Hôm nay,  

Đâu Đó Vẫn Còn...

29/06/201600:00:00(Xem: 13158)

Tác giả: Phan
Bài số 3855-17-30355-vb3062816

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Đôi khi tôi vẫn nghĩ về cuộc sống, con người, đâu đó vẫn còn những nơi thực sự là bình yên cho con người có cuộc sống bình an; Và nhân loại vẫn còn đâu đó những con người mà khi hiểu biết về họ sẽ khiến nhiều người tự thấy mình nhỏ nhoi. Nhưng tạo hóa luôn khéo sắp đặt cho người này chứ không phải người kia có cơ duyên được sống bình an ơi bình yên. Và người khiến người khác tự thấy nhỏ nhoi trước họ lại chỉ là một người quá đỗi bình thường trong cuộc sống chứ không hẳn là người nổi tiếng hay giàu có gì cả.

Chính cuộc sống và những quan hệ luôn làm tôi băn khoăn bởi chung quanh có quá nhiều chuyện không ngờ. Một người tử tế bỗng dưng bị khui ra một chuyện chẳng ra gì; một nơi thanh tịnh... sao tôi lại phải chứng kiến cảnh mèo mả gà đồng. Cho đến một lần, tôi rủ bạn đi uống cà phê vào một sáng cuối tuần. Nhưng anh bạn tôi có hẹn đi thăm trại gà của một người bạn khác, anh rủ tôi đi cùng.

Chúng tôi hẹn gặp nhau ở Stabucks coffee thuận tiện cho đôi đàng, mua hai ly cà phê và đi chung xe để dễ trò chuyện. Mắt tôi phải lái xe nhưng cũng nhìn ngang ra được sự hốc hác của ông bạn qua gương mặt hanh hao mà không phải bệnh tật, ánh mắt lạc thần của ông chẳng nói lên tí gì tin vui là ông đi xem trại gà để sang lại...

Tôi không ngờ. Một không ngờ buồn lòng. Không ngờ bạn bè ít gặp trong niềm tin tình cảm nguyên vẹn, chỉ thiếu thời gian để thù tạc vì ai cũng phải đi làm suốt để duy trì đời sống gia đình của mỗi người. Không ngờ gia đình anh cũng là một công trình được xây đắp vất vả bằng tuổi đời và sức lực của chính vợ chồng anh trong bao năm. Tôi tính sắp tới lúc anh chị được nghỉ ngơi vì nhà, xe đã trả hết, con cái học xong... Nên không ngờ đau lòng là công trình đẹp đẽ ấy đã tan tành trong tay anh. Một sự nghiệp mấy chục năm của vợ chồng, anh nướng trọn vô chiếu bạc trong vài ngày khi máu bài bạc trong anh tiềm ẩn đã lâu năm, bỗng trở lại hung hãn như ung thư tái phát, làm anh mất lý trí, thiếu tự chủ, say máu bài bạc mà dối vợ, gạt con tới tan cửa nát nhà, gia đình ly tán mỗi người một nơi...

Tôi lái càng xa thành phố, lòng càng hoang tàn như rừng núi lập đông khi nghĩ tới người bạn đã có tuổi. Cái tên đã mất theo lá bài định mệnh đã đành nhưng cái tuổi thì ai tránh được sức khoẻ yếu kém đi dần. Bây giờ lại đi nhận việc ở trại gà nơi thâm sơn cùng cốc, lối thoát không chọn lựa của anh có lẽ tôi hiểu được vì sao! Khi người đàn ông đã trắng tay sự nghiệp, mất hết gia đình thì còn ở lại phố thị làm gì cho người quen kẻ biết khinh khi. Xã hội có sau những người đầu tiên tạo dựng nên xã hội này, nhưng từ đó xã hội có trước những người đến góp mặt theo thời gian mà mỗi chúng ta là một. Không thể phủ nhận những điều hay, điểm tốt của xã hội con người nên dường như ai cũng mặc nhiên chấp nhận những điểm tối trong nhân quần là kẻ ngã ngựa thường bị người quen quay lưng; người may mắn hơn đời nên thành công, thành danh hay bị đố kỵ bởi lòng ghanh tỵ của chính bạn bè...

Hôm tôi tiễn anh đi, sau chầu phở sáng ở khu Việt Nam. Một người bạn bước vào hành trình mới của đoạn đời về chiều sao thê lương quá. Hình ảnh người đàn ông tóc đã muối tiêu, khoác chiếc áo lạnh sờn, lên đường với chiếc xe truck cũ và mấy bộ quần áo; chai nước mắm với bao gạo tôi mua cho anh theo bản năng tôi chứ không thể gọi là quà chia tay hay một quan tâm lo lắng gì cho anh... chỉ có bầu trời ảm đạm còn lại trong tôi cho buổi chia tay ấy.

Lòng tôi buồn vô hạn trên đường về lại nhà hôm đó. Muốn cho những người bạn cùng quen biết anh hay tin để cùng nhau quan tâm tới anh một chút. Nhưng cứ cầm cái điện thoại như đã hết pin, không dùng được vì kẹt đã hứa với anh là không cho ai hay; lại kẹt thói đời bằng chính kinh nghiệm bản thân mà tôi đã từng thấm thía sau nhiều lần thất bại trong đời.

Rồi mùa đông qua, xuân bất tận với mưa đá, nhà, xe vỡ toang như lòng già. Được hôm cúp điện bất tử từ sáng sớm vì cơn mưa hạ đã về nên hãng cho về, tôi tự nghĩ là hôm nay mình coi như vẫn đi làm tới chiều tối. Tôi lái một mình tới trại gà thăm anh; cũng mua theo chai nước mắm với bao gạo như lần trước; mua thêm chai rượu tâm tình chứ nơi thâm sơn cùng cốc ấy có quán xá, chợ búa gì đâu. Lòng phân vân không biết có nên mua thêm bó nhang, bởi biết đâu mình đến đã muộn rồi! (Mấy tháng không liên lạc được qua điện thoại cả điện thư bởi trại gà ở nơi hẻo lánh đến hoang vu).

Và hình ảnh không ngờ thú vị trong mắt tôi là một ông già tóc đã bạc trắng, nhưng nhìn mạnh khoẻ, có sức sống hơn một người tên tuổi nơi phố thị trước đây. Hình như nụ cười của anh đã thoát khổ nên nhẹ nhàng hơn.

Tôi được một ngày vui vì trò chuyện, đi câu cá về nướng và nhậu với bạn nơi chỉ có hai người. Tôi thích thú vô cùng cuộc sống của anh hiện tại. Đồng lương không nhiều, công việc không khó. Nhưng được tự làm việc theo tinh thần trách nhiệm của mình; đặc biệt là chẳng phải giao tiếp với ai nữa vì cả cái trại gà chỉ có mình anh trông nom. Đúng là cuộc sống bình an nơi bình yên mà mình mãi đi tìm. Chỉ mong cái giá phải trả cho ước nguyện đừng quá đắt như ông bạn.

Về nhà. Đi làm. Những lúc trời chập choạng tối, khi sương đêm chưa tan đã lên đường đi làm... Tôi không thoát ra được ý nghĩ: phải can đảm lên, phải dứt khoát hơn khi đã tìm ra nơi có cuộc sống như ý riêng. Nhưng chỉ là giữ được niềm tin trên mặt đất vẫn còn có nơi có cuộc sống bình yên như ở trại gà mà ông bạn tôi đang sống bình an và làm việc.

Tôi thường chìm vào giấc ngủ với ý nghĩ thiên mệnh. Trời đặt mỗi người vào hoàn cảnh riêng để chẳng ai có cuộc đời giống ai; mỗi người một đam mê mà thành hạnh phúc với khổ đau của loài người. Tôi vẫn sống, đi làm, về nhà, cuối tuần gặp bạn bè bù khú với nhau khi có thể, có dịp. Nhưng lại tính chuyện thu xếp thời gian, đi mua chai nước mắn với bao gạo, rồi đi thăm một người bạn mà bạn bè đang vui đã quên anh ta. Tôi thấy mình vô lý ở chỗ gặp gỡ thường những người sẽ mau quên khi không còn có cơ hội, điều kiện để gặp họ thường nữa. Tôi đang cố suy nghĩ thêm: Có phải đó là lý do làm cho cuộc sống của nhiều người chứ không riêng gì tôi không cảm thấy vui dù sức khỏe, việc làm, tiền bạc vẫn tạm ổn.

Rồi lại cho đến hôm gần đây, một người bạn làm chung với tôi chợt hỏi, "Sao thấy anh không được vui. Có chuyện gì mà cứ lầm lì cả tuần rồi?"

Tôi nói, "Có lẽ anh gần đất xa trời rồi hay sao mà bỗng dưng muốn bỏ đời. Anh đã thấy được nơi anh hằng mong được sống, sống cuộc sống không có tiếp xúc nào hết!"

"Vậy anh nên đi... bác sĩ tâm thần! Xin lỗi hiền huynh - ruồi bu chưa đã nên bu theo ruồi. Tính bay đi đâu nữa đây!

Để em đi lấy đồ làm đã. Rồi trở lại... ruồi bu với anh."

Người đàn bà trẻ không có gì nổi bật trong đám đông, nhưng ở cô như có tiềm năng khơi dậy hy vọng cho đời. Chỉ một lời nói thường tình như nhiều người thường nói: Buồn ngủ quá; hay đói bụng quá! Thì ở cô khi nói những câu ấy thường kèm theo chút tin vui như: Buồn ngủ quá, ráng một ngày nữa đi bà con ơi, hôm nay thứ Năm rồi! Cô cũng nói: Đói bụng quá, nhưng thường tiếp ngữ đi theo làm hứng khởi cho những người xung quanh hơn: Đói bụng quá, còn mười lăm phút nữa thôi! Ráng lên ta ơi, đừng tuyệt vọng...

Cô trở lại chỗ làm, thư thả sắp đặt những thứ cô tha về từ warehouse. Tôi thì ngồi trả lời tin nhắn cho người bạn đang có việc làm ăn ngoài với nhau... Cô nói trước, " Lúc này, trông anh thiếu ngủ thấy rõ. Công việc bên ngoài của anh nhiều lắm sao?"

"Chút đỉnh thôi chứ đâu có nhiều. Nhưng không biết sao anh bị ám ảnh chuyện bạn bè. Em nghĩ coi! Một người bạn thân sa cơ thất thế. Những người vẫn nghĩ là sẽ chơi với anh ta tới hết đời bỗng quên bẵng anh ta. Rồi ai sẽ là người kế tiếp ngồi ngó thời gian trôi qua thế thái bạc lòng... Nhưng chúng ta cứ sống không thể thiếu giao tiếp là sao, trong khi ai cũng thấy chuốc phiền từ những giao tiếp ấy nhiều hơn là được vui..."

"Tại sao anh lại có ý nghĩ tiêu cực như vậy? Sống là quên đi những gì không như ý, không hài lòng. Chỉ nhớ những gì vui vẻ để truyền cảm hứng cho người khác."

"Nói hay như kinh. Nhưng từ lời nói tới việc làm... bằng khoảng cách trái đất tới sao hoả đó!"

"..."

Tôi vẫn không nói gì về cuộc sống của ông bạn đang cám giỗ tôi. Hay ít nhất là hấp lực của cuộc sống biết dành thời gian rảnh rỗi sau khi làm việc cho xám hối thay vì thường tình là hưởng thụ và bon chen. "Người em sầu mộng muôn đời" bên tôi vẫn cứ râm ran hát, ăn vụng bánh kẹo, nói điện thoại lia chia. Cô ấy không quên đi được những gì không như ý, không hài lòng, thì làm sao có thể vui vẻ để truyền cảm hứng cho người khác qua điện thoại lia chia như thế chứ! Cô ấy không còn trẻ vì những vết chân chim nơi khoé mắt đã báo mộng già. Nhưng đó lại là người mang thông điệp tốt đẹp về con người đến cho tôi vô vụ lợi... Cô kể cho tôi nghe,

"Hồi nhỏ, em thích con mèo dữ lắm. Nhưng ba em là chúa ghét mèo. Ba nói, không con gì ở đời lười biếng như con mèo. Mẹ em thì sợ lông mèo vì em bị suyễn. Vậy là em chỉ được ôm những con mèo giả thuộc loại thú nhồi bông. Nỗi khát khao có được một con mèo thật trong em trở thành ám ảnh...

Cho tới một hôm, em ngồi một mình trên xích đu ở sân sau nhà. Thực sự là em đang tưởng tượng tới những con mèo của một con nhỏ bạn học. Nó người Mỹ trắng, nuôi tới bốn con mèo. Cứ mỗi lần nghe nó tả về sự mềm mại của những bộ lông thật, sự dễ thương, và nhất là sự ganh tỵ của bốn con mèo đều muốn được cô chủ hài lòng hơn về mình... có khi em khóc rất tự nhiên.

Và đến hôm đó, bỗng em thấy ngoài sân cỏ sau nhà em có con mèo chui qua lỗ hổng của bờ rào. Nó ráng lết vào cái nhà kho nho nhỏ ở cuối sân - là nơi ba em để máy cắt cỏ.

Em sợ trước. Nhưng bình tĩnh lại thì tò mò. Em rón rén ra nhà kho để xem, vì hình như nó bị thương sau một cuộc ấu đả gì đó!

Nó nhe nanh tấn công em khi em đến gần làm em sợ hết hồn. May là nó bị thương nên em mới không bị thương do nó tấn công. Điều em làm được cho nó lúc hoàn hồn vì xém bị nó cắn là không giận mà tìm cách cứu nó...

Em nghĩ, ba em đã thôi cắt cỏ từ tháng trước vì trời lạnh nhiều rồi. Như vậy, nó có thể tạm ở trong kho chứa máy cắt cỏ mà ba không biết; chứ ba biết là ông đuổi nó đi liền. Rồi em lén đem ra kho cho nó mấy cái khăn lông cũ, chỉ ném được vào góc kho cho nó có chỗ ngủ ấm vì nó luôn sẵn sàng tấn công em. Em đem thức ăn với nước uống ra cho nó được hai ngày. Lần nào nó cũng muốn tấn công em, dù nó không ăn nhưng có uống nước.

Đến tối ngày thứ hai mà em đã che giấu và tiếp tế cho nó. Đêm đó trời đổ tuyết nhiều lắm. Em liều mà phải lén ba mẹ em nữa. Đâu dám mở đèn nhà bếp để ra sân, ra kho... Em cầm cái đèn pin, tay kia cầm cái mền đắp nhỏ mà em ưa đắp khi xem tivi. Em tính nó đã ngủ vì lạnh thì làm sao tấn công em được; em chỉ giục cái mền lên mình nó cho nó khỏi chết lạnh thôi...

Nhưng nó chưa ngủ. Ánh đèn pin làm em bàng hoàng tội nghiệp cho con mèo đã bị thương gần chết. Nó đang nửa đường từ chỗ nó tử thủ đến chỗ em có thể đặt thức ăn nước uống cho nó. Nó bị lạnh và hết sức để bò lết tới chén nước.

Không biết sao em không biết sợ nữa! Em mạnh dạn bước vào hẳn trong kho. Em từ từ đầy chén nước lại cho nó. Nó chỉ gầm gừ nhỏ xíu như sắp hết hơi. Nó cố đưa tay (là chân trước của nó) lên để chống đỡ, nhưng nó hết sức thật rồi! Em chỉ thương nó không hiểu, không phân biệt được là em muốn cứu nó chứ không phải hại nó.

Năm đó em mười lăm tuổi, nói tiếng Việt dở ẹt. Vậy mà không biết sao em lại nói với nó bằng tiếng Việt: Tôi muốn giúp bạn. Tôi thương bạn lắm!

Rồi một tiếng đằng hắng sau lưng em để làm cho em đừng hết hồn và em nghe thì biết là tiếng ba em, em không phải sợ. Ba đã chứng kiến từ bao giờ, ông cởi áo lạnh ông đang mặc để trùm thêm cho em. Ba đưa em vô nhà. Tánh ba em rất trầm tĩnh và ít nói. Ba chỉ nói mẹ làm cho em ly theraflu nóng. Ba nói với em, con uống thuốc rồi đi ngủ đi!

Ba mặc áo lạnh dầy, xỏ chân vô đôi ủng cao su, tay mang găng dầy... ba đi ra sân, ánh đèn pin hướng về phía kho... Em chỉ biết nói theo ba van nài, "đừng đánh chết nó nha ba".

Chừng hai tiếng sau, không biết đã mấy giờ đêm, chỉ biết căn nhà chìm trong bóng tối nhưng chưa ai ngủ trừ thằng em trai của em mới tám tuổi. Em thì trùm mền nằm khóc thôi chứ làm được gì! Nhưng nghe tiếng chân của ba em trên hallway, rồi tiếng gõ cửa phòng em. Ba em vẫn nói ngắn gọn như tánh ông, "Con ngủ đi. Ba đã đem nó vô nhà. Ngủ đi để sáng dậy sớm đi với ba..."

Em nằm thêm chừng một tiếng nữa vẫn không hiểu nổi là sáng mai đi đâu sớm với ba. Đâu có việc gì, chưa nghe ba hay mẹ nói gì... Em mò qua phòng ba, gõ cửa lại. Ba không mở cửa mà nói vọng ra, "Con ngốc. Đi ngủ đi. Không đưa nó đi bác sĩ thì nó sống được sao?"


Là lần đầu tiên trong đời em biết được tới giọt nước mắt sung sướng nó chảy đã làm sao, nhưng em vẫn không sao ngủ được vì sợ ngủ thì trời sẽ không bao giờ sáng..."

"Hay. Chuyện hay. Vậy mà từ đó tới giờ anh chỉ tưởng em biết chuyện nói nhỏ cười to thôi chớ!"

"Chuyện đó là chính anh với mấy anh trong hãng chịu trách nhiệm. Mấy anh toàn chỉ dạy cho em út chuyện nói nhỏ cười to, rồi trách ngược!"

"Nhưng con mèo đó có sống nổi không?" - Tôi hỏi.

"Chuyện của em nhiều tập lắm anh trai. Muốn nghe tiếp... xin cho em lộ phí đường xa vì chuyện dài nhiều tập!"

"Con nhỏ (là với bọn già. Nhưng nghe nó liếng thoắng cũng đã vì sinh ra ở Mỹ mà tiếng Việt đáo để chứ không vừa). Nó nuốt chửng viên kẹo hối lộ như con nít, rồi lại liên thuyên... "Em muốn thụi cho ông bác sĩ thú y một thụi hết sức. Cha con em đợi ông khám bệnh cho con mèo cả tiếng đồng hồ. Ông trở ra với quyết định bỏ mẹ chứ không phải từ mẫu (là từ anh dạy em à nha!) Ông nói: Con mèo này là con mèo hoang, có lẽ từ khi sinh ra, nên nó rất hung dữ, không nên nuôi vì đã hết khả năng thuần dưỡng. Nó đã già và thương tật đầy mình do sống hoang, mắt trái của nó đã hỏng hoàn toàn từ lâu...

Lòng em buồn vô hạn vì nghĩ là ông ấy sẽ chích thuốc cho nó chết thôi! Nhưng lòng em cũng mừng vô hạn khi nghe ba em trả lời ông bác sĩ: Tôi xin ông cứu chữa cho con mèo sống đã, khi vết thương của nó lành hẳn. Chúng ta hãy nghĩ tới một quyết định cho nó.

Con mèo ở lại với ông bác sĩ ba ngày là ba ngày em không ăn không ngủ. Ba ngày em chỉ nghĩ cách thả nó ra cho đời sống hoang dã của nó, nó sống chết theo số phận của nó còn hơn em muốn cứu nó nhưng đã làm hại nó có thể bị giết vì thuốc độc. Ba ngày dài lắm anh ơi, và người hiểu em nhất đời là ba em chứ không ai khác. Ba em nói với ông bác sĩ, chúng tôi muốn thử. Có lẽ đó là hy vọng lớn nhất của con gái tôi. Mong ông cho cháu được thử xem sao!"

Trở về nhà, ba em nhốt nó trong chuồng lưỡi kém, để ngoài garage. Trang bị cho em tới mặt nạ khi cho mèo ăn. Em mặc quần áo như phi hành gia lên cung trăng vậy đó! Đến mấy tháng sau nó cũng vẫn cứ gầm gừ, sẵn sàng tấn công khi thấy bóng người đi ngang chuồng nó... nhưng nó chừa em ra, từ gầm gừ dữ tợn với em lúc đầu, tiếng gầm gừ nhỏ lại dần mỗi khi em cho nó ăn, làm vệ sinh chuồng cho nó. Lúc nào em cũng nói với nó, Tôi muốn giúp bạn. Tôi thương bạn lắm! Nó hiểu không anh?"

"Nói con mèo hiểu tiếng người thì khác nào con chó chạy nhanh tới cái mõm chạm vào đuôi của chính nó. Nhưng anh nghĩ là động vật có linh cảm. Người ta trong mắt con mèo cũng chỉ là một động vật như muôn loài thôi. Tất cả là kẻ thù nên nó gầm gừ, sẵn sàng tấn công tất cả để tự vệ. Nhưng linh cảm của động vật cũng đồng thời biết không nguy hiểm đối với vài loài. Đơn giản là con nai, con hưu, thấy sư tử là chạy trối chết. Nhưng con chim sâu đậu trên vai sư sử... như bạn bè. Con mèo, nhất là mèo hoang nên gặp ai, con gì, nó cũng đều thấy nguy hiểm nên có phản ứng tự vệ ngay, trừ em ra. Bởi theo thời gian trở thành thói quen thôi chứ mèo làm gì có nhận thức như người. Thói quen hình thành trong nó là tới giờ ăn thì đói bụng. Thay vì trước đây phải tự mạo hiểm đi kiếm ăn. Bây giờ chỉ trông thấy em là được ăn. Em không nguy hiểm với nó nữa nên gầm gừ làm chi cho mệt xác vua lười. Anh cũng không nghĩ con mèo hiểu được em muốn giúp nó, em thương nó... Anh nghĩ trong nó, cùng lắm em là một loại thực phẩm an toàn, không phải chiến đấu đồ máu để giành giật lấy...

Thôi, nói chuyện không rành anh không thích. Để anh về tìm đọc, rồi sẽ trả lời sau... Anh muốn nghe kết cục. Sắp tới giờ ăn trưa rồi!"

"Thì tập ba để sau giờ lunch. Hôm nay anh em mình còn ngồi chơi tới chiều mà, đồ đâu mà làm. Lo gì."

"Nhưng tập ba... là hết chưa?" Tôi không thích chuyện dài...

...

Chúng tôi đi ăn. Tôi ăn trưa với món gì không nhớ, chắc chắn không phải thịt mèo nhưng cứ nghĩ tới con mèo được xếp hạng thú vật thông minh. Hy vọng câu chuyện có kết thúc đẹp.

Tới giờ ngáp vắn ngáp dài là sau ăn trưa. Nhất là những hôm không có việc làm, giả vờ làm việc còn mệt hơn có việc thật để làm. Tiếng người em sầu mộng rỉ rả càng buồn ngủ. Không biết sao khi nghe cô nói, tôi hay liên tưởng tới bài thơ Một mùa đông của thi sĩ Lưu Trọng Lư mà nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành Người em sầu mộng. Cái giọng nữ du dương theo âm hưởng Bắc thì dễ gặp trong đời thường, nhưng du dương theo phát âm nam bộ nghe ngộ nghĩnh làm sao...

"... Em bắt đầu thấy được sự khác lạ trong nhà là mẹ em luôn khủng hoảng với con mèo vì những mối lo: em bị suyễn nên mẹ không thích trong nhà có lông mèo, con mèo lại có nguồn gốc mèo hoang, và nặng nề là chi phí cho nó không ít...

Nhưng tuổi em năm đó chỉ biết thoả mãn cho mình nên lờ đi chung quanh. Cảm giác mình có một con mèo thật rất quan trọng với em lúc đó. Em ngồi hàng giờ với nó ngoài garage sau khi cho nó ăn. Em chỉ nói, Tôi muốn giúp bạn thôi. Tôi thương bạn lắm! Em nhìn thẳng vào con mắt còn lại của nó, làm nó hoang mang nhưng cũng dịu dần lại. Nhưng khi em mở cửa chuồng là nó gầm gừ ngay vì sợ em bắt nó. Nhưng em kiên nhẫn hàng tuần như thế thì nó hết gầm gừ. Anh biết không, lần đầu tiên em chạm được tay trần (không mang găng phi hành gia nữa) lên mớ lông trên đầu nó. Nó gầm gừ nhỏ lại, nhỏ lại... tới im re, lim dim con mắt còn lại cũng đã mờ vì nó già lắm rồi!

Em mở cửa chuồng khi cho nó ăn một thời gian, nó không có thái độ phòng hờ gì tới em nữa. Đến mùa đông lại về, những đêm lạnh quá, em lén xách chuồng nó vô phòng em cho nó được ấm. Một đêm em thử thả nó ra khỏi chuồng, dù gì cũng trong phòng nên không gian cho nó cũng giới hạn thôi. Em thấy nó ngượng ngập bước đi do chân nó bị gãy xương lần trước nhưng cứ nhốt trong chuồng, không được tập đi đứng lại cho bình thường... Em thấy hối hận là đã cứu nó nhưng không cứu được cho đúng mức.

Nhưng thôi, nó còn sống là may mắn lắm rồi vì lần đó không cứu thì nó đã chết. Sang đêm thứ hai, thứ ba... em thả nó trong phòng em nguyên đêm. Nó đã mạnh dạn ra khỏi chuồng khi được mở cửa. Nhưng lòng em khép lại với nỗi buồn trẻ con nhưng người lớn ra sao... em cũng không hiểu, chỉ cảm nhận như mình có lỗi trong từng bước đi khập khiễng của con mèo.

Mùi hôi của nó vì đã quá hạn phải đưa nó đi thuê người ta tắm, chải lông cho nó. Em không dám nhắc mẹ em vì thấy mẹ xót xa tiền chi ra cho con mèo hoang...

Hôm sau em liều mạng, đi học về là em lôi nó vô shower, em tắm cho nó. Bạn em cho em xà bông tắm mèo... Ba em về sớm hôm đó, ông đứng nhìn em tắm cho con mèo trong shower. Ba muốn giúp em nhưng ba cũng muốn để em được vui với nó...

Mọi chuyện bình thường trở lại khi mẹ không còn phải tốn tiền gì cho con mèo. Ba mua thức ăn cho nó nguyên tháng, em để dành tiền quà để thỉnh thoảng mua cho nó món ngon... Con mèo đi lại trong nhà tự nhiên như một thành viên. Suốt đời em không quên được hôm đầu tiên em tắm cho nó xong. Em thả nó ra khỏi nhà tắm để đến phiên em.

Nhưng khi em ra khỏi nhà tắm thì không thấy nó đâu. Muốn gọi nó xem nó ở đâu thì em mới nhớ ra là em chưa từng đặtcho nó một cái tên thì bây giờ gọi sao cho nó hiểu là gọi nó chứ? Em gọi đại meo... meo...; rồi lại meo... meo... Không có hồi âm nào hết!

Em hoảng chạy vô phòng ba kêu ba giúp. Tất cả vô vọng khi hai cha con đã tìm nó khắp trong nhà, tìm ra hàng xóm cũng không thấy! Em không ăn cơm chiều, cứ ngồi nhìn ra cửa sổ và lo lắng bên ngoài lạnh rồi sao không thấy nó đâu... Đêm xuống, đã lần thứ ba mẹ em nói, "con đi ngủ đi..." thì ba em xuất hiện. Em miễn cưỡng về phòng. Anh biết không! Không thể nào tin nổi, hiểu nổi... nó nằm cuộn tròn ngay trên gối nằm của em. Em sung sướng tới phát khóc. Em trò chuyện với nó, đặt tên cho nó... dường như nó hiểu vì chỉ sau đêm đó. Em đi học về, chỉ la toáng lên trong căn nhà chưa có ai về, Sam ơi... Sam...! Là nó khập khiễng có mặt quanh chân em."

"Rồi nó sống được bao lâu?"

"Một năm đúng."

"Chết già?"

"Dạ...!"

Hình như cô ấy không muốn nói nữa về một kỷ niệm buồn nên tôi lảng đi công việc. Tất cả là giả vờ trong những hôm không có việc làm nhưng đừng ngồi lì ở chỗ làm cũng khó coi. Cứ thả xuống warehouse như đi lấy thứ gì đó về làm. Kỳ thực đi không về tay không cũng chẳng có gì đem về chỗ làm, nhưng hãng xưởng cứ nhộn nhịp người tới kẻ lui cho vui lòng ông chủ.

Cô ấy lại kể tiếp cho tôi nghe, "Hôm ba em chở em và Sam trở lại ông bác sĩ thú y năm ngoái. Ông bác sĩ không thể nào ngờ được là em ẵm nó trên tay em, chẳng chuồng sắt chuồng kẽm gì nữa. Ông xoa đầu em như công nhận một thành tích ít ai làm được sau khi ông khám bệnh cho Sam. Ông khen nó ngoan lắm! Nhưng kết luận của ông ngược với năm ngoái là ông muốn hủy bỏ nó vì hết khả năng thuần dưỡng; năm nay ông muốn cứu nó thì gan của nó đã bị nhiễm nặng một loại vi khuẩn do không chăm nuôi tử tế từ nhỏ. Theo ông bác sĩ, nó sống thêm giây phút nào là sống trong đau đớn giây phút đó vì lá gan của nó đã như cái rổ do vi khuẩn đục khoét...

"Chia buồn với em. Cảm ơn em đã kể cho anh nghe một câu chuyện cảm động về một con mèo. Dù anh cũng là người ghét mèo... chắc chỉ thua ba em."

Anh biết không? Chuyện con mèo hoang của em lúc nhỏ, em không hiểu gì hơn là sự ham thích được như bạn bè. Nhưng không lâu sau khi con Sam chết. Một hôm em cũng ngồi nhìn ra cửa sổ như mong nó trở về. Chắc ba em hiểu nên ông đến đứng sau lưng em, đặt hai bàn tay lên hai vai em. Ba em chưa (hay ít nhất là lần đầu thể hiện tình cảm với con cái, nhất là con gái kiểu đó). Ba nói,

"con nhớ Sam lắm phải không?"

"Dạ ba..."

"... Ba sẽ mua cho con một con mèo khác. Đừng buồn bã để ảnh hưởng tới việc học hành và sức khoẻ của con..."

"Con cám ơn ba. Con mang ơn ba... Em sổ một tràng nịnh bợ vì nằm mơ cũng không dám mơ được con mèo khác. Nhưng ba em hôm đó như một người khác, bao nghiêm nghị, ít nói của ông tan biến đi đâu... Ba nhìn thẳng vào mặt em. Hai tay ông đã kềm gương mặt em lại thì em nhúc nhích đi đâu được. Ông nói, Con cảm ơn ba, con mang ơn ba... nhiều tới bây giờ ba không nhớ hết được là con đã cảm ơn ba những việc gì, mang ơn ba bao nhiêu lần... Lần này, ba muốn con trả ơn chứ không mang ơn nữa...!

Em nhớ hai mắt ba em nheo nheo thách thức - làm xung thiên em nổi lên. Em nói, Ba nói đi. Con làm được là làm liền điều ba muốn để trả ơn ba...

"Dễ lắm con gái cưng của ba. Em, mười sáu tuổi rồi, lần đầu nghe được năm chữ: con gái cưng của ba. Em nghẹt thở vì sung sướng trước người cha không biết cười, không biết gì hơn giờ giấc... là tất cả đời ông. Những lời ba em nói đã muôn đời ở lại trong em, Ba mẹ là người Việt, sao con cứ nói tiếng Anh với ba mẹ. Trong khi con mèo Sam của con là con mèo Mỹ thì con lại nói tiếng Việt với nó, lại rất dễ thương..."

Anh biết không? Em nói tiếng Việt từ đó. Hoàn toàn tiếng Việt trong nhà. Tới khi đủ tự tin thì nói tiếng Việt khi sang nhà nội, nhà ngoại. Tự tin hơn, em nói tiếng Việt khi đi chợ Việt, vô tiệm phở Việt... Nhưng tới khi con em đi mẫu giáo được một tháng thôi. Chiều về tới nhà là nói tiếng Anh liên tu bất tận với em. Em ngồi thừ ra hàng giờ để thấm thía tình thương và tấm lòng của ba em. Không có ba em, em không nói tiếng Việt đâu.

... đến hôm ba em đi mổ sạn thận. Em vô thăm trái giờ nên chỉ có hai mẹ con em với ông ngoại. Ba nhìn thằng cháu ngoại ngủ trên giường ông ngoại trong bệnh viện. Em biết ba nghĩ gì nên nói, "con không để cho nó không biết tiếng Việt đâu. Ba đừng có lo." Ba em cười mãn nguyện mới thấy ông đã già. Em thì khóc thay lời cảm ơn chân thành là nhờ ba - em còn nói tiếng Việt. Anh biết ba em nói gì không, "Ba cũng cảm ơn con là sau khi ba hứa mua cho con con mèo khác, con vui mừng tuổi nhỏ. Nhưng chỉ qua đêm, con đã dứt khoát từ chối. Ba biết con đã trưởng thành, biết suy nghĩ tới người khác và hoàn cảnh gia đình..."

Mà đúng là em thay đổi sau cái chết của con Sam. Nói bao nhiêu cho hết tuổi dậy thì như hôm mưa ngày nắng của tuổi dậy thì con gái. Em chỉ hỏi ba em điều ấp ủ từ khi còn nhỏ tới lúc đã có chồng con, "Sao ba ghét mèo nhất trên đời mà ba lại cho con nuôi con Sam, ba tốn biết bao nhiêu tiền trong lúc hoàn cảnh gia đình khó khăn... Con Sam chết, ba lại hứa mua cho con con mèo khác?"

Ba em ấp úng... "thì khi nào đó trong đời, con sẽ hiểu ra tình thương là chấp nhận cả cái mình ghét để người được mình thương vui vẻ hơn...."

Thôi. Về.

Nói quá, anh buồn lây..."

Cô ấy thu dọn về dễ dàng, chỉ dẹp mấy món đồ tools vô học tủ. Nhưng vụng về thu lại giọt nước mắt thương cha. Tôi thì như người mới tỉnh ra. Cõi phiền vẫn lưa thưa những người cô đơn vì trót mang phải trái tim con người. Hy vọng họ không bị tuyệt chủng trong dòng đời nghiệt ngã hôm nay. Tôi mới là kẻ chạy trốn. Cô ấy bình thường hơn cả tôi, nhưng lại là người dám đương đầu với giả dối để giữ gìn nhân tánh thật của con người trên đường tuyệt chủng.

Phan

Ý kiến bạn đọc
30/06/201602:24:52
Khách
Kể chuyện con mèo hay quá!
29/06/201621:25:22
Khách
Hay, cảm động vì là chuyện thật
29/06/201617:01:11
Khách
Người Mỹ thường nói những câu như : "Tương lai khó đoán trước được". "Cuộc đời đầy những sự ngạc nhiên " . " Bạn đừng luôn cảm thấy tuyệt vọng, bởi vì có khi những tình huống khó khăn lại dẫn đến những kết cục tốt " ......
29/06/201608:51:13
Khách
Hay quá tác giả ơi! Tôi là người lúc trước phê bình anh về vụ anh nói phi hành gia trên không gian có thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành đó - Bài viết Bức Tường. Điều này có nghĩa là luôn đọc các bài của anh, và rất thằng thắn khi chia sẻ cảm tưởng đến tác giả. Bài này tôi đã đọc một mạch với sự cảm xúc trên từng giòng chữ và cảm phục tài viết của tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Như mọi năm, báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút được nhiều độc giả yêu mến.
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuiất 2018.
Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả có nhiều bài viết đạt số lượng người đọc, trên dưới một triệu.
Nhạc sĩ Cung Tiến