Hôm nay,  

Thi Quốc Tịch: “Học Tủ”

28/07/201603:28:00(Xem: 14059)

Tác giả: Phương Lâm
Bài số 4879-18-30579-vb5072816

Tác giả tên thật Phương Nguyễn thị, sinh năm 1955 tại Phủ Cam Huế, cựu học sinh trường Jeanne Darc. Cư dân thành Phố Shoreline, Tiểu bang WA. Làm việc tại công ty A&A Professional Cleaning Service. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên và duy nhất của bà cho năm 2015 kể về hai người bạn Mỹ vô gia cư từng có những ngày giúp ông bà học bài thi quốc tịch bằng anh ngữ. Bài tiếp theo kể đầy đủ hơn việc đi học, đi thi.

* * *

Nhập Quốc tịch là ước mơ của tất cả di dân được định cư tại Hoa Kỳ, người có Quốc tịch được hưởng những quyền lợi đặc biệt dành cho công dân Mỹ, đó là điều ai cũng biết.

Học để thi Quốc tịch Mỹ, với người có trình độ Anh văn cao, chắc không có gì khó, nhưng với người lớn tuổi không giỏi tiếng Anh như vợ chồng tôi không phải là chuyện dễ. Tôi đã gặp nhiều người qua đây mấy chục năm rồi mà vẫn chưa thi vào Quốc tịch, đó là tình trạng chung của những người bị hạn chế về trình độ Anh ngữ.

Thật lòng mà nói, nếu không vì muốn bảo lãnh hai đứa con còn kẹt lại bên Việt Nam thì chắc tôi cũng buông xuôi như bà con khác, nhắm mắt tới đâu thì tới. Tuổi tác đã xế bóng, bộ não không còn chỗ chứa, học chữ sau quên chữ trước, thậm chí học một bụng đứng dậy ra đề máy xe không nổ coi như chữ nghĩa vừa học đã rơi tớt đâu hết. Đó là trường hợp vợ chồng tôi. Sống trên đất Mỹ nhưng sinh hoạt đời thường thì toàn là người Việt, đi chợ Việt, nhân viên văn phòng công ty người Việt, về gia đình Việt, cũng chẳng có nhu cầu phải đụng tới người Mỹ. Nếu không vì mấy đứa con thì nhắm mắt đợi vài ba chục năm, đến thời gian quy định, cho phép thi tiếng Việt lúc đó mình thi cũng được.

Điều kiện thi Quốc tịch Mỹ được ấn định rõ ràng, phải hiểu biết căn bản về lịch sử, và về tổ chức chính phủ, phải biết đọc biết viết, biết nói và hiểu được tiếng Anh.

Tôi được sang định cư tại Hoa Kỳ hai mươi bảy năm sau 1975. Ở miền Nam Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa, mấy đức ông chồng đi đâu cũng mang một khối Ngụy, được dành cho họ một vị trí riêng, họ trở nên những cái bóng của thế sự. Mấy bà vợ “gốc ngụy” đành phải làm mãnh tướng tả xung hữu đột trên mặt trận cơm gạo áo tiền. Hồ sơ bảo lãnh coi như cần câu không lưỡi, chưa khi nào nghĩ tới chuyện gia đình mình được sang Mỹ. Mà nói cho ngay, dù có nghĩ tới cũng chẳng còn sức mà chuẩn bị cho việc xuất cảnh.

Khi đã được sống trên đất Mỹ, nơi tôi ở cách trường học ESL Com. Shoreline College chỉ chừng bốn phút lái xe, như ng chúng tôi vẫn không thể tới trường. Công việc làm của chúng tôi hằng đêm từ chín giờ tối cho đến 4,30 sáng, mỗi tuần bảy đêm, không ngày lễ, không cuối tuần. Công việc làm như thế làm sao mà tới trường. Thôi thì phải lo mà tự học.

May mà việc làm ban đêm của chúng tôi không bị quản thúc bởi thời gian, làm nhanh về sớm, làm chậm về trễ, miễn sao xong công việc của mình trước giờ mở cữa nhà hàng là được. Vì thế ban đêm của chúng tôi là ban ngày của thiên hạ và ngược lại.

Việc tự học thi quốc tịch của chúng tôi dựa trên tài liệu và băng cát xét của giáo sư Nguyễn Phú Lâm. Thời gian đầu chúng tôi nghe, nghe để làm quen, nghe bất cứ nơi nào có thể, trên xe, nơi làm việc, tại nhà, nghe riết phải thay máy thay băng mấy dạo.

Không thể tới trường học ESL hằng ngày, nhưng hằng tuần mỗi sáng thứ Ba từ 8 am tới 11 am, chúng tôi phải cố gắng tới INTERNATIONAL CENTER ASIANS, dự buổi học thi quốc tịch miển phí, hơn nửa trung tâm nầy sẽ điền đơn lập thủ tục cho mình đi thi sau nầy.

Lớp học khá đông, trên dưới ba chục người, đủ độ tuổi, thanh niên, trung niên, và lão niên, sĩ số học viên luôn biến động hàng tháng, người thi đậu, người mới vô, điều vui nơi đây là, người đi thi đậu trở lại lớp với quà bánh đãi tiệc chia vui, người rớt trở lại học tiếp. Điều quan trọng hơn nửa người đậu cũng như rớt, chia xẻ lại những kinh nghiệm khi khi họ gặp các giám khảo trong cuộc thi hỏi đáp.

Theo kinh nghiệm người trước truyền lại cho người sau biết, có sáu vị giám khảo, nếu may mắn gặp được hai giám khảo một ông Mỹ và một bà người Mỹ lớn tuổi thì chắc ăn 100% đậu. Bà con mình nói rằng, người Mỹ đầy lòng nhân ái, họ luôn cảm thông hoàn cảnh của chúng ta. Với ông bà nầy, nâng đỡ là chính, chưa có ai đi thi gặp hai vị Giám khảo nầy mà than bị rớt.

Hai giám khảo khác một người Đại Hàn và một người Phi Luật tân, hai vị nầy học thuộc bài là đậu, có lẽ họ cũng như gia đình họ đã trải qua những chặng đường lo âu hồi hộp như chúng ta hôm nay, hơn nửa đất nước của họ cũng có thời gian là quân đồng minh chống cọng bảo vệ tự do cho miền Nam mình, nên họ không khó khăn chỉ hỏi theo bài, hỏi trong bài mà thôi.

Trái lại, còn hai vị Giám khảo người Nga, một trung niên và một phụ nữ. Bà con Việt thi quốc tịch mà gặp một trong hai người nầy cầm chắc rớt 100%, trình độ Anh ngữ của mình kém học thuộc bài đã là chuyện khó mà hai người nầy hỏi câu hỏi xong còn hỏi thêm ngoài bài, ví dụ “Khủng bố là gì, chơi bài là gì, làm đĩ là gì, say rượu là gì v.v..và v.v......“ Nếu trả lời câu hỏi trong bài được mà giải thích không xong thì về học thêm lần sau tới thi lại. Bà con suy luận, có lẽ dân Nga thù ghét dân miền Nam Việt Nam nên mới cố tình gây khó khăn.

Cô giáo hướng dẫn học thi Quốc tịch trong lớp có lần kể lại rằng, cô được một bà chị nhờ đi làm thông dịch, vì bà ấy được thi tiếng Việt, chúng tôi gặp cô giám khảo người Nga nầy. Sau khi tuyên thệ xong, cho chúng tôi ngồi xuống, cô ta coi hồ sơ của bà chị rất lâu, câu đầu tiên cô ta hỏi.

- Bà vừa đi du lịch phải không?

- Phải.

- Bà sống nhờ tiền chính phủ vậy tiền đâu mua vé máy bay?

- Con cháu gom lại cho.

- Tự động họ gom hay bà kêu gọi?

- Tôi kêu gọi

- Bà kêu gọi con cháu gom bạc ngàn cho bà mua vé đi chơi, tại sao bà không kêu gọi họ gom mấy trăm làm lệ phí cho bà đi thi Quốc tịch.

Cô giáo giãi thích:

- Cô ta không nói tiếp nhưng mình tự hiểu cô ta đã đánh giá thấp về tinh thần đóng góp cho xã hội của bà chị. Cô chỉ hỏi hai câu, bà chị không giải thích được cô yêu cầu chị về học lại.


Ông xả tui chăm chú theo dõi, đánh dấu vào sách những câu hỏi của các người đi thi về nói lại, tuần nào có người đi thi về ông đều làm như thế, từ mấu chốt nầy ông nẩy sinh chuyện “học tủ”.

Học tủ là nghề của những cậu học sinh chây lười biếng nhác, học theo kiểu thầy bói, trong tủ thì đậu, ngoài tủ thì mang tơi trượt tuyết.

Đất nước nầy thi Quốc tịch mà học tủ thật là chuyện buồn cười không thể tin, thế mà ông ta trúng tủ, gần hai năm theo sát các người đi thi về, ông quả quyết tủ ông sẽ trúng, ông bày cho tôi học như ông nhưng tôi không dám mạo hiểm, tuy vậy những câu tủ của ông đưa ra tôi vẫn học chăm và kỹ hơn.

Ông cho tôi biết, sau thời gian dài theo dõi trên ba chục người đi thi lần đầu, mỗi người hỏi sáu câu, người đậu cũng như người rớt, quanh đi quẩn lại chỉ hỏi hai mươi hai câu, của một trăm câu lịch sử và chính phủ, như vậy ông chỉ học hai mươi hai câu đó mà thôi.

Phần lý lịch tất cả mọi người đi thi về họ đều cho biết, Giám khảo cầm tờ giấy lên đọc bốn chục câu hỏi từ đầu đến cuối không bỏ sót câu nào, phần nầy ông chỉ học ba câu trên bốn chục câu hỏi lý lịch.

Ông đem bài lý lịch ra chỉ cho tôi coi, từ câu thứ nhất đến câu thứ ba mươi tư đều trả lời “NO“ liền nhau. Câu thứ ba mươi lăm nghĩa là câu thứ nhất trả lời “YES“ liền năm câu “YES“ đàng sau. Như vậy chỉ học câu hỏi trả lời “NO“ thứ nhất và câu hỏi trả lời “NO“ thứ ba mươi Tư, rồi học liền câu trả lời thứ ba mươi lăm, có nghĩa là câu trả lời “YES“thứ nhất trong sáu câu còn lại, tổng cộng, theo ông, chỉ cần học thuộc 22 câu lịch sử và 3 câu trả lời “NO, YES“ trên 140 câu.

Ông tự an ủi:

- Bà con học nhiều vô thi gặp ông bà Giám khảo người Nga đều rớt, mình học ít xui xẻo trúng họ có rớt cũng cam lòng.

Đúng bốn năm chín tháng sau khi định cư, chúng tôi nạp đơn. Sau ba tháng nhận được giấy gọi.

Giống như cậu Nghè ông Khóa thuở xưa, bao nhiêu năm dùi mài kinh sử nay lều chỏng vô kinh ứng thí.

Đêm hôm đó chúng tôi xin phép Công Ty nghỉ, đêm đi làm thời gian qua rất nhanh, đêm nay ở nhà sao mà dài đến như vậy, tinh thần căng thẳng, hồi hộp, nằm ngồi không yên, cố gắng chợp mắt để lấy tinh thần nhưng không được, chong mắt nhìn đồng hồ chờ trời sáng.

Hai miếng bánh mỳ nướng kẹp miếng thịt nguội, ly sữa tươi pha tý cà phê, không đụng tới, đủ thứ lo không sao nuốt nổi, lo nghe câu hỏi không được, lo gặp Giám khảo người Nga, lo quên câu trả lời. Nhìn ông xã nhà tui, ông vẫn ung dung tự tại, vẫn ăn uống bình thường hình như ông không mấy lo lắng như tôi.

Tôi nói kháy ổng:

- Sáng nay đi nhớ mang theo chìa khóa để mở tủ, đừng để quên phòng thi không có đồ nạy cửa nghe ông.

- Bà yên tâm, ngoại trừ hai người Nga còn gặp các giám khảo khác chắc chắn thắng 100%.

Từ nhà tôi đến phòng thi Sở Di Trú cách 25 Exit chạy 50 phút. Chúng tôi có lẽ là người thứ nhất đến đây, vì bãi đậu xe độc nhất chiếc xe của chúng tôi mà thôi,

Bẩy giờ mở cữa chúng tôi cũng là người thứ nhất vào trình giấy gọi, rồi lên phòng đợi.

Con người khi đến tột cùng của lo lắng tự nhiên trở lại bình thường, tâm trạng tôi lúc nầy bỗng thấy rất tỉnh táo không chút vướng bận về thi cử, nói như ông xả nhà tui, không may gặp hai người Nga thì chấp nhận thua còn gặp các giám khảo khác chắc chắn thắng, vì mình học rất kỷ, thôi thì cứ chờ coi vận hên xui.

Phòng chờ bây giờ thí sinh ngồi đợi khá đông, nhìn quanh coi có ai người Việt đi thi sáng nay không nhưng không có.

Gần 8 giờ tim bắt đầu đập thình thịch, giây phút hồi hộp đến nghẹt thở, khung cửa bên góc trái phòng chờ, ông Mỹ mang cặp kính trắng cao lêu nghêu cầm xấp giấy ra đứng nhìn quanh;

- Phiên ngiễn! Ông ta kêu.

“Lạy Chúa ông Mỹ gọi con rồi.” Tôi đứng nhanh lên trả lời liền:

- Yes I am.

Trong phòng không có người Việt đi thi nên không sợ lộn.

Ông Mỹ gật đầu đi vào. Tôi mừng quá quay lại nói nhỏ với ông xã,

- Tui đậu rồi đó nghe, cố lên.

Tôi tiếp theo lưng ông Mỹ vào phòng thi, đóng nhẹ cánh cữa ra vào đứng trước mặt ông, ông ra dấu đưa tay lên, ông đọc gì đó xong ông cho ngồi xuống.

Ông hỏi tôi biết Anh văn không. Tôi trả lời biết rất ít, Ông hỏi thuộc bài không, tôi trả lời thuộc, Ông hỏi Tổng Thống Mỹ bây giờ tên chi. Tôi trả lời Bill Clinton, Ông hỏi nước Mỹ có mấy tiểu bang. Tôi trả lời 50. Ông hỏi lá cờ Mỹ có mấy màu. Tôi trả lời có 3 màu Xanh, đỏ, trắng.

Ông ngồi chăm chú đọc hồ sơ không hỏi chi thêm, cuối cùng ông đưa tôi ký vào tờ giấy chi đó ông nói một câu dài tôi chỉ nghe được tiếng sau cùng

- YOU PASSED.

Đó là tiếng chờ đợi bao nhiêu năm lao tâm khổ trí, nếu có cánh tôi sẽ bay lên vì sung sướng, tôi muốn thét to lên vì vui mừng. Tôi đứng lên nói tiếng cám ơn ông.

Hớn hở chạy ra ông xã nói:

- Thấy ông Mỹ kêu bà là tôi biết chắc bà đậu, lọt được một người rồi còn tui nữa, ổng hỏi có dễ không?

- Ba câu không thêm một chữ, bà con mình nói đúng. Nâng đỡ là chính, may quá, mình không biết nói gì ngoài sự biết ơn.

Ông xã tui càm ràm:

- Răng rứa hè! Hai đứa trình giấy một lúc mà răng không kêu tui, khi nảy tui thấy ông bà Nga đó cầm giấy đi ra nhìn quanh, tui nói trong bụng coi như toi công rồi, hú hồn vận tui còn hên, không gọi tên tui.

Gần 10 giờ sáng, người trung niên Phi Luật Tân cầm giấy ra gọi tên ông xã. Ông vào phòng thi, tôi hồi hộp chờ đợi. 10 phút chưa thấy ra, 20 phút cũng chưa ra, tôi lo quá, đứng lên ngồi xuống thấp tha thấp thỏm, không biết có được không.

30 phút, đúng 30 phút ông xã ló ra cữa khi nãy, mặt cười tươi đưa tay chỉ xuống cầu thang ra về, tôi chạy theo hỏi:

- Có câu nào ngoài tủ không?

- Không, y boong trong tủ, toàn mấy câu thông thường thôi.

- Lý lịch thì sao?

- Ổng ta cầm tờ giấy lên đọc từ đầu chí cuối, tui nhắm mắt bấm tay đếm từ một đến 34 qua câu 35 tui thở phào nhẹ nhõm.

Chúng tôi trở lại lớp với bữa tiệc nhẹ xôm tụ hơn, chia xẻ những gì trong phòng thi với bà con, vui mừng và chia tay cô giáo, chờ ngày đi tuyên thệ nhận chứng thư Quốc Tịch, để bổ túc hồ sơ gia đình đoàn tụ.

Một lần nữa xin cám ơn nước Mỹ và cám ơn lòng nhân ái của người Mỹ.

Phương Lâm

Ý kiến bạn đọc
27/10/201619:57:45
Khách
Because if you don't pass the US citizen you will not receive SSI.
People came to the USA before 1996 can receive SSI if that person do not have US citizen.
People came to USA after 1996 can not receive SSI if that person do not have US citizen.

That is the reason elderly people needs to get US citizenship.
09/08/201608:59:48
Khách
Tác giả bài viết thi quốc tịch Mỹ gặp giám khảo là những người Mỹ trắng có tuổi, phúc hậu đầy lòng thương người thi đậu một cách dễ dàng. Họ không hỏi tròng tréo, gài bẫy người đi thi. Bạn tôi năm nay 60 tuổi, qua Mỹ 12 năm, học rất kỹ mà thi bốn lần đều rớt, anh xui xẻo là gặp giám khảo người Việt nam. Theo lời anh kể , ban đầu anh tưởng họ là người Nhật hay Đại Hàn, Phi. Sau khi thi xong, bà nói tiếng Việt mới biết là người Việt gốc Hoa. Bà hỏi: "-Ông đi thiquo61c tịch Mỹ để làm gì?"
"- Tôi thi để vote."
Bà ta cười có vẽ chế nhạo, và nói tiếp "- Ông về Việt nam thăm viếng hay du lịch gì cứ xài hộ chiếu Việt cọng có sao đâu miễn là đừng đi biểu tình chống họ thì có sao đâu. Già cả mắt tai lem nhem, nghễnh ngãng mà học thi quốc tịch chi cho mệt.." Anh nói, đàng nào cũng rớt rồi, anh tính cải lại thì bà chỉ tay bảo ra về. Tôi rất biết rõ khả năng Anh ngữ của anh, và lần nào trước khi đi thi, tôi giả làm giám khảo hỏi bài anh rất gắt, anh trả lời dược lắm, và lần nào cũng hỏng là đi thi gặp giám khảo VN. Quí vị đừng tưởng lầm là khi đi thi lái xe hay quốc tịch gặp giám khảo VN là họ nâng đỡ đâu!
29/07/201614:37:42
Khách
. " (... ) Lòng Mẹ bao là như biển Thái Bình rạt rào, Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào, Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu. ".(Lòng Mẹ - Y Vân)
Bà thi vào quốc tịch Mỹ vị nghĩ tới tương lai con cái của mình và với cái tuổi già mà vẫn chịu khó sách đèn để mà thi quốc tịch đọc mà xúc động quá. Ngày xưa còn nhớ lo học lo thi , thi rớt sợ cha mẹ buồn bây giờ thì ngược lại. Tôi ở Pháp thường hay quá Mỹ và đến chơi trung tâm dạy luyện thi vào quốc tịch ở quận Cam và gặp nhiều bậc cha mẹ "dùi mài kinh sử" để đi thi và cũng lo lắng vì sợ thì rớt.... con cái buồn. Thi rớt thì con gái mặt dàu dàu, thằng con rể thì nói này nói nọ .Ông Trần tế Xương ông viết " thi không ăn ớt thế mà cay" bây giờ cay còn nhiều thứ lắm, cay đắng và cay mắt..Mong rằng những ai đọc bài này thì hiểu cho lòng những bậc làm cha mẹ,...TRAN Hubert
28/07/201618:16:16
Khách
Mãi về sau, tôi mới biết thi quốc tịch là khó. Chớ khi dự phỏng vấn ở tiểu bang của tôi mấy chục năm về trước, tôi chỉ bị hỏi ba câu hỏi dễ ợt . Ra khỏi cửa, còn cảm thấy buồn khi nghĩ rằng mình sẽ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa trong buổi lễ tuyên thệ sắp tới .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,148,799
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến