Hôm nay,  

Hối Tiếc Muộn Màng

23/07/201600:00:00(Xem: 17285)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4874-18-30574-vb7072316

Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Cái tin bà Chậm đột ngột qua đời từ cô giáo Nguyệt đã làm cho Trúc thờ thẩn suốt mấy ngày liền. Mới hôm thứ Bảy cách đây vài tuần, Trúc và bà còn nói chuyện với nhau tại trung tâm Việt Ngữ bà đâu có vẻ gì là bệnh hoạn. Bà Chậm năm nay sáu mươi tám nhưng vẫn còn vẻ trẻ trung. Chỉ có điều, lúc nào nhìn bà cũng thấy phảng phất nét buồn buồn.

Trúc quen bà Chậm lần đầu tiên khi cô chở bé Kayla vào trung tâm tiếng Việt và gặp bà đưa thằng cháu ngoại Andrew đến. Hôm ấy cô Nguyệt đi trễ nên hai người phải ngồi chờ và có thời gian trò chuyện với nhau. Sau lần đó mỗi thứ Bảy gặp lại Trúc và bà Chậm đều trao đổi vài câu, lâu ngày thành ra thân thiết, tâm sự cả những chuyện vui buồn. Thời gian của Trúc cũng rất hạn hẹp, nhưng không hiểu sao cô cảm thấy rất mến bà Chậm, chắc tại vì bà cũng bằng cỡ tuổi mẹ cô bên Việt Nam. Dù bà kể là đang ở với con gái ruột và bà rất thương thằng cháu Andrew, Trúc có thể thấy bà không được hạnh phúc gì cho lắm.

Dần dà Trúc biết rõ hết sự tình. Cuộc đời bà Chậm khá là vất vả, cho dù may mắn được sống trên đất nước tự do. Gia đình bà đến Mỹ diện con lai, L. con gái bà rất xinh đẹp vì cha là người Mỹ Trắng. Ngày xưa khi làm sở Mỹ, bà là thu ngân trong một căn tin ở bán đảo Cam Ranh, bà quen với một quân nhân Mỹ tên Richard. Anh ta về nước trước khi biết bà có thai, nhưng có hứa sẽ liên lạc sau để đưa bà qua Mỹ sống. Khi biết chuyện mẹ bà mặc cảm xấu hổ với người thân nên đưa bà ra Nha Trang sinh sống bằng nghề buôn bán rau cải ở Chợ Đầm. Bà mất luôn liên lạc với Richard từ đấy.

Kỷ vật của Richard cho bà gồm sợi dây chuyền bạch kim mặt hột xoàn và một chiếc nhẫn. Ra Nha Trang, mẹ bà đem bán sợi dây chuyền cho tiệm vàng Mỹ Hưng trên đường Độc Lập được một số tiền kha khá để bà làm vốn mua bán. Còn lại chỉ có chiếc nhẫn cũng bằng vàng trắng chưa tới một cara bà Chậm luôn đeo bên mình để nhớ tới Richard người tình ngoại quốc. Một lần trong khi mang cái bụng bầu è ạch ngồi bán rau trong Chợ Đầm, bà bị một nhóm người bu lại mua rau. Thay vì chọn mua rau, bọn họ kẻ thì sờ bụng bà nói tội nghiệp đang thai nghén mà phải làm việc vất vả thế này, người nắm tay bà vuốt ve sao mà có chiếc nhẫn đẹp đến thế. Sau khi đám người đó bỏ đi, bà Chậm nhìn lại mới biết chiếc nhẫn hột xoàn trên ngón áp út của bà đã không cánh mà bay. Bà vật vã khóc than suốt ngày hôm ấy, cho đến chiều thì dọn mớ rau héo đem về nhà ăn vì không bán được món nào.

Tháng Tư 75, bà Chậm theo mẹ trở về quê để rồi bị hắt hủi coi khinh vì có con với Mỹ, là “kẻ xâm lược”. Chịu bao cơ cực lầm than, đi làm thuê gánh mướn kiếm tiền nuôi đứa con không cha, nhưng bà Chậm cũng ráng cho bé L. đến trường học chữ. Bà nói đời bà đã dốt, học chỉ tới Tiểu Học nên bà muốn con bà phải được ít nhất cũng xong trung học.

Nhưng rồi diện con lai mở ra, mẹ con bà Chậm được sang Mỹ định cư. Bà đi làm vất vả lo cho L. ăn học đàng hoàng. Mẹ con quấn quýt thương yêu nhau, L. là đứa con gái có hiếu nên bà Chậm rất hạnh phúc. Cô khá thông minh, giỏi về toán nên đã học Computer. Sau khi tốt nghiệp kỷ sư và đi làm, cô kết hôn với John chàng Mỹ Trắng cùng chung hảng. Người con rể tính tình rất tốt. Bà Chậm thầm mừng vì con gái bà may mắn. Bà sống chung với gia đình con, John rất quý mẹ vợ, và vì L. dạy anh chút ít tiếng Việt nên mẹ vợ chàng rể rất là thân thiện gần gũi. Anh Mỹ này cũng thích những món ăn Việt do bà nấu, nhất là món phở và chả giò. John thường nói với bà tiếng Việt thật khó học nhưng âm thanh nghe thú vị lắm, và nhất định sau này anh sẽ cho các con học tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Anh, chứ không chạy theo “mốt” học tiếng Tây Ban Nha như phần đông người Mỹ. “Con muốn chúng nhớ đến nguồn gốc bên ngoại,” John nói với bà Chậm, làm cho bà càng thêm sung sướng.

Nhưng cuộc sống hạnh phúc của L. con gái bà không được bao lâu thì tai họa xảy ra. Khi đứa con đầu lòng của L. là Andrew được ba tuổi, thì John bị tai nạn xe và qua đời. Trong một lần cả nhà đi dã ngoại xa thành phố, người em trai của John nhận trách nhiệm lái xe. Đến nơi xe dừng, người anh vừa bước xuống nửa vời thì em trai nhấn ga vọt tới. Chồng L. đã chết ngay sau đó.

Cái chết của chồng L. đã làm tốn nhiều công sức và thời gian cho hảng bảo hiểm nhân thọ. Họ điều tra một thời gian rất lâu mới đền số tiền lớn cho L. Điều làm cho bà Chậm buồn bã đau lòng, là sau khi chồng mất không bao lâu, L. lãnh được số tiền bảo hiểm nhân mạng khổng lồ cộng với tiền từ bảo hiểm xe thì cô kết hôn ngay với cậu em chồng, người đã gây ra cái chết cho anh ruột. Việc này dấy lên những lời đồn thổi về tai nạn đã giết chết con rể bà. Bà có can ngăn, là làm như thế sẽ bị người đời cho là “mất đạo đức” nhưng L. vẫn bỏ ngoài tai, lại còn trở mặt làm cho tình mẹ con rạn nứt. Cuối cùng bà đành chấp nhận vì bây giờ con gái đã hoàn toàn hòa nhập vào nếp sống của người Mỹ. “Ai nói gì mặc kệ họ! Con không care!” L. trả lời bà như thế.

Cuộc sống của bà Chậm đã thay đổi lớn sau chuyện này. Bị bà không thích anh ta “cưới chị dâu” nên phản đối, thằng rể sau tỏ vẻ ác cảm không muốn sống chung với bà. Tuy nhiên, việc chính cô con gái ruột vì chạy theo tình yêu của “thằng em chồng trẻ” mà trở mặt với mẹ mới bóp nát trái tim bà Chậm. Vì lụy tình sợ bị bỏ rơi, L. không bao giờ dám tỏ thái độ khi thằng chồng sau vô lễ với bà. Kết cuộc bà đành phải bấm bụng thuê nhà dọn ra ngoài, xa con gái và thằng cháu mồ côi cha Andrew mà bà yêu thương hết mực.

Một điều may mắn cho bà Chậm, là L. vẫn tiếp tục nhờ bà trông dùm Andrew vào những ngày cuối tuần để cô rảnh tay đi chơi với chồng sau, vì anh ta không muốn đưa bé đi theo sợ vướng víu. Nhớ lại lời nói của John ngày trước, bà đưa thằng bé đến trường Việt Ngữ cho nó học tiếng Việt. Sau đó thì đưa về nhà bà cho ăn uống rồi bà cháu mới đi chơi công viên. Bà kể Trúc nghe ở nhà bà thường dạy thêm tiếng Việt cho Andrew nên thằng bé học cũng được khá nhiều chữ.

Trúc cho bé Kayla đi học tiếng Việt đã một thời gian. Bé giờ biết đọc và viết nhiều câu có hai mẫu tự. Mỗi sáng thứ Bảy, Trúc chở theo Kayla cùng Thuận ra mở cửa tiệm tóc do hai vợ chồng làm chủ. Sau khi dọn dẹp và chuẩn bị các thứ, Trúc giao cho Thuận coi rồi đưa bé đến trường Việt Ngữ xong mới trở lại tiệm làm. Dù bận rộn cỡ nào, hễ đến thứ Bảy là vợ chồng Trúc phải thay phiên đưa bé đến đây.

