Hôm nay,  

Hành Trình Văn Hóa tại UC Irvine

06/06/201621:50:00(Xem: 8748)

Tác giả: Trần C. Trí
Bài số 3839-17-30339-vb30607166

Người viết là một cựu sinh viên tại UC Irvine, tốt nghiệp với bằng cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha. Sau năm năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ để trở thành người đầu tiên giảng dạy lúc chương trình tiếng Việt vừa chính thức bắt đầu.

* * *

blank
Bộ sách giáo khoa tiếng Việt của Tri C. Tran và MinhTam Tran, mỗi cuốn đều mang những đặc điểm độc đáo và có tính bổ sung cho nhau. CHÀO BẠN! có riêng một cuốn giáo khoa và một cuốn bài tập, số chương sách thích hợp cho chương trình học theo quarter (10 tuần). HÀNH TRANG NGÔN NGỮ lại phù hợp với chương trình năm thứ nhất trong hệ thống semester (16 tuần). NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ tiếp tục mở rộng kiến thức tiếng Việt cho sinh viên năm thứ hai qua những chủ đề văn hoá phong phú, trong khi HÀNH TRÌNH VĂN HOÁ đưa người học vào một chuyến đi thú vị đến một số thành phố lớn ở Việt Nam, giới thiệu nét văn hoá địa phương, qua đó nâng cao kiến thức tiếng Việt.

Năm 2015 là năm trường UC Irvine tưng bừng kỷ niệm 50 năm thành lập trường, kể từ lúc công ty Irvine bán cho chính quyền California 400 hecta đất với giá tượng trưng là 1 đô-la để thành lập khuôn viên thứ tám trong hệ thống đại học công lập California (University of California).

Kể từ năm 2000, khởi sự cùng lúc với một thiên niên kỷ mới, các lớp tiếng Việt cũng đã được tổ chức tại UC Irvine. Năm nay vừa đúng 15 năm.

Trước khi nhìn lại chặng đường 15 năm này, xin điểm qua một số chương trình tiếng Việt ở nhiều đại học lớn tại Hoa Kỳ nói chung và ở California nói riêng.

Tại miền Đông Hoa Kỳ, các đại học nổi tiếng như Cornell, Harvard và Yale đều có chương trình tiếng Việt. Một số trường ở những tiểu bang như Arizona, Florida, Oregon, Texas, v.v. cũng giảng dạy tiếng Việt ở nhiều mức độ khác nhau.

Tại California, những đại học thuộc hệ thống UC như Berkeley, UCLA, UC Riverside, UC San Diego, hay thuộc hệ thống CSU (Calfornia State University) như Cal State Long Beach, Cal State Fullerton, cùng những trường trong hệ thống đại học cộng đồng (community colleges) như Long Beach City College, Orange Coast College, Coastline College, Santa Ana College, Golden West College, v.v. tiếng Việt cũng đều hãnh diện có mặt ngang hàng với những ngoại ngữ khác như Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hàn, Hoa, Tây-Ban-Nha, Bồ-Đào-Nha, v.v.

Hai học khu trung học tại Orange County là Garden Grove và Westminster cũng đã có các lớp tiếng Việt từ nhiều năm nay.

Năm 2015 cũng là năm khởi đầu của các lớp song ngữ Anh-Việt ở ở một số trường bậc tiểu học.

Thống kê mới nhất cho biết hiện nay có gần hai triệu người Việt đang sinh sống tại khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Ở California, tiếng Việt là ngoại ngữ đứng hàng thứ nhì sau tiếng Tây-Ban-Nha của các cộng đồng gốc Châu Mỹ La-Tinh.

Riêng tại UC Irvine, cuộc hành trình trong 15 năm qua cũng chẳng khác gì hành trình của một người qua những năm tháng dài, cũng có thăng có trầm, có những niềm vui và những nỗi buồn. Nếu tính cả thời gian tiếng Việt được vận động để đưa vào giảng dạy thì lịch sử của chương trình phải đến khoảng 25 năm. Trong suốt hơn mười năm trời, nhiều nhà giáo dục, một số vị dân cử hay nhân sĩ trong cộng đồng cùng với nhiều sinh viên UC Irvine lúc bấy giờ đã đấu tranh không mệt mỏi để tiếng Việt được có mặt tại đại học này ngày hôm nay. Trong số những nhà tranh đấu đó không thể không nhắc đến GS Phạm Cao Dương (Tiến sĩ Sử học tại đại học Sorbonne), vốn đã giảng dạy các lớp Lịch sử và Vienamese Experience trong Khoa Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á (Asian American Studies) tại đại học này.

Xin mượn bài báo này để gởi lời tri ân đến tất cả những vị có lòng với ngôn ngữ và văn hoá Việt.

Trước khi trở thành một chương trình chính thức tại UC Irvine, một số lớp tiếng Việt đã được giảng dạy trong mùa hè (do GS Phạm Tín, cựu giảng viên tại UCLA, phụ trách).

Thoạt đầu, chương trình tiếng Việt thuộc về Khoa Ngôn Ngữ và Văn Chương Đông Á (East Asian Languages and Literatures/EALL), bên cạnh ba thứ tiếng khác là tiếng Hàn, tiếng Hoa và tiếng Nhật. Chương trình tiếng Việt có một bắt đầu cũng không được suông sẻ cho lắm. Trước hết là vì Khoa EALL nhận tiếng Việt vào một cách miễn cưỡng, với lập luận rằng ba thứ tiếng kia thuộc vùng Đông Á, trong khi tiếng Việt lại thuộc vùng Đông Nam Á. Lập luận thứ hai của họ là, trong khi ba thứ tiếng kia đã ổn định với các chương trình cấp bằng cử nhân (bachelors), cao học (masters) và tiến sĩ (doctorate), thì tiếng Việt bước vào chỉ với tư cách là các lớp dạy ngôn ngữ, không đưa đến một bằng cấp nào, ngoài nhiệm vụ là cung cấp các lớp để sinh viên đáp ứng đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ trong bốn học kỳ (đối với sinh viên các ngành ngoài ngành văn khoa/humanities) hay hai năm/sáu học kỳ (đối với sinh viên các ngành văn khoa). Khoa EALL ra một kỳ hạn với ban quản trị trường là phải nâng chương trình tiếng Việt lên cho ngang hàng với ba thứ tiếng kia, nếu không họ sẽ không chấp nhận cho chương trình tiếng Việt nằm trong khoa nữa.

Mặc những khó khăn ban đầu, chương trình tiếng Việt cũng khởi sắc khá nhanh. Từ lúc bắt đầu với các lớp năm thứ nhất (1A, B, C) và năm thứ hai (2A, B, C), khoa đã nhanh chóng tuyển thêm một giảng viên mới (GS Trần Minh-Tâm, hiện đang giảng dạy tại Golden West College) để phụ trách thêm một số lớp ở hai năm đầu và đồng thời bắt đầu các lớp năm thứ ba (3A, B, C).

Tiếp đó, với sự hỗ trợ tích cực của vị trưởng khoa mới rất có lòng với chương trình tiếng Việt là GS Michael Fuller (tiến sĩ văn chương Trung Hoa, Ph.D., Yale University), chúng tôi dự thảo một số lớp học cấp cao mới (upper-division)—và được chấp thuận để giảng dạy—là Văn Chương Việt Nam Nhập Môn, Ngôn Ngữ Học Tiếng Việt Nhập Môn và Văn Chương Việt Nam Dịch Sang Tiếng Anh. Đặc biệt, các lớp văn chương giảng dạy bằng tiếng Anh lần lượt giới thiệu truyện Kiều (qua bản dịch của GS Huỳnh Sanh Thông), truyện ngắn (của Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Thị Vinh, Nhật Tiến, Võ Phiến, Duyên Anh, Lê Tất Điều, qua bản dịch của James Banarian), và một số truyện ngắn được viết thẳng bằng tiếng Anh của các cây viết trẻ gốc Việt lớn lên ở hải ngoại như Amy Phan, Nam Lê, Nguyễn Đức Minh, Đào Strom, v.v.

Với nhiều lớp cũ và mới cần giảng dạy cùng lúc, khoa lại tuyển thêm một giảng viên nữa là GS Trần Ngọc Dụng (hiện giảng dạy tại Coastline College và đồng thời là trưởng ban dịch thuật tại học khu Garden Grove). Cùng lúc đó, chương trình tiếng Việt hướng tới việc chuẩn bị thành lập tiếng Việt là ngành phụ (minor of study)—một bước để tiến đến việc thành lập chương trình cấp bằng cử nhân. Chương trình ngành phụ tiếng Việt dự định sẽ kết hợp với các khoa có liên quan đến nội dung học trong trường như Asian American Studies và History để tổng hợp các lớp cần thiết cho một ngành phụ (thường là các lớp ngôn ngữ cấp thấp và sáu lớp cấp cao). Một số cuộc gặp gỡ đã diễn ra giữa chúng tôi trong chương trình tiếng Việt và một số giáo sư trong hai khoa Asian American Studies (GS Linda Trinh Võ, Ph.D., UC San Diego) và khoa History (GS Charles Wheeler, Ph.D., Yale University) để tìm hiểu những việc cần làm và xúc tiến những bước ban đầu.

Rất tiếc công việc chưa đi đến đâu thì GS Wheeler (một chuyên gia về lịch sử Đông Nam Á và Việt Nam) rời UCI để nhận một chức vụ mới tại University of Hong Kong vào năm 2009.

Thế rồi chương trình tiếng Việt chính thức bị đưa ra khỏi Khoa Đông Á vì "đã không hoàn thành nhiệm vụ nâng lên thành một chương trình cấp bằng cử nhân". Một chương trình độc lập mới về giảng dạy ngôn ngữ được thành lập gọi là Chương Trình Học Ngôn Ngữ Thuộc Ngành Văn Khoa (Humanities Language Learning Program/HLLP) để hội tụ những ngôn ngữ "không nơi trú ẩn" là tiếng Nga, tiếng Á-Rập, tiếng Ba-Tư, tiếng Do-Thái và tiếng Việt, với GS Glenn Levine (giáo sư tiếng Đức, Ph.D., University of Texas, Austin) được bổ nhiệm làm giám đốc.

Được một điều an ủi là dù nhiều trì trệ, trong bốn thứ tiếng thuộc HLLP, các lớp tiếng Việt có sĩ số sinh viên cao nhất. Trong khoá học mùa Thu năm nay chẳng hạn, lớp tiếng Việt 1A có 36 sinh viên, con số được đặc cách vì bình thường tối đa chỉ nhận 30 sinh viên. Những lớp khác cùng trình độ của tiếng Á-Rập, Ba-Tư và Do Thái chỉ vào khoảng 15 đến 20 sinh viên là nhiều.

Mặt khác, hằng năm, cứ vào dịp Tết Âm lịch, tiếng Việt vẫn còn mối liên lạc văn hoá với tiếng Hàn, tiếng Hoa và tiếng Nhật qua việc tiếp tục tổ chức chung một lễ hội bỏ túi truyền thống gọi là LunarFest, trong đó mỗi thứ tiếng phụ trách hai, ba bàn tại một gian phòng lớn trong khuôn viên đại học, trưng bày và cho các sinh viên trong các lớp ngôn ngữ có dịp làm quen và thực tập những hoạt động văn hoá cổ truyền của từng quốc gia vào dịp năm mới. Từ từ từng bước một, tiếng Việt và ba thứ tiếng kia mở rộng dần tầm hoạt động.

Trong ba năm vừa qua, chương trình HLLP đã có những phát triển đáng kể. Ngoài các lớp ngôn ngữ căn bản, chương trình còn có những lớp dạy về văn hoá mang số hiệu 50 và 51 (cao hơn các lớp ngôn ngữ thuộc lower-division nhưng vẫn còn thấp hơn các lớp mang số hiệu 100 trở lên là upper-division). Lớp tiếng Việt số 50 đang trong giai đoạn đệ trình dự thảo chương trình học để được chấp thuận cho giảng dạy vào khoá học mùa Thu 2016. Bên cạnh đó, mỗi thứ tiếng còn có thêm một loại lớp mới, đặc biệt nữa gọi là các lớp "dìu dắt" (Mentorship classes), trong đó các "lớp"— thật ra là từng nhóm nhỏ—bao gồm một "nhà dìu dắt" (mentor, vốn là sinh viên thông thạo tiếng Việt) và nhiều học viên (mentees), cùng gặp gỡ một tuần một lần để trau dồi tiếng Việt và văn hoá Việt qua nhiều hoạt động mà các sinh viên đó tự đặt ra như cùng xem phim, cùng đọc sách hay đi mua sắm, ăn uống ở những khu Việt Nam trong vùng. Mỗi tuần, các "nhà dìu dắt" viết một bản tường trình cho giáo sư hướng dẫn biết về hoạt động và tiến triển của nhóm mình.


Qua những năm tháng đầy biến động, dần dà các lớp tiếng Việt mới lấy lại đà để tiến về phía trước. Năm nay là năm đầu tiên, lớp tiếng Việt 150 được giảng dạy trở lại sau nhiều năm gián đoạn. Đây là lớp dạy truyện ngắn Việt Nam được dịch ra tiếng Việt như nhiều năm trước, có phần sửa chữa và bổ sung. Lớp học đã mời nhà văn Nhã Ca, một trong những tác giả có truyện ngắn được giới thiệu trong khoá học, đến nói chuyện với sinh viên về truyện ngắn" Truyện cho những tình nhân" của bà và về biến cố Mậu Thân 1968 mà bà là một trong những chứng nhân trực tiếp.

Trong thời gian giảng dạy vừa qua, từ 2004 đến 2014, những lớp tiếng Việt chính là nguồn cảm hứng cho chúng tôi (GS Trần Minh-Tâm và người viết bài) cùng hợp soạn ra bốn cuốn sách giáo khoa tiếng Việt ở trình độ năm thứ nhất và năm thứ hai đại học là Chào Bạn! (University Press of America, 2006), Ngôn Ngữ và Văn Hoá (CLMER/Center for Language Minority Education and Research, California State University, Long Beach, 2008), Hành Trang Ngôn Ngữ (University Press of America, 2014) và Hành Trình Văn Hoá (University Press of America, 2014). Đồng nghiệp và đồng tác giả với người viết bài này lúc đó là GS Trần Minh Tâm, có bằng cao học về Ngôn ngữ học tại Cal State Fullerton và bằng tiến sĩ về ngành giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (TESOL) tại trường Alliant International University.

Được biết ở California, ngoài UC Irvine, còn có các trường sau đây dùng một hay nhiều cuốn trong bộ sách của chúng tôi: UCLA, Cal State Long Beach, Cal State Fullerton, Long Beach City College, Golden West College, học khu Garden Grove và học khu Westminster. Đặc biệt, cuốn Hành Trang Ngôn Ngữ còn được giáo sư/mục sư Lâm Lý Trí giới thiệu cho giáo dân người Mỹ dùng để học tiếng Việt ở nhà thờ Refuge Calvary Chapel ở Huntington Beach.

Các lớp tiếng Việt tại UC Irvine vẫn luôn có những mối liên lạc đối với nhiều nhân vật và tổ chức trong trường. Chẳng hạn như GS/Tiến sĩ Linda Trinh Võ của Khoa Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á (Department of Asian American Studies) là một trong những người luôn ủng hộ chương trình tiếng Việt và những hoạt động của chương trình này.

Tiến Sĩ Linda Trinh Võ còn có một mối quan hệ đặc biệt với cộng đồng người Việt chúng ta qua nhiều sinh hoạt học thuật và xã hội có ý nghĩa, nhất là những hoạt động gần đây. Một trong những thành tựu đó là Dự án Lịch Sử Truyền Khẩu Của Người Mỹ Gốc Việt (The Vietnamese American Oral History Project—VAOHP), được thành lập vào năm 2011, trực thuộc Khoa Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á (Department of Asian American Studies) tại UC Irvine. Tiến sĩ Linda Trinh Võ là Giám Đốc và cô Trâm Lê là Giám Đốc Cộng Sự của VAOHP. Nhiệm vụ của hai vị này là thu thập, gìn giữ và lưu truyền những kinh nghiệm sống động của người Mỹ gốc Việt ở vùng Nam California. Họ đã thu thập hơn 350 cuộc phỏng vấn trực tiếp như vậy, trong đó 155 bài phỏng vấn đã được đưa lên mạng, bao gồm những phần ghi âm, ghi hình, hình ảnh, tài liệu, bản thảo của các cuộc phỏng vấn và phần dịch thuật.

Dùng hình ảnh và những câu chuyện thu thập được qua VAOHP, tiến sĩ Linda Trinh Võ và Giám Đốc Cộng Sự Trâm Lê, cùng tiến sĩ Thuý Võ Đặng, Chuyên Viên Văn Khố của Trung Tâm Văn Khố Đông Nam Á và Orange County (OC & SEAA) tại UC Irvine, là đồng tác giả của cuốn sách lịch sử bằng hình ảnh có nhan đề Vietnamese in Orange County (tạm dịch: Người Việt ở Quận Cam), xuất bản năm 2015.

Phối hợp với Công Ty Điều Hành Công Viên Quận Cam (OC Parks), tiến sĩ Linda Trinh Võ và Giám Đốc Cộng Sự Trâm Lê là đồng giám tuyển (co-curators) của chương trình VIETNAMESE FOCUS: Generations of Stories (tạm dịch: TÂM ĐIỂM NGƯỜI VIỆT: Những Câu Chuyện Qua Nhiều Thế Hệ), một cuộc triển lãm về nghệ thuật và lịch sử tại Toà Án Cũ ở Santa Ana (Old Courthouse), kéo dài đến tháng Hai, 2016.

Cuộc triển lãm vào cửa miễn phí này giới thiệu lịch sử 40 năm phát triển của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam, bao gồm hình ảnh, tài liệu, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật nguyên bản và lịch sử truyền khẩu. Cô Linda Trinh Võ và cô Trâm Lê cho rằng việc sưu tập những câu chuyện phong phú và đa dạng cũng như sự phát triển của cộng đồng theo nhãn quan của những người đã sống qua giai đoạn lịch sử này là một sứ mạng quan trọng.

Người Việt gốc Mỹ đã và đang có những đóng góp lớn lao đối với Quận Cam cũng như đối với lịch sử Hoa Kỳ. Vì thế hai vị đồng giám tuyển muốn được thấy điều này được đưa vào chương trình học một cách xác thực, cũng như được trao truyền lại cho thế hệ con cháu chúng ta. VAOHP là một chương trình bất vụ lợi, được khởi đầu bằng quỹ đóng góp của tư nhân, vì vậy để duy trì và tiếp nối chương trình này, việc gây quỹ thêm vẫn rất cần thiết. Quý vị có thể liên lạc với tiến sĩ Linda Trinh Võ và Giám Đốc Cộng Sự Trâm Lê nếu có ý muốn câu chuyện của mình được thu âm hay muốn giúp đỡ và bảo trợ chương trình này.

Cô Trâm Lê cũng là người đang trực tiếp cộng tác với chương trình tiếng Việt tại UC Irvine. Cô Trâm Lê có bẳng cao học (M.A.) về ngành Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á (Asian American Studies) tại UCLA. Ngoài việc phụ trách chương trình VAOHP kể trên, cô Trâm Lê còn giảng dạy một số lớp trong khoa Asian American Studies tại UC Irvine.

Cô Trâm Lê và người viết bài này đang hoàn thành một cuốn sách song ngữ Anh-Việt về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, sẽ được một nhà xuất bản Mỹ ấn hành vào giữa năm 2016 sắp đến.

*

Nói đến chuyện giảng dạy tiếng Việt tại UC Irvine mà không nhắc đến chuyện học tiếng Việt ở đại học này thì thật là một thiếu sót lớn.

Lúc người viết bài bắt đầu các lớp tiếng Việt tại đây vào năm 2000 thì các em sinh viên theo học, ngay cả trong những lớp bắt đầu cũng khá rành tiếng Việt rồi. Các em học là để trau dồi thêm về chính tả và ngữ vựng, văn phạm và văn hoá.

Càng về sau này, các em sinh viên gốc Việt càng biết ít tiếng Việt đi so với những đợt sinh viên đầu tiên. Có cả những em hoàn toàn không nói tiếng Việt, học tiếng Việt không khác gì học một ngoại ngữ. Ngược lại, trong thời gian gần đây cũng có nhiều sinh viên từ Việt Nam mới qua, nói tiếng Việt hết sức trôi chảy. Điều này làm cho những thầy cô giảng dạy lấy làm khó xử, nhất là trong các lớp năm thứ hai. Rất khó mà làm cho một lớp có hẳn hai trình độ thật chênh lệch như vậy. Vì thế chúng tôi phải xếp các em giỏi ngồi gần để giúp đỡ các em còn yếu. Phần chúng tôi là người giảng dạy phải dùng nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh để cả lớp có thể cùng theo dõi. Lúc cần có thể dạy thêm về nghĩa sâu xa của từ ngữ và thêm phần văn hoá cho các em giỏi vẫn thấy mình có thể học hỏi thêm, mà nhiều khi cũng phải đi chậm rãi cho các em yếu theo kịp.

Trong mười mấy năm qua, mặc dù các lớp sinh viên Việt Nam có khác nhau về trình độ tiếng Việt, đặc biệt có một nét chung mà các em không hề thay đổi: Đó là tính cần cù, siêng học của học trò Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, dù lớn lên ở đất nước Hoa Kỳ này, phần lớn các em vẫn giữ được tinh thần tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống của chúng ta. Nhiều em sinh viên ra trường đã năm, sáu năm vẫn còn liên lạc với chúng tôi. Một điều không thấy được ở đa số sinh viên khác. Xin gởi một đoá hồng tri ân đến những bậc phụ huynh Việt Nam đã giúp các em giữ được một nét đẹp đáng quý của nền văn hoá nước nhà.

Đa số các em sinh viên Việt Nam trong lớp chúng tôi mang cả hai nét đẹp của hai nền văn hoá pha trộn lại: Từ lối sống Mỹ, các em đã học được tính lanh lợi, tự tin, hoạt bát; còn từ văn hoá Việt Nam do cha mẹ truyền lại, các em vẫn lễ phép, ngoan ngoãn, tràn đầy tình cảm với thầy cô và bạn bè. Chúng tôi rất hãnh diện được thấy một thế hệ Việt Nam trẻ tuổi đang trưởng thành ở xứ người với nhiều ưu điểm mà chỉ có một xã hội dân chủ và tự do mới có thể un đúc nên được. Chỉ mong sao lớp trẻ này, với tài đức do trường lớp đào tạo mà nên, sẽ làm được nhiều điều hay đẹp cho một nước Việt Nam dân chủ trong một ngày gần đây.

Nhìn chung, các lớp tiếng Việt ngày nay tại UC Irvine tương đối mạnh về mặt sĩ số, cùng một vài hứa hẹn được mở rộng thêm chương trình với những lớp mới. Mong trong tường lai, địa vị của chương trình sẽ còn được nâng lên thêm một tầm cao hơn.

Nhìn sang một số trường trong vùng, chúng ta có thể thấy vị trí của tiếng Việt. Ở trường Golden West College, Khoa Ngoại Ngữ vừa có một chức vụ giáo sư ngạch trật (tenure-track position) được vài năm nay cho chương trình tiếng Việt. Đáng lạc quan hơn nữa, tại Đại Học Cal State Fullerton, Khoa Ngôn Ngữ và Văn Chương Hiện Đại (Department of Modern Languages and Literatures) dự định sẽ chính thức có chương trình cử nhân Việt Học (Bachelors degree in Vietnamese Studies) vào mùa Thu 2016 sắp tới và đang trong giai đoạn tuyển dụng một số trợ lý giáo sư (assistant professors) và giáo sư cộng sự (associate professors).

Hy vọng rằng năm mới và những năm kế tiếp sẽ mang lại nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp, không những trong việc giảng dạy, học hành, phổ biến và gìn giữ ngôn ngữ và văn hoá Việt, mà còn trong nhiều lãnh vực khác có liên quan đến sự phát triển của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, và nhất là mong một tương lai dân chủ tươi sáng cho đồng bào quốc nội.

Trần C. Trí

University of California, Irvine

Ý kiến bạn đọc
08/06/201618:41:39
Khách
Và quý vị giáo sư cũng đừng quên ấn hành số lượng sách dư ra một chút để gửi về VN dùng làm tài liệu giáo huấn và làm quà cho "các khỉ Đột" trong Bộ Chính Trị vì tối ngày chỉ biết Thức với Ngủ. Người đọc xin trân trọng cám ơn trước.
08/06/201600:57:36
Khách
Xin cảm on quý vị giáo sư dã tranh đấu, cố gắng làm cho tiếng Việt có măt trong các trường Đại Hoc. Chúng tôi muốn có nhung bộ sách dạy tiếng Việt để làm tài liệu dạy tiếng Việt cho Cộng Đồng V.N. ở dây, xin cho biết chúng tôi có thể mua ở đâu, hoăc có thể mua giùm.Xin cảm ơn.
07/06/201608:23:54
Khách
Kính gửi đến các Thầy Cô giáo dạy tiếng Việt tại các trường đại học , quý vị đã làm một công việc hết sức quan trọng và cao quý đó là bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa tiếng Việt trước 75 cho thế hệ con em chúng ta.
Quý vị đã không để cho các "cán bộ văn hóa" việt cộng len lỏi, xâm nhập vào các trường đại học để truyền bá thứ ngôn ngữ tiếng Việt chúng đang dùng trong nước.
Cám ơn quý vị
07/06/201608:15:20
Khách
tiêng Việt-đai học Fullerton
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến