Hôm nay,  

Tiếng Gọi “Mẹ Ơi” Từ Việt Nam

07/07/201600:00:00(Xem: 18164)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3862-18-30562-vb5070716

Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Viết Về Nước Mỹ 2014, cô nhận giải danh dự. Năm 2015, với bài “Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ”, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm.” Sang năm 2016, cô có 11 bài đã phổ biến, cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ. Bài thứ 12 trong năm là chuyện thật về một người lính Mỹ từ thời chiến tranh Việt Nam vừa được một đồng đội kể lại.

* * *

LỜI GIỚI THIỆU

“Tôi đã có mặt ở đó khi cậu ta chết. Hãy email cho tôi nếu muốn biết thêm chi tiết. Ký tên. Trung sĩ Doyle Clark.”

Clark đã giữ trong lòng ba mươi tám năm mới tìm được thân nhân của người lính Mỹ Frank Fisher để kể lại sự việc như một lời tạ lỗi... “Trong nhiều năm, tôi đã cố gắng nghĩ đến những phương cách nào để tiếp xúc với gia đình Frank. Tôi không thể nào quên hoặc gạt bỏ khỏi cái đầu của tôi những tiếng gọi mẹ liên tục của Frank”...

Trung sĩ Doyle Clark, bạn của Frank Fisher, người đã hành quân chung với Frank và chứng kiến những giây phút cận tử (near death) của Frank.

Câu chuyện, danh tính, nhân vật, địa danh là có thật, có thêm phần cảm xúc của người viết khi kể chuyện.

*

Bà Vera đứng trước cửa phòng một lúc lâu. Bà chưa muốn mở cửa. Đây là căn phòng của Frank, bà thường gọi bằng “Frankie”, đứa con trai độc nhất của bà đã mất cách đây bốn tháng.

Mọi đồ vật vẫn giữ nguyên như ngày Frankie từ giã bà lên đường ra mặt trận. Cái áo khoác thể thao của người thủ môn trong đội bóng đá “soccer“của trường trung học Patchogue Medford High School. Chiếc ảnh cô bạn gái tên Laura có nụ cười rất xinh vẫn đang mỉm cười với bà. Những quyển sách cũ lâu ngày phủ một lớp bụi dầy. Bức ảnh Frankie đội chiếc mũ trắng, mặc bộ quân phục màu đen có đính những chiếc nút vàng chụp khi Frankie tốt nghiệp trường huấn luyện tân binh Boot Camp trung đội 1010 tại căn cứ Fort Jackson Columbia South Carolina.

Bà lặng người ngắm con gấu xám đã ngã màu đen xỉn, Frankie ôm nó từ khi còn bé. Cái bụng gấu rách lòi cả bông, bà phải khâu lại. Cậu con trai rất giống tính bà, thích giữ những món đồ kỷ niệm dù đã cũ. Bức tranh Frankie vẽ bà Vera có đôi mắt thật to với dòng chữ đề tặng mẹ “Con yêu Mẹ suốt đời”. Cái máy ảnh hiệu Brownie còn mới... Tất cả còn nguyên đó. Đối với bà, chúng như có hơi thở, có linh hồn vì chúng gắn liền với một phần đời của Frankie.

Từ phòng của Frankie nhìn ra hướng Bắc là dòng sông Patchogue River dọc theo là đại lộ chính Montauk Highway. Đi về hướng tây là các nhà hàng, quán cà phê, bến tàu, các dãy nhà “condo“rực rỡ những giàn hoa giấy đỏ. Chúng ngã nghiêng dưới ánh nắng mặt trời chói chang, đón những cơn gió lồng lộng từ biển Thái bình Dương thổi vào.

Ngôi làng nhỏ Patchogue là tên của một bộ lạc da đỏ. Tổ tiên của họ sống từ mấy trăm năm trước ở vùng đất này. Cư dân trong làng có khoảng mười một ngàn người nhưng chỉ có hơn trăm cư dân là hậu duệ cuả người da đỏ. Ngôi làng thuộc quận Suffolk, thành phố Long Islands tiểu bang NewYork là nơi Frankie sinh ra và lớn lên. Tuổi thơ của Frankie gắn liền với dòng sông Patchogue.

Lúc còn trẻ, ông bố John thích đi câu cá. Những buổi sáng sớm chủ nhật, Frankie theo bố mẹ đi câu ở bến tàu từ sáng sớm và thường Frankie ít câu được con cá nào trong khi ông bố lúc nào cũng đầy giỏ.

Đi về hướng đông là những tàng cây cổ thụ đầy bóng mát chia con đường thành hai nhánh rẽ. Bên trái là công viên Shore Front Park, bên phải là công viên Rider Avenue Park. Cư dân Patchogue thường có những sinh hoạt cuối tuần như có ban nhạc hòa tấu đàn vĩ cầm chơi các bản nhạc cổ điển ngoài trời, Các nhóm họa sĩ dựng các giá vẽ ở một góc khuất. Các du thuyền và các tàu nhỏ trôi lượn lờ trên sông. Họ đi bộ, chạy “jogging”, đi xe đạp, ngồi chuyện trò ở ghế đá công viên, ngắm những đàn hải âu bay thành hình chữ V trên bầu trời hay vất những miếng bánh mì vụn cho đàn bồ câu bu quanh gần đó. Họ mơ màng đón ánh nắng bình minh chói lọi vào buổi sáng hay để lòng mình chìm đắm trước cảnh đẹp của hòang hôn, mặt trời to và rực rỡ như cái nia đầy ánh sáng, càng lúc càng nhạt và nhỏ dần rồi từ từ lặn chìm trong vịnh “Long Islands Bay”.

Những ngày lễ lớn, họ tụ tập về khu công viên rộng và mát này để tổ chức “Sea Fair River Festival”, lễ hội truyền thống của người dân miền biển. Họ đốt pháo bông vào ngày Lễ Độc Lập July Fourth. Họ tham gia “Patchogue River Parade”, buổi lễ diễn hành vào ngày chủ nhật trước ngày lễ Thanksgiving một tuần và còn nhiều sinh hoạt ngoài trời khác như thi chạy đua, chèo thuyền, lướt sóng... Cậu bé Frankie theo bố mẹ rong chơi cả ngày trong những ngày lễ hội. Có khi cậu cặp kè với các bạn, mê mải trong dòng người, quên cả thời gian. Ông bà chẳng bao giờ sợ Frankie lạc. Cậu quen thân quá ngôi làng Patchogue, đi vài vòng lại trở về chốn cũ. Cho dù nhắm mắt, cậu vẫn nhớ nằm lòng tên của những con đường ngang dọc như bàn cờ nơi đó có ngã tư phố chính Patchogue, ngôi nhà thờ St Paul Episcopal Church ở cuối đường, trường trung học Medford cạnh đó, bệnh viện Patchogue sát chân cầu Sandspit Pier bắt qua sông Patchogue, rạp hát Patchogue Performing Arts...

Về hướng nam là một khu rừng nhỏ rợp mát những loài cây đủ loại. Có những cây cổ thụ gốc to bằng ba người ôm, tàng cây chẻ ra làm hai nhánh, lá sum suê bao phủ cả một không gian rộng lớn. Đây là nơi dừng chân nghỉ ngơi của các nhóm cắm trại vào mùa hè. Đối với Frankie và các bạn, khu rừng này là những khám phá kỳ diệu gắn liền với tuổi thơ của Frankie hồi học lớp chín dưới mái trường Medfort High School. Chúng tắm suối, leo trèo, chạy nhảy, vật lộn, ca hát, chơi những trò chơi tập thể. Chúng đi tìm những con kỳ nhông đủ màu lẫn trong những chiếc lá xanh hay chạy theo những con sóc nhỏ chui vào trong hang. Chiều về, đứa nào đứa nấy quần áo lấm lem, mặt mũi nhem nhuốc và đôi giày bết những vết bùn và đất cát.

Về đêm, ngôi làng biển Patchogue yên tĩnh, chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào đập vào các kè đá. Các cặp tình nhân dựa đầu nhau trên những ghế đá hay thong dong nắm tay nhau đi trên lề đường dọc theo bờ sông dưới những ngọn đèn vàng. Các ngôi nhà ở dọc theo ven biển leo lét và thưa thớt ánh đèn. Cư dân Patchogue có thói quen đi ngủ sớm. Các cuộc vui chơi cuối tuần hầu hết là giới trẻ. Họ tập trung ở các bến tàu và ở phố chính. Họ cười đùa, nhảy nhót trong tiếng nhạc xập xình vang lên từ các quán bia rượu, nhà hàng, quán cà phê hoặc các khu giải trí như chơi ném banh “bowling”, thụt bi-da... Patchogue là một ngôi làng có một cộng đồng xã hội thân thiện và thanh bình.

Ở nhà trường, cộng đồng này càng thu hẹp hơn. Lũ trẻ là bạn học cũng là bạn hàng xóm. Các Thầy Cô giáo thường rủ nhau tham dự các buổi “potluck”, mỗi người mang một món ăn, tụ tập vui chơi trong khu vườn nhà. Trường Patchogue Medford High School là trường công có từ lớp chín đến lớp mười hai. Bà Vera tên thật là Veronica Fisher là thư ký đánh máy lâu năm của ngôi trường này. Các Thầy Cô giáo đều biết bà là mẹ của Frankie. Mỗi lần gặp bà, họ nhắc đến Frankie:

“Con gái làng Patchogue mê Frankie là đúng rồi. Nó đẹp trai thế...”

“Thằng bé chơi cả kèn đồng. Nó vẽ trang trí cho tờ báo “Medford Morning”.

Frankie tham gia hầu hết các sinh hoạt của trường. Gần đây, Frankie theo các bạn “cheerleaders” là các cổ động viên đi ủng hộ cho đội banh “soccer“nữ trong đó có thủ môn Laura, cô bé có đôi mắt to màu tím và mái tóc vàng hoe óng ả. Bà Vera rất yêu con bé mắt tím này. Chỉ còn hai tháng nữa là năm học kết thúc, chúng hẹn hò, chuẩn bị cho ngày lễ tốt nghiệp và đêm dạ tiệc Prom có khiêu vũ do nhà trường tổ chức. Sắp tới, đứa con trai của bà sẽ là người lớn. Nó sắp xa bà. Năm ấy Frankie mười tám tuổi vừa tốt nghiệp trung học.

Năm học sắp kết thúc cũng là lúc chiến tranh đến gần kề trong gia đình Frankie. Cuộc chiến tranh này không xảy ra tại nước Mỹ. Người Mỹ đã quen dần với cái tên “Việt nam“ nhất là những gia đình có con em đi lính. Họ biết nó trên bản đồ cùng với những tin tức chiến sự nóng bỏng hàng ngày nên nó trở thành một đất nước tuy xa xôi nhưng rất gần gũi. Hôm nay, họ đang nghe tin tức về những trận đánh lớn và các địa danh xa lạ như Bình Giã, Ấp Bắc. Củ Chi... Những người lính Mỹ hy sinh càng ngày càng nhiều. Cuộc chiến có chiều hướng leo thang. Frankie vừa tốt nghiệp trung học, nó sẽ tiếp tục học lên bậc đại học hay bị động viên? Liệu nó có được miễn dịch vì nó là con một trong gia đình? Hay là Frankie sẽ tình nguyện đi lính? Những câu hỏi và nỗi lo sợ mơ hồ ám ảnh thường xuyên làm bà Vera trằn trọc. Nhiều đêm, bà mất ngủ.

Ông John và bà Vera giống như các bậc cha mẹ người Mỹ có con trai trưởng thành trong lứa tuổi từ mười tám đến hai mươi lăm, rơi vào giai đoạn lịch sử nước Mỹ tham chiến tại Việt nam đều có chung nỗi lo sợ, con em họ phải đi lính tại chiến trường Việt Nam. Frankie vừa tốt nghiệp trung học năm một chín sáu lăm cũng là lúc Mỹ đang tiến hành cuộc “chiến tranh đặc biệt“kéo dài từ năm một chín sáu mốt đến một chín sáu lăm. Con số hai mươi ba ngàn cố vấn Mỹ và hai mươi ngàn lính Mỹ bên cạnh chín mươi ngàn lính Việt Nam Cộng Hòa đã làm người Mỹ phải quan tâm đến tính mạng người lính Mỹ ngoài chiến trường. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh không dừng lại ở con số đó. Chiến lược thay đổi. “Chiến tranh cục bộ“từ một chín sáu lăm đến một chín sáu tám, quân Mỹ ồ ạt vào Việt nam từ hai mươi sáu ngàn tăng lên một trăm tám chục ngàn. Năm một chín sáu tám, con số lên đến tám trăm ngàn quân gồm khoảng bốn trăm tám mươi ngàn lính Mỹ, bảy chục ngàn lính Đồng Minh và hai trăm ngàn lính Việt nam Cộng Hòa. Số thương vong của lính Mỹ càng ngày càng cao. Nước Mỹ và thế giới đang trong cơn sốt biểu tình phản chiến. Sự tiêu hao tài lực và nhân lực quá lớn cùng với cuộc chiến tranh kéo dài gần hai mươi năm và những áp lực từ mọi phía bắt buộc chính phủ Mỹ, thêm một lần nữa phải thay đổi chiến lược bất lợi cho miền Nam. “Việt nam hóa chiến tranh“từ một chín sáu chín đến một chín bảy hai, viện trợ giảm, người Mỹ rút dần về nước, quân đội Việt Nam Cộng Hòa trực tiếp chiến đấu. Hiệp định Paris ký kết ngày hai bảy tháng một năm một chín bảy ba. Ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm trở thành ngày Quốc Hận khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Hàng triệu người bỏ nước ra đi.

Trong thế chiến thứ hai, nước Mỹ đã có luật động viên, thanh niên từ mười tám đến hai mươi lăm phải ghi tên phục vụ trong quân đội. Luật còn gắt gao phạt tù năm năm và tiền phạt là hai trăm năm chục ngàn đồng cho những ai không thi hành.Tuy nhiên, ghi tên nhưng không có nghĩa là phải gọi nhập ngũ. Trong trường hợp đất nước có chiến tranh, việc đi lính là một nghĩa vụ có tính chất bắt buộc bằng cách bắt thăm( lottery) hay tùy theo độ tuổi.Tiếng Mỹ gọi là “Selective Services System“(SSS Draft). Vẫn có những điều kiện được miễn dịch như đang học đại học, là con một trong gia đình hoặc lý do sức khỏe. Thống kê cho biết hai phần ba lính Mỹ tham chiến là tình nguyện, một phần ba bị bắt buộc thi hành nghĩa vụ. Thành phần bị động viên đi lính đa số thuộc giai cấp thấp như công nhân, dân quê hoặc nghèo. Nhìn chung, quân đội Mỹ tham chiến có hai mươi lăm phần trăm thuộc loại nghèo, năm mươi phần trăm thuộc thành phần công nhân, hai mươi phần trăm thuộc giới trung lưu, một số rất ít từ giới thượng lưu giàu có. Chế độ quân dịch ở Mỹ có những điều kiện được miễn dịch và bắt thăm bị lên án là bất công cho nên các phong trào chống luật động viên như đốt thẻ lính, trốn quân dịch vào năm một chín bảy hai lên tới con số hai trăm ngàn người. Năm một chín bảy ba, luật động viên bị bãi bỏ.

Nhiều tuần nay Frankie đi vắng thường xuyên. Mỗi lần về nhà, nó thường vào phòng và ở thật lâu mãi đến khi bà Vera gõ cửa nhắc chừng con đã đến giờ cơm chiều. Nó ít nói. Nét mặt suy tư. Đôi mắt đăm chiêu, buồn buồn nhìn bà Vera, ngập ngừng như muốn nói điều gì rồi lại thôi. Lạy Chúa, chuyện gì sắp xảy ra cho Frankie? Đây có phải là điều bà lo sợ nhất từ bấy lâu nay? Vẫn ngồi trên chiếc ghế “sofa“quen thuộc bên chiếc lò sưởi, Frankie trầm ngâm. Bà ngồi bên cạnh con, yên lặng, chờ đợi. Lát sau, nó nói với bố mẹ nó tình nguyện đi lính.

Ngày hai mươi ba tháng bảy năm một chín sáu lăm, Frankie sẽ lên đường đi Columbia South Carolina học khóa Boot Camp tại căn cứ Fort Jackson. Khóa huấn luyện tân binh gồm hai mươi hai tuần trong đó có mười tuần học khóa huấn luyện căn bản “Basic Combat Training“viết tắt là BCT, sáu tuần học khóa huấn luyện cá nhân cấp cao về chuyên môn ngành súng máy “Advanced Individual Training“viết tắt là AIT. Những tuần còn lại sẽ học ngành thu thập tin tức tình báo “Human Intelligence Collector“tại trường tình báo, căn cứ Fort Huachuca, Sierra Vista, Arizona.

Nó ôm mẹ, gục đầu trên vai bà. Bà Vera khóc sướt mướt. Frankie khóc theo tiếng nấc của mẹ. Lần đầu tiên trong đời nó làm cho mẹ khóc và chưa bao giờ hai mẹ con khóc nhiều đến thế. Ông John ngồi chết lặng trên ghế. Chuyện gì đến đã đến. Cuối cùng Frankie đã chọn cuộc đời binh nghiệp. Mười tám tuổi, Frankie được quyền chọn lựa và quyết định cuộc đời mình. Đối với ông bà, đó là sự chọn lựa dại dột và không thể chấp nhận được. Thằng con trai dưới mắt bà nó vẫn là một đứa trẻ con. Bà hy vọng Frankie sẽ được miễn dịch vì lý do nó là thằng con trai độc nhất trong gia đình. Nó có cơ hội tiếp tục lên đại học, nơi an toàn cho nó trong thời buổi chiến tranh nhưng nó lại tình nguyện đi vào chỗ gian nguy, chết chóc. Bà không muốn con mình phải hy sinh mạng sống vì những lý tưởng xa xôi. Bà nghẹn ngào hỏi tại sao Frankie có sự chọn lựa này. Frankie mạnh mẽ nói nó không thể tiếp tục học hành trong khi của cải, tài sản của đất nước Mỹ nhất là máu xương của những người thanh niên Mỹ, bạn bè của nó đang đổ xuống để bảo vệ nước Mỹ. Việt nam là tiền đồn của thế giới tự do. Nó căm thù Cộng sản. Nó tình nguyện đi lính để chống lại sự xâm lăng và bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản. Nó đi lính vì danh dự của nước Mỹ. Nó muốn là một người công dân Mỹ đúng nghĩa, khi Tổ quốc cần, nó phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.

Tin Frankie tình nguyện đi lính xôn xao cả dân làng Patchogue. Trước hôm Frankie lên đường, đã có một buổi lễ tiễn đưa đơn giản nhưng đầy nước mắt của dân làng Patchogue, của của cô bạn gái Laura, của hàng xóm, bạn bè, người thân, của ông bố, bà mẹ. Mặc dù đã tự nhủ lòng mình sắp trở thành người lính, phải mạnh dạn, cứng cỏi trước mặt mọi người nhưng đôi mắt Frankie vẫn đỏ hoe. Ông bố John ngày thường đã ít nói, bây giờ ông lại càng ít nói hơn. Ông dành hết thì giờ vào cái ti-vi theo dõi tin chiến sự hàng ngày.Vắng đứa con trai gần gũi với ông bà suốt mười tám năm, căn nhà bà Vera giờ đây trở nên lạnh lẽo và buồn tẻ. Cả tháng trời, bà hụt hẫng, thơ thẩn như người mất hồn. Bà giống như mình vừa đánh mất một cái gì quý giá nhất trên đời và không mong gì tìm lại được. Bà chỉ còn biết cầu nguyện. Laura thỉnh thoảng ghé thăm bà, chia sẻ với bà những lá thư từ căn cứ Fort Jackson trong đó Frankie kể về những ngày “huấn nhục“căng thẳng ở căn cứ Hart Fort. Ngoài việc tập luyện cho thân thể khỏe mạnh, dẻo dai như đi, đứng, chạy bộ, trườn, bò trên các hàng dây kẽm gai, nhảy qua các hố, hầm, leo tường,vượt qua các chướng ngại vật, hít hơi ngạt..., Frankie còn được tập cách sử dụng vũ khí như các loại súng lựu đạn, lưỡi lê, các kỹ thuật cấp cứu... Đời sống ở đây bận rộn và kỷ luật. Frankie viết trong thư nó rất nhớ Mẹ, chỉ thèm ngủ và mong có thì giờ nghỉ ngơi để viết thư về cho gia đình.

Khóa huấn luyện chấm dứt sau khi Frankie học chuyên ngành về bắn súng, là xạ thủ súng trường 0311 và hoàn thành khóa tình báo tại Arizona. Đó cũng là lúc Frankie được phép về thăm nhà và sau đó nó sẽ phục vụ sáu tháng cho lực lượng an ninh tại căn cứ hải quân Guantanamo Bay ở Cuba trước khi thuyên chuyển sang chiến trường Việt nam. Hai năm trui rèn để trở thành ngừơi lính, da Frankie rám nắng, thân hình mạnh mẽ, vạm vỡ và cứng cát như một võ sĩ nhưng đôi mắt và khuôn mặt nó vẫn còn là nét trẻ thơ và thoáng buồn. Thời gian còn lại Frankie dành cho mẹ nhiều hơn cho cô bạn gái.

Hai tuần phép qua nhanh. Ông John và bà Vera tiễn con lên đường. Từ đây, Frankie sẽ thực sự rời xa mảnh đất quê hương này để đến một đất nước xa lạ, nơi đó, nó phải chiến đấu, đối diện với cái chết trong từng giây phút. Sợi giây chuyền bạc có cây thánh giá là vật kỷ niệm của bà để Frankie có cảm giác luôn luôn được gần bên mẹ.

Lá thư đầu tiên Frankie gửi về cho bà Vera ghi địa danh là “Con Co Islands” còn gọi là đảo Cồn Cỏ, hòn Cỏ hay đảo Con Cọp hoặc Hòn Mệ thuộc huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị nơi đó có đại đội Bravo, tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân và một căn cứ quân sự của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Vào năm 1967, Quảng Trị là vùng giới tuyến máu lửa của cuộc “chiến tranh cục bộ“với các địa danh lịch sử như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, đường 9 Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, hàng rào điện tử Mac Namara, trận A Sao, cổ thành Quảng Trị....

Với cấp bậc trung sĩ, Frankie được giao cho công tác tuần tiễu vùng đảo nơi tình nghi có ổ Việt cộng ẩn náu. Frankie cùng với mười hai người lính trong đó có trung sĩ Doyle Clark là tay súng máy được biệt phái đi cùng để huấn luyện các tay súng trường. Từng người thành hàng dọc, họ đi sâu vào rừng, qua một cánh đồng lúa gặp một căn nhà bị hư hại vì bom đạn. Có vài cây khế trái chín lủng lẳng trên cành, Frankie và Clark cùng với nhóm tuần tiểu ngồi nghỉ trưa, ăn khế. Trong giây phút ngắn ngủi, Frankie và Clark tán gẫu và tìm hiểu về đời tư của nhau. Những câu chuyện về nước Nhật làm cho họ thấy hợp và gần nhau hơn. Clark đã từng bị thương và chữa trị ở bệnh viện Yokosuka Nhật Bản còn Frankie cũng từng ở Nhật Bản để mổ chiếc vai lệch trước khi sang Việt Nam.


Họ lên đường tiếp tục cuộc tuần tiễu hướng về nơi có căn cứ quân sự của lính Việt Nam Cộng Hòa. Là đồng minh của Hoa Kỳ nên quân đội Việt Nam Cộng Hòa sử dụng các loại vũ khí của Mỹ cung cấp như súng ống, đạn dược, lựu đan, mìn bẫy để bảo vệ căn cứ. Bất ngờ cả đoàn sa vào bãi mìn “Bouncing Betty“còn gọi là mìn cóc, khi nổ, sức mạnh của nó chỉ vọt cao đến lưng quần nhưng đủ mạnh để cắt cụt chân hoăc tay người đạp phải. Frankie đi đầu, Clark đi hàng thứ tư. Clark viết trong lá thư gửi cho người bạn là em họ của Frankie: “Frankie ngã xuống và tiếng kêu đầu tiên tôi nghe được là hai tiếng “Mẹ ơi!”, “Mẹ ơi!”.”

Ba mươi tám năm qua, Clark kể lại cho đến bây giờ anh vẫn bị ám ảnh bởi hai tiếng “Mẹ ơi!” “Mẹ ơi!” kéo dài từ năm đến mười phút và hình ảnh Frankie dẫy dụa, quằn quại trên vũng máu, kêu gào đau đớn vì cánh tay trái bị đứt lìa và vết thương trên đầu quá nặng. Giây phút hấp hối cuối cùng của Frankie vẫn là tiếng thều thào hai chữ “Mẹ ơi!”. Frankie tắt thở vì máu ra nhiều và phương tiện cấp cứu quá trễ. Cả đoàn người đứng chết trân trong bãi mìn chưa tìm được đường ra trong khi Clark và đồng đội liên tục gọi về căn cứ xin tiếp viện.

Xác của Frankie và hai người lính trẻ cùng trang lứa với Frankie, một ở tiểu bang Baltimore và một binh nhất tên là Bill Mignini từ Oklahoma và vài người bị thương nằm dài trên cánh đồng. Khi thiếu úy Cliff Robertson, hai mươi ba tuổi đến từ Los Angeles chỉ huy lực lượng tiếp ứng cứu hộ tiến sâu vào bãi mìn, Clark và đội tuần tiễu cảnh báo Cliff nên dừng lại chờ chuyên viên kỹ thuật gỡ mìn thì vài trái mìn khác tiếp tục nổ. Cliff tử thương cùng với hai người khác trong đội tiếp ứng, hạ sĩ Ray Fort tiểu bang Arizona và hạ sĩ John Jensen tiểu bang Washington.

Một người y tá da đen mà Clark quên mất tên đã dũng cảm chạy vào bãi mìn kéo những người bị thương ra để cấp cứu tạm thời, vài trái mìn khác tiếp tục nổ làm anh cũng bị thương.

Mãi đến chiều tối, chiếc trực thăng Chinook 47 đáp xuống chở xác của sáu lính thủy quân lục chiến và mười hai người bị thương trong số hai mươi mốt người có mặt tại bãi mìn.

Đó là một ngày nóng bức, hai mươi bảy tháng tám năm một chín sáu bảy.

*

Trước khi mất hai ngày, Frankie viết thư cho bố mẹ, ông John và bà Veronica Fisher. Lá thư đề ngày hai lăm tháng tám năm một chín sáu bảy.

Tháng 8, ngày 25. 1967.

Bố mẹ thương yêu,

Hôm nay con nhận được thư của bố mẹ. Con không cần gì hết ngoại trừ cái máy ảnh Brownie nhỏ xíu của con. Con cần ít phim. Bố mẹ gửi ngay cho con. Ở đây không có phim màu.Tìm phim loại đen trắng cũng khó. Con muốn chụp thật nhiều hình ngay bây giờ mà mãi con vẫn chưa chụp được. Bố mẹ biết không, chụp hình nhiều, mình có dịp xem lại và nhớ về những ngày vui đã qua. Ha! Ha! Bố mẹ gửi nhanh để con nhận được càng sớm càng tốt nhé.