Trung Tâm Việt Ngữ nho nhỏ này đã mượn những phòng học của trường cấp Hai thành phố để học sinh Việt Nam có chỗ đến học tiếng Việt và tổ chức các sự kiện văn hóa của người Việt trong các dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Trung Thu.

Tuy thời gian hạn hẹp, nhưng lúc nào Trúc cũng đợi con gái ngồi vào chỗ xong mới chào cô giáo ra về. Hôm nay cũng vậy. Vừa chào cô Nguyệt xong xoay người lại, Trúc giật mình vì sém đụng vào ông Mỹ Trắng đang dắt tay thằng bé Andrew bước vô. Đó là người đàn ông với khuôn mặt thật buồn ngồi một mình trước cửa lớp mà Trúc đã gặp và chào hôm tuần trước, khi cô đưa Kayla đến.


- Oh, tôi xin lỗi! Trúc nói.

- Không có chi. Ông ta đáp rồi lách mình dắt thằng bé bước vào lớp học.

Trúc trở về tiệm làm việc nhưng lại mãi nghĩ về người Mỹ có nét mặt đau khổ đó. Trúc rất tò mò muốn biết ông ta là gì của Andrew mà lại đưa thằng bé đi học. Trúc định bụng khi nào sẽ hỏi cô giáo Nguyệt về điều này.

Tiệm hôm nay rất nhiều khách hẹn, nhất là khách uốn tóc. Buổi chiều Trúc có mấy cái hẹn gần nhau nên cô đến trường sớm, định xin cô Nguyệt cho Kayla về trước một tiếng, vì sợ cuối buổi học không ai đón.

Đậu xe xong, Trúc bước vô khỏi cổng chợt giật mình khi thấy ông Mỹ ban sáng vẫn còn ngồi trên băng ghế ngoài sân trường. Tóc bạch kim óng ánh nhìn rất đẹp lão, tuy có vẻ hơi nghèo nàn trong chiếc quần Jean bạc màu và áo thun ngắn tay màu xám xanh. Đầu hơi cúi xuống, hai tay chống lên má làm cho khóe miệng ông chảy xệ ra hai bên, hàng ria mép thì vểnh lên như hàm râu cá chốt. Ông ngồi nhìn vào khoảng không trước mặt giống một kẻ vô hồn.

- Hi! Ông vẫn còn ngồi đây từ sáng đến giờ sao? Trúc chào ông rồi hỏi.

Ông ta giật mình nhìn lên, gật đầu:

- Tôi không có về. Tôi thích ngồi đây chờ cho đến khi bé Andrew ra rồi đưa nó về luôn.

- Ông cưng Andrew ghê! Thằng bé may mắn quá!

Trúc nói xã giao rồi vội vã bước vô lớp cô Nguyệt xin phép đưa Kayla ra. Vẩy tay chào ông Mỹ lần nữa, cô bước vào xe nổ máy chạy đi, không có thì giờ thắc mắc ông ta là gì của Andrew.

Chuyện gì vầy nè trời. Trúc kêu thầm khi thấy chiếc xe chạy rì rì và nghiêng về một bên. Tiếng bánh xe chạm xuống đường kêu sừng sực, cành cạch, rồn rột. Xe đã bị xì lốp. Chắc vừa mới trúng đinh trên quảng đường ổ gà từ bên góc trái của trường. Trúc tấp vào lề và bước xuống xem xét. Quả là bánh trước bên tay mặt đã xẹp lép cà sát xuống mặt đường. Vừa bực bội, vừa lo lắng sợ trễ hẹn với khách, cô lấy điện thoại ra định gọi về cho Thuận, chợt giật mình khi nghe có tiếng nói từ sau lưng:

- Xe cô bị xẹp bánh rồi!

Trúc quay lại thấy ông Mỹ đã đứng bên cô tự khi nào. –Cô có cần giúp thay bánh không? Tôi có thể giúp. Ông ấy nói, vẫn với bộ mặt đưa đám.

- Ồ! Ông tốt quá! Trúc kêu lên giọng xúc động. –Tôi rất biết ơn tấm lòng tử tế của ông. Tôi tên Truc, xin lỗi, tên ông là gì vậy?

- Tôi là Dick. Chúng ta gặp đã gặp tuần trước. Cô mở trunk lên cho tôi xem thử nếu có bánh “sơ cua” và con đội trong đó thì tôi sẽ giúp cho.

Trúc mừng rỡ mở cốp xe cho ông Mỹ tốt bụng. Ông nhanh nhẹn tìm thấy chiếc bánh xe dự phòng và lôi ra con đội. Trúc vội gọi nói cho Thuận biết để hoãn lại cái hẹn kế tiếp rồi đứng nhìn ông ta giúp cô. Dick bắt đầu làm việc, tháo bánh chuyên nghiệp như một thợ sửa xe lành nghề. Trúc tận dụng thời gian hỏi thăm ông về sự liên hệ với thằng bé Andrew:

- Dick nè, tôi thấy ông đưa Andrew đến trường học Việt Ngữ, ông là gì của cháu ấy? Tôi quen rất thân với bà Chậm, ngoại của Andrew. Bà ấy mới mất cách nay vài tuần. Khi còn sống bà là người đưa Andrew…

Trúc chưa nói hết câu thì ông Dick đã giật nẩy mình. Ông dừng tay, nhìn Trúc chằm chằm và vội vã hỏi:

- Chị quen với Cham hả?

- Phải! Trúc gật đầu. –Chúng tôi gặp ở đây mỗi thứ Bảy và thường nói chuyện với nhau lắm. Giờ thì đến lượt Trúc tò mò: -Ông quen làm sao với bà ấy?

- Tôi là ông ngoại của Andrew! Dick trả lời bằng một giọng buồn hiu.

Trúc giật mình ngạc nhiên buột miệng:

- Ủa! Là ông ngoại ruột? Ông tên Dick? Tôi nghe bà Chậm nói ông ngoại Andrew tên Richard kia mà!

Trúc nhớ rất rõ về cái tên Richard. Dạo sau này bà Chậm thường tâm sự cô nghe việc L. con gái bà tìm ra ông bố Richard. Bà Chậm rất buồn, rất đau đớn vì L. tìm được tông tích người cha sinh ra cô nhưng lại không cho mẹ gặp ông ấy. Bà không hề hay biết điều này cho đến khi tình cờ đến nhà và nghe L. nói chuyện với người chồng sau về ông Richard. Sau đó bà hỏi L. thì được con gái xác nhận là đúng. Nhưng cô nói một cách cứng rắn thẳng thừng là bà không nên gặp ông ấy, và cả cô cũng không muốn nhận lại cha, vì ông Richard giờ đây quá nghèo. “Nó bây giờ có tiền, nó sợ nhận lại cha sẽ phải giúp đỡ ông ấy”. Bà Chậm đã nói thế với Trúc.

Nghe Trúc hỏi, ông Dick gật đầu:

- Đúng! Tôi tên Richard, Dick là tên gọi ngắn của Richard. Nói xong ông ném cái cờ-lê xuống và lăn chiếc bánh xe xẹp ra ngoài. – Hồi đó tôi đã cố công liên lạc tìm kiếm Cham một thời gian sau khi về Mỹ, nhưng không gặp, và tôi không hề biết là có một đứa con gái với bà ấy. Gần đây L. đã tự động tìm ra tôi. Nói đến đây ông chợt dừng tay, ngước lên nhìn Trúc và nói với giọng nghẹn ngào: -Nhưng khi gặp được thì con gái tôi đã tỏ ra quá lạnh lùng. Tôi không hiểu lý do gì mà nó cũng không cho tôi gặp lại Cham.

- Điều này thì tôi biết. Trúc trả lời. –Bà Chậm có tâm sự cho tôi nghe, và bà tỏ ra buồn lắm. Bà ấy rất muốn gặp lại ông nên thường trách móc L. về việc này. Do vậy mà hai mẹ con dạo gần đây không được hòa thuận cho lắm. Vấn đề chính có lẽ ở chỗ người chồng sau của L., anh ta không muốn cho L. nhận lại ông. Trúc không dám nói lý do thứ hai là L. chê cha mình nghèo không muốn nhận, sợ Richard đau lòng tội nghiệp.

Trúc nhớ lại khuôn mặt sầu não của bà Chậm. Bà từng ước ao chỉ cần gặp lại ông Richard một lần thử xem ông ấy sống thế nào. Vậy mà L. đã không đồng ý chỉ vì ông nghèo quá. Quả thật tiền bạc đã làm thay đổi con người.

- Phải đợi khi bà ấy qua đời, con gái tôi mới cho tôi gặp lại bà! Richard vừa nói vừa vặn mạnh cây “mỏ lếch” một cách hằn học như trút tất cả sự đau khổ vào đó. –Gặp tại…nhà quàn! Ông lẩm bẩm.

- Tội nghiệp bà Chậm quá! Trúc kêu lên. –Bà ấy đã ra đi mà chưa gặp được ông. Cô an ủi: -Thôi ông cũng đừng buồn, bà ấy từng nói với tôi, trước kia L. là đứa con có hiếu với mẹ lắm. Và John chàng rể đầu tiên cũng tốt vô cùng, anh ta rất thương quý bà và bà cũng thương chàng rể này. L. tự nhiên đổi tính, xử tệ với mẹ khi lấy người chồng sau…

- Cho nên, bây giờ con bé mới hối hận. Richard lắc đầu nói chậm rãi từng lời, vẻ nghiêm trang như thể nói với người quá cố. Nó nói đó là điều hối hận lớn nhất trong cuộc đời, và nó đã vật vã than khóc suốt từ sau đám tang bà ấy đến nay. Tôi thương L. lắm, vì ở đời ai cũng có lỗi lầm mà. Chỉ tiếc là nó nhận ra quá trễ nên bây giờ lương tâm bị dằn vặt. Hiện tại tôi sống một mình, vợ tôi không còn, các con tôi đã lớn hết, nên tôi dọn về sống gần con gái một thời gian để cuối tuần đến giúp đưa bé Andrew đi học thay bà ấy. Con gái tôi muốn thế. Tuy tôi cũng không thích gì cái thằng rể mặt mày lúc nào cũng vênh váo khinh khỉnh ấy, nhưng thấy L. đau buồn vì ân hận nên tôi không đành lòng.

Richard nói xong đứng dậy, mắt đỏ hoe. Ông bỏ chiếc bánh xe xẹp và con đội vào cốp sau rồi đóng lại.

- Xong rồi! Ông nói với Trúc và bỏ đi thật nhanh trở vô sân trường.

- Cám ơn ông nhiều nha! Ông Richard! Chúc ông may mắn trong mọi thứ… Trúc nói với theo rồi lên xe nổ máy chạy về tiệm.

Trúc lái xe nhưng câu chuyện về con gái bà Chậm cứ mãi quanh quẩn trong đầu. Cô suy nghĩ miên man. L. đã vì tình yêu nên sống trên dư luận để kết hôn với người em chồng. Điều này có thể hiểu được và cảm thông. Nhưng chỉ vì tiền mà không nhận lại người cha nghèo, rồi vì người phối ngẫu không thích mẹ mà đành trở mặt với bậc sinh thành thì thật không hiểu nổi. Bây giờ mới hối tiếc chuyện cũng đã muộn màng. Cho nên người ta thường nói, khi cha mẹ còn sống không đối xử tử tế, đến lúc mất rồi khóc kể cũng bằng thừa. Quả thật không sai.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
22/08/201615:58:27
Khách
Bài này con thích nhất là cấu trúc bí ẩn và thắt nút của câu chuyện. Có thể nói cô thành công trong việc thúc đẩy đỉnh cao của sự tò mò. Nhiều tình tiết bất ngờ làm con háo hức đọc và mong tới đoạn kết để trả lời những câu hỏi được đặt ra. Ví dụ như là đâu là dấu chấm của sự thăng trầm trong cuộc sống hôn nhân, nguyên nhân bà Chậm mất, cái chết bất hạnh của chồng trước chị L., và ông Mỹ trắng dẫn Andrew đi học là ai. Còn một điểm nhấn quan trọng mà con đoán chắc là không thể thiếu trong bài viết của cô là bài học rút ra là gì cũng như lời lý giải cho tựa đề "Hối Tiếc Muộn Màng." Lần này con không thể đoán được cho tới đoạn cuối :) Con cũng thích cách cô lồng vào câu chuyện hai quan điểm văn hoá Đông -Tây đối lập nhau và chuẩn mực đạo đức trong việc tái hôn để từ đó làm rõ quyết định vi phạm chữ "Hiếu" của chị L. với bà Chậm. Cái sai trong ý nghĩ trọng giàu khinh nghèo đã một lần nữa làm lu mờ công sinh thành. Bài viết này của cô và ngẫm lại những kí ức cá nhân con, con mới thấu hiểu câu ông bà ta thường nói, "Cá không ăn muối cá ương,..." Mặc dù con đã cố tìm lỗi để phê bình cô lần này nhưng sau khi đọc thì không thể chê vào đâu được. 😊 cảm ơn cô!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến