hoàng Dung thủa nào. Từ khi có chàng, lúc nào cũng vội vã, biết nói dối, quên cả sách vở, quên cả ăn cơm. Buổi tối đợi cả nhà ngủ, thức viết thư tình... Nhưng Ngọc Thuyền thì khác, nó đã xong Đại Học, ra trường, vững vàng hơn chị của thời cũ nhiều... Thấy đó, việc giới thiệu bạn trai kiểu Mỹ vừa rồi, chị cũng chỉ biết lắc đầu, chịu thua, thua mà vui.

*

Mùa hè. Hoa Phượng cháy đỏ. Hoàng Dung, cô bé mới chớm tóc thề, đạp xe đạp đi học. Kè kè bên cặp sách, lúc nào cũng có cái vợt dấu trong túi vải, đó là cái vợt đánh vũ cầu để cô bé chơi với các bạn ngoài cổng trường Gia Long, trong thời gian đợi giờ trống trường dục dã.

Một buổi chiều tan trường, Hoàng Dung đã ở lại chơi tiếp vũ cầu với bạn vì bạn phải chờ người nhà đến đón, và Hoàng Dung có dịp quen chàng.

Chàng mặc đồ lính, nghỉ phép nên rảnh rỗi đến đón em gái bằng chiếc xe jeep màu xám. Cô bạn giới thiệu anh với Hoàng Dung và lần đầu gặp, Hoàng Dung hơi bị hớp hồn với nụ cười có chiếc răng khểnh của chàng. Sau đó, bạn của cô lên xe và Hoàng Dung đạp xe đạp về nhà một mình, nhưng đến nhà thì đã thấy chiếc xe jeep của chàng đậu trước cổng. Lúc đầu dản dị có vậy. Linh tính con gái cho biết, chắc chắn anh chàng đã để ý tới mình.

Từ đó, bắt đầu là những lá thư làm quen, rồi tới những lần về phép đưa đón ở ngoài cổng trường. Ban đầu, lúc nào cũng có em gái chàng đi theo. Dần rồi chỉ có hai đứa. Mé hông trường Gia Long, nơi chàng xuất hiện mỗi lần về phép, áo lính, đầu tóc húi cua. Điểm hẹn đã viết trước trong lá thư gần nhất, và Hoàng Dung chỉ liếc nhìn thấy chàng, rồi đạp xe tàng tàng tới chỗ hẹn. Khi thì một quán kem, khi thì quán cà phê vườn. Chàng đã chọn một bàn kín đáo. Vậy mà nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò, em gái chàng vài lần cũng “điều tra” ra được điểm hẹn, tới trước ngồi chờ để “bắt gặp tại trận”, vì con nhỏ Hoàng Dung hay chối bai bãi “đâu có, đâu có, oan quá đi!”. Thấy rồi thì hết kêu oan, kêu trái. Chỉ nghịch phá dằn mặt nhau chút thôi, chứ Thu Lan rất thương bạn, thông cảm bạn và “vun trồng” cho cây tình của anh mình tốt tươi.

“Anh sẽ thưa với ba mẹ xin cưới em”.

Đó là lúc cuộc tình đã chín muồi. Có người lớn tới nói chuyện. Không đi tới đâu, ba má Hoàng Dung viện lý lẽ như câu chuyện trong bài hát “Màu tím hoa sim”: lấy chồng đời chiến binh, mấy người đi trở lại... Không cha mẹ nào muốn con gái mình một sớm một chiều thành góa bụa.

Chỗ này dạm hỏi, chỗ kia tới xin, Hoàng Dung một mực không là không. Cha mắng, mẹ khóc. Hoàng Dung trơ lì: “Ép quá, con tự tử con chết!”. “Mày chờ tới bao giờ nữa, thành gái già luôn cho coi”.

Thì cũng thành gái già khi miền Nam thất thủ. Minh là sĩ quan, bị bắt vào tù, đưa ra tận miền Bắc. Bố của Minh nửa đêm bị công an đến nhà đập cửa, bắt đi, từ đó không có tin tức. Người mẹ đang bị bịnh, một thời gian sau qua đời. Gia đình Hoàng Dung cũng sa sút, mất mát, nghèo đi sau những lần đổi tiền và bố Hoàng Dung cũng đi tù. Đang là một tiểu thư, Hoàng Dung lăn lộn chợ trời nuôi gia đình, còn gánh thêm Thu Lan, em của Minh, lúc này Thu Lan chỉ còn một thân một mình, lại mang chứng bịnh tim rất nặng.

Thỉnh thoảng, Thu Lan và Hoàng Dung chia phiên nhau đi lên trại tù thăm Minh, thăm cha. Người sĩ quan hào hùng năm xưa nay chỉ còn da bọc xương, nhưng đôi mắt của chàng vẫn sáng rực, không phải niềm tin mà sự hờn căm. Lần nào Minh cũng nhỏ giọng, nói bóng gió xa xôi cho cả Hoàng Dung và Thu Lan hiểu là có dịp, nên bỏ nước mà đi. Hoàng Dung đã lo được cho Thu Lan ra đi trên một con thuyền, nhưng đợi mãi không có tin tức gì của Thu Lan nữa.

Mười năm trôi qua, mẹ của Hoàng Dung cũng vì buồn khổ, thương nhớ người chồng vì lao lực, bệnh hoạn, chết trong trại tù, chỉ sau một cơn bịnh là qua đời. Hoàng Dung sẽ khó sống trong cảnh lẻ loi, cô độc, nghèo khổ, nếu Minh không ra được trại tù. Dung lại cố gắng buôn bán, vay mượn bạn bè để gửi Minh trên một chuyến tàu vượt biên khác. Chuyến đi bị lộ, Minh bị bắt duới miệt quê, trốn thoát được và từ đó trở thành “người tình không hộ khẩu”. Minh sống chui sống nhũi ở bến xe, trong các nghĩa địa, và họ vẫn lút gặp nhau, khi thì ở quán cà phê, khi thì trong một cái chòi dựng bằng những tấm bạt ni lông của một người đàn bà nghèo, che nhờ bên trong một lăng mộ cũ, khi thì ở nơi tạm trú của Hoàng Dung, một căn phòng nhỏ trong nhà của một cô bạn. Và khi Hoàng Dung báo tin cho Minh biết nàng đã có thai, Minh ôm lấy người yêu:

“Anh đã làm khổ em thêm nữa rồi!”

Hoàng Dung khóc, những giọt nước mắt vừa buồn tủi vừa sung sướng! Lần đầu tiên, Hoàng Dung thấy mắt Minh rướm lệ.

“ Anh sẽ cố gắng, bằng cách nào chưa biết, để lo cho con của chúng ta”.

Hoàng Dung lặng thinh. Trong hoàn cảnh này, nói lời gì cũng là chỉ để an ủi nhau. Minh tha thiết:

“Người yêu áo trắng của anh. Em đừng bao giờ làm mất chiếc áo trắng mình hẹn nhau lần đầu em nhé. Anh ước ao mình sẽ có con gái, giống em và em để dành chiếc áo trắng kỷ niệm đó cho con gái chúng ta, khi nó khôn lớn”.

“Em đã bán hết quần áo, đồ vật, nhưng duy nhứt còn giữ chiếc áo trắng đó, vì nó là áo cưới của em mà!”.

“Với anh, em vẫn là trăm năm áo trắng, vẫn là cô nữ sinh Gia Long của anh sĩ quan mỗi lần về phép. Giữ cho kỹ áo cưới của chúng ta từ buổi hẹn đầu em nhé!”

Ngày tháng tuy chậm mà vẫn qua, bụng Dung càng ngày càng lớn, phường khóm và hàng xóm đã đánh nhiều dấu hỏi, lời di nghị đồn đãi càng ngày càng nặng nề. Dung vẫn cố gạt bỏ ngoài tai, cố gắng gìn giữ cho mình, cho đứa con trong bụng.

Một hôm, Minh đưa cho Hoàng Dung một số cây vàng.

“Em không cần biết vàng này do đâu anh có. Em tìm một đường dây, rồi chúng mình cùng đi.”

“Nhưng em...”

“Em phải tin anh. Anh không làm điều gì phi nghĩa... vì con của chúng ta. Anh sẽ giải thích cho em sau!”

Không bao giờ Hoàng Dung còn nghe được lời giải thích của chàng. Trong lúc Hoàng Dung lo móc nối với đường dây vượt biên thì có tin dữ. Công an đã bắn chết Minh trong nghĩa địa khi anh bị phát giác và cố tình trốn chạy. Người báo tin là chị đàn bà nghèo khổ sống trong nghĩa địa và thường bao che cho Minh, và Minh đã kể cho chị nghe về thân thế của mình. Anh thường nói nếu anh có bị bắt thì báo tin cho vợ anh, là Hoàng Dung biết.

Công an cũng đã chở xác của anh đi như vẫn hốt xác của những người vô thừa nhận.

Hoàng Dung đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Nàng đã lo xong 2 chỗ trong một chuyến đi gần nhất. Tưởng là đã mất mát hết, mất nước, mất mẹ cha, mất anh em bạn bè, còn được hai đứa nương tựa nhau, bây giờ Minh cũng không còn nữa! Sẽ mất luôn cả chính mình, cả đứa con, giọt máu của mối tình bền bỉ, thủy chung, nếu không thoát được cái xã hội đảo điên đầy ác độc và lừa lọc này. Hoàng Dung cắn răng lên tàu vượt biển.

Và cũng chính trên con thuyền lênh đênh trên biển, Hoàng Dung đã “vượt biển” mồ côi một mình: Tấm chăn bao bọc cho bé Ngọc Thuyền là cái áo trắng của cô nữ sinh Gia Long mà Hoàng Dung vẫn không quên mang theo trong chuyến đi đầy rủi ro.

Hai mẹ con đã được sống sót như một phép màu, với Hoàng Dung, trong cơn hoạn nạn, thập tử nhất sinh, linh hồn Minh vẫn ở bên hai mẹ con, không rời! Chiếc áo dài trắng một thời của Gia Long, theo lời dặn của chàng, Hoàng Dung vẫn giữ mãi bên mình, như một kỷ vật.

*

Ngọc Thuyền hẹn sẽ về nhà chở mẹ đi dự lễ ra trường. Hoàng Dung đã đem cái áo trắng của ngày xưa ra mặc thử. Mặc vào rồi lại bỏ ra, chật tay, chật nách. Chiếc áo đã được đưa tới tiệm giặt tẩy trắng, ủi thẳng. Hoàng Dung bật cười khi hàng cúc bên hông cứ cài vào lại bung ra. Vóc dáng cô nữ sinh mấy chục năm về trước đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng không sao, hồi đó, chít eo thắt chặt quá, chỉ cần tháo 4 đường chỉ ở thắt eo ra, nới thêm hai bên nách và hông, khéo tay sửa lại tà áo rồi là cho thẳng là mặc vào thấy cũng được lắm. Tuy thân hình có chút sồ sề vì tuổi tác, nhưng Hoàng Dung vẫn còn giữ được dáng cao gầy với những nét thanh tú trên khuôn mặt với nét buồn chìm đắm trong ánh mắt.

Hôm nay Hoàng Dung đã bỏ công trang điểm. Ngày ra trường của con, Hoàng Dung muốn con được vui trọn vẹn. Khi đứng trước gương tự soi mình với tà áo trắng ngày cũ, lòng bỗng rưng rưng, lệ muốn trào. Mới đó, sân trường, cỏ dại, hoa phượng, con đường ngắn bên hông trường Gia Long với bọn bạn chơi vũ cầu, tan nát đâu hết rồi. Cô bỗng nhớ Thu Lan, cô bạn học đã làm “chim xanh” và kết nối mối tình đầu và cũng là tình cuối cho mình. Giờ này, Thu Lan cũng đã chìm sâu trong lòng biển với hàng chục, hàng trăm linh hồn quyết đi tìm tự do mà không tới! Còn Minh, anh có đứng đâu đó bên em không? Anh có nhìn thấy con chúng ta khôn lớn như thế nào không?

“Mẹ ơi!”

Giọng Ngọc Thuyền mới từ ngoài sân, đã vào tới cửa:

“Mẹ xong chưa. Mình đi.”

Ngọc Thuyền ngắm nghía mẹ:

“Trời đất ơi! Sao hôm nay mẹ đẹp quá vậy? Áo dài trắng ở đâu mà mẹ mặc vừa quá vậy, mẹ?”

Hoàng Dung mỉm cười:

“Cái áo này của mẹ thời con gái, theo lời ba dặn, mẹ giữ để hôm nay mặc dự ngày lễ ra trường của con. Nó đã cũ, chật lắm, nhưng mẹ mới nới ba bên bốn bề nên mặc tàm tạm thôi”.

“Mẹ có mập nhiều đâu. Mẹ mặc vẫn đẹp lắm! Ha, thì ra cô nữ sinh Gia Long thời đó là như vậy. Nếu còn ba, lúc này chắc ba yêu mẹ nhiều hơn”.

Con bé nhắc tới người cha bằng giọng dửng dưng, không một thoáng xúc động. Cũng không trách được con, nó chưa nhìn thấy mặt người cha bao giờ, ngoại trừ tấm ảnh để thờ mà thỉnh thoảng Hoàng Dung bắt nó đốt nhang, cùng với nàng tưởng nhớ.

“Ba cũng đẹp trai quá đi, phải không mẹ?”

Và:

“Con thích đôi mắt của ba quá. Con có đôi mắt giống ba không, mẹ?”

Ngọc Thuyền thường hỏi huyên thuyên về người cha, và đôi khi con bé cũng thốt lên khi ngắm mình trong gương: “Mèn ơi, mẹ, hình như con chỉ giống bố, có giống mẹ chút nào đâu! Cái miệng của ba nữa kìa, ở trong nụ cười của con chớ đâu!”.

Đó là những lúc Hoàng Dung thấy thật ấm lòng. Nhất là hôm nay, nàng đã thay Minh lo cho đứa con học hành thành đạt. Ngọc Thuyền lớn giọng:

“ Ý, chuyện nữa, chút quên mất tiêu. Mẹ ra đây, ra đây con cho mẹ coi cái này... Khoan đã, mẹ nhắm mắt lại, đi theo con nè, để con dắt mẹ nghe, đi từ từ, từ từ...”

Hoàng Dung phải làm theo lời con. Ra tới sân, Ngọc Thuyền dừng lại:

“Mẹ, một hai ba, mẹ mở mắt ra đi.”

Mở mắt. Cái này của Ngọc Thuyền là một anh chàng cao lớn, đẹp trai, đang đứng khoanh tay:

“Con chào bác. Con là Tuyên, bạn của Ngọc Thuyền.”

Ngọc Thuyền rât tự nhiên cầm lấy tay bạn trai:

“Mẹ, Tuyên là bạn con, người mà con nói là sẽ giới thiệu với mẹ đó. Hôm nay hai đứa con cùng đưa mẹ đi dự lễ ra trường của con. Let go, mẹ”.

Cửa xe mở rộng. Tuyên đưa tay:

“Con kính mời bác”.

“Thôi để bác ngồi sau được rồi”.

“Không được, mẹ. Anh Tuyên phải học cách làm con từ bây giờ... Con ngồi sau mới phải đạo.”

Ra mắt bạn trai chỉ đơn giản có vậy, và coi như xong một màn. Chả bù với Hoàng Dung thời ấy. Khi ba mẹ Minh tới dạm hỏi, Minh không được đi theo, và khi bị chối từ, Hoàng Dung với Minh chỉ gặp nhau lén lút. Lên xe, Ngọc Thuyền huyên thuyên:

“Mẹ, anh Tuyên với con cùng chơi với nhau nhiều năm, hiện là bác sỹ quân y, mẹ. Chắc là anh giỏi hơn con rồi. Hôm nay cũng là ngày em gái của anh ra trường, nên cùng tới đó”.

“Vậy thì tốt quá!”

“Annie cũng bạn học với con, mẹ”.

Có phải Annie đã giới thiệu Tuyên cho Ngọc Thuyền như qua Thu Lan, Hoàng Dung đã quen biết Minh? Kỷ niệm cũ tràn ngập trong lòng, Hoàng Dung chớp mắt. Ngọc Thuyền vẫn liếng thoắng kể về cô bạn Annie cho mẹ nghe.

Tuyên vẫn lo lái xe, thỉnh thoảng chen vào một câu:

“Bác, Ngọc Thuyền nói nhiều quá ha bác, bắt nạt con hông à?”

Dễ thương chưa, cậu trai này nói giọng Nam ngọt xớt. Ngọc Thuyền cũng giọng Nam, còn Hoàng Dung, dỹ nhiên cũng giọng Nam, dân Gia Long mà! Hoàng Dung cảm thấy trong lòng vui hẳn. Đến nơi thì Tuyên chào Hoàng Dung, cậu ta phải qua một khuôn viên khác, chỗ có gia đình cậu đã ngồi sẵn. Và Hoàng Dung suốt buổi, ngồi bên con mà trong lòng cứ nhớ lại toàn kỷ niệm xưa, một thời áo trắng Gia Long! Và có lúc chị cảm thấy nụ cười của Minh đâu đó trong gió, trong bóng cây, trong mây trời giữa khoảng sân đầy nắng!

Buổi lễ ra trường đã xong. Ngọc Thuyền xúng xính trong lễ phục và mũ đội xéo một bên đầu, nhõng nhẽo chạy trờ tới, đưa bó hoa được tặng đang cầm trên tay cho mẹ:

“Mẹ mới xứng đáng nhận bó hoa này. Mẹ ơi! Con tặng mẹ”.

Như có tiếng chim hót trong tim. Hoàng Dung cười, đây là nụ cười sung sướng, rạng rỡ nhất từ ngày xa rời quê hương. “Minh ơi! Sao không có anh ở bên em lúc này để nhìn con. Bó hoa này phải để con tặng anh mới đúng”.

“Mẹ, mẹ cười đi. Sao mặt mẹ không vui vậy? Mẹ nhớ ông hàng xóm hả? Chết, con lại nói bậy làm mẹ nhăn mặt rồi. Không phải. Nhưng hôm nay mẹ không được buồn. A, anh Tuyên. Mẹ, gia đình anh Tuyên kia kìa, đang đi tìm mình đó.”

Phía trước có mấy người đang đi tới. Hoàng Dung nhìn thấy một bà mặc áo dài tím, đi với Tuyên, còn một cô gái cũng xúng xính trong lễ phục với chiếc mũ giống ngọc Thuyền đang đội, không cần giới thiệu, Hoàng Dung cũng biết họ là ba mẹ con. Lúc đầu, mọi người chỉ kịp chào nhau, rồi bị lôi kéo để chụp hình. Chụp đủ kiểu. Hai trẻ chụp với nhau. Có tấm hình chung năm người, hai bà áo trắng và áo tím đứng giữa. Ngọc Thuyền ôm mẹ, Tuyên chụp với em gái, với mẹ rồi tới trước mặt Hoàng Dung, lễ phép:

“Thưa bác, cho con giới thiệu bác với mẹ con. Đây là mẹ con, đây là Annie,em gái con”.

Người đàn bà mặc áo dài tím thân mật cầm tay Hoàng Dung, nụ cười hiền hậu:

“Nhìn chị là tôi thấy lại cả một trời áo trắng Gia Long”.

Hoàng Dung vui vẻ:

“Nhìn chị, tôi cũng thấy một thời áo tím Trưng Vương”.

Áo trắng Gia Long, áo tím Trưng Vương, những người đẹp của hai ngôi trường nữ, đã trôi theo cuộc đổi đời tháng Tư năm 75, đã tan tác, sụp đổ, lưu lạc, đã bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng từ xứ người.

“Áo này tôi cũng giữ từ thời là nữ sinh Trưng Vương, đây là vật bất ly thân từ ngày lưu lạc. Ngày xưa, chồng tôi cũng rất yêu màu áo tím này. Tôi là Bội Lan”.

Đang vui, nụ cười của Bội Lan chợt tắt. Có một chuyện buồn khác, khuất trong ánh mắt của chị.

Hoàng Dung xiết tay người bạn mới. Hai tà áo tuy đã cũ, nhưng vẫn sáng rực lên trong nắng, trong gió, giữa buổi ra trường của một thế hệ tiếp nối, trẻ trung, đầy triễn vọng ở một xứ sở tự do.

Tuyên nói:

“Thưa...bác, chúng ta có thể đến một tiệm ăn để mừng buổi ra trường của hai em và hội ngộ giữa hai bà mẹ hôm nay.”

Hoàng Dung ôm vai bạn mới:

“Không đi nhà hàng. Chị ơi, mình đã sửa soạn sẵn một buổi tiệc ở nhà. Nhỏ thôi, nhưng mình muốn mời chị và các cháu”.

Tuyên reo lên:

“Bất ngờ quá. Cháu cám ơn bác. Nào, chúng ta đi”.

Cô em gái có xe riêng. Lần này thì Ngọc Thuyền ngồi bên Tuyên.

“Con phải ngồi bên “bác tài” để chỉ đường. Giờ mẹ có bạn rồi đó nha!”

Hai tà áo trắng và tím bước vào ghế sau. Y như hồi còn con gái, cả hai bà mẹ cùng rón rén nâng vạt áo sau khi bước vào xe.

Chiều đã tới, bầu trời California mùa hè vẫn còn sáng và nắng vẫn còn chói chang trên mặt kính xe. Áo trắng Gia Long và áo tím Trưng Vương bất chợt tìm hai bàn tay của nhau, nắm chặt.

Lê Hải Dương

Ý kiến bạn đọc
30/08/201619:26:22
Khách
Bài viết thật cảm động. Cảm ơn tác giả!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,377
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.