Thật ra chẳng có gì mới cả. Con vừa lãnh lương được ba trăm mười sáu đô la. Con sẽ gửi về ba trăm cho bố mẹ. Hai tuần nữa con sẽ lãnh tiếp. Con hy vọng và cố gắng dành dụm được hơn ngàn đô la khi con về thăm bố mẹ.

Con chẳng có gì để viết nữa. Con vẫn khỏe. Mọi chuyện tốt. Ở đây thời tiết vẫn nóng nhưng không đến nỗi tệ. Không đầy chín mươi ngày nữa là con về gặp bố mẹ rồi. Bố mẹ chờ con về. Không còn bao lâu nữa đâu. Bố mẹ giữ gìn sức khỏe. Mẹ nhớ uống thuốc đều. Thôi nhé, con đi bơi đây.

Thương yêu bố mẹ.

Người lính thủy quân lục chiến của bố mẹ.

Frank Fisher

*

Người em họ của Frankie viết về cái chết của Frankie:

“...Vào ngày nghe tin anh ấy mất, tôi đã nhảy qua hàng rào sân sau và chạy vào cánh rừng, cánh rừng mà năm xưa tôi thường vào chơi đùa với Frankie. Tôi khóc, khóc và khóc. Tại sao anh họ tôi phải chết? Lúc đó tôi không biết gì về người lính thủy quân lục chiến. Hôm nay khi tôi viết lá thư này, con trai tôi, hạ sĩ Mario De Lucia đang là xạ thủ súng trường ở Iraq, đại đội 3 India, tiểu đoàn 3, binh chủng thủy quân lục chiến số 2. Con trai tôi chưa từng gặp Frankie nhưng biết anh ấy. Nó tình nguyện phục vụ quân đội để vinh danh anh ấy. Nó cầu nguyện hàng ngày xin cho Frankie luôn luôn canh thức để bảo vệ nó...”

“.... Hồi nhỏ, mỗi lần đến thăm cô Veronica, Frankie luôn luôn rình tôi sau cánh cửa, chụp lấy tôi và dằn tôi xuống chiếc ghế “sofa”, hai anh em vật lộn, đùa giỡn hồi lâu. Đối với Frankie, tôi luôn luôn yêu mến và ngưỡng mộ anh ấy. Anh ấy vừa là anh họ vừa là bạn tốt nhất trong đời tôi cho nên khi nghe chuyện của Clark kể về cái chết của Frankie, tôi cảm thấy khủng khiếp. Trước cái chết cận kề, người Mẹ là người đầu tiên, độc nhất anh nghĩ tới. Cho đến giây phút cuối cùng, anh liên tục gọi “Mẹ ơi!““Mẹ ơi!“như một đứa trẻ tìm sự ôm ấp, vỗ về, tìm một nguồn an ủi, che chở, tìm một chỗ dựa, một phép mầu nhiệm của Mẹ có thể cứu sống anh thoát khỏi Tử thần. Điều đó cho biết Frankie và Mẹ thân thiết nhau một cách lạ thường. Cô tôi yêu đứa con duy nhất này với một tình yêu đặc biệt gần như tôn thờ vậy. Sau cái chết của con trai, cô tôi không bao giờ động đến căn phòng của anh ấy. Mọi vật được giữ nguyên. Những lá thư hồi trung học, chiếc áo thể thao, bức ảnh người bạn gái, sách vở trên kệ, con gấu xám....”

*

Sau đây là lời bà Veronica kể về con trai của bà.

Tôi là Veronica mẹ của Frankie. Sáng ngày hai mươi chín tháng tám tôi và John nhận được một tin như sét đánh. Frankie đã hy sinh ngày hai mươi bảy tháng tám năm một chín sáu bảy lúc một giờ trưa tại đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị. Trái tim yếu đuối của tôi như ngừng đập. Những viên thuốc trợ tim kịp thời không đủ để làm giảm cơn đau. John và bạn bè chuyển tôi đến bệnh viện Patchogue gần đó. Tôi nằm bệnh viện mất một tuần lễ.

Theo luật, họ phải thộng báo sớm cho thân nhân trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Họ cho biết thi hài của Frankie được cho vào quan tài bằng kẽm, phủ lá cờ Mỹ, đang chuẩn bị trên đường từ Việt nam chở về Mỹ, sau đó được quàn tại căn cứ không quân Dover Air Force Base Maryland. Tại đây, họ sẽ liên lạc và chờ quyết định của thân nhân để làm lễ an táng.

Mười lăm ngày sau, có hai người, một vị sĩ quan và một vị tuyên úy đến nhà tôi. Họ hỏi đúng tên Frank Fisher và xác nhận lại địa chỉ. Vị sĩ quan tay cầm một phong bì màu nâu trong đó có bản báo cáo các chi tiết liên quan đến nguyên nhân cái chết của Frankie. Họ cũng cho biết các số tiền thân nhân nhận được từ chính phủ Mỹ như mười hai ngàn đồng tiền tử, sáu ngàn chín trăm đồng tiền chôn cất, các khoản tiền lương, tiền an sinh xã hội, tiền trợ cấp cho vợ con nếu người chết có gia đình. Họ chuyển đến chúng tôi những vật dụng còn giữ được của Frankie như chiếc máy ảnh hiệu Brownie, chiếc thẻ bài có tên, số quân, loại máu, sợi giây chuyền bằng bạc có cây thánh giá, chiếc nhẫn bạc của Laura, chiếc đồng hồ, cây bút máy, một xấp giấy và lá thư viết cho mẹ còn dở dang và chiếc áo khoác. Họ mong gia đình cho biết có những yêu cầu gì để họ sẵn sàng giúp đỡ. Tôi và John quyết định chọn Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington.

Tôi và John có mặt tại nghĩa trang Arlington cùng với mười gia đình có con em hy sinh trong chiến tranh tại Việt nam. Đó là ngày hai mươi tháng Chín, thời tiết đang vào đầu mùa thu, cỏ lá úa vàng, nghĩa trang rộng lớn, yên tĩnh nằm bên bờ sông Potomac. Lá cờ Mỹ trên cột cao được kéo nửa chừng và rũ xuống, tượng trưng cho sự đau buồn của đất nước và nhân dân Mỹ tiễn đưa sự ra đi của những người lính chết trẻ. Một đội lính danh dự hộ tống quan tài có hai con ngựa kéo đến chỗ chôn cất. Từng chiếc quan tài được xướng tên họ, năm sinh, quê quán, ngày mất trong tiếng quốc thiều Mỹ vang lên từng hồi. Một người lính danh dự bắn ba phát súng sau mỗi lần hạ huyệt. Một người lính danh dự khác cuộn lá cờ phủ quan tài, xếp lại thành hình tam giác và trao lại cho thân nhân. Những tiếng sụt sùi. Những đôi mắt đỏ hoe. Buổi lễ kết thúc, lá cờ được kéo lên trên ngọn cao. Mười người con của đất nước này được an nghỉ đời đời và vinh danh tên tuổi nơi nghĩa trang danh dự nhất của nước Mỹ.

Tôi và John trở về làng được hai hôm thì nhận được lá thư đề ngày hai mươi lăm tháng tám. Frankie đã viết thư này hai ngày trước khi mất. Lá thư cho biết ba tháng nữa Frankie sẽ về phép thăm bố mẹ. Nó dặn mua và gửi liền cho nó một vài cuộn phim màu. Nó còn gửi tiền cho tôi. Cái thằng sao mà hiếu thảo. Frankie xưa nay vẫn vậy. Hồi còn đi học và đi làm thêm vào mùa hè, nó luôn luôn dúi vào tay tôi phân nửa số tiền lương kiếm được. Nó bảo để mẹ đi mua sắm, mẹ tiêu xài những gì mẹ thích. Còn tôi, tôi cầm tiền và nói số tiền này mẹ sẽ để dành sau này lo chuyện cưới vợ cho Frankie. Nó nói cưới vợ rồi sẽ bớt yêu thương mẹ. Nó phải chia sẻ tình yêu cho người phụ nữ khác cho nên nó phải yêu mẹ thật nhiều, ngay bây giờ khi chưa có người yêu. Lúc đó có nhiều cô gái ưa thích Frankie nhưng đến năm lớp mười hai nó mới chọn Laura, một cô gái xinh đẹp của đội banh nữ trường Medfort High School.

Nó sẽ gửi về cho tôi ba trăm đô la, chỉ để dành lại mười sáu đô để tiêu xài trong khi chờ đợi kỳ lương kế tiếp. Làm sao nó tiêu xài chỉ với mười sáu đô la ấy? Cầm lá thư của Frankie trong tay, tôi nhớ lại vào một buổi trưa, thời tiết oi bức vào mùa hè, tôi mở tất cả cánh cửa sau vườn và chuẩn bị nấu món spaghetti. Hồi còn ở nhà, Frankie mê những viên thịt bò chiên vàng thấm trong nước sốt màu cà chua đỏ và trên dĩa của nó phần thịt bò luôn luôn nhiều hơn phần mì. Bỗng có một con bướm to như bàn tay từ ngoài vườn bay vào nhà, Đó là một con bướm màu nâu nhạt, đôi cánh của nó không có gì đặc biệt. Nó bay là đà mãi rồi đậu trên góc trần nhà. Tôi chỉ cho ông John con bướm. Nó đậu một chốc rồi lại bay quanh quẩn, khi thì đậu trên tường, khi thì đậu góc nhà, khi thì bay vòng vòng quanh nhà bếp. Nhìn mãi cũng chán, tôi và ông John chuẩn bị ăn trưa. Ăn xong cả hai dọn dẹp một lát rồi đi ngủ. Cửa lưới ngoài vườn vẫn đóng. Con bướm vẫn đậu ở góc tường tính ra cũng vài tiếng đồng hồ.

Chúng tôi đã quên con bướm nhưng khi John xuống nhà bếp, nhìn thấy con bướm vẫn còn đó. Lần này nó dạn dĩ hơn, đậu thấp sát bên vách tường, nếu vói chân cao có thể nhìn thấy đôi cánh mỏng màu nâu đập lên đập xuống nhè nhẹ trông rất là sinh động. Ông John và tôi ngước cổ nhìn con bướm một lát. Hình như nó chưa muốn bay đi. Chúng tôi đồng ý mở cửa lưới để con bướm theo hơi gió bay ra ngoài.

Con bướm lạ bay vào nhà làm đêm đó tôi trằn trọc mất ngủ. Tôi liên tưởng đến cuốn phim “Love is a many splendored thing”. Cuốn phim kể về mối tình giữa một chàng phóng viên chiến trường người Mỹ tên Mark và một bà bác sĩ người Hoa lai Âu tên là Han Suyin. Mark hy sinh trong một trận oanh tạc. San Suyin nhớ Mark, bà leo lên ngọn đồi kỷ niệm hẹn hò ngày xưa của hai người. Bỗng nhiên có một con bướm bay đến đậu ở cành cây gần chỗ Hansuyin. Tôi nghe nói người Á châu như Trung Hoa hay Việt nam, họ tin rằng khi chết, linh hồn của người chết còn quanh quẩn nơi căn nhà họ đã sống. Linh hồn đó thường nhập vào những con vật như con bướm, con chim để báo cho người thân biết thân xác họ không còn nữa nhưng linh hồn của họ vẫn vương vấn và quyến luyến với người thân ở cõi dương trần. Sự liên tưởng về con bướm này làm tôi hoảng sợ. Tối hôm đó tôi cầu nguyện thật lâu nhưng hình ảnh con bướm nâu vẫn ám ảnh tôi suốt đêm.

Tôi đã nằm mơ, một giấc mơ thật kinh hoàng. Tôi thấy tôi mặc chiếc áo trắng đang đi trên một cánh đồng vắng bỗng nhiên từ đàng xa khói lửa ngập trời. Hình như là một đám cháy lớn. Đám cháy càng ngày càng lan rộng hướng về phía tôi. Tôi nghe tiếng gọi “Mẹ ơi!““Mẹ ơi!“từ đám lửa đó. Tiếng gọi tha thiết không ngừng. Tiếng gọi “Mẹ ơi”càng lúc càng lớn cùng với tiếng khóc thôi thúc tôi vụt chạy về phía đám lửa. Tôi đứng gần đám lửa đó, la hét lớn một tiếng gì không rõ và tôi khóc hu hu. Đám lửa vẫn cháy. Tôi vẫn nghe những tiếng gọi “Mẹ ơi!““Mẹ ơi!“cho đến khi đám lửa tiến gần, chụp lấy tôi và tôi ngã lăn ra.

Vừa lúc đó, John đứng bên giường lắc vai tôi đánh thức tôi dậy. John bảo tiếng ú ớ và tiếng la lớn của tôi đã làm John thức giấc. Mồ hôi ướt đẫm trên trán, trên mặt. Tôi nhớ từng chi tiết của giấc mơ và kể cho John, vừa kể vừa khóc như một đứa trẻ. Từ hồi Frankie đi lính, tôi có thói quen viết nhật ký ghi lại những sự việc trong ngày, những nỗi vui, buồn hay niềm nhớ thương Frankie, tôi trang trải trên những trang giấy và thỉnh thoảng lấy ra đọc. Trong nhật ký ngày hôm đó, tôi ghi: “Ngày hai bảy tháng tám...Mười hai giờ khuya... Hình ảnh con bướm nâu.... Giấc mơ thật kinh hoàng.... Tiếng gọi “Mẹ ơi!”của con tôi....”

Sau giấc mơ đó, tôi sống trong nỗi lo sợ và hồi hộp thường xuyên.Trưa nào tôi cũng ngóng bác Danny đưa thư. Hôm nào có thư Frankie, bác đã gọi eo éo từ ngoài cổng. Frankie rất thường viết thư cho bố mẹ. Có khi tôi nhận hai, ba lá thư cùng một lúc. Hôm đó là một ngày vui đặc biệt. Tôi xuống bếp làm một vài món ngon mà Frankie ưa thích, mời vài ông bà bạn hàng xóm cùng ăn và đọc thư Frankie cho mọi người cùng nghe. Có một điều Frankie ít khi kể về sinh hoạt đời lính của nó. Nó càng không nhắc đến cuộc chiến tranh. Nó biết bố John hàng ngày vẫn ngồi dán mắt vào cái ti vi theo dõi tin chiến sự. Frankie hay dành những dòng chữ để hỏi thăm mọi ngừoi hoặc kể về những kỷ niệm quá khứ với bạn bè, về làng Patchogue, các bác hàng xóm hoặc về Laura và bố mẹ. Có những lá thư nó viết như chỉ dành cho riêng cho tôi như chuyến cả nhà đi chơi ở New York, Las Vegas. Xem thư, người đọc có cảm tưởng như không có cuộc chiến tranh ở đất nước Việt Nam.

Tôi vào phòng tìm xem lại những trang nhật ký. Frankie mất ngày hai bảy tháng tám lúc một giờ trưa trùng với ngày tôi ghi trên trang nhật ký: “Ngày hai bảy tháng tám. Mười hai giờ khuya...”. Sự trùng hợp kỳ lạ này làm cả người tôi nổi gai ốc. Nếu tin có một linh hồn sau khi chết nhập vào những con vật như con bướm thì ngày hôm đó, linh hồn bé nhỏ của Frankie đã vượt ngàn trùng, nhập vào con bướm nâu, bay vào nhà báo cho tôi và John biết rằng nó đã chết. Tội nghiệp con tôi. Tôi tin có linh hồn. Tôi tin linh hồn Frankie vì thương nhớ mẹ đã tìm cách về thăm tôi và John qua xác thân của một loài bướm. Còn thân xác của nó theo lời kể lại của Clark thì nhầy nhụa những máu, nằm phơi trên cánh đồng và tiếng gọi cuối cùng của nó trước khi chết là hai tiếng “Mẹ ơi!”.

Frankie mất đã bốn tháng nay. Mỗi lần bước vào căn phòng của Frankie, hai tiếng “Mẹ ơi!“như vang lên trong lòng tôi. Tiếng gọi “Mẹ ơi“ trong giấc mơ trùng hợp với lời kể của Clark. Có một sự thần giao cách cảm vô hình và huyền bí nào đó về mặt tâm linh không thể giải thích được giữa hai mẹ con tôi?

John giải thích với tôi rằng hình ảnh đám cháy trong giấc mơ là cảnh có thực. Frankie đạp trúng bãi mìn, khói lửa bốc lên như một đám cháy. Hình ảnh tôi la hét và khóc trong giấc mơ cũng là hình ảnh ngoài đời của bà mẹ chỉ biết khóc âm thầm vì thương nhớ con. Tiếng gọi “Mẹ ơi!“ trong giấc mơ của tôi là tiếng gọi có thực của Frankie. Từ nhỏ, Frankie hay nhõng nhẽo, vẫn thường gọi “Mẹ ơi!“mỗi khi nó cần đến mẹ hay những lúc nó gặp khó khăn.

Tôi và John đi thăm mộ Frankie tại Nghĩa trang Quốc Gia Arlington vào mùa hè có khi vào ngày lễ Memorial Day. Đó là một khu đất rộng hơn sáu trăm mẫu, nơi an nghỉ của gần ba trăm ngàn đứa con của nước Mỹ hy sinh từ những cuộc chiến tranh khác nhau như cuộc chiến tranh với người Tây Ban Nha, thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt nam, chiến tranh Afghanistan, Iraq. Nó cũng là nơi an nghỉ của những người không từ mặt trận như những người nô lệ da đen trong cuộc nội chiến, các binh sĩ trong vụ đắm tàu USS Maine, phi hành đoàn của con tàu con thoi Challenger hoặc nhiều thành phần nổi tiếng khác nhau trong xã hội từ các vị nguyên thủ quốc gia, vận động viên, võ sĩ, minh tinh màn bạc, tiểu thuyết gia...

Khi chết, mọi người đều bình đẳng trước Chúa.

Đài tưởng niệm các lính Mỹ hy sinh là một khu đất đẹp, phía trước là tòa nhà Quốc Hội, một bên là tòa nhà tưởng niệm Tổng Thống Abraham Lincoln bằng đá cẩm thạch trắng, phía bên kia là đài tưởng niệm Tổng Thống George Washington hình chóp nhọn chỉa lên trời, chung quanh là cỏ, cây xanh và những lối đi trải nhựa. Một bức tường đá bằng cẩm thạch đen hình chữ V ghi tên hơn năm mươi tám ngàn lính Mỹ hy sinh theo thứ tự ngày mất trong đó có Frankie.

Lần đầu tiên đến đây, trước mặt tôi là những bia mộ trắng cùng kích thước, cùng hình dáng, nằm thẳng hàng, John phải đi tìm tên, đơn vị, ngày mất, vị trí ngôi mộ trong quyển sách trên bàn đặt ở hai bên bức tường. Ngôi mộ của Frankie là ngôi mộ còn mới, cỏ mọc lún phún, trên mộ bia ghi những giòng chữ: Frank Fisher, Sgt, Marines Corps, Vietnam, Sept-15-1947, August-27- 1967, Killed in Action, Freedom.

Frankie từng nói với tôi nó tình nguyện đi lính vì đó là danh dự và trách nhiệm của người công dân phải bảo vệ đất nước khi Tổ quốc cần. Tôi tin rằng trước khi chết, lý tưởng đó vẫn bền bỉ, sống mãi trong tâm tưởng Frankie. Là người mẹ, tôi không muốn mất con nhưng tôi tôn trọng sự chọn lựa và lý tưởng của Frankie cho dù trong lòng tôi, cái chết đau đớn của Frankie qua lời kể của Clark, hình ảnh con bướm nâu, giấc mơ kinh hoàng và tiếng gọi “Mẹ ơi!“của con tôi sẽ ám ảnh tôi mãi mãi cho đến cuối đời.

*

Ông John kể rằng đúng một năm sau ngày Frankie mất, bà Vera qua đời trong một cơn đau tim. Khi mất, tay bà còn ôm chặt con gấu xám. Trong vòng tay của ông John, tiếng nói cuối cùng của bà là Frankie, tên đứa con trai trước khi nhắm mắt đã gọi bà liên tục bằng hai tiếng “Mẹ ơi!”.

Năm ấy bà năm mươi sáu tuổi.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
05/12/201703:04:18
Khách
Bài viết nầy, thú thật tôi vừa đọc, vừa khóc, khóc nhiều lắm, sao lại có nguoi viết văn sao mà hay và cảm động quá đến như thế.
Nói về tình mẫu tử, giữa mẹ và con đuoc nối với nhau từ khi con còn trong bụng mẹ , đúng là ràng buộc nhau nên như có " thần giao cách cảm ", tôi rất tin điều đó, xin kể hầu quý vị câu chuyện nầy : một tối nọ tôi nằm mơ tôi thấy hình ảnh đúng là con tôi năm nó lên 4, tôi thấy nó đang bị một thằng to gắp đôi nó, lớn tuổi hơn , nhào tới đánh, tôi nghe rõ ràng tiếng con tôi vừa khóc vừa la, vừa kêu cứu ..Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi thằng nầy đánh con, tôi nghe rõ ràng tiếng khóc của con tôi, tiếng khóc của đứa nhỏ 4 tuổi ( mặc dù bây giờ nó đã 30 tuoi rồi ). Và tôi không hiểu bằng cách nào mà trong giấc mơ tôi bay đến chỗ đó và tát vào mặt đứa nhỏ ấy, và ôm con tôi bồng nó lên dỗ nó ......Sáng sớm hôm sau tôi kêu hỏi nó xem con có bị gì không thì nó nói " Mẹ ơi, 2 giờ khuya vừa rồi con và mấy đứa bạn đi du lịch về, xuống phi cơ bỏ hành lý vào cóp xe, lái vào China Town ở SF , lúc ăn xong ra lấy xe lái về thì mới biết kẻ gian lấy hết hành lý của tụi con để trong cóp xe, mất hết trơn, kẻ gian khôn lắm, nó lựa những ba lô nhỏ nó lấy....." . Tôi nói không sao, miễn mạng mình còn thì tốt rồi, còn người thì còn của .
Thì ra , lúc tôi thấy trong chiêm bao con tôi khóc kêu " Mẹ ơi, mẹ ơi là lúc nó thản thốt vì bị mất những món quý giá để trong ba lô " . Chắc ai cũng tin giữa mẹ và con có " Thần giao cách cảm ? ".
Xin cám ơn tác giả đã có bài viết thật là hay và quá cảm động.
15/07/201604:33:08
Khách
Kính chị,
Đọc bài viết của chị làm cho tôi rất cảm động, tôi đã khóc thật nhiều, và thương cho người lính Mỹ đã bỏ mình trên chiến trường xa. Tôi rất thích các bài viết của chị. Mong chị viết nhiều hơn nữa.
Rất mến,
11/07/201611:50:30
Khách
Có lẽ bài viết đã làm rơi lệ của nhiều bà mẹ Việt Nam, những người cũng đã từng nghẹn ngào vĩnh biệt những đứa con trai như Frankie. Hơn 40 năm trôi qua rồi, đọc lại bài viết này bỗng chợt nhớ lời 1 bài hát "đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe". Việt Nam vẫn điêu linh. Buồn!
09/07/201606:00:58
Khách
Dạ, Annie xin cám ơn sự góp ý của bạn "Guest" , bạn Tân Binh và những lời khích lệ chân thành của các bạn đọc về các bài viết.
Xin được chia sẻ chút xíu với bạn Tân Binh về câu "Trường huấn luyện tân binh Boot Camp.....tại căn cứ Fort Jackson....""
Có những từ tiếng Mỹ rất khó dịch sang tiếng Việt. Thộng thường, Annie hay dịch ra bằng tiếng Việt sau đó kèm theo từ gốc bằng tiếng Mỹ để người đọc có thế so sánh và hiểu rõ hơn từ ngữ dịch.
Cho nên mới có câu"Trường huấn luyện tân binh Boot Camp....tại căn cứ Fort Jackson....
Có thể Annie sẽ rút kinh nghiệm cho các từ khó dịch vào dấu ngoặc đơn.để giữ nguyên các từ ngữ bằng tiếng Mỹ.
Một lần nữa xin cám ơn tất cả các bạn đọc.
08/07/201617:49:13
Khách
Nền giáo dục Mỹ cho thấy đây đúng là người mẹ Mỹ thương con vô cùng nhưng vẫn tôn trong sự tự lập và lựa chọn của con. Sự chọn lựa của Frank cũng phát xuất từ nền giáo dục của Mỹ như yêu nước, có lý tưởng, sẵn sàng hy sinh cho đất nước khi cần. Sự hy sinh của người mẹ thương con và người con anh hùng thật cao quý.
08/07/201617:40:19
Khách
"....... trường huấn luyện tân binh Boot Camp trung đội 1010 tại căn cứ Fort Jackson Columbia South Carolina."
- Boot Camp không phải là tên riêng, đó là chữ gọi trong quân đội Mỹ mang nghĩa "Huấn Luyện Căn Bản". "Boot Camp" đã hàm nghĩa trong "Huấn luyện tân binh".
- Không ai giới thiệu đơn vị của một quân nhân một cách ngang xương từ cấp trung đội.
- "Fort" tự nghĩa đã là "căn cứ" rồi. Căn cứ có tên là Jackson mà thôi.
- Columbia là thủ phủ của tiểu bang South Carolina.
08/07/201617:37:26
Khách
"Văn là người" Như lời giới thiệu của tòa soạn đây là người "có tấm lòng "đặc biệt với những người lính Mỹ Việt thể hiện trong chủ đề viết, cách viết. Tôi cũng chúc bà đoạt được giải thưởng năm nay
08/07/201617:30:56
Khách
Hai năm trước tác giả đã có giải thưởng với hai bài viết đề tài về những người lính trẻ. Năm nay tác giả cũng được vào chung kết theo sự suy đoán của tôi các bài viết có giá trị về tình người, lên án chiến tranh, ca ngợi những người lính Mỹ Việt đã hy sinh sẽ mang đến cho tác giả một phần thưởng lớn xứng đáng.
Chúc cho tác giả Phùng Annie Kim được nhiều may mắn.
08/07/201612:05:30
Khách
Tôi là bà mẹ có đứa con trai duy nhất .Năm 18 tuổi cháu tình nguyện đi lính và may mắn bị thương trở về với cái chân tật nguyền nhưng còn đi được bằng nạng. Đọc bài viết này tôi đã khóc và khóc khi nhìn bên cạnh tôi còn có người mẹ bất hạnh hơn tôi.Tôi cám ơn tác giả bài viết đã cho tôi có cơ hội nhìn rõ mình để hiểu và thông cảm cũng như không oán Trời, trách người.Thành thật cám ơn
08/07/201600:03:51
Khách
Bài viết cảm động quá! Mong linh hon hai mẹ con Frankie đã được gặp nhau rồi! Chúng tôi tri ơn biết bao người lính Hoa Kỳ đã đến một xứ sở xa lạ để rồi hy sinh tánh mạng của họ cho Thế Giới Tự Do. Nhưng cũng đau buồn làm sao, hơn 50 ngàn tử sĩ Hoa Kỳ cung khong ngăn chặn được làn sóng đỏ tràn đến VN để giờ này VN sống trong đầu thương tuyệt vọng mỏi mòn !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,135,810
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ: Bà tên thật Nguyễn Lệ Chi, một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên thành phố Milpitas, Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà dựa trên những tình tiết có thật, tuy nhiên tên nhân vật đã được chỉnh sửa đôi chút để giữ sự riêng tư. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn và Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô từng góp nhiều bài và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới kể về khu phố Việt ở Massachusetts, giống như Little Saigon ở California.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến